Ngày nào chúng tôi cũng chỉ nói đến chuyện cậu An-Tuyên và bà Mỹ-Lưu, đến chuyện ông Mỹ-Giang. Cậu An-Tuyên và bà mẹ cậu bây giờ ở đâu? Chúng tôi làm thế nào mà tìm thấy bà?
Cuộc đến thăm của ông Mỹ-Giang đã gợi ra cho chúng tôi một ý nghĩ và gây thành một chương trình hành động mà kết quả có thể tin được là mỹ mãn: ông Mỹ-Giang một lần đã để chân đến xóm Hồng-Sư, rất có thể ông lại đến lần thứ hai, thứ ba nữa: ông chả có việc phải giao dịch với cha tôi là gì? Thế rồi, khi ông trở ra, Mã-Tư – ông không biết mặt – sẽ theo hút ông và biết được địa chỉ. Rồi chúng tôi dò hỏi người nhà và đầy tớ tất nhiên sẽ biết được chỗ ở cậu An-Tuyên.
Sao lại không biết được? Tôi tin chắc là phải thành công.
Cái chương trình tốt đẹp đó không những có lợi cho tôi là sẽ được gặp cậu An-Tuyên, lại còn cái lợi hiện thời là làm cho tôi bớt phiền muộn.
Sau việc Lãnh-Nhi xẩy ra, sau ngày bà Bảo-Liên trả lời, Mã-Tư không thôi nhắc tôi: “Chúng ta phải trở về Pháp”. Đó là một điệp khúc mà tôi phải nghe luôn. Tôi cũng trả lại anh bằng một điệp khúc khác: “Tôi không thể bỏ gia đình tôi”, chúng tôi không sao đồng ý nhau được, vì ai cũng cố giữ vững lập trường của mình:
- Anh phải đi!
- Tôi phải ở!
Nhưng từ khi câu đáp “tôi phải ở” có thêm túc từ “để tìm An-Tuyên” thì Mã-Tư không còn lý gì để cãi lại nữa. Anh không chống lại An-Tuyên, vì nên hay đừng cho bà Mỹ-Lưu biết âm mưu của em chồng bà?
Muốn đợi Mỹ-Giang mà chúng tôi cứ phải sáng đi tối về như lệ thường từ ngày đến Luân-Đôn tới nay, thì bao giờ gặp được. May sao đã gần đến vụ nghỉ đàn hát ban ngày để đi trình diễn về đêm, nghĩa là đến vụ hòa nhạc về dịp lễ Giáng-Sinh. Lúc đó, được ở nhà suốt ngày, chúng tôi sẽ thay phiên nhau tuần phòng thì thế nào cũng bắt gặp được chú cậu An-Tuyên.
Một hôm Mã-Tư bảo tôi:
- Anh có biết tôi mong mỏi được gặp bà Mỹ-Lưu không?
- Tại sao?
Anh ngập ngừng hồi lâu rồi nói:
- Vì bà đã thương yêu anh lắm.
Rồi anh nói thêm:
- Vì may ra bà có thể “làm cho anh tìm thấy cha mẹ thật” của anh.
- Mã-Tư!
- Tôi không muốn nói ra, nhưng không phải lỗi tại tôi vì không một giây phút nào mà tôi không nghĩ rằng anh không phải là con gia đình Điệp-Công. Anh hãy nhìn tất cả những người trong nhà đó rồi anh nhìn lại anh xem. Tôi không muốn nói đến màu tóc nữa. Anh có cái “cử động của bàn tay” và “cái cười giả tạo” của ông anh không? Nếu tôi không phải là con cha tôi thì sao tôi lại không học mà biết thổi kèn, đánh vĩ-cầm và biết dùng các thứ nhạc khí khác? Cha tôi là Nhạc công; tôi cũng thành Nhạc công. Đó là lẽ tất nhiên. Còn anh, tôi trông anh có dáng điệu thiên nhiên của một trang thân sĩ, anh tất “thành một thân sĩ khi anh được gặp bà Mỹ-Lưu”.
- Tại sao thế?
- Tôi nghĩ thế.
- Anh cho tôi biết ý nghĩ của anh.
- Ô! Không thể được.
- Bởi vì?...
- Bởi vì ý nghĩ của tôi xuẩn quá.
- Thì sao?
- Nếu ý nghĩ đó không đúng, nó lại thành ra ngu. Không nên tạo những cái vui để mừng hụt. Cái kinh nghiệm về màu xanh của tên phố Bethnal (Thanh-Viên) đã cho ta một bài học. Chúng ta có tìm thấy những cánh đồng cỏ ở đấy không hay chỉ là những ao bùn?
Tôi không ép anh nói, vì tôi, tôi cũng có một ý kiến.
Ý kiến của tôi nghĩ ra cũng mơ hồ lộn xộn, rụt rè và có lẽ xuẩn hơn ý kiến của Mã-Tư, nên vì thế mà tôi không dám nài anh ngỏ ý kiến của anh cho tôi nghe. Tôi sẽ trả lời anh sau, nếu ý kiến của anh cũng giống cái ý kiến đang bồng bềnh vô định trong đầu tôi như ở một giấc mơ? Tôi không dám phát biểu ra vì tôi không có can đảm bàn cãi với anh về điều đó.
Chỉ còn có cách đợi. Chúng tôi đợi.
Trong khi chờ đợi, chúng tôi tiếp tục hát rong trong thành phố Luân-Đôn. Chúng tôi không phải là những nhạc sĩ anh chị có hẳn một khu phố riêng để ngự trị. Chúng tôi là những trẻ con và mới đến, không nắm được một phố nào, phải nhường chỗ cho các bậc đàn anh đòi quyền sở hữu của mình bằng những luận điệu mà chúng tôi không sao đấu được.
Đã bao nhiêu lần, chúng tôi vừa hát xong đang lãnh tiền thì phải bỏ chạy cho nhanh vì gặp bọn hát Tô-Cách-Lan. Đàn ông thì để đùi trần, đàn bà thì vận váy xếp nếp. Họ mặc áo tơi vải, đội mũ vải cắm những chiếc lông chim dài. Chỉ nghe thấy tiếng kèn của họ là chúng tôi phải chạy rồi.
Lại còn những bọn nhạc công da đen đi xông xáo khắp các phố mà chúng tôi rất sợ. Những tên Mọi giả này ăn mặc thô lỗ bằng những chiếc áo đuôi cá thu, rộng cổ, trông hình thù họ chẳng khác chi một bó hoa quấn trong tờ giấy. Họ ghê gớm hơn là bọn Tô-Cách-Lan. Hơi trông thấy bóng họ hay nghe thấy tiếng đàn banjo của họ là chúng tôi phải kính trọng im ngay và lảng đến một phố xa, không có bọn nào của họ nữa, hoặc có thì chúng tôi chỉ đứng nhìn chờ cho họ trổ tài xong mới dám hành nghề.
Một hôm, chúng tôi đang là khán giả của họ, tôi thấy trong bọn họ có một người ngộ nghĩnh nhất vẫy Mã-Tư. Tôi tưởng anh ta trêu ghẹo chúng tôi, dùng chúng tôi làm cái bung sung để diễn thêm một trò vui cho công chúng. Tôi ngạc nhiên thấy Mã-Tư giơ tay trả lời một cách thân mật.
Tôi hỏi anh:
- Anh quen hắn à?
- Bốp đấy.
- Bốp là ai?
- Bốp là bạn cũ của tôi ở gánh xiếc Gát-Sô. Anh là một trong hai vai hề khá nhất mà tôi thường nói với anh. Chính Bốp đã dạy tôi nói tiếng Anh.
- Sao anh không nhận hắn trước?
- Ngày xưa, mặt anh bôi phấn, bây giờ anh bôi đen đi, ai biết được.
Khi cuộc diễn của phường da den đã mãn. Bốp lại chỗ chúng tôi. Coi vẻ vồ vập cuống quít của Bốp trước Mã-Tư, tôi phục Mã-Tư là người có tài làm cho ai cũng thích, cũng yêu. Một người anh ruột tưởng cũng không nồng nàn trong khóe mắt và trong giọng nói bằng người bạn cũ này. Anh hề nói:
“Thời buổi khó khăn, anh bắt buộc phải làm Mọi da đen”.
Nhưng trò chuyện chẳng được lâu. Anh phải theo bọn của anh. Chúng tôi phải tìm lối mà anh không đi đến. Hai bạn hẹn gặp nhau đến chủ nhật tới sẽ gặp nhau để kể chuyện hàn ôn trong những ngày xa cách.
Vì yêu Mã-Tư nên anh rất có cảm tình với tôi. Thành ra chúng tôi có thêm một người bạn. Cái kinh nghiệm và lời khuyên của anh đã làm cho đời sống của chúng tôi ở Luân-Đôn dễ dàng và sáng sủa hơn từ trước đến giờ. Anh cũng thích Lãnh-Nhi. Anh thèm muốn và phân bì nếu anh có được một con chó như thế, anh sẽ làm giầu không mấy lúc. Nhiều lần anh đề nghị cả ba người – nghĩa là cả bốn vì có Lãnh-Nhi nữa – nên hợp tác với nhau. Nhưng, cũng như không muốn bỏ gia đình tôi để về Pháp thăm Lệ-Hoa và các bạn hữu tôi, tôi không đồng ý theo Bốp đi quanh Anh-quốc.
Theo nếp sống cũ, chúng tôi đã gần đến kỳ lễ Giáng-Sinh. Đáng lẽ, sáng phải rời bãi Hồng-Sư, bấy giờ đến tám, chín giờ tối chúng tôi mới phải ra đi và tìm đến các nơi mà chúng tôi đã lựa chọn.
Trước hết, chúng tôi đến các công viên và những phố ngớt xe cộ, vì cần phải tĩnh mịch thì tiếng nhạc của chúng tôi mới lọt được vào các cửa đã đóng để đánh thức những trẻ em đã nằm trên giường và báo cho chúng biết sắp đến ngày lễ Giáng-Sinh, một ngày lễ yêu dấu đã ăn sâu vào lòng của mọi người Anh. Rồi chúng tôi đến dần những phố lớn. Những chuyến xe cuối cùng đưa khách xem hát về nhà, những chuyến xe đó đi qua rồi, thì bầu không khí trở nên yên tĩnh.
Chúng tôi dạo những khúc êm ái, nhẹ nhàng, những khúc u sầu có tính chất tôn giáo. Vĩ-cầm của Mã-Tư khóc than, cây thụ-cầm của tôi rên rỉ. Những lúc chúng tôi nghỉ tay, ngọn gió lại đem đến bên tai chúng tôi những tiếng đàn văng vẳng của một bọn khác đang trình diễn đâu đây. Cuộc hòa nhạc kết thúc.
- Thưa quý ông quý bà, chúc quý vị một đêm Giáng-Sinh an lạc.
Chúng tôi lại sang phố khác tái diễn cuộc hợp tấu của chúng tôi.
Đêm khuya, nằm trong giường trên chăn, dưới đệm mà nghe đàn, nghe hát kể cũng thích thú. Người ta có biết đâu, chúng tôi những kẻ đàn hát đây, lang thang khắp nẻo, không nệm, không chăn, những ngón tay sưng và cóng vẫn phải vận động không ngừng.
Những đêm Giáng-Sinh này, thời tiết ác quá: Thế mà suốt trong ba tuần lễ, không đêm nào là chúng tôi không có mặt ở các phố cho mãi đến khuya.
Đã bao nhiêu lần khi những cửa hàng chưa đóng hẳn, chúng tôi đứng dừng trước hàng gà, hàng quả, hàng kẹo, hàng mứt. Chao ôi! Những con ngỗng béo đẹp! Những con gà tây to! Những con gà giò trắng mập! Lại còn những đống cam, lê, táo xếp cao như núi. Những quả thơm đó làm chúng tôi thèm!
Qua những hàng này, những đứa trẻ được nuông chiều, có lẽ đã ôm lấy cha mẹ đòi mua.
Qua các phố, nhà nghèo cũng như nhà giầu đều có một quang cảnh đầm ấm, tưng bừng, chúng tôi cảm thấy chúng tôi lẻ loi, cô quạnh.
Lễ Giáng-Sinh chỉ vui cho những ai được sống trong yêu thương!
Sau những ngày lễ Giáng-Sinh, chúng tôi phải đi làm ban ngày. Cơ hội để gặp ông Mỹ-Giang thành khó ra. Chúng tôi chỉ hy vọng vào ngày chủ nhật. Vì thế, ngày chủ nhật là ngày tự do. Ngày giải trí cho chúng tôi, chúng tôi phải hy sinh để ở nhà.
Chúng tôi đợi.
Một hôm gặp Bốp, Mã-Tư không nói nguyên do những điều chúng tôi đang bứt rứt, anh hỏi luôn Bốp: có cách gì để tìm địa chỉ một bà tên là Mỹ-Lưu có người con trai liệt chân và một ông tên Mỹ-Giang không. Bốp trả lời: bà Mỹ-Lưu là người thế nào và ông Mỹ-Giang làm nghề nghiệp gì, hoặc có rõ địa vị xã hội của ông thì may ra mới biết vì có nhiều người trùng tên, vả họ Mỹ ở Luân-Đôn cũng nhiều mà ở trong nước Anh lại càng lắm hơn nữa.
Chúng tôi không nghĩ đến đều đó. Đối với chúng tôi thì chỉ có một bà Mỹ-Lưu là mẹ cậu An-Tuyên và chỉ có một ông Mỹ-Giang là chú cậu thôi.
Lúc đó, Mã-Tư lại giục tôi trở về Pháp. Tôi bảo anh:
- Vậy thì anh không muốn tìm bà Mỹ-Lưu nữa hay sao?
- Không phải thế. Nhưng không có cái gì chứng minh là bà hiện ở nước Anh.
- Càng không có chứng cớ gì là bà ở Pháp.
- Điều này có lẽ đúng: vì An-Tuyên còn ốm. Tất bà phải đưa con đến một xứ có khí hậu thích hợp cho sức khỏe của con.
- Không phải chỉ có nước Pháp mới có khí hậu tốt.
- Lần trước, cậu sang Pháp mà khỏi bệnh, lần này tất bà lại đưa cậu sang đó. Vả lại tôi muốn anh rời khỏi nơi này.
Tôi không dám hỏi anh tại sao phải bỏ đi, tôi sợ anh trả lời đúng như điều mà tai tôi không muốn nghe.
Anh nói tiếp:
- Tôi sợ lắm. Chúng ta đi đi thôi! Ở đây rồi thế nào cũng xẩy ra tai họa cho chúng ta. Đi đi thôi!
Cách cư xử của gia đình tôi đối với tôi vẫn không thay đổi. Ông tôi vẫn giận dữ nhổ bọt về phía tôi. Cha tôi thỉnh thoảng chỉ có việc sai khiến tôi. Mẹ tôi không bao giờ nhìn đến tôi. Các em trai tôi lúc nào cũng tìm cách hại ngầm tôi. Em gái lớn tôi, hễ nhìn thấy mặt tôi là sinh sự. Còn em Cát chỉ yêu gói kẹo của tôi đem về thôi. Nhưng dù sao tôi cũng không thể theo lời khuyên của Mã-Tư, cũng như không thể tin anh bảo tôi không phải là con của quý ông Điệp-Công. “Ngờ” tôi có thể “ngờ” lắm, nhưng “tin chắc” là phải hay không là con ông Điệp-Công thì tôi “không tin” được.
Thì giờ đi thong thả, thong thả lắm nhưng cứ đi đều. Hết những ngày này lại đến những ngày khác. Hết những tuần lễ này lại đến những tuần lễ khác. Đã đến lúc gia đình tôi phải rời Luân-Đôn để đi các vùng quê trong nước.
Hai chiếc xe ngựa mới sơn lại. Người ta xếp chật ních hàng hóa để đem bán trong những mùa nắng ráo.
Biết bao nhiêu là thứ hàng và khéo xếp làm sao! Đủ thứ: vải, áo đan, mũ vải, khăn vuông, mùi soa, bít-tất, quần đùi, gi-lê, cúc, chỉ, bông, len, kim, kéo, dao cạo, hoa tai, nhẫn, xà phòng, sáp, xi đánh giầy, đá mài, thuốc trừ rận chấy, thuốc tẩy quần áo, thuốc mọc tóc, thuốc nhuộm tóc, vân vân…
Khi chúng tôi ở đó, chúng tôi trông thấy đem ở hầm lên những bao hàng lớn, những bao hàng này đã không được trực tiếp và đàng hoàng đem đến từ hiệu chính đến xóm Hồng-Sư.
Sau cùng, hai xe ngựa đầy hàng ăm ắp, những con ngựa không biết mua ở đâu và từ lúc nào cũng thấy dắt đến. Mọi việc đều chuẩn bị để lên đường.
Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ phải làm gì? Ở lại với ông tôi ở Luân-Đôn để giữ nhà hay sao? Đi bán hàng như Á-Lang, Á-Niên hay sao? Hay chúng tôi phải theo xe hàng để tiếp tục làm nghề diễn trò ở các làng, các tỉnh mà chúng tôi sẽ đi qua? Cha tôi nhận thấy chúng tôi kiếm ăn khá với những cây đàn, nên cho chúng tôi đi theo để diễn trò. Mãi trước hôm đi một ngày, cha tôi mới cho biết ý định đó.
Mã-Tư bảo tôi:
- Về Pháp đi. Đợi lúc nào có cơ hội là chúng ta đi liền.
- Sao lại không đi các miền nước Anh?
- Vì tôi đã bảo cho anh biết là chúng ta ở đây thì nguy hiểm đến nơi rồi.
- Nhưng ở đây may ra chúng ta tìm được bà Mỹ-Lưu.
- Tôi tưởng tìm bà ở Pháp có phần chắc hơn.
- Vậy ta cứ thử tìm ở Anh trước đã. Các việc khác sẽ tính sau.
- Anh có biết anh đáng gì không?
- Không.
- Đáng tôi bỏ anh để về Pháp một mình.
- Anh nói rất phải. Tôi muốn anh trở về Pháp. Tôi biết tôi không có quyền giữ anh. Tôi cũng biết anh rất tốt đã ở lại với tôi. Thôi, anh về đi. Anh sẽ thăm Lệ-Hoa, anh nói cho…
- Tôi sẽ nói cho Lệ-Hoa biết anh là một người ngu xuẩn và độc ác vì anh đã nghĩ rằng tôi sẽ lìa anh trong lúc anh đau khổ. Anh thực đáng thương! Tôi đã làm gì anh để đến nổi anh có ý kiến đó? Nói đi, cho tôi biết, tôi đã làm gì anh? Không. Phải thế không? Vậy thì cứ theo xe hàng.
Lại một lần nữa, chúng tôi lại phiêu lưu trên đường cái. Nhưng lần này, tôi không được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì mặc ý. Vì chúng tôi phải theo gia đình Điệp-Công. Tuy nhiên, ra khỏi Luân-Đôn, tôi cảm thấy như người được cởi mở: tôi không phải trông thấy bãi Hồng-Sư nữa, tôi cũng không phải nhìn thấy cái hầm bí mật lúc nào cũng hiện ra trước mặt mặc dầu tôi cố quên đi. Đã bao nhiêu lần, đang đêm tôi giật mình tỉnh dậy vì trong cơn ác mộng, một ánh sáng đỏ đã lọt vào cửa sổ làm tôi hãi hùng. Đó là một ảo tưởng. Cái ánh sáng đỏ kia, tôi đã trông thấy một lần cứ ám ảnh mắt tôi như một ngọn lửa cháy. Chúng tôi bước sau xe hàng. Thay vào những mùi hôi hám của Thanh-Lâm, chúng tôi được thở hít cái không khí trong lành của những miền quê ngoạn mục mà chúng tôi đi qua, những miền chắc chắn không có chữ “Thanh” trong tên gọi, nhưng đượm một màu “xanh” dưới mắt và ríu rít những tiếng chim kêu bên tai chúng tôi.
Ngay hôm đầu cuộc khởi hành, tôi đã được mục kích cha tôi bán hàng. Đi đến một làng đông vui kia, hai chiếc xe dừng lại xếp hàng ở bãi đất công, các cửa ở một bên thành xe hạ xuống, người ta trông thấy ở trên các ngăn có đủ các thứ hàng. Những khách mua và những người tò mò đông hơn, kéo nhau lại xem.
Cha tôi rao:
- Xin xem giá hàng! Xin các ngài xem giá hàng! Không có nơi nào bán rẻ hơn ở đây. Hàng tôi không phải mua nên tôi bán rất rẻ. Có thể nói là tôi không bán, tôi đem biếu các ngài đây. Mời các ngài đến xem giá!
Mấy người lại coi giá rồi lảng ra và nói nhỏ với nhau:
- Phải là hàng ăn cắp mới bán rẻ thế.
- Chính lão ta đã nói thế!
Nếu họ đưa mắt nhìn tôi lúc đó, họ sẽ thấy sắc đỏ của mặt tôi đã tiết lộ lời dự định của họ là đúng. Tuy họ không nhìn thấy sắc mặt tôi, nhưng Mã-Tư đã nhận thấy. Tối đến, anh mới ngỏ cùng tôi cái điều mà xưa nay anh dè dặt không dám đả động đến.
Anh bảo tôi:
- Anh có thể chịu mãi được cái nhục đó không?
- Nếu anh không muốn cái nhục đó tăng thêm thì anh đừng nhắc đến nó nữa.
- Không phải tôi muốn thế. Tôi muốn anh trở về Pháp. Tôi vẫn bảo ở đây chúng ta sẽ bị tai họa. Bây giờ tôi lại nói thế! Và tôi cảm thấy tai họa đó sắp đến nơi rồi. Anh phải biết chỉ trong mai mốt lính Cảnh-sát sẽ đến xem: sao quý ông Điệp-Công lại bán hàng hạ giá thế? Lúc đó sẽ xẩy ra sao?
- Anh Mã-Tư ơi! Tôi xin anh.
- Vì anh không muốn trông xa, tôi phải trông thay anh. Có ngày người ta giam cả lũ, cả anh, cả tôi nữa. Mà chúng ta có tội tình gì? Lúc đó, chúng ta làm thế nào mà tỏ được nỗi oan? Làm thế nào để bào chữa được? Chúng ta chả ăn phần bánh đã mua bằng tiền bán các hàng đó là gì?
Ý tưởng đó giáng mạnh xuống đầu tôi như một nhát búa, vì từ trước đến giờ tôi không nghĩ tới.
Tôi cố chống lại, không phải là chống với Mã-Tư mà chống với ý tưởng đó. Tôi nói:
- Phần bánh của chúng ta do tay chúng ta kiếm lấy.
Mã-Tư trả lời:
- Cái đó đúng lắm. Và cũng đúng lắm là chúng ta đã hợp tác với những người không làm để kiếm bánh mà ăn…
- Chính điều này mà người ta sẽ trông thấy và người ta chỉ trông thấy điều ấy thôi. Chúng ta sẽ bị giam như những kẻ đó. Nếu chúng ta bị giam về tội ăn trộm thì anh sẽ bị đau đớn hơn tôi. Vì tôi chỉ là một thằng khốn nạn, còn anh, khi anh tìm thấy gia đình anh, gia đình thực của anh thì buồn cho gia đình anh biết bao, nhục cho anh biết bao nếu anh bị tù tội! Vả lại, không phải chúng ta vào nhà lao mà chúng ta có thể tìm thấy gia đình anh. Không phải chúng ta có thể vào nhà lao mà chúng ta có thể báo cho bà Mỹ-Lưu biết Mỹ-Giang đang âm mưu hại cậu An-Tuyên. Bây giờ còn thì giờ, chúng ta nên xa lánh.
- Anh cứ việc đi!
- Sao anh lại xuẩn thế. Chúng ta cùng đi cả hoặc chúng ta cùng bị bắt cả. Khi chúng ta bị bắt, chỉ nay mai thôi, anh sẽ chịu trách nhiệm về việc rủ tôi đi với anh. Rồi anh sẽ xem trách nhiệm đó có nhẹ không? Nếu anh có ích cho những người mà anh không muốn bỏ, thì cái bướng của anh cũng đẹp đấy, nhưng đằng này anh không cần thiết cho người ta lắm. Không có anh người ta vẫn sống được kia mà! Anh nên nghĩ kỹ. Đi ngay thì hơn.
- Vậy, anh cho tôi nghĩ một ngày đã. Chúng ta sẽ định sau.
- Mau lên! Con quỷ đã ngửi thấy mùi thịt tươi rồi, nguy hiểm đã đến chân rồi.
Chưa bao giờ những câu nói, những lý luận, và những lời kêu nài của Mã-Tư làm cho lòng tôi nao núng như lần này. Nghĩ lại những câu anh nói, tôi lại cho sự bất quyết của tôi là hèn và tôi phải nghĩ bề nào cho dứt khoát. Nhưng tình trạng đã làm tôi không dám hành động.
Chúng tôi rời Luân-Đôn đã được gần hai tháng rồi. Chúng tôi đến một thành phố đang mở hội đua ngựa ở ngoại thành. Ở nước Anh, những cuộc đua ngựa không giống như ở Pháp, đua ngựa chỉ là một cuộc giải trí cho những người giầu đến để chưng diện, để xem một con ngựa chạy thi hoặc bỏ ra mấy đồng tiền vàng đánh cá để mua vui. Ở Anh, đua ngựa là một hội hè lớn cho cả một vùng. Không phải chỉ có những con ngựa dự vào cuộc vui. Trên những bãi hoang, trên những đụn cát dùng làm Trường Đua, nhiều đám diễn trò rong, những tài tử lưu đãng, những hàng quán đã đến hội tụ trước mấy ngày, ồn ào rộn rịp như một đám chợ phiên. Chúng tôi kíp đến để giữ chỗ: Mã-Tư và tôi là phường nhạc, gia đình Điệp-Công là hàng buôn.
Nhưng đáng lẽ đi ngay đến Trường Đua, cha tôi lại đỗ ở trong tỉnh, có lẽ đã nhìn thấy một cơ hội gì tốt chăng. Đến nơi còn sớm quá, chúng tôi chưa phải giúp việc bày hàng, nên Mã-Tư và tôi rủ nhau ra Trường Đua ở một bãi hoang gần đó. Những lều vải lô nhô như nấm mọc. Từ xa, chúng tôi thấy những đám khói bay lên như chỉ cho chúng tôi biết địa điểm và giới hạn của hý trường. Không mấy lúc chúng tôi đến một đường trũng trong bãi. Chúng tôi trông thấy nhan nhãn những tiệm ăn, quán trọ, những lều, những rạp bằng gỗ, những xe bày hàng hay những cái bàn lộ thiên chung quanh chen chúc những người áo quần rách rưới. Chúng tôi đi qua một bếp lửa, có nồi treo trên, thì nhìn thấy anh Bốp. Gặp chúng tôi, anh mừng quá. Anh và hai người bạn nữa đến đây để làm xiếc, nhưng mấy nhạc công hẹn mà không đến thành ra lỡ việc, vì ngày mai, phải có rồi. Nếu chúng tôi có thể vào thay các người đó, thực là giúp anh một việc rất lớn. Số tiền thu được sẽ chia làm năm phần. Và cũng dành một ít cho con Lãnh-Nhi.
Mã-Tư đưa mắt hỏi tôi. Muốn làm anh vui lòng, tôi nhận lời ngay, chúng tôi được tự do đi đánh đàn miễn là hết ngày có món tiền tốt đem về.
Chúng tôi thỏa thuận sáng hôm sau sẽ đến hợp tác với anh Bốp và các bạn anh.
Nhưng khi về đến xe hàng, một sự khó khăn hiện ra. Khi tôi báo tin đó cho cha tôi biết, cha tôi bảo rằng:
- Ngày mai ta cần đến Lãnh-Nhi, con không thể đem đi được.
Nghe câu đó, tôi hoảng hốt: người ta lại định dùng Lãnh-Nhi để làm việc bất lương chăng? Nhưng cha tôi đã phá tan mối nghi ngờ đó.
Cha tôi nói:
- Lãnh-Nhi thính tai lắm. Nó nghe được những tiếng động rất sẽ, giữ việc canh xe rất tốt. Ở chốn đông người và lộn xộn này, người ta dễ “ăn cắp” của ta. Vậy mai con cứ đi làm với Bốp, nếu đêm về muộn, điều này rất có thể xẩy ra, các con cứ việc đến tìm ta ở quán “Cây Sồi” vì ta sẽ trọ ở đó. Tối nay ta sẽ cho xe về đó.
Quán trọ “Cây Sồi” ở về vùng quê, cách đấy độ hai ba cây số, một nơi vắng vẻ và buồn. Hai vợ chồng chủ quán trông người rất giảo quyệt. Chúng tôi đã ngủ ở đây đêm trước. Đêm về nhà trọ đó cũng không khó, đường thẳng dễ đi, ngại cái là sau một ngày mệt nhọc phải đi bộ hơi xa thôi.
Sáng hôm sau, tôi dắt Lãnh-Nhi chơi loanh qoanh cho nó ăn uống tử tế: không sợ thiếu thốn gì nữa, tôi buộc nó vào bên xe để nó coi giữ. Rồi Mã-Tư, và tôi cùng nhau đến Trường Đua.
Đến nơi, chúng tôi phải cử nhạc ngay, và cứ như thế, không một phút nghỉ ngơi làm cho đến tối. Những đầu ngón tay tôi đau nhức như muôn nghìn cái kim châm. Mã-Tư thổi kèn nhiều quá, nhọc hết cả hơi. Tuy nhiên anh vẫn làm phải tiếp tục làm việc. Bốp và các bạn anh vẫn nhẩy lộn và làm trò, chúng tôi không thể im phắt âm nhạc. Tối đến, chúng tôi tưởng được nghỉ, nhưng anh em lại bỏ lều mình sang quán rượu bên cạnh diễn trò hăng hái hơn trước.
Tôi gẩy đàn như cái máy, được chăng hay chớ, chẳng biết mình gẩy cái gì nữa. Mã-Tư miệng thổi kèn, mắt đờ ra, cũng chẳng biết mình phải làm gì hơn tôi. Đã hai mươi lần Bốp tuyên bố xuất này là xuất chót, đã hai mươi lần chúng tôi lại phải bắt đầu một xuất mới. Rồi cứ thế, kéo mãi cho đến nửa đêm.
Chúng tôi mệt lử. Các bạn chúng tôi dùng sức nhiều hơn chúng tôi cũng kiệt lực: vì thế trong một trò họ đỡ hụt, cái gậy lớn rơi ngay vào đầu bàn chân Mã-Tư. Đau quá, Mã-Tư rú lên. Bốp và tôi vội vàng lại săn sóc anh. Tôi tưởng anh đến nát bàn chân, nhưng may sao vết thương chỉ rách thịt chảy máu và sưng lên, chứ xương chân không việc gì. Tuy nhiên, Mã-Tư không đi được nữa. Làm thế nào bây giờ?
Đành phải để anh ngủ lại xe anh Bốp, còn tôi, một mình, trở về quán trọ Cây Sồi. Tôi cũng cần phải về để biết xem gia đình Điệp-Công định đi đâu?
Mã-Tư giữ tôi hai ba lần, anh bảo tôi:
- Anh đừng về nữa. Sáng mai chúng ta cùng về với nhau.
- Ngộ mai, không tìm thấy ai ở đấy thì sao?
- Như thế càng hay. Chúng ta sẽ được tự do.
- Nếu tôi muốn bỏ gia đình Điệp-Công, thì tôi không làm lối ấy! Vả anh tưởng họ không đuổi kịp ta chăng! Anh thoát đâu được với bàn chân đau ấy?
- Vậy mai chúng ta cùng về cả. Anh đừng đi đêm nay, tôi sợ lắm.
- Sợ gì?
- Tôi không biết, tôi sợ cho anh.
- Anh để tôi đi. Tôi hứa ngày mai sẽ trở lại.
- Nếu người ta giữ anh thì sao?
- Sợ họ giữ thì tôi để cây đàn ở đây. Mai tôi phải lộn đến lấy.
Thế rồi mặc dầu anh Mã-Tư sợ lo cho tôi, tôi cứ ra về, trong lòng không thấy sợ hãi gì.
Sợ ai? Sợ cái gì? Ai làm gì một đứa bé khốn nạn như tôi?
Tôi không sợ sệt chút gì, nhưng lòng tôi thấy cảm động. Từ ngày tới Luân-Đôn đây là lần thứ nhất mà tôi đi một mình không Mã-Tư, không Lãnh-Nhi bên cạnh. Nỗi lẻ loi đó cùng với những tiếng huyền bí của đêm khuya làm tôi nao lòng. Vầng trăng trên đầu tôi tỏa một ánh sáng nhợt nhạt, làm tôi buồn thêm.
Tuy nhọc thực, nhưng tôi bước nhanh và không mấy lúc đã đến nhà trọ Cây Sồi. Tôi nhìn mãi không thấy hai chiếc xe nhà tôi đâu. Chỉ có hai ba chiếc xe bò mui vải, một cái quán lớn bằng gỗ ván và hai chiếc xe chở đồ bưng bít, khi tôi lại gần có tiếng hươu nai ở trong đưa ra. Nhưng chiếc xe ngựa sơn màu rực rỡ của gia đình Điệp-Công ở đâu không thấy.
Đi đi lại lại trước quán Cây Sồi, nhìn qua cửa sổ con, thấy bên trong có ánh đèn, tôi đoán trong nhà còn thức, liền chạy đến gõ cửa. Người chủ quán mặt giảo quyệt, mà tôi đã trông thấy hôm qua, ra mở cửa và giơ đèn soi vào mặt tôi. Ông ta nhận ra tôi nhưng đáng lẽ tránh cho tôi vào, ông ta đặt cái đèn ở phía sau lưng, bước ra nhìn chung quanh và nghe ngóng độ vài giây rồi lên tiếng bảo tôi:
- Xe nhà anh đi rồi, cha anh dặn tôi bảo anh, đêm nay phải đến Lewes ngay không được chậm trễ. Chúc anh lên đường may mắn!
Rồi ông ta đóng sập cửa lại, không nói hơn gì nữa.
Từ ngày tôi sang nước Anh, tôi đã tập nói tiếng Anh và hiểu rõ câu chủ quán vừa bảo. Nhưng có một tiếng, tiếng quan hệ nhất, tôi không hiểu là gì? “Louisse” ông ta nói thế, là nơi nào? Xứ nào? Tôi không đoán được, vì tôi không biết tiếng “Louisse”, người Anh đọc, là chữ Lewes, tên một thành phố mà tôi vẫn nhìn thấy ở trên bản đồ.
Vả lại, nếu tôi có biết thành phố đó ở đâu, tôi cũng không thể bỏ Mã-Tư đi ngay lập tức được. Dù kiệt sức rồi, tôi cũng phải trở lại Trường Đua. Tôi trở ra. Một giờ rưỡi sau, tôi đã nằm khoan khoái trên chiếc ổ rơm bên cạnh Mã-Tư trong xe của Bốp. Bằng mấy câu vắn tắt, tôi kể lại chuyện cho Mã-Tư rồi lăn ra ngủ như chết.
Được ngủ vài giờ, tôi đã lại sức. Sáng dậy, tôi muốn đi ngay tỉnh Lewes nhưng lúc đó Mã-Tư còn ngủ. Tôi liền ra xe, chạy lại chỗ anh Bốp. Anh đã dậy trước tôi và đang nhóm lửa. Anh nằm bò ra và hết sức thổi ở dưới đáy nồi. Chợt trông ra ngoài, tôi thấy hình như có người Cảnh-binh đang dắt con Lãnh-Nhi tới chỗ chúng tôi.
Sợ quá, tôi đứng im. Không hiểu sao lại như thế. Con Lãnh-Nhi thấy tôi, giật tuột dây trong tay người Cảnh-binh ra, nhẩy vài cái đến chỗ tôi và chồm lên cánh tay tôi. Người Cảnh-binh đến gần, hỏi tôi:
- Con chó này của anh phải không?
- Vâng.
- Thế thì tôi bắt anh.
Nói xong, người Cảnh-binh nắm chặt tay tôi lôi đi.
Thấy vậy Bốp liền chạy lại hỏi:
- Sao ông lại bắt đứa trẻ này?
- Nó là em anh?
- Không, là bạn tôi.
- Đêm qua, một người đàn ông và một đứa bé dùng thang trèo qua cửa sổ vào Nhà Thờ Thánh Gioóc để ăn trộm. Chúng đem con chó này vào để báo động khi có người biết. Nó báo động thật, kẻ trộm hốt hoảng leo ra trốn mất, không kịp mang chó đi. Bắt được con chó này tất nhiên tìm ra thủ phạm. Quả nhiên tóm được một tên. Thế bây giờ người cha ở đâu?
Tôi không biết người Cảnh-binh hỏi Bốp hay hỏi tôi. Tôi không trả lời. Tôi đứng trơ ra.
Tôi hiểu cả những việc đã xẩy ra. Con Lãnh-Nhi có tai thính không phải dùng để coi xe mà để canh cho người ta vào Nhà Thờ ăn trộm. Xe hàng rút lui vào chập tối không phải có việc về ngủ ở quán trọ Cây Sồi. Xe đó không tới quán trọ được cũng là vì vụ gian bại lộ phải trốn cho nhanh.
Tôi không cần nghĩ đến những kẻ đã chạy thoát rồi. Tôi nghĩ đến tôi. Dù sao, tôi cũng phải chống cãi. Tôi không tố giác ai cả nhưng tôi minh oan: tôi sẽ khai đúng cái thời giờ của tôi đã dùng trong đêm qua.
Khi tôi đang lý luận trong óc như vậy, Mã-Tư thấy tiếng lao xao liền bước ra xe, bước khập khiễng lại cạnh tôi.
Tôi nhờ Bốp nói hộ:
- Anh làm ở cắt nghĩa cho ông ta biết rằng tôi vô tội vì tôi ở đây với anh cho tới một giờ sáng. Rồi tôi đến quán trọ Cây Sồi nói chuyện xong lại trở về đây ngay.
Bốp thông ngôn cho người Cảnh-binh nghe. Nhưng ông ta có vẻ không tin. Trái lại, có ý ngờ tôi.
Ông ta nói:
- Đúng lúc một giờ 15 phút, kẻ trộm vào nhà thờ. Anh bé này ở đây ra đi khoảng một giờ hay trước đó một giờ, rất có thể anh ta cùng một đồng đảng đã trèo vào Nhà Thờ lúc một giờ mười lăm.
Bốp nói:
- Từ đây vào thành phố phải hơn mười lăm phút đồng hồ.
Người Cảnh-binh nói:
- Nếu chạy thì làm gì đến 15 phút, vả có cái gì chứng tỏ lúc đi là một giờ.
Bốp kêu lên:
- Tôi xin thề! Đúng là như thế.
Người Cảnh-binh nói:
- Anh nhận làm chứng à? Cái đó còn phải xét xem lời chứng của anh có giá trị không.
Bốp nóng mặt, nói nghiêm trang:
- Ông phải biết tôi là công dân nước Anh.
Người Cảnh-binh nhún vai không nói gì.
Bốp nói:
- Ông lăng mạ tôi phải không? Tôi sẽ viết cho báo “Thời sự”.
- Trong khi chờ đợi, tôi hãy đưa anh bé này về. Anh ấy sẽ giải thích trước mặt quan Tòa.
Mã-Tư chạy lại ôm lấy tôi. Tôi tưởng anh hôn tôi, nhưng thấy anh trao cho tôi cái thực tế trước rồi đến cảm tình sau.
Anh ghé vào tai tôi, nói:
- Can đảm lên, anh ạ! Chúng tôi không bỏ anh đâu!
Rồi anh mới hôn tôi.
Tôi nói với Mã-Tư bằng tiếng Pháp:
- Anh giữ Lãnh-Nhi lại.
Nhưng người Cảnh-binh hiểu tôi nói gì và bảo:
- Không, không được. Nhờ nó tôi bắt được tên này. Nhờ nó tôi sẽ tóm được những tên khác nữa.
Là lần thứ hai trong đời, người ta bắt tôi. Tôi thấy nhục nhã hơn.
Không phải là việc bắt nhầm như vụ đuổi bò ngày nọ. Lần này nếu tôi có được tha chăng nữa, tôi thoát sao không khỏi đau đớn trông thấy những người mà người ta cho tôi là đồng đảng, bị trừng phạt đích đáng?
Bị Cảnh-binh áp giải, tôi phải qua một hàng rào gồm những kẻ tò mò chạy đến đón lối tôi đi. Nhưng họ không la ó, không dọa nạt như bên Pháp, vì những người đến xem ở đây không phải là dân quê, họ toàn là những người, phần đông bất mãn với Cảnh-binh, như chủ quán rượu, chủ hàng rong, tài tử diễn trò, võ sĩ xiếc, nghệ sĩ giang hồ, mà người Anh gọi chung là bọn Tramps, nghĩa là bọn “ma cà-bông”.
Cái nhà mà người ta giam tôi không phải là cái nhà giam trò chơi dùng để phơi hành như lần trước tôi bị nhốt ở đấy. Nhà giam này là một nhà giam thực sự, có cửa sổ chắc, bằng những chấn song sắt to tướng, chỉ thoáng nhìn là tiêu tan ngay mọi mầm vượt ngục. Tất cả đồ đạc gồm có cái ghế dài để ngồi và cái võng để nằm.
Tôi ngồi phịch trên cái ghế đó, rầu rĩ âm thầm, nghĩ đến cảnh huống của tôi. Những ý tưởng cứ lộn xộn, rời rạc trong óc tôi. Cái hiện tại đáng hãi hùng biết bao! Cái tương lai lại càng đáng ghê sợ biết bao!
Mã-Tư đã khuyên tôi:
“Can đảm lên! Chúng tôi không bỏ anh”.
Nhưng một đứa trẻ như Mã-Tư thì làm gì được? Cả đến một người lớn như Bốp hồ dễ làm gì được để giúp Mã-Tư? Khi người ta bị giam cầm, người ta chỉ có một ý nghĩ là muốn ra thôi.
Không muốn bỏ tôi, hy sinh giúp tôi thì Mã-Tư và Bốp làm thế nào cứu tôi thoát khỏi chốn ngục tù này?
Tôi đến cửa sổ mở ra, lấy tay sờ vào những chấn song, cái nọ bắt tréo cái kia như mắt cáo, vít ở phía ngoài và gắn chặt vào đá. Tôi nhìn bốn bức tường, bức nào cũng dầy gần một mét. Nền thì lát bằng những tấm đá rộng, cánh cửa thì bằng sắt và bọc tôn.
Tôi lại trở ra chỗ cửa sổ. Cửa sổ này trông ra một cái sân dài và hẹp. Ba mặt tường cao đến bốn mét. Cho dù có bạn bè dốc lòng giúp đỡ mấy đi nữa, nhất định người ta không ra thoát cái nhà lao này. Đối với sức mạnh của sự vật, cái tận tâm của bè bạn làm gì nổi? Cái tận tâm không chọc thủng được tường!
Từ nay đến hôm được gọi ra trước mặt quan Tòa, là ngày người ta sẽ định đoạt số phận của tôi, tôi nghĩ không biết còn phải ngồi ở đây đợi bao nhiêu ngày nữa? Mặc dầu con Lãnh-Nhi có mặt ở Nhà Thờ, liệu tôi có thể bày tỏ nỗi oan của tôi không? Không đổ tội cho những người mà tôi không muốn tố cáo, không thể tố cáo, liệu tôi có thể biện giải cho tôi được không?
Tôi chỉ nghĩ đến chỗ này. Mà chính ở chỗ này, Mã-Tư và Bốp có thể giúp đỡ tôi được. Các bạn tôi sẽ cung khai sự thực để chứng minh rằng hồi một giờ rưỡi tôi không thể nào ở trong Nhà Thờ Thánh Gioóc được. Nếu họ khai đúng thế, tôi sẽ thoát nạn mặc dầu cái bằng chứng câm của Lãnh-Nhi của buộc tội tôi.
A! Nếu Mã-Tư không đau chân. Anh đã xoay sở lo liệu cho tôi. Những bây giờ bệnh hoạn thế không biết anh có ra được khỏi xe không? Nếu anh không đi được, Bốp có muốn thay thế anh không?
Tôi lo phiền quá, không sao ngủ được mặc dầu thân thể đau như giần. Tôi cũng chẳng buồn động đến đồ ăn người ta mang đến cho tôi. Chán thức ăn nhưng tôi thèm nước. Chốc chốc tôi lại chạy đến vò nước uống một hơi dài, mà vẫn cứ thấy đắng miệng và khát. Khi trông thấy người cai ngục vào phòng giam của tôi, tôi lại mừng rỡ và hy vọng, vì từ khi bị nhốt, tôi cứ rối ruột về một câu hỏi mà tôi không tìm được câu trả lời: “Bao giờ quan Tòa mới hỏi? Bao giờ tôi được cung khai để bào chữa?”
Tôi thường nghe người ta kể chuyện có người tù bị giam hàng tháng không được hỏi đến, có lẽ tôi cũng sẽ cùng số phận đó chăng? Tôi không biết ở nước Anh, cuộc thẩm vấn tội nhân không được để quá hai ngày từ lúc bị bắt đến lúc lấy cung.
Cái vấn đề không giải quyết được đó, tôi liền đem hỏi người cai ngục. Ông ta trông có vẻ không dữ tợn và sẵn lòng cho tôi biết là chắc chắn ngày mai tôi sẽ được ra hầu Tòa.
Vì tôi hỏi ông ta, nên ông ta hỏi lại tôi:
- Vậy anh đã vào Nhà Thờ như thế nào?
Đáp lại câu hỏi đó. Tôi hết sức trình bày những lý do, những bằng cứ tỏ ra tôi bị bắt oan. Nhưng nghe tôi nói, ông ta cứ so vai lên. Tôi nhắc đi, nhắc lại mãi rằng tôi không hề vào Nhà Thờ, ông ta bước ra còn quay lại nhìn tôi và lẩm bẩm:
- Những trẻ ranh ở Luân-Đôn hỏng cả!
Ông ta ra rồi, tôi buồn nản quá. Mặc dầu ông ta không phải là quan Tòa, tôi muốn ông ta thấu nỗi oan cho tôi. Nghe giọng nói, trông nét mặt của tôi, đáng lẽ là ông ta phải nhận là tôi vô tội mới phải.
Tôi đã không làm cho người cai ngục tin tôi thì tôi làm cho quan Tòa tin tôi như thế nào được? Nhưng không sợ, tôi đã có chứng tá nói thay tôi. Nếu quan Tòa không nghe tôi, tất quan Tòa phải tin những bằng chứng vạch rõ cái oan cho tôi.
Nhưng các nhân chứng của tôi sẽ khai thế nào? Tôi đã biết chưa?
Trong những chuyện nhà tù mà tôi được biết, có một chuyện nói về cách thông tin cho tội nhân: người ta dấu thư vào trong những thức ăn đem đến cho thân nhân.
Có lẽ Mã-Tư và Bốp đã dùng đến mưu này. Nghĩ thế, tôi bẻ nát miếng bánh người ta đã đưa vào cho tôi, nhưng chẳng thấy gì. Những miếng khoai kèm bánh cũng được nghiền ra như cám mà cũng chẳng thấy có mẩu giấy nào.
Chắc Mã-Tư và Bốp không có tin gì để báo hay đúng hơn, họ không thể báo tin được.
Tôi đành đợi đến hôm sau, không cần nghĩ nữa. Nhưng tôi cứ nghĩ. Tôi nghĩ đến cái đêm ghê gớm vừa qua, sao tôi ngu dại đến thế? Ngu dại không tin cái tâm linh báo nguy của Mã-Tư và không nghe lời anh!
Sáng sớm hôm sau, người cai ngục đem vào cho tôi một vò nước và một cái chậu, bảo tôi rửa mặt để sắp ra trình Tòa. Ông lại nói thêm rằng:
- Thái độ đoan trang, đứng đắn đôi khi cũng là những lời biện giải hùng hồn cho người bị cáo.
Rửa mặt và sửa sang quần áo xong, tôi ngồi xuống ghế. Nhưng không sao ngồi yên được, tôi đứng lên đi đi lại lại trong buồng giam như con chim quay lộn trong lồng.
Tôi muốn dự bị cách bào chữa và những câu trả lời, nhưng lòng tôi sôi lên như người phát điên. Đáng lẽ nghĩ đến những việc bây giờ, tôi lại nghĩ đến những việc đâu đâu, lờ mờ qua trong óc tôi như một bóng đèn ma.
Người cai ngục trở lại và bảo tôi theo ra. Tôi đi bên cạnh ông ta. Sau khi qua nhiều hành lang hẹp và tối, chúng tôi đến trước một cái cửa nhỏ. Cánh cửa mở ra, người cai ngục bảo tôi:
- Vào đi!
Một hơi nóng đưa vào mặt tôi. Tôi nghe thấy những tiếng rì rầm bên trong. Tôi bước vào và tôi thấy tôi đứng ở trong một cái ngăn bằng gỗ. Tôi đã ra công đường.
Mặc dầu lúc đó tôi ngây ngất như mê và những mạch máu dồn dập ở trên đầu tôi như muốn đứt ra, tôi đưa mắt nhìn chung quanh và nhận rõ phòng hội đồng và đám công chúng ngồi chật ở bên dưới.
Phòng đó cao rộng, có những cửa sổ lớn; chia làm hai phần, một phần dành cho Tòa, một phần để cho công chúng.
Ông Chánh Án ngồi trên một cái bục cao nhất. Phía trước mặt ông Chánh Án và ở một cái bục thấp hơn, có ba ông nữa ngồi. Mãi sau này tôi mới biết đó là: ông Lục Sự, ông Thủ-Quỹ thu các khoản tiền phạt và một ông quan Tòa mà người Pháp thường gọi là Biện lý. Trước mặt tôi, có một ông mặc áo chùng đen, đội tóc giả ngồi ở bàn, đó là Luật Sư của tôi. Sao tự nhiên tôi có một Luật Sư? Ông ta ở đâu đến? Ai đã mời đến cho tôi? Mã-Tư hay Bốp? Không phải là lúc tìm tòi để biết điều đó. Tôi có Luật Sư bênh vực. Thế là đủ.
Trong một khu ghế, tôi nhìn thấy Bốp và hai bạn anh, người chủ quán Cây Sồi và nhiều người khác tôi không quen. Ở một khu khác, tôi trông thấy người Cảnh-binh đã bắt tôi và mấy người nữa đi với người Cảnh-binh ấy.
Đó là những chỗ riêng cho các nhân chứng.
Những hàng ghế dành cho công chúng đều chật ních. Đứng ở bao lơn, tôi nhìn thấy Mã-Tư, mắt chúng tôi giao nhau, hôn nhau. Lập tức tôi thấy phấn khởi hẳn lên. Tôi sẽ được bênh vực. Tôi cảm thấy không bị nặng nề, bị đè ép nữa, bởi những con mắt tò mò chĩa cả vào tôi.
Ông biện lên tiếng đầu tiên. Ông có vẻ vội vàng, trình bày tóm tắt như sau:
- Một vụ trộm đã xẩy ra tại Nhà Thờ Thánh Gioóc. Quân gian là một người đàn ông và một đứa trẻ đã dùng thang, bẻ cửa sổ leo vào. Chúng mang cả một con chó vào để canh cho chúng vơ vét. Hồi một giờ sáng, một người trong phố về khuya thấy trong Nhà Thờ có ánh sáng, đứng lại lắng tai, nghe tiếng lách cách bên trong. Người đó liền chạy đánh thức Cha Sứ. Người ta kéo lên Nhà Thờ rất đông. Con chó sủa mấy tiếng. Khi người ta mở cửa vào thì những kẻ trộm sợ hãi đã tẩu thoát bằng lối cửa sổ bỏ lại con chó, nó không leo thang được. Con chó liền được viên Cảnh-binh Gia-Ry – một nhân viên thông minh và mẫn cán đáng khen – đưa ra ngay Trường Đua và tìm thấy chủ nó, chính là bị cáo đang đứng trước Tòa kia. Còn tên trộm thứ hai, hiện thời đang bị truy nã.
Sau khi nói thêm một vài nhận xét nữa để buộc tội tôi, ông biện lý ngồi xuống.
Một tiếng quát lớn:
- Im!
Lúc đó, ông Chánh Án, không quay về phía tôi. Trông thẳng và như nói cho mình nghe, hỏi tên tôi, tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi.
Tôi trả lời bằng tiếng Anh: Tên tôi là Điệp-Công-Phan, 13 tuổi ở với cha mẹ tôi ở xóm Hồng-Sư khu Thanh-Lâm Luân-Đôn. Xong tôi xin phép tòa nói bằng tiếng Pháp, vì tôi ở Pháp từ thuở lên một và mới về Anh được mấy tháng nay.
Ông Chánh Án nghiêm nghị bảo tôi:
- Anh đừng tưởng lừa tôi được. Tôi biết tiếng Pháp.
Tôi kể lại chuyện tôi bằng tiếng Pháp. Tôi hết sức biện bạch rằng không thể nào tôi lại ở Nhà Thờ vào lúc một giờ được, vì trong giờ đó tôi ở Trường Đua và hồi hai giờ thì tôi ở quán trọ Cây Sồi.
Ông Chánh Án hỏi tôi:
- Anh ở đâu hồi một giờ 15 phút?
- Lúc đó tôi đang đi ở đường.
- Có gì làm bằng chứng không? Anh bảo anh ở trên đường đi quán trọ Cây Sồi mà cáo trạng cho rằng lúc đó anh ở Nhà Thờ. Đi từ Trường Đua hồi một giờ kém vài phút, anh có thể gặp đồng đảng đã đem thang đợi sẵn anh ở chân tường Nhà Thờ. Sau khi ăn trộm hụt, anh mới chạy đến quán trọ Cây Sồi.
Tôi cố sức cãi nhưng ông Chánh Án không chịu. Ông hỏi tôi:
- Thế anh cắt nghĩa cho Tòa biết tại sao con chó của anh lại ở trong Nhà Thờ?
- Tôi không cắt nghĩa được vì chính tôi không hiểu gì cả. Con chó đó không đi với tôi. Tôi buộc nó vào cái xe ở nhà từ buổi sáng.
Tôi không nói gì thêm nữa vì tôi không muốn đưa gậy cho người ta đập cha tôi. Tôi nhìn Mã-Tư, anh ta ra hiệu cho tôi nói nữa đi, nhưng tôi không nói nữa.
Tòa gọi một nhân chứng. Tòa bắt người đó phải lấy Phúc âm thề rằng nói thực, không hận thù mà cũng không tình cảm.
Đó là một ông người to mà lùn, trông bệ vệ oai nghiêm mặc dầu mặt đỏ và mũi xanh. Trước khi giơ tay thề, ông ta quỵ chân xuống trước Tòa rồi đứng lên, ưỡn ngực ra: đó là Cha Sứ Nhà Thờ Thánh Gioóc.
Ông kể lể dài giòng. Ông nói:
- Tôi rất bực mình, đang ngủ có người đánh thức dậy báo tin có trộm vào Nhà Thờ. Tôi tưởng có kẻ định giễu cợt tôi. Nhưng chả có lẽ người ta lại giễu cợt một người tư cách như tôi. Tôi biết là có việc quan trọng. Tôi liền mặc áo, vì tôi vội vàng quá đánh bắn mất hai chiếc cúc áo gi-lê. Rồi tôi chạy lên Nhà Thờ. Tôi vừa mở cửa ra thì trông thấy… ai? Cái gì?... Một con chó.
Về điểm này tôi không trả lời được, nhưng Luật Sư của tôi, từ nãy đến giờ ngồi im. Bây giờ nắn lại vòng tóc giả, sửa lại hai vai áo, xong đứng dậy lên tiếng:
- Ai đóng cửa Nhà Thờ chiều hôm qua?
Cha Sứ trả lời:
- Tôi đóng, vì là bổn phận của tôi.
- Có chắc thế không?
- Khi tôi làm một việc gì, tôi biết chắc là tôi đã làm việc đó.
- Còn những khi ông không làm?
- Khi không làm thì tôi biết chắc là tôi không làm.
- Tốt lắm. Thế ông có thể thề rằng ông đã không vít con chó đó trong Nhà Thờ không?
- Nếu con chó đó ở trong Nhà Thờ thì tôi đã trông thấy.
- Mắt ông có tinh không?
- Như mắt mọi người.
- Cách đây sáu tháng, ông có đưa đầu vào bụng con bê đã mổ treo ở cửa một cửa hàng thịt không?
Cha Sứ tím mặt lại kêu lên:
- Quan trọng gì việc đó mà phải hỏi đến một người tư cách như tôi?
- Quan trọng lắm, xin ông làm ơn trả lời cho.
- Có, tôi có đụng đầu vào một con vật treo vô ý ở cửa một hàng thịt.
- Ông đã không trông thấy con vật đó chứ?
- Lúc đó tôi mải nghĩ.
- Ông vừa ăn xong thì ông đóng cửa Nhà Thờ, phải không?
- Đúng thế.
- Thế khi ông đụng đầu vào con bê, lúc đó có phải ông vừa ăn xong không?
- Nhưng…
- Ông bảo ông không ăn?
- Có ăn.
- Thế ông dùng thứ rượu bia hay nặng?
- Không dùng thứ nhẹ.
- Mấy ly?
- Hai.
- Không bao giờ uống hơn?
- Đôi khi ba.
- Không bao giờ bốn? Không bao giờ sáu?
- Cái đó ít khi.
- Ăn xong, ông hay uống “Grog” (nước pha rượu và chanh) không?
- Một đôi khi có.
- Ông thích uống “Grog” nhiều hay ít?
- Không ít quá.
- Độ bao nhiêu ly?
- Cái đó tùy lúc.
- Ông có sẵn lòng thề rằng ông không bao giờ dùng đến ba hay bốn ly không?
Cha Sứ đỏ mặt tía tai không trả lời nữa.
Trước khi ngồi xuống, Luật Sư kết luận rằng:
- Cuộc đối thoại này có thể chứng minh rằng con chó vít trong giáo đường bởi một nhân chứng, nhân chứng đó sau bữa ăn đã không nhìn thấy những con bê vì y mãi nghĩ. Đó là tất cả những thắc mắc mà tôi muốn nêu ra và muốn biết rõ.
Nếu tôi dám, tôi đã nhẩy đến ôm lấy Luật Sư hôn. Tại sao con Lãnh-Nhi không có thể bị vít trước ở trong Nhà Thờ được? Có lý lắm chứ? Nếu nó bị nhốt đúng như lời Luật sư thì không phải là tôi đã đưa nó vào. Tôi sẽ vô tội. Vì chỉ có con chó là tang vật buộc tội tôi thôi.
Sau Cha Sứ, đến lượt các người đã theo Cha lên Nhà Thờ đêm đó. Họ đều khai không thấy ai cả, chỉ thấy cửa sổ mà kẻ trộm đã mở toang để tháo thân.
Rồi Tòa nghe nhân chứng của tôi: Bốp và các của anh cũng như người chủ quán Cây Sồi đều khai những thì giờ hiện diện của tôi. Tuy nhiên có một điểm không được rõ rệt. Đó là giờ tôi bắt đầu từ Trường Đua đi. Điểm quan trọng nầy không được chứng minh đích xác.
Cuộc thẩm vấn xong, ông Chánh Án hỏi tôi:
- Có muốn nói thêm gì nữa không?
Tôi đáp:
- Tôi vô tội và xin Tòa minh xét cho.
Ông Chánh Án đọc lại biên bản đã ghi tất cả những lời cung khai mà tôi vừa nghe. Xong ông tuyên bố: “bị cáo sẽ phải gửi sang nhà lao Khu, đợi Hội đồng Hội thẩm xét xem có phải đưa vụ này lên tòa Đại hình không”.
Lên tòa Đại hình! Tôi ngã gục xuống ghế. Than ôi! Sao tôi chẳng nghe lời Mã-Tư!