Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Vô Gia Đình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28076 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vô Gia Đình
Hector Malot

Chương XV

Hứa hẹn của bình minh đã thực hiện. Mặt trời chói lọi trên nền trời cao thẳm không một vẩn mây. Những tia sáng rọi xuống tuyết trắng phản chiếu lại thành ánh xanh xanh. Những giải rừng ảm đạm hôm qua, bây giờ vàng rực đến chói mắt.
Thỉnh thoảng thầy tôi lại luồn tay xuống dưới chăn để sờ Hảo-Tâm. Thân thể nó vẫn lạnh vì tôi nghe có tiếng rên. Thì ra chúng tôi làm sao sưởi ấm được máu ở trong huyết quản của nó đã bị nhiễm lạnh.
Thầy tôi đứng dậy bảo tôi:
- Nếu ta không tìm vào làng ngay thì con Hảo-Tâm chết ở đây mất. Cố sao cho nó khỏi chết đường. Chúng ta đi đi!
Chiếc khăn lại hơ nóng. Thầy tôi quấn cho nó và ấp nó vào bên ngực.
Chúng tôi chuẩn bị xong.
Thầy tôi nói giọng run run:
- Đây là cái quán trọ nó đã bắt ta trả đắt quá!
Nói xong, thầy tôi ra trước, tôi theo sau. Tôi phải gọi con Lãnh-Nhi vì nó cứ nằm lì ở hè quay mõm về chỗ hai bạn hôm qua.
Mươi phút sau, chúng tôi ra đến đường cái. Chúng tôi gặp một cái xe bò, người đánh xe cho chúng tôi biết đi bộ một giờ nữa thì đến làng. Lời nói đó làm cho chúng tôi phấn khởi. Nhưng đi rất khó khăn và vất vả vì tôi phải lội tuyết đến đầu gối.
Thỉnh thoảng tôi lại hỏi thăm bệnh Hảo-Tâm, thầy tôi bảo nó vẫn run run bên ngực thầy tôi.
Sau cùng, ở dưới chân đồi hiện ra những mái nhà trắng của một làng khá to. Cố gắng chút nữa thì chúng tôi tới nơi.
Chúng tôi không quen vào những quán trọ lớn, bề ngoài đồ sộ hứa hẹn những phòng ngủ tốt và những bữa ăn ngon. Trái lại chúng tôi thường dừng chân ở đầu làng hay ở ngoại châu thành để tìm những nhà trọ bình dân, ở đó người ta không hắt hủi và bóc lột chúng tôi.
Nhưng lần này không thế, đáng lẽ nghĩ ngay ở đầu làng, thầy tôi đi thẳng đến một khách sạn ngoài cửa treo một tấm biển vàng. Nhìn qua cửa bếp mở rộng người ta trông thấy một bàn đầy thịt và ở trên bếp rộng có nhiều cái chảo đồng sáng loáng đang sèo sèo vui tai và đưa lên trên trần những đám hơi xanh. Từ ngoài phố, người ta đã ngửi thấy mùi thơm của súp béo, khai vị cho những dạ dày lép xẹp của chúng tôi.
Thầy tôi lấy bộ nghiêm trang, vào trong bếp, mũ trên đầu, mặt hơi ngửa, bảo người chủ tiệm dành cho một phòng tốt có lò sưởi.
Người chủ tiệm trông có vẻ mẫn tiệp, thoạt đầu hạ cố nhìn chúng tôi rồi như có ý ngần ngại, nhưng cái phong độ của thầy tôi đã làm cho chủ tiệm phải kính. Rồi người đầy tớ gái được lệnh đưa chúng tôi nhận buồng.
Khi người đầy tớ gái dóm lò sưởi, thầy tôi bảo tôi:
- Con lên giường ngủ đi.
Tôi sững người, ngạc nhiên: sao lại đi ngủ? Tôi muốn ngồi vào bàn hơn là lên giường.
- Nhanh lên, con!
Tôi phải vâng lời.
Trên giường có một cái chăn. Thầy tôi kéo đắp cho tôi đến cằm, và bảo tôi:
- Cố nằm cho ấm, càng ấm bao nhiêu càng tốt.
Lúc đó, tôi nghĩ con Hảo-Tâm cần được ủ ấm hơn tôi vì tôi không rét lắm.
Trong khi tôi nằm im trong chăn để lấy ấm. Thầy tôi làm cho cô đầy tớ gái phải trố mắt nhìn: thầy tôi cầm con Hảo-Tâm quay đi quay lại trên lửa như người muốn thui.
Lát sau thầy tôi hỏi tôi:
- Con đã thấy ấm chưa?
- Thưa thầy, con ngột cả người!
- Tốt lắm, cần phải thế.
Rồi thầy tôi nhanh nhẹn lại chỗ tôi, đặt con Hảo-Tâm vào trong chăn, bảo tôi ủ nó vào ngực.
Con vật khốn nạn kia ngày thường rất bướng bỉnh khi người ta bảo nó làm việc gì mà nó không thích, bây giờ nó chịu đựng được hết. Nó bám vào ngực tôi không động đậy, nó không rét nữa, nhưng mình nó nóng như lửa.
Thầy tôi xuống bếp rồi trở lên với một chén rượu vang nóng có pha đường. Thầy tôi định cho nó uống một vài thìa nhưng nó cứ cắn chặt lấy răng. Hai con mắt nó lóng lánh nhìn chúng tôi vẻ buồn rầu, như kêu xin đừng dày vò nó nữa.
Đồng thời nó thò một cánh tay ra ngoài chăn và chìa cho chúng tôi. Nó nhắc đi nhắc lại cử chỉ đó nhiều lần, chúng tôi không hiểu sao cả.
Thầy tôi cắt nghĩa cho tôi:
- Khi con chưa gia nhập đoàn này, có một lần Hảo-Tâm bị sưng phổi, người ta phải trích máu ở tay nó ra. Bây giờ nó ốm, nó lại giơ cánh tay ra để chữa cho nó khỏi như lần trước.
Thực là cảm động.
Ông Vỹ-Tiên không những cảm động, ông còn lo buồn nữa.
Bệnh nó thực trầm trọng. Nó không thiết uống rượu vang là một thứ mà xưa nay nó vẫn ưa thích, là sự không vừa.
Thầy tôi bảo tôi:
- Vậy con uống rượu đi. Rồi nằm nghỉ. Ta đi mời thầy thuốc cho Hảo-Tâm.
Tôi xin thú thực rằng tôi vốn thèm rượu vang ngọt, lại thêm đói lòng, tôi không để mời đến hai lần, tôi uống luôn một hơi rồi nằm xuống đắp chăn, men rượu làm nóng thêm, tôi suýt nghẹt thở.
Thầy tôi đi không lâu. Lát sau thầy tôi về cùng một ông đeo kính gọng vàng: đó là thầy thuốc.
Sợ rằng một vị thượng lưu không muốn mất thì giờ để đi chữa bệnh cho một con vật, ông Vỹ-Tiên lúc mời thầy thuốc, không dám nói rõ là chữa cho con khỉ. Vì thế, thoạt nhìn thấy tôi nằm trong chăn, mặt đỏ như quả bồ quân chín muồi, thầy thuốc liền đến sờ trán tôi và nói:
- Sung huyết.
Và ông lắc đầu ngụ ý bệnh khó chữa.
Nếu tôi không cải chính ngay sợ ông ta trích huyết tôi, tôi liền nói:
- Thưa ông, tôi không ốm.
- Thế nào? Đứa trẻ này không ốm? Nó nói mê.
Không trả lời, tôi lật chăn ra và trỏ vào con Hảo-Tâm nó đang quàng tay vào cổ tôi, và nói:
- Chính con này ốm.
Ông thầy thuốc lùi lại hai bước và hất hàm hỏi thầy tôi:
- Một con khỉ? Thế nào? Vì một con khỉ mà ông làm phiền tôi, phải đi trong lúc giá rét này?
Ông ấy tức giận quay ra. Thầy tôi vốn là người khéo nói và có tính bình tĩnh. Với lễ độ và bằng bộ kẻ cả, thầy tôi làm cho ông thầy thuốc không ra được. Thầy tôi trình bày cảnh ngộ: chúng tôi gặp bão tuyết làm sao, con Hảo-Tâm sợ chó sói trốn lên cây và nhiễm lạnh thế nào.
Thầy tôi nói tiếp:
- Thực vậy, con bệnh chỉ là một con khỉ, nhưng một con khỉ rất khôn. Nó không phải là con vật giúp việc mà là bạn của chúng tôi. Giao một kịch sĩ đại tài như nó cho một ông lang vườn ở làng thì coi sao được. Mọi người đều biết các ông lang vườn đều dốt cả. Mọi người đều biết các vị y sĩ đều là những nhà bác học, đến nỗi mà ở một làng xa xôi hẻo lánh người ta cũng tin ở tài năng và đại độ mà lặn lội tìm đến gõ cửa các vị y sĩ. Nay, mặc dầu con khỉ chỉ là một loài vật, nhưng theo các nhà thiên nhiên học thì nó gần giống người hơn cả, đến nỗi các bệnh của nó không khác gì bệnh của người. Như vậy, về phương diện kỹ thuật, việc nghiên cứu những bệnh đó giống bệnh người ở chỗ nào và khác ở chỗ nào, chẳng phải là một điều bổ ích hay sao?
Cái tài tán dương của những người Ý-đại-lợi không thể chê được. Nghe bùi tai, nhà y sĩ bỏ chỗ cửa và chạy đến cạnh giường.
Khi thầy tôi thuyết thì con Hảo-Tâm, có lẽ đoán ông đeo kính là thầy thuốc, nên cứ thò cánh tay nhỏ xíu của nó ra để xin trích huyết.
Thầy tôi được dịp nói thêm:
- Đấy ngài xem, nó có thông minh không? Nó biết ngài là y sĩ nên nó chìa tay cho ngài chẩn mạch.
Thầy thuốc càng tin và nói:
- Trường hợp này cũng lạ thực!
Than ôi! Chúng tôi đau buồn biết bao khi thầy thuốc cho chúng tôi biết Hảo-Tâm bị chứng sưng phổi.
Thầy thuốc cầm lấy cánh tay Hảo-Tâm và dùng dao nhọn trích vào tĩnh mạch, nó không hề rên rỉ chút nào, biết rằng có thế mới khỏi.
Trích xong, thầy thuốc cho thuốc cao, thuốc đồ, thuốc pha, thuốc sắc. Lẽ dĩ nhiên, tôi thành một người khán hộ bên cạnh Hảo-Tâm dưới quyền điều khiển của thầy tôi.
Con Hảo-Tâm đáng thương hại, nó ưa tôi săn sóc nó và thường thưởng cho tôi những nụ cười biết ơn. Cái nhìn của nó trông hệt như mắt người. Ngày thường, nó khó bảo, bướng bỉnh, cứng cổ là thế, hiếu động là thế mà bây giờ nó “từ bi” và ngoan ngoãn một cách lạ lùng. Xem ra nó thích người ta vuốt ve, nâng niu nó, nó bắt cả con Lãnh-Nhi thường là nạn nhân trong những trò hóm hỉnh của nó, phải chiều đãi nó.
Như một đứa con nuông, nó muốn tất cả mọi người phải ở luôn cạnh nó. Nếu ai bỏ đi thì nó giận dữ.
Bệnh của nó theo đúng bệnh thế của chứng sưng phổi, nghĩa là đến thời kỳ ho. Mỗi khi lên cơn, nó ôm ngực ho sù sụ, rung chuyển cả tấm thân bé nhỏ còm gầy.
Cả cơ nghiệp tôi có 5 xu. Tôi mua kẹo mạch nha cho nó ngậm. Thành ra đáng lẽ làm cho nó bớt đau, tôi lại làm bệnh nó tăng thêm.
Nó thấy mỗi khi nó ho tôi lại cho nó một viên kẹo, nó liền lợi dụng chỗ đó, giả cách ho suốt ngày để được ngậm thứ thuốc mà nó rất thèm, vì thế cái vị thuốc của tôi đáng lẽ có hiệu quả lại thành ra làm cho nó ho thêm.
Khi tôi biết mưu của nó, tôi giấu kẹo đi. Nhưng nó không nản lòng: bắt đầu nó đưa mắt xin tôi, thấy vô hiệu, nó liền ngồi dậy, cúi gập mình xuống, một tay ôm bụng, nó dặn ho ra, mắt nó đỏ bừng, gân trán nổi lên, nước mắt nước mũi ràn rụa, cuối cùng nó lử ra không phải là để đóng kịch mà chính là nó hết hơi.
Thầy tôi có tính đã nghĩ việc gì thì âm thầm làm, không bao giờ nói cho tôi biết. Cũng là một sự ngẫu nhiên mà tôi biết đã bán cái đồng hồ quý để sắm áo cừu cho tôi. Nhưng trong tình trạng khẩn trương này, thầy tôi đã phá lệ đó.
Một buổi sáng, sau bữa ăn, trong lúc tôi đang ngồi trông con Hảo-Tâm thì thầy tôi bảo tôi rằng chủ tiệm vừa đòi tiền ăn tiền trọ, thầy tôi đã trả cả, nay trong túi chỉ có 5 phật-lăng thôi.
- Tính sao bây giờ?
Cố nhiên tôi không biết trả lời thế nào về vấn đề đói. Thầy tôi đã nghĩ được cách giải quyết là phải đi diễn trò ngay buổi chiều.
Một cuộc diễn không có Hiệp-Nhi, Thùy-Nhi và Hảo-Tâm tôi nghĩ không sao thành được.
Nhưng chúng tôi không chịu ngừng bước trước sự khó khăn. Dù đến thế nào cũng phải chữa cho con Hảo-Tâm khỏi bệnh. Tiền thầy, tiền thuốc, tiền buồng, tiền than, thôi thúc chúng tôi phải kiếm sao cho được 40 phật-lăng để trả chủ tiệm vì họ có ngửi thấy hơi tiền thì mới cho chúng tôi ở chịu.
Kiếm 40 phật-lăng ở làng này trong lúc rét mướt với những phương tiện hiện hữu của chúng tôi, thực là một việc cố gắng phi thường.
Tuy nhiên thầy tôi không để chậm, sữa soạn gấp để thực hiện buổi đó. Khi tôi ở nhà trông con Hảo-Tâm thì thầy tôi mượn được một rạp hát ở chợ, vì trời rét quá diễn ngoài trời không tiện. Thầy tôi viết và tự đi dán những giấy quảng cáo. Thầy tôi xếp một vài tấm ván làm sân khấu và hy sinh cả 5 phật-lăng để mua nến về cắt ra làm đôi để thắp nhiều ngọn cho sáng.
Nhìn qua cửa sổ buồng, tôi thấy thầy tôi đi đi lại lại trên tuyết qua cửa khách sạn nhiều lần. Tôi tự nghĩ và băn khoăn không biết chương trình buổi diễn sẽ ra sao. Chợt người phu đánh trống, đầu đội một cái mũ lưỡi trai đỏ, dừng ở trước cửa khách sạn đọc to chương trình buổi diễn.
Thầy tôi đã quảng cáo một cách quá đáng như sau “Nào là một nghệ sĩ đại tài – tức Lãnh-Nhi, nào là ca sĩ thần đồng – tức là tôi”.
Những phần đặc biệt nhất của lời rao là chủ nhân không định giá chỗ ngồi và không bán vé, tùy lượng khán giả thưởng cho sau khi đã trông, nghe và vỗ tay.
Điều này hơi táo bạo: đã chắc đâu công chúng vỗ tay? Con Lãnh-Nhi thì có thể được vì nó rất hay, còn tôi, tôi có là thần đồng đâu?
Khi nghe thấy tiếng trống, con Lãnh-Nhi sủa lên những tiếng vui vẻ, con Hảo-Tâm cũng ngóc đầu lên, lúc đó nó đang mệt. Cả hai con biết hiệu là sắp diễn trò. Con Hảo-Tâm cứ cố ngồi dậy, tôi phải giữ lại. Nó lại đòi bộ áo Đại tướng Anh-Quốc: áo quần đỏ viền lon vàng và mũ quan của nó.
Đòi không được, nó chắp tay và quỳ xuống để kêu van.
Khi nó biết kêu xin không ăn thua, nó ra mặt giận, rồi nó khóc.
Tôi nghĩ chiều nay rất khó giữ không cho nó ra, phải tìm cách trốn nó mới xong.
Không may, thầy tôi không biết việc nó đòi, ở đâu về bảo tôi sửa soạn đàn và những đồ cần thiết để biểu diễn.
Nghe nói, nó hiểu. Nó lại bắt đầu xin đi, lần này nó van lơn thầy tôi bằng điệu bộ, bằng tiếng kêu, bằng nước mắt và những cái hôn vào bàn tay thầy tôi. Thầy tôi hỏi nó:
- Con muốn đi diễn à?
Nó đem hết sức của tấm thân dúm dó của nó và kêu những tiếng như:
- Dạ, dạ…
- Nhưng con còn ốm lắm, Tâm ạ.
Nó lại kêu như đáp lại:
- Hết ốm!
Thực cảm động đến rơi lệ khi trông thấy một con vật chỉ còn hơi tàn, phải gò cổ kêu, phải vận động xác ve để ra hiệu, đứng lên ngồi xuống khó nhọc, chỉ tha thiết đi để đền ơn chủ. Nhưng chiều nó thế nào được; cho nó đi tức là giết nó.
Đã đến giờ chúng tôi phải ra rạp. Tôi bỏ thêm những thanh củi lớn vào lò cho giữ lửa được lâu. Rồi tôi đắp chăn lại cho con Hảo-Tâm. Nó khóc thảm thiết và hôn tôi mãi không dứt. Sau cùng chúng tôi phải đi.
Chúng tôi cùng đi trên đường đầy tuyết. Thầy tôi dặn dò tôi trước những công việc phải làm.
Chúng tôi không thể diễn những trò mọi ngày được vì những vai chính thiếu cả. Nhưng chúng tôi, Lãnh-Nhi và tôi, phải đem hết nghị lực ra trình bày cho được kết quả mong muốn: 40 phật-lăng.
40 phật-lăng! Khó lắm!
Trong rạp mọi thứ đều chuẩn bị; ông Vỹ-Tiên chỉ còn có việc thắp nến nữa thôi, nhưng chúng tôi không dám hoang phí thắp trước khi đông đủ khán giả vì phải giữ sao cho nến không hết trước khi mãn trò.
Khi chúng tôi đã có mặt trong rạp rồi, trống cổ động còn khua lần cuối cùng trong các phố. Chúng tôi nghe thấy tiếng trống lúc gần lúc xa, tùy theo vị trí quanh co các phố trong làng.
Sau khi tôi và Lãnh-Nhi đã sắm sửa áo mũ xong, tôi ngồi vào một góc cột để nhìn các khán giả đến xem.
Không bao lâu, tiếng trống về gần rạp, phụ họa thêm những tiếng ồn ào. Đó là tiếng cười nói của hơn hai chục đứa trẻ đi theo sau trống đánh dịp chân. Người phu cổ động đem trống về cửa rạp hai bên có treo đèn lồng và tiếp tục đánh luôn tay.
Ai muốn xem thì cứ việc vào ngồi để đợi giờ khai mạc.
Nhưng sao mà họ đến chậm thế, mặc dầu những tiếng “tùng tùng” vui vẻ như giục giã bên tai. Rạp đã có người nhưng toàn là những đứa trẻ tinh ranh trong phố. Chúng không phải là những người đem lại cho chúng tôi 40 phật-lăng. Vì thế chúng tôi phải đợi những nhân vật quan trọng có túi tiền đầy và có bàn tay dễ mở.
Sau cùng, trong rạp còn trống, thầy tôi nhất định mở màn vì chúng tôi không thể đợi lâu sợ thiếu nến.
Tôi phải ra trò trước tiên, vừa đánh đàn vừa hát hai ca khúc ngắn. Cho được thành thực, tôi phải thú thực rằng hát xong chỉ có một vài tiếng vỗ tay.
Không phải tôi giàu lòng tự ái như các nghệ sĩ khác, nhưng trong trường hợp này, sự lãnh đạm của khán giả làm tôi buồn lòng. Nếu tôi không làm cho khán giả thỏa ý thì túi họ không mở. Không phải vì hư danh mà tôi cố hát, chính vì con Hảo-Tâm đáng thương.
Chán thay! Tôi cố hết sức làm cho họ cảm động, làm cho họ vui cười, làm cho họ say mê, nhưng tôi càng trông xuống rạp thì tôi càng thấy họ ít chú ý đến tôi, họ không nhận tôi là thần đồng.
Con Lãnh-Nhi may mắn hơn. Người ta vỗ tay hoan nghênh nó nhiều lần và hoan nghênh nhiệt liệt.
Cuộc diễn tiếp tục. Nhờ có Lãnh-Nhi buổi hát đã chấm dứt trong những tiếng hoan hô. Người ta vỗ tay, người ta nện cả chân xuống đất nữa.
Giờ quyết định vận vận mệnh đã đến. Trong khi ông Vỹ-Tiên đánh đàn cho tôi nhảy điệu Bồ-Đào-Nha trên sân khấu, con Lãnh-Nhi ngậm cái bát gỗ đi chung quanh hàng khán giả. Nó có thu được 40 phật-lăng không? Tôi vừa nhảy vừa nghĩ thế vừa mỉm cười với khán giả bằng một dáng điệu tác dụng cho thật đáng yêu.
Tôi đã mệt nhưng cứ phải nhảy đợi cho con Lãnh-Nhi trở lại mới thôi. Nó không vội vàng. Tới vị nào không móc tiền cho nó, nó lấy chân vỗ vào túi và đứng ỳ ra.
Sau cùng tôi thấy nó trở lại chỗ tôi. Tôi định thôi nhảy nhưng thầy tôi đưa mắt bảo tôi tiếp tục. Tôi lại cố nhảy và nhìn vào bát của Lãnh-Nhi thấy chưa đầy, còn thiếu nhiều.
Lúc đó thầy tôi cũng nhìn thấy số tiền thu được ít ỏi quá, liền đứng dậy nói:
- Thưa quý vị, chương trình của chúng tôi đến đây là hết. Nhưng, nến còn cháy, nếu quý vị muốn, tôi xin cống hiến quý vị một vài ca khúc. Lãnh-Nhi sẽ lượn thăm quý vị lần thứ hai. Những vị nào chưa tìm thấy miệng túi khi Lãnh-Nhi đi qua lần trước, lần này tất tinh mắt hơn. Vậy xin kính báo quý vị biết trước.
Tuy Vỹ-Tiên là nhạc sư của tôi thực, nhưng tôi không thấy ông hát thực sự hay hát như buổi tối hôm đó bao giờ!
Ông chọn hai bài Tình-ca mà mọi người đều biết – nhưng thuở đó tôi không biết – là “Thời niên thiếu” và bài “Tình yêu”.
Ngày ấy tôi không biết phân biệt thế nào là hát hay, hay không hay, có nghệ thuật hay không nghệ thuật. Nhưng tôi nghe tiếng hát của ông đã khiến cho lòng tôi thổn thức, tôi phải lẩn vào góc rạp khóc thầm.
Qua làn nước mắt rưng rưng, tôi nhìn thấy một thiếu phụ ngồi hàng ghế nhất vỗ tay rất nhiều. Bà ta không phải là một người nhà quê như các bà ngồi bên cạnh, mà là một thiếu phụ trẻ, đẹp, cứ trông cái áo khoác bằng da rái cá của bà, tôi đoán bà vào hạng giàu có nhất trong làng. Cạnh bà là cậu bé cũng thích Lãnh-Nhi lắm, có lẽ là con trai bà vì trông giống bà như đúc.
Sau bài thứ nhất, Lãnh-Nhi lại bắt đầu đi quyên. Không thấy bà ta cho gì, tôi cũng hơi lạ. Đến khi thầy tôi hát xong bài thứ hai, bà vẫy tôi đến gần.
Bà nói:
- Tôi muốn nói chuyện với thầy em.
Tôi lấy làm ngạc nhiên sao lại có một người đàn bà đẹp thế muốn nói chuyện với thầy tôi. Giá bà cứ cho ngay vào bát có lẽ thú hơn. Tuy nhiên tôi phải chuyển lời yêu cầu đó đến thầy tôi. Lúc đó Lãnh-Nhi cũng theo chân tôi. Lần quyên thứ hai, kết quả lại kém lần trước nhiều.
Ông Vỹ-Tiên hỏi tôi:
- Bà ấy muốn gì?
- Nói chuyện với thầy.
- Ta không có gì để nói.
- Bà ta không cho Lãnh-Nhi gì. Có lẽ bà ta định cho.
- Thế thì con Lãnh-Nhi phải đến chứ, ta không phải đến.
Nói thế, nhưng thầy tôi cũng đến, tay dắt con Lãnh-Nhi, tôi cũng theo sau.
Lúc đó, có người nữ tỳ cầm đèn lồng và một cái khăn choàng đến đón bà ta và cậu bé.
Ông Vỹ-Tiên đến gần và cúi chào nhạt nhẽo.
Bà khách nói:
- Xin ông tha lỗi đã làm phiền ông. Tôi muốn khen ngợi ông.
Ông Vỹ-Tiên lại cúi mình không nói gì.
Bà khách nói tiếp:
- Tôi vốn biết về âm nhạc. Được nghe ông hát, tôi rất cảm phục. Ông thực là một ca sĩ đại tài.
Một đại tài ở thầy tôi, một người hát rong, một người làm xiếc! Tôi sửng sốt cả người.
Thầy tôi đáp:
- Đại tài gì đâu, một kẻ già lão như tôi.
Bà khách nói:
- Xin ông đừng cho rằng tôi có ý thóc mách.
- Bà không hiểu tại sao một người diễn trò rong lại hát tạm được như thế, phải không? Tôi xin nói để bà khỏi lạ.
- Không phải lạ, mà kinh dị!
- Một việc rất thường. Không phải từ trước đến giờ tôi vẫn thế này. Ngày trước, hồi tôi còn niên thiếu, đã lâu lắm rồi, tôi đã là… phải, đã là một người đầy tớ của một ca sĩ đại tài. Rồi tôi bắt chước như con vẹt, nhắc đi nhắc lại một vài bài mà thầy tôi đã hát, có thế thôi.
Bà khách không nói gì, nhìn kỹ ông Vỹ-Tiên làm cho ông có vẻ luống cuống.
- Thôi kính chào ông – bà khách nhấn mạnh tiếng “ông” – và một lần nữa xin cảm ơn ông đã cho nghe những bài rất hay và rất cảm động.
Rồi bà cúi xuống bỏ vào bát con Lãnh-Nhi một đồng tiền vàng.
Tôi tưởng thầy tôi phải tiễn chân bà khách, nhưng không, sau khi bà ta đã đi khỏi, thầy tôi lẩm nhẩm mấy tiếng “rủa” bằng tiếng Ý.
Tôi nói:
- Nhưng bà ta cho Lãnh-Nhi 20 đồng phật-lăng.
Tôi tưởng thầy tôi giơ tay tát tôi song lại rụt lại. Rồi như chợt tỉnh lại sau một giấc mê, thầy tôi bảo tôi:
- Đồng 20 phật-lăng! À! Phải, phải đấy, con Hảo-Tâm khốn nạn, ta quên mất. Bây giờ về thăm nó xem sao.
Rạp dọn trong nháy mắt đã xong, chúng tôi không mấy lúc đã về đến khách sạn.
Tôi lên thang trước tiên và chạy ngay vào phòng. Lửa còn cháy, nhưng không lên ngọn. Tôi liền thắp đèn. Không nghe thấy tiếng Hảo-Tâm đâu, tôi liền tìm.
Nó nằm xõng xượt trên chăn, mình mặc bộ lễ phục Đại tướng nước Anh, hình như nó đang ngủ. Tôi cúi xuống sẽ cầm tay nó khơi dậy. Bàn tay nó lạnh quá.
Lúc đó thầy tôi vào phòng. Tôi quay lại bảo thầy tôi:
- Hảo-Tâm lạnh lắm, thầy ạ.
Thầy tôi cúi xuống bên tôi và kêu:
- Trời ơi! Hảo-Tâm đã chết rồi! Việc này tất phải đến. Minh ơi! Con có coi thấy không? Tại ta đã chia rẽ một tình mẫu tử, rứt con ở trong tay bà Mỹ-Lưu ra, trời trừng phạt ta bắt con Hiệp-Nhi, Thùy-Nhi, nay lại đến con Hảo-Tâm của ta! Mà cũng chưa hết đâu, con ạ!

<< Chương XIV | Chương XVI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 914

Return to top