Sáng hôm sau, quan Án dậy sớm khăn áo chỉnh tề rồi đi sang tòa hình làm việc. Quan cho đòi tên nông phu bị đánh hôm qua ra lấy khẩu cung. Quan giận lắm, cả đêm không ngủ được, quyết tìm cho ra manh mối để trị bọn chánh Hàm. Nhưng tên nông phu chỉ khai mình bị đánh, chứ không nhận ra được mặt mày bọn hành hung. Do đó, vụ án vẫn bế tắc ngang đấy.
Trong khi ấy, ở tư dinh, bà Án vẫn còn nằm nghỉ trong phòng chưa dậy. Sau một đêm mất ngủ, mộng mị và lo sợ, bà Án nghe trong mình mệt nhọc lạ thường. Nhưng điều bà phân vân nhất là không biết mình đã nằm mộng hay thấy cô gái thật trong đêm qua. Nhưng dù mộng hay thực, câu chuyện hôm qua đã làm cho bà lo phiền nhiều. Bà không ngờ vụ án tưởng đã êm xuôi, lại trở thành phức tạp. Bốn thoi vàng của bà huyện Minh không dễ nuốt như bà tưởng. Nếu câu chuyện hồi hôm mà thật có như vậy, thì bà cần phải suy xét lại dự mưu của mình. Nhưng bà nghĩ: có lẽ vì mình suy nghĩ nhiều đến vụ án và nhất là vụ tên nông phu bị đánh hồi hôm đến kêu cứu làm cho mình mộng mị như vậy, chứ không chắc có thật. Nhưng dù sao đi nữa, thì bà cũng cần xét lại việc làm của mình. Nhất là khuya hôm qua, khi bà thắp đèn nhìn ra ngoài, bà đã giựt mình khi nhìn lên bức hoành phi ghi khắc "bài học ngàn vàng".
Mặc dù chưa biết thực hư ra sao, ba vẫn đoán biết là chắc chắn có sự mờ ám trong vụ án. Không mờ ám thì ai dại gì đem hối lộ đến bốn thoi vàng? Mà đã bỏ ra một số vàng nhiều như vậy, chắc chắn là tội ác của lão chánh Hàm không phải nhỏ. Chừng ấy mà suy ra, vụ án chắc còn nhiều điều ám muội khác. Nếu không kịp khám phá, thì chắc chắn tên chánh Hàm sẽ còn làm tới để che giấu tội ác. Nó bắt đầu mưu sát tên nông phu, chồng chưa cưới của thị Nguyệt rồi đây nó sẽ tiếp tục mưu sát cha mẹ Thị Nguyệt để không còn ai dám tố cáo nó nữa. Án mạng sẽ chồng chất thêm án mạng, oan báo sẽ chồng chất thêm oan báo. Tên chánh Hàm mà không sớm bị trừng tri, thì làng nước sẽ không thể sống yên ổn với hắn được.
Về phần gia đình ông bà Án, nếu nhận bốn thoi vàng hối lộ thì từ đây thanh danh gia đình bà hơn hai mươi năm được tiếng tốt sẽ bị mai một. Và nếu vụ án vỡ lỡ ra, triều đình biết được thì sự nghiệp của quan Án sẽ tiêu tan, chưa chắc còn bị tù tội nữa. Mà dù vụ án có ém nhẹm được, thì oan hồn Thị Nguyệt cũng không thể cho ông bà sống yên ổn. Bà thường nghe âm báo, làm cho cả dòng họ bị điêu đứng, cất đầu lên không nổi, con cái bị tàn mạt, chắc là do những vụ án như thế này. Bà lo sợ nhất là cứ mỗi đêm những cảnh tượng oan hồn trở về khuấy rầy bà như hồi hôm, thì chắc là bà không thể sống lâu được, và nếu có sống thì cũng trở thành khùng điên mất.
Trong khi bà đang suy tính như vậy thì bà huyện Minh đến thăm, đang đợi ở nhà ngoài. Lần này bà huyện đem theo một khay trà 6 lon, có lẽ mỗi lon đều có một thoi vàng.
Sỡ dĩ bà huyện gấp rút đến thăm bà Án và đem 6 hộp trà nữa là vì được tin đoàn giám sát đang đi điều tra ở huyện bà. Và có lẽ vì vụ tên nông phu, chồng chưa cưới của Thị Nguyệt bị ám hại hồi hôm.
Bà Án bối rối không biết phải xử trí như thế nào. Bà muốn trả lại 4 lon trà thì không có đủ 4 thoi vàng để trả; mà nín luôn thì phải làm thỏa mãn lời yêu cầu của bà huyện, nhưng lời yêu cầu ấy, bây giờ bà chắc chắn không làm thỏa mãn được. Thực là tấn thối lưỡng nan. Cuối cùng bà tìm kế hoãn binh bằng cách cho người ra nói với bà huyện là bà đi vắng.
Bà huyện buồn bã ra về, có chiều thất vọng. Bà đoán biết là bà Án có ở trong phòng, nhưng không muốn tiếp mình. Sự kiện ấy làm bà huyện càng lo sợ công việc không thành. Bà huyện sang thăm bà Tổng trấn để cầu cứu bà này giúp sức.
Khoảng một giờ sau, bà Tổng trấn sang thăm bà Án. Bà Án không thể lẫn tránh được, buộc lòng phải ra tiếp. Sau một hồi hàn huyên, bà Tổng trấn đột ngột khen:
- Trà ngon quá! Trà này bà mua ở đâu chứ ở đây làm gì có bán? Chắc là bà mua ở Kinh về.
Bà Án bình tĩnh trả lời:
- Dạ trà này ở đây vẫn có bán. Ông tôi chỉ quen uống thứ trà này đã mấy năm.
Bà Tổng trấn châm chọc:
- Thế mà tôi cứ tưởng là của bà huyện mua ở Kinh về biếu.
Bà Án không phải tay vừa, trả lời ngay:
- Dạ, trà của bà huyện cho; ông tôi uống không quen, nên tôi vẫn còn để đó, đợi bà huyện đến sẽ trả lại.
Bà Tổng trrấn thấy bà Án có vẻ găng, sợ lỡ việc, nên đấu dịu:
- Quan Án không quen dùng thì để đó, bà dùng, chứ trả đi trả lại làm gì cho mất lòng.
- Dạ thưa, trước tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng suy đi tính lại thấy trà quý quá, uống sợ lỡ quen, sau này thành nghiện không có đủ tiền mua.
Bà tổng trấn giả lả:
- Bà Án mà không đủ tiền mua trà thì hãng trà bán cho ai?
- Dạ thưa quả thật như vậy đó.
Bà Tổng trấn nửa đùa nửa thật:
- Thật không? Nếu thật, thì để tôi biếu cho.
- Dạ không dám!
- Có gì mà không dám! Chị em mình giúp nhau chút đỉnh, chứ ai vào đó mà ngại?
Bà Án nói bóng gió:
- Dạ tôi không dám phụ lòng tốt cụ bà, nhưng chỉ sợ chúng ta uống trà ngon quá, thì dân nghèo thêm khổ.
Bà Tổng trấn giận đỏ mặt, rũ áo đứng dậy ra về. Ra đến cửa, bà đãi giọng mỉa mai bà Án:
- Thôi xin kiếu về. Bà Án đức hạnh, trong trắng quá, chúng tôi không theo kịp.
- Cụ lớn khen tặng quá lời, làm tôi xấu hổ quá.
Hai người chia tay ở đó. Bà Tổng trấn ra về, có vẻ hậm hực. Bà Án trở vào lòng dạ rối bời. Bà thấy câu chuyện này không nên kéo dài thêm nữa. Từ khi bà nhận 4 lon trà hối lộ, hết bà huyện đến bà Tổng trấn đâm ra khinh dể mình, chứ không còn kính nể như trước. Và cũng từ khi bà nhận 4 lon trà, tâm trí bà không phút nào được yên tĩnh. Nếu không kịp dừng lại thì bà sẽ rơi xuống dốc mất, và lôi cuốn theo cả ông Án, cả gia đình, thanh danh nhà bà xuống bùn đen. Bà phải gấp rút cho ông Án biết giấc mộng hồi hôm, giúp chồng một tray, khám phá vụ án, đưa nó ra ánh sáng sự thật. Còn thoi vàng bà đã tiêu lỡ, thì bà sẽ đi vay mượn thế nào cho đủ số 4 thoi, đem trả cho bà huyện. Bà Án vào phòng, mặc áo chỉnh tề, tất tả đi vào sang Tòa hình nơi quan Án đang làm việc. Quan Án đang bận hỏi cung anh chàng nông phu, chồng Thị Nguyệt. Quan Án không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà đến. Bà thấy anh nông phu đang còn ngồi đó, vội vã hỏi một câu mà không ai ngờ đến.
- Anh thường vô ra làm công tại nhà Tổng Hàm, có biết sau hè ông ta có một cây dừa không?
- Dạ thưa có!
Bà Án vô cùng mừng rỡ! Bà xây lại phía quan Án nói:
- Như vậy là có đủ bằng chứng để buộc tội bọn chánh Hàm rồi. Ông cứ cho người về nhà lão ta đào đám đất ở gốc cây dừa sau hè, tất sẽ ra manh mối.
Quan Án ngạc nhiên hỏi lại:
- Tìm ra cái gì? Sao bà biết?
Bà trả lời, vẻ bí mật:
- Ông cứ cho lính về đào đi, sẽ rõ, câu chuyện còn dài, chưa tiện nói ra. Nếu chậm trễ, bọn chúng sẽ phi tang.
Ông Án chưa rõ là chuyện gì, nhưng nhìn thấy vẻ cả quyết của vợ, ông đoán biết có điều quan trọng nên truyền lính đi theo mình, đến nhà chánh Hàm. Khi đào đám đất cạnh gốc dừa, quả nhiên tìm được thây Thị Nguyệt. Vụ án nhờ đó, đã ra ánh sáng. Tên Tổng Hàm và đồng lõa đều bị bắt giam để chờ ngày đền tội.
Quan Án Qúy được triều đình tưởng thưởng một số vàng bạc lớn và thăng chức. Bà Án có đủ số vàng để bỏ vào 4 lon trà, trả lại cho bà huyện Minh.
Từ đấy, gia đình ông bà Án sống trong giàu sang và được mọi người càng thêm kính mến.