Khanh đang sửa lại cái đơn xin tài trợ thì Khuyên ở đâu ào vào la lớn:
-Chị Khanh ơi, ra phụ em khiêng quà vào, chao ơi nặng muốn chết.
-Gì mà nặng, mà quà của ai vậy?
-Của chị chớ của ai. Lẹ lẹ lên.
Đang dở tay Khanh cũng dừng lại chạy theo con bé vì tò mò. Cô nhỏ mở những sợi dây cao su ràng chặt cái thùng đằng sau, ra hiệu cho Khanh giúp khiêng thùng xuống, chao ôi là nặng thật.
-Của ba Hiệp gửi cho chị đó, quả đầu mùa những chín cây nên ngon lắm.
Thơm thật, Khanh hối hả mở thùng thì thấy sầu riêng, khóm, mận, ổi, và có cả vú sữa.
-Wow, sao nhiều vậy em? Còn em và gia đình thì sao.
-Anh Luyện chở phần tụi em về nhà rồi, thùng này là của chị đó. Ba Hiệp cưng chị ghê chưa. Ông nói dạo này chị bận làm việc xin tài trợ gì đó, chắc căng thẳng lắm nên phải ăn trái cây nhiều cho khỏi mụn (câu này là em thêm đó). Ý của ba Hiệp nhưng người hái là anh Ba em, ảnh rách một cái áo vì hái vú sữa cho chị, lần sau chị phải đền đó nghen.
Khanh cười, không hiểu sao lại đỏ mặt trước câu đùa của Khuyên, vội đánh trống lãng.
-Tuần sau phải xuống cám ơn ba Hiệp mới được.
-Tốt thôi, chị xuống thứ 7 nghen, sinh nhật anh Luyện đó. Tụi em tổ chức nhỏ cho anh thôi. Nếu chị rủ được chị Nam xuống thì vui nữa.
-Dĩ nhiên rồi, Nam nghe kể về vườn cây của bác cũng mê lắm đó.
-Ok, vậy em đi. Thứ 7 em sẽ ghé đón hai chị. Bye bye my love.
Khanh phì cười trước cái mặt nhăn nhở mà dễ thương của Khuyên. Cô vẫy vẫy tay chờ nhỏ đi hẳn mới từ từ lấy trái cây vào. Chiều nay Nam có nhóm họp, Khanh sẽ đãi các chị ấy một chầu trái cây. Chao ôi, trái ổi chua này ngon thật, y như hồi còn nhỏ đi ăn trộm ổi nhà bên cạnh viện mồ côi vậy.
----
Các thành viên của nhóm xôn xao khi thấy thật nhiều trái cây bày trên bàn ở góc phòng. Nam mời:
-Các chị, các bạn dùng trái cây rồi hãy ngồi xuống nghen. Trái chin cây không hà, ngon lắm đó.
Thảo khoái chí lựa trái ổi rám nắng, cắn một miếng khen:
-Đúng là chín cây, ừm, lâu lắm rồi mới ăn được trái ổi chua ngon như vậy. Ai dà, ngon thiệt là ngon.
Ngọc phì cười:
-Con nhỏ này làm người ta chảy nước miếng theo. Tui thì thích vú sữa hơn, mà vú sữa tím bây giờ gần như tuyệt giống rồi, ai trồng mà còn hay quá vậy chị Nam.
-Mình chưa gặp bao giờ, nghe Khanh kể bác này có vườn trái cây, ông trồng cho vui thôi chứ không phải để kinh doanh.
Chị Tâm cười:
-Muốn ăn sầu riêng mà sợ hôi, ở đây có ai dị ứng mùi đó không.
Tuyền giơ cao tay:
-Dạ thưa em bị, em mà nghe mùi là phải ăn tù tì một trái ngay, không ăn là chết liền.
Cả bọn cười ào trước câu đùa của Tuyền. Tâm nguýt,
-Con quỷ. Lại đây phụ chị xẻ nè.
Chị Huyền bước lại:
-Đây để chị xẻ cho. Ngày xưa có thời chị đi bán sầu riêng nên rành lắm, em xẻ không đúng nát quả mà đau tay nữa.
-Ủa chị đi bán sầu riêng hả.
-Ừ, hồi mới ly dị đâu có nghề nghiệp gì, theo người bạn gái đi bán kiếm tiền nuôi con.
-Bộ ổng không phụ chị nuôi con hả?
-Phụ nổi gì, lâu lâu còn về bòn tiền đi cờ bạc nữa. Người bị nghiện rồi còn biết gì nữa đâu. Gương mặt chị tĩnh lặng nhưng cặp mắt thì tối đi, hiện rõ vẻ đau đớn.
Cả nhóm im lặng chỉ nghe tiếng nhai ổi của Thảo và tiếng kim đồng hồ trên tường tích tắc, tích tắc. Thấy vậy Nam mời:
-Mình vào chỗ ngồi nghe. Câu hỏi check-in hôm nay là những trái cây hôm nay gợi kỷ niệm gì trong bạn khi ăn vào. Chị Huyền vừa nói đến kỷ niệm buồn khi ăn sầu riêng, phải không chị?
-Ừ, chị nhớ mãi thời đó phải theo xe đò lên quá Dốc Mơ để lấy sầu riêng. Mình là phụ nữ chưa hề làm việc nặng, mà sầu riêng thì vỏ nhiều gai dài, cứng, lại khó khiêng. Lúc đầu chỉ khiêng được 1 quả, rồi từ từ học từ việc khênh nhiều quả, đến nhìn gai để xem trái nào nhiều múi, thịt ngon, rồi học cách xẻ, vv. Có nhiều khi đi buôn còn bị công an phạt, đuổi, lỗ hết tiền vốn, về con không có gì ăn, khóc tội nghiệp lắm.
Nước mắt chảy lặng lẽ trên má chị.
-Nhiều khi chị muốn chết đi cho rồi, sống chi khổ quá, đó là nghĩ vậy thôi, chứ thương con cái gì cũng làm, khổ mấy cũng chịu. Đến khi… đến khi nghe tin chồng bị sida, chị tưởng mình chết theo vì tuyệt vọng, vợ chồng bao nhiêu năm, 2 mặt con, chẳng lẽ mình không dính. Ngờ đâu trời phật thương chị đi thử thì thấy mình âm tính. Vậy mà có yên đâu, cứ phải để phòng ổng nổi khùng lên về quậy, đòi tiền nếu không là đổ máu trong nhà, tội nghiệp con cái chứng kiến cảnh đó. Nhiều khi lại nghĩ đến việc hay là đâm ổng một nhát cho nhẹ nợ, rồi lại phải kềm chế vì con cái. Nói tội thay, chứ khi ổng đến giai đoạn 3, phải nằm một chỗ trong viện các xơ là lúc chỉ yên tâm nhất. Vậy mà cũng ráng tuần 2 buổi đi thăm nuôi cho ổng có chút đồ ăn ngon, khi ổng chết rồi lại thấy hối hận vì đã không giúp gì được. Đời đàn bà có khốn nạn không cơ chứ? Nó làm khổ mình cả đời không ghét thì thôi, lại thấy tội!!
Tâm chồm sang nắm tay chị Huyền, lắc lắc rồi bật khóc theo. Nam đợi hai chị nguôi rồi hỏi:
-Chị Huyền bây giờ cảm giác sao?
Chị ngước lên nhìn Nam, cười nhẹ nhõm:
-Thoải mái hẳn, nói lên được cảm giác của mình chị thấy nhẹ người. Trước đây đâu dám cho ai biết những ý nghĩ của mình, sợ người ta không đánh giá cũng khuyên răn ‘phận đàn bà ráng chịu đựng.’ Chỉ ở đây chị mới đủ can đảm để nói ra.
-Em cám ơn chị đã tin tưởng và chia sẽ với cả nhóm. Còn những người khác thì sao, có ai nhớ lại kỷ niệm vui buồn ngày xưa khi ăn trái cây không.
Mọi người cởi mở chia sẽ, chỉ mỗi chị Quyên vẫn như ngày đầu, ngồi im như thóc, lắng nghe chăm chú nhưng khi tới phiên mình thì ra dấu ‘pass’ để người bên cạnh nói tiếp. Nam không biết bao giờ người phụ nữ lặng lẽ này mới mở lòng ra. Hy vọng rằng ngày đó sẽ không xa.