Lâu lắm rồi, từ cái thủa tôi còn là một thiếu nữ, khờ dại, tâm hồn trong trắng thơ ngây. Tôi tình cờ quen anh khi đến thăm nhà một người bạn, người bạn này lại là em ruột của anh. Tôi và Hải (em trai anh) chơi chung với một nhóm bạn. Nhà tôi ở dưới huyện lỵ còn nhà Hải ở ngay thị xã, cách nhau hơn trăm cây số đường bộ nên thỉnh thoảng tụi tôi mới có dịp gặp nhau. Vào một ngày chủ nhật, chẳng có việc gì làm, Hải rủ tôi đi coi phim, bữa đó rạp chiếu bộ phim "Chị Sứ”, tụi tôi đến coi xuất 1 giờ chiều. Bộ phim dựa theo tiểu thuyết "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức nói về một cô gái du kích Việt Cộng tên Sứ. Cô là cán bộ nằm vùng ở xứ Hòn Đất. Vì đã coi lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết, chỉ nhớ rằng chị Sứ khi mò xuống suối lấy nước, chị bị lính Việt Nam Cộng Hoà bắt được và lãnh án tử hình bằng hình thức chặt đầu. Rạp hát khá rộng, tối thui, chỉ thấy lố nhố toàn đầu người đen xì ngóc cổ lên theo dõi trên màn ảnh lớn. Nhân vật chị Sứ, một cô gái khá trẻ có mái tóc dài bóng mượt bị trói quặt cánh tay lại phía sau, quỳ gối. Tên đao phủ lính "Nguỵ ác ôn", phậm mạnh nhát đầu tiên vào cổ chị, nhưng không hề gì vì nhờ mái tóc dày. Lần thứ hai tên đao phủ đó túm mái tóc chị lên và chém ngọt một phát, bay luôn cái đầu, máu xịt ra thành vòi trông kinh khiếp. Xung quanh tôi rú lên những tiếng thét khiếp sợ, tiếng xụt xịt, có cả tiếng khóc rống hu hu… và tiếng chửi thề đồ quân "Mỹ Nguỵ ác độc". Mắt tôi cũng ướt nhèm tội nghiệp cho thân phận chị Sứ. Trong bóng tối, Hải nắm tay tôi bóp nhẹ, hỏi:
- Hân Khóc hả?
Tôi không trả lời, chỉ xụt xịt nấc lên từng tiếng. Hải cười khì khì bảo tôi:
- Người gì đâu mà mau nước mắt, chỉ là phim thôi mà, sao lại khóc, đúng là con gái!
Bộ phim kết thúc, đèn bật sáng, tôi nhìn thấy mắt ai cũng đỏ hoe, chỉ trừ mỗi mình Hải. Theo những gì tôi học về tác phẩm này thì đây là một câu chuyện có thật, được dựng thành phim, chẳng biết có đúng vậy không, hay chỉ là một thứ tuyên truyền tố cáo tội ác Mỹ Nguỵ của Cộng sản, giống kiểu bó đuốc sống lê Văn Tám, và chị Võ Thị Sáu.
Tan phim, mới chỉ gần 3 giờ chiều, Hải đề nghị tôi viếng thăm nhà nó, ngần ngừ mãi tôi đồng ý. Hải và tôi đạp xe song song nhau hướng về ngã ba Quyết Thắng. Nhà Hải ở lưng chừng một quả đồi nhìn xuống chân đường quốc lộ số 6 uốn vòng quanh. Từ mặt lộ lên tới nhà khoảng chừng 30 thước theo con đường mòn nhỏ dải đầy đá răm. Căn nhà ngói ba gian xinh xắn nằm toạ lạc trên một vùng đất khá rộng. Vì hôm ấy là Chủ Nhật, gia đình Hải có mặt đầy đủ ở nhà, trừ một cậu em trai đang làm anh "bộ đội cụ Hồ". Nhà chỉ có duy nhất một cô con gái, nhỏ hơn tôi vài tuổi đang là diễn viên múa cho đoàn văn công của tỉnh Sơn La. Bố mẹ Hải rất hiếu khách, giữ rịt tôi lại ăn cơm chiều. Biết tôi ở xa, hai bác mời mọc ngụ lại chơi vài bữa. Mọi người trong gia đình ai cũng tỏ ra thân thiện, chỉ trừ Sơn, anh trai của Hải thì lúc nào cũng tỏ vẻ khinh khỉnh, chẳng thèm ngó ngàng gì đến ai.
Tôi ngồi ở bàn khách, đưa mắt nhìn xung quanh, căn nhà được dựng lên theo cùng một khuôn mẫu giống hệt như những ngôi nhà thông thường của người miền Bắc, nhà đươc chia làm ba gian, gian chính giữa bao giờ cũng dùng làm phòng tiếp khách và đặt bàn thờ tổ quốc có treo ảnh Cụ Hồ, hai gian kế bên dùng làm phòng ngủ cho mọi người trong gia đình.
Chiều hôm ấy, tôi vào bếp phụ bác gái nấu cơm, Hải chẻ củi sau nhà, còn Hường gánh nước tưới rau ngoài vườn. Chỉ có anh Sơn rảnh rỗi nhất ôm đàn ghi ta ngồi hát nghêu ngao ở bậc cửa, tiếng đàn bập bùng vang lên làm tôi đang lặt rau ngoài chạn nước tò mò ngó sang, chạm ánh mắt anh tôi ngượng ngùng quay đi dấu vẻ bối rối. Anh ta đẹp trai thật! Tôi có thể quả quyết rằng trong đời tôi chưa từng gặp một người đàn ông nào có gương mặt khôi ngô tuấn tú như anh, mái tóc bồng bềnh, cặp mắt nâu sáng ngời với hàng lông mi cong vút. Tôi nghe lòng mình xôn xao. Sau này khi hai đứa yêu nhau,tôi vẫn thường mơ ước sẽ sinh cho anh một đứa con gái giống hệt bố, con gái tôi nhất định là một cô gái xinh đẹp tuyệt vời.
Anh lim dim cặp mắt, thả hồn theo điệu nhạc, ngón tay vẫn lả lướt trên phím đàn. Tôi ngồi lặt rau, lẩm nhẩm hát theo:
“ Một ngõ vắng xôn xao.
Nằm trong lòng phố lớn,
Một tiếng nói yêu thương,
Cho lòng thêm tơ vương.
Một đám lá me bay,
Vấn vương đầy ngõ vắng,
Một chùm hoa trưa nắng,
Xôn xao cả chiều nay….”
- Em cũng biết bài này à?
Tôi giật mình khi bị bắt quả tang, ngượng ngùng trả lới lý nhí:
- Dạ, em mới học được từ anh Long, cùng chung đoàn với em Hường đấy.
- Em cũng quen cả Hường nhà anh à?
- Vâng, quen cũng khá lâu rồi, nhưng em đâu biết anh là anh của Hường, hồi nãy nhìn thấy nó, em giật cả mình.
- Em có hay lên đây chơi không?
- Thỉnh thoảng thôi, có khi cả năm mới lên một lần.
- Em có người thân ở đây à?
- Dạ chị em làm việc dưới Bố Ẩn.
- Em lên đây bao lâu rồi?.
- Mới vài bữa thôi.
- Khi nào em về lại nhà?.
- Ngày mai em lên Thuận Châu thăm bà cô vài ngày, chắc phải tuần sau em mới về nhà được.
- Ồ, thế hả. Ngày mai anh cũng có việc đi Thuận Châu, vậy thì mai anh em mình đi chung nhé.
Tôi mỉm cười gật đầu, một quãng đường xa xôi vậy mà có người quen đi cùng thì thật vui. Sau bữa cơm chiều, tôi ngồi chơi thêm một lúc rồi xin phép về lại dưới khu tập thể nơi chị Lan đang sống. Anh Sơn nói với tôi sáng hôm sau nhớ ghé vào đây, anh sẽ chờ. Hải đòi đưa tôi về tận nhà nhưng tôi từ chối không chịu, Hải đành dắt xe đạp của tôi xuống đường để tự mình tôi đi.
Màn đêm đã buông xuống từ lâu,con đường chỉ thấy lờ mờ từ ánh đèn xe đạp hắt xuống, rừng núi tối thùi, tiếng côn trùng kêu rả rích nghe rợn cả người. Đường về Bố Ẩn toàn lên dốc, tôi cong người cố hết sức đạp cho thật nhanh để quên đi nỗi sợ đang đuổi theo đằng sau lưng. Thỉnh thoảng ánh đèn pha xe chở hàng chạy qua làm mắt tôi chói nhoà, và con đường bụi bay mù mịt. Tôi cố rượt theo mấy người đi phía trước cho đỡ sợ, bụng thì lầm thầm, ngu quá! biết vậy hồi nãy cứ để cho Hải đưa mình về tới nhà, bày đặt làm eo làm sách. Tôi về đến phòng Chị Lan trước 9 giờ tối, thấy tôi về, chị Lan mừng rối rít, chị lo không biết tôi đi đâu và có về trước giờ đóng cổng không.
Sáng hôm sau, tôi đi nhờ xe người quen chị Lan ra thị xã, gần đến ngã ba Quyết Thắng, tôi xin phép xuống đi bộ để ghé qua nhà anh. Anh đang ngồi trước cửa ngõ chờ tôi. Thấy tôi, anh mỉm cười thân thiện.
- Anh chờ em nãy giờ, chừng mười lăm phút nữa mà em không đến chắc là anh đi một mình.
Anh đưa giỏ hành lý cho tôi cầm, quay trở lên nhà, vác cái xe đạp cuộc xuống dưới đường đặt ngay trước mặt. Tôi nhìn anh rồi nhìn chiếc xe đạp, trố mắt ngạc nhiên, không biết tôi sẽ ngồi ở chỗ nào vì xe không có phọc ba ga ở đằng sau. Anh leo lên yên xe ngồi, chống một chân dưới đất, vẫy tôi lại, chỉ vào sườn xe đạp bảo:
- Em đưa hành lý đây, em ngồi ở chỗ này này, nhanh lên kẻo trễ rồi. Anh sẽ chở em đi.
Không còn cách nào khác, tôi đành leo lên ngồi gọn trong lòng anh, anh lấy đà cho xe lao xuống dốc. Đầu tôi cao nhòng che khuất cả tầm mắt, bị anh gạt né qua một bên. Đường quốc lộ lồi lõm ổ gà, mỗi lần bị dằn, tôi đau điếng, cái khung xe nhỏ xíu, tôi ngồi tê dại hết cả mông. Cuối cùng, tụi tôi cũng đến được một ngã ba có con đường dẫn đến huyện Thuận Châu. Đường rẽ lên Thuận Châu phải vượt qua nhiều núi đồi, ngay tại ngã ba này là chân một quả núi mà trên đỉnh là nơi đặt đài khí tượng thuỷ văn của tỉnh. Tôi nhẩy xuống đi bộ, anh đẩy xe lên dốc, tụi tôi tấp vào khu tập thể bà chị họ làm việc trên đài khí tượng này gửi nhờ xe. Xong xuôi cả hai đứa lội ngược trở ra quốc lộ đón xe khách lên huyện Thuận Châu.
Một chiếc xe bus dừng lại trước mặt, trên xe hành khách đã chật như nêm, tụi tôi len lỏi lên phía cửa trước, không còn chỗ, tôi đành ngồi tạm lên đầu thùng đựng máy, kế bên bác tài, hơi nóng từ bên trong bốc ra khiến chân tôi bỏng rát. Từ từ, hành khách xuống bớt, tôi và anh mới có ghế để ngồi, quá mệt mỏi, tôi gục vào vai anh ngủ gật, ngủ say sưa không biết gì cho mãi đến khi xe vào bến trả khách mới giật mình tỉnh giấc.
Từ bến xe, tụi tôi đi bộ một quãng đường khá xa hướng về trường Cao Đẳng Sư Phạm Tây Bắc, nhà cô Năm ở đầu cổng của ngôi trường này. Tụi tôi đến nơi căn còn nhà đóng cửa im ỉm, cô Năm đi làm chưa về, chỉ có con mực nhẩy xổ ra sủa inh ỏi. Tôi phân vân không biết phải làm sao, nhoẻn miệng cười nói với anh:
- Anh có bận gì thì đi lo công việc của mình đi, để em ở đây chờ cô em về cũng được.
- Không, anh phải chờ giao em cho cô đã rồi mới tính sau.
Tôi treo hành lý lên hàng rào đầu cổng, kê dép ngồi đại xuống mặt cỏ ven đường. Trời đã vào đông, gió mùa đông bắc tràn về lạnh cóng, bầu trời xám xịt, tôi co ro ngồi nép vào sau lưng anh, chẩu môi thổi hơi ra thành những làn khói mỏng. Tụi tôi ngồi đó cả gần tiếng đồng hồ, cô Năm mới xuất hiện. Tôi nhìn thấy bóng cô đạp xe từ xa, phất phới chiếc khăn len quàng cổ màu đỏ rực. Cô thắng kít xe trước cổng, ngạc nhiên cất giọng ồm ồm:
- Hân lên hồi nào vậy cháu? Chờ cô có lâu không?
- Cháu tới đây cũng cả tiếng rồi, định leo rào vào trong nhà ngồi chờ mà con mực nó sủa quá.
Tôi quay qua giới thiệu anh với cô
- Anh Sơn, bạn cháu nhà dưới thị xã Sơn La.
Cô Năm gật đầu chào anh, dựng xe mở cổng, con mực từ trong nhà lao ra quẫy đuôi rối rít, cố mắng yêu nó:
- Đi ra nào con, để mẹ vào nhà chứ.
Con Mực vẫn luẩn quẩn quấn chân cô.
- Hân vào nhà đi hai cháu.
Căn nhà này tôi đã từng lên đây thăm cô vài lần, căn nhà nghèo nàn mái tranh, vách phên chẳng có thứ gì giá trị. Tôi và cô vào bếp lo chuẩn bị bữa cơm chiều. Chẳng bao lâu bữa ăn đạm bạc được don lên bàn, canh trái xu nấu xuông, thịt heo kho mặn chát và thêm dĩa dưa cải muối chua, ba cô cháu tôi xì xụp ngồi ăn vui vẻ.
Tối hôm ấy, tôi xin phép cô cùng anh vào trường thăm bạn học cũ, tôi có vài đứa đang theo học ở ở đây. Khu trường này khá rộng lần mò mãi tụi tôi mới tìm đến được khoa Văn, Hà bạn tôi học ở khoa này. Hà cùng tuổi với tôi, hai đứa thân thiết từ nhỏ. Gặp nhau, tôi nhào ra ôm lấy bạn, cười khúc khích " cô giáo tương lai của tôi có khoẻ không nào?".
Căn phòng tập thể nơi Hà trú ngụ rộng rãi,chứa được cả vài chục cô. Lúc tôi đến thăm, mọi người đi chơi gần hết, chỉ còn lại vài cô ở phòng. Chẳng quen chẳng biết gì nhưng thấy có khách đến chơi mấy nàng đều xúm vào tán chuyện. Hồi còn đi học, lớp tôi có hơn năm chục học sinh, nhưng chỉ có năm đứa là thân nhau nhất, Hà, Hiền, Hồng, Mai và tôi. Hồng đi học trung cấp kế toán dưới tỉnh Vĩnh Phú, Mai làm công nhân trong xí nghiệp bánh kẹo gần nhà, Hà đang học sư phạm ở đây, chỉ tôi và Hiền còn lang thang làm "nhà báo ".
Sau khi rớt đại học, mẹ tôi cũng vác đơn chạy khắp nơi xin việc cho tôi nhưng chưa có chỗ nào nhận. Tôi thì dửng dưng chẳng quan tâm vì tôi có ý định sang năm tiếp tục thi vào đại học, đó là niềm mơ ước duy nhất của tôi. Thế nhưng cánh cửa trường đại học luôn đóng chặt chẳng hé mở chào đón tôi bao giờ, bởi cùng năm đấy, mẹ tôi bị tai nạn qua đời, đành xếp ước mơ cháy bỏng qua một bên để lao mình vào đời kiếm sống.
Thấy cũng khá trễ, tôi và anh từ giã Hà ra về. Tiễn tôi ra khỏi cửa, cô nàng thì thầm bên tai: "Mày cua được anh chàng này ở đâu mà đẹp trai vậy?"Tôi dãy nảy lên " Anh thằng bạn dưới thị xã, không phải của tao đâu, đừng nghĩ vớ vẩn." Hà nheo mắt cười, tôi mặc kệ nó vì thật sự trong bụng cũng... khoái thấy mồ.
***
Cô Năm vẫn còn thức ngồi chờ hai đứa tôi ở dưới bếp, lửa cháy bập bùng làm gương mặt cô đỏ hồng. Cô Năm nay nhỏ hơn mẹ tôi vài tuổi nhưng không có chồng, tướng cô cao lớn như đàn ông, môi thâm xì, rít thuốc lá liên tục. Lúc đó cô là bác sĩ thú y làm ở phòng y tế của huyện. Thực ra cô chẳng có dòng họ gì với nhà tôi, chỉ là đồng hương Thanh Hoá. Cô Nhận chị Vân tôi làm cháu nuôi trong thời gian chị học sư phạm ở trường này. Cô Năm tính ngay thẳng, dễ dãi, và có lòng nhân hậu. Cô săn đón rất nhiều những nữ sinh trong trường ra bảo trợ ăn học, nhưng đặc biệt phải là xinh đẹp thì cô mới đón về, cô bảo cô yêu thương tất cả những người đẹp. Cô Năm biệt tài coi bói, cô đã từng đoán về cuộc đời cho vợ chồng chị Phương của tôi, cô tính toán ngày tháng năm sinh rồi đưa ra một câu chắc nịch "chúng mày không hạp tuổi, mạng con Giáp Thìn sẽ nuốt mất thằng Nhâm Dần, hai đứa mày muốn sống yên ổn thì đừng làm đám cưới, cứ sống vậy đi, nếu đám cưới thằng Nhâm Dần sẽ chết." Anh rể tôi nghe chị Phương kể, không tin, lầm bầm trong miệng: "Chết cái con C. tao đây này." Quả đúng vậy, chỉ sau đám cưới có vài tháng, anh rể lăn ra chết bất đắc kỳ tử, bỏ lại chị tôi với cái bụng bầu lùm xùm và một cuộc đời khổ cực gian lao.
Ba cô cháu ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, cô Năm mang tài nghệ ra thử, cô xem bói cho tôi và anh Sơn. Cô nắm mãi bàn tay tôi lật đi lật lại, xem kỹ từng chỉ tay, cô nhíu mày khó chịu về cái nốt ruồi nằm ngay trên đường tâm đạo cộng thêm hai nốt ruồi ở khúc cổ tay tạo thành một hình tam giác cân, cô bảo đấy là điềm không tốt. Cô cho biết số tôi cực khổ, nhưng về già an nhàn. Cô xem cho anh Sơn, khen anh giỏi, có tài buôn bán, cuộc đời của anh cũng lắm gian truân và cần thận trọng vì anh có số ở tù. Cô kéo tôi vào lòng, vuốt mái tóc tôi, âu yếm bảo: "Hai cháu sau này nếu nên duyên vợ chồng, tiền để đâu cho hết." Tôi mỉm cười đưa mắt nhìn sang anh, cặp mắt sáng ngời làm hồn tôi chết lịm.
Tối hôm đấy, cô Năm xếp anh ngủ bên ngoài phòng khách, còn tôi thì ngủ trong phòng cùng với cô, trời mùa đông giá lạnh, dưới tấm chăn bông dầy ấm áp, cô Năm ôm chặt lấy tôi đưa tay mò tứ tung làm tôi nhột đẩy cô ra. Sau này vào Nam rồi tôi mới biết cô Năm là dân đồng tình luyến ái, hèn gì cô cứ thích đón những cô gái trẻ đẹp ra nhà nuôi ăn học.
Sáng hôm sau cô bắt buộc anh Sơn đưa tôi ra bến xe trở về nhà gấp, mặc dù tôi muốn được ở lại chơi thêm vài ngày. Chiều đó trở lại thị xã, tôi không về khu tập thể của chị Lan mà ở lại nhà anh. Mến anh, tôi cứ quấn quýt ở bên anh không muốn rời. Ngay buổi tối hôm đó anh dẫn tôi đi uống cà phê, thú thật cả đời tôi chưa bao giờ được uống cà phê, chả biết mùi vị nó ra sao, nhưng lại tỏ vẻ ta đây sành điệu cái gì cũng biết, anh hỏi gì tôi cũng gật đầu.
Hai tách cà phê được mang ra, nóng hổi, hương thơm toả ngát, tôi bắt chước anh đưa tách cà phê lên miệng nhấp một ngụm rõ to. Mẹ ơi, đắng gì mà đắng khiếp, đắng đến nỗi mắt trợn ngược cả lên, nhổ ra thì mắc cỡ, nuốt vào thì đắng như quả bồ hòn. Thế mà cũng rủ người ta đi uống cà phê. Sau này khi trở thành thân thiết, anh vẫn mang chuyện uống cà phê của tôi ra chọc ghẹo
Ngày hôm sau nữa bất thình lình Hải trở về, anh chàng thấy tôi vẫn còn ở lại mắt sáng lên mừng rỡ, ngay sau đấy Hải rủ tối đi coi phim, tôi ngây thơ, vô tình xổ toẹt ra: "Hân có hẹn với anh Sơn rồi, chút nữa anh Sơn đưa Hân xuống chỗ chị Lan, sáng mai Hân phải về nhà, thôi để lần khác nhé. " Hải sầm nét mặt, không nói gì hầm hầm bước vào nhà, tôi nhìn theo ngạc nhiên thầm nghĩ, ô hay, thằng này hôm nay sao lạ vậy nhỉ. Tôi không để ý lắm, đi bộ xuống chợ mua ít thức ăn do bác gái nhờ. Lúc quay trở về, Hải nắm tay tôi kéo ra phía vườn sau nhà, hằn học hỏi: "Anh Sơn đã nói gì với Hân?" Tôi bực bội gắt lên: "Hải buông tôi ra, làm cái gì đấy, anh Sơn có nói gì đâu." Anh chàng bặm môi cầm cái đèn pin trên tay ném mạnh vào tảng đá gần đấy vỡ choang làm tôi xanh lè cả mặt. Bấy giờ tôi mới hiểu, anh chàng cũng mê tôi. Hải hằn học không nói thêm gì lao vào nhà dắt xe xuống đường vù đi mất. Tôi đứng chết trân một chỗ nhìn theo bóng nó khuất dần sau bụi tre đầu đường.
Tôi lững thững đi vào trong nhà, anh Sơn đang nằm dài trên giường, rít thuốc lá liên tục, thấy tôi bước vào anh ngồi dậy mỉm cười nhìn tôi hỏi:
- Em và Hải là bạn như thế nào?
- Chỉ là bạn thôi, tụi em chơi chung một nhóm với nhau.
- Nó đã tỏ tình với em lần nào chưa?
Tôi lắc đầu
- Được rồi, không sao đâu, để anh lo. Em chuẩn bị đi anh sẽ đưa em xuống chỗ chị Lan.
Tôi gật đầu bước vào trong phòng ngủ của Hường thu dọn hành lý. Anh Sơn dắt xe đạp xuống đường, tôi chào hai bác và xoa đầu thằng bé út, lúc này mới có 8 tuổi, xin phép đi về. Bác trai tiễn tôi xuống tận cổng, miệng còn nhắc nhở: "Đi đường cẩn thận nghen cháu."
Tôi và anh sánh bước bên nhau, đoạn đường về khu tập thể chị Lan ở toàn lên dốc nên hai đứa tôi cùng đẩy xe đi bộ. Đến ngã ba, lối rẽ vào cổng của công ty tôi gặp một cô người quen cùng làm việc với chị Lan, nhìn thấy tôi cố hốt hoảng kêu lên: "Hân, cháu đi đâu mấy bữa nay, chị mày tìm loạn cả lên. Về ngay nhà đi, mẹ cháu mất rồi đấy. Chị mày với anh Thành đánh xe về trước rồi." Tôi nghe cô nói đầu óc quay cuồng như muốn té xỉu, bám vào thành cổng, cái giỏ xách cầm trên tay rớt xuống đất lúc nào không hay. Anh Sơn dựng xe lắc mạnh vai tôi:
- Em bình tĩnh lại đi, từ từ nào, chắc gì đã phải.
Tôi vẫn đứng lặng im, nước mắt trào ra. Tôi muốn gào thét lên,nhưng cổ họng tắc nghẹn, tin mẹ qua đời quá đột ngột làm tôi thất thần. Phải mất một hồi lâu tôi mới tỉnh lại, ôm chặt lấy anh khóc nức nở.
Anh nhỏ nhẹ vỗ về an ủi tôi:
- Bình tĩnh lại em, chưa có tin gì chính xác mà, bình tĩnh đã.
Tôi không nói được gì, chỉ nấc lên từng chặp, anh lấy khăn lau nước mắt cho tôi, đề nghị.
- Để anh chở em về nhà trước đã rồi mình tính sau.
Tôi líu ríu theo anh như người mộng du, để mặc anh mang mình lao nhanh xuống dốc, đầu óc tôi như mụ đi, bên tai tiếng gió ù ù. Tôi thất thểu theo anh vào nhà với gương mặt tái xám và cặp mắt ngấn lệ. Bác trai nhìn thấy giật mình hoảng hốt hỏi dồn:
- Có chuyện gì vậy cháu? Làm sao thế? Cháu ốm à?
Anh Sơn thay tôi trả lời làm bác sững sờ, thông cảm với nỗi đau của tôi bác vỗ về an ủi, bác để hai đứa tôi ngồi trên nhà và đi xuống bếp. Bác gái đang chuẩn bị bữa cơm cúng ông Táo về trời, hôm ấy ngày 23 tháng Chạp năm 1985.
Tôi vẫn ngồi im lặng bên bàn khách, nhìn vào khoảng không bằng cặp mắt vô hồn. Tôi không thể lường trước được rằng một ngày nào đó Mẹ sẽ bỏ chị em tụi tôi ra đi mãi mãi, lòng tôi nôn nao như có lửa đốt, chỉ muốn lao ngay về nhà nhưng chẳng biết phải làm sao. Tôi ước gì mình có cái mũ thần của cô công chúa Rút-mi-la trong bộ phim thần thoại mà tôi vẫn thường coi thủa nhỏ, đội cái mũ ấy lên đầu, chỉ trong chớp mắt tôi sẽ đến được bất cứ nơi đâu tôi móng muốn. Nhắm mắt cố xua đuổi hình ảnh chết chóc đang tràn ngập trong đầu mình, tôi nhóm lên một chút hy vọng, biết đâu chỉ là tin đồn, biết đâu Mẹ tôi chỉ bị thương và đang được cấp cứu trong một bệnh viện nào đó.
Mẹ tôi vào Nam thăm bố đã khá lâu, trước khi đi Mẹ còn mang thằng Út xuống dưới Nông Trường Sao Đỏ gởi chị Vân lo cho em học hành, chị Vân đang là giáo viên dạy học ở đó. Đáng lý lần này Mẹ đòi mang tôi theo, nhưng rồi mẹ lại đổi ý bảo tôi ở nhà trông nom đàn lợn cho mẹ, tôi thất vọng nhưng cũng chẳng dám phản đối gì. Mẹ đi rồi tôi thay mẹ lo toan mọi công việc trong nhà, từ gánh nước tưới rau đến lấy củi, nấu cơm,và chăm sóc cho đàn lợn...Chị Phương giận chồng bỏ về nhà, tôi mới có dịp nhờ chị trông nom giúp mấy ngày để lấy cớ đi chơi. Tôi hứa với chị chỉ đi một tuần lễ vì còn phải về đón Mẹ, tụi tôi nhớ mẹ và vẫn mong mẹ từng ngày từng giờ.
Mỗi lần Mẹ đi miền Nam về cả nhà nhộn nhịp tưng bừng còn hơn đón "Việt Kiều yêu nước", Mẹ tôi mang về đủ thứ đủ loại, từ xà bông giặt đồ, bột ngọt, thức ăn khô đến vải vóc...và còn có cả va li to đùng quần áo cũ, thứ đồ thải của mấy đứa em con bà Dì trong Sài Gòn, Mẹ tôi gôm về hết, "cũ người mới ta", chị em tôi dành nhau đánh nhau chí choé. Hồi trước có gì đẹp là mấy chị lớn lấy sạch, chỉ để lại cho tôi thứ cũ xì xấu xí. Thời bao cấp hên lắm cả năm mới được Mẹ may cho một bộ đồ mới, tuy nhiên tụi tôi vẫn thích đồ của miền Nam, vừa đẹp và mô đen hơn nhiều. Giờ nghe tin Mẹ mất, không biết là thực hư như thế nào, trong tôi cuống cuồng cả lên.
Mâm đồ cúng được dọn lên bàn thờ ông Táo khá thịnh soạn, có cả con cá chép đỏ chiên vàng rụm, mấy cây nhang khói toả bay nghi ngút, tôi mường tưởng ra cái bàn thờ có hình của Mẹ ở trên, nước mắt lại trào ra đầm đìa, tôi cắn chặt bờ môi cố ghìm lại để mình đừng bật khóc. Anh Sơn vẫn ngồi bên cạnh và nắm chặt bàn tay tôi. Anh dỗ dành tôi ráng ăn miếng cơm, nhưng tôi không nuốt nổi. Cả nhà ai cũng an ủi cố giúp tôi lên tinh thần.
Tối hôm ấy tôi trằn trọc khó ngủ, Hường đi diễn xa không về nhà nên tôi ngủ một mình, trong căn phòng tối đen như mực, bên ngoài tiếng côn trùng kêu rả rích, và tiếng chó sủa vọng lại từ xa xa. Tôi nhớ mẹ quá, hình ảnh của Mẹ từ từ quay về như một thước phim chiếu chậm. Mẹ, người thiếu phụ lam lũ tối đến vẫn thắp đèn dầu tù mù ngồi may đồ cho khách. Mẹ trong bộ quần áo công nhân, đầu quấn khăn che kín đang cố sức mình đẩy cái cái cối xay bột để chuẩn bị làm bánh cho ngày hôm sau, Mẹ phải đổi công việc liên tục, lúc chăn nuôi, lúc làm bánh, lúc nấu phở, bất kể công việc dù khó nhọc như thế nào Mẹ cũng chẳng kêu ca. Nhà đông con, mấy chị em tụi tôi xúm vào mỗi người một tay đỡ đần cho Mẹ. Tôi và chị Phương thường phải lên rừng lấy lá chuối về bán kiếm tiền thêm, có lần chị em tôi phải leo qua mấy quả đồi mới chặt được một bao lá chuối, bán được vài đồng, tiền đó đều đưa cho Mẹ giữ.
Dạo sau này, Mẹ tôi còn có thêm nghề nấu rượu lậu, tôi là người phụ Mẹ mỗi ngày, rượu gạo, rượu ngô (bắp), rượu sắn (củ mì) gì gì Mẹ đều nấu cả. Mấy thứ đó được nấu chín và cho men vào ủ mấy ngày, khi thành cơm rượu, có vị ngọt ngọt thơm cay thì đổ vào nồi nấu. Dụng cụ làm rượu Mẹ tôi tự chế rất đơn giản, một cái nồi quân dụng thật to, Mẹ ra lò rèn nhờ thợ đúc cho một cái nắp vung vừa với nó và trên đầu có một lỗ hở, để đút một cái ống nhỏ, dài thông ra ngoài, ống nhỏ đó được đặt chạy qua một thùng nước lạnh. Khi nấu cơm rượu, hơi nóng sẽ theo đường ống chạy ra ngoài, gặp thùng nước lạnh, hơi nóng ngưng tụ thành rượu chảy qua vòi, và Mẹ tôi hứng nó bằng những chai thuỷ tinh đã rửa sạch sẽ từ trước. Thông thường một nồi rượu Mẹ nấu được vài lít. Chai rượu đầu tiên là chai rượu ngon nhất, Mẹ nếm rượu, pha chế chúng với nhau cho cùng nồng độ rồi mới mang đi bán. Ngày nào Mẹ nếm thử rượu cũng say bí tỉ, mặt đỏ như mặt trời. Tôi có nhiệm vụ canh thay nước lạnh liên tục giúp Mẹ, và lén lút mang những chai rượu ấy đi tiêu thụ ở những nơi mối quen.
Nghĩ đến Mẹ, nước mắt tôi chảy ướt đẫm cả gối nằm. Anh Sơn hình như cũng không ngủ được, tôi nghe tiếng anh trở mình phía ngoài phòng. Trời đã về khuya, khuya lắm, tiếng gió rít ở bên ngoài từng cơn nghe rùng rợn, chăn bông tôi đắp hai cái mà sao vẫn cảm thấy lạnh thấu xương, tôi chỉ mong trời mau sáng...
Tôi vẫn nằm đấy, hai mắt thao láo nhìn vào bóng đêm. Rồi tôi nghe có tiếng kẹt cửa, tiếng bước chân rón rén đi lại gần mình, một bàn tay ấm áp nhẹ nhàng đặt lên má tôi, tiếng thì thầm nho nhỏ: "Hân ơi, dậy đi em." Tôi ngồi bật dậy, hỏi lớn:
- Mấy giờ rồi hả anh?
Anh đưa tay bịt miệng tôi lại, nói khẽ:
- Em nói nhỏ thôi, để cho bố mẹ ngủ, em ra đây với anh.
Anh nắm tay tôi, mò mẫm dẫn tôi ra phía cửa. Trời vẫn còn tối mờ không thấy mặt người, ra đến phòng khách, anh bật diêm quẹt châm lửa lên cây đèn dầu, ánh sáng từ ngọn ngọn đèn toả ra một mầu vàng dịu. Hai cái giường trống vắng, hình như Hải không về. Cầm cây đèn dầu trên tay, anh dắt tôi đi xuống bếp. Lửa đã tắt ngúm từ lâu, chỉ còn hơi ấm từ tro than tối qua xót lại, tôi gạt lớp tro bên trên, lộ ra vài cục than còn cháy đỏ, cho thêm củi vào, phồng má cố thổi để lửa bùng lên. Anh Sơn bắc ấm nước lên bếp, tụi tôi ngồi chờ cho nước sôi để pha trà. Trong bếp, chỉ có hai đứa, anh đưa tay choàng lên vai tôi, kéo tôi nép vào mình anh, tôi nghe rõ từng nhịp tim anh đập mạnh, anh thì thầm hỏi:
- Em có ngủ được tí nào không?
Tôi ngọ ngậy lắc đầu.
- Trông em xanh xao quá! À, em có đói không? Để anh rang cơm cho em ăn nhé, từ chiều hôm qua tới giờ em chưa ăn miếng gì.
Tôi lắc đầu từ chối, tôi không đói và tôi cũng chẳng muốn ăn gì. Lửa cháy bập bùng, ấm nước sôi réo xùng xục, anh rót nước pha trà, đẩy lại phía tôi, hai tách sóng sánh nước trà vàng óng, toả mùi hương thơm dịu. Uống xong tách trà, tôi mang ấm nước nóng ra bên ngoài pha nước rửa mặt, trời vẫn tối mù, gió thổi thốc vào mặt vào lạnh thấu xương. Rửa mặt xong, tôi thấy mình tỉnh táo ra nhiều, trở lại trong bếp, tụi tôi ngồi sát bên nhau, cả hai đều im lặng. Anh vẫn nắm chặt tay tôi, nhìn thẳng nhìn vào ngọn lửa cháy bập bùng trong bếp. Bất thình lình, anh xoay người tôi lại, nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Hân, dù gặp bất cứ tình huống nào, em cũng phải thật bình tĩnh, Nhớ chưa?
Tôi im lặng.
- Lẽ ra anh phải đưa em về nhưng anh còn một số công việc phải giả quyết, 27 tết anh sẽ ghé xuống thăm em. Nói cho anh biết làm sao có thể tìm được em.
Tôi chỉ cho anh cặn kẽ đường tìm vào nhà tôi. Đã gần 4 giờ sáng, tôi sửa soạn hành lý ra bến xe vì từ đây về nhà tôi chỉ có một chuyến duy nhất vào lúc 5 giờ. Tụi tôi ra đến nơi thì xe gần chạy, hành khách khá đông, tôi phải ngồi tuốt phía đằng sau. Xe rời bến, tôi gục xuống khóc nức nở.
Xe về bến cũng đã hơn 2 giờ chiều, mặc dù quãng đường chỉ 126 km. Xuống xe tôi chạy một mạch về nhà, đến đầu cổng tôi thấy lác đác từng nhóm người từ bên trong đi ra, lòng tôi quặn đau. Đúng là Mẹ mất thật rồi vì tôi thấy mắt ai cũng đỏ hoe, và nhìn tôi một cách thương cảm. Chân tôi như muốn khuỵu hẳn xuống, chỉ một khúc đường ngắn mà sao như dài vô cùng. Em Hạnh nhìn thấy tôi đầu tiên, nhào ra ôm chị khóc nức nở " chị ơi, mẹ chết rồi, mẹ chết thật rồi chị ơi..."
Gia đình tôi tề tựu về đầy đủ, hai Dì từ Đà Nẵng và Sài Gòn bay ra, Bác cả lên cùng bố tôi một lượt, mầu tang tóc bao phủ lên cả căn nhà trong không khí buồn thảm. Trên bàn thờ hương khói bay nghi ngút. Hình Mẹ tôi trang trọng đặt dưới hình ông Hồ một chút. Tôi được Dì trao cho chiếc khăn tang bằng vải xô trắng buộc ngang đầu. Cả nhà vang lên tiếng xụt xịt, tiếng nấc nghẹn và lâu lâu lại oà lên nức nở như một bản nhạc buồn thê thảm.
Ơi! Tôi mất Mẹ thật rồi!
Đầu óc tôi như mụ đi, chỉ còn là một ký ức mơ hồ...hình như cái nỗi đau quá lớn, cái mất mát quá đầy, trong tôi không còn chỗ chứa cho những gì khác nữa.
***
Ba ngày sau, buổi chiều 27 tết, anh Sơn ghé vào nhà thăm tôi đúng như đã hẹn trước. Anh đến chia buồn và an ủi Bố tôi. Chúng tôi ngồi bên hiên nhà nói chuyện khá lâu, trước khi chia tay ra phòng trọ, anh nói nhỏ vào tai tôi, anh sẽ chờ tôi ở ngoài quán nước bà Tẻo vào lúc 7 giờ.
Mùa đông mới 5 giờ chiều trời đã tối sập, gần đến giờ hẹn, tôi không biết phải làm cách nào để xin phép ra ngoài. Bố tôi khó tính, cứ đúng 6 giờ chiều là con cái không đứa nào được ra khỏi cửa, xi nê cũng bị ông cấm tiệt, chỉ khi nào ông cho phép mới được đi ra ngoài. Tôi phải năn nỉ ông anh họ gẫy lưỡi ông mới đồng ý, xin Bố tôi cho hai anh em đi công việc. Tụi tôi ra đến quán nước bà Tẻo đã thấy anh Sơn ngồi đó từ khi nào. Giao tôi cho anh Sơn, anh họ tôi dặn:
- Tau đi xem phim, đúng 9 giờ tau trở lại đây đón, bay mà không ra tau về trước đừng có trách tau.
Tôi đẩy anh ra
- Thôi anh đi đi, nhớ 9 giờ lại đây đón em.
Anh họ tôi hứ lên một tiếng:
- Có trăng quên đèn, tau về mách bố mi cho ông đánh quắn đít bây giờ.
Vừa nói anh vừa đi về rạp chiếu bóng, cách đây không xa mấy. Anh Sơn trả tiền nước, nắm tay tôi kéo đi. Chúng tôi cứ đi bên nhau như thế mà cũng chẳng biết đi đâu, thẳng con đường trước mặt tiến đều bước, đi được một quãng khá xa, tôi nắm tay anh kéo dừng lại hỏi:
- Mình đi đâu vậy anh?
- Anh cũng không biết nữa, anh chỉ muốn đi bên em vậy thôi.
Lúc này đã đến chân dốc 75, tụi tôi rẽ vào hướng trường học. Các lớp học đã khoá cửa chặt, tụi tôi kê dép ngồi ngay bên hiên nhà, anh choàng qua vai tôi, thì thầm:
- Em đừng buồn nhiều nữa, đằng nào thì Mẹ cũng mất rồi...đời người ai cũng phải chết em ạ, có đau buồn nhiều rồi cũng phải chịu thôi.
Nghe anh nhắc đến Mẹ, tôi mủi lòng, nước mắt dàn dụa, dụi vào người anh, Hồi ấy tôi chưa biết trang điểm, phải thời bây giờ chắc áo của anh đã dính đầy mầu son đỏ chót hay đen thùi vì mát ca ra tèm lem theo nước mắt tôi chảy ra. Trời tối như đêm ba mươi không nhìn rõ mặt người, tôi run rẩy trong vòng tay của anh với những nụ hôn ngọt ngào dài vô tận, ngây ngất, đê mê đến lịm cả hồn. Bên anh tôi dường như quên tất cả, quên mình vừa mất mẹ, quên lời hẹn đúng 9 giờ với anh họ và quên luôn cả ông bố có gương mặt hắc ám cùng với những trận đòn khiếp vía kinh hồn...
Nói đúng ra anh không phải là mối tình đầu của tôi, trước anh cũng đã có vài chàng tò tè đến đến tán tỉnh, cũng có vài lần hò hẹn nhưng tôi chưa thực sự nhận lời với ai. Tôi yêu anh, một tình yêu trong sáng, thánh thiện, tôi yêu anh với một tình cảm chân thành, mãnh liệt rung động từ tận đáy tim mình.
- Anh yêu em, anh mong sẽ có em trong vòng tay, anh muốn thay em gánh chịu hết những đau thương, những mất mát mà em vừa gặp phải.
Tôi im lặng, ngước nhìn để chờ đón nhận những nụ hôn dài cháy bỏng, đầy yêu thương. Tôi vòng tay qua cổ anh níu sát vào mình, như cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể anh truyền sang giữa đêm đông giá lạnh, Xung quanh chỉ là bóng đêm tối đen mờ mịt hoà theo tiếng nhạc côn trùng kêu rả rích . Tôi không biết thời gian qua đi bao lâu khi xực nhớ đến lời hẹn với ông anh họ.
- Chết! Mấy giờ rồi anh?
Anh bật đèn pin soi vào cái đồng hồ 4 đinh (loại của Liên Xô chế tạo) đang là "mốt" của thanh niên miền Bắc, trả lời:
- Kém 15 phút nữa là 10 giờ.
- Chết! Mình phải về thôi, chẳng biết anh em có còn chờ ở quán bà Tẻo.
- Không sao đâu, anh đưa em về tận nhà.
Tôi tái mặt lo sợ. Anh đưa tôi về, Bố bắt gặp, chắc tôi chết nhừ đòn. Để ra khỏi nhà, tôi đã phải đi cùng ông anh họ. Bố khó tính và luôn dạy dỗ con cái theo kiểu cổ hủ ngày xưa, chị Vân tôi lớn tướng có chồng rồi mà vẫn bị ông lôi ra đánh đòn khi chị làm điều gì ông không vừa ý. Tụi tôi sợ Bố còn hơn sợ cọp, lúc nào cũng nem nép chả dám lại gần. Chỉ mới hôm qua thôi, tôi vô ý làm ông nổi giận, que củi đang cháy đỏ trong bếp, mà ông rút ra lao thẳng vào tôi, may phước tôi né kịp, không thôi dám bể đầu. Dì tôi chứng kiến cảnh đó, hét lên: "Anh tính giết nó đấy à? Chị tôi mới chết, anh chưa vừa lòng sao?" Bố tôi xìu xuống, không nói gì, bỏ lên nhà trên. Với Bố, tôi không những sợ mà còn có phần ghét ông nữa. Lần nào ông về thăm nhà tụi tôi cũng chỉ mong cho chóng hết phép để ông đi thật nhanh. Có lần ông đã xuống đến Hà Nội, nhưng chị Lan thấy ông quên giấy tờ trong tủ la hoảng lên với mẹ tôi: "Mẹ ơi, con thấy giấy tờ của Bố còn ở đây này." Mẹ tôi mặt xám ngoét: "Chết rồi, ông lại đáo lên cho mà coi!" Chiều hôm sau, ông lò dò lên thật, mẹ tôi than trời. Ông ở thêm vài tuần nữa mới chịu xuôi Nam. Ông đi rồi, cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Sau này, ông tính gả tôi cho một anh kỹ sư làm cùng sở, tôi phản đối đến cùng, không chịu. Ông la tôi: "Thằng đó là kỹ sư, mi còn chê gì nữa?" "Kỹ sư hay bác sĩ gì cũng kệ người ta, con không yêu, sao bắt con phải lấy. Bố thích thì bố lấy ông kỹ sư đó đi." Bố tôi đập bàn quát nạt: "Tổ cha mày, lo chồng con cho mày mà mày lại bảo bố lấy đi. Để tao chống mắt lên xem cuộc đời của mày ra sao. Đồ thứ con cái mất dậy." Tôi bị ông từ mặt, chỉ khi tôi sanh được một thằng nhỏ kháu khỉnh, ông mê cháu trai nên mới chấp nhận cho tôi được về thăm nhà.
Tôi và anh quay ngược lại hướng cũ, qua khu Lâm Sản, qua Cửa Hàng Ăn và đến quán nước bà Tẻo, chẳng thấy bóng dáng anh họ tôi đâu. Hồi nãy có tí tình yêu vào thì quên sạch mọi thứ, bây giờ trở lại hiện tại tôi sợ run mình, may là trời tối quá anh không nhìn thấy. Anh nắm tay tôi đòi đưa về nhà, đến gần Ủy Ban Thị Trấn, tôi dừng lại chia tay, tôi muốn tự mình về nhà, để lỡ có bị đòn thì anh cũng không biết, khỏi mắc cỡ. Chúng tôi chia tay nhau trong nụ hôn vội vàng, vụng trộm, anh bảo qua Tết anh sẽ trở lại tìm tôi.
Tôi đợi anh đi một lúc thật lâu, ánh đèn pin lập loè mãi phía xa cho đến khi khuất hẳn, tôi mới quay trở về. Tới ngõ, con chó Mao đánh hơi thấy chủ chạy xộc xuống quẫy đuôi mừng rên ư ử, tôi ôm chặt lấy nó vuốt ve ra hiệu bắt nó im lặng, hiểu ý tôi, con Mao đứng im, dúi cái mũi ướt nhẹp vào tay tôi tỏ vẻ đồng tình. Trong nhà, mọi người vẫn đang còn thức, cửa chính mở toang, lố nhố vài cái đầu ở trong đó. Tôi nép mình vào bên hiên nhà bếp, đằng sau mấy phuy chứa nước, nghe ngóng tình hình. Rồi tôi nghe tiếng chị Lan gọi: "Hân ơi, Hân." Tôi vẫn im lặng. "Cái con này nó đi đâu mà nẫy giờ không thấy mặt nó nhỉ?" Anh họ tôi còn ngồi dưới bếp bênh vực: "Tau vừa thấy nó đây mà, chắc nó đi ngủ rồi." Tôi thở phào nhẹ nhõm, len lén chui vào bếp. Anh nhìn thấy tôi, dứ dứ ngón tay vào mặt, nói nho nhỏ:
- Mi đó nghe, tau bảo mi đúng 9 giờ mà tau chờ mãi không thấy.
Tôi đưa ngón tay lên miệng
- Suỵt suỵt...đừng la lớn, Bố em có biết không?
Anh tôi lắc đầu, thế là tôi thoát nạn.
Tối hôm đấy, tôi ngủ trong phòng của mẹ, ngủ một mình đúng trên cái giường mà Mẹ vẫn ngủ trước khi đi vào Nam. Cả nhà không ai dám nằm, ai cũng bảo giường ấy có ma. Tôi không tin lắm nên từ hôm mẹ mất tôi vẫn một mình nằm ngủ mà không hề sợ, chẳng thấy Mẹ về đuổi hồi nào. Tối đó, giấc ngủ đến với tôi khá nhẹ nhàng, êm dịu, tôi nhắm mắt nhưng vẫn cảm như nụ hôn của anh còn phảng phất ở bờ môi
... Mấy cây đào nhà tôi tới mùa quả chín ửng đỏ, tôi leo tuốt lên trên, vắt vẻo ngồi gọt ăn. Từ trên cao tôi thấy mẹ tận đầu ngõ, Mẹ mặc áo len mầu xám, xách cái làn đi chợ giống như mọi ngày. Tôi hét lớn và tụt ngay xuống đất:
- A..! Mẹ. Mẹ về rồi.
Tôi nhào vào ôm lấy Mẹ, nhấc bổng lên, hỏi:
- Mẹ ơi, sao con nghe bố bảo mẹ bị tai nạn chết rồi mà?
- Chết cái gì? Mẹ vẫn còn đây, Mẹ chết để cho bố mày ba bẩy hăm mốt ngày đi lấy vợ lẽ hả.
Mẹ đẩy tôi ra và bỏ đi về hướng cây đa gần bờ suối, tôi chạy theo cố níu lại nhưng mẹ tôi vẫn lướt đi như bay, từ từ biến mất trong làn khói mờ ảo. Tôi đứng ngay cạnh bờ suối gào thét lên: Mẹ...Mẹ ơi...
Một bàn tay ai lay nhẹ vai và gọi: "Hân, dậy, dậy", tôi choàng mở mắt, ngồi bật dậy, ngơ ngác, bên ngọn đèn dầu tù mù,Bố ngồi cạnh đặt tay lên vai tôi.
- Con mớ hả? Con hét kêu mẹ um xùm.
- Con thấy mẹ về, Mẹ bảo Mẹ không chết, Mẹ bảo nếu Mẹ chết thì ba bẩy hăm mốt ngày Bố sẽ lấy vợ lẽ - Tôi níu chặt tay Bố, thút thít khóc - Bố đừng lấy dì ghẻ Bố nhé, Bố ở vậy nuôi chúng con bố nhé.
Bố kéo tôi vào lòng mình, vỗ nhẹ đằng sau lưng tôi.
- Ừ, Bố sẽ ở vậy nuôi các con. Nằm xuống ngủ đi con
Tôi lại nằm xuống kéo chăn bông trùm kín đầu, có lẽ vì vẫn còn dở giấc nên giấc ngủ đến với tôi nhanh hơn, chỉ một tí là tôi lại thiếp đi, và Mẹ tôi lại về nữa. Lần này nghe tiếng lục đục ngoài phòng khách, tôi lần ra cửa ghé mắt nhìn ra, Mẹ tôi đang dọn dẹp bàn thờ, bưng cái tấm hình của chính bà xuống ngắm nghía. Tôi gọi giật giọng: "Mẹ", Mẹ tôi quay lại, tấm hình rớt xuống vỡ choang, mặt Mẹ đầy máu với cái đầu bể hở toác một đường dài. Tôi hét lên và bật mình ngồi dậy. Căn phòng tối mù, chỉ có mình tôi. Lúc này tôi đã bắt đầu hơi sợ, có phải Mẹ tôi linh thiêng đã trở về. Tôi định bỏ qua phòng khác, nhưng ngần ngừ rồi lại nằm xuống ngủ, bụng nghĩ thầm, Mẹ mình chứ mẹ ai.
Lần thứ ba trong cùng một đêm Mẹ tôi lại hiện về, lần này bà vào thẳng trong buồng, lục lạo gì đó trong cái tủ đựng quần áo mà mẹ tôi mướn thợ đóng bằng gỗ lát quý, Mẹ bước lại gần tôi, đứng ở đầu giường, bà chỉ thẳng tay vào mặt tôi và đuổi tôi đi: "Con đi ra chỗ khác ngủ đi, đây là giường của Mẹ và thằng Út." Tôi sợ quá ngồi bật dậy, ôm luôn cả chăn, gối ra phòng ngoài nằm ké giường chị Lan. Thấy động, chị Lan giật mình hỏi vu vơ: "Mày làm gì mà ôm mền ôm gối ra đây nửa đêm nửa hôm thế này?" Tôi vẫn còn sợ hãi, thì thầm: "Mẹ về, Mẹ đuổi em." Chị Lan nằm xịch vào cho tôi ké một bên, nói "Ai cũng bị rồi, đâu phải mình mày. Thôi, ngủ đi."
Tôi nằm đó nhưng không ngủ lại được, tôi vẫn cảm thấy như Mẹ ở đâu đây. Tôi hé mắt lên bàn thờ, hình Mẹ tôi vẫn còn ở trên đấy. Người ta bảo rằng khi chết, linh hồn chưa được siêu thoát, vẫn luẩn quẩn ở quanh nhà. Tôi tin là Mẹ tôi cũng đã tìm đường về với các con dù nơi mẹ gặp tai nạn cách đây cả vài trăm cây số. Tôi cũng tin là Mẹ tôi đã báo mộng cho tôi biết về Bố tôi, vì chỉ hai năm sau ông mang "xe bông" đi rước một người đàn bà xa lạ về làm má tụi tôi. Sau này, trong hồ sơ tai nạn của công an giao thông mà Bố tôi được xem, có viết Mẹ bị bể đầu, bị sặc bùn không cứu cấp kịp.
Ba năm sau khi lấy cốt của Mẹ, chị Phương tôi bảo nhìn thấy xương sọ nứt một đường khá rộng. Mẹ tôi chết trong đau đớn, Mẹ tôi chết khi chưa kịp về gặp các con.
***
Nỗi đau mất Mẹ chưa nguôi ngoai thì đúng ngày mồng một Tết năm đó, anh rể, chồng chị của Phương lại bất ngờ ra đi trong một vụ án trớ trêu, chỉ vì anh bênh vực cho người ta mà anh đã hứng trọn quả lựu đạn, chết tức tưởi trong tiếng gào thét não lòng của vợ.
Tôi nghe rõ tiếng lựu đạn nổ, tôi lao nhanh theo sau chị Phương. Anh rể đã được mấy người hàng xóm khiêng ra ngoài ngõ, bất tỉnh không nói được lời nào, máu từ trên đầu, trên mình tuôn ra như suối. Chị Phương lạc giọng kêu gào cứu chồng mình, tôi đứng đó cuống cuồng chẳng biết làm gì, gỡ cái tang mẹ trên đầu xuống để băng vết thương cho anh mà lọng cọng mãi không gỡ được.
Người ta đưa anh rể tôi xuống bệnh viện Nông Trường bằng chiếc xe vận tải, nhưng vô ích, không cứu được mạng của anh. Tôi nghe chị Phương kể, từ lúc đưa anh xuống bệnh viện đến lúc tắt thở anh không tỉnh lại và không trăn trối được điều gì. Khi tụi tôi xuống đến bệnh viện nông trường thì anh đã được đưa xuống nhà xác. Chị Phương gào thét lăn lộn bên xác chồng, tôi ngồi bệt xuống thềm nhà lẳng lặng nhìn vào đó, chẳng còn một giọt nước mắt, chẳng có thêm một tiếng nấc nghẹn ngào. Nỗi đau mất Mẹ, nỗi buồn mất người thân trong gia đình là anh rể khiến tôi trở nên vô hồn... Bầu trời hôm đó xám xịt, mưa xối xả giữa ngày đông giá lạnh, hình như trời cũng biết nhỏ nước mắt tiễn người đi xa. Ngay buổi chiều hôm ấy, người ta đưa anh đi an táng một cách vội vã, tôi cũng thất thểu theo sau đám tang, cũng vứt một nắm đất tiễn đưa anh vào lòng đất mẹ.
Còn có nỗi đau đớn nào hơn khi một lúc mà phải mất tới hai người thương yêu nhất, mẹ và chồng, chị Phương tôi như điên loạn, tụi tôi phải giữ chị cả ngày lẫn đêm, xểnh ra một cái là chị lại chạy đi tự tử. Có đêm tôi tỉnh giấc, mò không thấy chị đâu, tôi hét toáng lên, cả nhà tôi lại nháo nhào đi tìm kiếm, nửa đêm đạp xe lên tận bãi tha ma cách nhà mình đến 4 cây số, thấy chị nằm phục bên mộ chồng, nhìn cảnh tượng ấy sao mà thê thảm. Phải mất vài năm trời chị tôi mới lấy lại được niềm tin để mà sống nuôi con. Chị tôi, một đời cực khổ!
Sau tết, Bố tôi cho họp đại gia đình bàn tính chuyện tương lai. Bố tôi lâu nay vẫn sống như người độc thân, chuyện gia đình con cái chỉ mình mẹ tôi đảm nhiệm, từ cái ăn, cái mặc, đến chuyện sách vở học hành, từ ốm đau bệnh tật đến những việc to tát như cưới hỏi, dựng nhà một mình mẹ tôi lo tất. Bố tôi chẳng tham gia và cũng chẳng có ý kiến gì, thậm chí đám cưới của hai chị tôi ông cũng không thèm về dự. Giờ đây, Mẹ đột ngột ra đi, khiến ông chới với, không biết phải giải quyết ra sao. Nhà còn lại ba đứa nhỏ nhất là tôi, em Hạnh và thằng Út. Út lúc đó mới chỉ 12 tuổi, Hạnh 15 còn tôi 18. Qua một hồi bàn tính, Bố tôi quyết định để thằng Út học tiếp dưới chị Vân, Hạnh ở lại nhà, có anh Bắc lo lắng, và thêm nhiệm vụ chăm sóc chị Phương đang mang bầu. Còn tôi, Bố tôi sẽ mang tôi đi miền Nam và gửi tôi lại phụ bán cà phê cho bà dì ngay tại Sài Gòn. Tôi không phản đối, chỉ chết lặng trong lòng, trốn ra sau hè ngồi khóc một mình. Thôi, thế là hết, tôi đã mất người mẹ thân yêu, vài ngày nữa là tôi lại phải xa gia đình, xa anh chị em, xa bạn bè, xa nơi chôn nhau cắt rốn, và nhất là xa luôn cả anh Sơn...mối tình đầu đời tôi vừa ấp ủ, mộng mơ.
Những ngày đó, tôi sống trong phập phồng, lo lắng, hồi hộp, tôi mong ngóng anh sớm về gặp tôi. Thật sự tôi sợ Bố mang tôi đi mà chưa kịp chia tay anh, tôi sẽ buồn chết mất. Chiều nào tôi cũng kiếm cớ lảng vảng ngoài bến xe, hy vọng sẽ gặp được anh trong một chuyến xe nào đó. Tôi thất vọng khi sắp đến ngày đi rồi mà chẳng thấy bóng dáng anh đâu, tôi mong anh từng giờ, đợi anh từng phút, may mắn thay anh đã kịp đến gặp tôi chỉ trước chuyến đi có đúng 2 ngày. Bên anh tôi chỉ biết khóc, những giọt nước mắt thắm ướt bờ vai anh. Người ta bảo "yêu là chết ở trong lòng một ít", tôi tan nát cả cõi lòng khi phải xa anh. Hôn tôi trong nước mắt, anh bảo rằng "Em phải can đảm lên, phải vượt qua mọi khó khăn gian khổ, anh vẫn yêu em và luôn nhớ đến em. Viết thư cho anh khi vào tới nơi em nhé."
***
Tôi đến Sài Gòn vào một buổi chiều đầu tháng ba năm 1986, trời vẫn còn nắng như thiêu như đốt, ngỡ ngàng nhìn phố phường lộng lẫy nguy nga, đường phố rộng rãi, sạch đẹp, khác hẳn Hà Nội, tôi trầm trồ nhìn Nhà Hát Thành Phố, nhìn khách sạn Caraven. Người Sài Gòn cũng khác hẳn người ngoài Bắc, họ lịch sự, nhã nhặn chứ không có cái kiểu nhìn sấc sược như dân ngoài kia, họ gọi tôi bằng "cưng" ngọt sớt và luôn miệng cảm ơn khi mình làm giúp người ta một điều gì đấy, chẳng giống dân chỗ tôi cứ giương cặp mắt lên như chưa hề biết cảm ơn bao giờ.
Tôi sống ở nhà dì gần cả năm, công việc của tôi là đập đá, rửa ly, pha chế cà phê, nấu cơm, giặt đồ, và làm thêm những việc lặt vặt khác. Phụ trong quán có còn thêm một cô gái trẻ nhỏ hơn tôi nhà ở Biên Hoà, Tuyết lúc nào cũng nhí nhảnh, dễ thương, Tuyết có nước da đen giòn, có cặp môi trề quyễn rũ. Một tháng Tuyết lại xin về thăm nhà một lần, trong cái quần jean may bằng vải nhung mầu huyết dụ, cái áo thung cá sấu mầu hường, Tuyết thật dễ thương, khác hẳn hằng ngày chỉ độc cái quần sọc và áo thung ba lỗ, trông nó lam lũ như kẻ quê mùa. Tôi còn nhớ mãi nó vẫn rờ tay trên cái quần sa teng tôi hay mặc, chọc ghẹo: "Trời ơi sa teng...giờ này mà bà còn bận quần sa teng, xưa thấy mồ bà ơi."
Mỗi lần Tuyết về thăm nhà, trước khi ra khỏi cửa, nó phải chìa giỏ ra cho mấy đứa em con dì tôi xét xem có ăn cắp thứ gì dấu trong đó không. Tôi ngồi lặng yên nhìn cái cảnh ấy, liên tưởng đến ngày mình về quê chắc cũng phải chìa giỏ xách ra cho chúng nó thăm dò.
Cả ngày làm việc bận rộn, tối đến có khi phải thức trông hàng tới 1 hoặc 2 giờ sáng mới được đi ngủ, nằm trên nền gạch bông mát lạnh, tôi trằn trọc, khao khát nhớ mong, tôi ước gì mình được ở gần anh, để được cùng anh chia xẻ những đắng cay, nhọc nhằn trong cuộc sống. Sài Gòn quá xa xăm chúng tôi chỉ đến được với nhau bằng những cánh thư chất chứa cả một trời thương nhớ. Ngày tháng chậm chạp qua đi tôi dấu nỗi buồn theo những dòng nước mắt, hằng đêm tôi nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ gia đình, nhớ bạn bè nhớ quê nhà quay quắt...
Gần một năm phụ bán cà phê cho dì tôi bị nước đá ăn làm hư hết cả mười đầu móng tay, những cái móng xù xì do nấm gây đau nhức và thậm chí còn làm độc. Thấy vậy, Bố tôi quyết định xin phép dì đưa tôi về Bến Tre. Hôm chia tay, dì tôi cho 1 ngàn đồng tiền lộ phí, 1 ngàn đồng thời năm 86 chưa được một nửa phân vàng tôi vẫn còn nhớ một chỉ vàng được bán ra với giá 25 ngàn đồng. Trước khi ra khỏi cửa, tôi cũng phải chìa cái giỏ xách tay ra cho mấy đứa em xem xét, một nỗi hờn tủi cứ trực trào ra, nếu Mẹ tôi không mất, chắc chắn tôi sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh như thế này. Ra khỏi nhà, tôi kêu xích lô chở ra bến xe miền Tây với tiền công 120 đồng, về đến Bến Tre tôi chỉ còn lại vài trăm đồng trong túi. Tôi sống tạm ở nhà anh chị họ, và cuối năm đó Bố tôi xin cho một chân bán than củi ở bến đò. Đầu năm 1987, tôi được Bố xin phép cho nghỉ để theo ông về quê ăn Tết.
***
Chiếc xe bus dừng lại trả khách ngay bến xe thị trấn, tôi khoác hành lý của mình chạy như bay về nhà mà chẳng cần đợi Bố tôi, đến đầu cổng tôi hét toáng lên:
- Hạnh ơi, Thuỳ ơi, chị Phương ơi...có ai ở nhà không?
Thuỳ đang tưới rau ngoài vườn đằng trước cửa, em Hạnh, thằng Út đều lao ra ôm chầm lấy tôi:
- A... chị Hân về, chị Hân về rồi!
Út ngơ ngác hỏi:
- Bố đâu rồi chị, Bố có về không?
- Bố đang còn đi sau, chạy ra đó mà đón.
Thằng Út với em Hạnh chạy vụt đi, tôi với Thuỳ khênh giỏ hành lý đi vào nhà. Chị Phương ẵm đứa con gái nhỏ đứng trước thềm trông ngóng, con bé ốm quặt quẹo cái đầu to hơn cả thân người. Nhìn thấy tôi, chị tươi cười:
- Trông em thay đổi nhiều quá, lớn hẳn ra.
Tôi không trả lời đưa tay bồng con bé nựng:
- Ui da...cháu gái của dì sao mà nhẹ tưng thế này, chị không cho nó ăn hả?
Bố tôi và mấy đứa nhỏ cũng đã về đến nhà, chúng nó thi nhau mở hành lý tìm quà. Tôi đứng giữa sân nhìn xung quanh, chẳng có gì thay đổi, một nỗi vui mừng tràn ngập trong tôi, tôi đang ở nhà mình.
Ra Tết, lấy cớ lên thăm chị Lan, tôi ghé vào nhà anh Sơn không báo trước, tôi muốn tạo cho anh một sự bất ngờ. Đón tôi trong vòng tay rắn chắc, và nụ hôn dài chất ngất, anh thủ thỉ bên tai tôi: "Sao em không viết thư hay gửi điện tín báo tin cho anh trước, em có biết là anh nhớ em lắm không? " Tôi sướng rơn, tôi chỉ muốn nhẩy cà tưng hét toáng lên "Tôi là người hạnh phúc nhất", thế nhưng tôi lại đứng im, nhoẻ miệng cười. Một tuần lễ qua nhanh như chớp mắt, tôi lại phải ngậm ngùi chia tay anh về nhà dưới thị trấn Một Châu, Bố tôi đang chờ đưa tôi trở vào Nam.
...Một năm nữa lại qua đi dài như hàng thế kỷ, tôi mong ngóng, tôi đợi chờ, tôi khao khát được gặp lại anh. Hằng đêm tôi vẫn nằm trăn trở, phải tìm cách gì đó để hai đứa được gần nhau. Đầu năm sau vào dịp Tết 1988, tôi được Bố cho phép về thăm nhà một mình mà không có bố đi kèm. Ăn tết xong là tôi vọt ngay lên thị xã tìm anh. Lúc này bố mẹ anh đã mở quán phở ngay chợ ngã ba Quyết Thắng, còn anh thì đã xắm được chiếc Honda 67 chạy lấy le với đời, chúng tôi vi vu khắp thị xã với một niềm hạnh phúc tràn ngập. Tôi đã có một quyết định táo bạo, tôi dấu anh lên đoàn văn công tỉnh, nhờ anh Long người cùng huyện đang chơi nhạc ở đó, xin giùm cho tôi vào làm ca sĩ ở trong đoàn. Anh Long nhận lời, thu xếp cho tôi được gặp trưởng đoàn cùng một người vài người bên Sở Văn Hoá, họ bắt tôi phải hát ba bản nhạc để thử giọng, bắt tôi phải gõ nhịp vào bàn theo đúng nhịp mà họ đã gõ mẫu cho tôi nghe. Cuối cùng họ đã đồng ý, yêu cầu tôi về nhà chờ giấy gọi nhận việc gửi theo địa chỉ tôi ghi trên hồ sơ. Lúc đấy, tôi vui mừng không sao tả xiết, định bụng tối nay về tôi sẽ khoe với anh, tôi mỉm cười với cái viễn ảnh chúng tôi sẽ được ở mãi bên nhau.
Niềm vui vừa được e ấp thì tôi đã gặp phải hoàn cảnh nửa khóc nửa cười. Sau khi rời trụ sở chính của đoàn văn công tỉnh, tôi rẽ vào nhà ông anh họ, tính chào anh chị và các cháu để mai về dưới nhà. Anh chị tôi giữ lại ăn cơm chiều, mãi cho đến chập choạng tối, tôi từ giã anh chị ra về. Tôi đạp xe như bay trên đường mới mở rộng thênh thang, tâm hồn vui phơi phới...và rồi tôi thấy thấp thoáng ai như bóng anh, tôi đạp xe chậm lại, ngó sang bên đường, đúng là anh rồi, anh đang đứng dựa người vào chiếc xe honda, cười ngả ngớn với một cô gái khác. Tôi chết sững, loạng quạng tí nữa đổ cả xe, mắt như mờ đi, tai nghe lùng bùng như tiếng sét nổ. Hình như anh cũng nhìn thấy tôi, tắt hẳn nụ cười, cúi mặt xuống. Tôi không nói được lời nào, lẳng lặng đạp xe bỏ đi, tôi cố đạp thật nhanh và tắp ngay vào trong nhà của đứa bạn đứng thở hổn hển, tôi biết thể nào anh cũng sẽ đuổi theo tôi. Chỉ ít phút sau, tôi thấy xe anh vọt qua, tôi nghe lòng mình như tan nát. Vài bữa trước, chị Lan có nói với tôi rằng chị nghe người ta bảo anh đang ve vãn con nhỏ em chị Huê bạn cùng lớp với chị Mỹ Vân. Tôi không tin và cũng không muốn tin, nhưng hôm nay tôi đã bắt gặp tại trận, anh đã phản bội tôi thật rồi.
Đợi anh đi được một lúc, tôi mới dắt xe trở ra đạp về nhà. Anh đón tôi ngay cổng, dằng co dắt chiếc xe đạp lên trên nhà, tôi đi theo như một kẻ mất hồn, anh không phân trần và tôi cũng chẳng thèm hỏi, còn gì để mà hỏi nữa, tôi lặng im như một người câm, thẫn thờ ngồi bên bếp lửa nhìn những cục than hồng nổ lép bép. Buổi tối hôm ấy, tôi lại không ngủ được, trằn trọc băn khoăn..và rồi đã có một quyết định, tôi không đả động gì với anh về chuyện xin việc làm. Cái quyết định này đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Sáng hôm sau anh đưa tôi lên bến xe bus, anh thì thầm hẹn sẽ xuống thăm tôi trước khi tôi vào Nam. Tôi muốn nói với anh thật nhiều, nhưng cổ họng nhẹn cứng, anh đâu biết rằng lần chia tay này là lần cuối cùng, anh sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại tôi nữa.
***
Buổi sáng đầu xuân trên thị trấn miền núi bé nhỏ, tôi thất thần ngồi chống cằm bên thềm nhà nhìn ngó mông lung, hoa đào đã bắt đầu rụng rơi lả tả đầy ngõ, mấy con chim chích choè hót líu lo trên cành. Mặt trời đã lên cao, những tia nắng của buổi sớm mai chưa xua tan nổi màn sương mờ mờ ảo ảo. Tôi biết rằng mình sắp sửa đi xa, sắp sửa giã từ quê nhà, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu, bỏ lại cả nỗi oán hận, đau thương của mối tình đầu cay đắng. Lần này đi biết đến bao giờ mới quay về, Lần này đi là đi biền biệt. Gần hai mươi năm qua rồi tôi chưa hề gặp lại anh. Hai mươi năm, một quãng thời gian dài dằng dặc, hai mươi năm đã có biết bao vật đổi sao dời. Hai mươi năm, những cánh thơ yêu thương vẫn tới tấp gửi đến tôi, những cánh thơ chất đầy cả một trời thương nhớ...Vậy mà lòng mình vẫn lạnh tanh.
Tôi tự hỏi mình rằng nếu ngày xưa tôi không bỏ ra đi. Nếu ngày xưa chúng tôi nên duyên chồng vợ, kết quả có đổi thay được gì chăng? Tôi sẽ hạnh phúc? anh sẽ không bị ngồi tù? Hay là tôi lại phải cặm cụi góp nhặt từng đồng xu từng cắc bạc để hàng tháng đi thăm nuôi chồng trong kiếp tù đầy, gian khổ, trong mòn mỏi đợi chờ... Tất cả đã đổi thay, tôi và anh mỗi người có một con đường khác biệt, số phận đã đẩy đưa chúng tôi quá xa nhau. Đời tôi đã trải qua nhiều sóng gió, nhưng nay đã an phận, tôi hạnh phúc trong vòng tay của chồng mình. Còn anh...nghĩ đến anh, tôi thấy bờ môi mình đăng đắng
"Hân ơi, chúng mình không duyên phận nên không được ở bên nhau. Cho dù có thế nào anh cũng cầu mong em được hạnh phúc. Anh biết, anh vẫn tự nói với lòng mình anh có lỗi nhiều với em, anh không cầu xin em tha thứ, chỉ mong em hiểu rằng em là người con gái có ấn tượng đẹp nhất trong đời anh... Anh xin em dành chút thời gian viết thư an ủi bố mẹ giùm anh với, hai cụ đã già rồi mà anh thì còn kẹt ở nơi đây, không biết ngày nào mới được về..."
Tôi biết mình có tính cố chấp, nhưng tôi không thể nào tha thứ được kẻ đã phản bội mình. Quyết định bỏ ra đi tôi đã phải chịu nhiều đau đớn, nhiều dặn vặt, xót xa. Sau này tôi còn có thêm vài mối tình nữa, nhưng cũng chỉ như gió thoảng qua, ngay cả với cuộc tình với bố thằng nhỏ. Tôi chia tay ông cũng chẳng hề nuối tiếc bởi vì tôi chẳng còn được nếm được hương vị tình yêu...
Tình yêu là cái chi chi mà trên đời chưa ai có thể định nghĩa được nó. Với tôi tình yêu chỉ như một chiếc bóng chập chờn, mờ ảo, có những lúc mình tưởng chừng như đã nắm bắt được nó trong tay, nhưng tất cả chỉ là hư không. Tình yêu không mầu, không sắc, không hương, không vị, người ta không ngửi và cũng chẳng sờ được nó để xem hình dạng ra sao. Chỉ khi yêu nhau người ta mới cảm nhận được sự gần gũi, thân thương. Tình yêu như thật như mơ, khi được yêu người ta cảm thấy vui hơn, nhìn đâu cũng thấy một mầu hồng dìu dịu. Còn khi bị phản bội, bị từ chối họ thấy như sụp đổ cả bầu trời, thậm chí có người còn tìm đến cái chết chỉ vì không được yêu.
Đêm đã về khuya, mọi thứ đều tĩnh lặng. Tôi vẫn nằm im mắt thao láo nhìn lên trần nhà. Bao nhiêu kỷ niệm về quãng đời tuổi trẻ, về mối tình đầu êm dịu.