Cha tôi đóng cửa xe lại, treo đèn ngoài hiên rồi ra. Chúng tôi chỉ còn có việc ngủ. Chúng tôi sửa soạn để ngủ ngay, không nói chuyện với nhau như mọi tối và cũng không phô bày cảm tưởng về cái ngày đáng ghi nhớ đó.
Mã-Tư chúc tôi:
- Anh Minh, ngủ cho khỏe!
Tôi chúc anh:
- Anh Mã-Tư, ngủ ngon!
Mã-Tư không buồn nói. Tôi cũng chẳng nói và rất thích anh im lặng.
Nhưng không nói chuyện không phải là buồn ngủ. Đèn ngoài hiên đã tắt, tôi không sao nhắm mắt được. Tôi trằn trọc, trong cái giường hẹp, óc cứ nghĩ đến những chuyện vừa diễn ra. Trong lúc đó, Mã-Tư nằm ở giường trên, cũng thấy trở mình luôn, anh cũng không ngủ được như tôi.
Tôi hỏi sẽ:
- Anh chưa ngủ à?
- Chưa.
- Anh mệt lắm không?
- Không. Cảm ơn anh. Tôi vẫn khỏe. Nhưng không hiểu sao mọi vật cứ quay trước mặt tôi như là tôi đi trên biển và cái xe cứ như lên xuống, gập ghềnh.
Có phải vì anh chóng mặt mà không ngủ được hay vì óc anh cũng nghĩ cùng một điều như tôi mà không chợp mắt được? Anh yêu tôi cũng như tôi yêu anh, hai người đồng thanh đồng khí, cho nên anh đã cảm thấy những điều đang xúc động trong trái tim tôi.
Cái ngủ không đến. Thời khắc cứ trôi. Một mối lo sợ cứ bâng khuâng tràn ngập trong tâm hồn tôi. Lo sợ gì? Tôi không biết, nhưng tôi vẫn thấy lo sợ. Không phải vì nằm ngủ trong cái xe này giữa một xóm tồi tàn mà tôi sợ. Trong đời du mục của tôi, đã bao lần tôi phải ngả lưng ở đầu đường xó chợ, có được cái giường, cái mái như lúc này đâu? Tôi được trú ở một nơi kín đáo tránh được mọi nguy hiểm, thế mà lòng tôi vẫn không yên. Tôi cố trấn tĩnh bao nhiêu thì lòng tôi lại càng bứt rứt bấy nhiêu!
Trầm lặng, đêm cứ đi. Tôi không biết là mấy giờ rồi vì chung quanh nghe không thấy một tiếng chuông đồng hồ.
Chợt tôi nghe có tiếng “lịch bịch” ở cửa sau nhà xe. Cửa này thông ra một hẻm khác, rồi có mấy tiếng gõ đều đều, sau cùng một ánh sáng lọt vào trong xe chúng tôi nằm.
Tôi kinh ngạc, nhìn xung quanh. Con Lãnh-Nhi nằm ở chân giường tôi chợt thức sủa lên mới tiếng. Tôi nhìn kỹ thì cạnh giường chúng tôi có một cái cửa sổ ở thành xe, lúc vào không nhìn thấy vì có bức màn che đi. Sợ Lãnh-Nhi đánh thức cả nhà dậy, tôi liền lấy tay bưng miệng nó lại. Xong tôi nhìn ra ngoài.
Cha tôi đã vào nhà xe, nhẹ nhàng mở cửa sau cho hai người đàn ông, rồi đóng cửa lại rất êm. Hai người đó, người nào cũng vác trên vai một bao hàng to tướng.
Lúc đó, cha tôi giơ một ngón tay lên môi, tay kia cầm chiếc đèn ló chỉ vào xe chúng tôi nằm, ngụ ý bảo hai người kia đừng làm rầm, để yên cho chúng tôi ngủ.
Sự giữ gìn đó làm tôi cảm động. Tôi định bảo cha tôi cứ việc làm không cần bận tâm đến tôi vì tôi vẫn thức. Nhưng sợ nói to làm anh Mã-Tư dậy, và có lẽ anh đang ngủ say, nên tôi lại thôi. Cha tôi đỡ bao hàng cho hai người kia bỏ xuống đất. Rồi cha tôi đi ra. Lúc trở lại, có mẹ tôi theo sau. Khi cha tôi ra ngoài, hai người kia mở gói hàng ra, một gói đầy vải tấm, một gói chứa toàn mũ len, áo len, quần đùi, bí-tất, găng tay.
Tôi đoán là người lái này đem bán cho cha mẹ tôi.
Cha tôi cầm từng tấm vải, từng chiếc đồ, đưa ra gần đèn nhìn một lượt rồi trao cho mẹ tôi. Mẹ tôi cầm cái kéo con cắt những hiệu đi và bỏ vào túi. Việc cắt nhãn hiệu và việc bán hàng trong giờ khuya khoắt này làm cho tôi suy nghĩ.
Cha tôi vừa nhận hàng vừa nói chuyện với hai người lái. Nếu tôi biết tiếng Anh, tôi đã được rõ chuyện. Khi người ta không hiểu thì người ta hay sai. Tuy vậy những tiếng “bốp” và “cảnh-binh” nói đi nói lại nhiều lần, đã đập vào tai tôi.
Khi hàng hóa đã kiểm hết, cha mẹ tôi và hai người khách đều sang bên nhà. Căn phòng chúng tôi lại tối mò. Chắc chắn là mọi người sang đó để thanh toán tiền hàng.
Việc tôi vừa được coi là một việc rất thường. Tôi không muốn nghĩ. Tại sao những người lái đó không đi lối sân Hồng-Sư mà lại vào bằng cửa sau? Tại sao người ta lại nói nhỏ và nhắc đến “cảnh-binh” như là sợ người ngoài trông thấy. Tại sao mẹ tôi cắt hết những nhãn đính ở món hàng.
Tôi nghĩ mãi không tìm được câu trả lời. Tôi đành xếp chuyện đó lại để ngủ, nhưng tôi không sao nhắm mắt được. Một lúc lâu, tôi lại thấy ánh sáng lọt vào xe chúng tôi. Tôi lại ngồi dậy nhìn ra qua khe màn cửa sổ. Lần trước tôi nhìn ra là xuất ư tự nhiên. Lần này không hiểu sao tôi cố nhìn. Tôi đã định tâm không nhìn rồi tôi lại nhìn; tôi đã nghĩ không nên biết thì hơn, thế mà tôi cứ muốn biết.
Lần này chỉ có cha mẹ tôi thôi. Trong khi mẹ tôi gói các đồ thành hai bọc, thì cha tôi quét sạch một góc trong nhà xe. Khi rơm và cát đã dọn hết rồi, lộ ra một cái nắp hầm. Cha tôi mở ra, mẹ tôi soi đèn cho cha tôi đem hai bọc hàng xuống hầm, không rõ nông sâu thế nào. Xong cha tôi trèo lên, đậy nắp lại và lấy chổi vun cát lại như cũ. Hai người lấy rơm rắc lên trên như chỗ rơm khác trong nhà, người ngoài khó biết đâu là nắp hầm. Rồi cha mẹ tôi yên lặng đi ra.
Khi cha mẹ tôi khép cửa lại, tôi nghe có tiếng động ở giường trên, hình như anh Mã-Tư vừa đặt đầu xuống gối. Anh đã trông thấy việc vừa diễn ra? Tôi không dám hỏi anh. Tôi không mơ hồ nữa, bây giờ tôi đã rõ vì đâu tôi sợ hãi: từ chân lên đến đầu tôi toát ra một lớp mồ hôi lạnh ướt đầm.
Tôi cứ nằm thế mãi. Tiếng gà gáy trong xóm báo cho tôi biết trời gần sáng. Lúc đó tôi chợp mắt, dần dần chìm đắm trong giấc ngủ nặng nề, lộn xộn, đầy ác mộng.
Tiếng khóa động làm tôi thức dậy. Cửa xe mở ra. Tôi ngờ là cha tôi đến đánh thức chúng tôi nên tôi nhắm mắt lại không muốn nhìn.
Mã-Tư nói:
- Em anh vừa đến giải tỏa cho chúng ta. Nó ra rồi.
Chúng tôi đều trở dậy. Mã-Tư không hỏi tôi đêm có ngủ được không. Mà tôi cũng chẳng hỏi gì anh, thỉnh thoảng anh nhìn tôi, tôi lại nhìn đi chỗ khác. Tôi sang nhà, không thấy cha mẹ tôi đâu cả. Chỉ thấy ông tôi ngồi trên chiếc ghế bành mây, tôi tưởng tượng như ông tôi vẫn ngồi yên đó từ tối qua đến nay. Em gái tôi là Á-Ninh đang lau bàn, em trai tôi là Á-Lang đang quét nhà.
Tôi lại bắt tay các em tôi, nhưng hai người cứ tiếp tục làm không trả lời tôi.
Tôi tiến đến chỗ ông tôi, nhưng ông tôi không để cho tôi lại gần, cũng như chiều hôm qua, ông tôi nhổ về phía tôi làm cho tôi tưng hửng.
Tôi bảo Mã-Tư:
- Anh hỏi giúp tôi xem sáng nay khoảng mấy giờ thì tôi được gặp cha mẹ tôi?
Mã-Tư làm theo lời tôi. Ông tôi nghe thấy nói được tiếng Anh, liền dìu dịu. Mặt ông bớt hầm hầm và muốn trả lời.
Tôi hỏi:
- Ông tôi nói gì thế?
- Rằng cha anh đi đến tối mới về, mẹ anh còn ngủ và chúng ta có thể đi chơi được.
Thấy ông tôi nói nhiều mà anh thông ngôn ngắn quá, tôi hỏi:
- Ông tôi chỉ nói có thế thôi à?
Anh có vẻ bối rối và nói:
- Đoạn dưới không biết tôi hiểu có đúng không.
- Anh nhắc lại những câu anh hiểu.
- Hình như ông bảo nếu chúng mày ra phố gặp dịp “bở” thì đừng bỏ qua và ông nói thêm câu này tôi nghe rõ ràng:
- Nhớ lấy bài học của ta: “cần phải ăn bám vào những kẻ khờ dại”.
Có lẽ ông già đã đoán được những lời Mã-Tư thuật lại cho tôi vì đến câu cuối cùng, ông dùng cái tay không bị tê liệt làm hiệu như “nhặt vật gì bỏ vào túi” và nháy nháy chúng tôi.
Tôi bảo Mã-Tư:
- Chúng ta ra phố đi.
Chúng tôi ra bãi Hồng-Sư chơi, trong hai, ba tiếng đồng hồ, không dám đi xa sợ lạc. Ban ngày nhìn rõ mới biết Thanh-Lâm là một nơi rất ghê tởm. Chỗ nào cũng thấy nhà cửa tồi tàn, dân cư đói rách, Mã-Tư và tôi đều nhận thấy nhưng chẳng ai nói câu gì.
Chúng tôi đi loanh quanh mãi, sau nhìn thấy góc sân nhà tôi, chúng tôi liền lộn về.
Mẹ tôi đã dậy. Từ cửa ngoài tôi nhìn thấy mẹ tôi đang gục đầu xuống bàn. Tôi tưởng mẹ tôi ốm nên vội chạy lại hôn mẹ để thay câu hỏi, vì tôi không nói được với mẹ tôi.
Tôi ôm lấy mẹ tôi. Mẹ tôi ngửng lên, lung lay cái đầu, nhìn tôi nhưng mắt không trông thấy gì. Lúc đó ngửi thấy mùi rượu sặc sụa. Tôi lùi lại. Mẹ tôi lại gục đầu xuống hai cánh tay duỗi ở trên bàn.
Ông tôi nói:
- Say rượu đó.
Xong ông tôi nhìn tôi, cười ngạo và nói những tiếng gì nữa tôi không hiểu. Thoạt tiên tôi đứng trơ như người mất hồn, song tôi định thần lại ngay và nhìn Mã-Tư, thấy nước mắt anh chẩy quanh. Tôi liền ra hiệu cho anh. Chúng tôi cùng nhau lại ra ngoài.
Chúng tôi đi sát vai nhau, tay cầm tay, không nói gì, cứ tiến bước mà không biết đi đâu.
Thấy tôi đi mãi, Mã-Tư hỏi tôi, giọng buồn rầu:
- Anh định đi đâu thế?
- Tôi không biết, đến chỗ nào đó để chúng ta nói chuyện. Tôi có câu chuyện muốn ngỏ cùng anh, nhưng ở đây đông người quá không tiện.
Thực vậy, trong đời sống nay đây mai đó, khi ở sơn lâm, khi qua đồng ruộng, được đào luyện trong trường học của ông Vỹ-Tiên, tôi đã thành thói quen không bao giờ nói những việc riêng của mình, nhất là những việc quan trọng, giữa làng hay giữa phố đông người vì có ai đến gần là tôi mất hết ý tưởng. Nay tôi có câu chuyện rất quan trọng nên phải tìm chỗ vắng.
Lúc đó chúng tôi đang đi trong một phố rộng hơn hẻm nhà tôi. Đầu phố đó, tôi nhìn thấy bóng cây cao. Có lẽ là vùng quê. Chúng tôi rảo bước về phía đó. Đến nơi, không phải là miền quê, mà là một khu vườn rộng mênh mông có những bồn cỏ xanh tươi và những chòm cây non, cành lá rườm rà. Được chỗ tha hồ nói chuyện.
Nói những gì, tôi đã định trước. Khi chúng tôi ngồi dưới khóm cây, xa hẳn mọi người, tôi liền nói:
- Anh Mã-Tư ơi! Anh vẫn biết là tôi yêu anh, phải không anh? Chắc anh cũng hiểu là vì tình bạn tôi rủ anh về nhà cha mẹ tôi. Hẳn anh không nỡ ngờ vực lòng tôi nếu tôi yêu cầu gì anh?
Anh gượng cười và bảo tôi:
- Sao anh nói dở thế?
- Anh cười cho tôi khỏi buồn. Nhưng tôi có buồn cũng nguôi được vì không khóc với anh thì còn khóc với ai được?
Rồi tôi gục vào lòng anh nức nở khóc. Tôi cảm thấy tôi trơ trọi giữa xã hội bao la này. Sau cơn xúc động đó, tôi cố bình tĩnh lại: rủ anh Mã-Tư đến vườn này không phải là cho anh thương tôi, mà chính là vì tôi thương anh.
Tôi bảo anh:
- Anh Mã-Tư ơi! Anh phải đi đi. Anh nên trở về Pháp.
- Bỏ anh? Không bao giờ tôi bỏ anh!
- Tôi biết trước là anh không chịu. Anh quyết không bao giờ bỏ tôi. Tôi rất sung sướng, sung sướng lắm, xin anh chắc như thế, nhưng bây giờ tôi khuyên anh nên bỏ tôi, trở ngay về Pháp, về Ý hay bất cứ nơi nào miễn là đừng ở nước Anh này nữa.
- Thế anh, anh định đi đâu? Anh định chúng ta cùng đi nơi nào?
- Tôi á? Tôi phải ở lại đây, ở Luân-Đôn này với gia đình tôi. Đó là bổn phận của tôi, phải không anh? Còn bao nhiêu tiền anh cầm lấy cả mà đi.
- Anh Minh ơi, anh đừng nói thế. Nếu có một người cần phải đi thì người ấy chính là anh, chứ không phải tôi.
- Tại sao?
- Vì rằng…
Anh không nói hết, tránh mắt tôi mà nhìn ra chỗ khác.
- Anh Mã-Tư ơi! Cứ nói thực, đừng giữ ý, đừng sợ. Đêm qua, anh không ngủ và anh đã trông thấy cả, phải không?
Anh nhìn xuống, nói giọng nghẹn ngào:
- Tôi không ngủ.
- Anh đã trông thấy gì?
- Tất cả.
- Và anh đã hiểu…
- Rằng những người lái đó đã bán những hàng mà họ không phải mua. Cha anh đã mắng họ sao không gọi cửa đằng trước mà lại gọi cửa đằng sau. Họ nói họ bị lũ “bốp” rình, “bốp” nghĩa là cảnh-binh.
Tôi bảo anh:
- Vậy anh đã thấy rõ rằng anh phải đi.
- Nếu tôi phải đi thì anh cũng phải đi. Vì có ích cả cho anh cũng như cho tôi.
- Khi tôi rủ anh về đây, theo lời bà Bảo-Liên và theo mộng tưởng của tôi, tôi chắc gia đình tôi sẽ có thể cho hai chúng ta đi học được, nhưng việc đời lại không như thế, giấc mộng chỉ là… giấc mộng, vì thế chúng ta phải chia tay nhau.
- Không bao giờ!
- Anh hãy nghe tôi và hiểu lòng tôi. Anh đừng làm cho tôi khổ thêm. Thí dụ: khi qua Ba-Lê, chúng ta gặp Phú-Lợi, Phú-Lợi bắt anh, tất anh cũng không muốn tôi ở với anh và tất anh cũng nói với tôi những lời như tôi vừa nói với anh, có phải thế không?
Anh không trả lời.
- Có phải thế không? Nói đi, cho tôi biết có phải thế không?
Nghĩ một lúc rồi anh nói:
- Bây giờ đến lượt anh nghe tôi nói. Khi ở Văn-Ông, anh bảo tôi gia đình anh đang tìm anh, tin đó làm tôi buồn lắm. Đáng lẽ tôi phải sung sướng thấy anh sắp gặp cha gặp mẹ, trái lại tôi bực tức. Đáng lẽ tôi phải nghĩ đến cái vui, cái hạnh phúc của anh, trái lại tôi chỉ nghĩ đến tôi. Tôi tự bảo tôi rằng rồi đây anh sẽ có anh em, chị em; những anh em mà anh yêu cũng như yêu tôi, hơn tôi; những anh chị em sang trọng, có học thức, có giáo dục; những cậu, những cô bảnh bao cả; và tôi ghen. Đó là điều anh cần biết, đó là sự thật mà tôi cần thú ra để anh tha thứ cho tôi về những ý nghĩ đốn hèn đó.
- Ô! Anh Mã-Tư!
- Anh hãy nói lên, nói lên rằng anh bỏ lỗi đó cho tôi.
- Xin hết lòng. Tôi thấy anh buồn quá, tôi không nghĩ đến điều đó nữa.
- Thế là anh xuẩn, mà tôi thì độc ác. Nhưng nếu anh hết lòng tha thứ cho tôi vì anh tốt, còn tôi, tôi không tha thứ cho tôi vì tôi không tốt bằng anh. Câu chuyện cũng chưa hết. Tôi còn nghĩ rằng: ta theo Lê-Minh về Anh-quốc để chơi. Bao giờ hắn sung sướng, sung sướng quá không có thì giờ nghĩ đến ta nữa, ta sẽ rút lui, rút lui rất nhanh về làng Lục-Ca để hôn em Tuyết-Nga của ta. Nhưng đáng lẽ được giầu có, sung sướng như lòng chúng ta mơ ước cho anh, bây giờ anh không giầu và anh chỉ là… nghĩa là không được như điều chúng ta đã mong tưởng. Thế thì tôi không thể đi được. Và không phải là Tuyết-Nga, không phải là em gái tôi mà tôi phải hôn, chính là bạn tôi, bạn thân tôi, chính là anh ruột tôi, chính là Lê-Minh mà tôi phải yêu dấu vậy.
Nói xong, anh kéo tay tôi và đem hết cả tình hữu ái trong lòng hôn tôi. Nước mắt tôi ràn rụa ra, không phải là thứ nước mắt nóng rát và cay đắng như những giọt lệ tuôn rơi ban nãy.
Nỗi cảm xúc của tôi lớn lao thực, nhưng tôi không bỏ ý kiến cũ của tôi, tôi nói:
- Anh phải đi. Anh phải về Pháp thăm Lệ-Hoa, thăm ông An-Thanh, thăm bà Bảo-Liên và tất cả bạn bè tôi, nói cho những người đó biết tại sao tôi không thể thực hiện được ý muốn và lời hứa của tôi. Anh cắt nghĩa giúp cho rằng cha mẹ tôi không giầu như tôi đã quá tưởng tượng, tất nhiên các ân nhân của tôi cũng sẽ sẵn lòng lượng thứ cho tôi. Anh hiểu ý tôi đấy chứ? Cha mẹ tôi không giầu, nói thế là đủ. Không giầu, cái đó cũng không phải là một điều đáng hổ thẹn.
- Không phải vì cha mẹ anh không giầu mà anh muốn tôi trở về Pháp: nếu chỉ có thế thì tôi không đi đâu cả.
- Anh Mã-Tư ơi! Tôi xin anh, anh đừng làm tăng mối sầu của tôi vì nó đã quá lớn lao rồi.
- Ô! Không phải tôi muốn ép anh kể ra những điều mà anh cho là đáng xấu hổ. Tôi không tinh quái, không ranh mãnh. Nhưng, nếu tôi không hiểu những cái nó lọt vào đây – anh đập tay vào trán – thì ít ra tôi cũng cảm thấy những cái nó đập vào đây – anh để bàn tay vào trái tim – không phải vì cha mẹ anh nghèo mà anh giục tôi đi, không phải vì cha mẹ anh không nuôi nổi tôi mà anh muốn tôi đừng ở nữa, vì tôi không để phải ăn hại, tôi sẽ làm việc cho cha mẹ anh, chính vì… những cảnh mắt thấy đêm qua mà anh sợ cho tôi.
- Anh Mã-Tư ơi! Xin anh đừng nói nữa.
- Anh sợ rồi đến phải làm việc cắt nhãn những hàng không phải mất tiền mua, phải không?
- Ô! Im đi! Mã-Tư! Người bạn nhỏ của tôi ơi! Im đi!
Rồi tôi lấy hai bàn tay che mặt, lúc đó thẹn đỏ lên.
Mã-Tư nói tiếp:
- Nếu anh sợ cho tôi, tôi, tôi cũng sợ cho anh. Chính vì lẽ đó mà tôi đã bảo anh: chúng ta đi cả thôi, chúng ta trở về Pháp tìm bà Bảo-Liên, Lệ-Hoa và các bạn của anh.
- Không được, anh ạ. Cha mẹ tôi đối với anh không là gì vì không có liên hệ với nhau. Nhưng cha mẹ tôi là những người đã đã đẻ tôi ra, tôi phải ở với gia đình tôi.
- Gia đình anh! Ông già tê liệt kia: ông anh! Người đàn bà phục xuống bàn: mẹ anh!
Tôi đứng phắt dậy. Bằng giọng sai khiến chứ không phải giọng nài xin, tôi thét:
- Mã-Tư! Im mồm! Tôi cấm anh không được nói thế! Những người đó là ông tôi, là mẹ tôi, là những người tôi phải tôn thờ, phải yêu thương.
- Phải lắm, nếu thực là người của gia đình anh. Nhưng nếu các người đó không phải là ông anh, không phải là cha anh, không phải là mẹ anh thì anh cũng cứ tôn thờ, cũng cứ yêu thương à?
- Anh không nghe rõ chuyện cha tôi kể lại à?
- Chuyện đó có gì chứng minh là xác thực? Họ lạc một đứa con bằng tuổi anh. Họ đi tìm kiếm và họ thấy một đứa trẻ cùng tuổi với đứa con của họ. Có thế thôi.
- Anh phải biết đứa trẻ mà người ta bắt cóc đã bỏ ở phố Bảo-Tương và chính phố Bảo-Tương mà tôi đã được người ta tìm thấy ngay sau khi cha mẹ tôi thấy mất con.
- Tại sao hai đứa trẻ lại không có thể bị bỏ ở phố đó cùng một ngày được? Tại sao ông Cảnh-sát Trưởng khu phố Bảo-Tương lại không trỏ nhầm cho Điệp-Công về Văn-Ông được? Những điều đó rất có thể xảy ra được.
- Vô lý.
- Phải, những câu tôi nói, những lời tôi cắt nghĩa có thể là vô lý, chính vì tôi nói và giải nghĩa vụng về, vì đầu óc tôi kém, giá một người khác trình bầy khéo léo và rõ rệt hơn tôi, thì những việc trên lại thành hữu lý. Chính tôi vô lý. Có thế thôi.
- Không, còn nữa. Anh cứ nói đi!
- Lại còn điều này. Anh có nhận ra rằng anh không giống cha hay mẹ anh tí nào không? Anh có thấy tóc anh không đỏ như tóc của “tất cả” – anh nghe rõ – “tất cả” các em trai, em gái anh không? Tại sao tóc anh lại không giống các trẻ đó? Lạ hơn nữa là: một gia đình nghèo túng như thế này lại dám bỏ ra bao nhiêu tiền để tìm ra một đứa con? Vì những lý do trên, theo ý tôi, anh không phải là con họ Điệp-Công. Tôi biết tôi là một thằng xuẩn như người ta vẫn gọi tôi, đó là lỗi tại cái đầu tôi. Nhưng nhất định anh không phải là con họ Điệp-Công và anh không nên ở với gia đình ấy. Vạn nhất nếu anh cố tình ở lại thì tôi cùng ở lại với anh. Nhưng anh nên viết thư hỏi bà Bảo-Liên cho chúng ta biết rõ những tấm tã của anh hồi đó thế nào. Khi chúng ta nhận được thư trong tay rồi, anh thử dò hỏi người mà anh gọi bằng cha bây giờ xem sao. Lúc đó ta sẽ nhìn được rõ hơn. Cho tới ngày đó, ta không nên tiết lộ gì. Dù sao tôi cũng ở luôn bên cạnh anh. Nếu phải làm việc, chúng ta cùng làm với nhau.
- Nhưng có ngày người ta đánh vào đầu Mã-Tư thì sao?
- Cái đó không quan trọng! Những đòn người ta nhận thay bạn, vì bạn có đau bao giờ?