Phương Bửu Ngọc mỉm cười:
- Hỏi một vì câu cũng chẳng được nữa sao hở cô nương?
Tiểu công chúa cười nhẹ:
- Ngươi mua lòng ta phải không? Ngươi...
Bỗng nàng trầm lạnh gương mặt, tiếp:
- Ngươi cũng lạ lùng thật, trước mặt ta có lúc ngươi tranh khôn, ngươi lấn hiếp ta, ta đuối lý phải chịu thua, có lúc ngươi lại tỏ ra nhu hiền, hoà thuận, nói sao nghe vậy, ngoan ngoãn như một ngốc tử, như chẳng hiểu một sự việc gì. Tại sao thế chứ? Ngươi xem ta là một trẻ nít lên năm lên bảy chăng?
Phương Bửu Ngọc sững sờ nhìn thoáng qua năm bảy lượt rồi buông nhẹ tiếng thở dài:
- Rất tiếc cô nương chẳng còn như một cô bé cắm hoa như ngày nào, hay chú ý cắm hoa hơn, chỉ thích một việc hay cắm hoa vào bình!
Giá như cô nương trở lại bé hơn như ngày xưa thì... hay biết mấy! Hay biết mấy!
Tiểu công chúa chớp ngời ánh mắt rồi mười ngón tay rung rung, rồi đôi môi mọng đỏ rung rung.
Chừng như nàng muốn nói gì đó.
Nhưng, nàng cắn môi, rồi nhảy xuống đất, đoạn chạy vụt tới trước.
X Dâu đã được hái lá rồi, cành thưa, cả hai chạy dưới cành dâu nhắm hướng đã định trước mà chạy, do đó để theo dõi dễ dàng cử động của Lý Danh Sanh.
Cả hai còn trong một khoảng an toàn, nằm nép mình sát mép đất.
Lý Danh Sanh không hề biết có người nằm canh đang theo dõi hành động của hắn.
Đừng nói Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa im hơi, bặt tiếng, nếu như cả hai có gây tiếng động, vị tất Lý Danh Sanh nghe lọt?
Bởi lúc đó hắn ngưng thần chú ý về phía trước mặt. Chừng như hắn có nghe một thanh âm gì...
Một cơn gió thoảng qua, mang đến cho hắn lẫn Phương Bửu Ngọc và tiểu công chúa tiếng vũ khí chạm nhau xuất phát từ phía ngọn núi có rừng dày bao phủ.
Chen lẫn tiếng chạm vũ khí, có tiếng gắt, tiếng quát, kì quái hơn nữa, lại có cả tiếng cười của nữ, phụ họa với tiếng cười luôn có tiếng vỗ tay.
Những thứ tiếng đó nào phải có thể cùng phát sinh ra một lúc, bởi không ai đánh nhau, vừa cười vừa mắng, lại có thể vỗ tay được.
Cái đạo lý là như vậy, cái đạo lý chẳng thể chấp nhận một sự nghịch thường như vậy.
Nhưng Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa nghe rõ ràng, không thể không tin dù nghịch thường.
Và đương nhiên, cả hai phải kinh dị.
Cả hai phải nhìn nhận diễn tiến nơi xa xa đó thần bí vô cùng.
Tiểu công chúa và Phương Bửu Ngọc đưa mắt nhìn nhau. Họ tự hỏi, có việc gì đã xảy ra nơi sườn núi phía trước.
Vũ khí chạm là có sát khí bốc bừng, nhưng tiếng cười vang lên như để xóa tan sát khí.
Dù sao cả hai vẫn thấy có sự ác liệt nơi đó dù tiếng cười có vui tươi, cởi mở...
Họ đã không hiểu thì Lý Danh Sanh làm gì hiểu nổi?
Thoạt đầu hắn sợ hãi, dần dần tánh hiếu kỳ phát động lấn át cả niểm sợ hãi, hắm bò sát trên mặt đất từ từ trườn tới.
Sườn núi có rạp, tự nhiên có thừa chỗ lấp, Lý Danh Sanh đi tới, Tiểu công chúa và Phương Bửu Ngọc cũng đi tới.
Lý Danh Sanh ẩn mình xong thì cả hai cũng ẩn mình kín đáo.
X Sườn núi là một bãi lài, bãi lạ, uốn quanh vòng ra phía hậu có một khoảng đất trống.
Có lẽ khoảng đất trống đó là dành cho các cô nương hái lá dâu, khi nghỉ mệt thì tụ lại với nhau đùa giỡn, ăn uống...
Hiện tai, nơi đó có mười mấy cô nương vận y phục thôn nữ.
Mùa hái dâu đã qua rồi, họ tụ lại nơi đây làm gì trong đêm vắng khuya?
Cho nên cách bố trí nơi đây đáp ứng đúng sở nguyện của hạng thiếu nữ yêu đời, mà đến những nàng chán thế cũng muốn hoà mình trong khung cảnh.
Trung tâm là một khoảng đất trống bằng phẳng, sạch sẽ.
Nơi hướng Đông, có một ngôi nhà mát, mái đen, lan can hồng, nhà không rộng lắm song cũng có chỗ đủ cho vài mươi nàng nằm ngồi nghỉ ngơi sau giờ cần giải lao.
Nơi hướng Tây, có một sân dài làm hí trường đài không lớn lắm, khoảng trống trước đài cũng không rộng, có thể đó là nơi các nàng diễn kịch cho nhau xem, các nàng thay đổi nhau mà diễn kịch, kẻ nào diễn thì lên đài, kẻ nào không vai trò gì thì dự khán.
Chắc chắn là không có một ngoại nhân nào vào xem kịch, bởi không còn dư một chỗ đứng nào.
Nơi hướng Nam, có mấy chiếc ghế đá, vài chiếc bàn cũng bằng đá, trên mặt một chiếc bàn phảng phất có khắc hình một bàn cờ, còn bàn kia lại có đầy quả cây, màu sắc hấp dẫn phi thường.
Còn về hướng Bắc chẳng có gì, nơi đó có một bức tường xây bằng đá nhỏ, bằng cát, bằng đất nhồi. Tường rất dài, có lẽ đây là bức tường vạn lý trường thành của các nàng, không phải để ngăn chặn rợ Hung Nô mà là để chắn lối những kẻ hiếu kỳ dòm ngó các nàng đang khi hứng thú dâng cao.
Đã ví bức tường như vạn lý trường thành, thì đi theo hướng đó, cách khoảng đều, có những toà canh nho nhỏ. Trong những toà canh đó có quân lính, có ngựa, có xe, trên tường cũng có quân tuần.
Dĩ nhiên, nhà canh, quân lính, ngựa xe cũng từ đá cát tạo thành.
Và những hình tượng đó chứng tỏ cái tánh vui trẻ con của các nàng.
Bao nhiêu đó cũng đủ rồi, cần gì hơn?
Bao nhiêu đó cũng đủ cho các nàng khuây khỏa nếu gặp điều phiền muộn, nhất là cái khung cảnh tịch mịch nên thơ này, chẳng ai tìm đến quấy nhiễu các nàng.
Nhưng giờ đây, nơi đây có ánh sao ánh kiếm chơm chớp, giờ đây sát khí bao trùm.
X Tiểu công chúa và Phương Bửu Ngọc hết sức kinh dị, mà cả hai cũng thích thú vô cùng.
Có khoảng mười ba mười bốn thiếu nữ vận thôn trang, ngồi rải rác trong toà nhà mát, trên sân đài hí trường, trên bãi có nơi có mấy chiếc ghế.
Họ đảo mắt láo liên, hết nhìn nơi này đến nơi khác.
Nơi một khoảng đất trống, có hai người đang giao đấu. Hai người này có võ công khá cao, có thể liệt họ vào hàng thượng lưu cao thủ trên giang hồ.
Một người sử dụng Uyên Ương song kiếm, kiếm pháp tinh diệu đến nỗi kiếm khí bốc ra lạnh rợn.
Phương Bửu Ngọc nấp ngoài xa hai mươi trượng vẫn nghe lạnh.
Người kia sử dụng một c iếc trượng dài, trượng vung vun vút như rồng dợn mình.
Song kiếm lợi hại nhưng chẳng làm sao xâm phạm vào vùng trượng ảnh nổi.
Trượng và kiếm tung hoành, bóng vũ khí như che khuất hai đấu thủ, nhưng Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa có nhãn lực hơn người, có thể nhận định dễ dàng.
Bỗng, Tiểu công chúa kêu lên:
- Thì ra là bà ta!
Phương Bửu Ngọc cũng kêu lên:
- Bảy năm không gặp, không ngờ hôm nay lại xuất hiện ở đây!
Tiểu công chúa hừ một tiếng:
- Sao lại bảy năm không gặp? Chính ta đã gặp bà ấy trên Thái Sơn trong ngày đại hội kia mà!
Phương Bửu Ngọc điềm nhiên:
- Cô nương nói đến Vạn lão phu nhân, còn tại hạ nói về một người khác!
Tiểu công chúa cau mày:
- Một người khác? Người khác là ai? Ngươi nhận ra à?
Phương Bửu Ngọc gật đầu:
- Lai lịch của người đó nói ra thì dài dòng lắm! Tại hạ chỉ nói cho cô nương biết đại khái, bà ta là Vương Đại Nương, vợ của Vương Bán Hiệp, còn những gì thuộc về bà ta, sau này tại hạ sẽ kể cho cô nương nghe!
Tiểu công chúa trợn tròn đôi mắt một lúc lâu, miện lẩm nhẩm:
- Vương Bán Hiệp?...Vương Đại Nương?... tại sao bà ta lại động thủ với Vạn lão phu nhân? Tại sao Vạn lão phu nhân chưa trở về Bạch Thủy Cung?
Lần này Phương Bửu Ngọc kinh ngạc vô cùng, chàng nhìn nàng một lúc lâu, hỏi:
- Vạn lão phu nhân trở về Bạch Thủy Cung?
Tiểu công chúa thốt:
- Ta chỉ sợ cái mụ...Vạn lão phu nhân bị mụ mẹ vợ ngươi mua chuộc từ lâu!
Phương Bửu Ngọc trầm ngâm một lúc:
- Phải rồi!....Vạn lão phu nhân đã trở thành thuộc hạ Bạch Thủy Cung, cho nên bà ta không muốn cho tại hạ đến Thủy Cung! Người ước hẹn gặp Lý Danh Sanh có thể à bà ta!
Tiểu công chúa gật đầu:
- Chứ còn ai nữa?
Rồi nàng bĩu môi:
- Tại sao mà bỗng nhiên ngươi thông minh như vậy?
Phương Bửu Ngọc mỉm cười:
- Nhờ trời mà không khi nào tại hạ ngu cả!
Tiểu công chúa nghiến răng:
- Ngươi!....Ngươi!....
Cả hai đối thoại với nhau thanh âm rất nhỏ, vì giữ cho thanh âm được nhỏ, họ phải nhích lại gần nhau, và đến phút giây này, Tiểu công chúa chợt nhận thấy đôi môi nàng như phớt qua lỗ tai Phương Bửu Ngọc.
Môi nàng sát vành tai Phương Bửu Ngọc, đang lúc tức giận, nàng lại nghiến răng, vô tình nàng lại nghiến luôn cả vành tai chàng.
Phương Bửu Ngọc đau quá song chẳng dám kêu lên, mồ hôi lạnh tuông thành từng hạt lớn, ráng chịu đựng.
Nàng nghiến mạnh, song Phương Bửu Ngọc không giận.
Chàng biết, nang nghiến mạnh là yêu nhiều, bởi có yêu nhiều mới hận nhiều, vả lại có hận nhiều mới nghiến mạnh.
Giá như nàng có nghiến đứt vành tai, Phương Bửu Ngọc cũng chẳng kêu la, trái lại càng khoan khoái.
oOo Bảy năm xa cách.
Bảy năn trước, Phương Bửu Nhi chẳng biết mảy may vũ công.
Bảy năm sau, chàng trở thành kỳ vọng của toàn thể vũ lâm, chàng sẽ trở là đối thủ duy nhất của người áo trắng từ Đông Doanh đến.
Thì, bảy năm qua, Vương Đại Nương cũng phải tiến bộ, mọi người không tiến bộ, hoặc ít hoặc nhiều.
Riêng về Vương Đại Nương thì bà tiến bộ rất nhiều.
Ngày trước bà sử dụng đôi quảy mẫu tử, bây giờ thì bà sử dụng đôi kiếm uyên ương.
Quảy là mẫu tử, kiếm là uyên ương, hai loại vũ khí có lối đánh như nhau, song dùng uyên ương kiếm thì phần linh hoạt hiện rõ rệt hơn.
Nhìn vào trận đấu, Phương Bửu Ngọc nhận ra kiếm quang dần dần lấn át trượng ảnh, dần dần bao phủ trượng ảnh.
Thường thường, Vạn lão phu nhân vừa đánh vừa lấy ô mai rim đường mà ăn, bây giờ bà ta không còn thì giờ để ăn nữa.
Thường thường, bà vừa đánh vừa mắng đối phương, bây giờ, thay vì mắng, bà thở, thở mũi rồi thở luôn miệng.
Bọn thiếu nữ ở xa cũng như ở gần, cùng vỗ tay reo hò, cùng cười vang để trợ Oai Vương Đại Nương.
Có nàng bóc vỏ trái cây rồi lấy cả vỏ và hạt quăng vào mình Vạn lão phu nhân.
Có nàng lại ứng khẩu đọc câu vè, câu thơ chế nhạo Vạn lão phu nhân.
Lại có nàng lại to tiếng mắng chửi để khích nộ mụ ta, đó cũng là một thủ đoạn tiếp trợ người trong cuộc, một cách gián tiếp, vì đối phương sôi giận phải rối loạn.
Chúng vỗ tay, chúng cười, chúng mắng, đọc vè, đọc thơ, tất cả những trò đó không làm gì hại đến thể xác Vạn lão phu nhân song ảnh hưởng rất nặng đến tâm thần mụ ta. Và cuối cùng thì mụ sôi giận tưởng chừng có thể điên lên được.
Phương Bửu Ngọc buồn cười quá, nghĩ rằng phen này Vạn lão phu nhân gặp phải kẻ tử đối đầu rồi.
Vạn lão phu nhân càng đánh càng tỏ ra khẩn cấp, càng khẩn cấp càng loạn đấu pháp, một lúc lâu bà ta cao giọng mắng:
- Mụ già thúi! Mụ già tàn phế dơ dáy kia! Ta có giết cha giết mẹ ngươi đâu, ta có cướp chồng ngươi đâu, ta có cừu oán gì với ngươi, mà ngươi lại toan thí mạng với ta?
Vương Đại Nương lạnh lùng:
- Ai thí mạng với ngươi? Ta chỉ muốn giết ngươi thôi! Ta giết ngươi chứ ta có liều mạng với ngươi đâu? Ngươi có tài ba gì mà dám nói câu đó?
Vạn lão phu nhân hừ một tiếng:
- Ngươi biết ta là ai chăng?
Vương Đại Nương cũng hừ một tiếng:
- Nếu không biết ngươi là ai thì tại sao ta lại muốn giết ngươi?
Vạn lão phu nhân cười lạnh:
- Ngươi đã nhận ra ta là ai, thì ta hỏi ngươi, thế ta có cừu oán gì với ngươi mà ngươi muốn lấy mạng ta?
Vương Đại Nương cười hăng hắc:
- Ngươi thử đoán xem?
Bà ta hư cả đôi chân, năm xưa dùng hai chiếc quảy, một mẫu một tử luân lưu cho mình, lúc đánh thì chiếc này hỗ trợ chiếc kia, bởi tàn tật như vậy, bà luyện một thân pháp biến ảo phi thường, thoắt ẩn thoát hiện, khiến đối phương khó lòng phòng bị bà ta từ hướng nào tấn công tới, công rồi lại lui về hướng nào.
Ngày nay bà dùng đôi kiếm uyên ương, không rõ nhẹ hơn đôi quảy năm xưa bao nhiêu, song thân pháp thì biến ảo hơn gấp nhiều lần, lại nguỵ dị gấp mấy lần.
Vạn lão phu nhân cố gợi chuyện để phân tâm Vương Đại Nương, rồi tìm sơ hở mà công vào hoặc ít nhất cũng có thể đào tẩu.
Ngờ đâu cái tâm của đối phương chưa phân hóa mà tinh thần đã rối loạn rồi.
Vương Đại Nương cũng già thủ đoạn lắm, bảo bà ta suy đoán thử xem có khác nào bảo bà ta ngửa cổ chịu chết.
Bởi trong lúc ác đấu, bao nhiêu tâm trí để nhận định đấu pháp của đối phương, tập trung như vậy lắm khi còn không nhận định được gì.
Bây giờ bảo bà ta dùng tâm trí cho việc hoàn toàn không liên quan đến trận đấu, thế thì còn làm sao xuất thủ được?
Vạn lão phu nhân có lẽ đã biết mình mắc mưu lại càng tức tối hét to:
- Ta không đoán nổi... ta không đoán nổi!
X Tiểu công chúa hỏi:
- Thực sự Vương Đại Nương có thù oán gì với Vạn lão phu nhân, ngươi biết không?
Chừng như nàng cũng biết cái lỗi của nàng nên muốn dàn giải cho Phương Bửu Ngọc đừng hận.
Do đó nàng mới hỏi một câu hỏi để gợi chuyện, cho phôi pha căng thẳng.
Phương Bửu Ngọc cười thầm, trầm ngâm một chút rồi đáp:
- Có thể sự việc bắt nguồn từ Vạn Đại Hiệp.
Tiểu công chúa tiếp:
- Luận về tài nghệ của Vương Đại Nương, ta thấy có nhiều dịp đánh chết Vạn lão phu nhân được lắm, nhưng bà ta lại cứ trì hoãn mãi, bà ta bỏ lỡ mấy dịp rồi, lạ thật, tại sao bà ta lại làm thế?
Phương Bửu Ngọc mìm cười:
- Bà ta muốn bắt sống chứ không muốn đánh chết!
Tiểu công chúa gật đầu:
- Đúng! Bắt sống bà ta để dụ dẫn Vạn Tử Lương, tuy nhiên...
Bỗng Vạn lão phu nhân thét lên một tiếng kinh khủng, bà ta hứng một nhát kiếm nơi đầu vai tả, máu chảy đỏ ngời.
Máu chảy nhiều, song bà ta dồi dào khí lực nên thừa máu chứ vết thương đó không nặng lắm.
Vạn lão phu nhân nhìn thấy máu của bà ta chảy ra nhiều quá, biến sắc mặt liền.
Thân hình nhũn lại, một tiếng keng vang lên, bà buông chiếc trượng xuống đất.
Từ lâu, bà chỉ nhìn thấy máu người, chưa từng nhìn thấy máu bà.
Bây giờ thấy máu của mình, thấy lần đầu tiên, bà hoảng sợ.
Phương Bửu Ngọc lại buồn cười một phen nữa.
Tiểu công chúa thốt:
- Luận về con người tham sống sợ chết thì chắc là chẳng có ai sánh bằng bà ta.
Vương Đại Nương cũng giật mình trước thay đổi quái dị của Vạn lão phu nhân, song bà ta vẫn tấn công liên tục, đều đều, không nơi châm thủ pháp.
Trong thoáng mắt, nhân lúc Vạn lão phu nhân kinh hoảng vì máu của mình lùi lại, Vương Đại Nương phóng luôn ba mũi kiếm, cả ba đều trúng vào vai Vạn lão phu nhân. Nơi mũi kiếm đâm vào là huyệt đạo khá trong yếu.
Vạn lão phu nhân mắng:
- Mụ già thúi!
Chỉ mắng được ba tiếng, Vạn lão phu nhân ngã nhào.
Ngưng mắng để ngã, ngã rồi bà ta lại mắng tiếp, mắng to giọng, mắng gấp giọng, mắng nặng hơn.
Luận về tài năng tất phải nhận Vạn lão phu nhân là tay vô địch.
Vương Đại Nương vụt tung mình bay lên không rồi đáp lại chỗ ngồi, được chế tạo riêng biêt cho tình trạng tàn phế của bà, dĩ nhiên chỗ ngồi đó phải mềm phải ổn.
Bà đáp xuống rồi, một thiếu nữ mang chăn lông đắp ngang chân bà.
Hai thiếu nữ vừa nâng cái bàn ngồi của bà lên, vừa hỏi:
- Cái khối thịt kia có nên băm vằm cho nó nát như cám chăng?
Vương Đại Nương đáp:
- Không cần vội! Trở về trước rồi hãy tính sau!
Bỗng có tiếng người cười hì hì.
Tiếng cười dứt, người đó bước tới cục trường.
Người đó là Lý Danh Sanh. Phương Bửu Ngọc sững sờ không tưởng là hắn xuất hiện đột ngột như vậy.
Xuất hiện trong lúc này nghĩa là làm sao?
Nếu hắn ước hẹn với Vạn lão phu nhân thì làm sao hắn dám chường mặt khi Vương Đại Nương còn đó? Hơn nữa Vương Đại Nương là kẻ thắng trận!
Xuất hiện như vậy là hắn về bè với Vương Đại Nương sao?
Khó hiểu, khó hiểu vô cùng!
Nhưng Vạn lão phu nhân vừa nhìn thấy hắn thì kinh ngạc kêu lên:
- Ngươi... thì ngươi ra là đồng đảng của mụ tàn phế thúi kia!
Lý Danh Sanh cười hì hì:
- Bà đừng hiểu lầm tại hạ đồng đảng với ai, bà nên biết là việc bà nhờ tại hạ, tại hạ đã làm rồi, bà còn oán hận gì tại hạ nữa chứ?
Phương Bửu Ngọc hết sức lạ kỳ, sự việc hồ đồ quá, chàng không sao hiểu nổi.
Trong khi đó, bọn tiếu nữ vừa cười vừa chạy tới, có mấy nàng khiêng Vạn lão phu nhân,còn mấy nàng khác thì đi bên cạnh Lý Danh Sanh tỏ vẻ thân mật vô cùng.
Một nàng hỏi:
- Ngươi có gặp Phương Bửu Ngọc chứ?
Lý Danh Sanh đáp:
- Đương nhiên là có!
Cô nàng cười vang rồi hỏi tiếp:
- Hắn đẹp trai không? Vũ công của hắn có cao lắm không?
Lý Danh Sanh mỉm cười:
- Cô nương hỏi chi? Còn hỏi nữa ta sẽ giận cho đấy! Hắn à? Ngoài cái mặt trắng ra, ngoài cái tuổi non ra, hắn có gì lạ đâu?
Bọn thiếu nữ cười giòn:
- Nghĩa là hắn kém ngươi? Aï Ạ! Thẹn! thẹn à? Trời ơi! Con chuột ơi! Thẹn lắm!
Rồi tất cả cùng cười, tất cả cùng kéo đi.
X Phương Bửu Ngọc thừ người ra đó.
Chàng chẳng biết mình phải làm gì, chàng cũng không nghĩ mình phải làm gì bởi chàng quá sững sờ.
Thì ra, trong mấy năm nay, Lý Danh Sanh về bè với Vương Đại Nương.
Điều làm cho chàng kinh ngạc hơn hết là bọn thiếu nữ đó lại biết chàng.
Hay ít ra chúng biết tên chàng.
Chàng tự hỏi:
- Lý Danh Sanh và Vương Đại Nương đang mưu tính việc chi đây?
Họ có ý tứ gì với ta?
Tiểu công chúa cười lạnh hỏi chàng:
- Ngươi nghe chúng nói chuyện với nhau chứ? Ngươi có cao hứng không? Hừ! Ngươi có vũ công cao, người ta phục, ngươi đẹp đẽ người ta si mê!
Phương Bửu Ngọc không để ý đến câu nói của nàng, ậm ừ đáp:
- Ừ!
Tiểu công chúa sừng sộ:
- Ừ cái gì? Sao ngươi không nói? Ừ như thế, ai biết ngươi nghĩ sao?
Phương Bửu Ngọc đang theo đuổi một ý nghĩ, không nghe nàng nói gì, bỗng chàng đứng lên buông gọn:
- Đi!
Tiểu công chúa hừ một tiếng:
- Đi? Đi đâu? Đi theo mấy nàng đó phải không?
Phương Bửu Ngọc gật đầu:
- Phải! Đi theo họ tìm cách giải cứu Vạn lão phu nhân!
Tiểu công chúa lại hừ một tiếng:
- Cứu bà ta? Tại sao lại phải cứu bà ta?
Phương Bửu Ngọc điềm nhiên:
- Trước hết, vì Vạn đại hiệp, sau đó để truy nguyên sự tình.
Thốt xong chẳng đợi công chúa nói gì, chàng vọt mình đi liền.
Tự nhiên tiểu công chúa phải chạy theo.
Theo một người còn sợ mất hút, theo một đoàn người, cái mục tiêu phải lớn hơn, cho nên dễ dàng vô cùng. Vì quá dễ dàng, chàng không cần tiếp cận, chỉ giữ một khoảng cách vừa phải thôi.
Tiểu công chúa gắt:
- Tại sao không vượt kịp lên chúng?
Phương Bửu Ngọc đáp:
- Chờ xem chúng đi về đâu!
Trên gò trong khu rừng có một con đường nhỏ.
Con đường đá nhỏ lại ẩn khuất dưới một tàng cây, hơn nữa lại đang đêm, bóng tối lan tràn, nếu không quen thuộc đường này, chắc chẳng một ai trông thấy, mà có thấy đi nữa cũng khó đi theo con đường đó.
Đoàn thiếu nữ đi theo con đường đó vào sâu trong rừng.
Đi một lúc lâu, họ đến một khoảng trống, tại khoảng trống đó có một cái động.
Thì ra, cái gò có khu rừng rậm bao phủ bọc quanh một cái động, nói rằng động vì nó trũng xuống chứ thực ra nó chỉ là một cái chảo.
Chung quanh lòng chảo có vô số hoa, toàn là hoa lạ không biết tên.
Thời tiết lúc đó là mùa thu, hoa đã tàn tạ, nhưng hoa nơi đây tươi tốt như thường.
Hoa đẹp dưới ánh sao mờ mờ, càng đẹp hơn, đẹp huyền ảo.
Giữa các luống hoa có dòng suối nhỏ, vắt qua như dải lụa bạch, bên cạnh suối có nhà, độ bốn năm nóc liên tiếp nhau, tuy dựng lên sơ sài nhưng vẫn thừa vẻ trang nhã.
Đoàn thiếu nữ vừa đi vừa cười đùa, đến nơi đó, kéo nhau vào nhà.
Họ vào rồi, họ trả không gian lại cho đêm dưới ánh sao mông lung, tất cả đều chìm trong tịch mịch.
Hoa mờ ảo, suối trắng mờ ảo, khung cảnh thơ mộng vô cùng.
Phương Bửu Ngọc trù trừ trong khu rừng.
Chàng còn bàng hoàng với sự gặp lại Vương Đại Nương sau bảy năm cách biệt. Bây giờ, bà ta có vẻ tiến bộ hơn xưa.
Tiến bộ đây là nói về tài nghệ, về phong vận con người mà cũng về lối sống.
Chàng nghĩ, có thể khinh thường bất cứ ai khác, chẳng hạn Vạn lão phu nhân, chứ đối với Vương Đại Nương thì tuyệt đối không nên xem thường bà ta.
Bởi, bà nuôi dưỡng một tinh thần cầu tiến quá mạnh, với tinh thần đó, bà tập cho bà một tính kiên nhẫn, bằng cớ là bà đã im hơi bặt tiếng suốt bảy năm dài.
Nếu hôm nay, Phương Bửu Ngọc không gặp bà ta một cách bất ngờ tại đây, thì chàng có thể quên bà ta tại đây rồi, mà dù có nhớ cũng chẳng biết bà ta sống hay chết, sống thì ở tại địa phương nào.
Bời không thể khinh thường bà, chàng không thể dấn thân vào vùng căn cứ của bà.
Do đó, chàng trù trừ.
Trù trừ để tìm phương cách đột nhập, chứ chẳng phải do dự với cái ý rút lui.
Tiểu công chúa nóng nảy hơn, vội bước tới.
Phương Bửu Ngọc hấp tấp gọi:
- Hãy khoan! Đừng vội, cô nương!
Tiểu công chúa không quay đầu lại:
- Đã đến đây, còn do dự gì nữa? Nếu sợ sệt thì đừng theo đuổi chúng, đỡ nhọc hơn chăng?
Phương Bửu Ngọc thốt:
- Nhưng...
Tiểu công chúa gạt ngang:
- Ngươi muốn giải cứu Vạn lão phu nhân, muốn truy nguyên sự tình gì thì sớm muộn gì cũng phải chạm mặt chúng, tại sao không chạm mặt sớm cho rồi, còn chần chừ làm gì?
Phương Bửu Ngọc trầm ngâm một chút:
- Cô nương nói phải!
Đã cho là phải, tất nhiên phải đi, chàng bước theo Tiểu công chúa ngay.
Cả hai rời khu rừng, len lỏi trong những bụi hoa.
Bỗng từ một bụi hoa, có tiếng cười khúc khích, rồi có tiếng vọng ra:
- Khách! Khách đến kìa!
Phương Bửu Ngọc giật mình.
Thì ra đó là tiếng con chim anh vũ, nó học nói tiếng người rất sành, nó cười và thốt xong, chấp cánh bay ra, đôi cánh xanh quạt nhanh, óng ánh dưới ánh sao mờ.
Nó bay về phía mấy ngôi nhà.
Chưa đến nơi, nó thốt lên:
- Khách! Có khách đến! Có khách đến!
Tiểu công chúa bật cười khanh khách:
- Một con chim lại làm khiếp hãi Phương đại hiệp! Cái gan của Phương đại hiệp đáng khen quá chừng!
Phương Bửu Ngọc chỉ còn cười khổ chứ biết nói sao bây giờ?
Từ trong ngôi nhà, ba thiếu nữ bước ra, họ chạy đến chiếc cầu bắc ngang suối, cầu có mành mành sơn đỏ, cầu không bắt thẳng mà lại uốn qua, uốn lại thành mấy đoạn thật là cầu kỳ.
Cả ba cùng cất tiếng:
- Khách đâu? Khách ở tại đâu?
Họ vừa nói vừa cười, chừng như họ vui, vào giờ khắc nào cũng vui, chừng như bình sinh họ không hề gặp chuyện gì làm cho họ buồn bực, cho nên mở miện ra là họ cười.
Rồi họ thấy Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa, họ đứng chận lại.
Khách lạ, họ phải thủ lễ, họ không cười nữa, sáu con mắt giương tròn nhìn tới.
Phương Bửu Ngọc đằng hắng một tiếng ; - Chào các cô nương!
Một nàng mặt tròn cao giọng hỏi:
- Các hạ là ai? Các hạ đến đây có việc chi?
Giọng nàng thì cao, song nàng cố làm ra vẻ dịu hòa, duyên dáng, giọng nói thản nhiên, song ánh mắt thoáng hiện niềm kinh hãi.
Tuy nhiên, niềm kinh hãi của nàng thiên về hiếu kỳ hơn là địch ý.
Bởi, Phương Bửu Ngọc đẹp trai.
Một thanh niên đẹp trai như chàng, bình sanh họ chưa từng thấy.
Phàm nam gặp nữ, hay nữ gặp nam, đối tượng đẹp thì bao giờ cảm tình cũng dễ phát sinh và phát sanh nhanh chóng.
Cả ba nàng nhìn chàng lom lom làm chàng ngựơng nghịu phần nào.
Chàng vòng tay, nghiêng mình đáp:
- Tại hạ...
Tiểu công chúa lạnh lùng chặn lời:
- Ngươi đến đây với tánh cách hoà hay chiến, bạn hay thù?
Phương Bửu Ngọc đỏ mặt.
Thiếu nữ mặt tròn trố mắt:
- Thù? Cái chi là thù?
Câu hỏi đó đương nhiên nàng hướng về Tiểu công chúa, nói với Tiểu công chúa, nàng dùng cái giọng hơi ngang một chút, trong khi nói, nàng chống nạnh hai tay nơi hông.
Nhưng Tiểu công chúa không quan tâm đến thái độ khiêu khích của thiếu nữ, nàng đang tức Phương Bửu Ngọc, cố làm sao phá cho được chàng, nàng mới hả dạ.
Nàng tiếp nối:
- Hắn là Phương Bửu Ngọc đó! Hắn đến đây tìm người lãnh đạo của các ngươi đó! Hắn đến để đòi lại một người đó!
Cả ba thiếu nữ thoáng biến sắc, cùng kêu lên một lượt:
- Phương Bửu Ngọc?
Cả ba cùng quay người lại một lượt, cùng quay chân chạy trở lại ngôi nhà.
Họ chạy nhanh nhưng nàng nào cũng cố quay đầu nhìn lại, họ nhìn cho rõ thiếu niên đẹp trai, họ nhìn cho rõ dịp này, họ sợ không còn dịp nào được thấy mặt chàng nữa.
Một thoáng sao, từ trong ngôi nhà có tiếng hét vang lên, kế đó có tiếng la hoảng.
Chừng như mọi người ở đó đang nhôn nhao, tán loạn.
Tiểu công chúa đẩy Phương Bửu Ngọc tới:
- Sao thừ người ra đó? Chưa chịu vào à?
Phương Bửu Ngọc không còn cách nào khác hơn là mạnh dạn bước tới.
Cái dáng bên ngoài của ngôi nhà xem ra rất trang nhã, song biết đâu bên trong chẳng có mai phục? Và mỗi tấc đất là một cạm bẫy chờ đón người lạ?
Đương nhiên, trong một khung cảnh như vậy phải có sát khí thâm trầm, và nơi nào có sát khí lại không làm cho con người khiếp sợ?
Phương Bửu Ngọc đã có nhận xét tế nhị về Vương Đại Nương, thì muốn vào trong nhà, chàng phải đề cao cảnh giác. Chàng giới bị chu đáo, tuyệt đối chẳng hề dám khinh địch.
Nhưng, Tiểu công chúa trái lại dửng dưng như thường, mường tượng nàng chẳng xem Vương Đại Nương ra cái quái chi.
Nàng ngang nhiên đi tới như về nhà của nàng.
Trong nhà, đèn rất lu, lu gần như bỏ hoang, bất quá có một vài đốm lửa nghĩa trang vậy thôi.
Nhưng, ngay sau khi ba thiếu nữ báo động, đèn trong nhà được đốt sáng, lên nhà có bao nhiêu ngọn đèn đều được đốt tất, số ánh sáng chiếu đến tận dòng suối.
Phương Bửu Ngọc đi trên cầu, có cái cảm tưởng như là mình đang vượt giải ngân hà trên nền trời đen thẳm.
Có tiếng của Vương Đại Nương vang lên.
Bà ta vừa cười vừa thốt:
- Qúy khách đến, thứ cho tiện thiếp bất hạnh mang tật nguyền, không ra ngoài nghênh tiếp! Xin vào cứ vào! Vào để cho tiện thiếp được cái vinh dự đãi trà!
Phương Bửu Ngọc trầm giọng:
- Phương Bửu Ngọc này xin tuân mạng!
Vương Đại Nương càng khách sáo, chàng càng đề phòng. Hơn một lần chàng chứng nghiệm thế nào là nụ cười có chứa đao bén, và nhất định là nếu không từ nay về sau, thì ít nhất lần này chàng không thể mắc mưa ai.
Cửa ngôi nhà mở rộng.
Nơi hai bên cửa có những chiếc đầu thò ra rồi thụt, thụt rồi thò, chừng như tất cả thiếu nữ trong nhà đều cố nhìn cho rõ chàng trai đẹp có tài cao, có nàng thập thò đến mấy lượt, và nàng nào không thò ra được lại kéo nhẹ những nàng tham nhìn, dành lấy chỗ.
Nhưng nào ai biết được, trong tay chúng có loại ám khí gì, lợi hại như thế nào?
Đứng gần bên còn không trông thấy loại ám khí nhỏ bé, thì đứng xa làm sao Phương Bửu Ngọc nhận ra?
Bỗng, như đợt khói nhẹ theo gió đùa, Phương Bửu Ngọc xẹt vào nhà.
Chàng vào sau khi đã vận chân khí quanh mình, phong bế các huyệt đạo.
Cho dù tất cả nhừng thiếu nữ, cho dù có thật sự cầm ám khí, đồng loạt một vung tay, vị tất làm gì thương tổn cho chàng nổi?
Không, chẳng nàng nào nhích động với địch ý rõ rệt.
Nơi mà chàng tường là có bóng dáng tử thần, nơi đó sao thanh bình an tịnh quá chừng.
Dưới ánh trăng của nhiều ngọn đèn, Vương Đại Nương tựa mình trên chiếc giường đặc biệt có nệm êm, lót gấm.
Mỗi thiếu nữ đều có cầm một vật trong tay.
Vật đó là một mảnh dưa hấu, có nàng ngoạm một vài miếng, có nàng còn để nguyên.
Trong khi chàng giới bị đến từng chân lông kẽ tóc, thì giờ đây chàng thấy một cảnh tượng như thế này, thật đáng buồn cười thay!
Chàng vòng tay điểm nụ cười vô nghĩa đáp:
- Hân hạnh quý chủ nhân không khước từ cuộc viếng thăm bất ngờ này!
Rồi chàng nghiêm giọng hỏi:
- Vương Đại Nương có nhận ra Phương Bửu Ngọc này chứ?
Vương Đại Nương cười tươi:
- Làm sao già quên được thiếu hiệp? Trừ Phương Bửu Ngọc ra, trên thế gian này tìm đâu ra một chàng thanh niên anh tuấn, khả ái như vậy?
Chủ nhân khen khách, bọn thiếu nữ cười khúc khích, không gian êm ấm vô cùng.
Vào đây với cái ý không hảo thuận lắm, vào rồi thấy ai cũng tươi vui niềm nở, ai ai cũng tò sự ngưỡng mộ chân thành, thì Phương Bửu Ngọc bắt đầu câu truyện ra sao đây?
Chàng còn phân vân, người đứng sau chàng cất tiếng:
- A! Vương Đại Nương! Bà mạnh giỏi chứ?
Vương Đại Nương cười vang:
- Ái chà! Tiểu công chúa! Già quên mất chào nàng! Lâu lắm rồi không thấy Tiểu công chúa, giờ gặp lại thì ra già gặp một tiên nữ giáng trần! Cô nương ngày nay đẹp quá, nếu Phương thiếu hiệp không hạ cố đến tìm già, thì chắc gì già được cái hân hạnh được đón tiếp cô nương tại ngôi nhà này!
Tiểu công chúa gắt nũng:
- Ai biết bà ở đây mà đến?
Vương Đại Nương vẫn với vẻ vui tươi, tiếp:
- Cô nương không biết à? Già không tin nổi, cô nương ơi! Chẳng lẽ Hỏa Cung Chủ không nói cho cô nương biết?
Tiểu công chúa mỉm cười:
- Chẳng có ai nói cho tôi biết cả! Cái chỗ ở của bà thần bí còn hơn động tiên, tôi không dám nói là động quỷ, bởi làm gì có động tiên trên thế gian, chỉ có động quỷ thôi!
Rồi nàng cao giọng hỏi:
- Thực ra nơi đây có chi thần bí, bà cho tôi biết được chăng?
Phương Bửu Ngọc sững sờ, thấp giọng:
- Cô nương quen bà ta?
Tiểu công chúa hừ một tiếng:
- Có khi nào ta nói là không quen bà ấy đâu?
Phương Bửu Ngọc giật mình, song cười tỉnh ngay:
- Phải! Phải! Đúng là cô nương chẳng hề nói!
Chàng thầm nghĩ trong mấy năm qua, Vương Đại Nương âm thầm làm một việc gì đó thần bí lắm, và qua cái việc đó, bà và Hỏa Ma Thần có kết cấu với nhau.
Bà vắng bóng trên giang hồ rất lâu, khi Hỏa Ma Thần xuất hiện, bà cũng xuất hiện trở lại luôn.
Hỏa Ma Thần chưa góp mặt giang hồ, song sự việc trên giang hồ, lão hiểu như lòng bàn tay.
Điều đó cũng chẳng lạ gì, bởi chính Vương Đại Nương tường thuật cho lão rõ mọi diễn tiến.
Nhưng Vương Đại Nương đã làm gì trong mấy năm nay?
Trong khi chàng mơ màng suy tư, thì Tiểu công chúa cười, Vương Đại Nương cười, bọn thiếu nữ cũng cười...
Bỗng Tiểu công chúa kêu lên:
- A! Vạn lão phu nhân đã ra kìa!
Vạn lão phu nhân chẳng rõ đã ra từ lúc nào, đang ngồi ủ rũ một góc.
Lý Danh Sanh đứng một bên, điểm một nụ cười có phần ngương ngạo, ngượng nghịu.
Phương Bửu Ngọc thở dài:
- Tại hạ biết rồi!
Tiểu công chúa cau mày:
- Ngươi biết cái chi?
Phương Bửu Ngọc đáp:
- Trong ngôi nhà cỏ nơi rừng dâu, hẳn là thuộc hạ của Vương Đại Nương cư trú, cho nên Hỏa Ma Thần ước hội chúng ta tại ngôi nhà đó...
cô nương nghĩ có đúng vậy chăng?
Vương Đại Nương mỉm cười đáp chận công chúa:
- Đúng vậy! Chẳng những ngôi nhà đó là của già, mà luôn cả ngôi rừng dâu cũng của già. Thiếu hiệp biết không, bọn thiếu nữ rỗi rảnh sanh buồn, nên mượn công việc trồng dâu nuôi tằm giải khuây.
Phương Bửu Ngọc gật gù:
- Và cái lão hộ lưu nào đó do Lý Danh Sanh nêu ra cũng chỉ là con người giả tạo...Hắn chẳng thấy chi cả, những gì hắn nói toàn là sự bịa đặt, chỉ có trong tưởng tượng của hắn thôi.
Lý Danh Sanh cười khổ:
- Chẳng phải tại hạ thực ý cố tình lừa thiếu hiệp, mà chỉ vì Vương...
Vương Đại Nương chận liền:
- Biến cố phát sanh trong rừng dâu, già chẳng biết mảy may, nhưng khi thiếu hiệp và Tiểu công chúa đến nơi, thì già trông thấy. Già sợ hai vị chẳng biết nơi đây, mà đến đây để tìm già, cho nên già nhờ Lý Danh Sanh làm hướng đạo hoặc thông tri sự tình cho thiếu hiệp hiểu. Khi môn hạ Hỏa Ma Thần đến mượn nhà, thì già có mấy tấm thiệp ghi địa danh Đại Danh Phủ.
Lý Danh Sanh thốt:
- Tuy nhiên, những gì tại hạ nói, chẳng phải hoàn toàn do tại hạ bịa đặt. Tại hạ không thấy họ động thủ, song Thiết Kim Đao thấy rõ.
Phương Bửu Ngọc trầm giọng:
- Rồi hắn thuật lại cho các hạ nghe?
Lý Danh Sanh gật đầu:
- Do đó, tại hạ tin chắc thế nào thiếu hiệp cũng đến.
Phương Bửu Ngọc lại hỏi:
- Các hạ có thật sự là bằng hữu của Thiết Kim Đao chăng?
Lý Danh Sanh mỉm cười:
- Nào chỉ là bằng hữu thôi đâu! Tại hạ và hắn ngày trước là bạn đồng môn, tại hạ còn là sư huynh của hắn, chỉ... tại hạ lười học tập...
thành ra...
Hắn không cần nói nữa, người nghe cũng hiểu hắn nói gì.
Phương Bửu Ngọc thở dài:
- Trên đời đâu có những tấu xảo kỳ lạ như thế này? Thật tình tại hạ chịu thôi! Dù có giàu tưởng tượng đến đâu cũng không suy đoán nổi.
Lý Danh Sanh thốt:
- Những sự tấu xảo trên đời nào phải hiếm có! Khi nào thiếu hiệp bằng tuổi tại hạ bây giờ, tự nhiên rồi thiếu hiệp sẽ biết. Giả như cái việc tại hạ vừa ló đầu ra là gặp ngay Vạn lão phu nhân!
Phương Bửu Ngọc tiếp:
- Vạn lão phu nhân nhận ra các hạ dễ dàng. Bà ấy không muốn cho tại hạ đến Bạch Thủy Cung, cho nên bà uy hiếp các hạ, gặp tại hạ bịa chuyện lừa dối tại hạ, bà ta sơ xuất lại không biết được các hạ là bằng hữu của Vương Đại Nương.
Chàng không đợi ai tiếp lời, nhìn thoáng qua Tiểu công chúa rồi tiếp luôn:
- Tất cả sự việc vừa diễn ra, cô nương hiểu rõ! Cô nương lại giả vờ mù mờ, để hí lộng tại hạ, biến tại hạ thành một ngốc tử...
Tiểu công chúa trầm lặng một lúc lâu, đoạn gằn từng tiếng:
- Phải! Ta biết mọi việc! Ta biết trước! Ta cố ý lừa ngươi! Ta chỉ muốn biến ngươi thành một ngốc tử!
Bỗng nàng đứng lên, bước ra cửa, đôi vai của nàng rung rung.
Phương Bửu Ngọc cười lạnh:
- Cô nương đã cố tình lừa gạt tại hạ,ï thì hà tất...
Vương Đại Nương cất tiếng:
- Nàng không lừa thiếu hiệp đâu! Đừng buộc tội oan cho nàng!
Phương Bửu Ngọc giật mình:
- Tại hạ buộc tội oan cho nàng?
Vương Đại Nương tiếp:
- Nàng chẳng biết việc chi cả! Nàng chẳng biết mảy may sự tình!
Nàng không biết già ở tại đây, nàng cũng không biết Lý Danh Sanh hiệp tác với già! Do đó nàng không hiểu được Lý Danh Sanh nói thật hay bịa.
Phương Bửu Ngọc hoang mang:
- Thế...tại hạ đoán sai?
Vạn lão phu nhân vụt thốt:
- Ngươi sai! Hoàn toàn sai! Chẳng những ngươi nói oan cho nàng mà ngươi còn nói oan luôn cho già! Ngươi là ngốc tử, một tiểu ngốc tử!
Ngươi cho rằng ngươi hiểu hết mọi chuyện nhưng thực ra ngươi chẳng hiểu được bao nhiêu! Bất quá ngươi tự cho rằng ngươi là kẻ thông minh, chứ thiên hạ vị tất cho ngươi là kẻ thông minh?
Phương Bửu Ngọc cau mày:
- Tại hạ nói oan cho bà điều chi?
Vạn lão phu nhân hừ một tiếng:
- Ngươi có biết vì sao già đến nơi này chăng? Tấu xảo như ngươi?
Nói cho ngươi hiểu, ta theo dấu một người, thành ra lạc bước đến đây!
Phương Bửu Ngọc trố mắt:
- Ai? Bà theo dõi ai?
Vạn lão phu nhân gằn giọng:
- Người đó, ngươi chẳng biết đâu! Già theo dõi hắn từ Thái Sơn đến đây, dọc đường, hắn làm gì già đều biết rõ!
Phương Bửu Ngọc sững sờ:
- Việc đó thì...
Vương Đại Nương cười lớn:
- Dễ! Rất dễ! Bà có những thức ăn cho ngươi, tùy ngươi chọn!
Không đợi cho Vương Đại Nương ra lệnh cho các thiếu nữ mang thức ăn đến, Phương Bửu Ngọc bước lại bàn, lấy dưa, trái cây đưa cho Vạn lão phu nhân.
Vạn lão phu nhân lại đòi:
- Già khát quá!
Phương Bửu Ngọc lại rót trà cho bà.
Các thiếu nữ cười khúc khích.
Vương Đại Nương cũng cười:
- Được Phương thiếu hiệp hầu ăn uống, kể ra ngươi cũng tốt phúc đấy!
Phương Bửu Ngọc mỉm cười:
- Bây giờ, bà có đủ sức lực nói chưa?
Vạn lão phu nhân ăn xong, uống xong, từ từ thốt:
- Già theo dõi các lão quỷ Thiết Nhiệm, Như Ý!
Phương Bửu Ngọc giật mình, Vương Đại Nương biến sắc.
Tiểu công chúa cũng kinh hãi phi thường. Nàng quay nhanh đầu lại, kêu lên:
- Thì ra là họ!
Vạn lão phu nhân tiếp:
- Sau khi đại hội Thái Sơn giải tán, già len lỏi vào Vạn Trúc Sơn Trang, nhưng lúc già đến nơi thì ngươi đã khởi hành rồi. Đương nhiên già thất vọng, ngờ đâu...
Phương Bửu Ngọc chú ý:
- Rồi sao nữa?
Vạn lão phu nhân tiếp:
- Già phát giác ra bọn Thiết Nhiệm, Như Ý ngầm điều động đệ tử của họ, chẳng hiểu họ định làm gì...
Phương Bửu Ngọc hỏi gấp:
- Sau đó?...