Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Vô Gia Đình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26181 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vô Gia Đình
Hector Malot

Phần II - Chương XXII

vogiadinh2.jpg

 

Tiến lên!
Thế giới mở rộng trước mắt tôi. Tôi có thể đi về phương bắc hay phương nam. Sang phương đông hay phương tây. Tùy sở thích của tôi.
Tôi vừa là một đứa trẻ con, vừa lại là ông thầy của tôi.
Than ôi! Chính vì tình cảnh đó mà tôi lại buồn cho tôi.
Biết bao đứa trẻ thầm ước rằng: “A! Giá mà ta có thể muốn làm gì thì làm, giá mà ta được tự do, giá mà ta là thầy của ta” và chúng mong được có cái ngày sung sướng đó để tự do… nghịch ngợm.
Tôi lại khác. Tôi nghĩ thầm: “A! Giá mà ta có được một người nào ở bên cạnh để khuyên bảo ta, để điều khiển ta!”
Giữa những đứa trẻ đó và tôi, lòng ao ước cách nhau một vực một trời!
Nếu những đứa trẻ đó nghịch ngợm, sau lưng chúng đã sẵn có người giơ tay ra đỡ khi chúng sảy chân hay dắt chúng dậy khi chúng ngã. Còn tôi, tôi chả có ai cả. Nếu tôi sảy chân, tôi cứ ngã đau. Và nếu không què gẫy, tôi cứ việc tự mình lóp ngóp dậy. Khá nhiều kinh nghiệm cho tôi biết rằng tôi rất có thể què gẫy. Mặc dầu tôi ít tuổi, tôi bị biến cố thử thách đã nhiều nên biết thận trọng và suy nghĩ hơn những đứa trẻ bằng tuổi tôi. Đó là một lợi thế mà tôi đã phải trả bằng giá rất đắt.
Trước khi bước chân vào con đường vô định, tôi muốn đến thăm người mà trong mấy năm nay coi tôi như con. Nếu bà Cát-Tường đã không cho tôi vào để từ giã ân nhân của tôi, một mình tôi, tôi cũng có thể đến hôn ông được.
Tôi vẫn thấy người ta nói nhà tù nợ ở phố Mã-Liên. Phố này tôi biết lắm, đến nơi tôi sẽ hỏi thăm. Bà Cát-Tường cùng các con ông có thể vào chào ông được, tất tôi cũng xin phép vào được. Tôi cũng là người nhà, là con ông chứ có kém đâu!
Tôi không dám đi qua các phố ở Ba-Lê với con chó thả rong. Nếu Cảnh binh hỏi thì tôi sẽ trả lời làm sao? Trong mọi thứ sợ, theo kinh nghiệm bản thân của tôi thì cái sợ Cảnh binh là ghê gớm hơn cả, vì tôi chưa quên tấn kịch ở Tu-lu. Tôi lấy dây cột vào cổ con Lãnh-Nhi – việc này làm trạnh lòng tự ái của nó nhiều lắm vì nó vốn là một con vật thông minh và có giáo dục – rồi một tay cầm đầu dây, tôi tìm đến nhà khám Kích-Chi.
Ở trên đời này có những điều sầu thảm khiến ta trông thấy phải đau lòng. Không còn cái gì xấu hơn và buồn hơn là cái cửa nhà giam.
Đến nơi, tôi đứng dừng lại, không dám bước vào, tôi sợ người ta sẽ giam tôi, sợ cái cửa oan nghiệt kia hé cho tôi vào để không bao giờ mở ra nữa.
Tôi chỉ tưởng tượng là vào nhà lao thì khó ra, chứ có biết đâu là rất khó vào.
Nhưng tôi không đến nỗi bị ngăn bị đuổi, cuối cùng tôi cũng được phép vào. Người ta cho tôi vào phòng nói chuyện. Phòng này không có rào sắt như tôi tưởng. Một lát sau thì ông An-Thanh ra, không phải đeo xiềng xích gì.
Ông nói:
- Minh ơi! Ta đợi con mãi. Ta có trách bà Cát-Tường sao không cho con cùng đến với các con ta.
Từ sáng đến giờ tôi buồn quá. Câu nói đó làm cho tôi phấn khởi.
Tôi nói:
- Bà Cát-Tường không muốn cho con về với bà.
- Không được, con ạ! Ở đời lắm khi người ta không thể làm những điều mà người ta muốn. Ta chắc con có thể tự túc được. Ông Suy-Ô, làm ở đập sông Niên thực đấy, nhưng người ta không tuyển thợ làm vườn. Các con ta bảo con muốn trở lại nghề cũ. Vậy con đã quên cái đêm suýt chết rét ở cửa nhà ta rồi sao?
- Không. Con nhớ lắm!
- Thuở ấy, con không sống một mình, con có thầy con bên cạnh. Bây giờ trơ trọi, tuổi lại còn non, con muốn phiêu lưu trên đường cái thực nguy hiểm lắm!
- Con còn có Lãnh-Nhi!
Nghe thấy nhắc đến tên nó, Lãnh-Nhi ăng ẳng mấy tiếng như để trả lời: “Có tôi đây. Nếu cần đến, tôi sẵn sàng!”
- Vẫn biết Lãnh-Nhi là một con chó có nghĩa, nhưng nó chỉ là một con chó. Vậy con làm thế nào mà kiếm ăn được?
- Con sẽ đi hát và con Lãnh-Nhi sẽ diễn trò.
- Một mình Lãnh-Nhi thì diễn trò sao nổi?
- Con sẽ dạy nó nhảy múa làm xiếc. Nó sẽ vui lòng luyện tập. Phải không Lãnh-Nhi?
Lãnh-Nhi đứng dậy, để một chân vào ngực.
- Nếu con biết nghĩ xa, con nên đi làm thuê, vì con đã biết nghề rồi, còn hơn đi giang hồ, đó là một nghề của những kẻ lười biếng.
- Con không phải là một kẻ lười, chắc cha đã rõ. Không bao giờ con phàn nàn là lắm việc, là vất vả. Với cha, con có thể ở mãi được, làm mãi được. Nhưng ở với người khác, con không muốn.
Tôi nói mấy câu sau với một giọng cương quyết, nên ông nhìn tôi một lúc không nói gì.
Sau ông bảo tôi:
- Con có kể lại cho ta hay rằng thầy con, ông Vỹ-Tiên, ngày trước có tính khẳng khái lắm. Nay ta nhận thấy ở con cũng có tính đó. Con không muốn làm tôi tớ người khác. Thôi, cái đó tùy con. Những lời ta khuyên con đây cũng như những việc ta đã làm cho con; là cốt mong cho con hay. Nhưng bây giờ con tự chủ rồi, vì con không có cha mẹ, không có thầy và ta đây cũng không đỡ đầu cho con được nữa. Một kẻ khốn nạn như ta bây giờ không có quyền ra lệnh nữa.
Những điều ông An-Thanh vừa nói làm cho lòng tôi thêm bối rối.
Phải, một mình lang thang trên đường cái, long đong biết bao! Tôi đã cảm thấy thế và nhìn thấy thế. Khi người ta đã sống một đời du mục như tôi, khi người ta đã trải qua những đêm như đêm tuyết giá bị chó sói đến bắt những con vật nuôi của mình, như đêm lặn lội vào lò đá, khi người ta đã bị đói cào ruột, rét cắt da như tôi đã từng chịu đau khổ, khi người ta đã bị xua đuổi hết làng này đến làng khác, không kiếm được một đồng xu nhỏ như hồi ông Vỹ-Tiên nằm ở nhà lao, người ta mới thấm thía hết cái nguy hiểm và cái khổ cực của đời sống không nhà, một đời sống mà ngày mai không vững chắc, và chính ngày hiện tại cũng bấp bênh.
Nếu tôi từ bỏ cái đời sống gieo neo này, tôi chỉ còn có một cách là làm theo lời ông An-Thanh vừa khuyên bảo: đi ở cho người ta. Nhưng tôi không thể nào bỏ cái đời tự do, cái đời lữ hành đó mà không lỗi hẹn với Yến-Chi, An-Sinh và Bằng-Mai, nghĩa là bỏ rơi các người thân yêu đó. Thực ra Yến-Chi, An-Sinh và Bằng-Mai có thể không cần đến sự giúp đỡ của tôi vì họ có thể viết thư cho nhau được. Nhưng Lệ-Hoa không biết viết, cả bà Cát-Tường cũng không. Lệ-Hoa sẽ bặt tin mọi người, nếu tôi bỏ cô. Cô sẽ nghĩ gì về tôi? Chắc cô chỉ nghĩ có một điều: tôi không yêu mến cô nữa. Chính cô đối với tôi có một tình hữu ái rất chân thành. Tôi không thể làm thế được.
Tôi liền nói:
- Con sẽ thông tin tức các anh chị cho cha.
- Các con ta đã nói đến. Không muốn con phải vất vả vì gia đình ta, nên ta khuyên con bỏ nghề diễn trò. Người ta không nên nghĩ đến mình, trước khi nghĩ đến những người khác.
- Thưa cha, chính thế. Cha đã thương mà chỉ cho con điều hơn lẽ thiệt. Nếu con sợ những nỗi nguy hiểm dọc đường mà cha vừa vạch ra, con bỏ lời đã ước hẹn, như thế là con chỉ nghĩ đến phần con. Con không nghĩ đến gia đình cha, không nghĩ đến Lệ-Hoa.
Ông lại nhìn tôi một lúc thật lâu hơn rồi thình lình, ông cầm lấy hai tay tôi:
- Con ơi! Ta phải hôn con về câu nói đó. Con thực là đứa trẻ hào khí. Người ta không phải cứ lớn mới có tính khí đó.
Tôi liền ôm lấy ông.
Ông nói:
- Con ơi! Ta chỉ nói thêm một câu nữa: Cầu trời phù hộ con!
Rồi cả hai ngồi im lặng trên ghế dài. Thì giờ đi vùn vụt. Đã đến lúc phải rời nhau.
Chợt, ông thò tay vào túi và móc ra một cái đồng hồ quít bằng bạc có dây da để đeo vào khuy.
- Trong khi ly biệt, ta không thể không cho con một chút gì làm kỷ niệm. Đây, ta có chiếc đồng hồ cho con. Nó không đáng mấy – nếu nó đắt thì ta phải đã bán tự lâu rồi – mà chạy cũng không đúng. Đôi khi phải vặn lại kim. Nhưng đó là tất cả cái mà ta còn lại hiện giờ. Vì thế ta mới cho con.
Ông vừa nói vừa đặt cái đồng hồ vào tay tôi. Thấy tôi ngần ngại không dám lấy món quà quý đó, ông nói thêm giọng buồn rầu:
- Con nhớ rằng ở đây không cần xem giờ. Sao mà thì giờ đi chậm thế, ta phải đếm từng giờ thì đến buồn mà chết. Thôi! Vĩnh biệt con! Con hôn ta lần nữa đi! Con thực là đứa trẻ can đảm. Con cố giữ lấy nết đó.
Xong tôi thấy ông cầm tay tôi đưa ra cửa. Rồi chúng tôi làm gì, nói gì tôi cũng không biết nữa vì lúc đó tôi quá xúc động.
Khi ra đến phố rồi, tôi như ngây như dại, đứng mãi ở trước cửa nhà lao; không biết nên đi sang bên phải hay bên trái. Có lẽ tôi sẽ đứng đó đến tối nếu tay tôi không mân mê trong túi thấy một vật tròn và rắn. Tôi sờ mãi và sực nhớ ra: cái đồng hồ!
Lập tức, buồn, lo, sợ tiêu tán hết. Một đứa trẻ bao giờ chả thích đồng hồ? Ôi! Sung sướng quá! Tôi đã có đồng hồ, một cái đồng hồ của riêng tôi, trong túi tôi. Tôi sẽ biết giờ giấc. Rồi tôi kéo ra xem mấy giờ? Đúng 12 giờ. 12 giờ hay 14 giờ, hay 10 giờ, cái đó cũng chẳng ích gì cho tôi. Nhưng tôi thấy thích quá vì đúng 12 giờ. Tại sao thế? Tôi cũng không biết lý do, nhưng sự thực là như thế. A! 12 giờ? Đã 12 giờ? Tôi biết rằng lúc đó là 12 giờ, đồng hồ của tôi đã bảo tôi biết. Tôi tưởng tượng cái đồng hồ là một người bạn tâm sự.
- Bạn đồng hồ ơi! Mấy giờ rồi?
- 12 giờ rồi, bạn Minh ạ.
- Đến trưa rồi à? Vậy tôi phải làm việc này hay việc nọ phải không?
- Đúng lắm.
- Nếu không có anh, tôi quên mất.
- Tôi sẽ ở luôn bên cạnh để nhắc anh.
Thế là bây giờ tôi có hai người bạn đường để trò truyện: bạn Lãnh-Nhi và bạn đồng hồ.
Đồng hồ! Hai tiếng nghe êm ái biết bao? Đã lâu tôi mơ ước có một cái đồng hồ. Nhưng tôi nghĩ rằng không đời nào tôi có cái may mắn đó. Thế mà bây giờ trong túi tôi lại có đồng hồ đang kêu tích tắc. Ông An-Thanh bảo nó chạy không được tốt, cần phải vặn kim luôn. Nếu vặn không xong, tôi sẽ mở hẳn ra. Có lẽ thú lắm. Tôi trông thấy máy móc bên trong và xem nó chạy thế nào? Tôi có thể săn sóc và làm cho nó chạy đều.
Tôi mải nói chuyện với đồng hồ, quên bẵng con Lãnh-Nhi. Chợt nó kéo ống quần tôi và kêu ăng ẳng, làm cho tôi hết mơ màng trong giấc mộng.
Lãnh-Nhi? Muốn gì?
Nó nhìn tôi. Tôi không hiểu ý nó muốn gì, thì nó đứng lên bằng hai chân sau, lấy một chân trước vỗ vào túi tôi đang đựng chiếc đồng hồ.
A! Nó muốn xem đồng hồ để báo cho các khán quan biết rằng mấy giờ như ngày còn ông Vỹ-Tiên.
Tôi liền giơ đồng hồ ra cho nó coi, nó nhìn một lúc lâu như để nhớ lại. Xong nó ve vẩy đuôi và cắn 12 tiếng. Nó vẫn xem được giờ, chưa quên. Hay lắm, chúng tôi có thể kiếm ăn với cái đồng hồ này. Thêm một trò hay nữa mà tôi không ngờ đến.
Chúng tôi lúc đó ở cửa nhà lao. Những khách qua đường quay nhìn chúng tôi. Cũng có người đứng hẳn lại để xem.
Nếu tôi dám, tôi đã diễn trò ngay ở đó. Nhưng không bao giờ cảnh sát lại để yên, vả lại lúc đó là 12 giờ, chính là lúc phải lên đường.
Tiến lên!
Tôi nhìn lần cuối cùng, tôi vĩnh biệt cái nhà lao kia mà vị ân nhân của tôi đã bị cầm giữ ở đó. Rồi chúng tôi đi.
Cái vật liệu cần thiết nhất cho đời giang hồ của chúng tôi là bản đồ nước Pháp. Tôi biết ở bến tàu có bán, nên tôi ra nơi đó để mua.
Khi qua công trường Các-Xuyên, nhìn thấy chiếc đồng hồ lớn của một tòa lâu đài, tôi nghĩ thử đem đồng hồ của tôi ra so xem sao. Đồng hồ của tôi lúc đó 12 giờ rưỡi. Đồng hồ rồi tòa lâu đài kia chỉ 1 giờ. Trong hai chiếc đồng hồ, chiếc nào chạy đúng hơn? Tôi định vặn kim đồng hồ lên, nhưng một ý nghĩ làm tôi dừng lại: không có cái gì chứng minh là đồng hồ tôi có lỗi và biết đâu cái đồng hồ lớn kia lại không sai? Thế rồi tôi lại bỏ đồng hồ của tôi vào túi và tự nhủ: giờ của ta còn sớm.
Việc mua bản đồ hơi lâu. Tôi muốn có một cái có vải bồi ở phía sau gấp lại được và giá không quá 2 phật-lăng – món tiền lớn đối với tôi – sau cùng tôi chọn được một cái đã cũ nhưng còn lành và chỉ phải trả có 13 xu thôi.
Bây giờ tôi có thể rời khỏi Ba-Lê được và tôi muốn ra cho nhanh.
Tôi có hai đường đi: một đường về Fonainebleau, một đường đi Orléans. Cả hai nơi chẳng nơi nào quan trọng cho tôi cả. Cái ngẫu nhiên đưa tôi về phía Fonainebleau.
Tôi vào phố Lục-Sinh, phố này gợi cho tôi bao nhiêu chuyện cũ. Phú-Lợi, Mã-Tư, Cát-Độ, nồi khóa vung, roi da và sau cùng là ông Vỹ-Tiên, thầy tôi, thà chịu chết đói còn hơn gán tôi vào tay kẻ hung ác ở phố Lục-Sinh. Khi đến nhà thờ Thánh Mê-Đa, tôi trông thấy một đứa trẻ dựa lưng vào tường trông giống Mã-Tư: cũng cái đầu to, cũng đôi mắt ướt, cũng cái miệng tươi, cũng cái vẻ hiền lành và chịu đựng, nhưng có điều lạ là không lớn được chút nào.
Tôi lại gần để nhìn kỹ xem. Không còn nghi ngờ gì nữa. Chính là Mã-Tư. Mã-Tư cũng nhận ra tôi, nét mặt xanh xao, sáng hẳn lên với một nụ cười. Mã-Tư hỏi:
- Anh đấy à? Có phải có lần anh đã đến nhà Phú-Lợi với một ông cụ già râu bạc. Ngày đó tôi đau đầu quá rồi phải đi nhà thương.
- Phú-Lợi vẫn là chủ anh?
Anh nhìn chung quanh rồi nói nhỏ:
- Phú-Lợi đã ngồi tù. Hắn bị bắt vì đánh chết một đứa trẻ tên là Lan.
Nghe nói Phú-Lợi phải vào nhà lao, tôi sung sướng quá. Trước kia, tôi yên trí nhà lao chỉ là một nơi đáng ghê sợ, bây giờ tôi mới biết nhà lao là có ích.
Tôi hỏi:
- Còn những đứa trẻ khác đâu?
- Tôi không biết vì khi Phú-Lợi bị bắt, tôi không có đấy. Khi tôi ở nhà thương ra, Phú-Lợi nhận thấy tôi là một đứa trẻ yếu chịu đòn và ốm luôn nên tìm cách đẩy tôi đi. Hắn đem tôi đến gánh xiệc Gia-Sơn cho thuê một hạn 2 năm, và lấy tiền trước. Anh có biết gánh xiệc ấy không? Không à? Đó là gánh xiệc không to lắm, nhưng cũng là một gánh xiệc. Họ cần một đứa trẻ làm trò dẻo xương nên Phú-Lợi cho tôi làm ở đó. Đến hôm thứ hai vừa rồi, hết hạn, họ đuổi tôi ra vì đầu tôi bây giờ to quá không lọt vào cái hòm. Tôi vừa ở Dị-Nho là nơi gánh xiệc ở đó, đến đây tìm Phú-Lợi. Nhưng tôi chẳng thấy ai cả, mà nhà thì khóa kín. Một người hàng xóm bảo tôi những lời như tôi vừa kể lại với anh, Phú-Lợi bị tù rồi! Thành ra bây giờ tôi bơ vơ, không biết đi đâu và cũng không biết làm gì.
- Sao anh không trở lại Dị-Nho?
- Khi tôi đi bộ về đây thì gánh xiệc ở Dị-Nho cũng dọn đi Ru-Ăng. Tôi theo đến Ru-Ăng sao được? Vì đường thì xa mà tôi chẳng có đồng nào. Từ trưa hôm qua đến giờ, tôi chưa được miếng bánh nào vào bụng.
Tôi không giàu có gì. Nhưng lúc đó trong túi tôi cũng có chút ít không đến nỗi để Mã-Tư phải chết đói. Ngày tôi lang thang ở Tu-lu, cũng đói như Mã-Tư bây giờ, giá mà ai cho tôi được một mẩu bánh thì ơn ấy phải nghĩ đến đời đời.
Tôi bảo anh:
- Anh hãy đứng đây.
Rồi tôi chạy đến hàng bánh ở đầu phố. Lúc tôi trở về, tôi đưa cho anh một ổ bánh, anh vồ lấy ăn ngấu nghiến.
Anh ăn xong, tôi hỏi:
- Bây giờ anh định làm gì?
- Tôi không biết.
- Phải làm một việc chớ?
- Tôi đang định bán cái đàn vi-ô-lông này thì gặp anh. Nếu vạn nhất phải bán nó thì tôi buồn lắm anh ạ, vì nó là nguồn vui và nguồn an ủi của tôi. Những khi tôi phiền muộn, tôi tìm chỗ vắng người, tôi dạo một vài bài để nghe chơi. Lúc đó tôi thấy trời đất đẹp quá, đẹp hơn trong giấc mộng.
- Thế sao anh không đi đánh đàn trong các phố?
- Tôi đã thử đánh, nhưng chẳng ai cho tiền cả.
Tôi đã biết rõ lắm, biết rõ cái cảnh gảy đàn sái tay mà chẳng ai thèm móc túi.
Mã-Tư hỏi tôi:
- Thế anh? Anh làm gì bây giờ?
Cái tính cao ngạo của tôi phát luôn ra câu trả lời:
- Ông bầu đoàn diễn trò.
Sự thực, tôi cũng có đoàn, đoàn của tôi có con Lãnh-Nhi. Nhưng sự thực đó gần như sai.
Mã-Tư nói:
- Ô! Nếu anh vui lòng?
- Gì?
- Cho tôi nhập đoàn của anh.
Lúc đó, tôi chỉ vào con Lãnh-Nhi và nói thực:
- Anh trông, đoàn của tôi đó.
- Không hề chi, anh ạ! Hai chúng ta cũng đủ. Tôi xin anh. Anh bỏ tôi một mình, tôi sẽ làm ăn gì được! Tôi sẽ chết đói.
Chết đói! Hai tiếng đó đối với người khác, có lẽ họ không hiểu là gì. Nhưng hai tiếng đó đã vang dội trong lòng tôi vì chính tôi đã hiểu nghĩa hai tiếng đó.
Mã-Tư nói:
- Tôi biết làm việc. Trước hết tôi biết hát, biết kéo vĩ-cầm rồi tôi biết uốn mình, biết nhảy dây, biết lộn vòng. Nếu anh muốn thử tài, tôi sẽ diễn anh xem. Tôi sẽ theo lệnh anh. Tôi không cần lương, được ăn là đủ rồi. Nếu tôi làm hỏng, anh cứ việc đánh tôi. Tôi cam kết với anh như thế. Nhưng có điều tôi xin anh là đừng đánh vào đầu tôi vì trước kia bị Phú-Lợi làm hại, bây giờ hơi động đến là đau.
Nghe Mã-Tư nói thế, tôi không cầm được hai hàng nước mắt. Tôi nỡ nào từ chối anh được.
Tôi nói:
- Nhưng đi với tôi, chắc gì anh đã khỏi chết đói hơn đi một mình?
Anh nói:
- Không. Chúng ta hai người, không bao giờ chết đói được. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta đùm bọc lẫn nhau. Kẻ có cho người không có, như anh vừa làm ban nãy.
Câu đó làm tôi quyết định, bởi vì tôi có, tôi phải giúp anh.
Tôi nói:
- Tôi xin vui lòng.
Lập tức anh cầm tay tôi mà hôn. Tôi cảm động quá, nước mắt ở đâu ràn rụa ra.
Tôi nói:
- Đi với tôi, anh không phải là người đầy tớ mà là bạn tôi.
Tôi đeo đàn lên vai và nói:
- Tiến lên! Chúng ta tiến lên!
Mười lăm phút sau, chúng tôi ra khỏi Ba-Lê.
Gió đông bắc của tháng ba đã thổi khô đường, đất rắn dễ đi.
Khí trời dịu dàng. Mặt trời chói lọi trên nền trời xanh, không một vẩn mây. Khí hậu êm ái này so với ngày mưa tuyết tôi vào Ba-Lê thật khác nhau một vực một trời.
Hai bên lề đường, cỏ mọc xanh rờn, thỉnh thoảng lại điểm những bông cúc, bông dâu chớm nở và hướng về phía mặt trời. Góc vườn, bên đường, những nụ đinh hương đỏ chói trong đám lá xanh non. Một làn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa vàng trên nóc tường lác đác rơi xuống đầu chúng tôi.
Trong các vườn, trong bụi, trên cây, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chim hót vui tai. Những con chim én bay là là mặt đất bắt sâu.
Cuộc hành trình của chúng tôi khởi đầu thấy vui, nên chúng tôi bước dài không mệt. Con Lãnh-Nhi được tháo dây, chạy loăng quăng, thấy xe qua cũng sủa, gặp đống đá cũng sủa, sủa lung tung và chẳng có nghĩa gì, nếu không phải là vì thích mà sủa cũng như người ta cao hứng mà hát.
Mã-Tư đi bên cạnh tôi không nói gì, có lẽ anh đang tư lự. Tôi không muốn nói để làm phiền anh, vả lại chính tôi cũng đang nghĩ. Ta định đi đâu bây giờ?
Thực ra tôi cũng chẳng biết chúng tôi đi đâu. Tôi chẳng biết gì cả. Tôi nhớ ra rằng tôi đã hứa với Lệ-Hoa là đi thăm anh chị trước, nhưng tôi không hứa với các anh chị là đến thăm ai trước. Vậy tôi có thể đến Xê-Viên, Sa-Lăng hoặc Lan-Thành trước, tùy ý tôi.
Vì tôi ra phía nam thành Ba-Lê, nên không thể lộn lại để thăm Bằng-Mai được. Vậy tôi chỉ còn chọn xem đến thăm An-Sinh hay Yến-Chi trước mà thôi. Cái linh tính nó đưa tôi về phía nam hơn phía bắc là lòng nhớ mẹ tôi, bà Bảo-Liên.
Đã lâu tôi không nhắc đến bà, xin quý độc giả đừng cho tôi là một kẻ bạc nghĩa đã quên bà.
Cũng xin đừng cho tôi là kẻ bạc nghĩa đã quên bà vì không hề viết một lá thư thăm bà trong bao nhiêu năm xa cách. Đã bao nhiêu lần tôi viết thư “Con nhớ mẹ lắm, con yêu mẹ suốt đời con!” Nhưng một là bà không biết chữ, hai là tôi sợ ông Bảo-Liên, chồng bà, nên tôi không dám viết. Nếu Bảo-Liên xem thư, biết địa chỉ của tôi, ông ta sẽ tìm bắt tôi và bán cho một Vỹ-Tiên không phải là Vỹ-Tiên thì nguy hại biết bao! Chắc chắn là ông ta có quyền và có thể làm thế được. Chính vì lẽ đó mà tôi thà chịu mẹ tôi trách là đứa con tệ bạc còn hơn là để rơi vào tay Bảo-Liên, ông ta có thể bán tôi hoặc bắt tôi làm nô lệ cho ông ta. Tôi thà chết – chết đói – còn hơn là khinh thị mà làm điều mạo hiểm đó.
Nhưng nếu tôi không dám viết thư cho bà, một khi tôi được rộng cẳng, tôi có thể tìm cách về thăm bà được. Vì thế từ khi tôi nhận Mã-Tư vào đoàn của tôi, tôi đã nghĩ, việc thăm bà có thể thực hiện được. Tôi cho Mã-Tư đi trước. Tôi lánh mặt một chỗ, Mã-Tư sẽ vào nhà bà dò la tin tức. Nếu Bảo-Liên đi vắng, tôi sẽ về ngôi nhà cũ để gặp mẹ tôi. Nếu Bảo-Liên vẫn ở làng, Mã-Tư sẽ mời bà đến một chỗ nào đó để tôi được gặp mặt cho bõ những ngày thương nhớ.
Đó là cái chương trình tôi vừa đi vừa dự định. Tôi đăm đăm suy nghĩ vì thực hiện được không dễ.
Thực vậy, tôi không phải chỉ có việc thăm bà Bảo-Liên mà thôi. Tôi còn phải xem trên đường đi của chúng tôi có những làng nào, tỉnh nào khả dĩ kiếm được tiền.
Muốn thế, tốt hơn hết là hỏi ở bản đồ.
Lúc đó, chúng tôi đang đi trong cánh đồng. Chúng tôi liền bảo nhau ngồi nghỉ trên một đống đá để trò chuyện không sợ ai phiền nhiễu.
Tôi mở túi lấy bản đồ trải trên bãi cỏ. Tôi loay hoay ngắm nghía và tìm phương hướng mãi. Sau cùng tôi theo cách ông Vỹ-Tiên, ấn định một hành trình. Hành trình này phải qua bảy thành thị nhỏ.
Như vậy chúng tôi có thể đến làng Tả-Văn-Ông và có nhiều hy vọng không đến nỗi chết đói ở dọc đường.
Mã-Tư trỏ vào bản đồ bảo tôi:
- Anh xem cái gì thế?
Tôi bảo anh biết đó là một bức bản đồ và dùng để làm gì. Tôi cắt nghĩa cho anh nghe gần giống như những lời ông Vỹ-Tiên đã dạy tôi bài địa lý đầu tiên.
Anh giương mắt nhìn tôi, chăm chú nghe. Anh hỏi:
- Thế thì phải biết đọc.
- Chính thế. Anh không biết đọc à?
- Không.
- Anh có muốn học không?
- Tôi muốn lắm!
- Tôi sẽ dạy anh.
Trong bản đồ, người ta có thể tìm thấy con đường Dị-Nho về Ba-Lê không?
- Có chứ, dễ tìm lắm.
Tôi liền chỉ cho anh: tôi lấy tay đưa từ điểm Dị-Nho đến Ba-Lê. Anh không tin và hỏi:
- Sao tôi đi bộ thấy đường dài lắm kia mà?
Tôi liền cắt nghĩa hết sức – hết sức có nghĩa là lúng túng – cho anh biết người ta rút ngắn những con đường để vẽ trên bản đồ như thế nào. Tai anh để ý nghe, nhưng óc anh không tin lắm về khoa học của tôi.
Lúc đó túi hành lý bỏ ngỏ, tôi chợt nghĩ nên kiểm điểm lại đồ đạc và cũng để khoe với Mã-Tư. Tôi lấy ra và trải cả trên cỏ.
Tôi có ba sơ-mi bằng vải gai, ba đôi bí-tất, năm mùi soa còn mới và một đôi giầy cũ. Mã-Tư choáng mắt.
Tôi hỏi Mã-Tư:
- Của anh có những gì?
- Tôi có chiếc vĩ cầm này và những quần áo tôi đang mặc.
- Vậy thì chúng ta phải chia cho đều vì chúng ta là anh em bạn. Phần anh hai sơ-mi, hai đôi bí-tất và ba mùi soa. Cũng phải chia ra cho đều việc vác túi, mỗi người đeo một giờ, thay đổi nhau cho được công bằng.
Mã-Tư không muốn nhận phần chia thứ nhất. Nhưng tôi theo lối ông Vỹ-Tiên ra lệnh và không cho anh chống lại, nên anh đành chịu nhận. Cả cái hộp khâu của Yến-Chi, cái hộp con của tôi đựng bông hồng của Lệ-Hoa cũng bày ra trên chiếc sơ-mi. Mã-Tư muốn xem hộp con, tôi không cho và bỏ luôn vào túi.
Tôi bảo anh:
- Nếu anh muốn làm cho tôi vui lòng, anh không được mở hộp đó vì là một vật kỷ niệm.
- Anh yên tâm, không bao giờ tôi đụng đến.
Từ khi tôi khoác áo da cừu và đeo đàn, có một điều làm tôi câu thúc: đó là cái quần của tôi. Tôi thấy một người nghệ sĩ không bao giờ mặc quần dài. Trình diễn trước công chúng, phải là quần ngắn, phải là những đôi bí-tất đến đầu gối, chung quanh quấn chéo vải màu. Quần dài là quần của người làm vườn. Bây giờ tôi là một nghệ sĩ kia mà!
Khi người ta có một ý kiến mà người ta lại làm chủ thì ý kiến đó được thi hành ngay, không chậm trễ. Tôi mở hộp khâu Yến-Chi và lấy kéo.
Tôi bảo Mã-Tư:
- Trong khi tôi chữa quần, anh thử dạo một bản vĩ-cầm cho vui.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Rồi Mã-Tư lấy đàn ra kéo.
Tôi ướm quần đến đầu gối rồi bắt đầu cắt. Cái quần của tôi hãy còn tốt, may bằng dạ xám như cái gi-lê và áo vét của tôi. Ngày trước ông An-Thanh mua về cho tôi, tôi đã mừng quá. Bây giờ cắt cụt hai ống đi, tôi nghĩ không phải là tôi hủy hoại, mà trái lại làm cho nó đẹp hơn, tiện lợi hơn!
Đầu tiên, tôi vừa cắt vừa nghe đàn, sau tôi ngừng kéo và lắng tai nghe: Mã-Tư đàn vĩ-cầm không kém Vỹ-Tiên!
Tôi vỗ tay và nói:
- Ai dạy anh chơi vĩ-cầm thế?
- Không ai dạy cả. Hay tất cả mọi người, mỗi người bảo tôi một tí, rồi tôi tự luyện lấy.
- Ai dạy anh nhạc?
- Tôi không biết. Tôi nghe người ta đánh thế nào thì đánh thế.
- Tôi, tôi sẽ dạy anh.
- Anh biết tất cả?
- Phải, vì tôi là đoàn trưởng.
Người ta không phải là nghệ sĩ nếu không có một chút tự ái. Tôi muốn trổ tài cho Mã-Tư biết tôi cũng là một tay âm nhạc khá. Tôi lấy cây thụ cầm ra gảy và hát bài Tình-ca “tủ” của tôi. Và theo lệ thường của con nhà nhạc sĩ, Mã-Tư lại trả tôi lại những lời khen ngợi mà tôi vừa tặng anh bằng những tiếng vỗ tay hoan hỉ. Mã-Tư có tài, tôi cũng có tài. Chúng tôi xứng đáng là đôi bạn nghệ sĩ giang hồ.
Nhưng chúng tôi không thể cứ ngồi đó mà khen tặng lẫn nhau. Sau khi đàn hát cho tai chúng tôi rồi, chúng tôi phải nghĩ đàn hát cho dạ dầy, cho lưng chúng tôi nữa chứ! Tôi buộc túi lại, đến lượt Mã-Tư vác.
Chúng tôi tiến trên đường cát bụi. Tôi nghĩ lát nữa gặp làng nào ở cạnh đường là phải dừng lại diễn trò, “bước đầu của đoàn Lê-Minh”.
Mã-Tư bảo tôi:
- Anh dạy tôi câu hát của anh để tôi cùng hát và đánh vĩ-cầm theo: thế sẽ hay hơn.
Như thế, nhất định hay và chỉ có những khán quan trái tim sắt đá mới không ném tiền.
Chúng tôi đã tránh được những trái tim sắt đá đó. Chúng tôi vào một làng kia, đang tìm chỗ để diễn thì đi qua một cửa trại. Trong sân có đông người ăn mặc như ngày đại hội, đàn ông thì gài hoa ở khuy áo, đàn bà thì giắt hoa ở dây lưng. Cánh hoa lẫn với tơ lụa trông rất rực rỡ. Không cần phải là người thông minh, ai cũng biết ngay đó là một đám cưới.
Tôi đoán họ đang cần âm nhạc để khiêu vũ. Tôi tiến vào trong sân, Mã-Tư và Lãnh-Nhi theo sau. Gặp một thanh niên, tôi ngả mũ và cúi chào – cái chào lịch sự của ông Vỹ-Tiên – tôi xin vào giúp vui.
Người thanh niên đó mặt đỏ như quả bồ-quân, cổ áo cứng cọ vào tai, vẻ bình tĩnh.
Chàng không trả lời, quay cả người vào phía trong vì cái áo mới bằng dạ len bóng loáng bó vào thân làm khó cử động, cho hai ngón tay vào mồm làm còi, huýt một tiếng dài làm cho Lãnh-Nhi phải khiếp sợ.
Chàng nói theo:
- Này! Các vị đang ao ước âm nhạc. Đây, các nhạc sĩ đã đến!
Tiếng đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ rộn lên:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Âm nhạc tốt lắm.
- Sửa soạn khiêu vũ bộ tư!
Trong vài phút, những bọn kỵ binh đã ra tua tủa cả sân. Gà, vịt sợ chạy tán loạn.
Tôi lo quá, hỏi nhỏ Mã-Tư bằng tiếng Ý:
- Anh đánh được vũ khúc bộ tư?
- Được.
Tôi cũng biết bản đó. Chúng tôi thoát nguy.
Người ta kéo ở nhà kho ra một chiếc xe chở hàng, lấy giá gác tay xe cho vững rồi bảo chúng tôi lên ngồi. Tuy chúng tôi chưa hòa tấu với nhau bao giờ, nhưng buổi đó cũng khá. Thực ra, chúng tôi được cái may là gảy đàn cạnh những tai dễ dãi và không tinh tế lắm.
Chợt một ông mặt đỏ gay, hỏi chúng tôi:
- Có anh nào biết thổi “kèn” không?
Mã-Tư đáp:
- Có, nhưng chúng tôi không có kèn.
- Tôi bảo kiếm cho anh một cái, vĩ cầm hay thực, nhưng không được mạnh mẽ.
Tôi hỏi lại Mã-Tư bằng tiếng Ý:
- Anh biết thổi “kèn” thật chứ?
- Cả kèn lớn, kèn con, cả sáo và tất cả các thứ.
Mã-Tư thật là một tài tử hiếm có.
Lát sau, kèn đưa đến, chúng tôi hòa tấu đủ các điệu khiêu vũ nhất là điệu nhảy bộ tư.
Chúng tôi cử nhạc như thế cho đến khuya không được nghỉ tay lúc nào. Tôi còn gượng được, nhưng Mã-Tư giữ phần vai chính, phần vì sức yếu nên thấy mệt nhoài. Thỉnh thoảng tôi thấy anh lợt đi như bị quặn đau. Tuy nhiên anh vẫn gò cổ ra thổi. May sao, ngoài tôi ra còn có một người khác nhận thấy tình trạng ấy: đó là cô dâu. Cô kêu lên:
- Thôi! Thằng bé hết hơi rồi! Bây giờ thù lao cho nhạc sĩ đi chứ!
Tôi liền nhảy xuống xe và nói:
- Nếu quý vị muốn, tôi xin phép cho thủ quỹ chúng tôi đi lãnh.
Tôi ném cái mũ tôi cho Lãnh-Nhi. Nó lấy mồm bắt lấy, rồi đứng bằng hai chân sau, đặt tay vào ngực chào khán quan. Tiếng vỗ tay vang dậy cả sân. Điều thích thú hơn tiếng vỗ tay là những đồng tiền trắng rơi vào trong mũ. Cô dâu xinh đẹp cho cuối cùng, cô ném vào trong mũ một đồng 5 phật-lăng. Món tiền lớn thay! Thế cũng chưa hết. Người ta mời chúng tôi vào bếp, dọn cỗ cho chúng tôi ăn và cho chúng tôi ngủ trong vựa lúa.
Tôi bảo Mã-Tư:
- Tôi phải chịu ơn anh. Một mình tôi không thành phường nhạc.
Với số tiền 28 phật-lăng trong túi, chúng tôi sung sướng như ông hoàng. Khi đến tỉnh Cốt-Bây, tôi có thể mua sắm một vài thứ cần thiết.
Trước hết tôi mua một cái kèn ở hàng bán đồ sắt cũ hết 3 phật-lăng. Với giá đó, cái kèn không mới, không đẹp, nhưng đem về đánh chuốt cũng tạm dùng được. Rồi tôi mua những giải lụa đỏ để chằng bí-tất và một cái túi dết cũ của quân nhân cho Mã-Tư dùng, vì vác luôn một vật nhẹ trên vai còn hơn thỉnh thoảng lại phải đeo một túi nặng. Chia đồ đạc sang hai túi, chúng tôi sẽ được nhẹ nhàng.
Ở tỉnh Cốt-Bây ra, chúng tôi ai nấy đều trang bị đầy đủ. Trừ tiền mua sắm rồi, chúng tôi còn trong quỹ 30 phật-lăng vì những buổi trình diễn của chúng tôi đều đạt được kết quả mong muốn. Cũng là nhờ có chương trình đổi mới luôn để có thể trình diễn lâu một chỗ, khách xem không chán. Hơn nữa, chúng tôi rất hợp ý nhau, thân yêu nhau như tình anh em.
Có lúc Mã-Tư đắc ý cười và bảo tôi:
- Một đoàn trưởng không hay cốp đầu đoàn viên như anh thực tử tế quá!
- Anh thích chứ?
- Còn phải nói. Từ ngày tôi bỏ làng ra đi, đến bây giờ được ở với anh, tôi mới không mơ ước nhà thương nữa.
Ở trong một hoàn cảnh thịnh vượng, lòng tôi sinh ra tham vọng. Chúng tôi đang đi về tỉnh Mộng-Tác để tìm đường về nhà bà Bảo-Liên. Về làng để thăm bà, cũng là một cử chỉ để tỏ lòng biết ơn bà. Nhưng sự biết ơn đó nhỏ mọn và rẻ tiền quá. Nếu tôi có vật gì đem về nữa thì hơn. Bây giờ tôi làm ăn khá rồi, bắt buộc tôi phải có quà. Quà gì bây giờ?
Tôi không phải nghĩ lâu. Tôi biết có một thứ quà làm cho bà sung sướng nhất không những trong hiện thời mà còn trong lúc tuổi già nữa; đó là một con bò cái, để thay cho con Hồng-Ti khốn nạn.
Bà Bảo-Liên sẽ vui sướng nếu tôi có thể biếu bà một con bò! Và tôi cũng vui sướng biết nhường nào!
Trước khi về làng Văn-Ông, tôi sẽ mua một con bò, Mã-Tư sẽ dắt bò vào sân nhà bà. Tất nhiên ông Bảo-Liên không có mặt ở đó. Mã-Tư nói:
“Thưa bà, có một con bò đem đến để biếu bà. Bà đáp: Một con bò à? Có lẽ anh nhầm nhà chăng? (và bà thở dài) – Không thưa bà, có phải chính bà là Bảo-Liên ở Văn-Ông không? Chính ông Hoàng bảo tôi dắt con bò này đến để biếu bà. – Ông Hoàng nào?” Lúc đó tôi ở chỗ nấp chạy ra ôm lấy bà, chắc bà phải mừng mà khóc. Sau đó bà sẽ làm bánh tráng, bánh sữa cho ba người cùng ăn, không có ông Bảo-Liên ở đó như ngày lễ “tuần thánh” năm xưa, ông ăn mất cả bơ của tôi. Giấc mộng đó đẹp làm sao! Nhưng muốn thực hiện giấc mộng đó, tôi phải mua một con bò. Không biết giá bao nhiêu một con? Chắc là đắt, đắt lắm?
Con bò mơ ước đó không cần to lắm, lớn lắm. Trước hết vì bò to giá đắt, sau vì bò to sẽ ăn mất nhiều, tôi không muốn cái quà của tôi lại thành cái nạn cho bà. Điều cốt yếu là bây giờ tôi phải biết giá bò, một con bò như ý tôi định mua.
Việc này không khó. Ngày nào, trên đường cái hay ở quán trọ, tôi chả gặp những người chăn bò hay những người lái ngựa, tôi hỏi họ thì biết. Chiều hôm đó, tôi gặp một anh chăn bò trông có vẻ khá, tôi liền hỏi giá, anh ta cười chế nhạo tôi. Rồi anh ta ngả lưng ra ghế, lấy nắm tay đập xuống bàn, gọi người chủ quán hỏi rằng:
- Ông có biết anh bé con đi hát này hỏi gì tôi không? Giá bao nhiêu một con bò? Con bò không to, không lớn và là một con bò. Có cần nó phải thông thái nữa không?
Nói xong, anh ta cười ngặt nghẹo. Nhưng tôi không lấy làm tức và nói:
- Phải là con bò sữa tốt mà ăn ít.
- Có cần nó chịu để dắt dây đi trên đường trường như con chó của anh không?
Sau khi trêu tôi chán và mở hết trí hài hước, anh ta nói chuyện đứng đắn và bàn tính giúp cả tôi nữa.
Chính anh, anh có một con bò cái hiền lành, rất nhiều sữa, thứ sữa thơm như kem và nó ăn rất ít hoặc không cho ăn cũng được. Nếu tôi xỉa trả trên bàn 15 bích-tôn hay 50 đồng ê-quy, tôi sẽ dắt bò luôn.
Lúc đầu tôi khó làm cho anh ta rỉ răng bao nhiêu thì bây giờ tôi khó làm cho anh ta im miệng đi bấy nhiêu vì anh ta cứ thao thao bất tuyệt.
Sau cùng chúng tôi được đi ngủ. Lên giường tôi cứ tơ tưởng về câu chuyện vừa được nghe. 15 bích-tôn hay 50 đồng ê-quy nghĩa là 150 phật-lăng một con bò. Tôi bao giờ có được món tiền đó?
Không biết tôi có thể kiếm được không. Chắc là không. Nhưng nếu vận may trong buổi đầu còn theo mãi chúng tôi, thì góp nhặt từng xu may ra tôi cũng có thể để ra 150 đồng phật-lăng đó. Muốn thế phải mất nhiều thì giờ. Một ý nghĩ nảy ra trong óc tôi. Đáng lẽ về thẳng Văn-Ông, chúng tôi hãy trở đi Văn-Xá trước rồi sẽ trở về Văn-Ông sau. Lúc đó, trong túi tôi có đủ 150 đồng phật-lăng rồi, chúng tôi sẽ có thể diễn trò thần thoại “Con bò cái của ông Hoàng” và kết quả chắc là hay lắm.
Sáng hôm sau, tôi ngỏ ý kiến cùng Mã-Tư, anh rất tán thành và bảo tôi:
- Chúng ta đi Văn-Xá. Đấy có nhiều mỏ lạ lắm. Tôi vẫn muốn đi xem.

<< Chương XXI | Chương XXIII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 261

Return to top