Khi tôi tỉnh dậy thấy mình nằm trong một cái giường con, ngọn lửa trong lò bốc cao soi sáng khắp phòng.
Tôi đưa mắt nhìn chung quanh.
Tôi không quen cái buồng này.
Tôi cũng không quen những người ở chung quanh tôi: một người đàn ông mặc áo xám, đi guốc vàng, ba hay bốn đứa trẻ, trong số đó có một đứa con gái độ 5 hay 6 tuổi cứ nhìn tôi và đứng ngây ra.
Tôi chống tay ngồi dậy.
Mọi người chạy vội đến.
Tôi lẩm bẩm:
- … Vỹ-Tiên?
Người con gái lớn đoán:
- Nó gọi cha nó.
- Không phải cha tôi, đó là thầy tôi. Thầy tôi đâu? Lãnh-Nhi đâu?
Giá ông Vỹ-Tiên là cha tôi, có lẽ người ta cũng dè dặt chưa kể rõ cho tôi nghe. Nhưng ông già là thầy tôi nên người ta cần nói thực việc đã xảy ra cho tôi biết.
Cái cửa mà chúng tôi nép ở đó đêm qua là cửa nhà một người làm vườn. Khoảng 2 giờ sáng, người ta mở cửa đó để đi chợ thì thấy chúng tôi nằm phủ rơm, người ta liền gọi chúng tôi dậy để lấy lối xe đi. Nhưng chẳng thấy ai động đậy, chỉ có con chó sủa lên để bảo vệ chúng tôi. Người ta lắc cánh tay chúng tôi. Chúng tôi cứng đờ. Biết là có chuyện chẳng lành, người ta đem đèn ra. Xem xét xong, người ta biết ông già đã chết, chết rét, còn tôi thì cũng gần như ông già. Nhờ có con Lãnh-Nhi ôm lấy ngực tôi, tim tôi còn giữ được chút nóng, nên tôi còn thoi thóp thở. Người ta liền ẳm tôi vào nhà, đánh thức một đứa con dậy để lấy giường cho tôi. Tôi nằm như chết. Rồi máu dần dần chạy điều hòa, tôi thở được dễ dàng. Sau sáu giờ tĩnh dưỡng tôi mới tỉnh.
Thể xác và tinh thần tôi tuy còn tê dại nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu những lời tôi vừa nghe thấy: thầy tôi đã chết!
Đó là người mặc áo xám, ông làm vườn, đã kể lại cho tôi nghe. Trong khi ông nói, cô con gái nhỏ cứ nhìn tôi không chớp mắt. Khi ông bảo thầy tôi đã chết rồi, tôi nức nở khóc thì cô bé chạy lại, víu tay cha u-ú không ra tiếng người và trỏ tôi có vẻ buồn rầu thương hại. Tôi cảm thấy tôi không bơ vơ và hình như thầy tôi còn ở đâu bên mình.
Người cha cúi xuống bảo con:
- Lệ-Hoa ơi! Tin đó buồn thực. Cha không nỡ giấu. Bây giờ nếu cha không nói thì Cảnh binh cũng sẽ nói.
Rồi ông kể nốt cho tôi nghe. Người ta báo Cảnh binh đưa người đến cáng ông già đi. Còn tôi thì được ẵm vào giường cậu An-Sinh, con trai lớn ông.
Khi ông nói xong, tôi hỏi:
- Còn Lãnh-Nhi?
- Lãnh-Nhi?
- Ta không biết. Nó đi mất.
Một người con trai ông nói:
- Nó chạy theo cáng ông già.
- Bằng-Mai! Con trông thấy à?
- Vâng. Nó theo sau những người khiêng cáng, cúi đầu ủ rũ, thỉnh thoảng lại nhảy lên đòn cáng. Người ta đuổi xuống thì nó kêu lên những tiếng thảm thiết, nghẹn ngào.
Con Lãnh-Nhi đáng thương! Đã bao lần nó đóng vai người đưa đám, theo sau xe tang con Hiệp-Nhi, giả bộ khóc sụt sịt, khiến cho khán giả phải ôm bụng cười!
Xong, ông làm vườn và các con ra ngoài để tôi nghỉ. Nằm mãi không biết làm gì, tôi trở dậy.
Cây đàn của tôi để ở chân giường. Tôi cầm lên khoác dây vào vai sang phòng chủ nhân. Tôi phải đi và đi đâu? Tôi cũng chưa biết, nhưng tôi thấy tôi cần phải đi… vả lại ông Vỹ-Tiên dù sống hay chết, tôi muốn nhìn mặt ông. Tôi phải đi.
Từ lúc tôi tỉnh đến giờ, tôi đã khá nhiều, chỉ còn đau mình mẩy và hơi nhức đầu. Khi tôi đứng lên thì tự nhiên thấy chóng mặt phải vịn vào lưng ghế. Nhưng tôi đứng nghỉ một lúc, rồi đẩy cửa vào phòng chủ nhân.
Ông cùng các con đang ngồi bàn ăn, cạnh lò sưởi, ngọn lửa đỏ hồng. Cả nhà đang ăn món súp cải bắp.
Mùi thơm của súp đưa lên làm tôi nhớ ra rằng từ sáng hôm qua đến nay tôi chưa có mẩu bánh nào vào bụng. Tôi xỉu người ra và bước không vững. Mặt tôi nhợt nhạt.
Ông làm vườn hỏi tôi, giọng ngọt ngào:
- Con ơi! Sao thế? Con đau phải không?
Tôi đáp:
- Thưa ông, vâng. Con thấy khó chịu. Ông cho con ngồi cạnh lò sưởi.
Thực ra tôi không cần sưởi mà cần ăn. Nhưng ông Vỹ-Tiên không dạy tôi ăn xin, vả tạo hóa cũng không sinh tôi ra là đứa ăn xin, nên tôi thà nhịn đói chứ không bao giờ kêu “tôi đói”. Tại sao thế? Tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết xin cái gì mà tôi trả được.
Cô gái nhỏ không biết nói mà người cha gọi là Lệ-Hoa, ngồi trước mặt tôi. Đáng lẽ tiếp tục ăn, cô ngừng lại và nhìn tôi. Thình lình, cô đứng dậy bưng đĩa súp đầy lại và đặt lên đầu gối tôi.
Lạ quá, tôi không còn nói được ra tiếng, giơ tay làm dấu cảm ơn và chưa kịp cầm lấy đĩa thì cha cô bảo:
- Con ơi! Cầm lấy. Lệ-Hoa thành tâm đó. Nếu lòng con muốn, hết đĩa này, con ăn thêm đĩa nữa.
Nếu lòng tôi muốn! Chỉ trong vài giây đĩa súp đã nhẵn quẹn. Lệ-Hoa vẫn đứng trước mặt tôi. Khi tôi hạ thìa xuống, cô kêu lên một tiếng tỏ ý vui lòng. Rồi cô đỡ lấy đĩa trao cho cha múc thêm. Xong, cô bưng lại đưa cho tôi với một nụ cười dịu dàng làm tôi phấn khởi quên cả đói, ngồi im một lúc rồi mới nhớ ra, vội đỡ lấy đĩa.
Đĩa thứ hai ăn nhanh không kém đĩa trước. Lần này thấy thế, các con ông không mỉm cười nữa mà cười rộ lên.
Người cha bảo:
- Con ơi! Con ăn khá đấy!
Tôi đỏ mặt lên và nghĩ nên nói thật kẻo bị ngờ là đứa tham ăn. Tôi liền đáp:
- Chiều hôm qua, con không được ăn.
- Thế bữa sáng?
- Bữa sáng cũng không có.
- Thầy con thì sao?
- Thầy con cũng chẳng ăn gì hơn con.
- Thế ra ông già bị chết rét và chết đói. Tội nghiệp!
Hai đĩa súp đầy đã làm tôi lại sức. Tôi đứng dậy xin đi.
Người cha hỏi:
- Con đi đâu bây giờ?
- Con muốn nhìn thầy con lần cuối cùng.
- Con có biết người ta đưa ông đi đâu không?
- Con không biết.
- Con có bà con nào ở Ba-Lê không?
- Không.
- Người làng?
- Không có ai.
- Chỗ trọ con ở đâu?
- Thầy con không có chỗ trọ. Thầy con và con vừa tới Ba-Lê hôm qua.
- Con định làm nghề gì?
- Đánh đàn và hát để qua ngày.
- Ở đâu?
- Ba-Lê.
- Con nên trở về quê với cha mẹ con. Cha mẹ con ở đâu?
- Con không có cha mẹ.
- Con bảo ông già râu bạc không phải là cha con?
- Con không có cha, nhưng ông già Vỹ-Tiên cũng như cha con.
- Và cũng không có mẹ?
- Con cũng không có mẹ.
- Vậy con có chú, bác, cô, dì, anh chị em họ hay một người thân thích nào không?
- Không có ai cả.
- Thế con từ đâu đến?
- Chồng bà mẹ nuôi con bán con cho ông Vỹ-Tiên. Thầy con rất thương con, con ơn thầy con nhiều lắm. Đến chủ nhật, con sẽ trở lại đây đánh đàn và cho con Lãnh-Nhi biểu diễn để cảm ơn ông.
Tôi vừa nói vừa ra cửa. Tôi vừa bước được vài bước thì Lệ-Hoa theo tôi, cầm lấy tay tôi, chỉ vào cây đàn mà mỉm cười. Tôi hiểu ý cô và hỏi:
- Cô muốn tôi đánh đàn?
Cô gật đầu và vỗ tay vui vẻ.
Cha cô nói thêm:
- Phải đấy. Con đánh một bài cho vui.
Lúc đó tôi cũng không vui gì, nhưng tôi cũng hạ đàn xuống đánh một vũ khúc hay nhất để tặng cô Lệ-Hoa.
Trước hết cô nhìn tay tôi, sau cô lấy chân đánh dịp rồi như bị tiếng đàn lôi cuốn, cô nhảy và quay nhẹ nhàng trong bếp, trong khi đó, hai anh và chị cô ngồi yên lặng nghe đàn, Lệ-Hoa không nhảy đúng bước nhưng cô quay lượn uyển chuyển với nét mặt tươi như hoa, trông rất đẹp.
Ngồi cạnh lò sưởi, cha cô nhìn cô nhảy, ông ra chiều cảm động và vỗ tay.
Khi tôi đánh hết bài, cô lại trước mặt tôi, cúi chào rất nhã. Xong cô lấy ngón tay gẩy vào dây đàn và nhìn tôi, có ý bảo tôi đánh bản nữa.
Tôi có thể đánh cả ngày cũng được. Nhưng cha cô bảo thôi vì sợ cô nhảy nhiều sinh mệt.
Lúc đó, tôi không đánh những bài khiêu vũ nữa, tôi hát một bài “Tình-ca” Ý mà thầy tôi đã dạy tôi.
Bài này điệu êm ái và âu sầu đã nhiều lần làm cho khán giả phải sa lệ.
Nghe mấy nhịp đầu, Lệ-Hoa tiến lại gần tôi, mắt nhìn vào mắt tôi, môi mấp máy như nhắc lại lời hát. Rồi giọng hát tôi mỗi lúc một buồn, cô lùi lại vài bước. Đến tiết cuối cùng, cô gieo mình vào lòng cha khóc nức nở.
Cha cô bảo:
- Thôi, con.
Người anh cô là Bằng-Mai nói:
- Nó điên hay sao? Vừa nhảy múa xong, lại khóc liền!
Chị cả bảo:
- Mày điên thì có! Lệ-Hoa nó hiểu âm nhạc.
Nói xong, người chị cúi xuống hôn Lệ-Hoa.
Trong khi Lệ-Hoa gục vào lòng cha, tôi vác đàn lên vai và ra cửa.
Người cha hỏi:
- Con đi đâu?
- Con đã thưa với ông là con cố tìm để trông mặt thầy con lần cuối. Xong con sẽ làm những điều thầy con đã dạy làm: đàn và hát.
- Con cố giữ nghề âm nhạc của con!
- Con không có nghề nào khác.
- Con không ngại đường xa à?
- Không. Tối đâu là nhà rồi.
- Dù sao, cái đêm con vừa qua đã đủ làm cho con phải suy nghĩ?
- Con cũng nghĩ lắm. Có một cái giường, có một góc lửa thì còn gì sung sướng cho bằng!
- Vậy con có muốn có một cái giường, một góc lửa với việc làm không? Nếu con muốn ở lại, con sẽ làm việc với ta, con sẽ chẳng sung sướng và nhàn hạ đâu! Nếu con nhận lời, con sẽ phải dậy sớm, làm vườn, cuốc đất, đổ mồ hôi lấy miếng bánh. Nhưng với miếng bánh cầm chắc đó, con không phải dầm sương dãi nắng, không phải ngủ ngoài trời như đêm trước, có thể chết rét bên gốc cây hay dưới hố không ai nhìn nhận. Tối đến con sẽ có giường đệm sẵn sàng và khi ngồi vào bàn, hơi súp đưa lên, con sẽ sung sướng rằng mình đã kiếm được và ăn thấy ngon hơn, con có thể tin như thế. Vả ta nhận thấy con là một đứa trẻ có nghĩa, con có thể sống ở đây như một gia đình.
Lệ-Hoa quay lại, và qua làn nước mắt cô nhìn tôi, miệng tươi cười.
Lời đề nghị đó đến bất thần khiến tôi ngây người, không tin cái tai tôi nghe có đúng không.
Lúc đó, Lệ-Hoa chạy lại dắt tay tôi đến một bức tranh tô màu treo ở tường, vẽ hình đức thánh Jean khoác một tấm da cừu. Xong, cô ra hiệu cho cha cô và các anh cô nhìn bức tranh đó. Xong, cô vuốt cái áo da cừu của tôi và trỏ lên mái đầu tôi, tóc rẽ giữa và tỏa xuống hai vai những cuộn loăn xoăn. Tôi hiểu ý cô muốn bảo rằng trông tôi giống như thánh Jean. Không hiểu sao lúc đó tôi thấy sung sướng và có một cảm giác nhẹ nhàng.
Người cha nói:
- Phải đấy, giống thánh Jean lắm?
Lệ-Hoa vỗ tay cười.
Người cha trở lại câu chuyện ban nãy.
- Con ơi! Con nghĩ thế nào?
Một gia đình!
Tôi sẽ có một gia đình thật ư? Đã bao lần cái mộng đó ấp ủ trong lòng tôi đều bị tan vỡ! Bà Bảo-Liên, bà Mỹ-Lưu, ông Vỹ-Tiên, mọi người lần lượt xa rời cả!
Tôi sẽ không phải bơ vơ nữa chăng?
Cái hoàn cảnh của tôi lúc đó rất buồn. Tôi vừa mới mất một người đã cùng sống với tôi trong nhiều năm, gọi là thầy nhưng chẳng khác gì cha và vừa mất một người bạn đường, một người anh em là Lãnh-Nhi yêu dấu, biết thương tôi và an ủi tôi. Vì thế khi ông làm vườn tỏ ý lưu tôi, thì có một mối tin tưởng làm cho tôi vững lòng.
Tôi chưa đến nỗi tuyệt vọng. Cuộc đời tan vỡ của tôi lại có thể bắt đầu nhóm lại. Cái điều làm cho tôi cảm động nhất không phải là miếng bánh cầm chắc như lời cha cô Lệ-Hoa đã nói, mà là cái không khí đầm ấm hòa vui, cái đời sống gia đình mà cha cô đã hứa hẹn.
Những cậu con trai kia sẽ là anh tôi ư?
Cô Lệ-Hoa tươi đẹp kia sẽ là em gái tôi ư?
Trong óc non dại của tôi, nhiều lần tôi tưởng tượng tôi sẽ tìm thấy cha tôi, mẹ tôi, nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến sẽ có anh chị và có em. Mà bây giờ tất cả đều đến với tôi.
Đành rằng những người đó không liên hệ với tôi bằng máu mủ, nhưng rất có thể ràng buộc trong tình thương yêu. Muốn thế, tôi phải yêu họ – điều này tôi rất sẵn sàng – và phải làm sao cho họ thương tôi, việc này xem ra không khó lắm, vì mọi người trong nhà đều hiền hậu và nhiệt thành.
Tôi tháo mạnh cái quai đàn trên vai ra.
Người cha vừa cười vừa nói:
- Đó là một câu trả lời rất hay! Con ơi, con hãy treo đàn vào cái đanh kia rồi ngày nào con không thích ở đây nữa, con sẽ lấy xuống để bay nhảy tới một phương trời khác, có điều con phải cẩn thận như chim én, như họa mi, là phải biết tìm mùa để ra đi.
Tôi đáp:
- Con xin ra đi một lần thôi, ra đi để tìm thầy con.
Cha cô Lệ-Hoa nói:
- Con nói phải lắm.
Cái cửa vườn mà chúng tôi ngã gục đêm trước thuộc nhà một người làm vườn nói trên tên là An-Thanh. Gia đình này gồm có năm người: một người cha, hai con trai là An-Sinh và Bằng-Mai, hai người con gái là Yến-Chi, chị cả và Lệ-Hoa, em út.
Lệ-Hoa không phải câm từ thuở lọt lòng, nghĩa là nguyên do không phải vì tật điếc mà ra. Cô đã nói được hai năm. Không may đến năm lên bốn, cô mắc chứng bệnh co gân rồi bị rụt lưỡi không nói được. May mà óc cô còn toàn vẹn; không những thế, cô lại có phần sáng suốt thêm ra; cái gì cô cũng biết, cũng làm cho người ta hiểu mình như lời nói. Trong những gia đình nghèo và cả những gia đình khác, những đứa trẻ tàn tật thường bị hất hủi hay đầy đọa, nhưng trường hợp của Lệ-Hoa lại khác hẳn. Thông minh, lanh lợi, vui tươi, hiếu thuận, nên từ cha cô đến các anh chị cô đều yêu thương và quý cô nhất nhà.
Ngày xưa, quyền trưởng tử thật được trọng vọng trong những nhà quý tộc. Ngày nay, những con đầu lòng ở các gia đình thợ thuyền, chỉ hưởng thụ được những trách nhiệm nặng nề.
Bà An-Thanh mất khi Lệ-Hoa lên một. Từ ngày đó, Yến-Chi lớn hơn An-Sinh hai tuổi phải đảm đương việc nhà thay mẹ. Đáng lẽ đi học, Yến-Chi phải ở nhà làm cơm, khâu vá, dọn dẹp và trông nom Lệ-Hoa. Người ta quên hẳn cô là con gái, là chị cả và quen coi cô như một con sen. Đối với cô, người ta không câu nệ gì vì biết rằng cô chẳng trốn đi đâu được và cô không giận dỗi bao giờ.
Ẵm Lệ-Hoa, dắt Bằng-Mai, làm việc quần quật suốt ngày, cô dậy sớm để nấu súp cho cha ăn rồi đi chợ, thức khuya để rửa bát, giặt quần áo. Về mùa hè, lúc rảnh việc, cô tưới cây; về mùa đông, khi giá rét, cô phải rắc rạ che rau. Cô không có giờ nào được sống cái đời con trẻ để cười, để chơi. Mới 14 tuổi đầu, mặt cô đượm vẻ lam lũ như một cô gái già 35 tuổi, tuy nhiên lúc nào cô cũng tỏ ra nhẫn nại, dịu dàng đáng yêu.
Tôi treo đàn lên vách xong, kể lại chuyện tìm lò đá ở Chantilly cho mọi người nghe; chưa được 5 phút, chợt tôi nghe có tiếng cạy cửa vườn và tiếng sủa thảm thiết.
Tôi đứng dậy và nói:
- Lãnh-Nhi!
Lệ-Hoa vội chạy trước ra mở cửa. Con Lãnh-Nhi đáng thương nhảy vọt vào lòng tôi. Tôi ôm lấy nó, nó liếm vào mặt tôi và kêu những tiếng kít kít mừng rỡ, thân thể nó run lên.
Tôi nhìn ông An-Thanh và nói:
- Còn Lãnh-Nhi?
Ông hiểu ý tôi hỏi đáp ngay:
- Nó cũng ở đây với ta.
Lãnh-Nhi hình như cũng hiểu, đang ở trong cánh tay tôi nhảy xuống đất, đặt tay phải vào ngực và cúi chào. Các con ông, nhất là Lệ-Hoa, thấy thế đều cười ầm lên. Muốn cho vui nhà, tôi bảo Lãnh-Nhi diễn cho vài trò, nhưng nó không chịu, nhảy lên đầu gối tôi, cọ đầu vào má tôi rồi nhảy xuống, lấy răng cắn tay áo tôi lôi đi.
Tôi nói:
- Nó bảo tôi đi!
Ông An-Thanh nói theo:
- Để thăm thầy con.
Nhân viên Cảnh sát sau khi đã đưa thi hài ông Vỹ-Tiên đi rồi, cần gặp tôi để thẩm vấn. Họ đợi cho tôi tỉnh hẳn rồi sẽ đến. Trong khi chờ đợi, tôi buồn quá. Không biết thầy tôi có chết không hay lại sống lại như tôi.
Thấy tôi bồi hồi lo lắng, ông An-Thanh liền đưa tôi đến sở Cảnh sát. Chúng tôi đến nơi, người ta hỏi tôi chưa hết câu nọ đã đến câu kia. Khi người ta cho biết thầy tôi đã mất thực, tôi mới chịu trả lời. Những điều tôi biết và khai ra rất đơn sơ, sở Cảnh sát muốn biết kỹ hơn nên hỏi tôi rất lâu về thân thế ông Vỹ-Tiên và gốc tích của tôi. Về lai lịch của tôi, tôi chỉ biết khai rằng tôi không có cha mẹ, chồng bà mẹ nuôi tôi nhận một món tiền và cho tôi đi ở với ông Vỹ-Tiên.
Ông Cảnh sát trưởng hỏi tôi:
- Thế bây giờ?
Ông An-Thanh trả lời thay tôi:
- Chúng tôi xin nuôi em này, nếu ông Cảnh sát trưởng đồng ý giao em cho tôi.
Ông Cảnh sát trưởng đáp:
- Thế thì còn gì hay hơn nữa. Ông đã làm một việc thiện.
Bây giờ tôi phải khai về thân thế ông Vỹ-Tiên. Việc này khó quá vì tôi không biết và chẳng biết gì.
Có một điều bí ẩn tôi biết nhưng không dám nói là việc hôm mới rồi một người đàn bà nghe thầy tôi hát rồi hỏi dò la và việc Phú-Lợi dọa tố cáo thầy tôi. Có lẽ những điều thầy tôi giữ kín lúc sinh thời, bây giờ sẽ tiết lộ hết?
Thực vậy, đứng trước một viên Cảnh sát trưởng lành nghề, một đứa trẻ thơ dại như tôi khó lòng nói quanh. Vì thế chỉ trong 5 phút, tôi cứ tuồn tuột nói ra tất cả những điều tôi muốn dấu, cũng là tất cả những điều mà ông cảnh sát trưởng cần biết.
Ông liền gọi một người Cảnh binh và bảo:
- Thầy dẫn em này tới phố Lục-Sinh, em sẽ nhận lối và tìm đến nhà Phú-Lợi. Thầy sẽ hỏi Phú-Lợi về việc ông già cho tôi.
Ba người chúng tôi cùng đi: người Cảnh binh, ông An-Thanh và tôi.
Đúng như lời ông Cảnh sát trưởng, đến đó tôi nhận được lối và tìm được nhà Phú-Lợi ở tầng gác thứ tư ngay. Tôi không gặp Mã-Tư, có lẽ anh ta ốm nặng phải đưa vào nhà thương rồi. Thấy Cảnh sát đến và nhận ra tôi, Phú-Lợi tái mặt sợ hãi. Nhưng khi người Cảnh binh nói lý do mình được phái đến, Phú-Lợi trấn tĩnh ngay và than:
- Tội nghiệp! Ông già chết rồi ư?
- Ông có quen ông ta không?
- Quen lắm.
- Vậy ông hãy cho tôi biết về lai lịch của ông ta.
- Dễ lắm. Ông ta vốn không phải tên là Vỹ-Tiên, chính tên là Cát-Băng-Giang. Ba bốn mươi năm về trước, Băng-Giang lừng danh là ca sĩ đại tài ở Ý-đại-lợi. Trên sân khấu các Đại hí viện, ông đã được hoan nghênh phi thường. Ông đã từng đi trình diễn ở Náp, ở La-Mã, Mi-Lăng, Vơ-ni, Phật-Lan, Luân-Đôn, Ba-Lê. Nhưng rủi thay một ngày kia ông bị bệnh và khản tiếng. Thế là hết thời oanh liệt, hết thời làm chúa các nghệ sĩ. Ông không muốn đi hát ở các rạp nhép để giảm cái phương danh của mình. Ông liền bỏ tên Cát-Băng-Giang, lấy tên mới là Vỹ-Tiên và xa lánh những người đã quen biết ông. Dù sao cũng phải sinh sống, ông ta xoay nhiều nghề nhưng đều thất bại cả. Rút cục thành ông lão diễn trò rong. Nhưng trong cái đói khó, lòng tự hào của ông vẫn còn. Ông có thể xấu hổ chết được nếu có người biết được rằng Băng-Giang lừng lẫy ngày xưa, nay chính là Vỹ-Tiên đói rách lang thang. Một sự tình cờ đã cho tôi biết điều bí ẩn đó.
Lời khai của Phú-Lợi đã giải thích rõ ràng những điều nghi hoặc của tôi.
Ông Băng-Giang đáng thương, ông Vỹ-Tiên đáng kính của tôi ơi! Thầy tôi ơi! Người ta bảo rằng thầy đã từng làm vua, thực không quá đáng!