Qua phút giây kinh hoàng, Vương bán Hiệp hét to một tiếng, vung hai cánh tay lên, nhưng bắt gặp ánh mắt sáng như điện của Châu Phương, lão sửng sốt thêm một lần nữa, hai cánh tay dừng lại nơi khoảng không, chẳng đánh tới mà cũng chẳng hạ xuống.
Châu Phương lạnh lùng thốt:
- Nể mặt sư phó ngươi, ta tha chết cho đó! Cút ngay!
Gương mặt Vương bán Hiệp nhợt nhạt như màu đất, lão lùi lại một bước, rồi một bước nữa, bất thình lình xoay nhanh mình, nghiêng đà vọt qua khung cửa sổ lầu.
Thanh danh đại hiệp tạo tựu hơn nửa đời người kể từ cuộc hội họp ở Hoàng hạc lâu hôm nay, cầm như buông trôi theo giòng nước, tan biến như áng yên hà một buổi chiều nặng nề.
Vương đại Nương nhìn theo bóng lão tiêu tan dần bên ngoài, bật cười cuồng dại:
- Được! Được lắm! Ngươi bỏ ta mà chạy đi như thế này! Được! Được lắm!
Nhanh tay, bà chụp lấy thanh chủy thủ trong tay một thiếu nữ đứng gần, bà chong mũi chủy thủ ngay nơi tâm khẩu cắn răng đâm mạnh vào.
Bà tự sát, còn ai kịp can thiệp cứu bà ta, mọi người đều kinh ngạc cùng kêu lên một tiếng.
Nhưng chiếc trượng trong tay Đinh lão phu nhân bay vèo tới, chiếc trượng đập trúng thanh chủy thủ của Vương đại Nương. Dĩ nhiên chủy thủ phải vuột khỏi tay bang chủ Cái bang, rơi xuống sàn lầu.
Vương đại Nương rít lên:
- Ai bảo cứu tôi? Ai mượn cứu? Tôi chỉ muốn chết thôi.
Đinh lão phu nhân từ từ thốt:
- Đã mấy phen rồi, Vương bán Hiệp không nghĩ tình ngươi, bỏ ngươi đang lúc cửu tử nhất sanh, ngươi chẳng thấy căm hận gì lão ấy sao mà còn phải quyên sinh?
Vương đại Nương giật mình, chớp chớp đôi mắt, ngời niềm oán độc.
Châu Phương thản nhiên tiếp:
- Còn ngươi, ta cũng buông tha luôn! Muốn đi đâu, cứ đi, đi nhanh đi.
Đinh lão phu nhân nhìn Vương đại Nương gằn từng tiếng:
- Đừng quên, sở dĩ ngươi ra thân thể tàn phế như vậy đó, là chính cái lão chồng già của ngươi gây nên, chứ chẳng phải một đệ tam nhân nào khác, thiết tưởng ngươi nên sống sót mà báo cái hận nghìn đời này.
Vương đại Nương hú vọng một tiếng dài, cho niềm uất hận vơi đi phần nào, bà hoành tay tát như mưa vào mặt bọn thiếu nữ đứng chung quanh bà, phát tiết cái uất khí còn vương đọng trong tâm tư.
Chúng bị tát, đỏ cả mặt mày, bỗng dưng mà chúng hứng chịu cái sát khí của chủ nhân đang hồi bực tức cùng độ, nghĩ cũng oan uổng thay, đáng thương hại cho chúng hết sức.
Mắt nhòa lệ hận, chúng chẳng dám kêu la, cúi mình xuống mang chiếc ghế lên, chen qua hàng rào người xuống thang lầu.
Bình thường đã là một người tàn bạo, thì lúc này Vương đại Nương hung dữ vô tưởng, còn ai dám ngăn trở để làm gì, khi tất cả đều biết rõ cái lai lịch của bà, là Hồ nữ Ngô Tô hóa thân để chiếm đoạt ngôi vị Bang chủ Cái bang?
Đinh lão phu nhân từ từ đứng lên, bước đến trước mặt Châu Phương vén vạt áo trước, sụp xuống lạy, thốt:
- Nhiều năm tháng qua rồi, tôi không được gặp mặt tiền bối, tưởng tiền bối đã cỡi hạc quy tiên, ngờ đâu vẫn còn trên thế gian này!
Châu Phương ngẩng mặt lên, nhìn qua khung cửa sổ, nơi có vầng mây bạc đang trôi qua, xa xa, lão cất giọng trầm buồn:
- Sống dĩ nhiên là còn sống, có còn sống mới hiện thân tại nơi này, hôm nay, nhưng sống có khác nào chết, mà chết đi rồi cũng chẳng khác nào còn sống, người chết nhưng việc làm còn đó, thiên hạ nhắc nhở, hoặc khen, hoặc chệ.. Thì cái sống cũng như cái chết, có khác nhau đâu? Hơn nữa, ta ngày nay khác xa ngày xưa, cái ta ngày xưa đã chết rồi, ta sống với cái ta ngày nay, ta là hai người, một xưa, một nay, có cho ta chết, cũng đúng, có nghĩ là ta còn sống, cũng không sai!
Lão thở dài, tiếp:
- Nhớ đến, là sống, quên đi là chết, nhớ làm gì cho thêm thắc mắc tâm tư? Sao bằng quên để cho mọi việc lặng im dưới cát bụi?
Vạn đại hiệp bước tới, quỳ lạy, cung kính thốt:
- Hôm nay nếu chẳng có tiền bối xuất đầu lộ diện, minh xác cho sự tình thì vãn sinh hẳn phải ôm nhục suốt đời, và có lẽ cũng phải tự sát với cái nhục! Vãn sinh cảm kích vô cùng!
Châu Phương cười nhẹ:
- Đừng nói sự ân nghĩa của ta, hãy nói với hắn đấy!
Lão chỉ Phương bửu Nhi, tiếp:
- Nếu tiểu tử đó chẳng bức bách ta, chưa chắc gì ta đã xuất hiện!
Trên thế gian này, chẳng còn sự gì làm cho ta tha thiết nữa mà phải chen mình trong giòng đời, lăn lộn trong thị phi nhiệt náo!
Vạn đại hiệp cúi đầu trầm giọng, trong giọng nói có vẻ khẩn khoản thành thật:
- Vãn sinh mong, sau lần xuất hiện này, tiền bối luôn luôn có mặt trên giang hồ, lấy cái oai lực hàng ma phục quỷ, trấn áp tinh tà, tập trung mọi người trong kỷ luật, tạo thanh bình cho võ lâm...
Châu Phương mơ màng đáp:
- Việc đó thì......
Đột nhiên từ dưới chân lầu tiếng huyên náo ồn ào vang lên, vọng đến tầng lầu, những người đứng sát bên cửa sổ không dằn được tính hiếu kỳ, quay mình, thò đầu ra ngoài nhìn xuống.
Họ nhìn xuống, những người đứng xa cũng hiếu kỳ như họ, vội chạy đến tranh nhau nhìn.
Gần bờ sông, có ánh đao kiếm chớp lên, ngời ngời.
Tất cả những người quây quần dưới chân Hoàng hạc lâu, lúc đó đã đổ xô về bờ sông, tất cả đều bàn bàn, tán tán, chẳng ai nghe rõ được gì, mỗi người một tiếng, ồn ồn như đàn ong vỡ tổ.
Nếu lắng tai nghe kỹ những người đứng gần lầu Hoàng hạc nhất, thì họ đang kháo với nhau:
- Thiết kim Đao và Hàn nhất Câu đúng là một đôi tử oan gia, trời sinh ra để suốt đời tìm nhau mà choảng nhau trí mạng! Không gặp nhau thì thôi, hễ gặp nhau rồi, bất cứ giờ nào, nơi nào, là xông vào quyết sinh tử với nhau!
- Mấy năm sau này, chúng ta ít thấy Hàn nhất Câu thi triển võ công, cứ tưởng là sở học của y không linh hoạt cho lắm, ngờ đâu y xử Bàn long câu của y lợi hại như ngày nào, xem ra còn ảo diệu hơn là khác! Còn thanh Phục hổ đao của Thiết kim Đao cũng ảo diệu vô cùng.
Cuộc chạm trán giữa họ hôm nay, thật khó mà ức đoán phần thắng nghiêng về bên nào. Bởi mấy năm sau này, Thiết kim Đao nằm gai, nếm mật, tinh luyện đao pháp, trả thù nhục bại ngày trước. Người ta đồn rằng y có đến chiếc thuyền buồm ngũ sắc, nhờ Tử y Hầu chỉ điểm cho mấy chiêu. Chẳng trách ngày nay đao pháp của y có phần khởi sắc hơn xưa nhiều!
- Chúng ta chưa biết như thế nào mà đoán! Cứ xem, và chờ kết cuộc hẳn biết ai hơn ai kém!
Trên lầu Hoàng hạc, mọi người không còn chú ý đến Châu Phương nữa, tất cả đều cố chen một chỗ nơi cửa sổ hướng nhìn ra bờ sông.
Chỉ có Đinh lão phu nhân và Vạn đại hiệp thì đứng nguyên một chỗ, như giữ cứng Châu Phương.
Châu Phương mỉm cười thốt:
- Cuộc chiến này, song phương cùng chuẩn bị từ lâu, cả hai tin chắc là mình nắm chắc cái cơ tất thắng mới dám công khai khai chiến. Các vị cũng nên xem qua, thiết tưởng đây là cơ hội tốt cho các vị chiêm nghiệm tuyệt học của cao thủ giang hồ.
Phương bửu Nhi cứ nhìn lom lom Kim tổ Lâm, chực chờ y thố lộ nơi ẩn trú của ngoại tổ hắn, nhưng y lúc đó còn chiếu cố đến sự gì khác hơn là săn sóc cho bà vợ đẹp quá sợ ngất xỉu từ lâu?
Y âu yếm gọi:
- Lan muội! Tỉnh lại, Lan muội, sợ gì chứ? Có tôi đây mà, còn sợ gì nữa?
Phương bửu Nhi muốn cho y chú ý, liền kêu lên:
- Kim đại thúc! Kim đại hiệp! Kim đại ca!
Hắn kêu một lúc bằng ba lối xưng hô, Kim tổ Lâm vẫn không lưu ý.
Dù hắn kêu trăm lượt, bằng trăm lối, chưa chắc gì Kim tổ Lâm xao lãng cái ý đang chuyên chú nơi bà vợ đẹp của y.
Huống chi y lại sợ vợ?
Phương bửu Nhi thất vọng, thở dài, quay nhìn lại, thấy Châu Phương lúc đó cũng đã đến cạnh cửa sổ nhìn ra bờ sông.
Hắn bước đến cạnh lão, nhìn theo.
Nơi bờ sông, có hai bóng người, một trắng một đen, tuy ban ngày, hắn cũng không thấy rõ mặt mày, phần vì hai bóng di động nhau, phần bờ sông cách lầu quá xa.
Bóng đen là Thiết kim Đao, vận y phục chẹt màu đen, còn bóng trắng dĩ nhiên là Hàn nhất Câu, vận y phục trắng như tuyết.
Thiết kim Đao có thân hình to lớn, còn Hàn nhất Câu thì vóc ốm, xương xóc bành da trông rất thảm đạm.
Phương bửu Nhi mỉm cười, thầm nghĩ:
- Nhìn thoáng qua hai người, tất ai cũng hiểu ngay họ là những khắc tinh của nhau, tạo hóa sinh ra hai cái thái cực này để mà đối chọi nhau suốt đời, chẳng khác một âm, một dương, một cương, một nhu!
Chả trách họ không thể dung được nhau!
Họ đánh nhau, càng đánh càng nhanh, càng hăng say. Thân pháp của họ quả thật ảo diệu vô cùng.
Chỉ trong một thoáng, cả hai đã trao đổi nhau hơn trăm chiêu rồi.
Phương bửu Nhi theo dõi từng chiêu thức, hắn thích thú vô cùng.
Thỉnh thoảng, hắn nở một nụ cười đắc ý, chừng như hắn đã lĩnh hội được điểm đặc biệt chi đó.
Đúng là một cuộc ác chiến, đấu thủ chẳng màng đến sinh mạng mình, quyết lấy mạng đổi mạng, song phương đều có quyết tâm như vậy nên chiêu thức đưa ra toàn là tuyệt độc, kẻ bàng quan lắm lúc phải rợn mình cho họ.
Trước kia, Phương bửu Nhi không thích võ công, nghe ai nói đến võ công là hắn chán rồi. Song, từ lúc được Châu Phương điểm hóa đến nay hắn đã nhận thấy bất cứ sự việc gì của con người qua những biến hóa đều không thoát ly khỏi cái luật biến hóa của tạo hóa, hắn đã lãnh hội được cái chỗ ảo diệu của thiên nhiên, hắn càng chăm chú đến cái xảo diệu của con người, hắn nhìn một chiêu thức, hắn có thể nghĩ ra nhiều chiêu biến hóa, càng nghĩ được nhiều chiêu, hắn càng thích thú hơn.
Chẳng khác nào một kẻ biết chơi cờ mà nhìn vào bàn cờ do hai tay cao cờ bày cuộc. Thế chọi thế, thế sanh thế, ảo ảo diệu diệu vô biên.
Bỗng một người kêu lên:
- Hàn nhất Câu! Đánh cái chiêu đó đi!
Một người kêu lên, nhiều người phụ họa theo, người phụ họa càng lúc càng đông, cảnh đã huyên náo, càng thêm huyên náo.
Ai ai cũng muốn Hàn nhất Câu thi triển tuyệt chiêu đó như năm nào, y xử dụng và hạ Thiết kim Đao, mỗi lần sử dụng là mỗi lần thắng.
Họ cần gì ai thắng, ai bại?
Họ thừa hiểu, Hàn nhất Câu lợi hại chỉ bằng vào độc chiêu đó, nếu y sử dụng là Thiết kim Đao bại liền, chẳng phải họ mong Thiết kim Đao bại mà họ chỉ mong thấy chiêu câu tuyệt độc đó thôi.
Họ cũng biết Thiết kim Đao có đến Tử y Hầu, nhờ chỉ điểm thêm, giờ thì có thể là Thiết kim Đao chẳng sợ gì chiêu độc đó nữa, bởi không sợ nên Thiết kim Đao mới sang Hoàng hạc lâu tìm Hàn nhất Câu.
Do đó họ càng mong Hàn nhất Câu thi triển tuyệt chiêu, xem Thiết kim Đao ứng phó như thế nào.
Họ cứ giục lớn:
- Chiêu đó, Hàn nhất Câu! Cái chiêu độc đáo đó! Đánh đi!
Bên dưới, mọi người nôn nao, chờ Hàn nhất Câu xuất thủ, bên trên lầu, quần hùng cũng nôn nao, chờ xem chiêu độc.
Hàng ngàn cao thủ võ lâm không còn chú ý đến ngoại cảnh, trên lầu cũng thế, quanh bờ sông cũng thế, tất cả đều đổ mắt nhìn vào hai cái bóng đen trắng đang quần nhau chan chát, họ sợ lơi mắt đi một giây là mất cái dịp xem chiêu độc.
Nhưng, Hàn nhất Câu vẫn chưa xuất thủ. Y cứ dùng câu pháp thông thường, mà Thiết kim Đao cũng dùng đao pháp thông thường quần nhau mãi, câu và đao chạm nhau chan chát, đôi bên vẫn giữ cái thế bí hiểm chực chờ. Hồi mã thương chưa ra, thì Sát thủ giản vẫn còn ẩn.
Song phương vẫn chưa xuất chiêu độc, quần hùng càng chăm chú hơn.
Hiện tại, trên lầu Hoàng hạc, chẳng còn ai để ý đến Châu Phương.
Lão từ từ lui ra phía sau, khẽ nắm cánh tay Phương bửu Nhi.
Phương bửu Nhi đang theo dõi cuộc đấu đến xuất thần, giật mình quay lại, Châu Phương rỉ tai hắn:
- Gọi Thiết Oa, rồi xuống lầu mau!
Phương bửu Nhi mở tròn đôi mắt:
- Xuống lầu?
Châu Phương gật đầu:
- Phải! Ngươi vì một chiêu đó, mà không đành bỏ đi ngay phải không?
Phương bửu Nhi cười nhẹ:
- Tôi sớm biết chiêu câu đó chẳng bao giờ được Hàn nhất Câu thi triển cả! Hàn nhất Câu đã hiểu là Thiết kim Đao có đến thuyền buồm ngũ sắc, nhờ Tử y Hầu chỉ điểm cách phá, biết như vậy mà y còn mang chiêu câu ra sử dụng thì rõ y là một lão ngốc! Nhất định hôm nay, chẳng ai thấy chiêu câu đó, có chực chờ suốt ngày cũng vô ích.
Châu Phương mỉm cười gật đầu:
- Khá lắm đó, tiểu tử! Ta nhận thấy càng ngày, ngươi càng thông minh, đã biết vậy thì mình nên đi gấp, đừng hỏi ta tại sao phải đi gấp, đi khỏi nơi này rồi muốn nói gì hãy nói.
Phương bửu Nhi hết sức hoài nghi, song từ lâu rồi, hắn kính phục Châu Phương về mọi mặt, nên chẳng hỏi han gì, vội nắm tay Ngưu thiết Oa, tay kia chỉ miệng, đầu lắc lắc, tỏ cái dấu bảo gã đừng nói năng gì cả, cứ theo hắn là đủ.
Ngưu thiết Oa còn ức hơn hắn mấy phần, nhưng lại bị hắn ra dấu, gã đành ôm cái ức đó, lẳng lặng theo hắn bước đi.
Người trên lầu đều dồn về các khung cửa sổ, nơi đầu thang vắng bóng người, cả ba đi xuống dễ dàng, chẳng một ai trông thấy. Họ dò theo ngã hậu Hoàng hạc lâu lẻn đi, người phía trước chẳng một ai hay biết.
Phương bửu Nhi thầm nghĩ:
- Châu lão gia không gọi Thiết Oa, mà lại gọi ta, rồi bảo ta gọi Thiết Oa, chắc là biết Thiết Oa chỉ nghe lời một mình ta, ta bảo sao là làm vậy, chẳng cần phải hỏi đi hỏi lại, lão gia sợ gọi ngay gã, gã sẽ càu nhàu, hỏi lý do, rồi nhiều người nghe được khó lẻn đi êm thấm. Thật là một con người chu đáo quá, chu đáo từ cái nhỏ đến cái to, mà cũng chứng tỏ là lão gia nhất quyết đi ngay. Tại sao lại phải đi ngay?
* * * Họ đi mãi, khi vào trấn Võ Xương, Ngưu thiết Oa mới cất tiếng hỏi:
- Ở đó nhiệt náo quá, mình không lưu lại xem một lúc, lại bỏ đi, đại ca có biết tại sao lão gia muốn đi chăng?
Phương bửu Nhi mỉm cười:
- Lúc đầu ta cũng lấy làm lạ như ngươi, nhưng giờ đây thì ta đã hiểu rồi. Lão gia chỉ sợ Vạn đại hiệp ngăn trở mãi mà không có cách nào thoát đi được, nên nhân lúc họ không lưu ý, mới lẻn đi như vậy.
Đợi đến lúc bớt nhiệt náo, thì người ta để ý đến mình, làm sao đi được dễ dàng?
Châu Phương hỏi:
- Ngươi có biết tại sao ta không muốn bị người khác ngăn chận, bắt buộc phải ở lại chăng?
Phương bửu Nhi đáp:
- Việc đó...
Châu Phương thở dài:
- Ta chỉ sợ Vương bán Hiệp và Vương đại Nương trở lại, ta còn sợ Kim hà Vương hay tin ta còn sống, hiện ở tại Hoàng hạc lâu, lại cấp tốc đến tìm ta, ta chỉ sợ ngoại nhân biết được võ công ta đã tiêu tan, bởi có những điều đáng sợ như vậy, ta phải đi!
Phương bửu Nhi hết sức kỳ quái:
- Vậy ra lão gia............ võ công của lão gia......
Châu Phương gật đầu:
- Người ngoài nghe tiếng quát của ta vừa rồi, tất phải cho là công lực của ta hơn xưa mấy phần. Nếu hôm nay, có mặt Lý Anh Hồng, thì hắn cũng sẽ nghĩ như thế. Chỉ vì, tại Thiên Phong trại ngày ấy, ta dùng phép truyền âm nhập mật chỉ điểm cho hắn chi trì với địch, hắn đinh ninh là ta đã khôi phục công lực hoàn toàn... Thực ra thì, công lực của ta đã tiêu tan từ ngày xưa xa lắm, bao nhiêu năm qua, ta khổ luyện liên tục, bất quá ta chỉ làm được cái việc đề khí, mà cũng là trong nhất thời thôi. Quát một tiếng to như vậy, là kết quả của hơn mười năm khổ luyện, ngoài tiếng quát đó, ta chẳng có một chút công lực nào, dù chỉ sánh với kẻ bình thường. Như vậy làm sao ta động thủ với bất kỳ ai?
Nếu lúc đó, Vương bán Hiệp đừng khiếp đảm, nếu lão bình tĩnh và phản ứng ngay thì ta đã là cái xác không hồn dưới bàn tay tàn độc của lão ấy rồi!
Phương bửu Nhi sững sờ, chẳng biết nói làm sao!
Lâu lắm hắn mới ấp úng:
- Nếu vậy, thì đúng là tôi đã hại lão gia! Nếu tôi không bức lão gia xuất đầu lộ diện, thì có ai để ý đến lão gia! Thì có ai biết được, con người gian hoạt chuyên lừa gạt hào kiệt võ lâm ngày nay là đệ nhất cao thủ ngày xưa!
Châu Phương ngẩng mặt lên không, cười lớn:
- Đừng tưởng ta xem đó là một ân hận! Ta chẳng mảy may oán hờn ngươi, trái lại ta cho rằng hơn mười năm qua, ta mới có dịp làm một việc mà ta thích nhất đời! Phải! Ta cao hứng lắm! Nhưng uất phiền dồn nén trong mấy năm qua, ta được dịp phát tiết trọn vẹn, lòng ta nhẹ lâng lâng, tâm hồn ta sảng khoái vô tưởng. Ngươi tưởng ta khó chịu lắm sao? Không! Ta hết sức khoái trá!
Phương bửu Nhi lại càng thẹn. Cái thẹn vì đã gây nên cảnh dở dang cho người không ít, mà cái thẹn vì không vói tới mức hào sảng của con người sống trên thế sự, một con người thoát tục, siêu nhiên, thì nhiều. Dù sao thì hắn cũng đã làm một việc quá vô ý thức, hắn vẫn áy náy không yên, hắn lại ấp úng:
- Nhưng, kể từ hôm nay thì... lão gia đã mất cái ung dung nhàn hạ như ngày nào, lão gia phải luôn luôn đề cao cảnh giác, ngừa Vương bán Hiệp và Vương đại Nương, ngừa Kim hà Vương và tất cả những kẻ thù!
Dù lão gia nói thế nào, tôi cũng thấy là mình đã hãm hại lão gia, hãm hại một cách hãi hùng thê thảm...
Châu Phương càng cười lớn:
- Ngươi sợ ta lộ liễu, rồi kẻ thù theo dấu, hạ thủ phục hận xa xưa?
Không, nếu ta nhất định ẩn thân, thì dù thần cũng không hay, quỷ cũng không biết mà tìm ra, đừng nói chi loài người còn trầm mê trong tục lụy!
Phương bửu Nhi cao giọng:
- Vô luận lão gia đến phương trời nào, hang cùng hóc hẹp nào, tôi cũng sẵn sàng đi theo, phục thị lão gia, tìm cách giải muộn cho lão gia.
Khi nào lão gia nhàn rỗi, sẽ đem kiếm đao siêu quán cổ kim truyền dạy cho tôi, để bảy năm sau, tôi sẽ đánh bật người áo trắng trở ra biển khơi, nếu y đúng hẹn toan đặt chân lên bờ Đông Hải.
Châu Phương cười nhẹ:
- Tiểu quỷ, tại sao ngươi biết là ta sẽ truyền dạy kiếm đạo cho ngươi?
Phương bửu Nhi chớp chớp mắt, từ từ thốt:
- Tôi thấy có bức mật thư của Tử y hầu, thoạt đầu, tôi hết sức kỳ quái, bởi tờ thư chẳng có một chữ nào cả, chỉ có vô số vòng tròn vẽ ngang vẽ dọc, nhìn những vòng tròn đó, dù cho bậc thần tiên cũng chẳng đoán nổi cái ý của người vẽ ra. Cầm bức thơ đó, tôi suy theo bức thơ đó mà tìm lão gia, thì bảo tôi đi tìm nơi phương trời nào?
Châu Phương hỏi:
- Và, bây giờ ngươi đã đoán ra?
Phương bửu Nhi mỉm cười:
- Hiện tại thì tôi đã hiểu rồi. Bức thơ đó, do lão gia để lại, bất quá có tác dụng an ủi tâm sự của Tử y hầu, chứ thực ra, dò theo thơ mà tìm người là nuôi mộng! Lão gia đã hóa thân giữa hồng trần, phiêu phiêu lãng lãng, vô định, vô luận lúc nào, nếu Hầu gia muốn tìm lão gia, thì lão gia đã biết trước, và tự động đến, trước khi Hầu gia phái người đi tìm. Cho nên, dù tôi không biết nơi nào tìm lão gia, lão gia cũng đi tìm đến tôi như cái ý muốn của Tử y hầu. Và những vòng tròn trên mảnh giấy do lão gia lưu lại cho Hầu gia không ngoài ý nghĩa là, hóa thân giữa hồng trần, có tìm cũng vô ích, đến lúc cần gặp nhau, tức khắc ta lại đến...
Châu Phương vỗ tay tán thưởng:
- Thông minh! Tiểu tử quả có khối óc phi thường! Trên thế gian này hẳn chẳng có một kẻ thứ hai như ngươi! Nếu ta không gặp một người như ngươi, để truyền hết cái sở học, thì cũng là một ân hận lớn lao cho ta vậy! Ngươi có biết tại sao ta cần phải ẩn tích, mai tung, trốn đời tránh thế chăng? Chờ ngươi đó! Ta tiếc nuối những ngày tàn là để chờ ngươi!
Phương bửu Nhi cảm động đến rơi lệ, hắn thốt:
- Tôi tuy ngu, song đối với những người thường tự hào là thông minh mẫn tuệ, chắc tôi cũng hiểu được ít nhiều, những điều họ tự hào là hiểu biết. Còn nhự.. tiểu công chúa...
Nhớ đến nàng, hắn lại nhớ luôn hiện tại nàng đang kẹt trong tay bọn ma đầu, sống chết ra sao, an nguy thế nào, hắn lại càng thêm thương cảm!
Ngưu thiết Oa cao giọng:
- Thiết Oa tuy ngu, nhưng cũng tình nguyện theo đại ca, từ ngày theo đại ca đến nay, cái ngu lui dần, cái khôn thay thế, dù chưa khôn lắm, cũng có thể gọi là khôn, bởi nhiễm cái khôn của đại ca, tiểu đệ thấy thích học võ, nếu lão gia bằng lòng chỉ điểm cho một vài chiêu thức, thì còn gì bằng? Tôi không ham học nhiều, tôi chỉ cần biết được vài chiêu cũng mãn nguyện lắm rồi!
Châu Phương vỗ tay cười lớn:
- Hay lắm! Hay lắm! Từ nay trở đi, chúng ta còn thiết gì mà chẳng thoái xuất hồng trần, chúng ta tìm một nơi cô tịch nào đó, ẩn náu tiêu dao, chờ khi nào các ngươi luyện tập võ công thành tựu, chúng ta sẽ trở lại giang hồ!
Phương bửu Nhi sáng mắt lên:
- Phải! Chúng ta nên tạm thời từ biệt hồng trần! Nhưng chúng ta đi đâu hả lão gia?
Châu Phương cười lớn:
- Trong vòng trời đất bao la, giữa năm hồ, bốn biển, há chẳng có một nơi nhỏ hẹp dung chứa bọn ta sao? Ha ha!..... Rồi lão ngẩng mặt lên không, hú vọng một tiếng dài, cất cao tiếng ca nghêu ngao, bài ca tạm biệt hồng trần, bài ca gởi trọn kỳ vọng vào gió, trong mây, hẹn một ngày nào đó, sẽ góp mặt lại trên giang hồ, đem hùng khí phục khởi võ lâm...
Kẻ đi đường trố mắt nhìn một cụ già cao hứng đến độ ca trong nơi công cộng, nào ai biết trong lão già đó, có một hoài bão đảo lộn càn khôn, xoay vần vũ trụ?
Cả ba cùng đi, đi mãi, chẳng biết đi về đâu...
* * * Xuân tàn, hạ hết, thu mãn, đông về...
Xuân hạ thu đông qua lại đã bao lần, núi vẫn nhô cao, sông vẫn dài giòng, nhưng thế nhân đã trải bao nhiêu diễn biến?
Năm năm!
Từ đại hội Hoàng hạc lâu đến nay thấm thoắt đã năm độ xuân sang, bụi thời gian đã mấy lượt phủ vùi hoa lá.
Giang hồ thiên chuyển, võ lâm thăng trầm... những biến hóa vô cùng, bút mực nào ghi lại cho hết?
Trong cuộc chiến giữa Thiết kim Đao và Hàn nhất Câu bên bờ sông, đúng như Phương bửu Nhi dự đoán, hào kiệt anh hùng chẳng bao giờ thấy được cái chiêu câu thần bí đó, rồi sau cuộc chiến bất phân thắng bại, Thiết kim Đao và Hàn nhất Câu đều mất tích luôn, chẳng rõ trong năm năm qua cả hai có tái chiến lần nào chăng, điều đó toàn thể anh hùng khắp sông hồ chẳng một ai được biết.
Ngôi vị bang chủ Cái bang bỏ trống sau ngày Vương đại Nương biền biệt ra đi, trong năm năm nay, quyền lãnh đạo tạm thời do Diệp Lãnh đảm nhận. Cựu bang chủ là Gia Cát Thông vẫn thất tung.
Trên giòng sông cũ, đệ tử Cái bang thường xuôi ngược như ngày nào họ thường trông thấy đôi hình bóng thờ thẫn nơi ghềnh đá tại một eo sông, hai bóng hình đó như câm, chỉ nhìn trời mây nước, dáng mơ màng như hồn mộng phiêu phưởng theo gió ngàn.
Hai bóng hình đó, là hai nữ nhân, một là Thiên phong trại chủ Khương Phong, một là Ngưu thiết Lan.
Từ ngàghềnh đá tại một eo sông, hai bóng hình đó như câm, chỉ nhìn trời mây nước, dáng mơ màng như hồn mộng phiêu phưởng theo gió ngàn.
Hai bóng hình đó, là hai nữ nhân, một là Thiên phong trại chủ Khương Phong, một là Ngưu thiết Lan.
Từ ngày Ngưu thiết Oa và Phương bửu Nhi ra đi, cả hai tịch mịch làm sao, song họ âm thầm chịu đựng cái tịch mịch đó, bởi họ biết rõ thế nào rồi người ra đi cũng có lúc trở về.
Họ âm thầm chịu đựng tịch mịch để chờ lúc kẻ ra đi trở về.
Họ chờ như thế năm năm rồi...
Năm năm trôi qua!
Đối với người vô sự, thì thời gian có nghĩa gì!
Năm năm qua, nếu vô nghĩa với một số người thì ngược lại, là cả một vấn đề to lớn cho người hằng lưu ý đến thời hạn.
Giả như, một thời hạn bảy năm.
Năm năm qua, đối với thời hạn bảy năm, có nghĩa là thời hạn đó đã thu ngắn lại hơn hai phần, chỉ còn lại hai năm, hai năm nữa lại là thời hạn đến!
Khách giang hồ, dù hắc đạo, bạch đạo, có quên được thời hạn bảy năm?
Và hiện tại, chỉ còn hai năm nữa thôi, người áo trắng sẽ trở lại Trung Nguyên, vung kiếm quét sạch võ lâm Trung thổ.
Hào kiệt anh hùng hắc bạch lưỡng đạo đã khẩn trương từ lúc đầu ngay sau ngày cuộc chiến bên bờ Đông Hải kết thúc. Giờ đây tất cả còn khẩn trương hơn, và một ngày qua thêm, là họ thêm một chút khẩn trương.
Ai sẽ là người đương đầu với bạch y kiếm khách?
Ai sẽ khoác lên mình cái danh dự đại diện võ lâm Trung Nguyên so kiếm với kiếm khách ngang tàng vùng hải ngoại?
Dù máu có đổ trong cuộc so tài, máu đó sẽ vẽ lên màu vinh dự cho người hy sinh vì đại cuộc.
Ai?......
Đinh lão phu nhân Liễu y Nhân chừng như không tưởng nổi là trên giang hồ lại bình tịnh một cách lạ lùng.
Năm năm qua, đúng là một cảnh thái bình, khắp non sông chẳng có nơi nào xảy ra một cuộc tranh chấp dù là nhỏ mọn.
Tại sao?
Vô luận là hắc đạo hay bạch đạo, vô luận là tiền bối, hậu sinh, tất cả đều gia tâm tập luyện võ công, chuẩn bị cho cuộc chạm trán với người áo trắng, chiếm đoạt vinh dự không tiền khoáng hậu!
Rất tiếc!
Trên vòm trời võ học, năm năm qua, chưa có một ngôi sao sáng nào xuất hiện!
Trong hàng cao thủ tiền bối, hiển nhiên có rất nhiều người siêu việt, song dù khổ công tập luyện suốt năm năm qua, so với Tử y Hầu, họ còn kém xa, như vậy thì mong gì họ thủ thắng trước một kiếm khách bạch y? Huống chi họ khổ công tập luyện,chẳng lẽ người áo trắng khoanh tay chờ ngày, dẹp bỏ tinh thần cầu tiến?
Trong hàng tiền bối đáng lưu ý nhất là Vân mộng đại hiệp Vạn tử Lương, nhưng năm năm qua, Vạn đại hiệp không đạt một tiến bộ nào, điều đó cũng chẳng lạ gì, vì gia vụ đa đoan, đại hiệp không còn thời giờ rảnh rang tập luyện liên tục.
Trong vũ lâm Trung Nguyên lúc đó, những người thắng nổi Vạn đại hiệp đếm không trọn đầu ngón một bàn tay.
Như vậy, hàng tiền bối hầu như bất khả dụng rồi.
Những vị tiền bối cũng biết thân phận mình lắm, tự họ đã chẳng trong mong gì nơi họ, thì họ nhìn xuống.
Họ nhìn xuống, không phải họ nhìn vào cái tài thấp hơn họ, bởi họ đang mong có người tài cao thay họ mà đương đầu với người áo trắng kia mà.
Họ nhìn xuống, nhìn thấp hơn, là nhìn vào lớp tuổi trẻ.
Lớp tuổi trẻ đã sản xuất ra tay nào siêu việt chưa?
Trong khi họ đặt kỳ vọng nơi lớp tuổi trẻ, thì một huyền thoại được loan truyền khắp nơi.
Theo huyền thoại đó, thì Tử y hầu chưa chết.
Và hiện tại Tử y hầu đang rong thuyền ngoài biển khơi như độ nào, để chờ người áo trắng trở lại.
Bởi có những thương khách từng ra khơi, khi rong thuyền từ hải ngoại trở về, vào một buổi chiều, có thấy chiếc thuyền buồm ngũ sắc, như ngày nào, bềnh bồng trên mặt biển, thuyền vẫn y như xưa.
Một khách thương trông thấy, nhiều khách thương trông thấy, một đồn mười, mười đồn ra trăm, ra ngàn, chỉ trong thời gian ngắn, khắp sông hồ đều nghe cái tin đó, vang dội như sấm rền.
Cái tiếng sét đánh vào đầu, chưa chắc làm cho hào kiệt anh hùng kinh sợ bằng cái tin đó.
Nhưng, họ kinh sợ trong niềm hân hoan, họ kinh sợ vì cái tin quá đột ngột, cái tin mà nằm mộng họ cũng chẳng dám mong!
Nhưng, có chắc như thế không?
Có kẻ quá sốt sắng, thả thuyền trên mặt biển suốt ngày đêm, suốt tháng, nhưng chẳng trông thấy gì cả.
Họ không thất vọng, bởi họ tin những khách thương đó, chẳng có lý do gì mà bịa đặt như vậy.
Nhưng, tin mà chẳng thấy gì cả, thì còn hy vọng làm sao?
Rồi, họ tạm quên đi cái tin đó, họ bắt đầu chú ý đến lớp thanh thiếu, tìm xem có tay nào khả dĩ thay thế hàng tiền bối, đứng mũi chịu sào trước cơn lốc do người áo trắng mang đến, giữ con thuyền võ lâm Trung thổ khỏi dao động giữa ba đào.
Bọn thanh thiếu, khi nghe tin là thuyền buồm ngũ sắc tái hiện, họ phì cười, nghe bên tai này, họ cho lọt ra bên tai kia, họ gột rửa khối óc sạch sẽ để chuyên chú luyện tập võ công, không để cho huyền thoại Tử y hầu hồi sinh làm vẩn loạn tâm tư.
Tráng khí dâng cao, hùng tâm sôi mạnh, họ không nhìn thấy cái gì khác hơn là:
thắng!
Thắng sẽ đưa họ đến đài vinh quang, cái danh của họ sẽ sáng chói như Bắc Đẩu giữa vòm trời không mây, họ sẽ là thần tượng của muôn đời, dựng cao trong võ lâm, người muôn phương đổ dồn ánh mắt ngời khâm phục.
Lạc Dương, Khai Phong, Kim Lăng, Bắc Kinh, Tô Châu... khắp những danh thị suốt mười ba tỉnh Nam Bắc Trung Nguyên, nơi nào cũng có kẻ cho mình có lá gan to hơn Thái Sơn, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, máu nóng một bầu sẵn sàng tuôn đổ nếu cần, để đánh bật người áo trắng ra ngoài khơi Đông Hải.
Không ai tưởng rằng mình sẽ bị bại trước người áo trắng.
Y là người, họ cũng là người, tất cả đều do xương thịt tạo thành, mà có môn công kỳ diệu nào lại chẳng do sự tập luyện mới thành?
Y luyện được bản lĩnh quán tuyệt, thì họ cũng luyện được tài năng siêu việt.
Tại sao họ kém y? Tại sao họ không tin tưởng được là họ sẽ thắng y? Họ lấy tiêu chuẩn nào đặt thành một định lệ vô ý thức như vậy chứ!
Ở mỗi nơi đều có một người hùng xuất thân từ giới thanh thiếu, song chẳng lẽ đến kỳ tranh đấu với người áo trắng, tất cả những người hùng đều ào ra một lượt?
Không! Phải có một đại diện.
Làm sao có một đại diện? Do sự bình luận của hàng tiền bối chăng?
Không! Họ sẽ không phục bất cứ sự bình luận nào, kể cả sự bình luận của sư phó họ, của bậc sinh thành ra họ. Họ đang lứa tuổi khí huyết phương cương, họ có máu nóng sôi sục trong huyết quản, họ hiếu thắng, bảo họ cúi đầu nhượng bộ trước một người khi chưa có bằng chứng gì xác thực là người đó hơn họ, thì dù có chặt đầu họ, họ cũng không phục.
Như vậy phải có một cuộc tỷ thí.
Hàng tiền bối không chấp nhận một cuộc tỷ thí như vậy, bởi gọi là tỷ thí, chứ thực ra là một cuộc tử đấu, nếu có một thắng phải có một chết. Tỷ thí như vậy là hao mòn tài nguyên thanh thiếu anh hùng, tài nguyên đang vượng đáng mừng.
Hạng thanh thiếu thà chết chứ chẳng chịu từ bỏ cái vinh dự đại diện vũ lâm đương đầu với người áo trắng.
Hàng tiền bối không chấp nhận cuộc tỷ thí, nhưng liệu có ngăn trở họ làm cuộc tỷ thí đó chăng? Ngăn trở nổi chăng?
Trời! Nếu cuộc tỷ thí xảy ra, thì đúng là một điều đại bất hạnh cho võ lâm Trung nguyên.
Người áo trắng chưa tới nơi, mà một nửa thanh thiếu niên phải chết vì nhau, dưới tay nhau!
Không ai ngăn chặn được một cơn lốc của cuồng phong, một giòng nước trào cuốn như thác lũ.
Thì, cuộc tỷ thí phải thành hình.
Hàng thanh thiếu tự ước hẹn với nhau, quy tụ tại đỉnh Thái sơn, vào ngày mùng tám tháng chạp, để tranh đoạt cái danh dự đại diện võ lâm, so tài cùng bạch y kiếm khách.
Hôm nay, tiết trùng dương đã qua, còn không hơn ba tháng nữa là đến ngày tỷ thí.
Một sự kiện đột ngột phát sinh, khích động toàn thể võ lâm mãnh liệt.
Sự kiện đó là các môn phái lớn:
Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi, Điểm Thương, Không Động, Hoa Sơn, Hoài Dương, nhân ngày Trùng Cửu, có phát hịch ra khắp giang hồ, báo tin là sẽ phái đệ nhất đại đệ tử đến Thái Sơn dự cuộc tỷ thí tuyển chọn đại diện võ lâm đối đầu với người áo trắng vào năm sau.
Bảy phái kiếm lừng danh đó, cho đệ tử hạ sơn, nghĩ ra cũng là một sự rất thường, bời năm nào các phái đó cũng cho đệ tử hạ sơn, không nhiều thì ít.
Nhưng hạ sơn là việc riêng tư của môn phái, cớ sao lại phát hịch thông tri khắp giang hồ?
Chính việc đó làm cho toàn thể võ lâm phải chú ý.
Và họ đã bắt đầu nghĩ là lần này, bảy phái kiếm đó cho hạ sơn những tay hiệt kiệt nhất.
Mỗi phái kiếm chỉ cho một đệ tử hạ sơn, và vị đệ tử đó mang theo mình cả kỳ vọng của sư môn, cả danh dự của sư môn. Với tầm quan trọng đó, người hạ sơn ít nhất cũng phải ngang tài với chưởng môn, hoặc cao hơn một vài phần...
Vân Mộng đại hiệp Vạn tử Lương tiếp được tờ hịch của Vô Tướng đại sư, chưởng môn nhân phái Thiếu Lâm.
Tờ hịch đó gây nên một luồng dư luận không nhỏ trong võ lâm, và nơi nào cũng có người đề cập đến.
Vô Tướng đại sư đã nói gì với Vân Mộng đại hiệp Vạn tử Lương, khiến mọi người đều chú ý?
Tờ hịch đại khái như thế này:
- Vạn Quân túc hạ! Từ lâu hằng mến tác phong, nghi biểu của Vạn Quân, hận chưa có dịp bái kiến để tỏ rõ lòng ngưỡng mộ. Hôm nay, nhân bảy môn phái lớn cho đệ tử hạ sơn, điều đó rất thường đối với năm nào, nhưng năm nay thì lại có tầm quan trọng phi thường, cái tầm quan trọng đó làm xao xuyến nhân tâm không ít.
Tại sao lại có cái tầm quan trọng?
Bảy đệ tử của bảy phái, nguyên xưa là đệ tử của Thanh Bình Kiếm khách Bạch Tam Không, họ từng được sư phó giáo huấn ngay từ thưở nhỏ, căn cơ rất dày, sau ngày Thanh Bình kiếm khách so gươm với người áo trắng, thì bảy đệ tử đó vâng lịnh sư phó, phân nhau gia nhập mỗi người một môn phái, còn Bạch Tam Không thì ôm hận rời bỏ hồng trần, vùi chân trong quên lãng của thời gian.
Năm năm qua, bảy đệ tử chuyên cần học tập, khắc khổ học tập, luôn luôn họ nhớ cái nhục bại của sư phó, luôn luôn họ nhớ cái hận đối với người áo trắng, sự tiên bộ của họ đã đạt đến mức phi thường, trên xa kỳ vọng của bậc sư phó. Có thể bảo, màu xanh xuất từ chàm, nhưng lại xanh hơn chàm. Bần tăng cùng các vị chưởng môn kia từng thảo luận với nhau, quyết cho bảy đệ tử xuống núi, thay mặt cho môn phái, cùng người áo trắng tranh thư hùng. Bần tăng đã quá già rồi, không tiện bôn tẩu để lo liệu cho một việc trọng đại như vậy, may thay cho hàng đệ tử thay thế, bần tăng mong rằng chúng sẽ tạo nên một hãnh diện gì cho sơn môn nói riêng mà cho toàn thể võ lâm nói chung.
Từ bao lâu rồi, Vạn đại hiệp chủ trì chánh nghĩa võ lâm, Vạn đại hiệp là lãnh tụ quần hùng, bần tăng mong ước Vạn đại hiệp nhất tâm chiếu cố đến bảy đệ tử. Được vậy, bần tăng hân hạnh lắm, sáu vị chưởng môn kia hân hạnh lắm!
Dưới đây, bần tăng liệt kê danh tánh của bảy đệ tử:
Công Tôn Bất Trí, hiện thuộc phái Võ Đương.
Kim Bất Húy, hiện thuộc phái Nga Mi.
Thạch Bất Vi, hiện thuộc phái Điểm Thương.
Ngụy Bất Tham, hiện thuộc phái Không Động.
Tây Môn Bất Nhược, hiện thuộc phái Hoa Sơn.
Dương Bất Nộ, hiện thuộc phái Hoài Dương.
Mạc Bất Khuất, hiện thuộc phái Thiếu Lâm.
* * * Tờ hịch đó, tuy chỉ có Vạn tử Lương và năm sáu người bằng hữu đọc mà thôi, nhưng, năm sáu người đó đồn ra thành mười, mười thành trăm thành ngàn, thành ra toàn thể võ lâm đều rõ.
Vô Tướng đại sư, chưởng môn nhân phái Thiếu Lâm, là người thông hiểu thiền cơ, người không cầu tiến về võ công, tuy vậy người vẫn được trọng vọng trên giang hồ vì đức độ rất cao. Trong giang hồ thiên hạ không ai vì võ công của đại sư kém mà dám khinh thường.
Từ bao lâu nay, Vô Tướng đại sư không hề can dự vào các việc thị phi trên đời, đối với giang hồ, đại sư chẳng có mảy may ân oán, tính tình nghiêm trọng, chẳng chịu nói một lời khinh suất, cho nên hễ nói ra là lời có giá trị như núi Thái.
Vậy mà đại sư cực lực tán thưởng tài nghệ của bảy đệ tử, cho rằng bảy đệ tử còn trên sư phó một vài bậc, điều đó khiến quần hùng phải chú ý đặc biệt.
Sau tiết Trùng Dương, bảy đệ tử đều xuống núi, và họ quy tụ tại nhà Vạn tử Lương.
Họ đến đây làm gì? Vâng lịnh sư môn đến yết kiến Liên vân Mông đại hiệp, hay còn có mục đích gì khác nữa?
* * * Về phía nam lĩnh Sơn Tây, ngoài Đồng Quan, có một khu rừng, vô cùng rộng lớn, diện tích có trên trăm dặm vuông, rừng gồm phẩn nhiều tùng và bá, chen lẫn với ngô đồng, cho nên dù đang tiết thu đông, cành lá vẫn xanh tươi dày đặc, khu rừng có một bóng mát muôn đời, chẳng ngày tháng nào trong năm trơ cành trụi lá để cho ánh thái dương soi rọi.
Đứng bên ngoài nhìn vào khu rừng, thì xem như một cánh rừng hoang, không một bóng người.
Nhưng đến gần ven rừng, thì nghe có tiếng ngựa hí vang, bất cứ giờ phút nào trong ngày cũng nghe cả, rồi thì tiếng người xao xuyến, chừng như bên trong có cả thiên quân vạn mã đang trú đọng.
Ven khu rừng có một tấm bảng, trên bảng có mấy chữ:
- Khu rừng này là biệt sản của họ Kim, một di sản tổ phụ lưu truyền, con cháu phải gìn giữ, người ngoài chẳng được len lỏi vào.
Hôm đó khi hoàng hôn sắp sửa buông màn, dồn những tia nắng cuối cùng về phương trời tây để lặn dần dưới rặng núi, một đoàn người đến bên ngoài rừng, đoàn người có lẽ từ phương xa đổ đến, y phục vấy cát bụi chứng tỏ họ đã trải qua một cuộc bôn ba lao nhọc.
Đi đầu đoàn người đó là Vân Mộng đại hiệp Vạn tử Lương, sau lưng đại hiệp có bảy người, cao có thấp có, tăng có, đạo có, tục có, đoàn người xếp đuôi cá mà đi, lẳng lặng mà đi.
Nhìn thoáng qua thần tình của họ, có thể ức đoán họ toàn là những người thân, thân nhau như bằng hữu, nhưng họ lại lăng lệ, gương mặt thâm trầm, thì chừng như họ là những người xa lạ với nhau, do một ngẫu nhiên nào đó, họ được quy tụ lại một đoạn đường để cùng trổi bước.
Họ cùng ưu tư như nhau, cái ưu tư của con người hùng, càng ưu tư càng bốc bừng dũng khí, không chìm lắng như những người bạc nhược sẵn sàng nép mình dưới lấn ép của cát bụi thời gian.
Cái ưu tư của họ là tạm thời chờ một cơn quật khởi.
Họ vượt ven rừng, vào sâu.
Trước mắt họ có vô số nhà cửa, ngôi nào cũng tinh xảo phi thường hoặc từng ngôi riêng biệt, hoặc liên mái thành gian, mỗi liên mái cũng có ít nhất cũng ba gian trở lên, rồi những ngôi nhà liên mái tụ họp thành khóm, mỗi khóm gồm ít nhất cũng phải trên ba ngôi nhà, ba liên mái.
Có rào trúc ngăn cách nhau, có nước khe chảy quanh, khe thiên nhiên hoặc do người khơi giòng dẫn thủy quanh nhà, có cầu con bắc ngang khe, cầu bảng rộng, lan can đỏ, thỉnh thoảng có tượng thú dựng lên.
Đúng là một nơi u tịch nhưng lại có đầy đủ những tiện nghi cần thiết cho một nếp sống cầu kỳ.
Tám người còn tâm tư đâu ngoạn cảnh? Họ đến đây, để tìm người chứ không ngoạn cảnh, bởi cảnh núi rừng đối với họ, họ còn quen hơn hàng mi trước mắt.
Bỗng, có hai đại hán vận y phục gấm, từ trong tàng cây xuất hiện, ngăn chận trước lối đi của đoàn người. Một đại hán cao giọng:
- Rừng có chủ, các vị muốn vào để làm gì?
Vạn tử Lương trầm giọng:
- Tại hạ là Vân Mộng Vạn tử Lương, muốn bái phỏng Kim thiếu hiệp!
Hai đại hán có vẻ ngạo mạn, nghe ba tiếng Vạn tử Lương cùng giật mình, vẻ ngạo mạn biến mất trở lại khiêm cung đáng ngợi, cả hai hơi nghiêng mình, cúi đầu.
Gã đứng bên tả cất tiếng:
- Thiếu chủ sau giấc ngủ trưa, mang rượu vào sâu trong rừng, tìm nơi gợi hứng, tuy quanh quẩn trong khu, nhưng tìm người khó như tìm kim đáy biển.
Gã kia tiếp:
- Nếu các vị không có gì khẩn cấp, xin vào tinh xá kia ngồi nghỉ, cho tiểu nhân đi tìm thiếu chủ. Tưởng cũng chẳng phải đợi lâu đâu.
Thân vóc thô bạo, hai đại hán có thái độ ung dung, cái vẻ ngạo mạn nếu có, chẳng qua quen sống cái nếp sống quá thừa thãi, mà có, do khinh thường mà có, rồi tưởng mình là hạng ưu đãi, trời sinh ra để hưởng ưu đãi, chứ thật sự thì chúng cũng có nhã nhặn phần nào.
Cho nên, vào chốn quyền quý, đừng ai lấy làm lạ trước cái vẻ hững hờ khinh ngạo của họ.
Đem họ đặt vào nếp sống bình thường, họ sẽ nhỏ nhoi lại ngay, trừ những con người vô sỉ, nuôi dưỡng ác độc, bạo tàn.
Vạn tử Lương trầm ngâm một chút:
- Nếu các vị chẳng có điều chi trở ngại, thì cho bọn tại hạ cùng theo các vị vào sâu trong rừng, tìm Kim thiếu hiệp, nhân đó chiêm ngưỡng cảnh trí tân kỳ của khu viên đặc biên họ Kim.
Hai đại hán cùng gật:
- Nếu Vạn đại hiệp muốn, bọn tiểu nhân phải vâng lời.
Họ đi trước, Vạn tử Lương theo sau.
Đoàn người gồm chín người lẳng lặng tiến sâu vào rừng.
Dọc đường, có nam phụ lão ấu, từ các ngôi nhà nhìn ra, song chẳng ai hỏi gì, nói gì, bất quá họ nhếch mép vẽ một nụ cười, xem như cái việc tiếp khách ở đây rất thường, mà có lẽ Kim tổ Lâm cũng thường có khách, nên họ mới quen mắt quá như vậy.
Nơi nào cũng có trật tự, nơi nào cũng sạch sẽ, một khu rừng rộng lớn như vậy vẫn được chăm sóc chu đáo, chứng tỏ con mắt của chủ nhân nhìn khắp cùng, và khối óc của chủ nhân được vận dụng cho từ việc nhỏ đến việc lớn.
Vạn tử Lương thở dài thầm nghĩ:
- Ta cứ tưởng, Kim tổ Lâm đã dìm cuộc đời trong đáy vò rượu, ngờ đâu hắn tổ chức chu đáo thế này! Lấy bề ngoài mà xét hắn, thật không thể tránh được sự sai lầm to.
Đi một lúc, nghe tiếng ca đâu đây vọng lại.
Lời ca tán thưởng cái thú tiêu dao, có rượu, có gió, có cây, lời ca của kẻ sinh ra để tận hưởng lạc thú nhân sinh, hứng đến thãi thừa, mãi mãi vô tận.
Nghe tiếng ca, đại hán áo gấm lộ vẻ mừng, quay lại nhìn Vạn tử Lương:
- Tiếng ca của thiếu chủ đó!
Họ đi tới, mấy hàng cây vừa được vượt qua, trước mặt họ, một người đang đu tay, đu chân trên cành như dơi.
Lạ kỳ!
Chân móc vào cành cây, đầu thòng xuống đất, đong đưa thân hình qua lại, chiếc áo rộng lột ngược, phủ trùm cả mặt mày trong lớp áo đó.
Lời ca oang oang, bên hông có một vò rượu, chốc chốc một bàn tay từ lượt áo ló ra, vớ lấy vò rượu, bàn tay kia vén áo, vừa đủ khoảng trống cho vò rượu kề miệng, khi tu rượu thì dừng ca, tu rượu rồi thì lời ca tiếp tục vang lên.
Vạn tử Lương bước tới gần, chờ ca khúc dứt hẳn mới cất tiếng:
- Cách biệt nhau năm năm, lại gặp Kim huynh, người vẫn còn đầy đủ hứng! Trong thời gian qua, Kim huynh mạnh chứ?
Kim tổ Lâm vén tà áo phủ ngược trên mặt, nhìn xuống, bật cười ha hả:
- Khách quý! Khách phi thường! Khách từ cung trời rơi xuống! Ha ha! Tiểu đệ hân hạnh vô cùng!
Bỗng y thấy từ sau lưng Vạn tử Lương có bảy người nữa, niềm cao hứng của y tắt lặng ngay.
Khẽ uốn mình, y cong vút người lên, thân bổng khỏi cành cây, tà áo trả xuống chân rời cành, hai tay dang rộng, trong tư thế đại bàng triển dực, y là đà bay xuống đất.
Y lạnh lùng hỏi:
- Vạn đại hiệp đến đây là vì cái việc năm xưa?
Vạn tử Lương cười nhẹ:
- Từ ngày tại lầu Hoàng hạc, bị tiểu tử nhỏ người nhưng to mật giảng huấn cho một phen, tại hạ đã hiểu thị khắp bốn phương trời, cấm nhặt mọi người quấy rồi Kim huynh vì cái việc đó!
Kim tổ Lâm cười lớn:
- Như vậy thì tiểu đệ có lỗi nghi ngờ Vạn huynh rồi! Đáng phạt!
Đáng phạt! Đây, có sẵn rượu đây, Vạn huynh!
Y lại nhảy vọt lên tàng cây lấy một cái đãy, bằng da dê, thứ đãy của bọn du mục vượt sa mạc dùng đựng nước, thay vì đựng nước, y đựng rượu, vò rượu bên hông đã cạn, y lấy đãy rượu này định đãi khách.
Y nhảy lên, đáp xuống mươi lượt, cuối cùng y đã mang xuống mười đãi rượu.
Y chuẩn bị số rượu đó, định uống cạn trong cuộc lâm du này, cuộc lâm du chưa chấm dứt, có khách đến viếng y phải đem xuống đãi khách.
Kim tổ Lâm bật cười ha hả:
- Bà vợ ác quá, cứ cấm đoán tiểu đệ say sưa mãi nên phải giấu rượu khắp khu rừng, khi cao hứng thì vào đây, mặc tình chén đến say tít cung thang!
Thì ra, rượu giấu vợ chứ chẳng phải rượu chuẩn bị cho cuộc lâm du.
Nghĩ cũng khổ, vừa thích rượu lại vừa sợ vợ, thích thì không bỏ được đã đành, rượu không bỏ mà vợ cũng không bỏ, như vậy là Kim tổ Lâm còn một cái thích thứ hai là sợ vợ.
Bởi đó là cái thích của y, nên y công khai tuyên bố trước mặt mọi người.
Vạn tử Lương nghiêm giọng:
- Rượu thì tự nhiên phải uống với Kim huynh, nhưng tại hạ cần phải nói trước là hôm nay tại hạ đến đây với một công tác quan trọng, mà bảy vị này có lai lịch phi thường.
Kim tổ Lâm biến sắc, trầm giọng căm hờn:
- Vô luận là ai, đừng mong gặp mặt Bạch lão tiền bối! Nếu các vị đến với mục đích đó thì Kim tổ Lâm này không hân hoan mời quý vị uống rượu đâu!
Y quay mình toan bước đi.
Vạn tử Lương cao giọng:
- Bảy vị này là đệ tử chân chính của Bạch lão tiền bối đấy.
Kim tổ Lâm giật mình, từ từ quay lại, đảo mắt nhìn từ người một, nhìn đủ bảy người, y hỏi:
- Có phải bảy vị mà gần đây giang hồ đã đề cập đến nhiều nhất?
Người thứ nhất, thân hình thẳng đứng, đôi mày hiên ngang, dũng khí bốc bừng, tuổi rất trẻ, vòng tay đáp:
- Tại hạ từ Thiếu lâm phái đến đây, họ Mạc, tên Bất Khuất.
Người thứ hai, vận chiếc áo xanh, bước tới:
- Phái Nga Mi, họ Kim, tên Bất Úy!
Thân hình Kim bất Úy cao hơn tám thước, vai rộng ba thước, giọng nói như chuông gióng, giọng nói dội vào tai Kim tổ Lâm làm y cau mày.
Người thứ ba bước tới cạnh Kim bất Úy, hình vóc ốm gầy, vận áo đạo sĩ màu xanh, đôi mắt sáng một cách lạ lùng, chấp tay chữ thập thốt:
- Bần đạo là Công Tôn bất Trí, vừa rời Vũ Đương sơn.
Người thứ tư mặt lạnh như tiền, chừng như khó khăn lắm mới nối vòng được đôi tay cho tròn lễ độ, nhưng chắp rồi, y chỉ cúi đầu, chẳng thốt tiếng nào.
Mạc bất khuất cất tiếng:
- Tứ đệ của tại hạ đấy, họ Thạch tên Bất Vi, môn hạ Điểm Thương phái, bình sinh không thích mở miệng.
Kim tổ Lâm mỉm cười:
- Không nói thì bực chán có thể chết được! Ai chịu nổi chứ? Mình không chịu nổi, người chung quanh cũng không chịu nổi?
Người thứ năm bước tới, thân vóc lùn, mập, mặt tròn như vành trăng giữa tháng, miệng luôn gắn nụ cười, tuổi trẻ, vòng tay:
- Tại hạ, họ Ngụy, tên Bất Tham, thọ giáo phái Không Động, dám thách cá nếu ai làm cho Thạch tứ ca nói đúng mười tiếng, tại hạ chịu thua mười lượng.
Thạch bất Vi vụt thốt:
- Vì muốn ngươi mất mười lượng, ta chịu nói liền!
Đúng mười tiếng, không hơn, không thiếu!
Ngụy bất Tham mỉm cười:
Hay! Vậy là tiểu đệ toi mười lượng bạc.
Y lấy trong mình ra đỉnh bạc mười lượng, trao cho Thạch bất Vi.
Thạch bất Vi tiếp lấy, thản nhiên cất vào mình.
Kim bất Úy cười giòn:
- Ngụy ngũ đệ hào sảng quá! Vung mười lạng bạc, như vung một chiếc lông con!
Người thứ sáu thở dài:
- Ngũ ca có lỗ lã gì? Người thua thiệt trong cuộc mua bán này chính là tiểu đệ. Ngũ ca thua tứ ca mười lượng, nhưng lại thắng tiểu đệ năm mươi lượng, còn lời bốn mươi lượng kia mà!
Trong bảy người, chính người thứ sáu này ăn mặc cực kỳ hoa lệ lại có văn chất, con người thanh nhã vô cùng, thoạt trông chẳng khác nào một thiếu nữ cải trang.
Y thốt xong, mò tay vào trong mình lấy ra một đỉnh bạc năm mươi lượng trao cho Ngụy bất Tham.
Kim bất Úy lấy làm lạ:
- Cái gì thế?
Ngụy bất Tham mỉm cười:
- Lục đệ thách cá tiểu đệ, nếu tiểu đệ làm cho tứ ca nói chuyện thì lục đệ chịu thua năm mươi lượng. Tứ ca nói rồi, tiểu đệ đã thua mười lượng, nhưng lại thắng lục đệ năm mươi lượng, lời đúng bốn mươi lượng.
Kim bất Úy thở dài:
- Thảo nào mà ngày xưa sư phó chẳng từng nói, nếu ngươi chuyên về sanh ý thì phải chóng phát tài, phát đại tài. Sư phó có con mắt nhìn người lắm lắm!
Kim tổ Lâm từ lâu nén trận cười, lúc đó không còn nén nổi nữa bật cười vang.
Thiếu niên có vẻ văn nhã, y phục hoa lệ vòng tay tự giới thiệu:
- Tại hạ là Tây Môn Bất Nhược, thuộc phái Hoa Sơn.
Người thứ bảy, mặt đỏ như trái táo, đôi mày đen rậm khi cau lại, giáp mí với nhau vẽ thành một vạch liền, dù đang lúc sảng khoái nhất cũng có vẻ phẫn nộ, chẳng biết lúc thực sự phẫn nộ thì gương mặt y sẽ như thế nào. Y vận chiếc tăng bào dài quá gối, tóc để xõa, phủ dài.
Vận tăng bào mà để tóc, đúng là một đầu đà, y cao giọng tự giới thiệu:
- Tại hạ là Dương Bất Nộ, thuộc phái Hoài Dương.
Giọng nói của y vang lên như sấm rền, Kim tổ Lâm giật mình cau mày cười khổ:
- Chẳng rõ ngày thường nhân huynh có nói lớn giọng như vậy hay không?
Ngụy Bất Tham mỉm cười:
- Có lúc hắn còn to giọng hơn!
Kim tổ Lâm thốt:
- Từ lâu Bạch lão tiền bối không hề tiếp xúc với bất cứ một ngoại nhân nào, nhưng có thể là đối với bảy vị, người sẽ phá cái lệ đó...
Đột nhiên y quay mình, buông gọn:
- Đi thôi!
Rồi y bước đi thoăn thoắt.
Con người có kỳ tài, phải có dị tính, đã không làm gì thì thôi, nhất định làm là làm ngay. Kim tổ Lâm muốn chỉ một bước là đưa tất cả tới nơi trú ẩn của Thanh bình kiếm khách Bạch Tam Không.
Y bước đi, Vạn tử Lương và bảy thanh niên theo liền.
Họ đi mãi, chừng như họ đi đến suốt đời cũng chẳng ra khỏi khu rừng.
Không ai để ý đến con đường đi tới, cây cối hai bên đường dần dần thấp xuống, cuối cùng đến một chỗ cây thấp quá độ, gần như mới trồng mặc dù nhánh nhóc to lớn, nhánh nhóc của loại cổ thụ.
Bỗng Kim tổ Lâm kêu lên:
- Lưu ý!
Kế đó y hụp mình. Tất cả cũng hụp mình theo.
Thì ra họ sa xuống hố sâu. Nhờ tất cả đều có bản lĩnh tuyệt diệu, nên chẳng ai việc gì.
Nơi họ rơi xuống, là lòng hố, rộng độ hai mươi trượng, giữa hố có một cội cây to. Cây mọc thẳng đứng, cao vô cùng, thân cây lên cao độ trăm trượng mới có tàn, tàn che khuất miệng hố.
Ngọn cây ló khỏi mặt hố, nên trông quá thấp, như cây mới trồng.
Và lòng hố dài ra, ăn sâu xuống, cho nên từ xa, xem như cây thấp, bởi đất thấp trũng dần dần, cuối cùng đến miệng hố. Giả sử chỗ đó chẳng phải cái hố, thì những thân cây kia cao vô cùng, vượt hẳn những chỗ khác, và đứng xa xa nhìn lại tất phải chú ý.
Nhất là thân cây giữa lòng hố, cao vô tưởng, bình sanh chưa ai thấy một cây nào cao như vậy.
Vạn tử Lương giật mình:
- Chẳng lẽ Bạch lạo tiền bối ở trên tàn cây này?
Kim tổ Lâm gật đầu:
- Chính ở trên đó, Vạn huynh! Trong mấy năm nay Bạch lão tiền bối dốc tâm tu vi, công lực tiền bối vô cùng mà đạo hạnh cũng gần bằng một bậc la hán. Từ ngày đến đây, lão tiền bối chẳng hề xuống đất một lần, mà cũng chẳng ăn những vật nấu nướng. Vợ tôi cứ đúng chu kỳ mấy hôm lại mang hoa quả đến, chỉ những lúc đó, người mới thòng dây xuống, móc giỏ rút lên thôi. Chính tại hạ đây trong suốt mấy năm dài không hề gặp mặt người một lần.
Bảy đệ tử rất mừng vì sư phó còn sống, hơn nữa công lực tu vi lại cao thâm, song nghĩ lại người trải qua gian khổ bao nhiêu năm dài, họ không khỏi bồi hồi xúc động.
Dù sao, tình nghĩa sư đệ cũng đậm đà, họ lại là những môn hạ có lòng, tự nhiên họ phải thương cảm vô cùng. Người nào cũng tuôn trào lệ thảm.
Mạc bất Khuất kêu to:
- Các đệ tử ngày nay tìm đến đây, bái kiến tôn sư, xin người xuất hiện cho tất cả được thỏa nguyện!
Vô ích.
Tiếng kêu vang chạm vào vách hố, dội rền, xoắn tít lên không rồi tan biến, chẳng một lời đáp lại.
Phải biết, tiếng kêu của Mạc bất Khuất to lớn như chuông đồng, gia dĩ y lại vận dụng nội lực phát đi, thì âm thanh phải rền dội quá tiếng sấm.
Dù là Bạch Tam Không đang ngủ, đang nhập định cũng phải giật mình.
Tại sao lão im lìm?
Bảy đệ tử ngẩng mặt nhìn lên cây cao, nhìn đứng, cổ mỏi rụng, mà họ chẳng mòn lòng, mong mỏi bắt gặp một bóng hình từ tàn cây ló ra.
Vô ích, vẫn hoàn vô ích.
Tịch mịch vẫn hoàn tịch mịch.
Lâu lắm, từ trên tàng cây, một vật gì rơi xuống. Thạch Bất Vi đưa tay hứng lấy. Cả bọn cùng nhìn.
Thì ra một hạt sen!