Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Vô Gia Đình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28089 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vô Gia Đình
Hector Malot

Chương XXIX

Tôi đã yêu Mã-Tư khi đến Măng-Đê, tôi lại càng yêu Mã-Tư khi rời thành phố này. Trong tình bằng hữu không có cái gì cao đẹp hơn, êm ái hơn là khi ta cảm thấy những người bạn ta yêu đã yêu ta một cách chân thành, Mã-Tư đã từ chối lời đề nghị của ông Phi-Nam nghĩa là đã vứt bỏ hết các sự an nhàn, sung sướng, sự ích lợi về việc học bây giờ và sự phú quý mai sau để đi với tôi, chung sống một cuộc đời trôi giạt thiếu thốn, không có tương lai và có lẽ không có cả ngày mai nữa, đó chẳng phải là chứng cớ hiển nhiên, đã tỏ lòng thân ái của anh đối với tôi hay sao?
“Bỏ bạn tôi!”, câu nói của anh đã làm tôi vô cùng cảm động. Đứng trước ông Phi-Nam, tôi không thể biểu lộ được chân tình cùng anh, nhưng khi vừa ra khỏi, tôi liền nắm tay anh thật chặt và nói:
- Anh em ta sống chết có nhau, có phải không?
Anh nhìn tôi cười và nói:
- Tôi nghĩ thế đã lâu.
Mã-Tư vốn không thích đọc sách, nhưng từ khi có quyển “Âm nhạc lý thuyết” của tác giả Kuhn thì anh chăm xem và tấn tới lắm. Tiếc rằng tôi không thể giúp anh học nhiều như ý muốn của anh được vì chúng tôi phải đi suốt ngày, hết độ nọ đến độ kia để chóng qua miền Lô-Diên và miền Ô-Việt là những miền khô khốc cho những phường hát và diễn trò rong. Ở đây, người dân quê kiếm được ít, nên ăn tiêu rất dè dặt. Họ xem các trò với vẻ lãnh đạm. Đến khi sắp quyên tiền là họ lảng xa hoặc đóng chặt cửa túi lại.
Sau cùng chúng tôi đến miền suối ấm, là mục đích cuộc đi của chúng tôi. Quả như lời người làm xiếc có con gấu đã mách Mã-Tư. Qua những tỉnh Buốc-Bun và Mông-Đô chúng tôi kiếm được nhiều tiền.
Cho được công bình, tôi phải nói kết quả đó được tốt đẹp là nhờ ở tài nghệ và sự khôn khéo của anh Mã-Tư. Còn tôi khi nào khán giả đến đông tôi chỉ biết lấy đàn ra gảy, gắng sức gảy nhưng kém quan sát. Mã-Tư không dùng lối quá cổ thế. Đối với anh, đợi cho khách đến đông cũng chưa đủ, còn phải để ý nghiên cứu các khán quan xem có nên diễn hay thôi hoặc phải diễn những trò gì.
Ở “Trường Phú-Lợi”, một trường chuyên khai thác bằng đại quy mô lòng trắc ẩn của xã hội, Mã-Tư đã học được những bí quyết của một kỹ thuật rất khó khăn là kỹ thuật nài ép lòng thương hại và tính rộng rãi của mọi người. Lần đầu tiên, tôi gặp anh ở căn gác phố Lục-Sinh, tôi đã lấy làm lạ khi nghe anh nói những mánh khóe để người ta cho tiền, bây giờ tôi lại lạ hơn nữa khi trông thấy anh thực hiện phương pháp đó.
Chính ở trong những tỉnh có suối ấm, mà anh Mã-Tư đã trổ hết tài nghệ trước một số đông khán giả là người Ba-Lê về dưỡng bệnh – những khán giả cũ mà anh đã quen tính nết lại được tái ngộ ở đây – và anh đã thu được khá tiền.
Khi thấy một thiếu phụ có tang đang thơ thẩn trong vườn Cúc-Thanh, anh bảo tôi:
- Chú ý! Chúng ta đánh những bản buồn, để bà ta âm thầm nghĩ đến người đã mất. Nếu bà ta khóc là chúng ta ăn tiền…
Rồi chúng tôi đánh những bản rất nỉ non, ai oán, đã làm thiếu phụ phải lau nước mắt.
Ở ngoại thành Mông-Đô, trên những đường tản bộ, có những đám cây râm mát, gọi là “trường hội hữu”, khách thừa lương thường tụ tập ở đó để hóng gió. Mã-Tư đã dò biết và chúng tôi đến tận những nơi đó để đàn hát và diễn trò.
Khi chúng tôi thấy một người ốm xanh xao, mắt hốc, má lõm, ngồi buồn rầu trên một cái ghế tựa, chúng tôi không dám đến gần sợ làm ngắt cái buồn tư lự của bệnh nhân. Chúng tôi dừng lại xa xa, đàn hát vui chơi với nhau, nhưng phải làm cho hết sức hay. Chúng tôi đưa mắt nhìn, nếu người đó nhìn chúng tôi bằng con mắt giận dữ thì chúng tôi cuốn gói, nếu họ chú ý nghe thì chúng tôi lại gần. Bấy giờ, Lãnh-Nhi có thể hăng hái chìa cái bát gỗ không sợ bị đá đít đuổi đi.
Tuy vậy, những cuộc diễn gần những trẻ em đem lại cho chúng tôi nhiều kết quả hơn.
Tiếng đàn của Mã-Tư đã khéo mời cho chúng khiêu vũ và nhất là cái cười của anh đã làm cho chúng phải cười lây, đến cả những đứa trẻ nét mặt kém vui nữa. Anh đã làm cách gì? Làm thế nào? Tôi không biết. Nhưng sự thực là như thế: anh làm cho mọi người thích, người ta yêu anh.
Kết quả của cuộc chu du của chúng tôi đến đây thật rực rỡ. Trừ các khoản ăn tiêu rồi, chúng tôi còn 68 phật-lăng.
Sáu mươi tám phật-lăng này với một trăm bốn mươi sáu phật-lăng trước, cộng lại là 214 phật-lăng. Thế là đã đến lúc mà chúng tôi phải về làng Tả-Văn-Ông, không được trì hoãn nữa.
Người ta bảo ở Ích-Sơn là nơi chúng tôi sắp phải đi qua có một chợ trâu bò.
Chợ trâu bò, may quá cho chúng tôi. Chúng tôi có thể mua được một con bò cái tốt với số tiền chúng tôi đã chịu khó ăn nhịn, để dành. Con bò mơ ước đó, một lần nữa, lại hiển hiện trong óc chúng tôi: Mã-Tư muốn con lông trắng, tôi thích con lông đỏ để nhớ lại con Hồng-Ti ngày xưa. Dù sao, cũng phải là con bò hiền lành. Ít ăn và có nhiều sữa. Chúng tôi bàn đi bàn lại mãi không chán.
Nhưng bao giờ biết sự mơ ước đó thành sự thực, đó là cả một việc khó khăn cho tôi.
Chọn thế nào được con bò có đủ tất cả những đức tính mà chúng tôi muốn? Thực là một việc rất quan trọng. Tôi không biết xem tướng bò tốt xấu, mà Mã-Tư cũng mù tịt như tôi.
Lại còn điều này làm cho chúng tôi buồn thêm. Đó là những mẩu chuyện về việc bán bò mà chúng tôi nghe được ở các quán trọ khi chúng tôi có ý muốn mua bò. Nói đến lái ngựa, lái bò là nói đến những mưu mô lừa bịp quỷ quyệt. Nào chuyện người nhà quê đi chợ mua được một con bò đuôi đẹp và dài chấm đất, với cái đuôi đó, ai cũng biết, con bò có thể đuổi ruồi đến tận mũi, rất lợi. Anh ta đắc chí đánh bò về nhà vì con bò hiếm có thế mà giá mua không đắt. Sáng hôm sau, anh ta vào chuồng xem thì con bò quý của anh đã cụt đuôi. Thì ra lái bò đã khéo chắp một túm lông dài vào khấu đuôi cụt. Nào chuyện người này mua phải con bò sừng giả, người khác lúc mua thì bò đầy vú sữa, về đến nhà thì vắt bảy ngày không được một chén con. Vì người lái quỷ quyệt đã thổi cho bầu sữa phồng lên.
Chúng tôi không muốn bị bịp như thế.
Về việc đuôi giả, Mã-Tư không sợ, anh sẽ đánh đu vào đuôi các con bò muốn mua, nếu là đuôi chắp thì phải tuột ngay. Về vấn đề bầu vú thổi, cũng chẳng khó gì, chỉ dùng một cái kim to và dài đâm vào là biết ngay.
Hai cách thử này thực là hiệu nghiệm đối với những con bò đuôi giả, vú giả, nhưng nếu đem áp dụng cho những con bò lành lặn, sợ rằng nó bị đau sẽ không nể gì mà không đá vào mặt những người đã kéo đuôi nó hoặc châm vào vú nó.
Ý nghĩa về cái đá đã làm cho Mã-Tư im lặng. Tuy nhiên chúng tôi rất băn khoăn, chỉ lo nhỡ biếu bà Bảo-Liên phải con bò không có sữa hoặc không có sừng thì buồn quá.
Trong những chuyện kể trên, có chuyện một anh lái bò bị một viên thú y lột mặt nạ giữa phiên chợ và phải dắt bò mà chạy. Chúng tôi nghĩ nên nhờ một viên Thú-Y giúp đỡ, tuy có tổn phí nhưng chắc chắn mua được con bò vừa ý và không phải bị lừa bịp. Chúng tôi đồng ý về điểm này và không bàn định thêm gì nữa. Chúng tôi tiếp tục đi, vui vẻ và nhẹ nhàng.
Từ Mông-Đô về Ích-Sơn đường không dài lắm. Chúng tôi đi không đến hai ngày, tới Ích-Sơn còn sớm.
Có thể nói được rằng tôi đã về xứ tôi rồi, và chính ở Ích-Sơn, nơi mà tôi đã đóng trò và ra mắt công chúng lần thứ nhất trong bản “Người đầy tớ của Ngài Hảo-Tâm” và chính ở Ích-Sơn này, ông Vỹ-Tiên đã mua cho tôi đôi giầy thứ nhất, đôi giầy đế đinh đã làm cho tôi sung sướng vô cùng.
Ôi! Còn đâu nữa con Hảo-Tâm với bộ mũ áo của Đại-Tướng Anh? Còn đâu nữa con Hiệp-Nhi hăng hái và con Thùy-Nhi dịu dàng? Còn đâu nữa ông Vỹ-Tiên, thầy tôi, với cái dáng đi đặc biệt, đầu thẳng, ngực ưỡn, chân bước nhịp nhàng, miệng thổi sáo mở đường cho chúng tôi tiến bước.
Trong bọn sáu chúng tôi bấy giờ, ngày nay chỉ còn có hai sót lại: tôi và Lãnh-Nhi. Vì thế, tôi thấy đau lòng khi đặt chân vào thành phố Ích-Sơn. Tự nhiên tôi tưởng tượng như nhìn thấy bóng cái mũ phớt của ông Vỹ-Tiên ở mỗi đầu phố và một tiếng gọi quen thuộc như văng vẳng bên tai: “Tiến lên!”
Tôi chợt đi qua của hàng bán đồ cũ mà ông Vỹ-Tiên đã đưa tôi vào mua quần áo năm xưa, tôi nhìn thấy vẫn có mấy cái áo cũ có lon vàng treo ở ngoài cửa, và ở trong tủ kính vẫn bày những súng cũ và những đèn gỉ.
Tôi cũng tìm đến chỗ tôi diễn trò lần đầu tiên chỉ cho Mã-Tư coi: con Lãnh-Nhi nhận ra ngay và chạy đến ve vẩy đuôi.
Chúng tôi lại vào nhà trọ của ông Vỹ-Tiên ngày trước. Sau khi đã gửi đồ đạc đâu đấy, chúng tôi đi tìm nhà một Thú-Y. Đến nơi chúng tôi trình bày ý muốn thì ông Thú-Y cười lớn mà bảo rằng:
- Ở đây, không có giống bò để làm xiếc!
- Không phải chúng tôi mua bò để làm xiếc mà để lấy sữa.
- Và nó phải có một cái đuôi thật.
Mã-Tư nói thêm vì lòng anh vẫn băn khoăn về cái đuôi chắp.
- Thưa ông Thú-Y, chúng tôi đến xin ông làm ơn đem cái khoa học của ông giúp chúng tôi mua bò khỏi bị lừa bịp.
Tôi nói câu đó, bắt chước bộ điệu đứng đắn và giọng nói quan trọng của ông Vỹ-Tiên hay dùng đến mỗi khi muốn chinh phục người nghe.
Ông Thú-Y hỏi:
- Thế các con mua bò để làm gì?
Bằng mấy câu vắn tắt, tôi cắt nghĩa cho ông nghe mục đích việc mua bò của chúng tôi.
Nghe xong, ông nói:
- Các con là những đứa trẻ tốt. Sáng mai ta sẽ theo các con ra chợ. Ta có thể nói trước với các con rằng con bò ta sẽ chọn không có đuôi giả đâu!
Mã-Tư nói:
- Không có sừng giả?
- Không có sừng giả.
- Không có vú đựng hơi?
- Ta sẽ tìm cho các con con bò tốt và đẹp. Nhưng trước hết phải có tiền để mua chứ?
Không trả lời, tôi mở luôn gói mùi xoa đựng tất cả các tài sản của chúng tôi cho ông xem.
- Tốt lắm! Bảy giờ sáng mai, các con sẽ lại đây đi với ta.
- Thưa chúng tôi phải trả hầu ông bao nhiêu?
- Không phải trả gì cả. Ai lại lấy tiền của những đứa trẻ có lòng tốt như các con!
Tôi bối rối không biết lấy gì trả ơn ông Thú-Y đáng kính ấy thì Mã-Tư có một ý kiến. Anh hỏi:
- Thưa ông, ông có thích nghe âm nhạc không?
- Có chứ!
- Ông vẫn thường ngủ sớm?
Thấy câu hỏi rời rạc không nghĩa lý gì, nhưng ông cũng vui vẻ trả lời:
- Độ chín giờ.
- Cảm ơn ông. Bảy giờ sáng mai, chúng tôi xin nhớ.
Tôi hiểu ý Mã-Tư nên lúc ra tôi hỏi anh:
- Anh muốn hiến ông Thú-Y một cuộc hòa nhạc?
- Phải đấy. Một cuộc hợp tấu trước khi ông ta đi ngủ. Đó là một cách đối với những người mà ta yêu.
- Ý kiến hay đấy. Chúng ta về nhà trọ để sửa soạn cuộc hòa nhạc đó. Người ta có thể làm dối trá đối với những người trả tiền, nhưng một khi chính mình là người trả tiền thì mình phải làm hết sức.
Hồi chín giờ kém ba phút, chúng tôi đã đến cửa nhà ông Thú-Y. Mã-Tư xách vĩ-cầm, tôi đeo thụ-cầm. Đường phố tối đen. Vì lát nữa có trăng, nên người ta không phải thắp những cột đèn lồng. Các cửa hàng đều đóng cửa. Người đi lại đã thưa.
Tiếng chuông đồng hồ vừa điểm thì chúng tôi bắt đầu dạo đàn. Trong quãng phố hẹp và tĩnh mịch, tiếng đàn chúng tôi ngân vang như ở trong một căn phòng kín. Các cửa sổ đều mở tung, những đầu đội mũ len, trùm mùi-xoa hoặc khăn quàng lố nhố thò ra và cửa sổ này sang cửa sổ khác, người ta sửng sốt hỏi nhau.
Ông bạn Thú-Y của chúng tôi, nhà ở đầu phố, một cửa sổ trên lầu mở ra, ông bạn cúi nhìn xem ai đàn thế.
Ông nhận ra ngay chúng tôi và biết mục đích của chúng tôi, ông xua tay làm hiệu cho chúng tôi im.
Rồi ông nói:
- Ta cho mở cửa, các con vào trong vườn chơi.
Tức thì cửa vào mở rộng. Ông ra bắt tay chúng tôi và nói:
- Các con là những trẻ có nhiệt tình, nhưng vô ý quá. Các con không sợ cảnh binh bắt về tội làm huyên náo phố sá ban đêm à?
Vườn nhà ông không rộng lắm, nhưng có một giàn dây leo trông rất u nhã. Chúng tôi lại bắt đầu gảy đàn.
Gia đình ông có hai vợ chồng và năm, sáu đứa con. Mọi người đều ra xem. Người ta treo đèn ở dưới giàn hoa. Chúng tôi hết sức trổ tài. Hết mỗi bài, người ta lại vỗ tay và đòi bài khác. Quá mười giờ, nếu ông không bảo chúng tôi nghỉ thì có lẽ các con ông còn bắt chúng tôi đàn hát đến nửa đêm.
Ông bảo các con ông:
- Để cho các anh ấy về nghỉ, mai còn đến đây sớm.
Không để chúng tôi về không, ông thết chúng tôi một bữa ăn rất ngon lành. Để cảm ơn ông, tôi bảo Lãnh-Nhi ra diễn một trò vui nhất. Các con ông thích quá, reo cười không ngớt. Mãi gần mười hai giờ, chúng tôi mới ra về.
Thành phố Ích-Sơn ban đêm yên tĩnh bao nhiêu thì sáng ngày huyên náo bấy nhiêu. Mới rạng đông, chúng tôi đã nghe thấy tiếng xe chạy trên đường cái cùng tiếng ngựa, bò, cừu và tiếng cười nói của những người nhà quê ra phiên chợ.
Chúng tôi bước ra, thấy sân nhà trọ để đầy những xe bò, cái nọ liền cái kia. Lại có nhiều xe ngựa vừa đỗ. Những người nhà quê ăn mặc chững chạc đang giơ tay đỡ vợ ở trên xe xuống. Mọi người đều phủi quần áo, những người đàn bà vuốt lại mái tóc và sửa lại y phục cho gọn gàng. Trong phố, người đi như nước chảy về phía chợ. Lúc đó mới sáu giờ, chúng tôi rủ nhau đi chợ xem bò và chọn thử trước.
A! Có biết bao nhiêu là bò cái: Con nào cũng hay, cũng đẹp. Có đủ các sắc và đủ các cỡ. Có con béo, có con gầy, có con vú chấm đất, có con kèm cả bê non.
Trong chợ cũng có những ngựa, lừa và ngựa con. Những con lợn béo chũi mõm đào đất. Những con lợn sữa kêu eng éc như đang bị chọc tiết. Lại có rất nhiều gà mái, gà sống, vịt, ngỗng, chim câu. Nhưng có cần gì. Chúng tôi chỉ để ý đến chỗ bán bò. Những con bò cái, mặc chúng tôi dòm nom, mắt lờ đờ, đưa đi đưa lại, cứ điềm nhiên nhai lại bữa cỏ ban đêm, không biết rằng từ nay sẽ không được ăn những ngọn cỏ non ở cánh đồng cũ là nơi chúng đã sinh trưởng.
Sau khi xem xét độ nửa giờ, chúng tôi chọn được mười bảy con vừa ý: con này có nết này, con kia có nết nọ, ba con vì nó hồng, hai con vì nó trắng. Vì việc dự chọn này, Mã-Tư và tôi đã bàn cãi nhau nhiều lắm.
Đúng bảy giờ, chúng tôi đến thì ông Thú-Y đã đợi ở cửa. Chúng tôi lại cùng ông ra chợ. Chúng tôi nhắc lại cho ông biết ý chúng tôi định mua một con bò thế nào và có những nết gì. Tóm lại, con bò phải có hai điều cần thiết: ăn ít và nhiều sữa.
Mã-Tư vội chỉ con bò trắng và nói:
- Con bò này cũng tốt.
Tôi chỉ một con lông đỏ, nói:
- Con bò này tốt hơn.
Ông Thú-Y liền “xử hòa” nghĩa là không hỏi đến con rằn của Mã-Tư và cũng không hỏi đến con đỏ của tôi. Ông dừng lại chỗ con thứ ba: một con bò nhỏ, chân mảnh, lông đỏ, tai và má màu nâu, chung quanh mắt đen và có vòng trắng chung quanh mõm.
Ông nói:
- Đây là giống bò Dung-Yên, rất hợp ý các con.
Một người nhà quê, bé nhỏ, cầm dây. Ông Thú-Y hỏi giá, anh ta nói:
- Ba trăm phật-lăng.
Chúng tôi đang thích con bò nhỏ nhắn, lanh lợi, tướng mạo tinh khôn ấy thì câu trả lời đó làm cho chúng tôi thõng cả tay xuống. Ba trăm phật-lăng kia à? Quá sức của chúng tôi. Tôi liền ra hiệu cho ông Thú-Y tìm con khác. Ông bấm tôi có ý bảo phải từ từ.
Cuộc mà-cả bắt đầu. Ông Thú-Y trả 150 phật-lăng, người nhà quê hạ 10 phật-lăng. Ông trả thêm 170 phật-lăng, người lái rút xuống 280 phật-lăng.
Đến chỗ này, chúng tôi đang phấp phỏng thì ông Thú-Y thôi không trả thêm nữa. Ông bắt đầu xem con bò từng bộ phận; chân yếu quá, cổ hơi ngắn, sừng hơi dài, phổi hơi nhỏ, bầu sữa không xứng.
Người nhà quê đáp:
- Là chỗ hiểu nhau cả, tôi bằng lòng bán với giá 250 phật-lăng để con bò được về tay chủ tốt.
Nghe ông Thú-Y nói vậy, tôi sợ con bò đó xấu thực, liền giục ông:
- Ta đi xem con khác.
Thấy tôi nói thế, người lái bò bớt cho mười phật-lăng rồi lần lượt, rút xuống 210 phật-lăng rồi giữ giá.
Ông Thú-Y lấy khủy tay thích vào tôi, ngụ ý bảo những lời ông chê đó không đúng đâu và con bò này tốt, mua được. Nhưng hai trăm mười phật-lăng nhiều quá! Một món tiền lớn cho chúng tôi!
Trong khi đó Mã-Tư lượn về phía sau con bò rứt một cái lông đuôi, con bò liền đá anh một cái. Thấy thế, tôi nhất định mua.
Tưởng thế là xong, tôi nói:
- Được, tôi bằng lòng 210 phật-lăng.
Tôi giơ tay để cầm dây, nhưng người nhà quê không đưa.
Anh nói:
- Còn quà cho mẹ cháu nữa chứ?
Chúng tôi lại bắt đầu bàn cãi. Cuối cùng tôi thuận trả 20 xu tiền quà. Chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn có 3 phật-lăng. Tôi lại đưa tay ra lấy dây. Anh ta cầm tay tôi bắt rất thân thiết. Vì thân thiết, tôi phải nghĩ đến quà cho con gái anh ta, mất thêm 10 xu nữa.
Lần thứ ba, tôi đưa tay lấy thừng, thì người nhà quê, bạn thân của tôi, bảo tôi “hượm đã” và hỏi:
- Bạn có đem sẵn vòng cổ cho bò không? Tôi bán bò chứ không bán vòng cổ.
Vì là chỗ anh em cả, anh ta để rẻ cái vòng cổ đó cho tôi có 30 xu thôi.
Cần phải có vòng buộc cổ bò, vì thế tôi phải bỏ ra 30 xu, trong túi chỉ còn 20 xu nữa thôi. Thế là hết tất cả 213 phật-lăng rồi. Tôi giơ tay lần thứ tư.
Anh ta lại hỏi:
- Dây thừng của bạn đâu? Tôi bán cho bạn vòng cổ bò, chứ không bán dây thừng.
Chiếc dây thừng đó giá vốn là 20 xu, 20 xu cuối cùng của chúng tôi.
Sau cùng, người nhà quê trao bò và cả vòng cổ, dây thừng cho chúng tôi. Chúng tôi có bò, nhưng chúng tôi không có một xu dính túi, không có một đồng nào để nuôi bò và để nuôi cả thân chúng tôi nữa.
Mã-Tư nói:
- Chúng ta đi làm vậy. Các tiệm cà-phê đều đông người. Chúng ta chia nhau có thể đi khắp các tiệm ấy được. Chiều nay tất có xu tiêu.
Sau khi đã đánh bò về nhà trọ và buộc kỹ bò vào chuồng, chúng tôi chia nhau, mỗi người một ngả, đi đánh đàn ở các tiệm cà-phê. Chiều về Mã-Tư được 4 phật-lăng rưỡi, tôi được 3 phật-lăng.
Với bảy phật-lăng rưỡi trong tay, chúng tôi giàu rồi! Nhưng cái vui kiếm được 7 phật-lăng rưỡi so với cái vui đã tiêu mất 214 phật-lăng thì còn kém nhiều.
Chúng tôi nhờ người ở gái nhà trọ vắt sữa bò, chúng tôi ăn bữa tối bằng sữa: chúng tôi chưa từng được ăn thứ sữa nào ngon như thế. Mã-Tư khen sữa ngọt và thơm như hoa cam, giống thứ sữa anh đã được uống ở nhà thương ngày nào, mà có phần ngon hơn nữa. Trong lúc vui sướng ấy, chúng tôi nhảy nhót và ôm lấy đầu con bò và hôn trán nó, hình như nó cũng thông cảm đưa lưỡi ra liếm vào mặt chúng tôi, chúng tôi rất cảm động.
Than ôi! Mã-Tư và tôi là những đứa trẻ cô độc, có bao giờ được trìu mến như những trẻ có mẹ có cha, nay lấy sự thân yêu với con bò này làm an ủi, thực đáng thương vậy!
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm cùng với mặt trời. Chúng tôi lên đường đi luôn Văn-Ông. Tôi rất mang ơn anh Mã-Tư, nhờ công anh khó nhọc, chúng tôi mới nhặt được món tiền lớn 214 phật-lăng đó. Vì thế tôi nhường cái thú dắt bò cho anh. Anh đắc chí kéo con bò đi trước, tôi và con Lãnh-Nhi theo sau. Khi ra ngoài thành phố, tôi mới đi ngang anh để nói chuyện và có thì giờ ngắm kỹ con bò của chúng tôi. Tôi chưa từng trông thấy con bò nào đẹp như thế. Vẻ dịu dàng, dáng đi thong thả, chững chạc như một con vật tự biết giá trị của mình.
Bây giờ tôi không cần xem bản đồ như khi mới ra khỏi Ba-Lê. Tôi biết lối đi rồi. Mặc dầu cách đây đã mấy năm, kể từ ngày tôi đi với ông Vỹ-Tiên, tôi vẫn còn nhớ những khúc khuỷu của con đường.
Không muốn để con bò của chúng tôi mỏi mệt và cũng không muốn đến Văn-Ông vào một giờ muộn quá, tôi định sẽ nghỉ lại ở làng năm xưa, ông Vỹ-Tiên đã đưa tôi vào một nhà trọ, ngủ đêm thứ nhất của tôi trên ổ cỏ khô; thấy tôi buồn khóc, con Lãnh-Nhi đã đến đặt chân nó vào tay tôi để an ủi tôi. Rồi sáng hôm sau, từ làng đó chúng tôi sẽ về nhà mẹ nuôi tôi sớm.
Nhưng số phận từ trước đến giờ vẫn may mắn cho chúng tôi, bây giờ lại tráo trở và đảo lộn cả cái chương trình của chúng tôi.
Chúng tôi chia ngày đường của chúng tôi làm hai phần, khoảng giữa dùng vào việc ăn trưa và nhất là để cho bò của chúng tôi ăn cỏ non ở hai bên ria đường.
Lúc đầu, tôi phải giữ dây cho bò ăn, nhưng thấy nó hiền lành và chăm chú gặm cỏ nên tôi quấn dây chung quanh sừng nó và ngồi ăn bánh mì bên cạnh cho thảnh thơi.
Lẽ tất nhiên là chúng tôi ăn xong trước bò. Ngắm mãi con bò cũng chán, chúng tôi rủ nhau đánh bi. Xin độc giả chớ tưởng tượng rằng chúng tôi là những người đạo mạo và nghiêm trang chỉ lo kiếm tiền. Mặc dầu chúng tôi sống một đời khác với những trẻ bằng tuổi chúng tôi, chúng tôi vẫn có những tính tình và sở thích của tuổi thơ, nghĩa là chúng tôi thích chơi như các trẻ khác và không ngày nào là chúng tôi không đánh bi, đá cầu hay nhảy cừu. Thường thường, bất thình lình và vô lý, Mã-Tư hỏi tôi:
- Chơi không?
Thế là bỏ túi, bỏ đàn xuống, chúng tôi chơi ngay ở dọc đường. Nhiều lần, nếu tôi không có đồng hồ, thì đã ham chơi đến tối. Nhưng cái đồng hồ nhắc cho tôi biết: tôi là đoàn trưởng, tôi phải làm việc, phải kiếm tiền để sống. Nên tôi lại khoác đàn lên vai đau nhức. Tiến lên!
Chúng tôi đã đánh bi xong mà con bò vẫn còn gặm cỏ. Thấy chúng tôi đến gần, nó đưa dài lưỡi ra vơ cỏ tỏ cho tôi biết là nó hãy còn đói.
Mã-Tư bảo:
- Chúng ta hãy đợi một chút.
Trong khi đợi, chúng tôi sửa soạn túi và nhạc khí của chúng tôi.
Mã-Tư là người hiếu động, không mấy lúc để yên chân tay, hỏi tôi:
- Tôi thử thổi kèn cho bò chúng ta nghe. Ngày nọ ở gánh xiệc Gát-Sô có con bò thích nghe âm nhạc lắm.
Và không hỏi hơn nữa, anh liền phùng má thổi một bài nhạc “điểm binh”.
Nghe mấy tiếng đầu, con bò chúng tôi ngẩng đầu lên nhìn, rồi bất thình lình, tôi không kịp chạy lại tháo dây ở sừng nó để cầm, nó vùng chạy và nhẩy quớ như ngựa phi.
Chúng tôi lập tức cũng phi hết sức như nó để đuổi theo. Tôi gọi Lãnh-Nhi chạy bắt nó lại, nhưng không ai có đủ mọi tài: nếu là con chó săn súc vật thì nó đã nhảy lên mũi con bò để hãm lại, nhưng con Lãnh-Nhi là con chó diễn trò, nó chỉ biết nhảy lên chân con bò thôi, làm cho con này càng chạy già.
Chúng tôi cứ chạy như thế, bò trước người sau, lại thêm con chó sủa ầm ĩ. Vừa chạy, tôi vừa mắng Mã-Tư:
- Đồ ngu!
Mã-Tư vừa chạy, vừa thở, đáp:
- Anh sẽ đập vào đầu tôi. Tôi đáng tội lắm.
Chỗ chúng tôi nghỉ để ăn cách một làng to ở trước mặt đến hai cây số. Chính con bò của chúng tôi chạy về phía ấy. Cố nhiên, nó vào làng trước chúng tôi. Vì đường thẳng, nên tuy cách xa, chúng tôi đã nhìn thấy người ta chắn lại và bắt được nó.
Lúc đó chúng tôi chạy chậm lại, yên trí bò không mất. Chúng tôi sẽ hỏi những người tử tế đó xin lại, họ sẽ giao trả chúng tôi. Chúng tôi càng đến gần, càng thấy đông người xúm vào chung quanh con bò. Có đến hai mươi người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con, lào xào bàn tán và đứng nhìn chúng tôi chạy đến.
Tôi đinh ninh rằng tôi chỉ việc xin bò rồi đi. Nhưng đáng lẽ trả bò cho chúng tôi, người ta quây lấy chúng tôi hỏi dồn:
- Chúng mày từ đâu đến?
- Chúng mày có con bò này từ hồi nào?
Câu trả lời của chúng tôi rất giản dị và dễ dàng, nhưng người ta không tin. Có hai hay ba tiếng thét lên:
- Chúng nó đã ăn trộm, bò lạ nên mới chạy.
- Bắt giam chúng nó lại để điều tra!
Tiếng “giam” làm cho tôi hết hồn. Tôi xám mặt lại và nói lúng túng. Lại vì chạy nhọc quá nên không sao chống cãi được.
Đương lúc ấy, có một người Hiến binh đến. Bằng một vài câu vắn tắt, người ta kể đầu đuôi câu chuyện cho người Hiến binh nghe. Thấy việc khả nghi, người Hiến binh tuyên bố rằng: bò bắt về sở còn người thì tống giam để chờ xét xử.
Tôi toan cãi, Mã-Tư muốn phân trần, nhưng người Hiến binh không cho nói. Lúc đó, tôi nhớ đến tấn kịch ông Vỹ-Tiên với người Cảnh sát ở Tu-lu nên bảo Mã-Tư im đi mà theo người Hiến binh.
Tất cả làng theo chúng tôi đến trụ sở Xã, cạnh đấy có nhà giam. Người ta vây lấy chúng tôi, người ta ép, người ta xô, người ta đẩy, người ta lăng mạ chúng tôi. Tôi tưởng nếu không có người Hiến binh ở đó, người ta đã ném đá vào chúng tôi, coi như những kẻ phạm tội giết người hay đốt nhà. Thực ra chúng tôi có tội gì đâu! Nhưng quần chúng vẫn hay làm thế, họ có thói xét đoán ở bề ngoài, hay buộc chết những người nghèo, không cần người ta đã làm gì, có tội hay không tội.
Đến cửa nhà giam, tôi thấy có chút hy vọng. Người gác trụ sở Xã kiêm việc Cai ngục và xã tuần, lúc đầu không muốn nhận chúng tôi. Tôi nghĩ bụng đó là người có lòng tốt. Sau người Hiến binh nói mãi, cai ngục mới nghe. Ông ta đi trước chúng tôi. Cửa nhà giam đóng kín bằng cái khóa to và hai then sắt. Ông ta mở cửa, tôi trông vào mới hiểu tại sao lúc đầu ông ta không thuận. Chỉ vì ông ta đã đem hành sang phơi nhờ khắp nền nhà.
Người ta lục soát trong người chúng tôi. Người ta lấy tiền, lấy dao, lấy diêm của chúng tôi. Trong khi đó người Cai ngục vun gọn hành của y vào một đống. Rồi để chúng tôi trong đó, người ta đóng sầm cửa lại, nghe rất ghê tai.
Chúng tôi bị ngồi tù rồi! Không biết trong bao lâu?
Tôi đang nghĩ thế thì Mã-Tư đến trước mặt tôi, giơ đầu ra và nói:
- Đánh đi! Cứ đánh vào đầu tôi đi! Đánh mạnh cho tôi nhớ mà chừa đi!
Tôi nói:
- Anh làm trái, tôi cứ để anh làm. Như thế tôi cũng có lỗi như anh.
- Tôi thích anh đập vào đầu cho tôi một cái. Tôi sẽ bớt đau lòng… con bò của chúng ta, con bò của ông Hoàng!
Rồi anh khóc òa lên. Lúc đó, tôi lại phải dỗ anh, cắt nghĩa cho anh biết tình thế không trầm trọng lắm, chúng tôi không làm gì, việc minh oan rất dễ: chỉ một mình ông Thú-Y Ích-Sơn làm chứng cho chúng tôi là đủ.
- Nếu người ta buộc cho chúng ta đã đi ăn cắp để lấy tiền mua bò thì làm thế nào?
Anh Mã-Tư nói rất phải.
Rồi anh lại vừa khóc vừa nói:
- Nếu ta được tha và người ta trả lại bò cho chúng ta rồi, chúng ta có chắc tìm thấy bà Bảo-Liên không?
- Sao lại không chắc!
- Anh xa bà Bảo-Liên đã lâu, có lẽ bà đã mất rồi!
Nghe anh nói tôi giật mình. Phải. Bà Bảo-Liên có thể chết được. Mặc dầu bà chưa già lắm, nhưng tôi đã kinh nghiệm rằng người ta hay mất những người thân yêu. Tôi chả mất ông Vỹ-Tiên là gì! Tại sao trước kia tôi không nghĩ thế nhỉ?
Tôi hỏi Mã-Tư:
- Tại sao anh lại không bảo tôi sớm?
- Vì khi tôi sung sướng, tôi chỉ có những ý tưởng vui trong óc xuẩn của tôi; đến lúc tôi khổ, thì tôi lại có toàn những ý tưởng buồn. Vì thế khi tôi nghĩ đến việc biếu bà Bảo-Liên con bò, tôi như trông thấy bà sung sướng, nên tôi cũng sung sướng, say đắm và không biết gì.
- Anh Mã-Tư ơi! Óc anh không xuẩn hơn óc tôi, vì tôi cũng nghĩ như anh và cũng như anh, tôi sung sướng, say đắm và không biết gì.
Mã-Tư vẫn khóc và nói:
- Ôi! Con bò của ông Hoàng!
Thình lình anh đứng dậy, giơ tay nói:
- Nếu bà Bảo-Liên mất rồi! Nếu lão Bảo-Liên độc ác còn sống! Nếu lão chiếm lấy bò của ta! Nếu lão bắt cả anh nữa thì làm thế nào! Anh ơi!
Sở dĩ chúng tôi có những ý tưởng bi quan ấy là do ảnh hưởng của nhà giam sinh ra, ảnh hưởng của những tiếng gào thét của dân chúng, ảnh hưởng của Hiến binh, của những tiếng khóa sắt, then sắt nghiến kèn kẹt khi người ta nhốt chúng tôi.
Mã-Tư không những nghĩ cho chúng tôi, anh nghĩ cả đến con bò nữa.
- Ai cho nó ăn? Ai vắt sữa cho nó?
Chúng tôi ngồi lo nghĩ như thế rất lâu. Thời giờ càng đi, chúng tôi càng chán nản.
Tuy nhiên, tôi cố làm cho Mã-Tư vững lòng, cắt nghĩa cho anh biết người ta sắp thẩm vấn chúng tôi.
- Vậy chúng ta sẽ trả lời thế nào?
- Cứ thực mà khai.
Nếu thế, người ta sẽ giao anh cho lão Bảo-Liên. Hoặc bà Bảo-Liên ở nhà một mình, người ta cũng sẽ hỏi bà để biết thực hư; như vậy, chúng ta sẽ mất cái thú làm cho ngạc nhiên.
Sau cùng, cửa ngục mở ra với những tiếng kèn kẹt ghê người, một ông già tóc bạc vẻ nhân từ bước vào, phong độ hòa nhã của ông làm cho chúng tôi hy vọng.
Cai ngục nói:
- Này! Nhãi con! Ông Thẩm-Phán trị an đã đến. Đứng dậy để khai đi!
Ông Thẩm-Phán ra hiệu cho Cai ngục để mặc ông và nói:
- Được lắm! Được lắm!
Rồi ông chỉ vào tôi mà nói:
- Ta hỏi em này trước. Thầy Cai hãy đưa em kia ra một chỗ, lát nữa sẽ hỏi đến.
Tôi nghĩ trường hợp thế này thì phải báo cho Mã-Tư biết cách trả lời.
Tôi nói luôn:
- Thưa ông Thẩm-Phán, cũng như tôi, anh bạn tôi sẽ xin trình bày sự thực, tất cả sự thực.
Ông Thẩm-Phán nói ngay như để ngắt lời tôi:
- Được lắm! Được lắm!
Mã-Tư ra nhưng đủ thì giờ đưa mắt cho tôi biết là anh đã hiểu.
Ông Thẩm-Phán nhìn thẳng vào mặt tôi mà hỏi:
- Người ta đã thưa em về tội ăn trộm bò.
Tôi đáp:
- Thưa ông Thẩm-Phán, chúng tôi đã mua con bò cái ấy ở chợ Ích-Sơn, có ông Thú-Y ở đấy chứng kiến.
- Việc này sẽ điều tra.
- Tôi rất mong ông điều tra cho, vì sự điều tra đó sẽ chứng minh chúng tôi vô tội.
- Em mua con bò đó để làm gì?
- Để đưa về làng Văn-Ông biếu bà mẹ nuôi tôi, để tỏ lòng biết ơn bà và cũng để nhớ lại những ngày thơ ấu của tôi ở bên cạnh bà.
- Tên bà ta là gì?
- Bà Bảo-Liên.
- Có phải vợ một ông thợ nề, mấy năm trước đây làm ở Ba-Lê bị ngã què chân?
- Thưa ông Thẩm-Phán, vâng.
- Việc này cũng sẽ điều tra.
 Về câu này tôi không trả lời như câu trước nói về ông Thú-Y.
Thấy tôi lúng túng, ông Thẩm-Phán giục giã, tôi phải nói thật rằng:
- Nếu Tòa hỏi bà Bảo-Liên, chúng tôi mất hẳn cái thú làm bà ngạc nhiên khi chúng tôi về với bò.
Tuy nhiên, trong sự bối rối của tôi, tôi có một niềm vui thích vì ông Thẩm-Phán biết bà Bảo-Liên và muốn hỏi bà để rõ thực hư, tức là bà còn sống.
Tôi lại có một điều mừng hơn nữa, là trong cuộc thẩm vấn đó, ông Thẩm-Phán cho tôi biết mới rồi ông Bảo-Liên đã trở về Ba-Lê.
Hai điều này làm cho tôi phấn khởi, tôi trả lời rắn rỏi khiến ông Thẩm-Phán phải tin rằng lời cung khai của ông Thú-Y Ích-Sơn đủ tỏ là chúng tôi không phải là những kẻ ăn trộm bò.
- Thế tiền mua con bò ấy, em lấy đâu ra?
Đó là một điểm mà Mã-Tư sợ nhất và đoán rằng thế nào cũng bị hỏi đến.
- Bằng cách gì? Ở đâu?
Tôi liền cắt nghĩa cho ông Thẩm-Phán biết từ Ba-Lê đến Văn-Xá và từ Văn-Xá đến Mông-Đô, chúng tôi đã diễn trò kiếm được và ky-cóp từng xu.
- Em làm gì ở Văn-Xá?
Câu hỏi này làm cho tôi kể lại nạn lụt, khi ông Thẩm-Phán nghe đến chỗ tôi bị chôn sống dưới hầm mỏ Thụy-Khê, ông bảo tôi ngừng lại.
Rồi bằng một giọng ôn tồn và gần như thân ái, ông hỏi:
- Trong hai người, em nào là Lê-Minh?
- Thưa ông Thẩm-Phán, tôi.
- Có gì làm bằng chứng? Hiến binh nói em không có giấy tờ gì cả.
- Thưa ông Thẩm-Phán, không.
- Vậy, em hãy kể nạn lụt ở Văn-Xá xảy ra thế nào. Ta đã đọc tường thuật trên các báo. Nếu em không phải là Lê-Minh thật thì em không đánh lừa ta được. Ta chú ý nghe đây. Phải cẩn thận.
Giọng nói vui vẻ của ông làm tôi thêm can đảm, tôi nhận thấy ông không phải là người khắc nghiệt.
Khi tôi kể xong chuyện, ông nhìn tôi bằng đôi mắt cảm thương. Tôi tưởng ông sắp tha chúng tôi, nhưng không. Ông không nói gì cả. Ông để tôi ngồi đấy. Có lẽ ông đi hỏi Mã-Tư xem hai lời khai của chúng tôi có phù hợp với nhau không.
Tôi ngồi nghĩ ngợi khá lâu. Chợt ông trở lại với Mã-Tư.
Ông nói:
- Bây giờ ta cho người đi lấy tin tức ở Ích-Sơn. Nếu đúng như chuyện các em vừa kể, ta mong thế, sáng mai ta sẽ cho các em ra.
Mã-Tư hỏi:
- Và con bò?
- Người ta sẽ trả bò cho các em.
Mã-Tư nói tiếp:
- Thưa ông Thẩm-Phán, không phải thế. Tôi muốn nói: “Ai cho bò chúng tôi ăn? Ai vắt sữa cho nó?”
- Ranh con, cứ yên tâm.
Mã-Tư yên tâm, mỉm cười và bảo tôi:
- Nếu người ta vắt sữa bò cho chúng ta, không biết người ta có cho chúng ta hưởng không? Nếu được sữa dùng bữa tối thì tốt quá!
Khi ông Thẩm-Phán đã đi xa rồi, tôi báo cho Mã-Tư biết hai tin mừng đã làm tôi quên cái khổ ở nhà giam: bà Bảo-Liên còn sống và ông Bảo-Liên hiện ở Ba-Lê.
Anh nói:
- Con bò của ông Hoàng sẽ ngang nhiên về làng.
Anh thích quá nhảy và hát, tôi cũng sung sướng cầm lấy tay anh, con Lãnh-Nhi buồn nằm ở góc nhà cũng chạy ra, len vào giữa tôi và Mã-Tư, đứng bằng hai chân sau, chúng tôi cùng nhau khiêu vũ rộn rịp. Người Cai ngục hoảng hốt – có lẽ vì đống hành – vào xem có phải chúng tôi “khởi loạn” không?
Ông ta bắt chúng tôi ngồi im. Lời nói của ông ta xem chừng đã bớt dữ tợn, không như lúc ông ta cùng vào với ông Thẩm-Phán.
Do đó, chúng tôi hiểu hiện tình của chúng tôi không đáng ngại lắm. Quả nhiên, chúng tôi có một chứng cớ cụ thể là có người mang vào cho chúng tôi một liễn đầy sữa – sữa của bò chúng tôi. Nhưng chưa hết, lại còn đèo thêm một tấm bánh mì trắng và miếng thịt bê ướp. Người hầu nói đó là những thức ăn của ông Thẩm-Phán gửi cho chúng tôi. Không bao giờ những phạm nhân lại được ưu đãi như thế.
Vì thế, khi ăn bánh và uống sữa, tôi lại có một quan niệm mới về nhà lao. Thực vậy, nhà lao không đến nỗi xấu như óc tôi tưởng tượng mấy lần trước. Đó cũng là ý kiến của Mã-Tư nữa vì anh cười và nói to:
- May quá! Có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng mà lại không phải trả tiền!
Tôi muốn dọa anh một chút. Tôi nói:
- Này! Anh Mã-Tư! Nếu ông Thú-Y chết bất thình lình thì ai là người làm chứng cho chúng ta?
Anh không tức giận, trả lời:
- Người ta chỉ có những ý tưởng đen tối đó lúc người ta khổ. Nhưng bây giờ không phải là lúc đó.

<< Chương XXVIII | Chương XXX >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 923

Return to top