Quần hùng chưa kịp lên tiếng, Lãnh Băng Ngư đã lướt tới quát:
- Bỏ qua cái vụ xem gì trong bọc đó đi, ta muốn ngươi hãy vung chiếc Thiên Long Côn của ngươi lên xem ngọn côn của ngươi thần diệu ở chỗ nào mà ngươi dám xếp hạng nó ở trên hẳn Phá Vân Bút của ta?
Công Tôn Hồng đưa ánh mắt sang Lãnh Băng Ngư, ánh mắt ngời lên vẻ miệt thị rõ rệt, đoạn y bật cười ha hả, hỏi lại:
- Các hạ chẳng thể chờ một chút được nữa sao?
Lãnh Băng Ngư hừ một tiếng:
- Không thể chờ thêm một giây? Ta đã chờ cuộc chiến này từ sáu năm qua, ta chỉ trông ngày trông đêm, gặp ngươi tại một nơi nào đó, giao thủ với ngươi, ta chờ đã lâu. Như thế ngươi bảo ta chờ thêm nữa, chờ thế nào dược? Vô luận là ngươi hữu lý vô lý, ta vẫn chẳng xem ngươi ra gì, thì đừng nói chi với ta cả. Cứ cử Thiên Long Côn của ngươi lên đi.
Công Tôn Hồng gật đầu:
- Các hạ muốn gấp, tại hạ chiều ý chứ biết sao?
Y buông chiếc đao xuống sàn đài, đoạn hoành ngang ngọn côn trước ngực, hét:
- Vô đi!
Lãnh Băng Ngư nhìn chiếc côn bằng gỗ nơi tay Công Tôn Hồng hỏi:
- Ngươi định động thủ, sao không lấy Thiên Long Côn sử dụng?
Công Tôn Hồng gằn chiếc côn gỗ một nhát đáp:
- Thiên Long Côn ở trong chiếc gậy này!
Chẳng những Lãnh Băng Ngư giật mình mà quần hùng quanh đài cũng sửng sốt.
Có ai ngờ được một loại vũ khí ngoại môn được kể là vô song, có cái tên là Phong Vân Thiên Long Côn, lại chỉ là một đoạn gỗ tầm thường dài ba thước?
Chiếc côn gỗ đó, có chỗ diệu dụng như thể nào lại được xếp hạng trên cả Vũ Song Ưng Bài, Lôi hỏa thần tiên, Câu liêm đao, Phá Vân Chấn Thiên Bút, những loại vũ khí ngoại môn tối lợi hại trên giang hồ?
Người cần chú ý hơn ai hết phải là Lãnh Băng Ngư, y dán mắt nhìn chiếc côn gỗ. Y nhìn một lúc lâu, mỗi phút giây qua gương mặt y càng lộ vẻ kinh dị.
Chẳng hiểu tại sao y kinh dị, cuối cùng thì vẻ kinh dị đó tan biến, nhường cho niềm tuyệt vọng, y ngẩng mặt lên không, bật cười cuồng dại.
Công Tôn Hồng trầm giọng:
- Lâm trận đối chiến sao lại bật cười?
Lãnh Băng Ngư cười một lúc nữa đoạn cao giọng hỏi:
- Thế ngươi chẳng cho ta được quyền biểu lộ niềm thất vọng của ta sao?
Công Tôn Hồng hừ một tiếng:
- Sao lại thất vọng?
Lãnh Băng Ngư bĩu môi:
- Ngươi nghĩ xem, một đoạn gỗ như thế lại mang cái lên là Thiên Long Côn, đã thế lại còn được xếp hạng trên chiếc Chấn thiên bút của ta! Tự nhiên ta phải thất vọng, vì giang hồ mất công đạo rồi! Vì quá thất vọng ta bật cười cho khuây khỏa.
Công Tôn Hồng không nói gì cả, nhìn Lãnh Băng Ngư một lúc lâu rồi vụt cười vang, tràng cười của y còn to hơn, dài hơn tràng cười của Lãnh Băng Ngư.
Đến lượt Lãnh Băng Ngư trố mắt:
- Tại sao ngươi cười?
Công Tôn Hồng cười một lúc mới ngưng bặt tràng cười nói:
- Các hạ lại cấm đối thủ cười à?
Y tiếp luôn:
- Một vị thiếu trang chủ từng nổi tiếng là văn võ kiêm toàn, thinh danh chấn động khắp sông hồ, lại chẳng có nhãn lực. Chính điều đó là nguyên nhân của tràng cười do tại hạ vừa phát xuất, cười để quên đi sự tiếc rẻ cái điều thiếu kém của các hạ.
Lãnh Băng Ngư sôi giận:
- Tại sao ngươi dám khinh miệt ta như thế?
Công Tôn Hông điềm nhiên giải thích:
- Các hạ có học thức uyên thâm, há chẳng biết cái đạo lý quá ngu thành hiền, quá vụng thành xảo à? Cái xảo, luôn luôn tìm cái xảo mà tranh hơn, người khôn luôn luôn tìm mọi cái tỏ ra khôn hơn kẻ khác, cứ chạy theo cái xảo cái khôn, sự hơn kém không sai biệt quá nhiều bởi ai cũng dè dặt trong cách đối phó với nhau, rồi cái gì cũng đi đến chỗ cực đoan, xảo quá thành vụng, khôn quá thành ngu. Từ cái vụng cái ngu, thoát đi tìm cái xảo, cái khôn đến chỗ cực đoan rồi, trở về cái gốc cũ, sao cho bằng cái chất thuần của gốc cũ? Mà cái gốc cũ là vô cực, cho nên chiếc côn gỗ của tại hạ, hình thức tuy bình dị, nhưng nó là cái gốc vô cực, chứa đựng huyền cơ biến hóa của trời, quỷ thần không biết nổi, người đời làm sao biết nổi? Đem một loại vũ khí vô cực, sánh với vũ khí tầm thường trên thế gian, thì đúng là làm một việc hết sức nông nổi.
Lập luận của Công Tôn Hồng về chiếc côn gỗ, chẳng khác lập luận của Phương Bửu Ngọc về thanh kiếm gỗ.
Một đàng dùng tâm côn, một đàng dùng tâm kiếm, tuy hai đạo lý có chỗ tiểu dị, nhưng lại đại đồng.
Phương Bửu Ngọc nghe lời luận của Công Tôn Hồng gật gù tán thưởng.
Nhưng, quần hùng nào lãnh hội được chỗ huyền diệu mà Công Tôn Hồng vừa phớt qua.
Dĩ nhiên, Lãnh Băng Ngư cũng chẳng hiểu nốt, y hét lên:
- Cái lưỡi của ngươi rất mềm, nhưng lại chỉ dùng tạo nên những lời huyền hoặc, một đoạn gỗ xem ra kém đẹp hơn gậy đánh chó của bọn ăn mày, phỏng có gì là huyền diệu mà ngươi khoa trương khoác lác.
Câu nói vừa buông dứt, y vung tay liền.
Chấn Thiên Bút chớp lên, vẽ thành một vầng sáng bạc, cuốn tới Công Tôn Hồng.
Quanh sân đài, những ngọn đèn chiếu rực thách thức vầng trăng.
Giữa đài Chấn Thiên Bút tỏa rộng ngân quang, tạo thành một cục diện riêng biệt.
Cả ba cục diện trăng, đèn, bút thi đua nhau tỏa sáng, chẳng cục diện nào chịu kém cục diện nào.
Rồi dần dần cả ba cục diện như hòa hợp lại, cuối cùng thì quần hùng chỉ thấy vầng ngân quang đảo lộn giữa sân đài.
Ngân quang toa? rộng che khuất người sử dụng Chấn Thiên Bút.
Chẳng ai trông thấy người thật sự Ở phương vị nào, bút thật sự Ở tư thế nào.
Quần hùng thồi hộp theo dõi cuộc chiến, hội trường lặng lẽ như bãi tha ma, chẳng có một tiếng động nào ngoài tiếng gió thu đùa cành lá và tiếng rít của chiếc bút Chấn Thiên.
Quần hùng nhận ra, xuất thủ lần này, Lãnh Băng Ngư có đấu pháp khác hẳn hơn đấu pháp đã áp dụng trong hai lần trước.
Chẳng có chi đáng nói, bởi trong hai trận trước y không phát xuất toàn lực, và lần này y tận dụng sở năng, nhất định đánh gãy đoạn gỗ nơi tay Công Tôn Hồng, chẳng cần gì kết liễu mạng sống của địch.
Vững tâm nơi Lãnh Băng Ngư rồi, quần hùng nhìn sang Công Tôn Hồng.
Mọi người đều tỏ lộ niềm thất vọng ra mặt, may ra chỉ có mỗi một Phương Bửu Ngọc thôi!
Chiêu thứ năm chưa bắt đầu, qua chiêu thứ sáu, Công Tôn Hồng đã kém thế rồi.
Chiếc Thiên Long Côn hầu như không còn vung lên như trước, vì áp lực của địch quá mạnh. Con người có thân vóc như vậy, khí thế như vậy hẳn phải có công lực phi thường, đứng giữa đài như thiên thần hiện xuống, nhưng chẳng biểu lộ được một phản ứng nào, thì còn gì làm gì thất vọng người xem hơn?
Lạ lùng bơn nữa là những chiêu thức của Công Tôn Hồng đưa ra gọi là chiêu thức bởi họ đang đấu võ công chứ thật ra chẳng có quy củ gì, chừng như y vung càn vung bướng, thuận tay lực nào là vung côn gỗ đến đó, thuận hướng nào là đánh ra lúc đó.
Mà lối đánh ra mường tượng kiếm, mường tượng đao, lại mường tượng luôn tiên, câu, có khi y xuất trọn một chiêu, có khi côn bổ ra được nữa tầm là y biến thế.
Ngàn người như một cầm chắc Lãnh Băng Ngư phải thắng, họ còn nhìn vào cuộc đấu, bất quá chờ xem kết cuộc Công Tôn Hồng còn có được sống sót hay phải ngã gục dưới chiếc bút tinh kỳ.
Phương Bửu Ngọc thở dài:
- Cái xảo trong cái vụng. Cái vụng che giấu cái xảo diệu huyền, đúng quá! Đúng quá! Lãnh Băng Ngư làm gì nhận thấy điều đó?
Chấn Thiên Bút càng lúc càng nhanh, múa ngọn bút được như Lãnh Băng Ngư, phải là tay phi phàm vậy!
Lãnh Băng Ngư càng nhanh thủ pháp, Công Tôn Hồng càng tỏ ra chậm chạp miễn cưỡng.
Nhưng đánh mãi song phương vẫn ở trong cái thế quân bình.
Và Lãnh Bàng Ngư đã sử dụng bảy tám phần công lực, trong khi Công Tôn Hồng chỉ hao phí một phần.
Lãnh Băng Ngư đã tận dụng sở năng, vẫn không làm sao áp đảo nổi Công Tôn Hồng.
Nhất Mộc đại sư thở dài:
- Võ công Lãnh thí chủ vừa xuất phát ra là tỏ cái khí bức người, ào ào như thác đổ, liên miên bất tuyệt người xem phải mê man, nhưng xem mãi rồi phải chán, như tiếng thác đổ nghe lâu rồi dội tai, cũng như chén sâm, ngửi thì thơm, uống thì ngọt, thử mãi, uống mãi lại sanh ngấy. Còn võ công của Công Tôn thí chủ thì...
Đinh lão phu nhân mỉm cười:
- Võ công của Công Tôn đại hiệp như nước rơi từng giọt, xem chẳng có gì thích thú khiến con người mê man, như một chén thuốc đắng, khó nếm, nhưng những giọt nước đó rơi đều đều có nhìn lâu mới thấy cái thú vị, chén thuốc đắng kia, nếu dám nếm, cái đắng qua rồi thì cái dịu hiện ra bên trong. Cho nên dựa vào đạo lý ăn vội, ăn nhanh thì chẳng làm sao thưởng thức được cái thâm trầm huyền diệu, chúng ta có thể so sánh võ công của hai người!
Nhất Mộc đại sư gật đầu:
- Và chúng ta có thể kết luận, qua năm mươi chiêu, Lãnh thí chủ phải...
Năm mươi chiêu, với đấu pháp thần tốc ồ ạt của Lãnh Băng Ngư qua rất mau.
Công Tôn Hồng bỗng cười lớn, dứt tiếng cười y hét to:
- Buông vũ khí, Lãnh Băng Ngư!
Cùng với tiếng hét y khoát một vòng tay. Chiếc Thiên Long Côn theo tay y rít gió, chớp lên.
Vầng ngân quang đang tỏa rộng, vụt rã rời thành ngàn, thành vạn điểm sao, tất cả những điểm sao đổ xuống sàn đài, ào ào rồi tắt lịm.
Hai vũ khí chạm nhau, đầu chọi đầu không gây một tiếng động nào cả.
Quần hùng ngơ ngác chẳng hiểu tại sao vùng ngân quang tan biến.
Mọi người trố mắt nhìn, thấy đầu côn gỗ đang đè lên chiếc bút, côn gỗ không nhúc nhích, chiếc bút lại chuyển động như con rắn đang bị một tảng đá đè lên, uốn mình quậy đuôi, nhoi đầu cố thoát ra ngoài áp lực đó.
Rắn là loài linh động, đá là vật vô tri, đá cứng đè lên, rắn linh động cách nào cũng không vùng vẫy nổi.
Đá, do người điều động, nếu tảng đá áp xuống mạnh hơn, thì rắn phải nát mình.
Nhưng đá chưa áp xuống mạnh hơn, đá chỉ giữ tư thế đó cho mọi người trông thấy.
Gương mặt ngạo nghễ của Lãnh Băng Ngư lúc đó đã biến thành bối rối kinh khiếp, hổ thẹn, phẫn hận, ngần ấy vẻ hợp với sự khẩn cấp tạo cho y một thần sắc quái dị.
Y cố vùng vẫy để rút chiếc Chấn Thiên Bút khỏi áp lực của Thiên Long Côn, đôi mắt đỏ ngầu lên, đỏ vì cố gắng mà cũng đỏ vì phẫn nộ.
Mồ hôi đổ ra, ướt cả đầu, cả trán kết thành giòng, chảy ròng ròng xuống má, xuống áo.
Đinh lão phu nhân đứng lên, trầm giọng:
- Thắng bại đã phân định rõ rệt rồi, Lãnh đại hiệp nên buông bút đi.
Buông bút, chẳng phải theo cái ý của Công Tôn Hồng bởi buông như vậy thì còn chi mặt mày Lãnh Băng Ngư.
Sở dĩ cố gắng giữ cái tư thế, dù là tư thế bại, chỉ vì không thể buông bút.
Nghe theo lời Đinh lão phu nhân buông bút là chịu lùi lại, chịu đầu hàng.
Tất nhiên, Lãnh Băng Ngư khi nào lại chịu lùi lại? Y quát lớn:
- Ai cho rằng thắng bại đã được phân định? Xem đây!
Bỗng chiếc Chấn Thiên Bút gãy thành bảy đoạn từ trong lòng mỗi đoạn, một vầng sáng bay vút ra, mỗi vầng sáng trông như nắm tuyết, không kết thành khối duy nhất nhưng cũng chẳng rã rời.
Bảy vầng sáng đó, có màu sắc khác nhau, mỗi vầng một màu, gồm xanh xám đỏ vàng đen trắng tím.
Chẳng rõ đó là những vật gì, tất cả bảy vầng sáng chớp như châu ngọc, tia chớp dao động mạnh hơn tia sao trời.
Quần hùng hoa cả mắt, nghĩ là Công Tôn Hồng phải chết với bảy vầng sáng đó, bởi vì y có tài thánh cũng chẳng làm sao tránh kịp, vì khoảng cách giữa song phương rất hẹp và vầng sáng thì lại vút nhanh.
Mọi người cứ lo sợ cho Công Tôn Hồng vì những vầng sáng quá lợi hại đó.
Chứ có ai suy nghĩ đến hiện cảnh của Công Tôn Hồng?
Dùng công lực dồn ra chiếc côn đè xuống Chấn Thiên Bút, bỗng nhiên chiếc bút gãy ra làm bảy đoạn, công lực của y mất chỗ chịu, đầu côn chúi xuống, thân hình mất thăng bằng đương nhiên y phải ngã nhào tới.
Nhưng ngã nhào tới như vậy là tự đẩy mình nhanh đến những vầng sáng, làm sao y có phản ứng kịp thời chuyển nguy thành an.
Y nhào tới thật.
Quần hùng xanh mặt cùng rú lên.
Trong tiếng rú tập thể đó có chen lẫn một tiếng rú khác từ trên đài vọng xuống.
Tiếp theo tiếng rú riêng biệt, một thân hình bị tung bổng lên không, rồi rơi xuống chân đài.
Không ai không tưởng là thân hình đó, chính là Công Tôn Hồng.
Nhưng tiếng rú đó không phải do Công Tôn Hồng phát xuất.
oo Phải nhìn nhận Công Tôn Hồng trầm tịnh phi thường, có trầm tịnh mới nghĩ ra sự phản ứng hữu hiệu.
Bảy vầng sáng vừa bay qua, Lãnh Băng Ngư cũng vừa vọt theo ám khí, phần hạ bộ bỏ trống...
Áp lực tại đầu côn gỗ mất sức chịu, đầu côn trầm xuống Công Tôn Hồng không đợi thân mình chúi xuống, y nương theo ngọn côn trầm hụp nhanh sát sàn đài, ấn hai ngón cái, phóng tới vừa vặn thoát lọt qua hạ bộ của Lãnh Băng Ngư.
Qua khỏi hạ bộ của Lãnh Băng Ngư rồi Công Tôn Hồng lượn mình lên, khi Lãnh Băng Ngư phát hiện ra điều đó, mặt mày xanh mét, chưa kịp xoay trở, chiếc Thiên Long Côn theo tay Công Tôn Hồng hoành ngược lại đã quét đến mình y rồi.
Phát xuất ám khí, Lãnh Băng Ngư hành động liều, vọt theo ám khí bỏ trống phần hạ bộ, là hành động liều lĩnh thứ hai trong khi giao đấu mà bỏ phần hạ bộ, có khác nào giặc đến mà nhà lại mở cửa rộng ra.
Y liều cũng có, mà y cầm chắc cái thắng trong tay nên chẳng cần phòng thủ cũng có.
Ai ở trong địa vị của Công Tôn Hồng cũng phải phẫn nộ như y vì đối phương thay vì nhận bại đúng theo tinh thần thượng võ lại giở ám khí ra sử dụng bất chấp quy luật hội trường, hành động đê tiện đó, không thể dung thứ.
Cho nên Công Tôn Hồng phẫn nộ, ngọn côn gỗ quật ngược lại với tất cả công lực bình sanh của y, một ngọn côn sát thủ.
Lãnh Băng Ngư lãnh trọn ngọn côn, thân hình thì tung bổng lên không rơi xuống đất kêu một tiếng bình vang dội. Y rơi đúng trước mặt Mạc Bất khuất và Thạch Bất Vi.
Trong khi đó, Công Tôn Hồng uốn mình lộn trên không một vòng lấy thế đáp xuống.
Y nhìn Lãnh Băng Ngư rồi cao giọng thốt:
- Tự người tìm cái chết, không nên oán hận tạ..
Cái bại của Lãnh Băng Ngư xảy ra ngoài chỗ tưởng tượng của quần hùng. Bởi ai ai cũng tin chắc là chức vị đại biểu võ lâm về tay họ Lãnh, mà trận đấu cuối cùng chưa khai diễn, họ Lãnh đã là kẻ chiến bại rồi!
Mọi người bàn luận xôn xao, có người la hét lên làm vang dội hội trường.
Công Tôn Hồng đứng nghiêm tại đài, như một thiên thần.
Giờ đây y là điểm trung tâm hút hàng ngàn, hàng vạn cặp mắt cùng hướng về y.
Mọi cặp mắt đổ dồn vào Công Tôn Hồng, chỉ có một cặp mắt còn nhìn Lãnh Băng Ngư.
Người nhìn y là Phương Bừu Ngọc.
Lãnh Băng Ngư thiếp đi một lúc rồi tỉnh lại vừa cử động được là bò tới, bò về phía Thạch Bất Vi. Trên gương mặt của y, vẻ kinh hãi tiềm ẩn đau đớn, nét oán độc cùng hiện lên quá rõ.
Trong ánh mắt ngời lên niềm thất vọng.
Y nhìn Thạch Bất Vi chừng như muốn nói gì, đôi môi mấp máy một lúc lâu, song chẳng một lời nào thoát ra.
Y cố gượng đứng lên, vừa đứng được lại chao chao người rồi ngã xuống.
Lời nói muốn thốt ra đó vĩnh viễn y không còn nói được.
Và sự bí mật trong tâm tư y, vĩnh viễn y không còn tiết lộ với ai.
Thạch Bất Vi phải chú ý đến Lãnh băng Ngư nhiều hơn chú ý đến Công Tôn Hồng, những ai có tinh thần thượng võ cũng quan tâm đến kẻ bại hơn là thừa nghinh kẻ thắng.
Thạch Bất Vi nhìn Lãnh Băng Ngư, trầm lặng nhìn, thần sắc không hề biến đổi, dù có nhận ra thần sắc quái dị của Lãnh Băng Ngư.
Nếu để ý chỉ thấy đôi mắt của Thạch Bất Vi sáng lạnh hơn lúc thường.
Ánh mắt đó có đủ mãnh lực làm khiếp đảm con người, nó là thứ ánh mắt của hung thần, ác quỷ nhưng hung thần ác quỷ, thâm trầm sâu sắc, không hùng hổ, hầm hừ.
Phương Bửu Ngọc theo dõi biến chuyển của hai gương mặt rồi chàng cũng biến đổi thần sắc luôn.
Chừng như có một vầng sáng đang hiện lên trên gương mặt chàng, mang lại màu hy vọng...
Bên trên đài, Công Tôn Hồng bắt dầu kể chuyện:
- Ba năm trước đây tại hạ vượt rừng vượt núi, lướt trùng dương tìm đến tận Đông Doanh tam đảo, truy nguyên tung tích của bạch y kiếm khách. Đông Doanh Tam Đảo, theo truyền ngôn của tiền nhân, vốn thuộc giang sơn Nhà Hán, dân cư gồm Hán tộc, người thuỷ tổ là Từ Phúc dẫn năm trăm nam nữ đến định cư, lý do cuộc diễn xuất đó là tìm thuốc trường sinh cho một vị bạo chúa, nhưng đến nơi rồi chẳng một ai trở lại đất liền... Tại đó, phong tục và sinh hoạt, trải qua nhiều thế hệ rồi, vẫn giống như tại đất liền, chẳng mảy may thay đổi. Trong toàn thể dân cư, có một thiểu số người yêu chuộng quá khích, bỏ văn, theo võ tánh tình hung bạo gần như tàn nhẫn, một lời nói nghe nghịch tai là bạt kiếm tranh chấp liền. Thiểu số này xem cái chết như lông hồng...
Y dừng lại. Mọi người chú ý lắng nghe tiếp:
Y dừng lại một chút, đoạn tiếp nối:
- Ban sơ người trên đảo sử dụng võ công từ Trung Thổ mang sang lúc Từ Phúc di dân, vì gián đoạn liên lạc với đất liền, võ công đó dần dần biến đổi, xa cội rễ tạo thành một chiều hướng riêng biệt, cuối cùng thì hoàn toàn khác hẳn với võ công Trung Nguyên. Bởi có một thiểu số hung tàn, và chính thiểu số lại chuyên luyện võ công nên võ học tại Đông Doanh Tam Đảo xa dần nguyên thủy tôn trọng tinh thần thượng võ, để chuyên chú vào đấu pháp cay độc, hiểm ác. Vũ khí thường dùng của người trên đảo là loại đao có hình thức vô cùng kỳ quái, thân đao dài, hẹp, mũi đao rất nhọn, cách chế luyện hết sức tinh kỳ, có thể bảo mỗi thanh đao là một báu đao. Đao pháp thì rất giản đơn, nhưng phải cái là rất độc. Môn phái lại quá nhiều, phàm ai biến chế được năm ba chiêu đặc biệt và linh diệu cũng có thể lập ra một môn phái. Tại đảo người ta gọi là Lưu, chứ không gọi là môn phái như người Trung Thổ chúng ta. Đại loại tại hạ có thể đơn cử hơn hai mươi Lưu:
Tàn Nguyệt Vô Song Lưu, Nhất đao lưu, Thiên Long bí pháp lưu... cũng có một vài nơi người ta còn nhớ gốc cũ là Trung Thổ nên vẫn dùng tiếng phái như chúng ta, chẳng hạn Liễu Sanh Anh Hùng phái... Những lưu, phái do tại hạ vừa kể, rất có thinh danh tại đảo, cũng như những phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Lôn của chúng tạ..
Dẫn giải qua một lúc lâu về võ học Đông Doanh Đảo, Công Tôn Hồng chưa đi vào vấn đề chính yếu, tuy nhiên quần hùng vẫn thích nghe, bởi họ được nghe những cái mới lạ.
Công Tôn Hồng lại tiếp:
- Đến Đông Doanh đảo, trong năm đầu tại hạ chẳng thu được sự hiểu biết gì quan trọng cả, bởi ngôn ngữ bất đồng, hơn nữa về sinh hoạt cũng như phong tục tại đảo hoàn toàn khác biệt, một người Trung Nguyên mới đến đó tự nhiên phải lạc lõng. Sang đến năm thứ hai thì tại hạ quen cảnh quen người, chính thời gian này được sử dụng trọn vẹn cho mục đích cuộc viễn hành của tại hạ. Rồi có những cuộc luận đàm về võ thuật, có những cuộc ấn chứng võ công, nhờ đó mà tại hạ được quen với nhiều vị Tông chủ, Phái trưởng. Trong những cuộc so tài tại hạ luôn luôn giữ thái độ hòa nhã, thường thủ hòa, còn như cần thắng thì cũng chạm nhẹ rồi dừng, chẳng hề gây thương tổn cho một ai.
Y lại dừng, đảo mắt nhìn bàn chủ toa. đến quần hung khắp bốn phía, đoạn tiếp:
- Cứ như chỗ truy cứu của tại hạ thì võ công của người áo trắng rất tương tự với đấu pháp của phái Liễu Sanh Anh Hùng, do đó tại hạ chú tâm dò xét đặc biệt về phái ấy.
Bây giờ y đã vào đề chính, quần hùng càng chăm chú nghe hơn.
Chính Phương Bửu Ngọc cũng lắng nghe, tạm dẹp những ý niệm riêng biệt qua một bên.
Công Tôn Hồng tiếp:
- Tại hạ may mắn được tiếp xúc với ba vị anh hùng tại Đông Doanh đảo là Liễu Sanh Tất Trai, Kiết Cương Chánh Hùng, và Y Thế Lang.
Trong những cuộc luận đàm về võ thuật tại hạ được họ cho biết lai lịch của Bạch Y Kiếm khách.
Mọi người đều a lên một tiếng, rồi im lặng chờ nghe tiếp.
Công Tôn Hồng không để họ chờ lâu, tiếp liền:
- Mấy mươi năm trước đây, trong võ lâm Trung Nguyên có một bậc kỳ nhân, trí tuệ cực cao, giao lưu rộng, đi đứng nhiều, bởi muốn học quá nhiều nghề, thành ra nghề nào cũng chẳng được tinh chuyên, về võ công cũng thế vị kỳ nhân đó biết hầu hết những môn công phu của các môn các phái, nhưng không biết môn công phu nào tận tường. Tuy giao du rộng, nhưng toàn là những sự giao du phù phiếm, bởi vị kỳ nhân đó có chí khí rất cao, chỉ chuyên tìm những cao thủ giang hồ.
Y thở dài tiếp:
- Tự nhiên mỗi lần so tài là mỗi lần thảm bại. Cao không theo kịp, thấp không buồn nhìn, người ấy chung quy bị tất cả bỏ rơi, thành ra lạc thác phiêu linh, lạc lõng giữa giòng đời. Khi tuổi đã cao, người lại có con. Lấy cái vốn thực nghiệm trên đường đời, người đó quyết tâm đào luyện đứa con trở thành một bậc kỳ tài, chừng như để trả hận người đời khinh miệt đến ra thân thác lạc. Vì võ lâm Trung Nguyên ruồng rẫy, người đó theo thuyền buôn đến đảo Đông Doanh, dĩ nhiên có mang đứa con cùng đi. Lúc đứa con còn nhỏ tuổi, người đó phối chế một loại dược thủy, tẩm gân luyện cốt cho con, và khi đứa con biết đi, người đó bắt đầu truyền võ công, chừng như không dám lãng phí một phút giây nào.
Bởi hiểu hầu hết các môn công võ học, tuy không tinh luyện môn công nào nên dù chẳng thành danh là nhất lưu cao thủ, người đó thừa sở năng làm một vị danh sư. Và đứa con đã được cha truyền dạy tất cả sở học. Cha một ngày một già thì con một ngày một lớn, đến năm mười tuổi thiếu niên đã luyện được một bản lãnh tân kỳ, đến năm mười một tuổi là bắt đầu đi đó đi đây khắp đảo để tranh tài cùng các cao thủ.
Thiếu niên lê gót chân xuôi ngược toàn đảo Đông Doanh trong thời gian mười năm, giao thủ với khắp mặt anh hùng, trong số đó có cả Liễu Sanh Tất Trai, Kiết Cương Chánh Hùng và Y Thế Tang...
Trong quần hùng, có người buột miệng hỏi:
- Thiếu niên thắng hay bại?
Công Tôn Hồng đáp:
- Trong hai năm đầu tiên, thiếu niên bại trước những tay đại hữu danh, nhờ y bại nơi tay những bậc kỳ tài, nên y không bị sát hại, vì như tại hạ đã nói, võ sĩ Đông Doanh rất hiếu sát, bởi các vị đó đều cao niên kỷ, chẳng ai nỡ sát hại một thiếu niên có tinh thần cầu tiến. Sau mỗi lần thất bại, y lại chuyên luyện, càng bại y càng chuyên luyện, cuối cùng y trở thành tay vô địch. Tại hạ không cần nói rõ, hẳn các vị cũng thừa hiểu, y là Bạch Y Kiếm Khách, con người đang được chúng ta chú trọng nhất hiện thời!
Y dừng lại một chút rồi tiếp:
- Lúc trở thành vô địch, y vừa được mười tám hay mười chín tuổi chi đó. Vốn thân thể cứng rắn như thép, lại qua mười năm khổ chiến, kinh nghiệm và tinh luyện tạo y nên một tay kiếm nội ngoại công tuyệt đỉnh, nhờ cha y học hết các môn công võ học Trung Nguyên, nhờ giao đấu y lãnh hội hầu hết các môn công võ học Đông Doanh. Cứ như sự nhận xét của các vị anh hùng tại đảo thì võ công của y cao vô tưởng, không ai ước độ được các mức cao đến đâu.
Công Tôn Hồng lại dừng, rồi thở dài mấy tiếng lại tiếp:
- Cha còn sống, y còn phần nào tư tưởng đến nhân ảnh, cha chết rồi, thì y hoàn toàn hướng lẽ sống đến võ nghiệp, nhất tâm chuyên chú võ nghệ, ngoài võ nghiệp ra y chẳng tha thiết đến những gì khác kể cả sinh hoạt của y cho nên y bất chấp đến cảnh túng thiếu nghèo nàn, có ăn có mặc cũng tốt, ăn không no mặc không lành cũng không sao. Con người của y chẳng những thân thể cứng rắn như thép mà quả tim của y cũng cứng rắn như vậy. Cho nên đừng ai mong ở y một tình cảm nào.
Đến năm y được hai mươi tuổi, nhìn tới nhìn lui, nhận ra tại đảo không còn một cao thủ nào khả dĩ đối địch với y. Y nghĩ nếu cứ ở mãi một địa phương, tự mãn với những thành tích tầm thường đó thì chẳng bao giờ y đạt đến mức tiến tuyệt vời.
Quần hùng buột miệng chen một câu:
- Và y vượt trùng dương sang Tây độ!
Công Tôn Hồng khoát tay:
- Chưa! Nếu lúc đó y vào ngay Trung Nguyên thì làm gì chúng ta phải sợ? Y tìm một con thuyền nhỏ, rời Đông Doanh đảo đến một đảo nhỏ chơi vơi giữa biển Đông. Đó là hòn đảo hoang vu không từng có bóng người lui tới. Trong đảo có một cái ao, trong ao có những hòn đá màu trắng và màu đen. Loại đá đó vừa tròn vừa sáng, người tại đảo Đông Doanh lâu lâu mới mạo hiểm đến đó nhặt đá về tạo thành những quân cờ, bán ra cũng được khá tiền. Nói là mạo hiểm vì xuôi ngược về đảo đó, mười thuyền bị đắm đến tám chín, sóng gió trên đảo đó cực kỳ mãnh liệt. Hòn tiểu đảo hoang vu đó có cái tên là Cơ đảo. Y ở đó mười năm.
Quần hùng lại buột miệng hỏi:
- Y ở đó để làm gì suốt mười năm dài?
Công Tôn Hồng đáp:
- Y làm gì có ai biết được ngoài y? Tuy nhiên vì y đã nổi danh vô địch, tại Đông Doanh đảo mỗi cử động gì của y đều được mọi người theo dõi, vắng mặt y trên đảo rồi, người hiếu kỳ theo dõi y ngay. Họ không quản hiểm nguy, vượt trùng dương đến Cơ đảo xem cho biết y đang làm gì. Họ không thấy y làm gì cả, đến tập luyện võ hàng ngày y cũng bỏ phế, y ngồi lặng giờ này qua giờ khác, ngày nào cũng như ngày nào, trầm tư mặc tưởng, hoặc giả y nhặt một nắm đá, đặt thành bàn cờ rồi nhích từng quân, từng quân tới tới lui lui.
Quần hùng kinh ngạc chẳng ai hiểu Kiếm Khách áo trắng làm gì.
Chỉ có Phương Bửu Ngọc, Nhất Mộc đại sư Đinh lão phu nhân và các vị trong ban giám định biết rõ Bạch Y Kiếm Khách làm gì.
Nhất Mộc đại sư thở dài thốt:
- Mười năm đó tuy y bỏ phế luyện tập, nhưng y đạt mức tiến rất cao, cao hơn nhiều so với thời gian trước.
Công Tôn Hồng thở dài:
- Đúng vậy, cứ như lời Liễu Sanh Tất Trai, thì trước khi đến Cơ đảo, cài mức võ công của y còn có thể lường được, nhưng sau ngày y rời Cơ đảo trở về, thì chẳng còn ai ước độ được tiên cảnh của y. Kiết Cương Chánh Hùng có thử sức với y một lần, y không xuất phát một chiêu nào mà Kiết Cương Chánh Hùng lại phải nhận bại, để khỏi thảm bại. Bởi, lúc đó tinh thần ý chí cùng hợp nhất với kiếm, ý muốn sao kiếm phát huy làm vậy, tinh thần mạnh hay nhẹ, kiếm phát huy mạnh hay nhẹ, bất cứ nơi nào, bất cứ thuận hay nghịch kiếm đều theo tinh thần và ý chí mà phát huy, chẳng cần theo đúng một chiêu thức nào. Y đứng lặng người mà chừng như kiếm khí bao bọc quanh mình, bảo vệ y như tường đồng vách sắt. Y vung kiếm ra tay là như chiếc lưới bạc phủ xuống đối thủ đối thủ nhanh nhẹn thế nào cũng chẳng thoát kịp màn lưới.
Quần hùng lại nhao nhao hỏi:
- Tại sao y chưa xuất phát chiêu nào mà Kiết Cương Chánh Hùng lại nhận bại?
Công Tôn Hồng giải thích:
- Chỉ vì song phương đối trận, cùng thủ kiếm. Kiết Cương Chánh Hùng là đệ nhất kiếm thủ Đông Doanh quan sát mãi mà chẳng tìm ra một sơ hở nơi y để công vào. Song phương cứ nhìn nhau như thế, một thời gian lâu, cuối cùng Kiết Cương Chánh Hùng dao động tinh thần không chịu nổi sự ngưng đọng lâu mà tinh thần dao động thì mong chi thủ thắng? Nhất là đối phương lại có tài nghệ từ ngang mình trở lên...
Quần hùng cùng “à” lên một tiếng, tỏ rõ niềm thán phục.
Công Tôn Hồng tiếp:
- Mãi đến lúc đó, Bạch Y Kiếm Khách mới quyết định vượt biển vào Trung Nguyên. Y nghĩ rằng với tài nghệ đó y thừa báo hận cho phụ thân y, hận vì kém người chứ chẳng phải thù vì chiến bại, hận theo tinh thần thượng võ. Y nghĩ rằng y có thể trở nên tay vô địch trong võ lâm Trung Nguyên. Ngờ đâu tại Trung Nguyên có Tử Y Hầu!
Y lại thở dài đoạn kết luận:
- Cái tin Bạch Y Kiếm Khách bại trận trở về Đông Doanh đảo do một nhóm khách thương từng đến Trung Nguyên sinh hoạt phổ biến ra, Liễu Sanh Bất Trai bắt được tin đó vô cùng kinh khủng. Sở đĩ vị đại anh hùng đó lo sợ là vì người biết rõ từ lâu rồi, Bạch Y Kiếm Khách đã mất hẳn thái độ bình thường, bao nhiêu chiến thắng tại đảo tạo y thành một con người cao ngạo, y xem dưới mắt như chẳng có người nên chẳng cần gây sự với ai, cho rằng chẳng ai đám làm gì y, bây giờ chiến bại tính cao ngạo đó bị vạ chạm. Y phải phẫn uất, y bị niềm phẫn uất đó kích thích mạnh, rất có thể y trở thành con người tàn bạo nhất:
Đã là tay vô địch, nếu y sanh tánh bạo tàn còn ai chịu nổi với y? Liễu Sanh Bất Trai thấy rõ trên toàn đảo, chẳng một ai chế ngự nổi y. Nhân danh tổng chủ võ lâm Đông Doanh, Liễu Sanh Bất Trai hiệu triệu mười bảy vị anh hùng nổi tiếng nhất tại đảo, tổ chức thành một đoàn chỉ sát, đoàn này có nhiệm vụ theo dõi Bạch Y Kiếm Khách, nếu thấy y vọng động thì lập tức can thiệp, Bằng mọi thủ đoạn trừ diệt y. Chủ trương của chỉ sát đoàn tuy có phần ngược lại tinh thần võ sĩ đạo, song Liễu Sanh Bất Trai nghĩ rằng y phát xuất từ võ lâm Đông Doanh, y có hành động trái với, quy luật của võ lâm Đông Doanh thì các vị võ sĩ khác có quyền trừ diệt y để bảo vệ danh dự toàn thể...
Công Tôn Hồng lại dừng một chút đoạn tiếp nối:
- Ngờ đâu, trước kia Bạch Y Kiếm Khách lãnh đạm với người đời bao nhiêu thì sau ngày chiến bại từ Trung Nguyên trở về đảo lại hòa dịu bấy nhiêu, không còn giữ thái độ bất cận nhân tình như trước nữa.
Chẳng những thế, y lại từ bỏ thân phận võ sĩ hoà mình trong sinh hoạt như mọi người, y dựng lên một cửa hiệu nho nhỏ, buôn món này, bán món khác kiếm cái ăn cái mặc, tuyệt nhiên chẳng hề đề cập đến võ thuật. Nếu có ai hiếu kỳ hỏi y nghĩ sao về ước đấu bảy năm sau tại Trung Nguyên, y chỉ mỉm cười không đáp làm sao cả.
Y lại dừng, cuối cùng y kết luận:
- Đại khái hiện trạng của Bạch Y Kiếm Khách là thế.
Quần hùng mỗi người một ý, nhao nhao bàn tán.
Nhất Mộc đại sư cau mày thở ra:
- Đáng sợ! Đáng sợ!
Vạn Tử Lương lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao lại đáng sợ, hở đại sư?
Nhất Mộc đại sư trầm giọng:
- Cứ suy theo sự việc do Công Tôn đại hiệp vừa tường thuật thì Bạch Y Kiếm Khách đã đạt đến giới cảnh cao vời của kiếm đạo. Y không còn xuất thế để luyện kiếm thuật theo con đường thông thường của các kiếm sĩ, trái lại y nhập thế để tìm chân lý cũng như phật môn đệ tử nhập thể tu vi mong thành chánh quả. Kiếm đạo và phật đạo, tuy là hai đường khác biệt, song hai đường cùng đưa đến một đích chung.
Đinh lão phu nhân thở dài tiếp lời đại sư:
- Phải đó, lần này nhập thế y học được những gì mà trước đây y không biết đến. Cái mức thành tựu của y quả thật vô lường.
Những người nơi bàn chủ tọa tuy có nghe rõ ràng những lời bình luận của Nhất Mộc đại sư và Đinh lão phu nhân, song họ mơ mơ hồ hồ, chẳng hiểu rõ rệt lắm.
Nhưng Phương Bửu Ngọc đứng gần đấy chàng cũng có nghe như mọi người, và chàng đồng tình ngay với Nhất Mộc đại sư và Đinh lão phu nhân.
Công Tôn Hồng lại tiếp:
- Tại hạ có đến tận cửa hiệu tạp hóa của Bạch Y Kiếm Khách định xem con người đó mấy lúc sau này như thế nào, nhưng y đã bỏ đi nơi nào chẳng ai biết được. Tất cả những vật thực như số hàng hóa trong cửa hiệu, y đều để lại, chừng như y ra đi với một bộ y phục che thân thôi. Trong thời gian y thất tung, thì tại Đông Doanh đảo xuất hiện hai cao thủ một nam, một nữ, cứ theo lời đồn đãi thì hai nam nữ đó là người Trung Thổ. Nói rằng hai người đó xuất hiện tại Đông Doanh đảo thì không đúng lắm, bởi họ chẳng hề đặt chân lên đảo, bất quá họ lênh đênh trên mặt biển gần phía bắc của đảo mà thôi. Lúc đó Liễu Sanh Bất Trai, Kiết Cương Chánh Hùng và Y Hồ Tang đều nghĩ là Bạch Y Kiếm Khách đã lên đường trở lại Trung Nguyên theo đúng sự giao ước bảy năm qua.
Quần hùng reo hò vang đội.
Thế là họ sắp mục kích trận đấu kinh hồn, như bảy năm trước họ đã chứng kiến một lần nơi bờ Đông Hải.
Phương Bửu. Ngọc thầm nghĩ:
- Hai nam nữ đó là ai? Hay là Hồ Bát Thúc và Thủy Thiên Cợ..
Công Tôn Hồng tiếp:
- Nhờ thường tiếp xúc với các khách thương từng qua lại giữa hai địa phương, tuy còn tại đảo Đông Doanh tại hạ có nghe nói đến đại hội Thái Sơn, do đó tại hạ cấp tốc xuống thuyền trở về. Về đến nơi tại mới hay ngày đại hội lại được cải sửa sớm hơn, tại hạ lại kiêm trình ngày đêm mong đến Thái Sơn kịp dự đại hội. Ngờ đâu vừa đến chân núi, tại hạ gặp lại một bọn võ sĩ ngoại bang, mắt xanh râu quặm, đang phân phối nhau bố trí địa lôi hỏa pháo quanh bình đài nơi quần hùng tụ hội, bọn đó định phá vỡ đỉnh Thái Sơn, tận diệt anh hào Trung Thổ hiện có mặt tại đài trường. Dù rằng mưu toan của chúng chẳng thể hủy diệt toàn nhân số tại đây, song ít ra cũng phải có một số thương vong...
Quần hùng hét lên ầm ầm:
- Rồi làm sao? Rồi làm sao?
Công Tôn Hồng mỉm cười:
- Tự nhiên tại hạ phải xuất thủ, chứ khi nào lại để chúng thực hiện mưu đồ tàn khốc đó.
Y chỉ chiếc bọc cao giọng tiếp:
- Hiện chúng đang nằm trong đó.
Chiếc bao đựng hơn mười đầu người, hẳn cũng phải lớn, song y là một đại hiệp tự nhiên có thừa công lực xách nó, từ chân núi lên đây và bây giờ, y mở dây cột, nắm đáy bao, giũ xuống.
Hơn mười chiếc đầu rơi ra ngoài, chiếc nào cũng còn máu ướt.
Mọi người trố mắt nhìn. Phương Bửu Ngọc nhận ra, trong số các chiếc đầu có đầu của gã mặt ngựa tên Kiềm Lậu, một nhân vật ngoại bang có đến chiếc thuyền buồm ngũ sắc một lần, bảy năm về trước.
oo Quần hùng đều bị sự tình khích động phi thường.
Hiện tại những tên ngoại bang kia đã chết hết rồi, song các hỏa pháo, địa lôi, hoa? tuyến vẫn còn đó, có ai biết được mà huỷ diệt.
Giả như Công Tôn Hồng không đến chân núi kịp lúc, thì giờ đây, tất cả đều ra ma, và đúng là một thảm cảnh võ lâm, thảm cảnh không tiền khoáng hậu, bởi ít nhất cũng có hơn ngàn danh thủ có mặt tại hội trường.
Một đại tang tóc cho võ lâm đã qua, nhờ sự phát giác của Công Tôn Hồng.
Nhưng rồi cơn dao động cũng phải qua, đại hội vẫn tiếp tục như chẳng có gì xảy ra cả. Cuối cùng thì chỉ còn năm người vào vòng loại định đoạt ngôi thứ.
Năm người đó là Công Tôn Hồng, Tưởng Tiếu Dân, Mai Khiêm, Âu Dương Thiên Kiều và Phan Tế Thành.
Và ai ai cũng biết, những cuộc chiến sau cùng mới thật sự là long hổ tranh đấu.
Đinh lão phu nhân cầm mảnh giấy ghi tên năm cao thủ cuối cùng, hoang mang vô cùng.
Làm sao an bày cuộc đấu cho thật công bằng? Chứ phải chi còn đủ sáu người.
Năm thì, chỉ có hai cuộc lẻ ra một người. Sắp ai đấu với ai, chừa ai?
Đột nhiên Phan Tế Thành chạy đến bên cạnh bà thì thầm mấy câu.
Đinh lão phu nhân lộ vẻ kinh dị, nhưng miệng bà lại điểm một nụ cười. Chẳng biết Phan Tế Thành nói gì với bà, chỉ thấy bà cười rồi bà gật đầu.
Sau cùng bà trầm giọng thốt:
- Phan Tế Thành đại hiệp đã cho ban giám định biết là tự thoái xuất khỏi cuộc đấu.
Quần hùng lại nhao nhao lên.
Đinh lão phu nhân tiếp:
- Như vậy chỉ còn bốn đấu thủ, tranh phong hai trận, và hai vị thắng cuộc sẽ cùng tranh nhau trong trận cuối cùng. Tóm tắt, chỉ còn ba trận nữa là sẽ biết vị nào được chọn làm đại biểu võ lâm. Già mong...
Bà chưa dứt câu từ trong đám đông có một người bật lên tràng cười ngạo nghễ, tràng cười phát lên lúc đó quả thật vô lễ quá chẳng thể tha thứ được.
Song, Đinh lão phu nhân nhẫn nại, ngừng câu nói chờ cho tràng cười dứt.
Tràng cười hầu như vô tận, kéo dài một lúc lâu vẫn chưa dứt.
Tràng cười càng phút càng vang to, chấn dội tai người nghe.
Đinh lão phu nhân không dằn được bực tức cao giọng hỏi:
- Vị bằng hữu nào đó bật cười như vậy hẳn có điều bất mãn đối với đại hội đêm nay?
Người phát ra tràng cười ngưng cười rồi thốt:
- Bất mãn thì chưa biết là có đúng là bất mãn chăng, có điều đại hội đêm nay tạo ra quá nhiều trò cười, tự nhiên ta phải cười!
Giọng nói nghe sắc bén quá, ai nghe giọng nói đó cũng phải nhức nhối màng tai.
Đinh lão phu nhân trầm giọng:
- Người trong thiên hạ, có ai dám nói rằng đại hội Thái Sơn là một cuộc tạo nên trò cười.? Già này xin lãnh giáo các hạ để biết có cái chi đáng cười.
Người đó bật cười trước khi đáp:
- Năm người đó, dám tranh chiếm cái danh đệ nhất cao thủ võ lâm chăng? Năm người đó là ai? Theo ta nghĩ họ chỉ đáng tranh cái danh phế thải mà thôi. Mà đã được xem là hạng phế thải thì còn tranh làm gì?
Quần hùng giao động ồn ào.
Bọn Công Tôn Hồng, Tưởng Tiếu Dân, Âu Dương Thiên Kiều, Mai Khiêm và Phan Tế Thành đều biến hẳn sắc mặt.
Người vừa buông câu nói khinh miệt đó là ai?
Cái gan của y bao lớn?
Công Tôn Hồng hét lên:
- Các hạ dám buông lời cuồng ngạo như vậy chẳng nói chi là cái gan của các hạ to bằng núi, chỉ hỏi là các hạ tự cho mình có võ công siêu thượng phải không? Nếu có võ công cao các hạ chẳng chường mặt ra thi thố tài năng cho bọn phế thải này được dịp mở rộng tầm mắt?
Người đó cười lớn:
- Ta đang chờ làm cái việc đó, đã dám xem thường bọn phế thải thì tự nhiên phải dám quét dọn bọn phế thải vào một xó, một góc nào đó.
Quần hùng không đợi người nào đó quát tháo nhượng lối họ đã tự động nhích ra hai bên, dọn một khoảng khá rộng cho y đi qua, chừng như họ cố tránh con người đó, chạm vào mình sợ y sừng sộ.
Và khi y đi ngang qua chỗ nào, moi người đều trố mắt nhìn y, kẻ đứng gần, giương tròn đôi ngươi, kẻ đứng xa, cố nhóng đầu lên, họ phải nhìn cho kỳ được con người dám thách thức năm cao thủ được gạn lọc kỹ càng trong rừng cao thủ.
Và con người đó bắt đầu rời chỗ đứng, từ từ tiến đến lôi đài.
Y có thân vóc rất nhỏ, trông chừng như bạc nhược lắm, vận chiếc áo xanh đội mão nhỏ, gương mặt trắng mày xanh, mắt sáng dung mạo đến bảy phần giống gái.
Tuổi y không cao lắm, chừng như chưa quá hai mươi.
Trông thấy y, quần hùng vừa thất vọng vừa buồn cười họ thầm nghĩ:
-Con người như thế lại dám mỉa mai cả năm cao thủ à? Bất quá Công Tôn Hồng chỉ búng một ngón tay, gió tay cũng đủ làm cho y ngã, vậy mà y dám lớn tiếng miệt thị chư vị anh hùng. Có họa chăng y đang lên cơn điên, người có đủ lý trí chẳng ai cuồng ngông như thế!
Đinh lão phu nhân chăm chú nhìn thiếu niên áo xanh, nhìn từng bước đi, nhìn thần thái, rồi bà cau mày thốt:
- Thiếu niên này là một nữ nhân cải dạng!
Nhất Mộc đại sư tiếp:
- Có thể là phu nhận xét đúng! Tuy nhiên, chúng ta phải lấy làm lạ, trên giang hồ làm gì có một thiếu nữ có cái gan to như vũ trụ? Bần tăng sống đến tuổi này, chưa từng thấy một nàng nào can đảm như thê!
Đinh lão phu nhân thở dài:
- Phàm những hảo thủ thuộc thế hệ sau, già cũng như đại sư làm sao biết hết được lai lịch của họ. Cho nên chúng ta chẳng phải lấy làm lạ nếu thỉnh thoảng có một vài thiếu niên kỳ tài xuất hiến trên giang hồ. Nếu có kỳ quái chăng là ở chỗ nàng này biết rõ bọn Công Tôn đại Hiệp lợi hại như thế nào mà nàng còn dám thách thức? Nàng cũng rõ biết, trong số năm người đó đâu phải tất cả đều dịu hòa, giả như người nóng tính, định hạ thủ đoạn thì sao? Trên lôi đài, họ có quyền giết người, bất quá chúng ta chỉ khuyên họ nương tay mà thôi, nghe hay không nghe là do họ.
Nhất Mộc đại sư thở ra:
- Biết đâu nàng này chẳng phải là con nhà danh vọng, cậy thế lực cha anh, rồi đến đây sinh sự, cho rằng chẳng ai dám làm chi nàng? Nếu như đúng như thế thì nàng lầm to, bởi năm vị kia người nào cũng hiên ngang, hào hiệp, đâu phải là những người chịu ép mình trong một uy lực nào?
Vạn Tử Lương tiếp nối:
- Rất có thể nàng biết vũ công, và tật riêng của các vị đó, và nàng cho rằng vũ công của họ chẳng đáng sợ, tật riêng của họ chẳng đáng ngại, nên nàng...
Rồi y tặc lưỡi thở dài:
- Làm sao?...Nếu thế thì làm sao?...
Nhất Mộc đại sư day qua Vạn Tử Lương:
- Vạn đại hịệp biết nàng là ai?
Vạn Tử Lương lắc đầu nói:
- Mơ hồ lắm, lão nhân ạ! Do đó, tại hạ chẳng dám định nàng là ai!
Vạn Tử Lương và Nhất Mộc đại sư cùng nhìn nhau, cùng thở dài.
Nhưng người khích động nhiều hơn hết chính là Phương Bửu Ngọc.
Từ lúc thiếu nữ cải nam trang lên đài, chàng nấp sau lưng một đại hán. Chàng không muốn cho thiếu nữ áo xanh đó trông thấy chàng.
Cuối cùng thiếu niên áo xanh cũng lên đến đài, đối trước mặt năm vị cao thủ và ban giám định.
Thiếu niên hiện ra với gương mặt trắng, ánh đèn hòa lẫn với ánh trăng thu, chiếu vào gương mặt đó, tạo cho y một sắc thái ảo huyền trông y đẹp, nhưng đẹp lạnh, cái đẹp thần bí xa xôi...
Trừ Phan Tế Thành tuyên bố rút lui khỏi trận đấu, còn lại Công Tôn Hồng, Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân và Âu Dương Thiên Kiều cả bốn người chừng như bị thần thái huyền ảo của thiếu niên mà có khiếp hãi phần nào. Cả bốn người đều im lặng, chẳng ai nói tiếng nào, dù là nói với nhau.
Đinh lão phu nhân thấp giọng hỏi:
- Nơi đây là trường sát phạt, cô nương có cao hứng như thế nào lại đến góp mặt để phải chịu hồi hộp từng cơn?
Nghe lão phu nhân gọi mình là cô nương, thiếu niên không thừa nhận mà cũng không phủ nhận...
Y mỉm cười, nụ cười lạnh như gương mặt, hỏi:
- Bốn gã kia có thể xưng là cao thủ chăng?
Y giải thích:
- Võ công của Tưởng Tiếu Dân, hoa mỹ thật nhưng lại kém cái thật.
Âu Dương Thiên Kiều bất quá hùng hổ bên ngoài chứ bên trong là cả một khoảng trống không. Thiên Đao Mai Khiêm cay độc có thừa, song linh hoạt thì khuyết hẳn. Ba người đó, dùng vào việc mài đao, cắt lúa thì đúng là những công nhân hữu dụng, chứ dùng vào việc biểu dương lực lượng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Còn Công Tôn Hồng?... Ha hạ..
võ công của hắn cùng một nguồn gốc với võ công của Phương Bửu Ngọc, nhưng dù hắn có luyện thêm mười năm nữa cũng chẳng đạt đến mức thành tựu của Phương Bửu Ngọc. Hắn có thể nào cao ngạo được?
Công Tôn Hồng hét to:
- Các hạ là Phương Bửu Ngọc?
Thiếu niên áo xanh cười lạnh:
- Ta là Phương Bửu Ngọc?... Phương Bửu Ngọc dù có van xin ta, xách giày cho ta, ta cũng đuổi hắn như đuổi một kẻ khó thương! Còn các ngươi, nếu có ai muốn xách giày cho Phương Bửu Ngọc hắn cũng lắc đầu mời đi nơi khác gấp!
Công Tôn Hồng nổi giận:
- Thế các hạ là ai?
Thiếu niên áo xanh bĩu môi:
- Ta là ai? Ta không là ai cả, bởi ta là ta, ta là độc đáo, là duy nhất, chẳng có ai ngoài ta! Ta đến đây, để giáo huấn các người, ta cảnh cáo các ngươi, đừng tưởng mình là hoàng đế, bởi chẳng bao giờ ngôi hoàng đế giành sẵn cho bọn nô tài. Cao thủ gì các ngươi, đừng xưng hô nữa mà làm cho thiên hạ nhe răng cười đến rách khóe.
Tưởng Tiếu Dân nổi giận:
- Nếu ta không vì ngươi là nữ nhân thì...
Thiếu niên áo xanh cười nhẹ:
- Nữ nhân rồi sao? Chẳng lẽ nữ nhân trong thiên hạ đều vô đụng như Mã Thúc Tuyền? Ngươi có thể khinh thường nàng ấy, và duy nhất người ấy thôi, đừng mong dám chạm đến nữ nhân nào khác.
Y đảo mắt nhìn quanh bốn người một lượt đoạn lạnh lùng buông:
- Nếu bây giờ ta đơn độc cùng các ngươi giao thủ từng người một, thì các ngươi sẽ cho ta nhân cái khỏe hiếp cái mệt để chiếm tiện nghi.
Lúc y nói, y còn đứng mép đài, tuy đối diện với bốn cao thủ và ban giám định, trái vẫn đứng ở bên dưới đài.
Y nói xong khẽ phất ống tay áo, một tiếng “rẹt” vang lên y đã đứng bên trên đài.
Rồi y vẫy tay, cao giọng:
- Vào đi! Cả bốn người cùng vào một lúc cho ta đỡ phí công hạ các ngươi từng người một, làm như vậy là ta phải xuất thủ đến bốn lần.
Mai Khiêm, Âu Dương Thiên Kiều, Tưởng Tiếu Dân và Công Tôn Hồng tức uất, cùng nhào tới.
Nhưng còn cách thiêu niên áo xanh vừa tầm, tất cả đều dừng chân lại.
Dù sao họ cũng là cao thủ, được chọn qua nhiều vòng loại, họ đã có thân phận trước quần hùng rồi, khi nào họ dám hành động hồ đồ để mất thân phận đó?
Công Tôn Hùng nhìn ba người kia, ba người kia cũng nhìn lại y.
Sau cùng y thốt:
- Tam vị nhường cho tại hạ xuất thủ đầu tiên đi!....
Tưởng Tiếu Dân giành:
- Chính tiểu đệ đi trận đầu mới phải!
Mai Khiêm cất tiếng:
- Không được đâu các nhân huynh, tiểu đệ ngứa ngáy quá rồi, phải cho tiểu đệ đi trận đầu mới được!
Trong khi ba người đang tranh giành nhau, Âu Dương Thiên Kiều lặng lẽ bước tới trước mặt thiếu niên áo xanh.
Y cũng chẳng nói gì lặng lẽ đưa mười ngón tay ra, năm ngón chụp xuống vai thiếu niên áo xanh, năm ngón chụp vào yết hầu. Thủ pháp của Âu Dương Thiên Kiều chuyên về thực, muốn làm sao là đánh ra làm vậy, chẳng dùng hoa dạng, chẳng dùng hư chiêu lừa gạt. Do đó chiêu thức rất thành phác, không có gì nguỵ dị, nhờ thế lối xuất thủ của y rất trầm, rất ổn.
Lối đánh đó mới xem thì như thông thường, thô sơ nhưng thật ra là một lối độc đáo.
Cho nên trên giang hồ người ta đem con em đến võ trường của Âu Dương Thiên Kiều thụ huấn là vì ai cũng biết cái thực học của y, và ai ai cũng muốn con em mình được giáo huấn trong con đường thực tế đó.
Điều ấy chẳng phải là không đạo lý, bởi học võ là phải biết tôn trọng tinh thần thượng võ. Chỉ có con người thành phác mới tôn trọng tinh thần thượng võ, chứ hạng điêu ngoa xảo trá thì chuyên lừa gạt.
Người ta không muốn thắng bằng lừa gạt, mà chỉ muốn thành danh bằng thực tài, cao thì thắng, thấp thì bại!