Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Một người - Một đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17979 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một người - Một đời
Lê Mỹ Hân

Chương 4

    Lên Sài Gòn, tôi được Dì trả tiền công phụ việc một tháng 40 ngàn đồng bao cơm nước. Một bữa tôi xin phép Dì lại đường Đề Thám quận nhất tìm má Duyên. Lúc còn ở dưới quê tôi nghe chị Bông Giấy nói má Duyên ở con đường này mở quán cà phê bán. Không có địa chỉ rõ ràng tôi mò đến từng quán hỏi thăm, may mắn chỉ đến quán thứ hai tôi gặp ngay má. Nhìn thấy tôi má vui mừng xiết tôi thật chặt, nói:
- Má vui quá gặp được con ở đây. Thiệt tình ai đến tìm má cũng chỉ là đòi nợ, mắng nhiếc không tiếc lời, buồn thiệt là buồn. Cùng đường lắm mới phải bỏ xứ mà đi, chứ có ai muốn vậy đâu con.
Má kéo tôi vào trong quầy, ấn tôi ngồi vào chiếc ghế rồi tiếp tục tâm sự: "Chú Tư mày đưa má lên Sài Gòn, thiệt tình trong người má không còn một đồng cắc, chú Tư dúi vào tay má cái nhẫn hai chỉ làm vốn liếng, má biết chú cũng nghèo má ngại quá đi nhưng cũng phải cầm vì không còn cách lựa chọn. Sau khi kiếm chỗ trọ, má dò tìm ra chỗ này điều đình sang lại bán cà phê, hai chỉ vàng đâu có đủ con, má phải nhắn về cho mượn Tám đỡ năm chỉ làm vốn (Tám là em gái ruột má có lò đường ở Bến Tre). Nó cằn nhằn mãi mới chịu, kêu cậu Út con mang vàng lên trên này. Khai trương quán chưa đầy một tuần đã có người tìm đến đòi nợ, thiệt rầu hết sức." Má thở dài cầm ly cà phê đá uống dở quậy đều rồi đưa lên miệng uống một hơi. Dường như sực nhớ đến tôi còn ngồi không bên cạnh, má quay lại hỏi:
- Ủa, con uống gì má làm?
- Dạ, má cho con ly trà đá được rồi.
- À, Sáu Lem nó cũng gần đây, giờ nó bán đồ góp chung quanh khu vực này, nó có chồng mới rồi, chiều nào ông cũng lại đây uống cà phê, chờ chở nó về.
Tôi mừng rỡ hỏi:
- Chị bán khá không má?
- Cũng lai rai.
Tôi mừng thầm trong bụng, thế nào gặp chị Sáu chị cũng sẽ trả lại cho tôi 600.000 đồng tôi cho chị mượn trước khi chị trốn đi.
- Con có bận gì không? Ở đây chơi tới chiều thể nào cũng gặp nó.
Đúng như lời má Duyên nói, khoảng 4 giờ chiều, chị Sáu xách cái giỏ đồ nặng trĩu, khệ nệ đi lại, nhìn thấy tôi chị reo lên, và buông cái giỏ đồ nhào tới ôm chặt tôi hun chùn chụt lên má:
- Chèng ơi... Em tui, ba má khoẻ không cưng? Cưng mần ăn sao rồi? Lúc này buôn bán có đắt không?
- Em đóng cửa quán rồi chị ơi.
- Sao vậy? Quán xá khách khứa quá trời mà!
- Từ ngày mấy chị bỏ đi, quán xá vắng như cái chùa Bà Đanh vậy đó.
- Vậy cưng lên đây ở đâu?
- Em ở bên nhà bà Dì, đường Đông Du đó chị.
- Ừa, vậy cũng gần đây, lâu lâu ghé đây chơi nghen, để bữa nào chị lựa cắt mấy sấp vải cho cưng may đồ.
Lậy Chúa! Tôi chỉ cầu cho chị trả tôi 600.000 đồng là tôi mừng hết lớn, nhưng chị vẫn cứ làm thinh khi mấy lần tôi gợi ý tới, cả mấy sấp vải chị hứa rảnh cắt cho tôi may đồ cũng chỉ là những lời hứa xuông.
Chị ghé lại được một chút thì ông chồng của chị cũng tò tò đến theo. Chị giới thiệu với tôi đây là anh Long, chồng chị. Tôi nhìn ông Long, rồi nhìn sang chị ngạc nhiên, tôi tự hỏi mình sao kỳ vậy ta, không lẽ tôi nhớ lộn, gã công an phường Bến Thành bao bọc chị tôi đã gặp một lần khi chị nhờ tôi đưa thư cách đây mới hơn một năm, tại công an phường nằm trên đường Nguyễn Phi. Sao bây giờ khác dữ vậy, mà hình như gã công an đó đâu phải tên Long (?) Ông Long này là một người đàn ông trung niên, dáng vẻ sang trọng, ăn mặc lịch sự và khá điển trai, ông đi chiếc xe honda mầu đồng sáng loá cả mắt, ông mỉm cười nhấc ghế ngồi bên cạnh chị Sáu và tôi, cất giọng:
- Nghe chị Sáu nhắc tới cô hoài, hôm nay mới hân hạnh được gặp mặt.
Ông ta khách sáo đưa tay ra đòi bắt tay tôi. Giọng nói ông nằng nặng, tôi đoán ông người Huế.
Tôi cũng đưa bàn tay mình ra bắt tay ông, ông nhìn thẳng vào tôi nói:
- Cảm ơn cô đã lo lắng, giúp đỡ cho vợ tôi lúc trước đây bà gặp nạn.
Tôi nhíu mắt nhìn ông với vẻ tò mò, trong đầu suy nghĩ không biết ông này thuộc hạng người gì đây. Chị Sáu là vợ chính thức của ông hay chỉ giống "già nhân ngãi, non vợ chồng", bắt gặp cái nhìn soi mói của tôi, ông ngó đi chỗ khác, kêu má Duyên làm cho ông ly cà phê đá, và rồi cầm tờ báo lên đọc, không nói chuyện gì với tụi tôi.
Chị Sáu léc chéc cái miệng, mở hết công xuất, không để cho nó kịp mọc da non. Chị kể cho tôi nghe những ngày tháng qua chị sống như thế nào, từ hôm chia tay tôi trên bến phà Rạch Miễu. Tôi ghé sát tai chị, thì thầm hỏi: "Ông công an phường Bến Thành sao rồi hả chị?"
- Bỏ lâu gồi (rồi), cho chả ra rìa lâu gồi cưng ơi.
Tôi tế nhị hỏi chị nho nhỏ, vậy
mà chị cứ oang oang la lên cho mọi người cùng nghe, chẳng nể nang gì ông chồng đang ngồi bên cạnh. Mà hình như ông ta cũng không để ý đến chuyện đó, vẫn chăm chú đọc báo. Má Duyên bê ra nguyên một cái khay trên đựng vài ly nước, má đặt trước mặt ông Long một ly đá, hũ đường và một tách trên có để phin cà phê bốc mùi thơm lừng, má đặt trước mặt chị Sáu và tôi ly cam vắt đá nhiều hơn cam, rồi từ từ kéo ghế ngồi bên cạnh tôi hỏi chuyện:
- Bông Giấy khoẻ không con? Nó mần ăn sao rồi?
- Dạ, chị vẫn khoẻ, thì cũng lai rai đi góp tiền như trước.
- Ủa rồi má con bà Tư Nương sao rồi?
- Trốn luôn rồi má ơi, má con bả không trốn mới là lạ.
Nghe nhắc đến má con bà Tư Nương, tôi rầu thúi ruột, tôi cũng gôm tiền cho má con bà mượn một triệu bạc (khoảng hai chỉ vàng) tức là bằng số tiền lương hơn hai năm Dì tôi trả cho tôi. Nhưng rồi một ngày má con bà biến mất khỏi chợ, bỏ lại cái sạp trái cây ở đầu ngã tư trống lỏng còn tôi thì ngơ ngác đứng nhìn. Mấy tháng sau tôi nghe người ta đồn má con chị Tư đang buôn bán bên khu chợ Gạo ở Mỹ Tho, tôi lập tức nhờ bố mượn xe honda của cơ quan, chở con nhỏ Sáng, bán đường đậu gần nhà qua Mỹ Tho truy tìm thủ phạm. Tụi tôi chạy thẳng lên cầu Bắc đón chuyến phà sang sông, sau đó hỏi thăm người ta tìm tới tận khu chợ má con chị Tư bán hàng. Tôi thắng kịt chiếc xe honda trước mặt xề trái cam, chị Tư đang ngồi, đội cái nón xùm xụp ngước lên nhìn thấy tôi, tái mặt, lắp bắp nói:" Cưng mới qua tới hả...chị...chị..." tôi chưa nói gì mà nước mắt chị đã tuôn ra xối xả: "Khổ quá cưng ơi! Chị có muốn trốn đi đâu, nợ dí quá đành phải bỏ xứ. Thôi để từ từ chị kiếm tiền trả cưng sau." Nhìn chị, nhìn xề cam héo queo trước mặt, tôi chẳng biết nói gì hơn đành quay xe chở con Sáng về nhà, thất vọng não nề, bà bán xề cam như vậy đến khi nào mới gôm đủ một triệu bạc trả tôi, không về chẳng lẽ xiết cái xề cam đó của bả hay sao. Qua bờ bên kia sông, tôi cho xe tăng tốc độ mặc dù chạy chưa rành cho lắm, tôi không biết lúc ấy mình đang suy nghĩ gì, mà bỗng nhiên nghe tiếng con Sáng hét lớn bên tai: "Coi chừng chị!" tôi giật mình nhìn lên thì thấy lù lù trước mặt mình chiếc xe đò đang dừng lại trả khách, chỉ cách xe honda của tôi chừng một thước, tôi vội quẹo ngoặt tay lái sang bên trái, hú hồn, nhém tí nữa hai chị em tôi ra nghĩa địa nằm thẳng cẳng.
Nhắc đến má con chị Tư Nương làm tôi nhớ đến bà Liên ngay bên cạnh sạp chị Tư, tôi xoay qua nói chuyện với má Duyên:
- Má nhớ mẹ Liên không?
- Liên nào?
- Mẹ Liên Thọt kế bên chị Tư Nương đó.
- À...nhớ, rồi sao?
- Con gây với mẻ một bữa tanh bành luôn, mẹ ngang ngược dễ sợ, đã vậy cứ lôi cái thẻ thương binh hồi kháng chiến "chống Mỹ cứu nước " ra hù, mẹ hù ai, nhằm hù con, con cho một trận, con biểu: Bà thương binh mặc kệ cha bà chớ mắc mớ gì tới tui, thiếu tiền tui ăn nói cho đàng hoàng không thôi tui cắt nốt gân chưn bên kia cho bà lết, bà lết suốt đời bà luôn. Bà xuống nhà méc bố con, ông la con một chặp, ông biểu: Con gái con nứa, người ta phải nết na thuỳ mị, ai đời cứ ong ỏng cái miệng đi gây lộn khắp nơi. Mày coi coi còn ai ở chợ này mà mày chưa gây không con? Thứ mày, có chó nó ỉa đái vào con ạ.
Nghe tôi kể chuyện, cả hai bà cùng phá lên cười, má Duyên lên tiếng.
- Con nhỏ Bake này, nó dữ thiệt ta!
- Con dữ cũng đâu bằng một góc của chị Sáu.
Tôi nghiêng người, ngả vào lòng chị Sáu.
- Hén Sáu?
Chị Sáu xô tôi ra liếc xéo tôi một cái, miệng múm mím cười.
Thấy ngồi chơi khá lâu, tôi xin phép về bên nhà Dì để lo công chuyện nhà, chị Sáu hỏi:
- Cưng dìa bằng gì?
- Em đi xích lô.
- Vậy để anh Sáu chở cưng về bển.
Chị quay sang đập vào tay ông Long, lúc ấy vẫn đang chăm chú theo dõi tờ báo, bị bất ngờ, ông giật mình ngơ ngác hỏi:
- Cái gì vậy?
- Anh chở giùm con nhỏ này về bên...
Chị quay sang hỏi tôi:
- Về đâu cưng?
- Dạ về đường Đông Du, gần Nhà Hát Thành Phố.
Ông Long đứng dậy, ra ngoài dắt chiếc xe, quay đầu, nổ máy ngồi đợi. Tôi từ giã chị Sáu và má Duyên rồi đi ra leo lên xe ngồi đằng sau ông Long. Ông thả tôi ngay cửa nhà, tôi cảm ơn và ông quay đầu xe dọt đi.
Từ đấy thỉnh thoảng rảnh buổi trưa, tôi lại ghé quán cà phê má Duyên chơi, và cố ý chờ chị Sáu tới, tôi vẫn hy vọng chị Sáu sẽ trả lại số tiền chị mượn tôi trước nhưng chị làm thinh hoài. Rồi một bữa má Duyên thì thầm vào tai tôi bảo:
- Sáu Lem bỏ đi rồi con.
- Bà đi đâu vậy má?
- Ai biết, nghe nó nói đi mần ăn xa, ở đây không khá được. Cha Long ngày nào cũng ghé, ngồi ủ rũ ở góc kia kìa, trông thấy tội.
Tôi nhìn theo hướng má Duyên chỉ, thấy ông Long đang ngồi trong góc, tựa hẳn người vào chiếc ghế mây đặt sát tường, miệng rít thuốc liên tục, bên cạnh là ly cà phê đã tan hết đá, nước tràn cả ra bàn mà hình như ông không thèm ngó tới. Tôi cũng chẳng biết nói gì để nâng đỡ tinh thần ông, vì tôi mới chỉ gặp ông có một lần.
***
Ở Sài Gòn, tôi không có nhiều bạn, ngoài má Duyên, tôi chỉ có nhỏ Ly, chị Bé, chị Liên Già, anh Tý là người quen. Tất cả những người này cùng sống chung trong một gia đình ở kế bên chùa Ấn Độ, nhìn xéo sang bên cửa nhà Dì tôi một chút. Buổi tối rảnh, tôi hay mò sang bên đó tán chuyện, nhỏ Ly và chị Bé đều là bà con được đưa từ Huế vô lo chuyện nhà cửa, Ly kiêm nhiệm vụ chăm sóc thằng bé Duy con chị Liên vợ anh Cường. Trong nhà có hai người tên Liên, một người tụi tôi gọi Liên Già, chị này người Huế, người nhỏ nhắn và có gương mặt phúc hậu, chị ngoài bốn mươi nhưng vẫn sống độc thân, hút thuốc như đàn ông, chị buôn bán đồ cổ ngay đường Đồng Khởi (Tự Do). Chị Liên vợ anh Cường cao ráo, trắng trẻo đẹp gái hơn nhiều, chị làm nhân viên tiếp tân ở khách sạn Bông Sen, tụi tôi gọi chị là Liên Cao, chị cũng chính là con gái của ông nghệ sĩ cải lương Thành Được. Anh Cường thì tôi chưa thấy mặt bao giờ vì anh vẫn đang còn ở tù, Ly bỏ nhỏ tôi nghe rằng anh Cường bị bắt với tội danh "phản quốc", chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, không biết đến bao giờ mới được tha về.
Căn nhà nhỏ có cái sân thượng nhìn ra sau chùa. Chùa Ấn Độ này lúc nào cũng sạch sẽ, tôi cứ tưởng tượng như có thể soi được cả gương mặt mình xuống nền gạch bóng láng đó. Chùa thường ngày đóng cửa im ỉm, mấy ông thầy chùa mặc toàn đồ trắng, đầu cũng đội khăn trắng y như mấy ông Ấn Độ mà tôi được xem trong phim ảnh. Thỉnh thoảng, cổng chùa mở toang cả ngày, người người kéo tới tấp nập, đến giờ đọc kinh, họ tập trung cả lên điện thờ, cúi rạp người, chổng mông lên trời. Đứng bên sân thượng nhà nhỏ Ly, tôi bật cười nghĩ thầm trong bụng, đạo gì kỳ cục, bàn thờ cái gì không thờ, thờ mỗi cái đầu bò mà sao thấy ai cũng quỳ mọp, chổng mông lên mà lậy. Nhưng tôi thích mấy ngày lễ này, vì tụi tôi sẽ được vào trong ăn cà ri miễn phí, vả lại tôi thích món bánh rán (nan) ngon thiệt là ngon.
Trong nhà nhỏ Ly chứa đầy những món đồ cổ có giá trị, ngay cả tấm phản tôi hay nằm nghỉ lưng cũng là giường của Vua ngủ ngày xưa, nó được làm bằng một loại gỗ quý, lên nước, láng bóng, và được trạm chổ thành hình con rồng rất cầu kỳ,nhưng với tôi nó là vô nghĩa vì tôi có biết gì về giá trị của những món đồ này đâu, với lại nằm trên đó đau lưng thấy mồ. Nhà cái Ly bán bún bò Huế buổi sáng, buổi chiều đóng cửa nghỉ. Thời còn mê phim chưởng, tối nào anh Tý cũng mò sang nhà Dì tôi coi ké, anh là dân "gay" nên coi tụi tôi như người cùng giới, nói chuyện tỉnh queo. Nhìn hình ảnh mấy người mặc đồ cổ trang trong phim anh cứ xuýt xoa khen đẹp, và ước gì thời trang này quay trở lại anh sẽ sắm vài bộ đi nghễu nghện ngoài đường chơi. Tôi còn nhớ rõ một lần trời đổ cơn mưa lớn, nhưng anh có việc phải đi gấp, anh mặc cái áo mưa cánh rơi xoè hai tay múa một vòng, miệng ẻo lả nói: "Nhã Phương, xin cống hiến quý vị bài hát "Mùa xuân trên những giếng dầu", rồi cất giọng rè rè: "Mùa xuân đến từ những giếng dầu, mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm mầu... " làm tụi tôi bò lăn ra cười vì thời điểm đó ca sĩ Nhã Phương hay mặc áo cánh rơi lên sân khấu hát bản nhạc đó.
Tôi đang phụ việc cho Dì ngon lành chừng được hơn hai tháng thì một hôm bà gọi lại, đưa cho tôi 80,000 đồng và bảo:
- Đây là hai tháng tiền lương của mày, mày thu xếp về Bến Tre đi, Dì không mướn mày nữa đâu.
Tôi chưng hửng, nhưng cũng không cần hỏi lý do, lên lầu xếp hành trang cho vào một cái túi sách gọn nhẹ, từ giã Dì và các em ra về. Bị đuổi như vậy không lẽ năn nỉ xin ở lại. Tôi kêu xích lô chở tôi đi nhưng không phải ra bến xe miền Tây mà lại thẳng qua quán cà phê của má Duyên. Tôi muốn báo tin cho má biết trước khi tôi về dưới quê nhà.
Nghe tôi kể lại, má ngồi suy nghĩ rất lâu rồi bảo:
- Con về dưới Bến Tre làm gì, thôi ở lại đây phụ má, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, tối mày ngủ chung với má.
Tôi mừng như bắt được vàng, mắt sáng lên hỏi dồn dập
- Thiệt há má, má cho con ngụ lại đây há má?
- Ừa, ở đây phụ bưng cà phê với má, rồi từ từ má kiếm việc cho làm.
Tôi nhanh nhẹn bắt tay vào công việc, lau chùi bàn pha chế cho sạch sẽ, rửa đống ly tách còn để ngoài thau, dọn dẹp bàn ghế, và bắc nồi nấu cơm chiều. Tối đấy, tôi ngủ lại quán cà phê của má, ba người nằm trên chiếc giường chật hẹp và nóng như cái lò than. Thế nhưng nụ cười trên môi của tôi vừa hé nở đã bị tắt ngúm với lời nói lạnh lùng của ông chủ nhà sống trên lầu rằng không cho phép tôi được ngủ lại đây, trong hợp đồng chỉ có hai người duy nhất. Má con tôi nhìn nhau câm lặng, ông ta đi rồi, má Duyên rít lên: "Đồ thằng cha mắc dịch!" rồi quay sang nói với tôi:
- Phải chi Sáu Lem còn đây, má gởi nhờ con qua đó tạm vài bữa, rồi mình tính sau.
Má thở dài nghe não ruột, hỏi tôi:
- Con không còn ai quen nữa hay sao?
Lúc này tôi mới sự nhớ ra còn một bà cô quen ở tuốt trên đường Tô Hiến Thành quận mười. Cô này là đồng hương, người quen của anh họ tôi mà lúc xưa tôi vẫn thường lên thăm hỏi. Nhà cô ở trong một con hẻm dài hun hút, có năm đứa con, ba trai, hai gái. Tôi quyết định lên trên đó xin ở đậu ít ngày.
Tôi đến vào lúc cô đang ở nhà, hỏi thăm cô một hồi tôi mới ngập ngừng đề cập đến chuyện xin ở đậu. Thật may mắn, cô đồng ý liền, và thu xếp cho tôi ở trong căn phòng cùng với hai đứa con gái nhỏ. Sáng ra tôi qua quán má Duyên phụ việc, tối đến lại trở về ngủ trong căn phòng cùng với hai đứa em nhỏ, con cô.
Ông Long ngày nào cũng ra ngồi một góc uống cà phê dần dần trở thành quen thuộc, ông hay bắt chuyện với tôi. Má Duyên than vãn với ông:
- Tội nghiệp con nhỏ, ngày nào cũng đi xa múc chỉ mới tới được đây. Cha chủ nhà độc ác không chịu cho nó ngủ lại mới tức chớ.
Ông Long trầm ngâm suy nghĩ thật lâu, dường như ông đang tìm cách nào đó để giúp tôi. Mới chỉ ít ngày, trông ông Long già xọm, cặp mắt thâm quầng, gương mặt mệt mỏi, ông đang bị thất tình, tôi lầm rầm chửi thầm chị Sáu: "Bà này không biết nghĩ sao mà lại bỏ ông ta ra đi, nhìn ông có vẻ tử tế ". Ông Long cất giọng ôn tồn.
- Tôi có cách này giúp cho cô mà không biết cô có chịu không?
Tôi và má Duyên ngước mắt lên nhìn, chờ đợi ông nói tiếp. Ông rút điếu thuốc ba số năm, châm lửa, rít một hơi dài và thổi cho khói tuôn ra, nói:
- Sáng tôi sẽ ghé qua nơi cô ngụ, chở cô ra đây, xong tối tôi sẽ đưa cô về tận nơi tận chốn.
Nói câu đó xong, ông bặm môi, hơi dướng mắt lên nhìn, nghiêng đầu lắng nghe ý kiến của tôi. Tôi nhìn ông chằm chằm rồi quay sang má Duyên, cầu cứu. Má Duyên gật gật cái đầu, ra điều nghĩ ngợi rồi thay tôi trả lời:
- Vậy cũng tốt, anh giúp chở nó mỗi ngày giùm tôi, thiệt sự cảm ơn anh lắm.
Bắt đầu từ sáng hôm sau, ông Long làm nhiệm vụ đưa đón tôi mỗi ngày.
***
Quán cà phê của má Duyên nằm giữa khúc đường Đề Thám đoạn ngã tư Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão, sau này trở thành khu phố của Tây Ba Lô. Ngày ấy, dọc hai con đường này nhiều quán cà phê mọc lên san sát, khách hàng chủ yếu là sinh viên bên ký túc xá Trần Hưng Đạo ra uống. Sinh viên nghèo không có tiền thường ký sổ, đợi viện binh từ gia đình gửi lên tiếp tế. Cà phê má pha chế cũng khác hẳn cách thức của tôi, vì nếu cứ pha chế theo công thức như tôi thì lỗ sạt nghiệp, cà phê má chỉ bỏ một tí xíu, nước chanh, nước cam cũng vậy, chủ yếu bỏ đá cho thật nhiều.
Bé Hà lúc này đang là sinh viên đại học "mở" (hệ B) không phải là hệ chính thức, cặp kè với thằng con trai đầu ông chủ nhà, ngoài những giờ đi học, hai đứa lúc nào cũng dính sát bên nhau như đôi sam, Bé Hà cao nhỏng, ốm nhom, đen thui như bồ hóng, lỗ mũi xẹp lép hai cái cánh hỉnh lên trông thật tức cười, nhan sắc dưới trung bình nhưng má Duyên lúc nào cũng tự hào là con bé Hà xinh đẹp. Những lúc buổi trưa vắng khách, má thường ngồi tâm sự với tôi ca con bé Hà hết lời, "Mai mốt nó học ra trường má sẽ mua cho nó chiếc xe honda xịn, con bé Hà học giỏi lắm, bữa nó mặc bộ áo dài...thôi là ai cũng khen cái tướng nó đẹp y như hoa hậu Lý Thu Thảo". Tôi xoay qua nhìn má, ánh mắt bà sáng long lanh, gương mặt rạng rỡ, tôi đành im lặng, không dám nói với má rằng: " Con bé Hà của má thật ra tướng lòng khòng, cổ ngắn, vai rụt, mông thì xẹp lép, đẹp cái nỗi gì mà dám so sánh với hoa hậu Lý Thu Thảo " Nhưng tôi không nỡ, không muốn làm má buồn lòng.
Tôi qua phụ với má Duyên tính ra cũng được hơn ba tháng, má nuôi cơm, thỉnh thoảng cho vài đồng ăn sáng, không trả lương, má hứa sẽ cố gắng tìm việc cho tôi. Một bữa má giới thiệu tôi với chị Hằng, là khách uống quen thuộc của má. Chị Hằng nhìn tôi từ đầu tới chân rồi cất tiếng hỏi:
- Cưng nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ em 20.
- Cưng muốn kiếm việc làm hả?
- Dạ.
- Thôi được, chiều mai 2 giờ đợi chị ở đây, chị đưa đi xin việc làm.
- Em có phải mang theo giấy tờ gì không thưa chị?
- Không, chỉ đi xin thôi mà, khi nào người ta nhận thì làm giấy tờ sau.
Và rồi chị lên xe phóng đi mất. Chị đi rồi tôi mừng hết biết, lòng dạ nôn nao chỉ mong đến chiều mai để xem mình có xin được việc không. Tối đấy trên đường về lại nhà ở Tô Hiến Thành, tôi đem chuyện đi xin việc ra khoe với ông Long. Ông mỉn cười bắt tay và chúc mừng tôi gặp nhiều may mắn. Tối về tôi cứ trằn trọc khó ngủ, tôi bắt đầu duyệt lại xem ngày mai mình sẽ mặc bộ đồ gì, nói năng ra sao khi được phỏng vấn.
Chiều hôm sau như đúng hẹn, chị Hằng lại quán má Duyên đón tôi, theo sau chị còn có hai cô gái nữa cũng trạc tuổi như tôi. Chị lại nhìn tôi từ đầu đến chân nở một nụ cười thân thiện và ra lệnh
- Thôi mình đi.
Tôi leo lên ngồi sau chị Hằng, chị trở tôi ra ngoài phía đường Trần Hưng Đạo, và cứ con đường đó chạy thẳng, chạy một khúc thật xa, chị quẹo vào một con đường khác rồi lại tiếp tục sang một con đường khác, hai cô bé kia vẫn bám sát phía sau. Chị dừng xe lại trước nhà hàng Tân Mai ở quận 5. Thú thực tôi không rành đường xá ở Sài Gòn cho lắm, nếu bây giờ thả tôi ở đây tôi không biết đường về nhà. Tôi đứng một nép bên chờ chị Hằng đi gửi xe, xong chị quay lại dẫn tụi tôi vào thẳng trong nhà hàng, xin được gặp chủ. Chủ nhà hàng là một chị phụ nữ khá sang trọng, chị mặc cái áo dài Thượng Hải bằng gấm mầu đỏ rực rỡ, tươi cười tiếp đón tụi tôi. Chị Hằng trình bầy lý do xin việc, giới thiệu tên, tuổi từng đứa. Chủ nhà hàng nhìn tụi tôi một lượt, gật đầu kêu bảo vệ đưa lên trên lầu. Tại đây tụi tôi được hướng dẫn cách thức làm việc, giờ giấc, và phải tiếp khách như thế nào. Ngay lúc 4 giờ chiều hôm đó, nhà hàng có một cuộc họp nhân viên cũ, vì chúng tôi là người mới nên chỉ ngồi bên ngoài chầu rìa, không cần phải tham gia. Tôi ngồi trong góc, lấm lét nhìn mấy chị mặt mày phấn son loè loẹt, ăn mặc hở hang, ngồi tô hô chả cần giữ ý giữ tứ, và cãi nhau um củ tỏi. Người quản lý đang cố giữ trật tự, anh la hét bắt mọi người phải im lặng, anh đang nói về một người khách phàn nàn tư cách phục vụ của các cô. Cô gái mặc áo đầm mầu hồng lên tiếng phản đối kịch liệt:
- Ông đó nói vậy là em không đồng ý, ông ngồi cứ bóp vú em hoài mà không chịu cho tiền bo thì em phải đòi chứ.
Những cô gái khác cũng nhao nhao lên phản đối, biến cuộc họp y như cái chợ cá. Tôi giật mình thảng thốt: "Ôi mẹ ơi đây là cái quán bia ôm trá hình." Tôi quay sang thì thầm với chị Hằng: "Chị ơi, đây là quán bia ôm, em không làm đâu, xin chị cho em về." Chị Hằng nắm tay tôi nói khẽ: " Bình tĩnh, em cứ ở lại đây có chị mà lo gì. Làm thử hôm nay thôi, nếu không thích thì mai em đừng tới. Em đòi về ngay bây giờ họ đuổi hết bọn chị."
Tối hôm đấy nhà hàng vắng khách, chỉ lèo tèo mấy bàn, hơn 9 giờ, tụi tôi được quyền ra về. Chị Hằng chở tôi về lại quán của má Duyên.
Tôi buồn bã nói với má Duyên về chuyện việc làm, má an ủi tôi để từ từ kiếm việc khác, má không biết gì chuyện chị Hằng đưa tôi đi xin việc ở quán bia ôm, má bảo ngày mai sẽ nói chuyện lại với chị Hằng.
Sáng hôm sau tôi nghỉ làm một bữa, ở nhà phụ cô Hảo dọn dẹp nhà cửa và làm đám giỗ mẹ cô. Cô Hảo khoảng hơn năm chục tuổi, có gương mặt xinh xắn nhưng trông khắc khổ. Cô mới nghỉ hưu được chừng hơn năm nay, ở nhà buôn bán lặt vặt kiếm thêm tiền nuôi lũ con. Tuy cô nghèo khó nhưng sống rất tình cảm, cô xem tôi như con cái trong nhà, bất cứ lúc nào tôi gặp khó khăn cô cũng đều sẵn sàng giúp đỡ. Biết hôm nay nhà có đám giỗ, chiều ông Long ghé lại xách theo một bịch trái cây thật to, mặc dù tôi không mời vì không phải đám giỗ nhà tôi. Thấy ông Long đến, cô Hảo đưa mắt nhìn tôi và đon đả đứng dậy mời ông vào nhà dùng bữa. Nhưng ông Long chỉ ghé lại đưa ít trái cây cúng bà rồi phóng xe đi mất, không chịu bước vô nhà. Cô hỏi tôi về ông Long, tôi nhìn cô bật cười, trả lời:
- Cháu cũng chẳng biết gì về ông đâu.
- Ơ cái con này hay nhỉ? Mày không biết gì về ông ấy mà sao ông đưa đón mỗi ngày.
- Thì cháu chỉ biết ông là chồng chị bạn, ông xung phong đưa đón cháu giùm mà.
- À ra vậy, cô tưởng ông đang mê cháu.
- Không có đâu, ông coi cháu như em út thôi mà.
***
Sáng hôm sau, ông Long lại đến nhà cô Hảo đón tôi ra quán má Duyên. Lần này ông không chở tôi thẳng ra quán như mọi bữa mà ghé lại ăn bún thịt nướng. Ông Long khoe với tôi vừa trúng mánh, nên bao tôi ăn sáng. Tính tiền xong xuôi, ông móc bóp đưa tôi 30 ngàn đồng bảo cho tôi xài riêng. Tôi từ chối thẳng và nói với ông ấy rằng, anh đưa đón tôi mỗi ngày như thế này tôi cám ơn lắm rồi, tôi chưa có gì để trả ơn anh, sao lại cho tôi tiền như vậy, tôi không dám nhận. Thấy tôi từ chối quyết liệt, ông chưng hửng cất tiền vào lại trong bóp, chắc ông nghĩ tôi bị khùng, tiền mà chê.
Chở tôi lại quán má Duyên, ông thả tôi ở đó rồi chạy thẳng. Má Duyên tôi đang nói chuyện với chi Hằng, thấy tôi ngoắc lại. Chị Hằng tay kẹp điều thuốc lá khói bay nghi ngút, chỉ ghế kêu tôi ngồi kế bên, rồi giải thích:
- Chị nói cưng nghe, trên đời này không có việc gì xấu, chỉ có con người xấu thôi, việc gì cũng là việc, mình cũng phải bỏ mồ hôi công sức mới kiếm ra tiền, phải hôn?
Chị lại tiếp tục quay sang nói với má:
- Nhỏ này tại nó chê không chịu làm chứ em thấy nó ăn đứt mấy con nhỏ ở trỏng. Hôm qua bà chủ hỏi thăm nó quá trời.
Tôi ngồi im lặng, làm gì thì làm, bán bia ôm dứt khoát tôi không chịu. Má Duyên hỏi tôi.
- Sao hôm nay ông Long không ghé lại uống cà phê vậy?
- Ông mới uống đằng kia rồi, hôm nay ổng bao con ăn sáng.
Rồi tôi quay sang thì thầm với má.
- Ông cho con tiền mà con không lấy.
Má Duyên dãy nảy lên.
- Sao không lấy?
- Ngại thấy mồ luôn.
- Ngại gì mà ngại, mày không lấy nó cho con khác cũng vậy à.
Má nhíu mày nhìn tôi rồi lại nói:
- Má thấy chả hình như đang để ý con rồi đó nghen.
Tôi cười cười.
- Má đừng nói bậy, tội người ta, làm gì có.
- Dám chứ sao không, con gái đẹp hơ hớ thế này. Cẩn thận nghen! Không chừng cha chở mày đi, cha hãm thấy bà đó con.
Tôi la lên.
- Má này chỉ được cái nói nhảm không à.
Tôi đứng lên bỏ vào trong. Mấy ngày sau đó, ông Long chiều đến ghé má Duyên sớm hơn mọi khi, mặt mày tươi tỉnh chứ không còn ủ rũ như hồi trước nữa. Một buổi chiều, ông khoe với tôi vừa vô mánh mấy cây vàng, ông móc trong túi ra cả xâu vàng đưa cho tôi xem, những cái nhẫn vàng choé, loé ngợp mắt tôi. Tôi nâng nó trên tay, nặng trĩu. Ông Long cười nói với tôi năm cây vàng 9 tuổi 8. Tôi thòm thèm nhìn xâu vàng, rồi trả lại cho ông Long một cách tiếc rẻ. Tôi ước gì tôi cũng có được số vàng này, tôi sẽ mở một quán cà phê thật đẹp, thật sang, và dĩ nhiên phải hơn cả quán của má Duyên. Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi, tôi đào đâu ra số vàng nhiều như vậy.
Tối đó ông Long chở tôi về nhà cô Hảo, thay vì ông thả tôi xuống trước cửa nhà và chạy đi như mọi bữa, lần này ông dừng xe, chống ngang rồi bước vào trong nhà. Cô Hảo cũng có một cái quán nhậu nho nhỏ ngay phần sau cửa hậu của căn nhà. Ông Long kêu cô cho ông một chai bia ướp lạnh, tôi ngạc nhiên vì thái độ của ông hôm nay, đây là lần đầu tiên ông bước vào căn nhà này. Ông ngồi uống hết chai bia, hút thuốc liên tục. Đã quá 10 giờ tối mà ông vẫn còn ngồi lỳ, thấy lạ, tôi ra kéo ghế ngồi đối diện ông rồi hỏi:
- Hôm nay anh có chuyện gì thế? Vô mánh phải vui chớ sao lại ngồi trầm ngâm như thế này.
Ông ngước cặp mắt lờ đờ nhìn tôi, rồi nói nho nhỏ:
- Hân, anh có chuyện này muốn bàn với em.
Tôi ngó ông lăm lăm chờ ông nói tiếp. Ông có vẻ ngập ngừng...
- Anh tính sang một cái sạp cho em bán mỹ phẩm ở chợ Phạm Văn Hai, em... có chịu không?
Mắt tôi sáng lên rực rỡ, hỏi dồn dập.
- Thật hả?
Ông Long móc xâu vàng hồi chiều đưa ra dứ dứ, rồi lại đút vào trong túi quần, chậm rãi nói.
- Nhiêu đây đủ rồi, chỉ sợ... em có chịu hay không thôi?
Nghe ông nói vậy, mặt tôi biến sắc, nhìn thẳng vào ông thăm dò, mất cả phút, tôi hỏi thẳng.
- Anh có điều kiện gì không?
Ông Long chụp lấy bàn tay tôi và nhìn tôi với một ánh mắt dại hẳn đi, miệng lắp bắp...
- Nếu em chịu làm vợ anh.
Tôi rụt vội bàn tay lại, nhìn ông ngạc nhiên. Tôi không hiểu tại sao ông lại nói với tôi bằng những lời như vậy? Ông là chồng của chị Sáu cơ mà. Nhớ lại những gì má Duyên nói với tôi, tôi giật mình ái ngại. Thì ra ông có ý theo đuổi tôi chứ không phải vì lòng tốt. Tôi cúi mặt xuống chưa biết trả lời sao thì ông Long lên tiếng.
- Em hãy suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời anh sau. Em nên nhớ cuộc đời em không có nhiều cơ hội đâu.
Nói rồi ông đứng lên, móc 10 ngàn để lên bàn trả tiền chai bia, và bước ra ngoài rồ máy xe dọt mất. Tôi vẫn ngồi im một chỗ thật lâu, tôi choáng váng vì lời đề nghị trắng trợn vừa rồi.
Tối hôm ấy tôi lại không ngủ được, suy nghĩ miên man về ông Long. Xâu khoẻn vàng năm cây sáng choé còn như đang nặng trĩu trên tay mình, năm cây vàng lúc ấy trị giá 25 triệu đồng, tôi làm công mấy đời chưa đủ. Thật lòng mà nói tôi chỉ muốn thò tay giựt ngay cái xâu vàng ấy đút vào trong túi giấu thật kỹ. Nhưng bảo làm vợ ông Long thì...tôi chẳng muốn chút nào, thứ nhất tôi không có tình cảm gì với ông ta, thứ hai ông quá già, thứ ba ông lại là chồng của chị Sáu Lem. Đời nào tôi lại đi giành giật với chị. Nhưng năm cây vàng thì tôi mê quá, nhắm mắt lại những khoẻn vàng hiện lên trước mắt. Vàng thì muốn lấy mà ông Long thì tôi không.
Mới hơn tuần trước, ông lấy tuổi của tôi để chấm tử vi, ông bảo biết chút ít về khoa tử vi lý số. Ba ngày sau ông đưa cho tôi xem một tờ giấy ghi chằng chịt những chữ nhỏ li ti, xanh, đỏ, kẻ chéo qua nhau, tôi cầm lên nhưng mù tịt chẳng hiểu tí gì.
Ông Long trầm ngâm bên li cà phê đá, nhìn tôi với ánh mắt thương hại, và chậm rãi giải thích tận tường: "Anh nghiên cứu rất kỹ lá số của em, càng giải nó ra, càng thấy tội nghiệp. Nếu đúng ngày tháng và giờ sanh thì mạng em có sao đào hoa và hồng loan chiếu rọi. Người phụ nữ nào có hai sao này đi kèm thì tình duyên trắc trở, lận đận lao đao, riêng em, anh có thể nói chắc một câu, số em chỉ làm bé...đừng mong có ngày bước lên "xe bông" như người ta, và không cẩn thận phải qua ba lần đò.Tuy nhiên số em luôn luôn có quới nhơn phù trợ". Nói đến đó, ông ngưng lại, rút điếu thuốc ra châm lửa rít vài hơi, để mặc tôi ngóng cổ nghe tiếp lời bàn, rồi mới tiếp tục: "Vào năm 36 tuổi, em sẽ mắc một căn bệnh trầm kha, nói đúng hơn là em sẽ bị ung thư ngực..." Ông ngước mắt lên nhìn tôi để dò xem phản ứng, và hỏi thẳng tôi: "Em đã từng đi bơm ngực, có đúng không nào?" Lúc đầu, tôi còn hơi tò mò lo ngại, nhưng nghe tới câu sau thì tôi nắm chắc là ông xạo vì tôi chưa hề bơm ngực bao giờ. Cái tin tôi bơm ngực chắc ông nghe lại từ chị Sáu bởi đã có lần tôi phét lác với chị rằng tôi đi bơm ngực ở Sài Gòn, tôi cười thầm trong bụng "tiền không đủ ăn lấy gì đi sửa sắc đẹp". Giờ này nằm suy nghĩ lại tôi càng thấy ông xạo, chắc ông muốn đánh tâm lý tôi, để tôi tin vào những gì ông nói và chịu làm "bé" cho ông.
Năm cây vàng hấp dẫn tôi lắm chứ, nhưng dù sao tôi vẫn còn tí chút danh dự, lý trí không cho phép tôi làm như vậy, tôi vẫn còn ngoan ngoãn nhớ lời mẹ dặn "Nghèo cho sạch, rách cho thơm", đến giờ phút này tôi chưa hề xin xỏ hay nhận đồng tiền bố thí của bất cứ ai bao giờ, mặc dù, tôi thiếu gì cơ hội. Vào cuối năm 86 đầu năm 87, trước khi theo bố về quê ăn Tết, tôi được một vị khách uống cà phê quen thuộc người Miên rủ đi chụp hình ngoài bùng binh Nguyễn Huệ, dĩ nhiên một mình thì tôi không chịu nên rủ theo một chị trong quán cùng đi. Sau khi chụp vài tấm hình loại lấy liền làm kỷ niệm, ông hỏi tôi có muốn mua gì làm quà cho gia đình thì nói để ông mua tặng. Tôi ngần ngừ mãi rồi dẫn ông theo dọc đường Lê Lợi, chỉ vào một cuốn lịch Xuân có in hình mấy nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng thời bấy giờ, và bảo với ông tôi chỉ cần cái này thôi. Ông nhìn tôi ngạc nhiên nhưng vẫn mua tặng tôi cuốn lịch đó. Sau khi về nhà, chị bạn la làng lên rằng: "Trên đời này hổng có đứa nào ngu như mày, phải tao là tao dắt thằng Miên đó vô tiệm vàng rồi. Ai đời chỉ mua có cuốn lịch. Thiệt tình!". Những lần sau anh chàng Miên đó có dịp qua Sài Gòn đều ra quán cà phê của bà Dì tìm tôi. Còn tôi thì trốn biệt tăm sau khi bị mấy đứa em bà con hù: "Thằng đó nó bỏ ngải Miên bà mê nó bà theo nó về Miên chết đấy." làm tôi sợ dúm cả người.
Kể ra đến nay, với lứa tuổi 20 này mà bảo rằng tôi chưa có ai để yêu thì quả là vô lý, không thể tin được. Những ngày còn ở dưới Bến Tre tôi đã có một mối tình khá thơ mộng, tuy thật ngắn ngủi nhưng cũng vừa đủ để tội muôn đời. Tôi chẳng biết duyên cớ nào đã am thầm đưa anh đến với tôi và rồi ra lại đi một cách lặng lẽ. Chỉ biết rằng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến anh... nhớ đến nụ cười rạng rỡ và cái giọng nói miền Nam ngọt ngào đầy quyến rũ của anh, người đàn ông có thời gây náo loạn Sài Gòn bằng một cuộc lừa đảo đầy ngoạn mục. Anh là nguyên nhân chính gây ra bao nỗi oan thương cho nhiều gia đình khi họ tin tưởng gởi hết tiền bạc tiết kiệm cho cơ sở của anh. Nguyễn Văn Mười Hai chủ hãng dầu thơm Thanh Hương còn có tên gọi là Cường, đã bị toà kết án chung thân khổ sai vào cuối thập niên 80.
Tôi quen anh trước vụ xì căng đan này xảy ra khoảng hai năm. Một buổi sáng, chú Tám gần nhà đi ngang qua rỉ tai tôi bảo chút nữa chú sẽ dẫn một đoàn khách "xịn" đến cho tôi, và dặn nhớ làm cà phê cho thiệt ngon để khỏi uổng công chú quảng cáo. Khoảng nửa tiếng sau, chú dẫn đến thật, một đoàn khách gần chục người ăn mặc lịch sự, có vẻ là dân thành phố. Sau khi bưng cà phê ra cho đoàn khách, tôi lui vào trong bếp, đứng cạnh chân cầu thang và len lén nhìn ra, bắt gặp ánh mắt của anh, người đàn ông trẻ nhất trong đoàn, và cũng là người đẹp trai nhất, đang liếc nhìn tôi, tôi ngượng ngùng quay đi chỗ khác. Thế rồi ngay lúc ấy, khách khứa kéo đến khá đông nên tôi không có thời giờ để ý đến anh nữa. Tôi cứ thoăn thoát ra vào mang nước cho mọi người mà không biết rằng anh vẫn len lén nhìn tôi. Chỉ sau khi anh đến bên cạnh hỏi thăm, tôi mới giật mình ngước nhìn anh e thẹn. Anh hỏi han tôi về chuyện buôn bán, tự giới thiệu về mình, và còn đưa tặng cho tôi một lô hàng mẫu dầu thơm mang tên Thanh Hương. Anh mặc áo thung trắng, sọc ngang mầu đen và có bâu cổ, gương mặt dễ nhìn với mái tóc cắt ngắn, đeo cặp kính trắng, trông anh giống hệt trí thức Việt kiều ở nước ngoài về. Trong lúc thanh toán tiền để rời quán, anh bỏ nhỏ với tôi rằng anh sẽ quay lại mời tôi đi ăn cơm chiều, tôi nhìn anh nở một nụ cười thân thiện không trả lời. Anh đi xa rồi mà tôi vẫn cứ đứng nhìn theo mãi, trong lòng dâng lên một cảm xúc kỳ lạ, hình như tôi đã bắt đầu cảm mến anh.
Chiều hôm ấy giữ đúng lời hứa anh quay lại nhà mời tôi đi ăn tối, anh đã kiên nhẫn ngồi cả tiếng đồng hồ chờ tôi trang điểm, và luôn miệng thúc dục tôi lẹ lên kẻo mọi người chờ lâu. Tối hôm ấy tôi lựa bộ đồ vía nhất mang ra mặc, cùng sánh vai anh đi bộ ra ngoài đầu đường nơi chiếc xe hơi láng cóng đang chờ chúng tôi. Bước vào trong quán ăn tôi giật mình thấy bố tôi ngồi lù lù ở đó từ trước cùng chú Tám đang bàn luận, phản ứng đầu tiên là tôi chỉ muốn lủi về ngay nhưng đã quá muộn, bố tôi nhìn thấy đưa tay ngoắc tôi vào. Bữa ăn lạt lẽo chẳng có gì hứng thú khi mà có ông bố canh me ngồi bên cạnh. Thú thực, tôi chỉ mong cho nó kết thúc sớm để tôi về nhà, trong lòng lo sợ tí nữa ông sẽ dậy cho tôi một bài học vì cái tội dám qua mặt ông đi ăn cơm với người lạ. Tôi ngồi đó, băn khoăn không hiểu anh quen như thế nào với bố tôi mà lại mời ông đi ăn cơm chung. Nếu biết trước đời nào tôi chịu đi với anh lên đây. Thật may mắn thay, bố tôi không về chung với tôi mà đi thẳng xuống luôn nhà má nhỏ, tôi thoát nạn. Sau khi đưa bố tôi về nhà, anh quay trở lại rủ tôi đi uống nước ở quán Cây Dừa, một quán cà phê nổi tiếng khá thơ mộng.
Tôi và anh chọn chỗ ngồi cạnh gốc cây dừa nhìn ra bờ sông Hàm Luông, đêm hôm ấy trăng sáng vằng vặc, ánh trăng dịu dàng như đồng loã với bàn tay anh đang mơn trớn vuốt nhẹ trên làn tóc mây buông xoã bờ vai của tôi. Dựa hẳn người vào anh, tôi nhìn ra bờ sông, bóng hàng dừa nước đen thẫm, những tàu lá đung đưa trong gió, xào xạc như hoà nhạc cho những tiếng thì thầm của anh bên tôi. Tôi im lặng lắng nghe như nuốt từng lời anh kể chuyện tâm tình. Anh bảo rằng sáng nay khi nhìn thấy tôi, anh giật mình không ngờ nơi đây lại có một cô bé dễ thương đến như vậy. Anh nói với tôi mai mốt sẽ đặt tên tôi cho một loại dầu thơm của hãng anh sắp ra. Bóp nhẹ bàn tay tôi, anh nhìn tôi đắm đuối, bất ngờ đặt lên môi tôi một nụ hôn ngọt ngào dài bất tận, làm tôi ngây ngất, đê mê... Bên anh, tôi quên mất cả thời gian cũng không màng gì đến từng đàn muỗi đang bu chung quanh nhằm riêng tôi mà chích, đến lúc ngứa quá không chịu nổi, tôi ngúc ngắc hai bàn chân. Thấy vậy anh hỏi nho nhỏ" em sao vậy?" Tôi thú thật với anh rằng muỗi chích tôi ngứa quá, làm cả hai cùng bật cười to, cười như những kẻ điên trong khu vườn dừa yên tĩnh. Anh đứng dậy kéo tôi ra về vừa đi vừa nói: "Sao em không cho anh hay, để muỗi chích, tội nghiệp chưa!".
Lúc chia tay anh để bước vào nhà, anh nắm tay tôi nói khẽ: "Lần này, anh phải đi công tác sáu tỉnh miền Tây, anh muốn có em bên cạnh, em có đồng ý đi với anh không?". Tôi ngần ngừ chưa biết trả lời sao, đi với anh dĩ nhiên là tôi muốn lắm, nhưng tôi lại sợ bố đánh đòn. Thấy tôi ngập ngừng, anh tiếp lời: "Em suy nghĩ cho kỹ đêm nay đi, sáng mai trả lời anh cũng được."
Sáng hôm sau, đoàn của anh lại kéo đến quán tôi uống cà phê, chú Tám ghé tai tôi nói nhỏ: "Anh Cường khen cháu quá trời, không chịu đi đâu hết chỉ đòi đến đây uống cà phê cho bằng được", tôi mỉn cười sung sướng. Lúc đứng trong bếp pha cà phê, anh đến bên cạnh hỏi khẽ "Sao em, có đi với anh được không cưng?". Tôi ngước nhìn anh, buồn rầu trả lời: "Em không đi được, em còn mắc bán hàng." Tôi không dám nói sợ bị bố đánh. Anh đứng nhìn tôi một hồi với vẻ mặt buồn hiu, nắm tay tôi, thì thầm: "Anh rất tiếc không có thời gian ở đây lâu hơn, anh phải đi rồi. Anh sẽ gặp em sau."
Anh đi rồi, tôi thấy lòng mình trống vắng, nao nao một nỗi nhớ khôn nguôi. Ngày tháng chậm chạp qua đi, tôi cảm tưởng sao như nó dài cả hàng thế kỷ. Thỉnh thoảng chú Tám đi ngang lại ghé tai tôi thì thầm: "Cường hỏi thăm cháu luôn đấy." Làm tôi càng mong ngóng ngày anh trở lại. Rồi cũng một ngày, chính chú Tám đến báo cho tôi biết "Cường nó có vợ con rồi, thôi quên nó đi cháu ạ". Nghe tin này, tôi choáng váng, cả bầu trời như sụp đổ dưới chân mình, tôi khuỵu xuống, hai hàng nước mắt tuôn ra, chảy dài xuống, mặn chát bờ môi. Tôi mang tất cả những tấm hình và toàn bộ số dầu thơm anh tặng tôi bữa trước vào thùng rác vứt bỏ. Tôi sẽ quên anh.
Thời gian thấm thoát trôi đi, một hôm tôi đọc báo biết tin anh bị bắt giữ, tôi cảm thấy buồn nhưng âu đó cũng là điều may mắn. Vì nếu hồi đấy, tôi theo anh đi khắp sáu tỉnh miền Tây thì không biết sẽ có chuyện gì sau đó xảy ra cho tôi.
Cách đây vài tháng, vô tình tôi đọc bài phỏng vấn anh trên trang báo điện tử VNexpress, anh đang bị nhốt tại trại Z.30A, mái đầu bạc trắng, gương mặt già nua, chẳng còn một chút xíu gì bóng dáng của Cường năm xưa nữa. Nếu gặp anh ngoài đời, chắc tôi phải gọi anh bằng bố. Bất giác kỷ niệm khi xưa bỗng ào tới, tôi ngồi dựa hẳn vào ghế bành, lắng nghe tim mình thổn thức...
"Em đã sống những đêm trời có ánh trăng chiếu vàng.
Em đã sống những đêm ngoài kia biển ru bờ cát.
Ước gì anh ở đây giờ này,
Ước gì em cùng anh chuyện trò.
Cùng nhau nghe sóng xô ghành đá ngàn câu hát yên bình.".

Cái đêm ấy, cái đêm chúng tôi ngồi bên nhau nghe tiếng lá dừa nước xào xạc nay đã qua lâu quá rồi... anh đã phải trả giá đắt...Nhưng nếu như một ngày nào đó, anh được nhà nước khoan hồng, được trở về với cuộc sống thường ngày, không biết rồi anh có được sống yên bình với phần đời còn lại hay chăng? Khi mà anh đã gây cho bao nhiêu gia đình đau khổ, bao oán hận chất chồng...
***
Sáng hôm sau, ông Long vẫn đến đón tôi như thường lệ, có điều từ lúc ông nói thẳng với tôi tối hôm qua, nên gặp ông tôi cảm thấy ngượng ngùng vô cùng. Ngồi sau xe ông ra quán cà phê má Duyên, tôi im lặng không nói một lời, chẳng giống mấy bữa trước cái miệng lúc nào cũng tía lia.
Nguyên buổi sáng hôm đó, lòng dạ tôi bồn chồn, nửa muốn tâm sự với má Duyên, nửa không. Nhưng đến trưa, không chịu nổi, tôi mang ra hỏi má. Má Duyên nghe tôi nói, vỗ đùi cái đét la lên:
- Má biết ngay mà, má nói con không chịu tin. Nhìn cặp mắt thằng chả má biết liền.
Rồi má hạ giọng nói nho nhỏ:
- Chịu đại đi con, mày lấy 5 cây vàng cho tao, mày dọt về Bến Tre coi thằng chả có dám theo đòi không? Xí..."bắc thang lên hỏi ông trời, tiền đem cho gái có đòi được hôn". Chả thấy mía ngọt, muốn wánh cả cụm hả?
Lấy vàng của ông Long rồi trốn đi như lời má Duyên xúi, tôi không thể làm, mà buông xuôi thì tiếc thật. Cả ngày hôm đó tôi cứ đứng ngồi không yên, bồn chồn, hồi hộp, suy tính điên cái đầu.
Buổi tối về nhà, tôi lại mang ra hỏi cô Hảo. Cô suy nghĩ thật lâu rồi từ tốn trả lời: "Chuyện cả đời, cháu nên suy nghĩ cho kỹ. Thật sự cô không dám có ý kiến, mai mốt bố cháu lên, cô sẽ không biết ăn nói làm sao."
Tối đến tôi lại trằn trọc vì 5 cây vàng. Tôi tưởng tượng nếu tôi gật đầu đồng ý, ông Long sẽ lao vào ôm chặt tôi trong vòng tay ông, mơn man trên thân thể tôi bằng cặp môi dầy cộp, thâm xì, tái nhợt như dái thằng đánh dậm, tôi rùng mình sợ hãi. Thực ra, ông Long không xấu trai, nhưng tôi chẳng có chút tình cảm nào với ông. Quá mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không biết, tôi thấy bàn tay mình đeo đầy vàng, cả mười ngón, vàng choé, những khoẻn vàng nặng trịch...và tôi lại thấy cả chị Sáu Lem, chị nhìn tôi mỉm cười rồi bất ngờ xỉa ngón tay vào mặt tôi thét lớn: "Đồ cái thứ chết bằm, sao mày dám giựt chồng tao?". Tôi hoảng hốt quay đầu bỏ chạy, chạy mãi, chạy mãi...và tôi rơi xuống một cái hố không đáy, hụt hẫng, giật mình tỉnh dậy, tôi mới biết là mình vừa nằm mơ.Tôi thức luôn cho đến sáng không tài nào ngủ lại được, và đã có một quyết định cuối cùng.
***
Giống như thường lệ, sáng ra, ông Long lại nhà cô Hảo đón tôi, tôi đang ngồi chờ ông ở cái bàn ngay cửa. Thấy ông đến, tôi đứng dậy, chào vợ chồng cô Hảo và đi ra ngoài, leo lên ngồi sau xe ông Long. Chiếc xe từ từ vọt đi, đến khúc quẹo ra đường chính, tôi bảo với ông Long kiếm quán cà phê nào đó ghé lại nói chuyện. Tôi muốn cho ông biết quyết định của tôi ngay ngày hôm nay.
Trong quán cà phê nằm ngay trên con đường Lý Thái Tổ đoạn gần góc Nguyễn Tri Phương. Tôi bần thần ngồi nhìn dòng người đang hối hả qua lại, phân vân chưa biết nên mở lời với ông như thế nào. Ông Long lặng lẽ ngồi hút thuốc, ly cà phê sữa nóng đã uống cạn, và qua thêm cả tuần trà mà tôi vẫn im re. Dường như không còn chịu đựng nổi, ông cất tiếng hỏi:
- Em có chuyện gì muốn nói, em đã quyết định sao rồi?
Tôi quay lại nhìn ông, và vào đề thẳng:
- Mai em về Bến Tre, anh không cần đến nhà cô Hảo đón em nữa.
- Sao lại bỏ về? Em không đồng ý thì thôi, đâu cần phải làm vậy.
- Cám ơn sự giúp đỡ của anh trong thời gian qua, nhưng thật sự em không thể. Anh là chồng của chị Sáu...
- Nhưng Sáu... cô ấy tự động bỏ đi kia mà.
- Dù sao thì chị Sáu cũng là chị của em, mà chuyện chị Sáu không quan trọng mấy, có điều em muốn anh biết em không yêu anh, và không thể có chuyện đổi chác ở đây.
Ông Long nhíu mày, nhìn xoáy vào mặt tôi trong giây lát, nhếch mép cười nửa miệng, chắc ông nghĩ tôi ngu, nghèo kiết xác còn bày đặt sĩ diện hão. Với số vàng này ông bung ra thì thiếu gì con đẹp như tiên bu tới... Ông đứng dậy móc bóp lấy tiền quẳng xuống bàn, và bỏ ra ngoài rồ máy phóng đi.
Tôi vẫn còn ngồi nguyên chỗ cũ, chờ ông Long đi khuất một lúc mới đứng dậy, băng qua đường, đi bộ đến quán cà phê của chị Ánh gần đó. Chị Ánh cũng là dân Bến Tre lên đây làm ăn, chị mới ghé thăm má Duyên cách đây vài bữa và có đưa tôi địa chỉ bảo khi nào rảnh thì đến chơi.
Quán cà phê của chị nằm trên đường 3-2, gần hồ Kỳ Hoà. Lúc tôi đến, quán đang đông khách, thấy tôi, chị cười xởi lở:
- Đi đâu mà sáng tới sớm vậy người đẹp?
- Tới ăn mày chị nè.
- Nói chi quá vậy cưng.
Sau một hồi tâm sự, chị bảo tôi ở lại đây phụ chị, chị sẽ trả lương, nhưng phải xuống nói chuyện với má Duyên trước không thôi lại mích lòng chị em. Tôi phụ bán với chị được vài tháng thì hết hợp đồng, chủ nhà không cho mướn nữa. Chị em tôi chuyển sang mở quán lẩu dê ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, nhưng cũng chẳng được bao lâu vì tiền thuê nhà quá cao, không có lời. Chị chuyển về Phú Lâm bán lẩu dê tiếp. Vì Phú Lâm quá xa, tôi nghỉ không ra phụ chị được, quay về lại quán Má Duyên. Một thời gian sau, tôi được chị Vân bạn má Duyên nhờ người quen xin giùm một chân trong nhà hàng Phương Hồng trên đường Trần Hưng Đạo, chủ nhân của nhà hàng này là cô ca sĩ Phương Hồng Quế xinh đẹp có cái miệng hơi meo méo. Tôi làm chưa được bao lâu thì cô đi xuất ngoại. Và tôi cũng theo bạn bè đi tìm việc làm khác.
Tôi thẳng thắn từ chối ông Long và năm cây vàng, nhưng số phận lại xô đẩy tôi rơi vào vòng tay một người đàn ông khác, lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Từ khi gặp ông cuộc đời tôi thê thảm, tang thương. Thú thật ông chẳng cho tôi được thứ gì ngoài việc ký gửi tôi nuôi giùm thằng con nay đã tròn 14 tuổi. Ngày tháng trôi qua, lặng lẽ nuôi con một mình, tôi chưa hề mở lời than trách ông, có chăng là tự trách mình vì không vượt qua nổi sự cám dỗ của đồng tiền.
Tháng 3 năm 1992 tôi vượt cạn một mình tại nhà bảo sanh Đông Hà bên hông chợ Tân Định, thằng bé sanh thiếu tháng nặng 2,6 kg, da vàng khè, mặt dăn dúm y như khỉ con. Dì tôi lên thăm la làng rằng tôi có bầu không chịu cử đồ nóng làm da thằng bé mốc thếch. Mấy đứa em con Dì thì xì xầm chê ỏng eo: "Con chị Hân sao mà xấu thấy ghê, giống hệt ông Bảy". Tôi nằm yên trên giường chẳng còn lấy một chút sức lực.
Ngày tháng qua đi con tôi lớn như thổi, mới đầy tháng đã nặng được hơn 4 kg. Mỗi tháng bố nó gửi lên 300.000 đồng cung cấp tiền sữa, đến tháng thứ ba thì ông cắt ngang, quất ngựa truy phong. Tôi bắt đầu lo sợ không biết làm gì để kiếm tiền nuôi con, cũng may trước đó tôi dành dụm chơi được một phần hụi do Dì tôi làm chủ, tôi xuống năn nỉ bà cho hốt trước để lấy vốn làm ăn. Tôi sang lại một sạp bán quần áo trên lầu một Thương Xá Tax, thời bấy giờ gọi là Cửa Hàng Bách Hoá Tổng Hợp Thiếu Nhi với giá 8 chỉ vàng. Chị Lan đã nghỉ việc ngoài Bắc, vào đây với tôi từ hơn một năm qua, đang chăm sóc thằng nhỏ cho tôi. Mỹ Hạnh cũng từ Bến Tre lên phụ giúp việc buôn bán. Lúc đầu, công việc còn gặp nhiều thuận lợi, về sau, nhất là từ khi Cộng Sản ở Đông Âu sụp đổ, việc buôn bán ế ẩm dần, người Nga không còn qua đây đặt hàng nữa, tụi tôi cứ ăn lạm dần vào vốn. Mỹ Hạnh bỏ ra xin làm chân thợ phụ ở một tiệm uốn tóc ngay trong khuôn viên Chợ Cũ, ngày cũng kiếm được dăm bẩy ngàn phụ thêm. Chị Mỹ Lan coi sóc việc buôn bán, còn tôi thì có nhiệm vụ đi lấy thêm hàng về bán. Buổi sáng thức dậy, lo làm việc nhà, vừa nấu cơm, vừa giặt đồ, vừa trông chừng em bé. Buổi trưa, mẹ con tôi ăn no xong là tôi ẵm con, mang theo phần cơm đi bộ ra Thương Xá Tax trông chừng hàng cho chị Lan nghỉ ăn cơm. Vì không có phương tiện riêng, tôi canh đúng giờ, giao em bé cho chị Lan giữ, hối hả xuống đường Lê Lợi đón xe bus đi tuyến chợ An Đông để lấy hàng. Xe bus không đến trực tiếp chợ An Đông nên tôi xuống xe tại điểm dừng ngay khách sạn Đồng Khánh, từ đó đi bộ qua nhà thương An Bình, vòng ra chợ An Đông. Sau khi lấy đầy đủ hàng, tôi kêu xích lô chở ra ngay đầu đường Trần Hưng Đạo đón chuyến xe bus trở về lại Thương Xá Tax. Có tuần tôi đi liên tục, nhưng có tuần chỉ đi một lần. Tiền vốn càng ngày càng cạn dần mà đến hụi kỳ thì chưa có tiền để nộp. Còn hai kỳ chót tôi cứ phải khất Dì hoài. Mỗi lần xuống đường hay ra chợ thấy bóng bà Dì là trốn chui trốn nhủi, vì cứ gặp mặt đâu bà lại nheo nhéo: "Mày có tiền đóng hụi cho Dì chưa con?".
Tiền nhà, tiền điện, tiền chợ, tiền nước rồi cả tiền thuế, quay tôi như chong chóng, đồ đạc gì có giá trị trong nhà đều đội nón ra đi, kể cả cái ti vi 14 inh nội địa made in Nhật tôi mua hết 3 chỉ vàng của thằng em làm thuỷ thủ tàu viễn dương, cũng phải bán lại cho cô hàng xóm, may mắn cô thương tình trả đúng 3 chỉ vàng chứ không hề ép để mua lại giá rẻ. Chỉ vài tháng sau cái ti vi đó cháy bóng đèn, cô cũng khỏi coi được luôn. Nhiều khi con bị bệnh mà trong túi chẳng có lấy một đồng teng nào mua thuốc cho nó. Tội nghiệp thằng bé chỉ được ăn bột quậy với nước bỏ chút xíu muối, vậy mà cái miệng cứ tem tép đến tận muổng cuối cùng. Mẹ và các dì lập đi lập lại điệp khúc nước tương, rau muống luộc làm tới tới. Tôi gầy giơ xương, xác xơ như con khô cá lẹp chỉ còn lại đúng 38 kg. Những lúc lâm vào vào cảnh túng thiếu cùng quẫn, tôi lại tiếc rẻ năm cây vàng của ông Long, biết vậy hồi đó chịu quách ổng cho rồi.
Hạnh làm ở tiệm uốn tóc có mối gội đầu quen là chủ một nhà hàng khá lớn ở Quận I, nó năn nỉ cô xin cho tôi một chân chạy bàn, cô đồng ý và hẹn tôi đến phỏng vấn.
Trước khi đi phỏng vấn, tôi lục tìm lại mấy bộ đồ cũ, chọn mãi mới được một bộ đồ coi còn tươm tất, vì từ khi mang bầu đến nay tôi chưa sắm thêm được bộ đồ nào. Sau khi trang điểm và chải lại mái tóc gọn gàng, tôi vào phòng tắm thay bộ đồ hồi nãy chọn. Nhưng hỡi ơi! Cái quần rộng rinh chỉ trực tụt xuống đất, chẳng biết làm sao, tôi phải mặc thêm một cái quần ở bên trong. Đứng ngắm mình trong gương từ cái bàn phấn duy nhất còn giữ lại được, tôi thấy mình tàn tạ, xác xơ, mông lép xẹp, hai cái cẳng chân y như hai cây tăm tre, bây giờ có xin đi bán bia ôm cũng chẳng ma nào thèm nhận. Tôi đần mặt nhìn vào hai bàn tay mình, mấy đường gân xanh nổi lên cả cục, nhăn nheo trông như một bà già đau khổ.
***
Tôi đến nhà hàng vào lúc 4 giờ chiều, được anh bồi dẫn vào phòng làm việc của cô chủ. Cô đang cắm cúi ghi chép gì trên sổ sách, ngước lên nhìn tôi từ đầu tới chân rồi chỉ ghế mời tôi ngồi, và tiếp tục công việc của mình. Tôi ngồi im lặng đưa mắt nhìn quanh, căn phòng khá rộng, được trang trí khá trang nhã. Cô chủ trạc tuổi năm mươi, trông dáng vẻ sang trọng và có gương mặt phúc hậu. Xong công việc, cô bỏ viết xuống ngắm nhìn tôi, cất tiếng hỏi:
- Cháu tuổi gì?
- Dạ thưa cô cháu tuổi Mùi.
Cô lắc đầu, chép miệng:
- Sao mà cháu ốm quá.
Tôi dấu ngay hai bàn tay mình ra sau, sợ cô nhìn thấy, và bụng thầm nghĩ, hỏng rồi, chắc cô không nhận.
- Không biết cô nhận cháu làm việc gì đây? Thôi để cô xếp cháu rửa chén và phụ việc vặt trong bếp trước, sau này rồi tính.
Mắt tôi sáng ngời, chỉ muốn nhẩy cẫng la lên thật lớn. Thế nhưng tôi vẫn ngồi yên, miệng lí nhí cảm ơn cô.
- Nhà hàng chia làm hai ca, 10 giờ sáng và 5 giờ chiều, thôi cháu có con nhỏ

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 764

Return to top