Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Một người - Một đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16923 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một người - Một đời
Lê Mỹ Hân

Chương 1

1.
Chiếc xe đang bon bon trên xa lộ bỗng nhiên giảm tốc độ rồi tấp vô đậu trước cửa một tiệm sửa chữa xe bên đường. Tôi đang lim dim mơ màng, giật mình choàng mở mắt, ngơ ngác. Anh Hùng tài xế vội vàng đẩy cửa xe bước ra, đi vòng lại phía sau ngó nghiêng, miệng chậc chậc. Tôi hạ cửa sổ xuống thò đầu ra hỏi:
- Xe sao vậy anh?
- Cái bố thắng bị kẹt cháy khét lẹt rồi Hân ơi.
- Chết cha! Rồi làm sao đây?
- Thì đợi một chút coi sao.
Ngó đồng hồ đã gần 10 giờ sáng, nếu thuận buồm xuôi gió sớm cũng mất hơn hai tiếng đồng hồ nữa mới có mặt ở nhà để kịp giờ cúng mẹ, vậy mà cái xe chết tiệt lại giở quẻ, tôi lo lắng vô cùng. Anh Hùng đứng chống nạnh nhăn mặt, lắc đầu:
- Thôi tạm thời mọi người vô trong quán uống nước nghỉ ngơi chờ một chút, máy nguội mình lại đi tiếp.
Vừa dứt lời anh chạy ù vào xin chủ tiệm xô nước mang ra chữa lửa. Tôi, chị Vân Giang, Dì tôi cùng con bé Trân lếch thếch xuống xe, vô quán chọn chiếc bàn kê gần ngoài cửa kêu nước uống. Cái nóng hầm hập táp vào mặt, vào da, vào thịt chúng tôi, mùi khét lẹt từ dầu hắc ín cùng cái bố thắng bị cháy sộc vào mũi thật khó chịu. Mặt trời lên khá cao, ánh nắng phản chiếu xuống mặt đường trông lấp loáng tựa như những vũng nước. Tôi ngồi xuống ghế mặt còn đờ đẫn vì mất ngủ, một nửa phía thân bên trái nhức mỏi rã rời. Hồi sáng thức dậy tôi ngỡ mình bị trúng gió nhưng không phải, chẳng vì cái tật tham lam hôm qua mang nhiều đồ quá, lại còn gồng thêm cái giỏ sách tay giùm cho Trâm khi nó mắc ẵm con, thằng nhỏ giở chứng khóc lóc không chịu đi bộ. Mọi công việc khuân vác hành lý của cả hai đứa, một tay tôi làm cả, về tới nhà lại không chịu nghỉ ngơi mà còn đấu láo đến tận khuya, bởi vậy sáng nay khi phải thức dậy sớm, thân thể tôi mệt rã rời, bước chân đi mà cứ ngỡ như mình đang "đi mây về gió". Dì tôi gỡ cái nón trên đầu xuống quạt phành phạch, miệng than thở:
- Mới có 10 giờ sáng mà nóng thế! - Dì hạ giọng nói nho nhỏ - Sao cháu lại mướn cái xe cà tàng này?
- Không phải xe của anh ta dì ạ, xe của ảnh ngon lắm nhưng tối hôm qua đi đón cháu để ngoài hẻm bị tụi chôm đồ bẻ mất cái kiếng hậu rồi, không có kiếng anh đâu dám lấy xe chạy, xui bị công an hỏi thăm rồi bấm lỗ bằng lái thì coi như tiêu.
- Thế à!
Anh Hùng dội xong xô nước, bước tới gần bàn kéo cái ghế ngồi xuống đối diện tôi, cằn nhằn:
- Sáng nay anh chạy ra ngoài Cầu Sắt sớm lắm mà tụi nó chưa mang hàng ra bán. Phải chi mua được kiếng gắn vào xe kia đi thì đâu có chuyện gì.
- Sao anh không thử ra ngoài khu Dân Sinh, may ra kiếm được đúng hàng của mình.
- Không. Ba cái đồ xe hơi em phải ra Cầu Sắt, bọn ăn hàng chúng nó có mối mang hết cả rồi. Anh đã để lại số điện thoại, nếu hàng tới thì tụi nó gọi cho anh liền.
- Vậy có mua được loại “din” của xe anh không?
- “Din” chớ!? Thì kiếng của xe mình nó ăn cắp mang ra ngoài đó bán lại cho mình chứ cho ai?
- Mắc không anh?
- Mắc! Mấy triệu bạc như chơi! Coi như tháng này đói.
- Có xe cũng cực quá hén, hư xe, mất đồ, đụng xe bồi thường này nọ, tốn bộn tiền à nha.
- Ừ, kiếm tiền bây giờ khó khăn lắm. Anh định đưa em với gia đình về dưới xong, chiều anh quay lại Sài Gòn lo cho cái xe rồi sáng mai anh xuống đón cả nhà có được không?
- Cực anh quá! Anh tính sao cũng được.
Anh cúi xuống móc gói thuốc lá trong túi ra, rút một điều, châm lửa rồi rít một hơi thật dài, anh ngửa cổ há miệng tròn o, một làn khói bay lên tan loãng vào không khí. Anh Hùng lớn hơn tôi vài tuổi, có thân hình cân đối, vạm vỡ, nước da bánh mật và gương mặt chữ điền khá bảnh choẹ, thêm vào nữa anh có giọng nói ấm trầm, ngọt ngào quyến rũ nên lắm "mèo" theo, chị vợ anh tối ngày theo mè nheo ghen bóng ghen gió. Anh Hùng quê ở Củ Chi, thời còn chiến tranh anh theo tiếng gọi của "Bác Hồ vĩ đại" ra nhập đoàn quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tôi nghe vợ anh kể lại, hồi trong quân ngũ anh là y sĩ, có một lần anh bảo tôi mang giấy xét nghiệm máu ra cho anh xem giùm nên tôi đoán anh cũng biết chút ít về y khoa. Dạo sau này vì bất mãn chế độ, anh bỏ bệnh viện ra ngoài làm tài xế lái xe cho người ngoại quốc. Hai năm trước ông chủ mãn nhiệm về nước, anh bỏ luôn nghề tài xế, xắn tay áo về Cần Giờ mướn đìa nuôi tôm. Tôm ơi là tôm! Tiền đâu chẳng thấy chỉ thấy 5000 đô la ông chủ tặng cộng thêm hơn trăm triệu đồng cầm căn nhà đã đi theo con TÔM về miền phiêu lãng.
Dì tôi ngồi ngủ gật, chị Vân Giang đang tư lự nhìn ra ngoài đường ngắm người qua lại. Tôi đưa ly cà phê đá lên miệng uống một hơi, cái lạnh của nước đá ngấm dần vào trong cơ thể làm tôi như tỉnh táo ra. Ngó đồng hồ, đã ba mươi phút qua rồi, lòng tôi nôn nao như lửa đốt, miệng lầm thầm khấn vái: "Mẹ! Sống khôn chết thiêng về phù hộ cho tụi con, cho xe cộ an toàn về kịp làm giỗ mẹ". Từ ngày bố tôi mang mẹ vào đây đã bốn năm qua tôi chưa lần nào về đúng dịp giỗ mẹ, và cũng bốn năm rồi không ăn tết ở Việt Nam. Bao năm lặng lẽ trôi qua, tôi không còn thiết tha gì đến cái Tết cổ truyền của dân tộc, làm hộc mật cũng chỉ đủ ăn nên mỗi lần nghe Tết đến là sợ gần chết.
- Máy nguội rồi, mình đi thôi cả nhà ơi.
Tiếng anh Hùng làm tôi giật mình cắt đứt luồng suy tưởng, vội quay sang kêu chị chủ quán tính tiền, và cùng mọi người ra xe tiếp tục hành trình về giỗ mẹ. Chiếc xe bon bon lướt trên đường phố không còn gặp trở ngại, xe qua cầu Bình Điền, bỏ lại sau lưng Bến Lức, Long An... rồi thành phố Mỹ Tho đã hiện lên trước mắt. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì từ đây về Bến Tre chỉ còn hơn chục cây số, coi như sắp về đến nhà. Anh Hùng cho xe quẹo sang con đường khác để tới bến phà Rạch Miễu. Xe chúng tôi đến nơi gặp đúng lúc phà chuẩn bị chạy, anh Hùng vội vàng mở cửa xe lao vào phòng vé mua cho kịp chuyến. Dì cháu tụi tôi lục đục xuống đi bộ vào trong bến phà, cửa đang mở sẵn, tụi tôi theo dòng người trước mặt từ từ đi qua cầu và leo lên tầng trên của con phà tìm ghế ngồi nghỉ.
Mặt trời đã đứng bóng, ánh nắng gắt gao hắt xuống dòng sông lấp lánh, xa xa là những rặng dừa xanh biếc, bên dưới nước sông tiền đỏ ngầu như máu, lẳng lặng trôi. Thấp thoáng trên sông vài cái đó máy chở người qua lại, mấy ông Tây bà Đầm giơ tay vẫy chào.
Mỗi lần có việc phải về quê, cứ bước lên cái bắc này là lòng tôi buồn rười rượi, cũng chẳng hiểu tại sao nữa (?). Bố tôi được biệt phái vào tỉnh Bến Tre công tác từ năm 1975 cho đến tận hôm nay. Thị xã Bến Tre nhỏ như lòng bàn tay, đi một vòng là hết. Vào năm 1987 tôi về Bến Tre sống với Bố được hai năm và rồi theo dòng đời trôi nổi, dạt tôi ngược trở lên Sài Gòn kiếm ăn.
Con phà từ từ rời bến, lướt sóng đưa tụi tôi qua sông. Cách bến phà một khúc, người ta đang xây dựng cây cầu nối liền Mỹ Tho và Bến Tre, đến lúc ấy về Bến Tre sẽ không còn cảnh chờ đợi chen chúc nhau lên phà như bây giờ. Cây cầu đó đã được dự tính từ lâu, sau khi Úc xây cho Việt Nam cây cầu Bắc Mỹ Thuận. Mấy anh kỹ sư Việt Nam tưởng ngon ăn nhào vào đòi thầu xây dựng, rồi chẳng biết tính toán làm sao, đo đạc thế nào mà cứ đóng cọc đổ móng được bữa trước thì bữa sau nước cuốn đi sạch, thế là phải ngừng thi công tìm kiếm địa điểm khác. Bây giờ thì đang xây dựng, nghe nói đến 2006 gì đó cầu sẽ hoàn thành.
Ngồi trên phà tụi tôi lôi chuyện cúm gà ra bàn luận, nhất định không đụng tới thịt gà, sợ bị lây cúm. Trước khi tôi về nước, báo chí hải ngoại viết đầy về cúm gà ở Việt Nam, tôi cũng sợ. Tối hôm qua chị Lan còn dặn đi dặn lại: " Xe qua Long An nhớ đừng quay cửa kiếng xe xuống nha, ở Long An cúm gà nhiều lắm, có con bé kia chỉ đi ngang qua trại gà mà bị lây cúm. Chết rồi đấy! Nhớ là đừng ăn thịt gà nghe em." Tôi tủm tỉm cười về câu nói của chị, bị lây cúm gà là phải trực tiếp làm thịt gà bệnh hoặc ăn thịt hoặc chăn nuôi thì mới lây chứ đi ngang qua thì làm sao lây được.
Gần đến bến bên kia, tụi tôi lại chen nhau xuống dưới xe ngồi để khỏi phải đi bộ giữa cái nắng như thiêu như đốt. Xe nổ máy từ từ đưa cả nhà lên trên đường quốc lộ, chạy thẳng một mạch qua cầu Ba Lai, bỏ lại hai bên đường những rặng dừa thẳng tắp. Xe chạy qua ngã ba Tân Thành, cái ngã ba mà bố tôi đặt tên là "Ngã ba sung sướng", chẳng vì nơi đây tập trung toàn những nhà hàng bia ôm, Karaoke ôm, cà phê ôm, đủ thứ đủ loại mọc lên như nấm. Khi xe tới ngã tư Phú Khương thì tôi mù tịt, không còn biết phương hướng nào mà lần. Thời tôi sống ở đây, đường xá nhỏ xíu, đất đỏ bụi mù. Nay đường xẻ ngang xẻ dọc, tôi nhìn không ra, đành bảo anh Hùng chạy thẳng vào thị xã. Từ thị xã tụi tôi phải qua thêm bắc Hàm Luông mới qua huyện Mỏ Cày và chạy thêm khoảng bảy tám cây số nữa mới về đến nhà, nơi đang làm giỗ mẹ.
                                          ***
Về đến nhà đã gần 1 giờ chiều, ai nấy đói muốn vàng con mắt. Tôi đi thẳng xuống nhà dưới ngang qua bếp, vào phòng vệ sinh định rửa mặt mũi chân tay cho sạch sẽ, nhưng nhìn lu nước đỏ quạch có váng ở bên trên, tôi lại bỏ ra ngoài nơi có bể nước mưa trong veo bên cạnh nhà bếp.
Rửa mặt mũi chân tay xong, tôi tỉnh hẳn người ra, bước lên thềm đi tắt qua bếp để lên nhà trên. Lúc này trong bếp lố nhố rất nhiều người mà hồi nãy tôi đi ngang tôi vô tình chẳng ngó ngàng gì đến. Người đầu tiên tôi nhìn thấy là bà Hai, chị cả của má nhỏ, tôi cất tiếng chào:
- Hai! Hai khoẻ không Hai?
- Cám ơn con, Hai khoẻ, mới dzìa tới hén con?
- Dạ.
Bà Hai nhìn tôi nở một nụ cười đôn hậu, hai bên khoé mắt những vết chân chim càng ngày càng một dầy thêm. Bà nay cũng đã gần tám chục tuổi nhưng trông còn khá khoẻ mạnh. Cả gia đình tôi thương quý là Hai nhất, bà từ tốn, dịu dàng, phân tích phải trái cho tụi tôi nghe. Bà và má nhỏ tôi cách xa nhau một trời một vực về nhân cách. Bà lúc nào cũng chân chất giản dị, tiêu biểu cho những bà má người miền Nam.
Kế đến là cô Tư, chị Sáu. Ai cũng cười nói rổn rảng. Tôi liếc vào phía bên trong, bắt gặp cái nhìn lén lút của nhỏ út Mỹ Ngọc, chạm ánh mắt tôi nó cụp vội xuống cất tiếng chào lí nhí:
- Dạ, thưa chị Hân mới về tới.
Tôi không trả lời, đứng ngắm nó từ đầu tới chân. Mỹ Ngọc cột túm mái tóc phía sau, mồ hôi chảy nhẽ nhại rơi lỏn tỏn xuống dưới cổ và ngực, mặt trông tròn quay, nhìn ngồ ngộ. Mỹ Ngọc mặc cái áo rộng thùng thình, bụng đã vượt mặt. Trời đất! Con nhỏ đang có bầu. Tôi nhìn nó không chớp mắt, lắc đầu buông tiếng thở dài, hỏi nó:
- Có chồng sướng không mày?
Nó mỉm cười bẽn lẽn, ngượng ngùng, lí nhí:
- Chị hỏi kỳ quá!
Tôi cũng bật cười vì câu hỏi của mình, đúng thật là vô duyên! Tôi lái qua câu khác:
- Chừng nào sanh?
- Dạ tháng tới chị.
- Trời! Sao lẹ dữ vậy.
Tôi bỏ đi lên nhà trên, đứng đây một hồi nổi điên lại rủa cho nó một trận thì mất vui. Mỹ Ngọc là gái út của gia đình năm nay mới có 18 tuổi. Nghe má nhỏ tôi bảo xin nó về nuôi từ lúc nó còn đỏ hon hỏn, hồi nó còn bé, nhỏ xíu đen thui lùi, hai cánh mũi phập phồng to như nắm tay giống hệt bố tôi, nên tụi tôi cứ tra vấn ông hoài: "Bố này, chắc là bố đạo diễn sắp đặt mang con Mỹ Ngọc con rơi của ông về cho bà nuôi chứ gì nữa. Tụi con thấy nó giống hệt bố, có khác điểm nào đâu. Thành thật khai báo, cách mạng khoan hồng! " Bố tôi cười hềnh hệch rồi chửi: "Tổ cha bây, chỉ được cái nói tầm phào là giỏi!"
Hai năm trước lúc về thăm bố, tôi thấy Ngọc cứ quấn quít bên anh học trò đang ở trọ căn phòng đằng sau nhà, tôi đã cằn nhằn với má coi chừng nó "Con gái tuổi 16 thấy trai mắt là sáng rực rỡ như hai cái đèn pha xe hơi, sao má lại cho mấy thằng con trai ở trọ." Má nhỏ tôi dãy nảy: "Hổng có đâu con, nó mà lộn xộn má wánh chết!" Tôi trề môi: "Má ở nhà má canh chừng nó suốt ngày được sao? Mai mốt cái bụng nó sình ra, đổ nợ... ở đó mà má đòi wánh!". Lời tôi dự đoán không sai, chỉ gần năm sau con nhỏ đong đỏng đòi bỏ học lấy chồng. Tôi đã phải tốn vài ngày vã nước bọt khuyên nhủ đủ điều, phân tích rành mạch cho nó hiểu: "Cưng còn nhỏ lắm, không muốn học chữ thì thôi học lấy cái nghề, tương lai còn dài sao lấy chồng chi sớm cho cực. Mà lấy ai không lấy, lấy thằng đó rồi cũng về vườn làm ruộng. Nghe lời chị đi, mai mốt chị kiếm Việt kiều gả để ra nước ngoài sống cho sướng tấm thân." Vậy mà nói ngọt nó cũng không nghe, đe nẹt cũng không được, bực mình tôi mặc kệ. Gần ngày tôi trở về Nhật, nó gọi điện thoại lên mời tôi về dự đám hỏi, tôi nạt cho một hơi: "Cưới với hỏi cái gì. Tao nói không nghe thì trừ cái mặt tao ra nghen." Nghe tôi quạu trên điện thoại nó hết hồn cúp máy. Khoảng vài phút sau má nhỏ tôi lại gọi lên phân trần: "Con à, thôi bây giờ mọi việc đã vậy rồi, bỏ qua cho em đi. Nói nó hoài nó không chịu nghe má biết phải làm sao? Hai gia đình đã đồng ý ngày giờ rồi, hồi lại coi kỳ lắm. Với lại má ra điều kiện hai năm mới được cưới, để cho em học tiếp" Tôi bực mình gắt ầm ĩ: "Má nói vậy mà cũng nói được, con nhỏ đang học má đồng ý cho gia đình người ta làm đám hỏi, rồi lại ra điều kiện hai năm mới cho cưới để nó đi học tiếp, thiệt con không biết má nghĩ làm sao? Cũng tại má cả, con bé đang nhỏ xíu má lại rêu rao với hàng xóm, má nuôi rể thằng đó...Thôi chuyện của má, má tính sao đó má tính, con không tham dự vào nữa. Con không có về đâu. Thiệt tình nếu nó là em ruột con, con wính tan xác nó ra luôn! Ở đó mà cưới với xin.". Sau ngày tôi về Nhật được vài tháng, tôi nhận được tin Hạnh, em tôi báo Út Ngọc sắp làm đám cưới, hỏi tôi có về dự không, có cho nó cái gì không? Về thì nhất định tôi không về rồi, nhưng cứ suy nghĩ mãi nên gửi quà gì cho nó, dầu sao cũng là em út trong nhà. Hạnh đề nghị: "Thôi mua vàng cho nó chị ạ, cho tiền không đến tay nó đâu, cho vàng mai mốt cần tiền nó đổi ra cũng được " Tôi đồng ý.
***
Bước lên nhà trên, thấy bố tôi đang ngồi trên ghế, miệng phì phèo điếu thuốc, ông mặc áo sơ mi trắng dài tay và cứ để tay áo thả thòng lòng xuống dưới mà không chịu gài nút lại, trông thật tức con mắt, mặc cái quần tây mầu xanh đậm tưa hết cả lai, cũng không có ai may lại, ông ngồi co một chân lên trên mặt ghế, còn chân kia thì gác lên cái bàn ngay trước mặt. Nhìn thấy tôi, ông vội bỏ chân xuống ngồi ngay ngắn lại, tươi cười hỏi:
- Sao bay xuống trễ vậy con?
- Ôi giời, cái xe dở chứng bố ạ, ngồi chờ sốt cả ruột. Bố ăn gì chưa?
- Chưa, bố chờ các con về.
- Cúng xong thì bố cứ ăn trước đi, chờ tụi con làm gì cho bị đói.
Tôi đặt giỏ xách nãy giờ vẫn đeo trên vai xuống bàn, bước lại rút mấy que nhang đốt cho cháy rồi cắm lên bàn thờ mẹ. Bàn thờ khói nhang nghi ngút, trái cây, gà đồ cúng vẫn còn xếp đầy. Phía trong bát nhang là tấm hình của Mẹ, mẹ như đang nhìn tôi với cặp mắt dịu hiền, nửa như hờn nửa như trách. Tôi lầm thầm khấn mẹ và đứng lặng nhìn chằm chặp lên bàn thờ. Chị Vân Giang, Dì tôi, anh Hùng và con bé cháu lần lượt lại thắp nhang cho mẹ.
Bên ngoài, má nhỏ tôi đang lăng xăng dọn thêm bàn tiệc mới, bà hối chặt thêm gà, mang thêm xôi, rồi gọi với xuống bếp kêu chuẩn bị cái lẩu lươn cho kịp nóng. Xong xuôi, bà quay vào kêu tụi tôi ra nhập tiệc, chúng tôi chẳng cần khách sáo vì từ sáng tới giờ chưa ăn gì, đói muốn bạc mặt. Mọi người xúm xít vào bàn ăn, nhìn dĩa thịt gà luộc trên rắc lá chanh sắt mỏng thơm nức mũi, tôi thèm chẩy nước miếng, nhưng vẫn quyết tâm không ăn, sợ cúm gà. Thấy tôi không động đến thịt gà, má nhỏ tôi ngồi tuốt bên kia bàn nhưng cũng cố gắp một miếng rõ to bỏ trong chén tôi, làm tôi dẫy nãy:
- Con không ăn thịt gà đâu.
- Ăn đi con, gà có "nguồn gốc" mà, không có bịnh hoạn gì đâu mà sợ.
Tôi chống đũa nhìn dĩa thịt gà, rồi đưa mắt sang chị Vân Giang, cả hai cùng bật cười, và không ai bảo ai đồng thanh nói: "Gà có nguồn gốc mà, ăn đại đi." Tôi bốc miếng thịt gà chấm vào dĩa muối tiêu chanh đưa lên miệng ăn ngon lành, miếng thịt gà vừa ngọt, vừa dai ngấm dần vào vị giác làm tăng thêm sự thèm khát trong tôi, dễ cả năm rồi, tôi chưa được đụng vào miếng thịt gà vườn, thịt gà ở Nhật mền xèo, nhão nhẹt, tôi không thích.
- Em mà bị cúm gà, chồng em hưởng bảo hiểm tới 200,000 đô la lận. Dám
mình chết khối người mừng!
- Chỉ được cái nói bậy, nhổ nước miếng nói lại đi - chị Vân Giang lên tiếng.
Chị dâu tôi nhìn tôi cười nheo mắt, cất giọng:
- Thế Hân gặp em chưa?
- Em nào?
- Gái út đó!
- À...Em bà thì có!
- Em mày chứ em tao hồi nào. Má nói. Má bảo: con Mỹ Ngọc càng lớn càng giống hịt con Hân.
Tôi nhe răng ra cười. Chị dâu tiếp tục:
- Khôn thế! Giống chị Lan, chị Hạnh không giống cứ đòi phải giống hệt chị Hân cơ!
Ai cũng công nhận cái Mỹ Ngọc càng lớn càng xinh gái ra, chẳng biết nguồn gốc nó từ đâu, chồng tôi bảo trông nó giống lai Ấn Độ với cặp mắt to tròn đen lay láy, nước da nâu đỏ chứ không giống cái mầu da đen tai tái trông bẩn bẩn của dòng họ Lê nhà tôi. Hồi nhỏ, Ngọc học giỏi ra trò thế nhưng sau một trận tai nạn đụng xe, con bé bị chấn thương sọ não, tưởng mất mạng, nhưng may mắn sống sót được sau một ca phẫu thuật. Từ đó Ngọc học hành xa sút và có phần lơ ngơ, làm bà má nhỏ nổi điên lôi ra đánh chửi tối ngày. Thật tội nghiệp! Tôi giận nó vậy chứ nghĩ cho cùng, em tôi đi lấy chồng cũng là một giải thoát cho nó, khỏi bị bà mẹ nuôi bầm dập.
Nồi lẩu lươn được mang lên, hương thơm bốc nghi ngút. Em gái tôi, Mỹ Hạnh đang ra sức quảng cáo: "Ngon lắm, chị ăn thử đi, em nấu đấy." Tôi nhìn ái ngại vì...tôi sợ lươn, sợ người ta móc chúng lên từ mấy nấm mồ người chết, hoặc dưới cống của một bệnh viện nào đó mà tôi đã đọc trên báo cả chục năm về trước. Tôi chẳng kiêng cử gì cả, thứ nào tôi cũng ăn được kể cả ba ba, thuồng luồng, rắn, rết...nhưng nghe đến lươn, cá trê là...ớn lạnh xương sống, không dám đụng đũa bao giờ. Những món khác đã làm tôi no căng bụng, nên tôi kiếm cớ lắc đầu từ chối.
Ánh nắng đã xiên về hướng Tây, trời vẫn còn oi nồng, ai nấy mồ hôi nhễ nhại mặc dù quạt được chạy hết công xuất. Bố tôi cởi trần vứt cái áo sang bên cạnh, lấy khăn lau mồ hôi, tăm xỉa răng vẫn còn cắm ở trên môi, ông đưa tay với bình thuỷ châm nước vào ấm trà, bố tôi nghiền trà nên lúc nào cũng phải có bình trà kè kè bên cạnh, cái mỏ nhọn hoắt chu ra định nói điều gì nhưng rồi ông lại giữ im lặng. Bà Dì tôi xít xoa khen món thịt nguội ở đây làm ngon và hỏi chị dâu tôi mua chỗ nào, mai mốt có đám giỗ hay đám tiệc bà sẽ nhờ chị mua giùm gửi lên Sài Gòn cho bà. Tôi uống nốt ly nước dừa ngọt lịm rồi cất tiếng:
- Bây giờ mình qua vườn thắp nhang cho mộ mẹ, đi cho sớm đặng anh Hùng còn trở về Sài Gòn nữa chứ.
Tôi quay sang nói với má nhỏ:
- Má cho con mượn cái nón với đôi dép thấp, đi giầy cáo gót vô trỏng té dập mặt.
- Ừa, để má kiếm.
Và rồi má nhỏ tôi đi vào nhà trong mọi người đều đứng lên, người lo cầm nhang, người lo cầm bông, người thì xách đồ cúng, thằng cu Tin, cu Minh líu díu đòi đi theo. Má nhỏ tôi trở lại với cái nón lá cũ mèm và đôi dép mủ, đưa cho tôi nói
- Má mượn tạm của bác Hai bây.
***
Đoàn người rồng rắn kéo nhau đi ra cổng, quẹo tay phải đi thẳng lên một đoạn rồi rẽ vào con đường mòn nhỏ, bên cạnh một ngôi nhà khang trang vừa mới xây, có vườn cam xanh ngát quả nặng trĩu cành chìa cả ra hàng rào. Đám người nối đuôi nhau theo con đường mòn đó, quẹo trái, quẹo phải, qua thêm một cái cầu khỉ, mới đến một khu đất rộng mênh mông với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng mát. Ba ngôi mộ quét vôi trắng toát hiện lên trước mặt. Xung quanh những đường mương nước rút cạn trơ cả đáy. Gió thổi nhẹ, mấy bụi chuối già cỗi thì thầm, xào xạc. Cả nhóm tiến đến gần, ngôi mộ của Mẹ nằm bên tay trái. Mỹ Hạnh lôi trong bọc ra con gà, trái cây, hàng mã như giầy dép, nhà lầu, xe hơi...và cả thêm chiếc xe gắn máy bằng giấy xanh giấy đỏ cắt dán khá công phu. Tôi cắm bông Huệ vào bình để bên cạnh, gọi với vào trong nhà kêu chị Hai Nỏ mang ra giùm tôi ba ly nước lạnh để cúng người chết. Quả cầu lửa lơ lửng giữa bầu trời hắt những tia nắng chói chang chiếu xuống ba ngôi mộ. Dì tôi khóc lóc thảm thiết: "Chị ơi, sống khôn, chết thiêng..về phù hộ độ trì cho em, cho các con các cháu..hức hức...có phước mà không được hưởng lại đi tận đẩu tận đâu... giờ về nằm côi cút ở xó này một mình...hức...hức...mà biết người ta có chịu cho chị ở đây không hay người ta lại đánh đuổi đi chỗ khác, rồi lại cù bơ cù bất...Ối chị ơi là chị ơi!" Dì tôi mếu máo,nước mắt lưng tròng, cúi xuống cắm nén nhang vào cái bát đặt trên đầu mộ. Tụi tôi im lặng, ngậm ngùi. Thằng Cu Tin đứng bên cạnh đó, sán vào gần bà, giật áo, hỏi:
- Bà ơi bà “hóc” à? Bà “hóc” thật à?
Tôi trợn mắt quát lên:
- Tin, đứng vào bụi chuối kia cho mát, tí nữa về bệnh bây giờ.
Thằng bé sợ, líu ríu bước về phía bụi chuối. Sau khi cắm nhang vào bát, Bố tôi đứng bên cạnh hút thuốc, mắt đờ đẫn nhìn ngôi mộ, vô hồn, có lẽ ông đang hồi tưởng về người vợ đã một thời cùng ông chia bùi xẻ ngọt... Tôi ngồi xuống bên cạnh ngôi mộ, đưa tay rờ rẫm lên từng con chữ khắc tên mẹ mình nổi lên mặt đá, lòng trùng xuống, sống mũi cay xè. Hương thơm khói nhang từ mấy ngôi mộ toả ra mùi trầm dìu dịu, làm cho không khí xung quanh thêm phần u uẩn. Dì tôi lúi cúi nhổ mấy nhánh cỏ dại mọc gần mấy ngôi mộ. Má nhỏ đốt thêm mấy cây nhang cắm vào bát rồi cất tiếng:
- Bà nằm đây là yên thân bà rồi, còn tui ở lại mới là người chịu nhiều cực khổ, tui phải thay bà chăm lo cho bảy đưa con thành người... Bà coi vậy mà sướng hơn tui đó Bà ơi!
Tôi cười khẩy, từ ngày mẹ mất, bảy chị em tôi như bầy gà con lạc đàn, ngơ ngáo, tự lao đi kiếm ăn. Bà nuôi tụi tôi được ngày nào mà dám bố láo trước mặt người chết, không sợ mẹ tôi về vặn họng hay sao? Chị dâu đứng bên cạnh ghé tai tôi thì thầm: "Má Hân tốt dễ sợ chưa kìa (!) ". Tôi quay lại: "Má bà chứ má ai!"
- Bà con ơi, vô nhà ngồi cho mát, đứng đây một hồi nắng thiêu rụi bây giờ.
Tôi dẫn đầu đoàn người vô trong nhà, Bố tôi lại xúc bình trà, châm nước mời mọi người uống. Trong nhà chỉ có bốn cái ghế, mọi người tản ra hè kê dép ngồi hóng chuyện. Dì tôi kể rằng hồi Bố tôi đi hỏi cưới Mẹ, dì tôi ghét cay ghét đắng ông anh rể tương lai, Dì bảo, người gì đâu đen thùi, xấu hoắc trong khi mẹ tôi xinh gái nhất nhì làng, được chưng hình mẫu ở tiệm ảnh ngoài thị xã Thanh Hoá. Ngày đưa dâu, hai cô em gái lẽo đẽo theo sau phun nước miếng phù phù ra điều không chịu nhận làm anh rể. Vì làng mẹ tôi cách làng bố tôi chỉ có một cánh đồng, vào đêm tân hôn và những đêm kế tiếp, hai cô em gái thay nhau phiên ở lại chen vào giữa anh chị ngủ, mẹ tôi phải dụ dỗ mãi các Dì mới chịu về nhà. Bố tôi cười khà khà thêm vào:
- Dì bay hồi nhỏ là vô duyên nhất trên đời.
Dì kể tiếp, bà ngoại lúc xưa to họng nhất làng, ở làng có chuyện gì hoả tốc như cháy nhà, có người ốm đau bệnh tật, ma chay...gì gì cũng đều cử bà leo lên cây đầu làng bắt loa tay thông báo cho mọi người biết. Tôi cười hỉ hả..”Ừ, chắc mình được thừa hưởng cái gien ăn to nói lớn từ bà ngoại!”
Bà Ngoại tôi mất năm 1979, lúc đó tôi còn bé xíu, chẳng còn nhớ gì về bà, ngoại trừ một lần khi đứng ngó rình xem mẹ đẻ em bé (con Mỹ Hạnh bây giờ), bị bà nạt đuổi đi chỗ khác chơi. Với tôi hình ảnh bà chỉ còn mang máng theo trí nhớ non nớt hồi đó. Theo lời mẹ tôi kể chuyện lúc còn sống, nhà bà ngoại thuộc diện "bần cố nông ba đời ăn củ chuối ", ông Ngoại mất lúc 29 tuổi để lại cho bà năm đứa con thơ dại, thế nhưng bà vẫn cố gắng chạy ăn và gửi được bác trai tôi ra Hà Nội học trường Tây. Vào những năm còn nhỏ, khi gia đình quá túng nghèo, Mẹ và Dì tôi bị bà ngoại bán đi làm con ở, nhưng may mắn trong dòng tộc bên ông ngoại có ông bác (tụi tôi phải gọi là ông cố) là "địa chủ" giầu có, nghe tin xuống tận nơi chuộc Mẹ và Dì tôi mang về nhà nuôi. Nhà ông rộng lớn, ruộng lúa thẳng cánh cò bay, tá điền cả hơn chục mạng. Ông không có con nên cưng Mẹ tôi nhất nhà, được ông cho đeo hoa tai vòng xuyến bằng vàng hăm bốn, cho lên ngồi mâm trên ăn cơm gạo tám chung với ông. Vào những đêm đông quanh bếp lửa hồng, Mẹ tôi kể cho lũ con nghe về người ân nhân bạc phận, mẹ tôi bảo tiền ông nhiều vô số kể, lâu lâu phải đào lên mang đổ ra phơi đầy sân. Thời đó bác cả tôi đang học ở ngoài Hà Nội, thỉnh thoảng được nghỉ trở về nhà, ghé lên thăm em, Mẹ tôi bốc trộm tiền đang phơi từ sân bỏ trong túi áo may bằng lụa tơ tằm, mang ra hàng rào lén cho anh thì bị Dì tôi bắt gặp hét toáng lên: "Ố ông!", Mẹ nhanh nhẹn bịt ngay mồm dì lại sợ Dì tôi mách ông thì Mẹ sẽ bị đòn. Mẹ tôi tôi vừa kể vừa cười: " Dì bay hắn ngu là ngu!". Khi cách mạng chưa thành công, hằng đêm Việt Minh vẫn sai người lén lút đến vận động xin ông giúp đỡ tài chánh, ông lúc nào cũng sẵn lòng ủng hộ thóc gạo, có khi cho cả gánh tiền. Vậy mà ngày "cách mạng thành công", ông bị mang ra đấu tố, là thành phần địa chủ khát máu, bị đánh đập, chửi rủa, bị tịch biên tài sản và tống vô tù rồi chết trong đó, gia đình không được gặp mặt, cũng không được lấy xác. Còn Mẹ và Dì tôi bị tước đoạt hết vòng vàng và đuổi về nhà với bà Ngoại. Những ngày tháng sống trong nhung lụa ấy không bao giờ còn lập lại trong đời bà cho đến khi nhắm mắt.
Một thời gian sau, Mẹ bị bà Ngoại gả cho một anh trai cùng làng mà cả gia đình nhà anh này đều có dị tật. Mẹ tôi không chịu bỏ nhà ra tuốt Hà Nội trốn ở ngoài đó cả năm trời. Mẹ tôi kể lúc ra Hà Nội, Mẹ tá túc tại nhà ông anh họ là thi sĩ Lưu Trọng Lư, Mẹ kể vợ ông Lưu Trọng Lư (bà Minh) đẹp lắm, tôi không biết bà đẹp cỡ nào nhưng nghe lời mẹ tôi diễn tả, tôi cứ tưởng tượng bà đẹp giống như chị Vân là y tá ở cửa hàng ăn uống nơi mẹ tôi làm công việc bê tô, rửa chén. Bà Minh thuộc dòng dõi trâm anh với cái tên Công Tôn Nữ Thị Minh (tôi không nhớ rõ lắm), vì mê đắm những vần thơ của ông thầy dạy học, bà bỏ trốn nhà cùng ông theo Việt Minh ra Hà Nội sinh sống.
Hơn năm sau Mẹ trở về làng cũ và đồng ý gả cho Bố tôi rồi theo ông lên miền ngược (Mộc Châu, Sơn La) lập nghiệp.


Dì tôi im lặng mắt hướng về phía ngôi mộ bà chị. Bố tôi và anh Hùng đang nhỏ to nói chuyện về nông trại, đánh trúng tâm lý ông, ông hùng hồn chém tay diễn giải: "Làm kinh tế thì phải có đầu óc, cái đám nhà chú toàn là lũ siêng ăn nhác làm, nói gì chúng cũng bác ra, thật là tức chết! " Nói chuyện với anh Hùng, mắt ông sáng quắc, nét mặt rạng rỡ, khoe khoang: "Năm mẫu cam của chú mai này thu bộn tiền, tụi này không biết làm kinh tế ". Bố tôi rủ anh Hùng qua bên vườn ông chỉ cho anh xem. Khi anh Hùng và ông dợm bước chân đi, tôi dặn với theo:
- Còn trái đu đủ nào bố bẻ về đây cho con hén, cả cam nữa.
Bố tôi không quay đầu lại chỉ "ờ ờ " và hai người khuất dạng sau bóng mấy cây dừa bên hông nhà. Tôi thẫn thờ nhìn ra phía mấy ngôi mộ. Cây cóc to lớn đầu mương trơ cành khẳng khiu chẳng thấy còn một cái lá nào. Tôi thảng thốt:
- Má ơi, cây cóc kia chết rồi hả má?
- Ừa, nó chết hồi năm rồi con.
- Uổng quá hén, cây cóc này quả ngọt ghê mà chết mất.
- Mấy cây thù đủ cũng chết ráo rồi con à, nước mặn quá sống không được.
Ở Bến Tre, cứ đến mùa nắng khoảng tháng ba tháng tư là nước mặn đổ về, sông rạch khắp vùng đâu đâu cũng lờ lợ, mặn chát. Bởi vậy, nhà nào cũng phải thủ sẵn bể chứa nước ngọt để nấu ăn. Những ngày tôi còn sống ở đây cũng đã trải qua tình trạng này rồi nên biết, tắm xong người cứ nhơm nhớp ngứa ngáy khó chịu..
Tôi vẫn ngồi ở trước hiên nhà đần mặt nhìn cây cóc, đời người cũng vậy, mai mốt già cũng phải chết, không chết trước thì chết sau... Trời đã bớt nắng gắt, gió hiu hiu thổi, những tàu lá dừa đung đưa nhịp nhàng cùng với vài bụi chuối. Khói nhang vẫn nghi ngút toả lên từ mấy ngôi mô. Cảnh miền quê êm dịu đến lặng người!
Nhang đã gần tàn, tôi với tay lấy cái hộp quẹt để trên bàn trở ra mộ để hoá vàng cho mẹ, mọi người cũng lục tục kéo ra theo tôi. Đống giấy tiền vàng mã đốt cháy, hơi nóng toả ra hừng hực, gió thổi bay tá lả. Tôi quay qua hỏi em mình:
- Hạnh có ghi địa chỉ ngày sinh, ngày mất của mẹ không đấy?
- Có, em ghi đầy đủ hết, thằng cu Minh cũng hí hoáy viết theo, tự ngồi đánh vần rồi viết.
- Ờ, vậy thì được, không thôi xuống âm phủ, địa chỉ mà không ghi rõ ràng, cô hồn dành giật hết chẳng tới tay mẹ đâu.
Vừa nói tôi vừa châm lửa đốt cái nhà lầu, ti vi, xe hơi, xe honda, giấy tiền vàng bạc, đô la ghi tên " Ngân hàng địa phủ", miệng lẩm bẩm: "Cho Mẹ tha hồ đi đánh bài hén! Hồi còn sống nhà lầu, xe hơi chưa có...Bây giờ mất, các con sắm gửi cho đầy đủ. Cưỡi xe honda cẩn thận không có té nghe Mẹ..."
Hoá vàng xong, Bố tôi và anh Hùng cũng về tới, Bố tôi xách mấy trái đu đủ còn anh Hùng thì bê bị cam. Tất cả lại lục tục kéo nhau theo con đường mòn cũ ra lộ để về nhà.
Căn nhà đã vắng bớt khách khứa, tôi đi thẳng vào phía bên trong, trạm mặt Mỹ Ngọc, thấy tôi nó cất tiếng hỏi:
- Chừng nào chị dìa trển?
- Xí nữa qua bên chợ, sáng mai về Sài Gòn.
Tôi nháy mắt ra hiệu cho nó theo tôi vào trong phòng ngủ ngay bên cạnh, móc bóp lấy ra xấp tiền dúi vào tay nó nói:
- Giữ lấy mà xài.
Nó lí nhí nói lời cảm ơn. Tôi lại quay trở ra ngoài gặp bác Hai, cô Tư, chị Sáu...làm nhiệm vụ biếu cho mỗi người một ít tiền ăn trầu, uống cà phê và chào tạm biệt để qua nhà bên thị xã, không thôi hồi nữa đi khỏi sẽ bị chửi: "Đồ thứ Việt kiều đói" mà hồi xưa tôi đã từng nghe nhiều người nói như vậy.
                                         ***
Anh Hùng đã ra ngoài nổ máy xe mở máy lạnh chờ sẵn. Dì cháu tụi tôi lần lượt kéo nhau lên xe. Chiếc xe vượt khúc đường gập ghềnh đá cục, bỏ lại sau lưng bụi đỏ bay mịt mùng và hai bên đường rừng dừa xanh bát ngát.
Xe chạy đến bến bắc Hàm Luông, tụi tôi mua vé vào trong bến ngồi nghỉ đợi phà. Gió từ mặt sông thổi ngược vào mát rượi, xa xa thấp thoáng mấy con đò nhỏ lướt chầm chậm trên sông, nước vẫn một mầu đỏ quạch. Tôi bỗng nhớ đến ông nhạc sĩ già Nguyễn Văn Tý với gương mặt phúc hậu và mái tóc bạc phơ, nhớ bản nhạc ông viết tặng xứ Dừa và viết về con sông Hàm Luông này: "Nhớ con sông dài, Hàm Luông bến ta quen ghé. Lại nhớ tóc ai dài, còn mang dáng đứng Bến Tre". Chính bài hát này cũng một thời là bài "ruột" của tôi, bài hát đưa tên tuổi tôi nổi đình nổi đám khắp phố huyện.
- Ê...Hân! Phải Hân không mày?
Tiếng gọi làm tôi giật mình, ngó lên, nhận ra Trọng tôi tươi cười:
- Thì tao đây chứ ai!
- Khoẻ không mày?
- Khoẻ.
- Vợ con mày sao rồi?
- Cũng vậy, Nhi nó nhắc mày hoài.
- Chút có về nhà, mày kêu Nhi xuống tao chơi nghen, mai tao về trển rồi.
- Ờ.
Trọng là chồng của Nhi, bạn làm chung với tôi mười mấy năm về trước. Hồi tôi bỏ Sài Gòn theo bố về đây sinh sống, Bố đã xin cho tôi một chân trong Công ty Thương Nghiệp Thị Xã, nơi chú Tư Hương làm Giám Đốc. Ông này dính vào vụ buôn lậu quốc gia đường dây Trần Đàm, bị công an bắt nhốt điều tra, thay vì "có công với cách mạng, nhà nước khoan hồng" dành cho ông cái án vài năm thôi, nhưng khi ra toà, toà cho nói lời sau cùng, ông cao hứng đọc thơ:
" Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhuỵ vàng,
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn "
Ý ta đây trong sạch, bị kết án sai trái, nghe ghét quá chủ toạ tặng cho luôn cái án chục năm, tha hồ ngồi đếm lịch.
Hồi đầu tiên đi làm, tôi được phân công về cửa hàng chất đốt, với nhiệm vụ bán than củi, tay chân mặt mũi lúc nào cũng lọ lem vì phải bốc than tối ngày. Qua thời gian sau tôi được đổi lên bán cửa hàng bánh kẹo chung với Nhi, nhưng vì cái tật ham ăn nên tháng nào tiền lương lãnh không đủ bù vào số bánh kẹo tôi dí dủm ăn trước, bị Bố tôi chửi: "Con gái con nứa miệng như cái bàn ủi". Ít lâu sau cửa hàng giải thể, tôi mở quán cà phê. Nhi nhận thầu cửa hàng tiếp tục nghề bán bánh kẹo, và lấy chồng. Quán cà phê của tôi bị đóng cửa, tôi lên Sài Gòn kiếm sống, thỉnh thoảng Nhi cũng ghé thăm tôi, xách theo con gà làm quà cho bạn.
Có một lần Nhi đến tìm tôi, khóc mếu máo: " Hân ơi, ông Trọng nhà tao có ghệ" Tôi sửng sốt: "Cái gì? Thằng Trọng nhà mày mà cũng có bồ hả? Mày có ghen ẩu không vậy? Thằng nghèo kiết xác, con nào chịu? " Nhi vẫn ấm ức: "Thiệt đó, tao bắt gặp tại chỗ". Tôi nhìn nó lăm lăm, Nhi nhỏ giọng thủ thỉ: "Phải làm sao bây giờ Hân? Tao khổ quá!". Tôi lạnh lùng buông một câu: "Ly dị". Nhi trợn mắt nhìn, tôi lên giọng hùng hồn "Nó có bồ, nó không thương mày nữa, bám theo nó làm gì. Hỏi ý kiến tao là tao nói ngay "ly dị" không lôi thôi gì hết."
Lâu rồi tôi không gặp Trọng, nay giáp mặt, tôi hỏi liền:
- Nghe con Nhi nói mày có ghệ ha Trọng?
- Có đâu! Con nhỏ sanh tật, ghen bóng ghen gió tối ngày, ai nó cũng ghen hết mày ơi! Mày coi tao lương bổng được bao nhiêu, có con nào theo mà bày đặt mèo mỡ.
Tôi nghe nó nói phì cười. Vừa khi ấy phà đến, tụi tôi chia tay nhau ở đây, Trọng là nhân viên bến phà này, phải đi làm nhiệm vụ.

<< Chương Kết |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 197

Return to top