Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Một người - Một đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18000 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một người - Một đời
Lê Mỹ Hân

Chương 25


   Sáng ngày kế tiếp, tôi vừa thức dậy, đang ngồi trên ghế gỡ ghèn mắt thì Hạnh gọi điện thoại tới, dặn tôi sửa soạn trước nó đang trên đường xuống đón tôi. Sáng nay, Hạnh lãnh nhiệm vụ trông quán nước cho chị Lan và tôi đi lo việc nhà cửa. Tôi dự định qua phòng quy hoạch hỏi xem nếu tụi tôi đồng ý lãnh tiền thì thủ tục mất bao lâu.

Hạnh là cô em gái kế tôi, nhỏ hơn tôi 4 tuổi. Trong nhà chỉ mình con bé này khéo mồm và có duyên buôn bán nhất. Tôi nhớ thời tôi mở sạp quần áo trên Thương Xá Tax, mỗi khi tôi lên trông hàng, ngồi cả buổi sáng chẳng có ma nào vào hỏi, vậy mà tới phiên Hạnh lên bán, khách hàng bu lại như kiến cỏ. Ngày mẹ tôi còn sống, mẹ tôi cưng nó nhất nhà vì nó phụ mẹ tôi bán thuốc lá ngoài bến xe vào những giờ rảnh.

Hồi đó tôi ghét nó vô cùng, ỷ được mẹ cưng nó luôn lên mặt với tôi. Có lần nó dành nhau với tôi cái bình hoa và khăn trải bàn vào ngày lễ Hiến Chương Thầy Cô, tôi tức mình nện cho nó một trận, mẹ tôi về, bắt gặp, bà tru tréo la mắng tôi um xùm, bà bảo tôi là "Cái đồ mắt trắng môi thâm, cái đồ thâm hiễm". Tôi ức lắm, rình bữa nào không có ai ở nhà lén "bụp" nó một trận cho bõ nư. Mới ngày nào đó thôi mà nay em tôi đã có chồng và con lùm xùm. Tuy ít học nhưng nó lại là đứa giỏi giang nhất, trong nhà chỉ có mình nó là người tôi không cần phải lo lắng gì nhiều.

Hạnh chở tôi qua bên quán cà phê chị Lan, quán hôm nay khá đông khách, bảo khá đông cho nó oai chứ cũng chỉ được 3 bàn chừng mươi người. Thường, chị Lan bán cà phê bưng đi, ít có người vào quán ngồi. Khách của chị chủ yếu là nhân viên mấy công ty xung quanh đó, họ gọi cà phê bằng điện thoại, chị nghe rồi làm nước bưng sang tận nơi, bởi vậy tôi gọi quán cà phê của chị là quán Víp (VIP).

Khi tôi bước vào trong quán, chị Lan đang ghi ghi chép chép, ngước mắt lên nhìn thấy tôi, chị hỏi liền:

- Đi ngay bây giờ chưa?

Tôi ngó đồng hồ, gật đầu.

- Mười giờ rồi, đi không họ đóng cửa.

Chị Lan dặn Hạnh một số công việc, xong xuôi, chị với cái nón kết đội lên đầu, mặc thêm cái áo khoác ngoài che nắng. Hạnh đưa tôi chìa khoá xe Honda, tôi cầm lấy, đẩy chiếc xe ra bên ngoài, nổ máy chờ chị Lan leo lên phía sau lưng. Tôi cho xe chạy suôi chiều rồi quẹo vào đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), vượt Hàm Nghi và rẽ tay mặt vào đường Nguyễn Thái Bình (Nguyễn Sâm cũ). Phòng quy hoạch nằm kế bên phòng nhà đất quận I, đối diện với chung cư Nguyễn Thái Bình, chung cư này có thời gian tôi mướn phòng ở tuốt trên lầu 7 vào khoảng cuối năm 92 đầu năm 93. Phía bên ngoài, xe cộ xếp đầy không còn chỗ trống, tôi chạy thẳng qua bên chung cư gửi xe, chiếc xe loạng quạng muốn té nhào. Chị Lan la lên:

- Dạo này em chạy xe kỳ vậy? Run tay à?

Tôi không nói năng gì, chống ngang chiếc xe, nhẩy vội ra đưa ngay gót giầy lên xem xét, miệng xuýt xoa:

- Trầy bố nó hết gót giầy của tui rồi, đôi giầy tui mới mua 200 đô đó. Run cái gì mà run. Bởi vậy tui ghét chạy xe lắm!

Nghe nói giá 200 đô la, chị Lan tiếc của cũng cúi xuống ngó xem gót giầy tôi bị trầy ra sao, miệng lẩm bẩm:

- Sao hồi nãy không bảo trước, chị lấy cho đôi dép đi tạm. Đôi giầy đẹp thế, chạy xe cho nó phí đi.

Gửi xe xong, chị em tôi băng qua đường, tiến vào trong toà nhà. Phòng của ông đội trưởng đội quy hoạch nằm dưới tầng trệt, ở tuốt luốt phía trong cùng. Trong phòng có vài người khách, chị em tôi dừng lại bên ngoài cửa, kế cầu thang dẫn lên lầu. Chị Lan chỉ cho tôi danh sách những toà nhà tái định cư được đính trên tấm bảng thông báo treo ngay gần đó. Mấy tờ giấy ghi chi tiết số nhà, phòng, diện tích, giá cả. Gạch đỏ, gạch đen, đánh dấu những căn đã có chủ. Tôi dán mắt vào danh sách tái định cư khu Phạm Viết Chánh, miệng lẩm bẩm:

- Vái trời họ cấp cho mình một căn bên chung cư này.

- Tiêu chuẩn nhà mình không được đâu, với lại họ cấp hết rồi - Chị Lan đưa tay chỉ sang một tờ khác gần ngay đó, nói: - Nếu hên, mình được khu này này.

Đó là khu nhà bên chung cư Nguyễn Trãi, sau lưng bệnh viện Từ Dũ, tôi liếc mắt nhìn qua, chung cư này còn khá nhiều căn trống, nhưng diện tích thì nhỏ tí tẹo, 30, 40, 50 cho đến to nhất cũng chỉ 80 mét vuông mà nó lại nằm tuốt trên lầu 4, tức là phải leo 5 tầng lầu, mấy căn bên dưới đã có người nhận hết. Chị Lan đưa tay chỉ sang khu nhà khác:

- Lẽ ra mình được cấp nhà ở khu Bùi Viện này, tại mình không có hộ khẩu.

Tôi nhìn giá cả trên bảng giấy, mắt sáng lên, nói khe khẽ:

- Ôi...rẻ quá chị ơi! Căn to nhất cũng chỉ hơn 200 triệu.

- Thì đó, ông kia ông dặn. Nếu em lấy tiền mặt, nói ông thối cho, ông muốn lấy tiêu chuẩn của nhà mình.

Tôi đứng tần ngần suy nghĩ, rẻ thế này, hèn gì hàng xóm nhà tôi chẳng ai phản đối gì cả, lãnh tiền xung phong đi hết trơn. Thực ra, họ có mất gì đâu, họ đều là công nhân viên chức nhà nước, những căn nhà đó cũng của nhà nước cho họ thuê lại với giá rẻ bèo. Nay được cấp nhà mới, lại kèm theo một khoản tiền bồi thường khá lớn, giống như trúng vé số, ngu dại gì họ không đi. Chỉ có mình gia đình tôi thiệt thòi vì không có hộ khẩu thường trú, bị đẩy qua tuốt Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, vả lại hồi trước, tôi bỏ tiền mua căn này hết cả trăm cây vàng. Tính ra vẫn bị thiệt.

Vị khách cuối cùng đã ra về, ông trưởng phòng vẫy tụi tôi vào. Vừa nhìn thấy chị Lan, ông dứ dứ ngón tay, ôn tồn nói:

- Tui nhớ hai cô rồi, đơn của cô vẫn còn nằm bên Ủy Ban Thành Phố. Khi nào họ chuyển qua đây, tụi tôi giải quyết liền.

Ông này nhìn gà hoá quốc, ông tưởng lầm tôi là cái Hạnh, bởi đây là lần đầu tiên tôi mới đến gặp ông.

- Các cô yên tâm đi, khi nào có quyết định, tui ưu tiên cho chọn căn nào rộng nhất.

- Liệu lâu không hả chú?

- Chắc không lâu đâu, từ giờ tới cuối năm phải giải quyết hết. Nhà của cô có chủ quyền mà lo gì.

- Chú cho cháu hỏi, nếu cháu chịu nhận tiền bồi thường thì chừng nào lấy được?

- Lẹ thôi, trong vòng một tuần là cô có thể lấy được.

Tôi và chị Lan đưa mắt nhìn nhau. Ông trưởng phòng người nhỏ con, trông có vẻ tử tế, không có cái lấc xấc của đám cán bộ chức quyền mà tôi đã thường gặp. Chị Lan kể, mấy lần trước lên đây, chị đã gây lộn với cô nhân viên thư ký cũ ngồi trong phòng này, cô ta trâng tráo nói những lời thiếu tế nhị làm chị nổi xùng chửi cho một mắt. Ông trưởng phòng phải kéo cô thư ký ra ngoài xạc thêm một trận, từ đó cô ta bị đổi qua làm công việc khác. Cái Hạnh khi mang đơn sang bên Ủy Ban Thành Phố cũng gây lộn tanh bành bên đó với người nhận đơn, họ kiếm cớ chỉ vì gia đình tôi không có hộ khẩu thành phố, không được ưu tiên. Hạnh bực mình chửi nhặng xị: "Chị em tôi phải làm trật đoi lòi đóc mới đủ tiền mua được căn nhà này, có ăn cướp được của ai đâu sao mà các ông phân biệt hộ khẩu với không hộ khẩu?" Ông ta xuống giọng: "Cô ơi, tôi làm công việc này cũng chẳng sung sướng gì đâu, có người còn rủa rôi đẻ con không có lỗ đít nữa đó!" Hạnh cười khúc khích: "May mà lão không hỏi giấy tờ, nếu biết em không phải đứng tên chủ căn nhà, chắc lão đuổi thẳng cổ. Nói chuyện với tụi Cộng Sản, tức anh ách."

Tiếc rẻ, tôi và chị Lan lại dắt díu nhau về nhà.

Vừa thấy mặt tôi ló vào, Hạnh hỏi dồn dập:

- Sao rồi chị? Họ có trả lời không? Chừng nào lấy tiền?

Tôi dựng chiếc xe phía bên góc cổng, rút chìa khoá, bước lại kéo ghế ngồi xuống đối diện Hạnh.

- Thấy giá cả nhà bán cho tiêu chuẩn diện tái định cư rẻ quá, nên mình cứ chờ đi, ngu gì lấy tiền trước. Nhà rộng nhất cũng có hơn 200 triệu thôi.

- Hơn 400 triệu chứ, chị phải tính thêm tiền bồi hoàn nếu không lấy diện tái định cư.

- Ừ thì hơn 400 triệu, vẫn rẻ chán so với giá ngoài thị trường - Tôi chỉ vào đầu mình, quả quyết - Tao đâu có ngu mày!

- Tuỳ chị thôi, do chị quyết định.

Tôi nhổm dậy kéo cục nút trên đầu cái quạt máy đang chạy vù để nó đứng lại một chỗ, dúi mặt mình vào đó cố hứng trọn làn gió ào ào tuôn ra. Nóng quá! Ra Tết, không khí ngột ngạt, cái nắng như muốn cháy xém da thịt tôi, người hanh hao khó chịu, mồ hôi nhớp nhúa. Tôi móc tìm bịch khăn giấy trong giỏ sách, lôi ra lau hết lượt gương mặt mình, phấn, son và chì vẽ mắt trộn lẫn vào nhau tạo thành một mầu hổ lốn trên tấm khăn giấy trắng tinh, tôi vo lại ném vào thùng rác. Miệng lủng bủng:

- Kệ, chờ đi, đằng nào đến cuối năm họ cũng phải cấp cho nhà mình, lúc đó hẵng hay.

Hạnh im lặng, hình như có vẻ thất vọng. Tôi hiểu. Nó muốn tôi giải quyết việc nhà cửa cho xong đợt này, sợ tôi về thêm một lần nữa, tốn kém. Lúc đầu tôi cũng săng sái trong việc đi kiến nhà mua. Nhưng từ tối qua, sau khi ghé thăm nhà cô em dâu họ, được tận tai nghe những chuyện tiêu cực khi sống trên mấy chung cư thang máy cao cấp. Hơn nữa, nó nhắc lại vụ cháy toà nhà ITC (Inter Shop) năm nào làm tôi ớn lạnh. Vụ cháy đó vẫn ám ảnh tôi bao năm nay với nhiều xác chết cháy đen thui nằm la liệt trong toà nhà và những gương mặt hốt hoảng chạy tán loạn đi tìm thân nhân còn đang mất tích. Lúc cháy toà nhà tôi cũng đang ở gần đó, căn nhà cũ của tôi nằm trên cùng một con đường cách có một cái ngã tư Lê Lợi. Chuyện xảy ra như thế nào, báo chí đã loan tải khá nhiều và khá chính xác từng chi tiết vào thời gian đầu. Thế rồi tôi không hiểu tại sao nhà cầm quyền lại dấu nhẹm việc công bố số người thực sự chết. Theo tôi trên dưới 200 người, không có chuyện chỉ dừng lại con số 60 nhân mạng như họ đưa tin. Và báo chí cũng phải theo chỉ thị của nhà cầm quyền mà dấu nhẹm đi sự thật. Toà nhà lúc đó có khoảng chừng 600 người, bên dưới tầng trệt và lầu 1, lầu 2, là nơi bán hàng hoá đủ thứ, trên lầu 3 là vũ trường Karaoke, lầu 4, lầu 5, lầu 6 bao gồm nhà hàng cùng nhiều văn phòng của các công ty khác nhau thuê mướn. Trong đó riêng công ty bảo hiểm AIA đang có một lớp học quy tụ hơn 100 học viên. Một đám cưới và một đám đính hôn cùng biết bao nhân viên của mấy chục văn phòng toạ lạc trên đó. Khi ngọn lửa bùng lên từ tầng ba, tức vũ trường karaoke đang được sửa chữa lại. Vũ trường này tôi đã lên chơi vài lần, phòng ốc được ngăn lại bằng ván ép và những tấm xốp cách âm (Tụi tôi vẫn gọi là bọt biển), thứ này mà bị lửa xẹt vào thì nó bùng cháy dữ dội, khói độc bốc ngùn ngụt, có trời mới cứu nổi. Hơn nữa, khi toà nhà bị cháy, điện bị cúp sạch, toà nhà trở nên tối thui, người đông nhốn nháo phía bên trên biết đường nào mà chạy.

Lúc toà nhà cháy, tôi đang ngủ trưa, đến lúc biết chạy xuống thì ngọn lửa gần như được khống chế, đoạn đường xung quanh toà nhà đã bị phong toả, người đông như kiến cỏ, không len chân sang được. Nhỏ Út bán cà phê dưới kể lại: "Chị biết hôn, quá trời người đứng trên nóc nhà, la hét ầm ĩ, hình như toàn là bảo vệ thì phải, họ cởi áo phất liên hồi kêu cứu. Rồi thì ngọn lửa bùng lên, tất cả chìm vào trong biển lửa đó. Tụi em đứng đây chỉ biết ngó mà không làm sao được." Tối hôm đó sau khi xem tin tức trên tivi, chồng tôi vội vàng gọi điện thoại về cho vợ, anh hoảng hốt sợ lửa thiêu rụi vợ nếu chẳng may tôi lang thang qua đó ngắm hột xoàn. Inter Shop chẳng xa lạ gì với tôi, đổi tiền đô la cũng chạy ra đó, mua vàng cũng chạy ra đó. Mấy ngày hôm sau, anh Hải đồng nghiệp cũ của tôi lên thăm, kể lại: "Hân nhớ thằng đầu bếp bên khách sạn cũ chỗ mình làm không, nó làm hai "róp" (hai nơi), buổi trưa nấu nướng cho đám cưới trên đó chứ đâu. Nó kể lại, lúc thấy báo động cháy, nó chạy ra đã thấy người ta nằm la liệt dưới sàn nhà rồi, nhiều lắm. Nó nhanh trí lao ra ngoài hành lang, đu ống nước leo xuống, chừng chục người xuống bằng đường này được thôi, sau đó ống nước bị bể. Người nó lác đầy mình, tay chân mặt mũi trày trụa hết trơn. Nó phải làm đơn xin nghỉ làm mấy tuần, nói láo là bị đụng xe vì sợ khách sạn biết đuổi việc nó, khách sạn cấm nhân viên đi làm hai nơi. Nó bảo không có chuyện chỉ chết 60 người đâu. Nó chứng kiến tận mắt và nó là nạn nhân mà, mình không tin sao được." Mấy ngày tiếp theo đó là những chuyện đồn đại nổ ra như pháo rang, đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao, người bảo rằng gia đình bên cô dâu chú rể đều chết hết trọi, không có người thờ cúng. Cũng có gia đình mất một lúc sáu người thân. Người thì kể ông tài xế xe mười hai chỗ hốt hoảng khi chờ mãi chẳng thấy khách nào đi dự tiệc cưới trở xuống... tất cả họ đã bị thiêu rụi rồi còn đâu mà ông chờ. Trong khi đó báo chí chỉ đưa tin 60 người thiệt mạng. Ai tin cho nổi đây?

- Chị đang nghĩ gì đấy?

Tôi giật mình ngước lên, thở dài, lo lắng:

- Hôm qua nghe con Loan nó nhắc lại vụ cháy Inter Shop, tự nhiên cứ ám ảnh mãi đến bây giờ. Kể ra lời nó nói cũng đúng, mình mua nhà trên lầu cao, lỡ xảy ra hoả hoạn chạy đi đâu? Ở dưới lầu thấp may ra còn thoát được.

- Chết thì phải có số chị ạ, điều em lo hơn là chi phí này nọ một tháng quá cao, liệu thằng Út nhà mình có chịu nổi không? Dân nghèo, họ bán nhà đi hết trơn rồi đó.

- Bởi vậy tao mới xìu nè. Đâu còn hăng hái như mọi bữa.

Hạnh đứng dậy, đội nón lên đầu, với cái áo khoác ngoài treo trên bậu cửa, nói:

- Thôi em về đây, còn đi đón thằng Minh. Chị có về bên nhà không em chở về luôn?

- Không, mày cứ về trước đi, có gì chị đi xe ôm.

- Vậy em về trước nha.

Chị Lan vẫn lúi húi rửa ly bên cạnh. Tôi chuyển vào ngồi chỗ cũ của Hạnh, ngả lưng vào tường nhà, duỗi hẳn chân thẳng ra ngắm nhìn dòng người qua lại. Nắng vẫn nhấp nháy ở trên cao, mùi cá khô tanh ngòm của bà bán hàng rong tuốt góc kia bay sang xộc vào mũi, thật khó chịu. Hầu như trưa nào, bà cũng gánh lại góc đó ngồi bán lẻ và tiện thể nghỉ ngơi chừng một tiếng đồng hồ rồi mới tiếp tục cuộc hành trình của mình trên mọi nẻo đường Sài Gòn.

- Em có đói bụng kêu cơm mà ăn. Hay là ăn bún mắm tép trộn, chị làm cho một tô?

- Ừa, làm cho em một tô đi, lâu rồi chưa được ăn mắm tép chị trộn.

Chị Lan lau tay, bước vào bếp, lục đục trong đó một lúc rồi bưng tô bún trắng tươi trên có để một nhúm đu đủ bằm nhuyễn, thêm vài con tép và rau thơm sắc nhỏ cùng đôi đũa, đặt trước mặt tôi, nói:

- Ăn đi, ngon lắm. Hũ mắm em mua dưới Bến Tre hôm nọ đó.

Tôi bê tôi bún lên trộn đều, rồi gắp một miếng bỏ vô miệng nhai. Tô bún cay xé lưỡi, đậm đà nhưng tanh quá làm tôi lợm giọng, không còn cảm giác ngon như những ngày sống ở Việt Nam hồi xưa. Cố ăn thêm vài miếng, tôi đành phải bỏ dở. Chị Lan ngạc nhiên:

- Không ngon à?

- Tanh quá, em nuốt không nổi.

- Thế mà hôm qua con mày nó quất 2 tô đấy! Vậy thì kêu cơm mà ăn.

- Thôi, em không đói. Em lên gác nghỉ đây, chị kêu cái bà gì tí rảnh cạo gió dùm em với, người khó chịu từ sáng đến giờ.

- Ừa, để chị kêu bà.

Nằm trên căn gác ngột ngạt như cái lò lửa, lâu lâu lại thoảng mùi hôi cống rãnh xộc đến, tôi khịt khịt mũi khó chịu. Một lúc sau, tiếng chị chị Năm nhà bên xoang xoảng:

- Việt Kiều đâu rồi? Bịnh làm sao, tui lên cạo gió cho nè.

Tiếng bước chân chị bịch bịch leo lên căn gác chỗ tôi nằm, tôi nhổm dậy, vặn vẹo người rồi cười nịnh:

- Chị cạo cái lưng giùm em một chút, nó đau nhức từ sáng tới giờ, khó chịu quá!

- Ừa, cởi áo ra chị cạo cho.

Tôi lột phăng chiếc áo thung đang mặc trên người, tiện tháo luôn sợi dây chuyển đeo lủng lẳng trước cổ, sợ làm chị vướng tay. Chị Năm mở nút chai dầu, chét cái thứ nước nhờn nhờn y như dầu nhớt lên lưng tôi rồi cạo xồn xột. Chị cạo dọc hai sống lưng trước, cạo chẻ sang hai bên bả vai, và xuống tuốt phía bên dưới. Tôi nhắm tịt mắt, gồng người lên vì đau, mùi dầu cạo gió hôi rình y như mùi dầu khuynh diệp thứ xức cho con nít mới sanh, làm tôi lợm giọng, trực ói. Bấy lâu nay tôi vẫn dùng dầu con Ó hay dầu Nhị Thiên Đường cạo gió, dầu có mùi thơm dễ chịu chứ không giống cái thứ chị đang cạo cho tôi. Chị năm người Hoa, vừa cạo vừa tíu tít luôn miệng:

- Tui cạo gió mát tay lắm, mơi cô khoẻ liền hà. Mấy chị tui bên Mỹ về cũng khoái tui cạo gió cho lắm, ghiền luôn đó.

- Trời ơi... tưởng ghiền thứ gì, ghiền cạo gió, đau thấy bà!

- Ừa, vậy mà ghiền mới lạ chớ. Cô cạo gió bằng thứ dầu này tốt lắm, nó không bị lại gió giống mấy thứ dầu khác mà cô có thể tắm được liền. Khoảng tiếng đồng hồ sau nấu nước ấm tắm cho khoẻ hén.

- Mùi dầu này khó chịu quá.

- Ừa, khó chịu một chút nhưng tốt lắm, nó nhờn vầy không sợ bị trầy da của cô.

Cạo gió xong, chị Năm lấy khăn giấy lau khắp lượt sau lưng tôi cho bớt chất nhờn của dầu, rồi nói:

- Rồi đó, cô bận áo vô đi, nhớ một tiếng đồng hồ sau hẵng tắm hén.

Tôi đến gần tấm kiếng treo ngay trên tường, ngoái lại coi những vết cạo dọc ngang bầm tím trông khiếp kinh, tôi không mặc áo như chị nói mà lấy tấm khăn lông quấn quanh người, nằm xuống nghỉ, tôi sợ cái mùi hôi của dầu ám vào trong áo của mình. Chị Năm thu dọn đồ nghề rồi tụt xuống cầu thang. Tôi vội nói lời cảm ơn với theo chị.

Sau khi cạo gió xong, tôi thấy người ớn lạnh, kéo mền đắp kín đầu và kéo theo một giấc ngủ mệt mỏi cho đến tận lúc cái điện thoại để bên cạnh réo ầm ĩ. Mắt nhắm mắt mở, tôi quờ quạng mò chiếc điện thoại và bật nút nghe, giọng ngái ngủ, tôi cất tiếng lè nhè:

- A lô...

Đầu giây bên kia, tiếng Thương nhỏ nhẹ:

- Chị có nhà không hay đang ở đâu đấy?

- Thương hả? Chị đang ở bên bà Lan nè.

- Ủa chị ngủ hay sao mà lè nhè quá vậy?

- Ừ, có gì không Thương?

- Em hỏi xem chị ở đâu để em nghé thăm. Chị sắp về Nhật rồi phải không?

Tôi trả lời trong tiếng ngáp:

- Ừ, ngày mốt đi rồi.

- Vậy em lên liền.

Nói xong câu đó, Thương cúp điện thoại. Tôi cũng nhỏm dậy, mò xuống bếp bắc nồi nước xôi để tắm cho bớt mùi hôi dầu cạo gió. Căn nhà nhỏ như cái chuồng chim bồ câu, vẻn vẹn chừng 15 thước vuông nằm dưới chân cầu thang dẫn lên chung cư, luôn phảng phất mùi hôi cống rãnh. Tôi băn khoăn làm sao mẹ con chị Lan có thể chịu nổi được cái mùi này quanh năm suốt tháng, mỗi lần qua đây, tôi thường ngồi ngay trước cửa nhà, ít khi nào chịu vào bên trong cũng chỉ vì sợ cái mùi gớm giếc này. Thỉnh thoảng đến thăm bạn bè sống ở khu bờ sông, tôi thật khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên theo gió xộc vào mũi, vậy mà người dân quanh đó vẫn ngồi ăn uống bình thường, tôi thì không sao chịu đựng nổi.

Nước xôi réo gọi um xùm, tôi sách ấm nước vô nhà tắm pha vào nước lạnh, xối từng gáo dội lên thân thể mình, xà bông và nước ấm đã gột rửa hết mùi dầu hôi thoang thoảng. Tôi tỉnh táo mặc quần áo đi ra ngoài ngồi xem ti vi, chị Lan đang ngồi chăm chú dõi cặp mắt vào màn ảnh. Buổi chiều ít khách, quán văng teo, chị mở băng nhạc xuân Thuý Nga Paris lên xem giải khuây. Cuốn DVD này tôi mua cách đây mấy bữa ngoài chợ Huỳnh Thúc Kháng, rẻ rề, chỉ vài đồng bạc vì nó là thứ hàng cọp dê. Chồng tôi dặn mua vài cuốn đại nhạc hội của Việt Nam hải ngoại về cho anh xem, bởi anh thấy trên quảng cáo có nhiều cô gái đẹp. Vậy nhưng khi tôi quay về Nhật thì quên luôn bên nhà chị Lan mà không cầm theo.

Cuốn nhạc Xuân này tôi đã coi mấy lần, thú thật, chỉ coi mỗi hai vở hài kịch nhiều nhất, bấm đi bấm lại vài lần, ngồi cười khúc khích với nhau. Chương trình dài thòng, kéo dài tới hai cuộn nhưng lại chẳng ra cái giống gì, ngoài hai vở hài kịch tôi chỉ coi thêm ca sĩ Hoàng Oanh hát bản nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô Hoàng Oanh trên sân khấu, cô là một trong số những ca sĩ tôi ái mộ nhất bấy lâu nay. Người tiếp theo là Loan Châu, tôi chăm chú theo dõi tiết mục của cô ta không phải vì giọng hát mà vì thấy cô xinh gái quá. Còn những tiết mục của người khác tôi đều bấm qua không xem vì không hứng thú và phần ghét con mẹ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đàn bà con gái gì đâu mà vô duyên, chưa nhìn thấy mặt đã toét ra cười. Chẳng hiểu cộng đồng người Việt ở hải ngoại hết người rồi hay sao mà trung tâm Thuý Nga chọn mẹ này làm MC mãi, nhìn mặt ưa không nổi. Thấy tôi cứ bấm qua liên tục, thằng Tài bực bội gắt gỏng: "Mẹ kỳ quá, coi gì mà cứ bấm qua hoài.". Lần này chị Lan ngồi xem, tôi không dám bấm qua như mọi khi mà bỏ ra đằng trước cửa ngắm người qua lại, tiếng hát từ trong nhà vẫn réo rắc vọng ra. Chị Lan xuýt xoa:

- Con nhỏ nào đây mà đẹp quá vậy ta?

Tôi tò mò quay đầu nhìn vào ti vi, thấy một cô gái trẻ ăn mặc và trang điểm trông có vẻ huyền bí, vừa hát, vừa múa, lắc đầu nói:

- Chẳng biết. Chị xem ngoài vỏ dĩa có đề tên diễn viên đó.

Chị Lan lật ngược hình bìa, tìm đến số bài hát và dò tên.

- Bảo Hân.

- Ôi, mấy đứa mới mới em chẳng biết đứa nào cả. Lâu lắm rồi có nghe nhạc nghe nhiếc gì đâu.

Một chiếc xe hiệu Spacy màu tím nho đậu xịch ngay trước mặt tôi, cô gái trẻ gỡ nón, bao tay và khăn che mặt ra, nhìn tôi cười toét. Ngờ ngợ một lúc tôi mới à lên:

- Đồ quỷ sứ! Tưởng là ai, dạo này trông xinh gái ra hén. Dựng xe lại góc đằng kia kìa Thương.

Tôi đưa tay chỉ về phía đối diện. Thương đẩy chiếc xe lại phía đó, khó nhọc mới dựng cho chiếc xe đứng lên rồi mới quay lại phía tôi, kéo ghế ngồi.

Thương là cô bạn thân nhất của tôi từ thủa hai đứa còn cơ hàn. Hồi đó Thương mướn nhà bên chung cư Lý Tự Trọng, chung vách với nhà của Hà Kiều Anh. Lúc cô nàng còn chưa đậu hoa hậu, hai nhà xài chung một số điện thoại. Sau khi trở thành hoa hậu báo Tiền Phong, điện thoại réo gọi liên tục cả ngày lẫn đêm, phiền phức quá, nên chủ nhà của Thương mới tách ra không xài chung. Hồi năm 1998, nhém tí nữa tôi về làm hàng xóm trong khu chung cư mà nó mướn. Nhờ được ông bạn chị Chín Đen dẫn mối, tôi lên khu đó xem nhà, căn nhà nằm trên lầu II, rộng khoảng 40 mét vuông khá xinh xắn, tôi nhìn là ưa liền, chẳng cần xem giấy tờ gì, ngay chiều đó tôi hẹn anh chị chủ nhà lên nhận tiền cọc 10 triệu đồng tương đương 2 cây vàng, cho luôn ông dẫn mối 1 chỉ. Vậy nhưng căn nhà đó thuộc diện "nhà nước quản lý" mà lại chẳng có hồ sơ cũng như tờ quyết định do Sở Nhà Đất cấp cho, chỉ vẻn vẹn có đúng một tờ giấy sang nhượng viết bằng tay mà lại là tờ cọp dê. Tôi không đồng ý mua nữa, đòi trả lại tiền đặt cọc. May mắn vợ chồng chủ nhà là dân trí thức bên Nga, người đàng hoàng trả lại 8 triệu, còn tôi chịu thiệt hết 2 triệu cùng số tiền thưởng ông cò mồi. Mất đứt 5 chỉ vàng, tôi tiếc ngẩn ngơ cả tháng không ngủ được.

Thương quê ở Hải Phòng. Nghe thì biết vậy thôi chứ Hải Phòng tôi chỉ đến có một lần mà lại là ghé tạt ngang bến cảng, chưa ra thăm phố phường Hải Phòng ra làm sao. Thỉnh thoảng nằm nghe Thương kể về làng quê nhà nó, về căn nhà ba gian, về cái sân phơi thóc, về giếng nước mát trong veo, về cây đa đầu làng...Tôi hình dung làng quê nó cũng giống làng quê bên nội nhà tôi ở Thanh Hoá. Tôi và Thương thân thiết với nhau hơn nữa là bởi vì hai đứa tôi đều là dân Bắc Kỳ lại có hoàn cảnh tương đối giống nhau, Thương mất cha còn tôi thì chết mẹ. Cả hai đứa cùng lo đi làm để nuôi gia đình. Thỉnh thoảng Thương còn mượn trước thêm chút đỉnh để gửi về quê cho mẹ xây cái chuồng lợn, lúc thì lợp lại cái mái nhà...

Tụi tôi thân nhau từ những năm đầu thập niên 90, lúc đấy Thương chạy chiếc xe Lys tay ga cà sạch cà ụi, nổ máy không được, có bữa tôi chổng tĩ đẩy xe cho nó mệt đứt hơi, tôi đạp xe đạp còn khoẻ hơn nó nhiều. Sau một thời gian, Thương tỉ tê được chị chủ nhà đứng tên mua giùm cho chiếc xe "En Trù" (Angle) trả góp, loại xe này được lắp ráp tại Việt Nam, giá cả tương đối rẻ hơn so với loại xe khác. Chạy được hơn năm Thương lại đổi chiếc xe mới hiệu Honda Dream nhập cảng từ Thái Lan cho xịn. Thời gian này tụi tôi tạm chia tay nhau, xé lẻ đi làm nơi khác. Tôi xin một chân vào làm nhân viên khách sạn còn Thương lên chức quản lý nhà hàng, lâu lắm Thương mới ghé nhà thăm tôi một lần còn tôi thì hầu như chả bao giờ đi thăm nó. Một lần, vào giữa năm 1996, tôi nhận được điện thoại của Thương hốt hoảng báo tin bị cướp xe, thời điểm này Thương đã chuyển nhà lên mướn gần khu sân bay Tân Sơn nhất, hôm đó do quên đồ nên nó quay trở lại lấy, vừa dựng chiếc xe trước cửa, bước vào trong nhà lấy đồ thì nghe tiếng "cạch", chạy vội lao ra nhưng chỉ kịp nhìn thoáng thấy đằng sau tên trộm. Thương kể lúc đấy em thất thần không la được gì, chạy theo sau bị nó cho hửi khói. Thật tội nghiệp, cả gia tài trị giá nhất có mỗi chiếc xe, giờ biến mất, cô nàng ra ngẩn vào ngơ tiếc rẻ. Vài tháng sau nó chạy đến tôi mượn thêm tiền mua chiếc khác, tôi hào phóng dốc sạch túi đưa cho nó hẳn hai cây vàng, để rồi hơn tháng sau, anh tôi gặp nạn tôi phải chạy tiền cuống cuồng cả lên. Xui sẻo thay, Thương mua nhằm ngay chiếc xe của chủ hụi đường giây sex-tour, cô này tên Thuý nhà bên quận Tư, lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ họ tên cô ta đầy đủ, cô Thuý còn rất trẻ, nghe đâu mới hơn hai chục tuổi nhưng cầm đầu một đường dây mãi dâm toàn tuyển diễn viên điện ảnh và người mẫu thời trang. Vụ án của cô đăng báo rầm rộ cả mấy tháng trời. Báo hại Thương không bán được xe cho mãi đến khi cô này ra tù.

Thương khá đẹp gái, nước da trắng hồng, mịn màng như làn da em bé, sống giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, nhưng tôi chẳng bao giờ thấy cô nàng bị nắng ăn, không bù cho tôi, đen xì, bóng nhẫy. Thương hay cằn nhằn về cái sống mũi của mình chả được cao cho mấy. Mặc dầu không đến nỗi xấu tệ, nhưng cô nàng tìm đến thẩm mỹ viện nhờ dao kéo của bác sĩ nâng sống mũi cao lên vài li. Thời đó Sài Gòn rộ lên phong trào xăm mắt, xăm chân mày, bạn tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội, xăm cả hai, thế nhưng chẳng biết do máu hay do thuốc dỏm mà màu xăm trên mí mắt và chân mày của nó không có mầu nâu hay màu đen như người ta hay tô vẽ trang điểm, mà nó ngả sang mầu xanh lẹt lại còn bị bầm tím nơi quầng mắt mấy tháng sau mới lành. Để làm đẹp, Thương chẳng từ bất cứ cái gì, chưa vừa lòng với sống mũi của mình, hai năm sau cô nàng lại đến mỹ viện rút sống mũi cũ ra, thay cái mới cho cao thêm lên một chút, nghe lời tỉ tê của vị lang băm nọ, nó đồng ý để ông cắt luôn mí mắt, kết quả, đôi mắt mơ huyền mờ của nó cứ trợn ngược cả lên trông phát khiếp. Tôi nhìn Thương chỉ còn biết thở dài ngao ngán, phục nó can đảm chịu đau đớn chỉ để làm đẹp, đang từ người đẹp sửa riết thành luôn người xấu. Có lần tôi chọc quê Thương sao không bơm silicon vào môi, cắt thêm má lúm đồng tiền cho đủ bộ.

Cách đây vài năm, lúc tôi ghé nhà hàng thăm bạn, thấy nó đeo cái khẩu trang ngay miệng, nhìn tức con mắt, tôi chọc quê:

- Mày sợ tao lây bệnh SARS cho hay sao mà cứ đeo cái khẩu trang y như mõm chó vậy Thương?

- Không phải, em vừa đi săm môi, đang còn sưng tấy nên phải đeo vô không có khách hàng họ nhìn họ gớm.

Nói rồi Thương gỡ cái khẩu trang hé ra cho tôi nhìn thấy cặp môi cô ả sưng mộng lên y như Chư Bát Giới.

- Mày không sợ đau hả? Môi hồng như thế mà còn đi săm.

Tôi khác xa Thương ở điểm này, đẹp thì cũng muốn lắm nhưng phải đụng dao kéo quả thật là tôi không dám. Chị Lan cũng một lần ngồi căng mắt cho người ta xăm mí, sau khi chích thuốc tê, xăm được một đường mí dưới, chị đau quá tè cả ra quần, chị nhất định không chịu xăm thêm nữa, đành phải để một bên đậm một bên nhạt. Tôi chứng kiến cảnh đó, sợ quá, lủi mất, thực ra lúc đầu tôi cũng muốn xăm thử xem có đẹp được thêm chút nào không.

- Nóng quá Hân nhỉ, chạy ngoài đường giờ này ngán thật.

- Ừ, bởi vậy chị ở nhà không à, làm biếng đi đâu lắm.

Tôi đứng dậy, bước qua bên quầy pha chế rót cho mình ly trà đá và hỏi luôn Thương:

- Uống gì chị làm luôn!

- Cho em chai nước ngọt được rồi.

Bê ly nước ngọt sang cho Thương, tôi vừa uống trà đá, vừa nói:

- Thật ra, về đây chỉ để thăm con chứ Sài Gòn có gì mà ngắm nghía, đường phố thì bụi bậm, ồn ào, xe cộ chạy tán loạn. Từ hôm về đến giờ cứ ngứa mắt, ngứa mũi, ngứa cổ họng liên tục. Mệt quá!

Tôi ngừng lại, khịt khịt lỗ mũi, đàm lúc nào cũng vướng nơi cần cổ, thật khó chịu. Thương ngồi vuốt mấy sợi tóc mai loà xoà trên trán, mắt ngó vào bên trong xem ca nhạc trên chiếu trên ti vi.

- Nhà hàng dạo này có đông khách không Thương?

- Lai rai thôi chị, em cũng ít lên lắm, giao cho thằng quản lý coi sóc.

- Thôi đổi nghề đi, làm cái gì cũng được, đừng theo nhà hàng kinh doanh karaoke ôm nữa, lời lóm gì đâu làm cho chúng ăn không à. Coi chừng bị bắt rồi lại tù tội khổ lắm đấy.

- Em biết chứ, nhưng chị bảo em làm cái gì bây giờ đây?

- Thì mở quán nhậu, làm cho đẹp đẹp vào, khách mày cả đống, sợ gì ế chứ.

- Làm một mình không nổi, mà chung đụng thì mệt lắm chị ạ.

- Kiếm điểm đi, khi nào có thì chị hùn một nửa, cho tụi cái Hạnh với bà Lan kiếm tiền.

- Em đang suy nghĩ đến việc đó đấy, kiếm nhà bây giờ khó lắm chị. Giá cả mắc như thế làm sao mình có lời.

- Thì từ từ kiếm, trong hẻm rộng cũng được, không cần phải mặt tiền đâu. Nhưng nhớ đứng có mở karaoke ôm nhá. Tao ngán lắm rồi.

Tôi cười, Thương cũng cười theo:

- Tại số chị xui, chưa lấy được vốn đã phải bỏ của chạy lấy người.

- Ừa, Thương biết thằng cha Thắng bây giờ làm gì không?

- Không, lâu lắm rồi em không gặp ổng.

- Lên nấu cơm cho thằng Út ở trên tiệm điện lạnh kìa.

- Ý trời! Cha dạo này tệ dữ vậy sao.
- Thì đó, mê cá độ đó. Cha với thằng Út cùng một ruộc cả, bám lấy nhau mai mốt cái lai quần cũng không còn. Thằng Út khen cha nấu cơm ngon lắm, có bữa cho đi theo phụ sửa máy, được chủ nhà "bo" 50 ngàn, về cười típ cả mắt

<< Chưong 24 | Chương 26 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 606

Return to top