Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Vô Gia Đình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26179 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vô Gia Đình
Hector Malot

Chương XXX

Chúng tôi nằm trên cái bục gỗ không đến nỗi khổ lắm. Ở ngoài trời, lắm đêm chúng tôi còn ngủ những chỗ khổ hơn.
Mã-Tư nói:
- Đêm tôi nằm mơ thấy con bò ông Hoàng về làng.
- Tôi cũng thế.
Khoảng 8 giờ sáng, cửa mở, ông Thẩm-Phán và ông bạn Thú-Y của chúng tôi bước vào. Ông Thú-Y muốn thân đến cho chúng tôi ra. Về phần ông Thẩm-Phán, lòng tử tế của ông đối với những kẻ tù phạm vô tội, không thu hẹp ở trong bữa ăn đãi chúng tôi tối hôm qua, mà còn biểu lộ bằng một tờ giấy có dán tem, ông cầm đến trao cho chúng tôi.
Ông nói một cách thân mật:
- Các em dại dột quá. Đi xa như thế mà không có giấy má gì. Ta đã nói với ông Xã-Trưởng cấp cho các em các giấy thông hành này để hộ thân trong những cuộc lữ hành của các em. Thôi, chúc các em lên đường may mắn! Chào các em.
Rồi ông Thẩm-Phán bắt tay chúng tôi và ông Thú-Y hôn chúng tôi trước khi trở về Ích-Sơn.
Chúng tôi hôm qua vào làng một cách khốn nạn, hôm nay ra một cách vẻ vang, mặt cao hãnh, tay dắt bò theo sau. Những người nhà quê đứng ở cửa nhà, họ nhìn chúng tôi bằng con mắt tử tế.
Mã-Tư nói:
- Tôi chỉ tiếc một điều là người Hiến binh bắt chúng ta hôm qua, nay không có mặt ở đây, để nhìn chúng ta dắt bò đi.
- Người Hiến binh đã nhầm nhưng chúng ta cũng có lỗi là không bao giờ nghĩ đến những giấy tờ cần thiết để đi đường. Ở Ba-Lê xin những giấy đó rất dễ.
Chúng tôi đã lĩnh một bài học quá bổ ích nên từ nay không lúc nào dám rời dây con bò: con bò của chúng tôi nó lành thực đấy, nhưng nó có tính dát.
Không bao lâu chúng tôi đến làng năm xưa, tôi đã ngủ ở đấy với ông Vỹ-Tiên. Từ đấy, chỉ còn phải qua một bãi hoang và một ngọn đồi nữa là đến làng Tả-Văn-Ông.
Khi qua phố chính của làng ấy, đến đúng cái nhà mà con Hiệp-Nhi vào cướp miếng bánh mì ngày xưa, tôi chợt có một ý kiến vội bàn với anh Mã-Tư:
- Tôi có hứa với anh về nhà mẹ nuôi tôi, chúng ta sẽ ăn bánh tráng. Nhưng muốn có bánh tráng phải có bơ, bột và trứng.
- Chắc là ngon lắm.
- Ngon lắm. Nhưng có lẽ nhà bà Bảo-Liên không có bơ và bột vì bà không lấy gì làm giàu có. Nếu ta mang được về thì hay.
- Đó là một ý kiến rất hay.
- Vậy anh giữ bò, nhớ đừng bỏ dây. Tôi vào hiệu tạp hóa này mua bơ và bột. Còn trứng, nếu nhà không sẵn, bà Bảo-Liên sẽ sang vay hàng xóm. Ta đem về sợ vỡ mất.
Tôi vào hiệu mà Hiệp-Nhi đã cướp bánh ngày trước mua một cân bơ và hai cân bột, rồi chúng tôi tiếp tục đi. Tôi không muốn thúc bò đi nhanh, nhưng tự nhiên tôi cứ rảo bước. Còn mười cây số nữa. Còn tám. Còn sáu cây số nữa thôi. Lạ quá. Con đường về nhà tôi sao bây giờ thấy dài thế mà ngày xưa tôi bỏ ra đi thì nó ngắn và chóng hết thế. Ngày đó trời lại mưa lạnh, tôi còn nhớ cả.
Chốc chốc, tôi lại lấy đồng hồ ra xem.
Tôi hỏi Mã-Tư:
- Vùng này đẹp đấy chứ?
- Đẹp, nhưng tôi không trông thấy những cây to.
- Khi chúng ta sang sườn đồi bên kia để vào làng, anh sẽ nhìn thấy nhiều cây to, những cây đẹp, những cây sồi, cây dẻ.
- Và hạt dẻ?
- Mà ở sân nhà tôi, có một cây táo cong tôi vẫn giả làm ngựa để cỡi, quả nó sai và to bằng này này, ngọt và thơm lắm. Anh về mà xem.
Mỗi khi tôi tả cho anh nghe, tôi lại thêm điệp khúc bất hủ “về mà xem”. Tôi chân thành tưởng tượng đang đưa Mã-Tư vào một thế giới kỳ quan. Dù sao, đó chẳng phải là một thế giới kỳ quan cho tôi hay sao? Ở đấy, mắt tôi đã được mở nhìn ánh sáng. Ở đấy tôi đã có ý thức về cuộc sống, ở đấy tôi đã được sung sướng. Ở đấy tôi đã được yêu thương. Tất cả những ấn tượng thời thơ ấu, của ngày vui đã qua, từng nổi bật lên trong những ngày đau khổ gian truân bây giờ lại hiện ra ngổn ngang, dồn dập trong tâm trí tôi, mỗi bước tôi về tới làng. Khí trời của quê hương hình như thơm ngát, làm tôi say sưa, nhìn thấy cái gì cũng đẹp, cũng vui.
Cái không khí quê hương đó làm Mã-Tư say sưa lây. Bằng tưởng tượng, anh đã trở về nơi anh sinh trưởng.
Anh nói:
- Bao giờ anh về Lục-Ca, làng tôi, tôi sẽ cho anh xem nhiều cái đẹp.
- Chúng ta sẽ cùng nhau về Lục-Ca sau khi đi thăm Lệ-Hoa, Yến-Chi và Bằng-Mai.
- Anh cũng thích Lục-Ca chứ?
- Anh cùng tôi về thăm mẹ nuôi tôi. Lẽ nào tôi không cùng anh về thăm mẹ anh và Tuyết-Nga, em bé anh. Tôi sẽ ẵm Nga, vì Nga cũng là em tôi.
- Ô!
Anh không nói lên được nữa vì anh cảm động quá.
Chúng tôi vừa nói chuyện vừa vui chân, không mấy lúc đến đỉnh đồi, còn vài khúc đường nữa là đến nhà tôi. Kìa cái mỏm đá năm xưa, tôi xin phép ông Vỹ-Tiên lên đó để nhìn lại lần cuối cùng ngôi nhà yêu dấu của tôi mà tôi tưởng không bao giờ trông thấy nữa.
Tôi bảo Mã-Tư:
- Anh dắt bò cho tôi.
Rồi tôi nhảy phắt lên mỏm đá.
Thung lũng không thay đổi, phong cảnh vẫn như xưa. Ở giữa hai chòm cây cao, tôi nhìn thấy nhà tôi.
Mã-Tư hỏi:
- Anh làm gì thế?
- Kia kìa!
Anh lại cạnh tôi, nhưng không leo lên vì con bò đang ăn cỏ ở dưới chân mỏm đá.
Tôi chỉ tay về phía nhà tôi và bảo anh:
- Kìa là nhà tôi, kia là cây táo, còn chỗ kia là vườn của tôi.
Mã-Tư không nhìn bằng trí nhớ như tôi, có lẽ chẳng trông thấy gì hay chỉ thấy lờ mờ nên anh đứng im.
Ngay lúc đó, có một cuộn khói vàng bốc lên trên mái bếp, vì lặng gió nên cột khói cứ tuôn thẳng lên trời, song song với sườn đồi. Tôi đoán: “Bà Bảo-Liên có nhà”.
Một trận gió nhẹ thổi vào đám cây to, khua tan cột khói và thổi bạt vào mặt chúng tôi; khói đó sực mùi lá sồi khô.
Tự nhiên, nước mắt tôi tràn ra. Tôi nhảy xuống đám cỏ, ôm lấy anh Mã-Tư hôn. Lãnh-Nhi nhảy đến chỗ tôi, tôi bế nó lên lòng và xoa đầu nó. Anh Mã-Tư cũng lại vuốt ve con bò.
Tôi nói:
- Ta xuống đồi, nhanh lên!
Mã-Tư bảo:
- Nếu bà Bảo-Liên ở nhà, thì ta xếp đặt cuộc đưa bò về thế nào cho hay?
- Anh vào trước một mình. Anh bảo rằng Ông Hoàng sai tôi đến biếu bà con bò. Khi bà hỏi ông Hoàng nào thì tôi sẽ hiện ra.
- Tiếc quá, ta không thể rước bò về bằng âm nhạc được! Nếu được thì đẹp quá!
- Anh đừng nghĩ nhảm.
- Không, anh cứ yên tâm. Tôi không dám tái diễn việc thổi kèn nữa đâu! Tuy nhiên, giá mà con vật man rợ kia thích nhạc thì cuộc về của ta rầm rộ, vui vẻ biết chừng nào!
Đến chỗ ngoẹo, đúng ở trên nhà bà Bảo-Liên, tôi trông thấy cái mũ trắng hiện ra trong sân: chính mẹ tôi đấy, bà đang mở cổng, ra đường và đi về phía trong làng.
Chúng tôi liền đứng lại, tôi chỉ bà cho anh Mã-Tư coi. Anh nói:
- Bà không có nhà thì sắp đặt cuộc ngạc nhiên thế nào?
- Chúng ta sẽ nghĩ cách khác.
- Cách nào bây giờ?
- Tôi chưa nghĩ ra.
- Hay là tôi gọi bà lại?
- Ừ! Phải đấy, nhưng thôi, thôi!
Lòng tôi muốn gặp bà lắm, nhưng tôi phải nén lại. Đã bao nhiêu tháng trời tôi sắp đặt một cuộc về ngạc nhiên để cho mẹ tôi mừng. Trong một phút tôi không thể bỏ uổng công trình đó.
Lát sau, chúng tôi đến cổng nhà cũ. Biết bà hay khép cửa mỗi khi ra ngoài, chúng tôi đấy cửa vào tự nhiên như ngày xưa tôi vẫn ra vào. Trước hết phải tìm chỗ để bò. Chuồng cũ vẫn còn, nhưng bây giờ để chứa củi. Chúng tôi vội xếp củi vào một góc, làm cũng không lâu lắm vì số củi bà trữ ở đây cũng không mấy. Xong, chúng tôi buộc bò và khép cửa chuồng lại…
Tôi bảo Mã-Tư:
- Bây giờ ta lên nhà. Tôi ngồi vào một góc, bên lò sưởi để bà nhìn thấy tôi ngay. Khi bà đẩy cổng vào, nghe tiếng kẹt cửa, anh đủ thì giờ ngồi nấp ở sau giường với Lãnh-Nhi. Bà sẽ chỉ nhìn thấy tôi, chắc bà sẽ ngạc nhiên không thể tả được!
Các việc đều xếp đặt như thế. Chúng tôi vào nhà. Tôi ngồi cạnh lò sưởi, chỗ mọi khi tôi vẫn ngồi trong những buổi tối mùa đông. Tóc tôi dài quá, tôi giấu vào trong cổ áo, ngồi khom khom, hết sức thu mình bé lại cho giống như Lê-Minh ngày xưa, Lê-Minh bé nhỏ của bà. Từ chỗ ngồi, tôi có thể trông suốt ra hàng rào, không sợ bà bắt gặp chúng tôi đang lúng túng.
Tôi đưa mắt nhìn chung quanh tôi, tôi tưởng tượng như mới vừa rời nhà từ hôm qua vì mọi thứ đều ở nguyên chỗ cũ không thay đổi, cả đến miếng giấy và tấm kính cửa sổ tôi đánh vỡ ngày xưa cũng vẫn thế mặc dầu ám khói vàng ra. Nếu tôi dám bỏ chỗ ngồi đi ra, tôi sẽ sung sướng được nhìn gần mọi vật, nhưng sợ bà có thể về bất cứ lúc nào, nên tôi đành phải ngồi xa mà ngắm.
Chợt tôi trông thấy cái mũ trắng ở ngoài hàng giậu rồi nghe có tiếng kẹt ở ngoài cổng.
Tôi vội bảo Mã-Tư:
- Nấp nhanh lên!
Tôi ngồi thu mình lại cho rõ nhỏ.
Cửa giữa mở ra, từ ngoài hiên, bà đã nhìn thấy tôi.
Bà hỏi:
- Ai thế kia?
Tôi nhìn bà không trả lời. Bà cũng nhìn tôi.
Thình lình hai tay bà run lên:
- Chúa tôi! Hình như Lê-Minh, phải không?
Tôi choàng dậy chạy lại ôm lấy bà:
- Mẹ ơi!
- Con tôi! Chính con tôi!
Phải mất bao nhiêu phút chúng tôi mới ngớt cảm động và lau nước mắt.
Bà nói:
- Nếu ta không nhớ đến con luôn thì không sao nhận ra được con, con trông lớn hẳn và khỏe ra.
Một tiếng khịt mũi nho nhỏ nhắc tôi còn hai bạn đang nấp ở sau giường. Tôi gọi Mã-Tư, anh lù lù đứng lên.
Tôi nói:
- Đó là Mã-Tư, em trai con.
Bà kêu lên:
- A! Vậy con đã tìm thấy cha mẹ con rồi sao?
- Không. Con muốn nói là bạn con, bạn thân của con. Và kia nữa là Lãnh-Nhi cũng là bạn con, bạn thân của con, Lãnh-Nhi! Lại chào bà mẹ của ông chủ đi!
Lãnh-Nhi liền đứng hai chân sau, một chân đặt vào ngực, cúi rạp xuống trước mặt bà Bảo-Liên, bà bật cười lên và nguôi cơn khóc.
Mã-Tư còn sáng suốt, không bị chìm đắm trong niềm mừng tủi như tôi, liền ra hiệu cho tôi để nhắc một việc khác.
Tôi bảo mẹ tôi:
- Mẹ đưa con ra sân xem cây táo cong queo của nhà ta mà con thường khoe với Mã-Tư.
- Và cả cái vườn của con nữa. Từ ngày con đi, ta vẫn để nguyên như cũ, đinh ninh thế nào cũng có ngày con trở về. Mặc ai nói sao thì nói, ta vẫn tin rằng thế nào ta cũng gặp con.
- Những củ cúc-vu con trồng, mẹ ăn có ngon không?
- Thế chính con đã trồng đấy à? Ta cũng ngờ thế, vì con hay bày trò ngạc nhiên.
Đã đến lúc.
Tôi nói:
- Còn chuồng bò có thay đổi gì không, từ khi vắng con Hồng-Ti đáng thương, ngày ấy nó cũng như con chẳng chịu ra đi!
- Không. Bây giờ dùng để củi.
Lúc đó, chúng tôi đang ở cửa chuồng bò, bà liền kéo cánh cửa. Con bò ở trong đang đói, tưởng có người cho ăn, liền rống lên mấy tiếng giật mình.
Bà giật lùi lại kêu lên:
- Ô! Con bò cái! Con bò cái ở trong chuồng!
Không nhịn được nữa, Mã-Tư và tôi cười ầm lên. Bà sững người, nhìn chúng tôi.
Tự nhiên lại có một con bò ở chuồng nhà bà, thực là vô lý! Dù chúng tôi cười, bà cũng chẳng hiểu sao cả.
Tôi nói:
- Đó là một trò ngạc nhiên! Có lạ hơn cúc-vu không? Mẹ hả?
Bà nhắc đi nhắc lại:
- Một trò ngạc nhiên!... Một trò ngạc nhiên!...
- Con không muốn về thăm mẹ tay không. Mẹ đã hết lòng thương con, thằng Minh, đứa con bỏ rơi. Con tìm xem thứ gì có ích cho mẹ. Con tưởng chỉ có một con bò cái để thay thế cho con Hồng-Ti là làm cho mẹ vui lòng. Nên ngày phiên chợ Ích-Sơn, Mã-Tư và con đã mua con bò ấy với tiền chúng con kiếm được.
Bà hôn tôi và nói:
- Ô! Giỏi quá! Con quý của mẹ!
Xong mọi người đều vào chuồng bò để bà nhìn kỹ con bò của chúng tôi, bây giờ là con bò của bà. Mỗi một điểm hay bà nhận thấy, bà lại sung sướng và kêu khen:
- Con bò đẹp quá!
Xong, bà quay ra nhìn tôi rồi hỏi:
- À! Thế bây giờ con giàu rồi à?
Mã-Tư cười và đáp thay tôi:
- Vâng có lẽ đúng. Chúng con chỉ còn có 58 xu trong túi.
Bà lại nhắc lại điệp khúc của bà nhưng bằng giọng khác trước:
- “Các con” giỏi quá!
Tôi cảm thấy một niềm vui êm ái vì lần này bà đã nghĩ đến Mã-Tư và bà kết hợp chúng tôi lại trong trái tim bà.
Trong khi đó con bò cứ rống hoài, Mã-Tư nhắc:
- Nó giục vắt sữa đấy.
Không đợi ai bảo, tôi chạy vào nhà tìm cái thùng con bằng sắt tây, ngày xưa dùng để lấy sữa con Hồng-Ti, vẫn thấy treo ở chỗ cũ mặc dầu đã lâu nhà bà không nuôi bò nữa. Tôi đem nạo rửa sạch sẽ rồi múc về một thùng nước để rửa những bầu sữa con bò vì đầy cát bụi.
Bà vui sướng biết bao khi thấy chúng tôi lấy được ba phần tư thùng sữa nổi lên những bọt trắng, trông rất ngon lành.
Bà nói:
- Ta xem con bò này nhiều sữa hơn con Hồng-Ti.
Mã-Tư nói:
- Thưa bà, sữa ngon và thơm như hoa cam.
Bà Bảo-Liên nhìn Mã-Tư như muốn hỏi thế nào là hoa cam.
- Đó là thứ sữa rất ngon người ta được uống ở Nhà Thương khi người ta ốm.
Mã-Tư có tính mau mắn, anh biết điều gì hay, anh không muốn giữ lấy một mình.
Lấy sữa xong, chúng tôi thả bò ra sân cho nó ăn cỏ. Chúng tôi lại vào nhà, ở đó khi lấy thùng đựng sữa tôi đã để sẵn trên bàn gói bơ và gói bột của chúng tôi.
Khi bà Bảo-Liên bước vào lại thấy chuyện mới lạ và kêu lên:
- Kỳ quá! Bơ, bột ở đâu thế này?
Chúng tôi lại cười ầm lên lần nữa. Tôi nói:
- Những thứ này chúng con cần đến hơn mẹ. Chúng con đói lắm và chỉ muốn ăn bánh tráng. Mẹ, còn nhớ ngày lễ Tuần Thánh năm nào, việc làm bánh phải bỏ dở và chút bơ mẹ đi vay hàng xóm đã dùng để xào hành không? Lần này mẹ con ta không bị ngăn trở.
Bà hỏi tôi:
- Con đã biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê à?
- Vâng.
- Và con cũng biết ông ta đi Ba-Lê về việc gì rồi chứ?
- Không.
- Việc của con đấy.
Tôi sợ hãi hỏi:
- Việc con?
Bà im lặng nhìn Mã-Tư như có ý không muốn nói trước người lạ.
Tôi nói:
- Mẹ cứ nói, không ngại gì. Con đã bảo anh Mã-Tư như em con. Cái gì liên quan đến con thì cũng liên quan đến Mã-Tư.
Bà nói:
- Câu chuyện đó nói ra thì dài lắm.
Thấy bà e ngại tôi không muốn hỏi gạn, sợ nếu bà từ chối thì mất lòng Mã-Tư nên tôi định đợi lúc khác sẽ hỏi bà.
Tôi nói:
- Ông Bảo-Liên sắp về chưa?
- Không. Chắc thế.
- Vậy chả có việc gì phải vội. Mẹ làm bánh cho chúng con đi. Rồi lúc nào rỗi mẹ sẽ cho con biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê về việc gì. Bây giờ không sợ ông trở về bắt xào hành nữa, mẹ con ta thừa thì giờ làm. Nhà có trứng không mẹ?
- Không. Nhà không có gà đẻ.
- Chúng con không mang trứng về vì đi đường sợ trứng vỡ. Hay mẹ đi vay cho nhanh?
Bà hơi bối rối. Tôi hiểu có lẽ bà đã vay nhiều rồi, vay nữa không tiện.
Tôi nói:
- Thôi để con đi mua cũng được. Mẹ ở nhà nhào bột với sữa. Hàng ông Sáu-Kê vẫn bán trứng đấy chứ? Con chạy ra mua. Mẹ bảo Mã-Tư chẻ củi. Anh ấy chẻ củi khéo lắm đấy!
Đến hàng Sáu-Kê tôi mua được 12 quả trứng và mua thêm cả một miếng mỡ lợn nữa.
Khi tôi về, bột đã nhào với sữa rồi. Bây giờ chỉ còn việc đập trứng cho vào. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không có thì giờ ủ cho bột nở, vì chúng tôi đói lắm, không đợi được. Bột sẽ khó tiêu, nhưng dạ dầy chúng tôi tốt cả không sợ gì.
Bà vừa đánh bột vừa nói với tôi:
- Con nhớ mẹ, sao con không cho biết tin tức gì. Con có biết không, nhiều khi mẹ tưởng con mất rồi, chứ con còn sống thì con đã viết thư, lúc đó mẹ lại buồn.
- Mẹ không phải chỉ có một mình, vả mẹ không biết chữ để xem thư của con. Bên cạnh mẹ còn có ông Bảo-Liên ghê gớm kia là chủ cái nhà này, ông ta đã dùng quyền đó để bán con cho ông già Vỹ-Tiên lấy 40 phật-lăng.
- Thôi, con còn nhắc đến chuyện đó làm gì!
- Không phải là con phàn nàn mà để trình bày rằng sở dĩ con không dám viết thư là vì thế. Con sợ nếu người ta biết con ở đâu, người ta sẽ bán con lần nữa. Mẹ ơi! Con không muốn bị bán lần thứ hai. Vì lẽ đó, khi ông già Vỹ-Tiên đáng thương tiếc là thầy con mất đi, con không dám gửi thư về.
- A! Thế ra ông già diễn trò chết rồi à?
- Vâng. Con đã khóc ông nhiều lắm. Vì ngày nay nếu con biết được một vài điều, cũng là nhờ ơn ông, thầy con dạy bảo, gây dựng. Sau đó, con gặp một gia đình tử tế có lòng nuôi con và con làm giúp cho họ. Nhưng lúc ấy nếu con viết về: “con là thợ làm vườn ở trại…”, liệu người ta có khỏi đến tìm con không? Liệu người ta có khỏi sách nhiễu gia đình đó về tiền tài không? Con không muốn xảy ra việc trên cũng như việc dưới.
- Con nói phải. Mẹ hiểu lắm.
- Nhưng dù sao con cũng không quên mẹ. Lúc nào con cũng nghĩ đến mẹ. Những khi con gặp tai nạn, điều đó xảy ra luôn, thì con lại khóc và gọi mẹ để cứu con.
- Đến ngày con được sống tự do nghĩa là được tự lập, con nghĩ đến việc tìm về mẹ ngay. Nhưng không thể về ngay được, thực vậy, người ta thường không làm được những điều người ta muốn vì ý định của con phải khó khăn mới thực hiện được. Trước khi về thăm mẹ, con phải làm sao mua được con bò, nghĩa là phải kiếm tiền. Số tiền đó không thể một ngày rơi ngay vào túi con những đồng bạc đẹp. Chúng con phải diễn trò, phải đánh đàn, khúc vui cũng như khúc buồn, phải phiêu lưu, phải đổ mồ hôi nước mắt, phải vất vả, phải đói rách! Nhưng người ta càng khó nhọc bao nhiêu, người ta càng sung sướng bấy nhiêu có phải không anh Mã-Tư?
- Cứ tối đến chúng con lại đếm lại số tiền thu được trong ngày hôm đó, chúng con đếm cả lại số tiền trước xem có hóa gấp đôi không.
- A! Các con giỏi quá! Các con thực giỏi quá!
Trong lúc nói chuyện, bà Bảo-Liên quấy đều bột bánh, Mã-Tư chẻ củi, còn tôi thì dọn đĩa, thìa, cốc lên bàn, rồi xách lọ ra bể lấy nước.
Lúc trở vào, tôi trông thấy chậu bột đã nổi vàng và bà đang cọ chảo bằng búi cỏ khô. Trong lò, một ngọn lửa sáng bừng đưa lên, Mã-Tư đang bỏ những cành củi con vào. Lãnh-Nhi ngồi chồm chỗm bên cạnh bếp nhìn mọi người. Lửa nóng rát, thỉnh thoảng nó lại co chân này hoặc nhấc chân kia và kêu kít kít. Lửa bếp cháy to soi sáng khắp căn nhà. Tôi nhìn thấy những hình người vẽ trên bức màn gió ở giường cũ của tôi nhảy nhót như vui mừng. Ngày tôi còn nhỏ, trong những đêm trăng, khi sực tỉnh giấc những hình ảnh đó đã làm tôi kinh sợ.
Mẹ tôi đặt chảo trên bếp, lấy đầu dao khều một miếng bơ trút vào chảo, bơ chảy tan ra.
Mã-Tư cúi đầu trên chảo không biết nóng, kêu:
- Thơm quá!
Bơ bắt đầu sôi xèo xèo.
Mã-Tư kêu:
- Nó hát! Tôi phải hòa đàn theo mới được.
Đối với Mã-Tư, bất cứ cái gì cũng phải có nhạc cả. Anh lấy vĩ-cầm, lựa dây rồi kéo những tiếng lâm râm theo khúc ca chảo mỡ.
Mẹ tôi không thể nhịn cười được. Nhưng giờ phút long trọng đã đến làm lấn áp cả tiếng đàn không hợp thời của Mã-Tư: mẹ tôi lấy thìa múc bột lỏng ở chậu lên, nó vãi xuống như những dòng chỉ bạc, mẹ tôi đổ vào chảo, bơ rãn ra nhường chỗ cho “khối nước lũ” trắng đó, rồi vây nó bằng một vòng vàng sém.
Đến lượt tôi lại cạnh bếp xem. Mẹ tôi lấy giẻ lót, cầm cán nhấc chảo ra, hất một cái chiếc bánh tung lên cao. Mã-Tư lác cả mắt. Nhưng không việc gì, chiếc bánh sau khi đã lên chơi trên không một tí rồi lại trở về chảo, mặt dưới lộn lên trên trông vàng ngậy. Tôi vội chạy lấy đĩa. Mẹ tôi trút bánh sang. Chiếc này phần Mã-Tư. Anh bỏng cả tay, cả môi, cả lưỡi và cả cổ, nhưng có hề chi vì anh quên nóng rát.
Mã-Tư nhồm nhoàm nói:
- Ngon ghê!
Lại đến lượt tôi chìa đĩa và đến lượt tôi bỏng mồm. Nhưng cũng như Mã-Tư, tôi chẳng biết bỏng là gì.
Chiếc bánh thứ ba đã vàng. Mã-Tư chạy đến, nhưng có tiếng ăng ẳng nhộn lên, đó là con Lãnh-Nhi nó đòi phần nó. Rất công bằng Mã-Tư nhường luôn cho nó. Thấy vậy, bà Bảo-Liên rất không bằng lòng vì bà quen thói lãnh đạm của dân quê đối với gia súc và bực mình sao lại cho chó ăn bánh của ngày Lễ. Để bà nguôi lòng, tôi phải cắt nghĩa cho bà nghe, con Lãnh-Nhi là một nghệ sĩ đại tài đã có công giúp chúng tôi kiếm tiền để tậu bò; vả nó cũng là bạn tôi nó phải được ăn như chúng tôi, ăn cùng với chúng tôi.
Đợi cho chúng tôi hết đói, hết tham ăn thì lâu quá. Chúng tôi đồng lòng mời bà ăn, nếu bà không ăn thì chúng tôi cũng “tuyệt thực”, vì thế bà phải cầm một chiếc.
Xong đến lượt chúng tôi rán lấy mà ăn, tôi làm trước, Mã-Tư làm sau; cho bơ vào chảo, đổ bột vào sau, việc này rất dễ. Nhưng đến lúc lật bánh thì là cả một sự khó khăn, cả là một nghệ thuật. Tôi bị một chấm tro, Mã-Tư bị một chiếc nóng bỏng rớt vào tay.
Khi chậu bột hết rồi, Mã-Tư tinh ý biết bà Bảo-Liên không muốn nói chuyện riêng trước mặt anh, anh thoái thác là muốn ra sân xem bò làm gì từ nãy đến giờ, cốt để bà Bảo-Liên và tôi được tự do trò chuyện. Tôi vẫn nóng lòng đợi lúc vắng vẻ này, nhưng vì mải mê về bánh thành ra tôi nhãng đi.
Nếu ông Bảo-Liên ở Ba-Lê, theo tôi nghĩ, chỉ là để tìm ông Vỹ-Tiên đòi tiền mấy năm công của tôi mà ông Vỹ-Tiên chưa thanh toán dứt. Về việc này tôi khỏi lo. Ông Vỹ-Tiên mất rồi, ông ấy không trả được, lý nào ông Bảo-Liên lại đòi tôi. Nhưng nếu ông Bảo-Liên không đòi tôi được, ông rất có thể bắt tôi đem về cho mấy người khác thuê miễn là ông lấy được tiền. Điều này làm cho tôi băn khoăn lo sợ. Tôi định nếu ông Bảo-Liên ác nghiệt kia có ý bắt tôi, tôi quyết rời nước Pháp để sang nước Ý với anh Mã-Tư nếu cần, sang Mỹ hay chỗ cùng cực thế giới cũng được.
Lý luận như vậy, tôi nghĩ cũng nên dè dặt với bà Bảo-Liên; không phải là tôi không tin bà, một người mẹ đáng kính đã yêu dấu tôi, đã hết lòng thương tôi, mà vì bà nhu nhược trước mặt chồng, như tôi đã từng trông thấy. Nếu tôi nói nhiều quá, vô tình bà sẽ đem chuyện kể lại với chồng khác nào vẽ đường cho ông Bảo-Liên tìm tôi nghĩa là bắt tôi. Như thế là lỗi tự tôi. Tôi phải thận trọng. Khi Mã-Tư ra sân, tôi hỏi bà Bảo-Liên:
- Bây giờ không có ai, mẹ có thể bảo cho con biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê về việc con, là thế nào?
- Ông ấy đi về việc con, mẹ rất mừng.
“Rất mừng”! Tôi sợ quá!
Trước khi kể chuyện, bà nhìn ra cửa. Chắc chắn không có ai, bà quay về phía tôi, nét mặt tươi cười, bà nói nhỏ:
- Hình như gia đình con đang tìm con.
- Gia đình con?
- Phải, gia đình con, con ơi!
- Con có một gia đình, con? Mẹ ơi! Con có một gia đình, con, một đứa trẻ bỏ rơi?
- Con nên tin rằng không phải người ta định tâm bỏ con, từ đó đến giờ người ta vẫn tìm con.
- Ai tìm con? Ô! Mẹ ơi! Nói đi! Nói nhanh lên cho con nghe.
Chợt tôi thấy trong người tôi hóa điên, tôi kêu to lên:
- Nhưng không thể có thế được. Chính ông Bảo-Liên đang đi tìm con?
- Phải, chính ông ấy đang đi tìm con, cho gia đình con.
- Không. Ông ấy tìm cho ông ấy. Ông ấy tìm để bắt con, để bán con lần nữa. Nhưng không đời nào con chịu để ông ấy bắt con.
- Ô hay! Minh, con ơi! Sao con lại ngờ cho mẹ đồng lòng làm những việc như thế?
- Ông ta đánh lừa mẹ đấy.
- Con ơi! Hãy tĩnh tâm lại, nghe mẹ kể; đừng sợ hão huyền.
- Con còn nhớ…
- Con hãy nghe những điều chính tai mẹ đã nghe thấy; như thế thì con tin mẹ chứ?
- Đến thứ hai này là vừa đúng một tháng, hôm đó mẹ đang lúi húi làm trong lò bánh, có một người đàn ông, hay gọi đúng hơn, là một thân sĩ vào nhà và gặp ngay ông Bảo-Liên. Ông ta nói giọng người không phải ở nước ta, hỏi rằng: “Chính ông đã trông thấy đứa trẻ bỏ rơi ở đại lộ Bảo-Tương, Ba-Lê và ông đã rước về nuôi? Phải – Vậy bây giờ nó ở đâu? Xin ông cho biết. – Ông cần hỏi để làm gì? Xin ông cho biết?”
Tuy tôi ngờ lòng thành thực của bà Bảo-Liên, nhưng nghe câu trả lời lễ phép của Bảo-Liên thì tôi biết những lời bà nhắc lại là đúng.
Bà nói tiếp:
- Con phải biết ở bên lò bánh nghe rõ như ở đây vậy, vả lại là việc của con nên mẹ hết sức nghe. Vì thế, mẹ lại gần để nghe rõ hơn, mẹ giẫm phải một cành củi khô, nó gẫy đến cắc một cái.
- Người lạ mặt hỏi: “Nhà có người à? Đó là vợ tôi. – Ở đây bức quá, nếu không bận gì, mời ông ra ngoài chơi và nói chuyện một lát”. Rồi hai người cùng nhau đi. Ba, bốn giờ sau, ông Bảo-Liên mới về một mình. Mẹ có ý tò mò hỏi xem ông khách lạ kia là ai, đến hỏi gì và có phải là cha con không. Nhưng ông Bảo-Liên không trả lời câu hỏi chính của mẹ, ông chỉ nói người đó không phải là cha con, người đó được gia đình con ủy thác việc tìm con.
- Thế gia đình con ở đâu? Gia đình con thế nào? Con có cha mẹ à?
- Chính mẹ cũng hỏi ông Bảo-Liên như con. Ông nói ông không biết gì cả. Rồi ông nói thêm rằng ông phải đi Ba-Lê tìm ông già diễn trò đã thuê con ngày xưa và để địa chỉ ở phố Lục-Sinh, nhà một người dạy đàn tên là Phú-Lợi. Mẹ cố nhớ những tên ấy, con cũng nên ghi lấy kẻo quên.
- Các tên đó, con biết cả, xin mẹ yên tâm. Từ ngày ông Bảo-Liên đi, không có tin tức gì về cho mẹ à?
- Không. Có lẽ ông đang tìm. Ông khách lại trao cho ông Bảo-Liên 100 phật-lăng bằng tiền vàng và sau đó, có lẽ người ta còn cho nữa. Tất cả những việc đó với những tã đẹp bọc con buổi đầu tỏ ra cha mẹ con là những người giàu có. Vì thế khi mẹ nhìn thấy con về ngồi bên lò sưởi, mẹ tưởng con tìm thấy cha mẹ con rồi và Mã-Tư là em ruột con.
Lúc đó Mã-Tư đi qua cửa, tôi gọi anh vào:
- Anh Mã-Tư ơi! Cha mẹ tôi đang tìm tôi! Tôi có một gia đình, một gia đình thật rồi!
Nhưng lạ quá! Mã-Tư điềm nhiên không tỏ chi chia xẻ nỗi vui mừng của tôi. Tôi liền nhắc lại câu chuyện bà Bảo-Liên vừa kể, cho anh nghe.

<< Chương XXIX | Chương XXXI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 240

Return to top