Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Vô Gia Đình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26182 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vô Gia Đình
Hector Malot

Chương XXVIII

Tôi thành ra có bạn làm mỏ. Cái tai họa chung đã đoàn kết trái tim chúng tôi. Cùng một đau thương, cùng một hy vọng đã tạo cho chúng tôi một tình thân.
Ông An-Thiện và nhất là Giáo-sư tỏ lòng quyến luyến tôi lắm. Còn Kỹ-sư tuy không chịu chung nỗi đau khổ ở hốc hầm than cùng tôi, nhưng cũng yêu thương tôi như một đứa con bị bệnh trọng được cứu thoát.
Kỹ-sư mời tôi về nhà chơi. Cô con gái Kỹ-sư cũng muốn nghe chuyện tôi. Tôi không thể tiếc công mà không kể lại cho cô nghe những nỗi hiểm nghèo mà tôi đã chịu đựng trong khi bị chôn vùi dưới mỏ.
Ai ai cũng muốn tôi ở lại Văn-Xá.
Ông An-Thiện nói:
- Ta sẽ tìm cho con một chân thợ cuốc. Như vậy chúng ta không phải xa nhau.
Kỹ-sư cũng nói:
- Nếu con muốn làm văn phòng, ta sẽ dành cho con một chỗ.
Ông An-Thiện cho rằng nếu tôi ở lại làm mỏ cũng là một việc tự nhiên, không có gì lạ, cũng như ông, mai đây ông sẽ trở xuống hầm cũ, thản nhiên như các bạn ông hằng ngày đã quen mạo hiểm. Còn tôi, tôi không chủ tâm ở lại làm nghề đẩy goòng. Mỏ than hay thực, lạ thực đấy, tôi đã sung sướng được xem một lần rồi. Thế là đủ, tôi không muốn trở xuống lần thứ hai để tìm đến hốc than nữa.
Thực vậy, tôi không bẩm sinh để làm việc ở dưới đất. Đời sống khoáng đạt ngoài trời, dù nắng mưa, sương tuyết cũng thích hợp với tôi hơn. Đó là những lý lẽ mà tôi trình bày với ông An-Thiện và Giáo-sư. Giáo-sư nghe tôi nói vậy rất lấy làm ngạc nhiên, còn An-Thiện tỏ vẻ buồn vì tôi không có cảm tình với nghề làm mỏ. Thấy tôi không làm nghề đẩy xe với hắn, Cao-Dĩ bảo tôi là một đứa nhát gan.
Đối với Kỹ-sư, tôi không chối là tôi không thích làm dưới đất, vì ông hứa cho tôi một chân ở văn phòng và sẽ dạy thêm nếu tôi muốn học. Không muốn để ông mếch lòng, tôi đem hết tất cả sự thực nói lại cùng ông.
Ông nói:
- Nếu con thích sống ngoài trời, thích phiêu lưu và tự do ta không nài ép con. Cứ theo đường cũ của con!
Quả thực, tôi thích đời sống khoáng đãng, nhất là trong những ngày tôi bị giam hãm dưới hang sâu, tôi lại càng thấy đời sống ngoài trời thật sung sướng.
Trong khi người ta cố giữ tôi ở lại Văn-Xá, Mã-Tư có vẻ buồn rầu, tôi hỏi tại sao thì Mã-Tư nói là vẫn như thường không có chuyện gì cả. Đến lúc tôi báo tin cho anh biết trong ba ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường, anh liền nhảy lên, ôm lấy tôi và thú thực nỗi buồn của anh.
Anh hỏi tôi:
- Anh không bỏ tôi chứ?
Tức mình, tôi thụi cho anh một quả để dạy anh từ nay không nên ngờ tôi và cũng để giấu nỗi cảm xúc vì tiếng gọi của tình bạn đã rung động trái tim tôi. Tiếng gọi đó phát ra do tình hữu ái chứ không phải bởi lòng lợi kỷ. Mã-Tư không cần đến tôi để sinh nhai, anh có thể kiếm ăn một mình được.
Về điểm này, anh có nhiều thiên tài mà tôi không có. Trước hết, anh sử dụng các thứ nhạc khí rất thạo, anh hát, nhảy lại giỏi và đóng được trò. Anh lại có tài làm cho các “khán giả khả kính” – theo danh từ của ông Vỹ-Tiên – mở rộng túi tiền. Với nụ cười có duyên, với đôi mắt dịu hiền và hàm răng trắng nhỏ, với nét mặt dễ yêu, anh đã làm rung động cả đến những trái tim trơ trắn. Anh không phải xin, tự nhiên người ta thích cho anh. Có thể nói được rằng: người ta thích cho để anh thích. Thực vậy, trong thời gian tôi vắng mặt, cuộc tuần du mới rồi của anh và con Lãnh-Nhi đã thu lượm được 18 phật-lăng, đó không phải là một món tiền nhỏ. Một trăm hai mươi tám phật-lăng, hiện ở trong quỹ, với số 18 phật-lăng của Mã-Tư vừa kiếm được cộng thành một trăm bốn mươi sáu phật-lăng, như thế chỉ thiếu 4 phật-lăng nữa, thì mua được bò mong ước.
Mặc dầu tôi không muốn làm thợ mỏ, nhưng khi rời Văn-Xá tôi không khỏi bùi ngùi vì tôi phải chia tay An-Sinh, chú An-Thiện và Giáo-sư. Nhưng cũng là một việc thường vì số phận đã định cho tôi cứ phải xa rời những người yêu thương tôi và tôi quyến luyến.
Tiến lên!
Cây đàn khoác lên vai, túi đeo trên lưng, chúng tôi lại ra đi trên đường cái. Con Lãnh-Nhi sung sướng lăn mình trong đám bụi. Tôi xin thú thực rằng chính tôi cũng sung sướng được ra khỏi tỉnh Văn-Xá, được bước ròn rã trên con đường không lội lặm như ở hầm mỏ. Mặt trời chói lọi. Cây cỏ xanh tươi!
Trước ngày khởi hành, Mã-Tư và tôi, chúng tôi đã bàn cãi về lộ trình sắp phải theo. Tôi đã dạy anh biết xem bản đồ, anh không cãi rằng quãng đường đi trên đất dài hơn quãng đường trên bản đồ đi bằng ngón tay từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau khi đã cân nhắc lợi hại, đáng lẽ đi thẳng tới Ích-Sơn rồi từ đó về Văn-Ông, chúng tôi nhất định đi lối khác qua Kiến-Sơn, không xa hơn mấy nhưng có thể tạt vào mấy thành thị có suối ấm để diễn trò vì đang độ nhiều người đến dưỡng bệnh. Ngày ở mỏ, Mã-Tư được gặp một người làm xiệc rong có gấu, mách rằng diễn trò ở tỉnh này có thể kiếm ăn được. Mã-Tư muốn kiếm thêm tiền, anh bảo trăm rưỡi phật-lăng không đủ mua bò.
Chúng tôi có nhiều tiền hơn, con bò sẽ đẹp hơn, bà Bảo-Liên sẽ vui lòng hơn: và bà Bảo-Liên vui lòng hơn thì chúng tôi sẽ sung sướng hơn.
Vì thế, chúng tôi nhất định đi lối Kiến-Sơn.
Trước đây, trong khi đi từ Ba-Lê về Văn-Xá, tôi đã bắt đầu dạy Mã-Tư học đọc và học những điều sơ yếu về âm nhạc. Bây giờ từ Văn-Xá về Kiến-Sơn, tôi lại tiếp tục dạy anh. Một là tôi không phải là một Giáo-sư tốt – điều này có thể lắm – hai là Mã-Tư không phải là người học trò tốt – điều này cũng có thể lắm – cho nên về tập đọc, kết quả rất chậm và khó như lời tôi đã nói. Anh không nhớ được và đọc ra những cái quái quỷ gì mà anh chế ra. Đôi khi, mất bình tĩnh, tôi đấm tay vào sách kêu rằng óc anh tối quá. Không giận gì, anh nhìn tôi bằng đôi mắt hiền lành, mỉm cười và nói:
- Quả thực óc tôi tối lắm, có đánh vào đầu tôi như Phú-Lợi đã làm thì may ra mới sáng ra.
Anh nói vậy thì tôi giận làm sao được? Tôi bật cười và chúng tôi lại tiếp tục làm việc.
Nhưng về âm nhạc, thì những nỗi khó khăn không còn nữa. Ngay buổi đầu, anh học tấn tới và mau chóng khiến tôi phải kinh ngạc. Rồi anh hỏi những câu làm tôi phải lúng túng, lắm khi đâm bí.
Tôi thú thật rằng điều đó làm tôi bực tức và mất thể diện. Tôi trịnh trọng tự coi tôi là một Giáo-sư và lấy làm nhục không thể trả lời học trò được. Tôi nghĩ cách: phải ngụy biện.
Học trò tôi chẳng tha tôi, cứ hỏi tôi luôn những câu:
- Tại sao người ta lại không viết âm nhạc bằng một thứ “khóa”?
- Tại sao người ta lại dùng những dấu “thăng” khi lên giọng và những dấu “giáng” khi xuống?
- Tại sao tiết đầu và tiết cuối của một bài hát, số nhịp lại không đều nhau?
- Tại sao người ta lại hòa dây vĩ-cầm bằng những “nốt” này mà không bằng những “nốt” khác?
Về câu hỏi cuối cùng, tôi hãnh diện trả lời rằng:
- Vĩ-cầm không phải là thứ nhạc khí của tôi, nên tôi không cần biết người ta phải lên dây thế nào.
Mã-Tư không vặn được nữa.
Cách trả lời này không thể áp dụng với những câu hỏi trên được vì những dấu “thăng”, dấu “giáng” thuộc về lý thuyết của âm nhạc, tôi là “nhạc sư”, tôi phải biết, nếu không thì – tôi nghĩ thế - mất cả uy quyền và thể diện, mà uy quyền và thể diện là hai điều tôi rất chú trọng.
Vì thế, khi tôi không biết phải trả lời thế nào thì tôi dùng cách thoát kiểu ông An-Thiện, như khi tôi hỏi than đá là gì, đã trả lời tôi một cách quả quyết:
“Than đá là một thứ than rắn như đá.”
Theo cách đó, khi tôi bí; tôi cũng không kém quả quyết, trả lời Mã-Tư rằng:
- Nó như thế bởi vì nó phải như thế. Đó là một định lệ.
Mã-Tư không có tính phản đối những định lệ, nhưng lúc đó, anh giương mắt và há mồm nhìn tôi làm cho tôi phát ngượng.
Chúng tôi rời Văn-Xá đã được ba ngày. Khi Mã-Tư hỏi tôi một câu “tại sao” thuộc loại nói trên, đáng lẽ tôi phải trả lời: “Tôi không biết” thì tôi lại tự đắc đáp rằng: “Bởi vì nó phải như thế”.
Từ đó, lắm lúc anh tỏ vẻ đăm chiêu, suốt ngày không nói một câu gì, trái hẳn với tính mau mắn của anh, vì lúc nào anh cũng láu táu và cười đùa. Tôi hỏi anh mãi, sau cùng anh phải nói:
- Anh Minh ạ. Anh quả là một Giáo-sư ưu tú. Tôi nhận thấy không có một người nào dạy tốt hơn anh về những điều mà tôi đã học được. Tuy nhiên…
Anh ngừng lại.
- Tuy nhiên, thế nào?
- Tuy nhiên, cũng có những điều mà anh không biết. Cả đến những nhà thông thái lắm khi cũng không biết, có phải không anh? Vì thế, khi anh trả lời tôi: “nó như thế vì nó phải như thế”, tôi nghĩ tất còn những lý do khác mà anh không bảo tôi được vì người ta đã không bảo anh. Vì những lẽ ấy, tôi nghĩ – nếu anh muốn – giá mà chúng ta tìm mua được, không đắt đâu, một quyển sách âm nhạc trong đó ta sẽ có đủ những điều ta muốn biết.
- Anh nói đúng lắm!
- Có phải không? Tôi cũng nghĩ rằng anh sẽ đồng ý. Anh thông minh thực, nhưng anh không thể thấu triệt vì anh không được học ở trong sách.
- Một ông thầy khá còn hơn là sách tốt nhất.
- Ý kiến đó hay lắm. Nếu anh bằng lòng thì tôi sẽ hỏi tất cả những điều mà tôi không biết.
- Sao anh không đi học ngay lúc anh ở một mình ở Văn-Xá?
- Vì học những thầy “ra thày” thì phải trả tiền. Tôi không muốn lấy tiền của anh để tiêu về việc của tôi.
Tôi hơi chạnh lòng vì câu “thầy ra thày” nhưng lòng tự ái rất kém đó tự nhiên mất ngay khi tôi nghe đến câu cuối cùng.
Tôi nói:
- Anh là người bạn chân tình. Tiền của tôi là tiền của anh, vì anh kiếm tiền bằng tôi, lắm khi hơn tôi. Anh muốn học bao nhiêu buổi thì học. Tôi cũng sẽ đi học với anh.
Rồi tôi can đảm thú nhận cái dốt của tôi:
- Như vậy, tôi cũng thế, tôi có thể học thêm những điều tôi không biết.
Ông thầy mà chúng tôi kén không phải là những ông thầy vườn ở nhà quê, chỉ biết đánh đàn cho người ta múa, mà phải là những nghệ sĩ, những nhạc sĩ hẳn hoi, chỉ có ở những thành phố lớn. Tôi coi bản đồ thì chúng tôi sắp qua thành phố Măng-Đê, không biết Măng-Đê có phải là một thành phố lớn không? Nhưng coi tên in bằng chữ lớn, tôi biết đó là thành phố quan trọng. Chúng tôi nhất định đến Măng-Đê sẽ học một vài buổi âm nhạc dù phải tốn tiền. Những ngày gần đây, chúng tôi đi qua những làng nhỏ và nghèo ở vùng núi Lô-Diên nên không kiếm được mấy. Dù sao, tôi cũng không muốn nguyện vọng của Mã-Tư phải chậm thực hiện.
Chúng tôi qua miền hoang dã Mê-Dương, một vùng xơ xác, thê lương nhất, không rừng, không nước, không hoa màu, không làng mạc dân cư; một vùng vắng vẻ, bao la, họa may, những khách đi nhanh trên xe ngựa có thấy đẹp chăng, chứ đối với chúng tôi thì chán lắm.
Sau cùng chúng tôi tới thành phố Măng-Đê.
Chúng tôi tới nơi vào lúc sẩm tối, nên không thể đi học ngay được, vả chúng tôi còn mệt nhọc lắm.
Tuy nhiên, Mã-Tư thấy thành phố này không to lắm, nóng lòng sợ không tìm được chỗ học, nên khi ăn súp, anh hỏi ngay bà chủ tiệm rằng:
- Ở đây có Giáo-sư nào dạy âm nhạc không?
Bà chủ tiệm trả lời, bà rất ngạc nhiên về câu hỏi của chúng tôi, vậy chúng tôi không biết Giáo-sư Phi-Nam à?
Tôi đáp:
- Chúng tôi ở xa đến.
- Ở xa lắm à? Nơi nào?
Mã-Tư nói:
- Từ Ý-Đại-Lợi đến đây.
Bà hết ngạc nhiên vì những người ở xa lắm có thể không biết ông Phi-Nam, chứ những người ở gần như Mác-Xây, Ly-Ông mà không biết Giáo-sư Phi-Nam thì bà cho là những người ít giáo dục, bà không cần trả lời.
Tôi nói với Mã-Tư bằng tiếng Ý:
- Mong rằng chúng ta sa vào đúng chỗ.
Mắt bạn tôi sáng ngời lên. Chắc chắn ông Phi-Nam sẽ trả lời cho tất cả những câu hỏi của anh và chắc chắn Giáo-sư không lúng túng về câu hỏi “tại sao” người ta lại dùng những dấu “thăng” khi lên và những dấu “giáng” khi xuống giọng.
Có một điều làm cho tôi lo: một Nhạc sư danh tiếng như thế không biết có bằng lòng nhận dạy những học trò khốn nạn, nghèo túng như chúng tôi?
Tôi hỏi:
- Ông Phi-Nam có bận lắm không?
- Bận lắm chứ. Chắc thế. Sao lại không được.
- Không biết ngày mai ông ấy có tiếp chúng tôi không?
- Có chứ. Ông ta tiếp tất cả mọi người miễn là người ta có tiền trong túi.
Chúng tôi có tiền trong túi, nên rất yên tâm. Trước khi đi ngủ, mặc dầu nhọc mệt, chúng tôi bàn định rất lâu về những câu định sẵn để hôm sau đến hỏi Giáo-sư danh tiếng đó.
Sáng hôm sau, sau khi đã ăn mặc chỉnh đốn – chỉnh đốn đây có nghĩa là sạch sẽ; vì ngoài bộ quần áo chúng tôi đang mặc không còn bộ nào mới đẹp nữa – chúng tôi lấy nhạc khí, Mã-Tư mang vĩ-cầm, tôi đeo thụ-cầm, cùng nhau ra phố tìm đến nhà Giáo-sư Phi-Nam. Con Lãnh-Nhi cũng muốn theo đi, sợ đem cả chó đến nhà một Nhạc sư trứ danh không tiện nên chúng tôi phải buộc nó vào chuồng ngựa nhà trọ.
Khi chúng tôi đến trước cửa nhà Nhạc sư mà người ta đã chỉ cho, chúng tôi ngờ ngợ vì trước cửa nhà đó có treo hai cái đĩa cạo râu bằng đồng, những vật này không phải là biểu hiệu của một nhà Nhạc sư.
Chúng tôi đứng ngắm, nhà đó có vẻ là một hiệu thợ cạo. Chợt có một người đi qua, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Phi-Nam ở đâu? “Ở đây”, họ vừa nói vừa chỉ vào hiệu cạo. Tôi nghĩ một nhạc sư sao lại không được ở cùng nhà với người thợ cạo?
Chúng tôi bước vào. Trong hiệu chia làm hai phần đều nhau: phần bên phải, ở trên những cái giá gỗ, có các thứ như lược, bàn chải, dao, kéo, nước hoa, xà phòng; phần bên trái, có bày hoặc treo các thứ nhạc khí như đàn, sáo, kèn lớn, kèn con.
Mã-Tư hỏi:
- Ông Phi-Nam!
Một người đàn ông mau mắn và linh lợi như con chim, đang cạo mặt cho một người nhà quê ngồi trong cái ghế bành, đáp bằng giọng trầm:
- Chính tôi.
Tôi đưa mắt nhìn Mã-Tư có ý bảo ông thợ cạo nghệ sĩ này không phải là người chúng ta tìm để học và nếu học ông ta thì chẳng khác chi đem tiền vứt qua cửa sổ. Nhưng đáng lẽ hiểu ý tôi và nghe tôi, Mã-Tư lại đến ngồi luôn vào một cái ghế tựa ở bên và nói bằng một giọng cứng cát:
- Khi cạo xong, ông có thể cắt tóc cho tôi được không?
- Được. Em đợi một chút.
Tôi bực quá, không hiểu Mã-Tư định làm gì. Anh đưa mắt nhìn tôi có ý bảo hãy rán đợi một chút, đừng vội giận anh.
Lát sau, cạo mặt cho người khách xong, Phi-Nam tay cầm cái khăn quàng to lại chỗ Mã-Tư.
Trong khi người thợ cạo quấn khăn quàng vào cổ anh, anh hỏi:
- Thưa ông, tôi và bạn tôi vừa cãi nhau xong, nhân biết tiếng ông là một Nhạc sư trứ danh, nên chúng tôi muốn phiền ông giải thích giúp những điều đã làm cho chúng tôi bối rối.
- Các em hãy cho tôi biết sơ những điều đã làm các em bối rối.
Tôi hiểu ngay dụng ý của Mã-Tư thế nào rồi. Trước hết anh muốn xem ông thợ cạo nghệ sĩ có thể trả lời được những câu hỏi của anh không, sau nếu ông ta trả lời được tức là anh chỉ phải trả bài học đó bằng cái giá cắt tóc cho một người. Anh thật tinh khôn.
Mã-Tư hỏi:
- Tại sao người ta lại hòa dây vĩ-cầm bằng một “nốt” này mà không dùng đến những “nốt” khác?
Tôi tưởng ông thợ cạo – lúc đó đang đưa cái lược vào mái tóc Mã-Tư – cũng lúng túng và sắp trả lời như kiểu tôi cho xuôi. Tôi cười thầm thì ông thợ cạo cất tiếng nói:
- Cái dây thứ hai bên trái của vĩ-cầm phải lấy nốt “la” ở âm giai thường. Rồi những dây khác phải lựa âm trình sao cho dây thứ tư là “sol”, dây thứ ba là “ré”, dây thứ hai là “la”, dây thứ nhất là “mi”, tông cao hơn hết.
Bây giờ không phải tôi cười, mà Mã-Tư cười. Anh cười vì cái bộ mặt ngơ ngác của tôi chăng? Hay anh sung sướng được biết những điều anh muốn học mà cười? Anh cứ cười to và cười hoài. Thời giờ cắt tóc dài bao nhiêu thì câu hỏi của anh cũng nhiều bấy nhiêu. Bất cứ câu gì Mã-Tư hỏi, ông Phi-Nam cũng trả lời một cách dễ dàng và đích xác như về môn vĩ-cầm. Nhưng sau khi đã trả lời nhiều rồi, ông ta lại tự hỏi mình thì ông ta hiểu ngay ý định của chúng tôi đến để làm gì.
Ông liền cười ha hả và bảo chúng tôi rằng:
- A! Những đứa trẻ này ranh thực! Coi ngộ quá!
Rồi ông bảo Mã-Tư – trông thực ngộ hơn tôi – đánh một bản cho ông nghe. Mã-Tư mạnh dạn cầm cây vĩ-cầm và đánh một bài khiêu vũ xoay tròn.
Anh đánh xong, ông Phi-Nam vỗ tay và hỏi anh một cách tự nhiên như quen biết đã lâu:
- Em chưa biết nốt nhạc à?
- Vâng.
Trên tường, ở bàn có treo và bày rất nhiều nhạc khí như tôi đã nói trên. Mã-Tư đánh vĩ-cầm xong lấy luôn cái kèn xuống và nói:
- Tôi cũng thổi được kèn nhỏ và cả kèn có “bít-tông” nữa.
Ông Phi-Nam bảo:
- Thổi đi coi.
Anh lần lượt thổi tất cả các thứ kèn treo trên tường, mỗi cái một bài.
Ông Phi-Nam kêu:
- Ô! Em bé này là thần đồng hẳn! Nếu em muốn ở đây với ta, ta sẽ luyện cho em thành đại nghệ sĩ, em nghe chưa, đại nghệ sĩ! Sáng sáng em cạo râu cho khách với ta, đến chiều, ta sẽ dạy em âm nhạc. Em đừng yên trí rằng ta không phải là một ông thầy có thể dạy em được vì ta là thợ cạo. Người ta ai cũng phải sống, phải ăn, uống, ngủ; con dao cạo rất tốt cho ta về việc đó. Dù có làm nghề cạo râu cho người, ông Giát-Manh ngày xưa vẫn là thi sĩ trứ danh của nước Pháp, không kém. Tỉnh A-Giăng có Giát-Manh, thì tỉnh Măng-Đê cũng có Phi-Nam.
Khi ông Phi-Nam giảng thuyết xong, tôi nhìn Mã-Tư. Anh sẽ trả lời ra sao? Tôi sắp mất chăng, một người bạn đường, một người bạn thân, một người em, như tôi đã lần lượt mất những người mà tôi thương yêu? Lòng tôi se lại.
Tuy nhiên, tôi cố dẹp tình cảm của tôi về một bên.
Trường hợp này giống như trường hợp của tôi và ông Vỹ-Tiên đứng trước bà Mỹ-Lưu muốn giữ tôi. Tôi không muốn tôi phải oán trách tôi bằng những lời mà tôi đã oán trách ông Vỹ-Tiên ngày xưa.
Tôi nghẹn ngào nói:
- Anh Mã-Tư ơi! Anh nên nghĩ về phần anh trước.
Nhưng Mã-Tư chạy lại cầm tay tôi mà nói:
- Phải bỏ bạn tôi? Tôi không thể làm được. Tôi hết lòng cảm ơn ông.
Ông Phi-Nam lại nhấn mạnh rằng khi Mã-Tư học hết những điều yếu lược, ông sẽ tìm cách cho anh đi học ở Tu-lu rồi đi Ba-Lê vào trường “Quốc gia Âm nhạc học viện” nhưng Mã-Tư nhất định từ chối.
- Tôi không bao giờ bỏ Lê-Minh, bạn tôi.
Ông Phi-Nam nói:
- Em ơi! Vậy thì ta muốn có một vật gì để cho em, ta muốn tặng em một quyển sách, trong đó em sẽ học hỏi những điều em không biết.
Nói xong, ông ta tìm các ngăn kéo. Một lúc lâu, ông đem ra một quyển sách nhan đề là “Âm Nhạc lý thuyết” sách này đã cũ và nhàu nát, nhưng có cần gì? Rồi ông lấy bút, ông đề vào trang nhất như sau:
“Tặng em bé, sau này thành tài, đừng quên người thợ cạo thành Măng-Đê”.
Tôi không biết ở thành Măng-Đê, ngoài ông phó cạo Phi-Nam còn có nhạc sư nào khác không, nhưng chỉ có ông Phi-Nam là người mà chúng tôi biết và không bao giờ quên được.

<< Chương XXVII | Chương XXIX >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 242

Return to top