Chưa hết năm cũ nhưng Sài Gòn đang rộn ràng đón năm mới. Đường phố trang hoàng lộng lẫy hơn, khắp các mọi nẻo đường, chỗ nào cũng đổ ra bán đầy hàng Tết, bánh chưng, gạo nếp, đậu xanh, lá dong, lạt giang, dưa hành, củ kiệu, bánh mứt kẹo, dưa hấu, hộp xanh, hộp đỏ đủ thứ đủ loại, tha hồ mua. Tôi nhìn mọi thứ hờ hững, hình như với lứa tuổi của tôi, cái Tết chẳng còn quan trọng, chẳng còn háo hức như thời trẻ thơ.
Gần đến ngày Tết, bọn trẻ con chúng tôi chạy nhốn nháo hết cả xóm, khoe có cái áo mới, nhà tao năm nay gói được bao nhiêu cái bánh chưng, có chung cái đùi lợn nào không, giết thịt mấy con gà. Với chúng tôi, Tết là những ngày sung sướng nhất, được mặc quần áo mới, được ăn đầy đủ các món ăn khoái khẩu mà không bị dòm chừng "canh me", ăn thả cửa, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, gà nấu đông, canh măng, miến gà...những món ăn mà cả năm trời thèm nhỏ dãi, thỉnh thoảng mới được nếm một chút.
Thời bao cấp thịt cá đều được bán theo tiêu chuẩn tem phiếu, hên mua được thịt, còn không có thịt họ bán đậu phụ (đậu hũ) bù mang về kho với muối, người lớn mỗi tháng được 1,5 ký lô còn con nít thì chỉ được 5 lạng (500 gram). Bởi vậy, Tết đứa nào mà không háo hức, vừa được ăn ngon, vừa được mặc đẹp, vừa được nghỉ học lại còn được thêm bao lì xì mừng tuổi. Cái thú nhất của tôi là được thức khuya ngồi nấu bánh chưng, nhà nào không nấu bánh chưng, coi như không có tết. Thường lệ, bánh chưng được bắc lên bếp vào tối ngày 29 Tết, nấu cả đêm cho đến sáng bảnh mắt mới tắt lửa, vớt bánh ra, rửa lại bằng nước lạnh và đưa bánh lên bàn ép cho thật chặt. Tôi hậu đậu không biết gói bánh chưng, gói cái nào cũng đều bị anh Bắc tôi chê ong eo, bắt đứng lên làm việc khác. Mẹ tôi cũng không khéo tay, bà đùm bánh cứ như đùm mắm tôm, chỉ anh Bắc, chị Lan có tài gói bánh khéo léo. Tôi lúc nào cũng nhèo nhẹo bên chị Lan, năn nỉ chị gói cho tôi một cái bánh nhỏ xíu không bỏ nhân đậu, vì tôi ghét ăn nhân, ăn bánh chưng tôi chỉ thích ăn vỏ ngoài, cái mầu xanh xanh của bánh chưng thật là hấp dẫn. Tết quê nghèo, bánh chưng gói cho thật nhiều để ra tết tha hồ ăn, thậm chí đến gần hết tháng Giêng, bánh vẫn còn treo tòng teng trong phòng ngủ của mẹ, bánh đã lại gạo, cứng ngắc, mốc meo bốc mùi chua lòm, thế nhưng tụi tôi vẫn bóc ra, cắt thành từng miếng cho vào chảo mỡ chiên giòn, ăn vẫn thơm ngon như ai và chẳng bao giờ bị đau bụng giống như những gì người lớn cảnh cáo.
Thời nay thì khác, mọi thứ đã có sẵn ngoài chợ, thích gì cứ ra chợ mua, bánh chưng bán quanh năm suốt tháng ở mấy cửa hàng thực phẩm Hà Nội, bánh mứt thì ngay chợ Bến Thành, đầy rẫy, chỉ sợ không có tiền mà mua, dưa hấu cũng có tứ mùa. Cái hương vị Tết chắc chỉ còn thấy phảng phất ở mấy cành hoa Đào, hoa Mai bắt đầu chớm nụ vào những ngày giáp Tết.
Tối đến, mấy chị em bác cháu chúng tôi sửa soạn kéo nhau đi chợ hoa. Tôi trang điểm kỹ càng, thay bộ đầm vía nhất, định bụng chụp vài tấm hình thật đẹp làm kỷ niệm. Thằng Dừa, Tin, Minh tíu ta tít cười nói không ngừng, ồn ào cả một góc nhà, con bé Anh, bé Trân diện bộ đồ mới cóng đứng chờ sẵn. Tôi thong thả xách đôi giầy cao gót, ngồi xuống bộ ghế xa lông, xỏ vào chân. Cái Hạnh đứng sớ rớ gần đó góp ý:
- Chị, đi chợ hoa mà chị chơi đôi giầy cao gót đó, đau chân chết.
- Đi một chút rồi về, nhằm nhò gì. Bên Nhật chị mày còn dạo phố cả mấy tiếng đồng hồ, phẻ re.
- Ừ, cãi đi, tí nữa đừng than đau chân nhá.
- Chuyện nhỏ, muốn đẹp thì phải chịu thôi, chứ không lẽ đi đôi dép lẹp xẹp, giống ai?
Cả đám xuống đường, men theo dọc hè phố đi thẳng ra hướng chợ Bến Thành, đến đường Trần Hưng Đạo, một dòng xe cộ hỗn loạn chạy vô tội vạ. Tụi tôi lớ rớ đứng bên này hè phố chờ cho vãn xe để qua đường, nhưng dường như dòng xe cộ không hề dừng lại. Lúc trước, đoạn đường này còn có đèn xanh đèn đỏ, nay đã gỡ bỏ nên xe cộ chạy miết không biết dừng. Tụi tôi bám theo mấy người khách bộ hành cũng đi chợ hoa, dắt díu mấy thằng nhỏ, len lỏi theo dòng xe cộ, cuối cùng cũng sang được đến nơi an toàn. Tụi tôi vòng về hướng đầu cổng, đối diện với bùng binh chợ Bến Thành. Lúc này đầu cổng được trang trí đặt hai con rồng do các bàn tay khéo léo của nghệ nhân kết lại từ những chùm quả và những cành lá trông khá cầu kỳ, bắt mắt. Tôi giơ máy ảnh lên chụp lia lịa, tụi tôi bám theo nhau vào bên trong khu chợ hoa, người đi ngắm hoa đông đúc như trảy hội, tụi tôi dạo từ đầu chợ đến cuối chợ, chỉ thấy người là người. Hoa lèo tèo, đa phần là hoa Lan, đủ các thứ Lan treo đầy mọi chỗ, ghi giá tiền trên trời dưới đất. Cũng có thêm vài loại hoa khác, trông tầm thường chẳng có gì đẹp để ngắm xem. Những gian hàng bán hoa Mai, hoa Đào, bầy xung quanh, nhưng không thấy hoa đâu, chỉ thấy toàn cành lá trơ mình trong bóng đèn mờ tối.
Thỉnh thoảng, tụi tôi cũng tắp vào mấy gian hàng hoa Lan để chụp ké một vài tấm hình. Tôi xí xọn đứng nép vào giàn hoa làm dáng cho bé Trân chụp vài tấm, hình chụp cả nhà, chụp riêng lẻ từng đứa, chớp nhá liên hồi. Chợ hoa không có gì là rộng lớn, đi một vòng quanh chợ, thấm mệt, cả đám rủ nhau đi về. Mấy đứa nhỏ than mỏi chân quá, bước không nổi, tôi kêu xích lô đậu ngay bên lề chợ, tống khứ tụi nhỏ với bé Trân về trước, còn lại tụi tôi túc tắc đi bộ về sau.
Tới nhà, tôi mang camera, bỏ hình trực tiếp vào máy điện toán, phóng lớn mấy tấm hình ra cho cả nhà cùng xem. Hình thằng cu Tin cười nhăn tít hết cả mắt, thằng Dừa, thằng Minh, và mấy người khác trông tấm nào cũng dễ thương, chỉ có tôi là xấu đau đớn. Đã già, đã xấu mà tấm nào tấm nấy mặt mày cứ xưng xỉa lên, thật rõ chán, bực mình tôi xoá sạch, không để lại dấu vết. Con bé Trân đứng bên cạnh bị mắng lây:
- Mày chẳng biết chụp hình, dì mày đẹp ngời ngời thế này mà chụp thấy ghê.
- Đâu phải tại cháu, tại máy đấy.
Thằng Tài xen vào:
- Già, xấu thì chấp nhận đi, mẹ còn hay đổ thừa.
- Ừa, tui già tui xấu vậy đó, mai mốt tui chỉ yêu cầu anh lấy được cô vợ bằng tui thôi.
- Chắc chắn phải hơn mẹ rồi.
- Xí... Bố anh coi bói cho anh rồi, bố bảo mai mốt vợ anh đẹp tựa mợ Út.
- Trời... mẹ này, vừa phải thôi nghen.
- Vừa phải gì, Bố coi bói cho anh mà, không tin bữa nào hỏi bố xem có đúng không.
- Bố nói hay mẹ nói đó?
- Ừa, anh biểu tui già, tui xấu, vậy chớ bữa nào bà bác sĩ hỏi anh bộ tui là chị của anh đó, anh nhớ chưa?
- Ôi, bà bác sĩ đó mắt lé xẹ mẹ ơi.
- Xí...! Tui là tui yêu chồng, thương con, chứ cỡ tui ra đường hả, quơ tay trái được một anh, quơ tay phải cũng được một em, ở đó mà bày đặt chê bai này nọ.
- Nhà nước cấm đốt pháo từ lâu rồi mẹ ơi. Mẹ nổ vừa vừa thôi kẻo văng miểng tùm lum bây giờ
- Thôi em đi về đây, sáng mai còn cho thằng Minh đi học, ở đây nghe hai mẹ con bà cãi nhau như chó với mèo phát chán. Minh chào bác, chào các anh chị đi rồi về con.
Hạnh đứng lên với lấy giỏ xách, mặc áo khoác ngoài và đi ra cửa, thằng Minh líu ríu chào mọi người rồi chạy lon ton theo mẹ. Tôi vào internet đọc báo nhưng hầu như các báo hải ngoại đều bị chặn, tôi không biết cách vượt tường lửa, tôi tắt máy đi ngủ
***
Sáng hôm sau thức dậy, tôi mò xuống đường ăn bún riêu, khi xuống đến nơi thì nồi bún riêu cũng vừa được bán hết, tôi đổi qua ăn cơm tấm, đứng lớ rớ trước tủ đồ ăn mãi mà chưa biết chọn món gì, cuối cùng tôi gọi đại dĩa cơm tấm bì với sườn heo nướng. Ngồi xuống bàn chờ chị bán hàng bới cho dĩa cơm, tôi với tờ báo tuổi trẻ để ngay trên bàn ngó vào tỉ giá tiền Yên, tiền yên nay hơi tăng một chút so với vài ngày trước. Lượm đến bên cạnh đưa cho tôi mấy cái bao thơ, tôi mở ra đọc, thì ra là mấy tờ thư quảng cáo du lịch xuyên Việt, tôi nhíu mày hỏi:
- Sao công ty du lịch này biết được tên và địa chỉ của chị mà gửi đến tận đây mời chào hén?
- Chị chỉ cần về tới sân bay là họ có tên chị rồi, họ gởi tới dù chị có đi hay không đi với hãng của họ.
- À ra vậy, hèn gì lần nào về đây cũng nhận được thư quảng cáo thế này.
- Chị uống gì không?
- Ờ, cho chị ly trà đá.
Lượm không bán gì ngoài trà đá, nó cho mấy chị người Tàu mướn trước cửa chân cầu thang làm chỗ bán cơm, còn Lượm chỉ bán trà đá, tôi không biết mỗi ngày nó kiếm được bao nhiêu tiền lời. Lượm ngồi xuống đối diện với tôi, mang chuyện nhà cửa giải toả ra kể, nó bảo rằng chú hai, người hàng xóm duy nhất kế bên nhà tôi bảo nó đi đánh giùm mấy cái chìa khoá để tối đến khoá cổng lại, đừng cho bụi đời lên trên xả bậy tùm lum, bọn xì ke ma tuý lấy chân cầu thang này làm điểm chích choác, mấy bố nhậu tạt vào "tưới cây". Tôi gật đồng ý với ông hàng xóm, chập tối khoá cổng lại cho chắc ăn, bữa qua ông cũng đã bàn chuyện này với tôi. Ăn cơm xong, tôi trả tiền và rút thêm một tờ nữa đưa cho Lượm, nhờ nó mua giùm cho một ổ khoá và đánh thêm cho vài cái chìa.
Tôi đứng dậy lên nhà, quẩn quanh một lúc, tôi quyết định ra ngoài chị Chín uống cà phê. Thấy tôi thay đồ, thằng cu Tin biết tôi sắp ra ngoài cứ xán lại xin đi theo, đang chải lại mái tóc, tôi giơ cái lược phết vào đít nó bắt chạy xuống dưới phòng bảo mẹ thay cho bộ đồ khác, một lúc sau, Tin đi ra với bộ đồ mới, rộng thùng thình còn cái nón đội lên đầu thì quá nhỏ. Tôi dắt tay Tin đi xuống đường, đón xe ôm ra ngoài quán cà phê của chị Chín đen.
Chị Chín đang lúi cúi pha cà phê cho khách, tôi dắt cu Tin đến gần hét vào tai chị "công an", chị giật bắn mình hốt hoảng ngước lên, nhìn ra phía trước, không thấy động tĩnh gì, chị mới quay lại phía tôi:
- Đồ quỷ sứ, làm tao hết hồn.
- Khoẻ không chị?
- Cũng vậy.
Tôi kéo ghế ngồi xuống và níu cu Tin ngồi xuống bên cạnh, bảo chị pha ly cà phê sữa đá cho Tin uống. Chị Chín trông có vẻ mập hơn kỳ trước, da vẫn cứ đen nhẻm như hồi nào. Tôi không biết chính xác chị bao nhiêu tuổi, hỏi thì bữa nay nói tuổi này, mai lại bảo tuổi khác, không thể tin được. Chị Chín có tật ưa nói nhiều, nhưng mà nói trước lại quên sau, cũng một câu chuyện ấy nhưng được chị kể làm nhiều lần và mỗi lần nội dung lại khác đi, tôi thường hay bảo chị "Bà nhảm nhí quá, nói trước quên sau" chị Chín cười rồi lảng qua chuyện khác.
- Ông Hùng bỏ nuôi tôm luôn rồi hả chị?
- Ừa, tính ra nuôi tôm lỗ vốn, tán gia bại sản cũng vì con tôm mày ơi.
- Vậy mà lúc đầu nghe ham lắm.
- Ai mà biết trước, tưởng ngon ăn. Nuôi tôm cực thấy mồ, phải canh nước nè, mua thức ăn cho tôm nè, còn phải mướn người giữ đìa với mình. Vậy mà khi tôm lớn một chút nó lén mình câu tôm mang đi bán, cực trăm đường chớ sung sướng gì đâu.
- Để ông chạy xe còn ngon hơn hén?
- Ừa, coi vậy mà ổng có duyên với nghề tài xế. Anh chị liều mình mượn tiền ngân hàng mua xe trả góp, trả cũng gần hết rồi đó Hân.
- Vậy cũng mừng cho chị.
- Bữa nào gôm tiền mớ tiền, chị trả cho em hén.
- Khi nào chị trả cũng được, em không có hối, có thì chị đưa cho cái Hạnh, còn đang kẹt thì cứ để đấy, ai đòi đâu mà chị lo.
- Nói vậy chứ thiếu nợ lâu, chị cũng ngại thấy mồ.
- Dạo này buôn bán khá không?
- Kiếm vài đồng tiền chợ, công an bắt hoài khá gì nổi mày ơi.
Tôi ngồi dựa vào bức tường, ngó nhìn ra phía đối diện, lắc lư cái đầu, rồi buộc miệng hỏi chị Chín:
- Ủa, tiệm hớt tóc nay dẹp rồi hén chị?
- Ừa, dẹp mấy tháng rồi, vợ chồng thằng Quang dọn về ở, hình như không cho ai mướn nữa - Chị hạ giọng nói nhỏ với tôi - Vợ chồng nó giầu lắm, nói chuyện từ "ngàn cây" trở lên không à.
- Con vợ nó nói chuyện nổ thấy bà luôn, chị có nhìn thấy "ngàn cây" của nó không? Bất động sản bây giờ "đóng băng", tụi nó buôn bán nhà toàn mượn vốn ngân hàng, chết vì tiền lãi chứ ở đó mà "nổ". Giầu có người ta giấu thấy mồ, ai mà đi kể oang oang cho thiên hạ nghe. Sao chị ưa tin người ta quá.
- Ôi thì nó nói sao nghe vậy, ai mà biết nó "nổ" hay không.
Tôi thở dài thườn thượt, dù nó có "nổ" hay không "nổ" thì căn nhà của chúng tôi bán cho vợ chồng nó cũng lỗ mất vài trăm cây vàng theo giá thị trường hiện nay. Căn nhà được sơn lại một mầu vàng đậm xịt cho nó khác người, trổ mái hiên trước làm lan can, và một hôm cái lan can đó chẳng ai động tới bỗng đổ xụp xuống dưới hè đường, may mắn không có người nào bỏ mạng. Thằng Tin uống xong ly cà phê bắt đầu ngồi uốn éo vặn vẹo trên ghế, hỏi:
- Bác Hân ơi, chừng nào qua nhà bác Lan.
Tôi nhìn nó cười, chỉ cho chị Chín:
- Chị coi nó này, mới sáng ra đã cà ẹo cà ẹo, đúng là thứ lười thối thây, mẹ nó đút cơm cho ăn mà nó nằm dưới đất cứ như không có xương. Cưng con kiểu này mai mốt ngồi đó mà khóc vì con.
- Con nít bây giờ vậy đó, đẻ có một hai đứa thành ra ai cũng chiều con.
- Lười học lắm chị, nghe nói đến đi học là khóc, nước mắt chảy đầm đìa, đi học mẫu giáo chỉ đến lớp chơi, ăn ngủ rồi về chứ đã phải học chữ đâu mà sao nó sợ dữ vậy.
- Trời, thằng con chị cũng vậy, cứ phải mướn đi học không à.
- Nói nó không đi học lớn lên làm sao kiếm tiền, nó biểu mai mốt làm làm thợ sửa điện lạnh giống ba nó, nghe có sướng không?
- Nó nói vậy thiệt hả?
Tôi hất đầu sang phía cu Tin, bảo chị Chín hỏi nó xem có đúng không.
- Thằng Dừa cũng vậy, cứ xin mẹ cho con nghỉ học, mẹ nó quát, không đi học mai mốt lớn lên làm gì nuôi mẹ, nó bảo mai mốt con bán cà phê giống mẹ.
Tôi và chị Chín cùng phá lên cười, hết nói nổi mấy thằng nhỏ, trông chờ gì ở mấy "mầm non" của đất nước như cái lũ này. Thấy con mắt cu Tin lờ đờ, sợ nó ngồi ngủ gục, tôi trả tiền cho chị Chín và đưa Tin qua bên quán chị Lan.
***
Tôi dắt Tin đi bộ theo vỉa hè trước mặt, quẹo tay trái độ một khúc ngắn là tới quán cà phê của chị Lan. Quán hôm nay khá đông, khách ngồi tràn hết ra cả hai bên hè của chung cư, chị Lan thấy tôi và cu Tin đi vào cất tiếng hỏi:
- Hai bác cháu mày đi đâu về mà đi bộ vậy?
- Bên Chín Đen. Dừa đâu rồi?
- Đi học.
- Chưa nghỉ Tết hả?
- Chưa, vài bữa nữa.
Tin tụt dép, bước vô trong nhà, nằm dài xuống nền gạch bông. Tôi cũng theo vô, ném cái gối cho Tin kê đầu, với tay bật quạt gió cho thằng nhỏ ngủ. Tôi trở ra ngoài phụ chị Lan pha cà phê để chị bưng đi, đứng lớ rớ quanh đó để xem khách có kêu thêm bình trà hoặc mang vài điếu thuốc lá. Bà Ba vẫn ngồi bán trước cửa, đứng dậy đến bên cạnh tôi thủ thỉ:
- Cháu nói cô Lan nếu không xài tới điện thoại thì cho cô xin lại, cô sẽ trả tiền theo hợp đồng ký trước. Cô muốn cho khách xử dụng điện thoại công cộng, không có tôi sắp chết đói đến nơi rồi cháu ơi. Thuốc lá hồi xưa cô Lan còn cho tôi bán, bây giờ cô dành mối luôn.
Tôi nhìn bà ta lom lom, rồi cất tiếng:
- Cô có hộ khẩu thành phố, cô muốn mắc điện thoại mới thì cứ việc lên số 2 Hùng Vương xin, sao phải lấy lại số này làm gì cho rắc rối.
- Trời ơi, cháu không hiểu, tên cô chỉ được đứng một cái thôi.
- Vậy hả? Sao cô không nói thẳng với chị Lan cháu.
- Được thì cô đâu có nhờ cháu làm gì, cháu cũng biết cô Lan khó tính lắm.
- Để cháu nói với chị cháu sau, còn bây giờ... (tôi cười nịnh) rảnh cô xem cho cháu một quẻ đi.
- Bữa khác cháu ạ, hôm nay cô không có hứng.
Thấy chị Lan dọn mấy ly cà phê bên kia đường đang băng qua, bà Ba đứng dậy lảng đi chỗ khác. Tôi ngồi xuống cái ghế trống đặt trước cửa nhà, ngó vô trong, thằng cu Tin ngủ ngon lành xùi cả bọt mép, tôi với tấm khăn lông đắp lên ngực cho cháu. Chị Lan ngó vô hỏi:
- Ngủ rồi hả?
- Ừa, ngủ rồi, hồi nãy ngồi bên bà Chín mà cứ vặn vẹo uốn éo hỏi em chừng nào qua nhà bác Lan.
Tôi kéo ghế ngồi sát bên chị Lan hỏi nho nhỏ:
- Bà Ba xin lại cái điện thoại, sao chị không trả bà cho rồi, hồi ấy mình mua hết 2 triệu rưởi, tính ra bây giờ lắp cái mới chỉ hết 500 ngàn, dại gì mà không nhận.
- Tại vì con mẹ đó thấy ghét, đồ cái thứ ăn không nói có, cả xóm ai bà cũng kiếm chuyện.
- Mặc kệ bà, mình đừng dây dưa gì với bà là được. Bà bảo chị dành luôn cả mối thuốc lá của bà nữa. Thôi hàng xóm với nhau, kẻ kiếm cơm, người kiếm cháo, nhịn nhau mà sống.
- Ai thèm dành, hồi trước cho bà bán để bà kiếm tiền chợ, nhưng cứ bỏ đi hoài, nhiều lúc bà bán thuốc mà không dặn chị, chị có biết gì đâu nên không tính tiền, về bà nhẩy đỏng lên bắt đền chị, đã vậy còn tính tiền lời nữa chứ. Ghét quá tao bán luôn cho chết.
Tôi ngồi bật cười, cái tật của bà Ba thì xóm này ai mà không biết, từ trên xuống dưới, bà cãi lộn sạch sành sanh, không chừa một ai, đã vậy lại chửi điêu ngoa, mấy lần tôi ngồi chứng kiến bà chửi lộn, tôi còn phải bịt lỗ tai lại.
- Ai tới đây bà cũng mượn tiền, em ngồi tí xíu nữa đi, thể nào bà cũng gạ mượn tiền cho mà coi. Đến cả con bé Trân bà cũng đòi mượn tiền nó nữa. Riết khách khứa nhìn thấy bà là họ tránh mặt.
Tôi ngó chị Lan nhăn răng ra cười, cười thôi chứ chẳng biết làm gì nữa. Lúc này đã là buổi trưa, trời nắng gay gắt, hắt ánh nắng chói chang trên đường phố. Xóm bên này nhốn nháo nhộn nhịp khách ghé vào ăn cơm trưa, quán cơm phần của anh vợ chồng anh Tiệp bắt đầu dọn ra bán vào lúc 11 giờ trưa. Chị Lan rủ tôi ăn cơm, tôi từ chối định để dành bụng chút xíu nữa về nhà, tôi thích ăn bữa cơm gia đình có nhiều rau luộc, mọi người quấn quít bên mâm cơm mới vui. Cu Tin vẫn ngủ ngon lành, tôi không nỡ đánh thức nó dậy, chờ khi nó tỉnh giấc sẽ đưa cu cậu về nhà luôn. Tôi vẫn ngồi ở ngay thềm cửa, dõi mắt nhìn chị Lan ăn cơm, dĩa cơm mắm trưng có vài lát dưa leo, cà chua xắt mỏng thêm ít cọng rau đắng, cùng một chén nước mắm nổi lềnh bềnh tỏi và ớt bằm, bên cạnh có một chén canh chua lõng bõng toàn nước. Chị Lan đưa muổng cơm đút vào miệng ăn ngon lành, tôi quay đi chỗ khác.
Bà Ba vẫn ngồi ở đầu cổng, đằng sau cái tủ thuốc lá, có treo tòng teng nhiều loại tạp phẩm khác như dầu gội đầu lẻ từng bịch nhỏ xíu, mì gói các loại, từ phở ăn liền, mì ăn liền đến hủ tiếu, miến, bún bò... đủ loại, thứ gì cũng ăn liền, ngoài ra bà còn bán cả đường, bột ngọt, kem đánh răng, xà bông đến bánh kẹo. Giữa buổi trưa nắng gắt, bà ngồi treo mỏ nheo mắt nhìn ra ngoài đường. Tôi để ý từ nãy đến giờ, chẳng có người khách nào ghé lại hàng của bà hỏi mua, thấy tội nghiệp, tôi gọi với từ bên trong, kêu bà bán cho tôi mấy ký đường trắng, kêu thêm phở gói ăn liền và mì gói các loại. Tuy rằng những thứ này tôi có thể mua ngay gần nhà, tại tiệm của bà Tàu, nhưng mua đâu thì cũng vậy mua giùm cho bà Ba để bà mừng. Bà Ba tíu tít soạn ngay những thứ tôi mua vào cái bịch mủ mầu vàng chanh, xách vào để ngay trước mặt cho tôi, bà lôi trong đó ra mấy bịch đường trắng tinh nói:
- Đường hôm nay lên giá lắm rồi cháu ạ, cô chỉ lấy theo giá cũ, không ăn lời cháu.
- Cô cứ tính như bán cho người ta, không cần phải bớt đâu. Cô lấy cho cháu phở bò, đừng lấy phở gà, mấy đứa nhỏ không thích ăn phở gà.
- Ừ cô lấy đủ hết rồi đấy, tổng cộng hết 93 ngàn đồng, thôi bớt cho cháu 3 ngàn còn lại 9 chục đồng chẵn nhé.
Tôi móc bóp đưa bà tờ 100.000 đồng, nói:
- Cô khỏi phải thối, tặng cô luôn.
Bà ba nheo mắt nhìn tờ tiền tôi mới đưa một cách chăm chú.
- Tiền thật đấy, không phải giả đâu, cháu vừa đổi trong ngân hàng ra mà...Mà mắt bà kèm nhèm như thế làm sao phân biệt giả hay thật.
- Gớm, cô lại chê mắt tôi, cô cứ thử đưa một đống tiền ra đây xem tôi có nhận diện được không nào?
Tôi nhe răng ra cười, bà Ba vén vạt áo đút tờ tiền vào túi quần được mổ ngay lai trước bụng, gài kim tây cho chắc cú rồi bà lại quay ra ngồi lên chiếc ghế đằng sau tủ thuốc của bà. Lần trước về thăm nhà bà Ba có nhã ý tặng tôi một thùng phở bò ăn liền, tôi trả tiền nhất định không lấy, tôi phải gửi lại chị Lan để chị lựa dịp trả cho bà, vì tôi ngại cái miệng của bà, vui thì không sao mà hễ buồn lại đem ra kể lể, tôi không thích.
Cơn buồn ngủ bắt đầu kéo ập tới, tôi ngồi đó mà mắt lim dim. Thằng cu Tin đã thức dậy kêu đói bụng, chị Lan qua bên quán cơm mua cho nó một dĩa. Tôi leo lên gác chập chờn ngủ được một lát thì cái điện thoại lại réo um xùm làm giật mình ngồi bật dậy, cất tiếng lè nhè:
- A lô.
- Chị hả, chiều nay đi ăn hén, chị Nhung mới gọi cho em.
- Ừ, mấy giờ?
- Khoảng 5 hay 6 giờ gì đó. Mà chị tính đi ăn gì?
- Ăn gì cũng được, tới cái chỗ nào rẻ một chút, người ta mời mình mà.
- Hay đi ăn lẩu dê, gần nhà mình hén.
- Ừ, vậy cũng được.
- Chiều em với chị Nhung lên.
Tôi gập máy lại, vươn vai, lọ mọ bò ra cầu thang, bám lấy thành từ từ tụt xuống nhà. Chị Lan nhìn thấy, hỏi:
- Không ngủ nữa hả?
- Ngủ có được đâu, mệt thêm.
Vừa lúc đấy, con bé Trân đi học về tấp vào đây. Tôi ngó sang bên cạnh, cu Tin đã ăn xong dĩa cơm. Tôi vội nói với Trân:
- Mày chở dì về bên nhà đi, về nghỉ ngơi cho khoẻ. Tin có về với bác luôn không?
- Có.
Tôi lấy áo khoác, đeo ba lô, đội nón, thằng cu Tin đã nhanh nhẹn leo lên đằng trước xe của chị Trân, ngồi lọt vào lòng chị. Tôi quát lên:
- Nón của con đâu?
Chị Lan cầm cái nón đưa sang cho tôi đội lên đầu nó, thằng bé né đi chỗ khác, miệng lùng bùng:
- Hư đầu của con.
Cả đám cười rộ, cu Tin cắt đầu đinh, xịt keo cho tóc đứng xững, nếu đội nón tóc sẽ bị hư nên không chịu đội cái nón vào đầu nó. Tôi leo lên phía sau lưng Trân, nó rồ ga cho xe vọt đi.
***
Chiều gần quãng 6 giờ, Hạnh và chị Nhung chở thằng Minh chạy xe xuống nhà tôi. Cả nhà kéo nhau đi bộ ra quán lẩu dê nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, ngay góc ngã tư Phó Đức Chính. Trời đã bắt đầu chập nhoạng tối, dân nhậu kéo đến ùn ùn, ở đây lúc trước chỉ có hai quán kế bên nhau, thấy làm ăn khấm khá, một quán khác cũng mọc lên đối diện bên kia đường để cạnh tranh, lúc đầu quán văng teo, nhưng nay khách khứa cũng dập dìu, náo nhiệt.
Tụi tôi chọn quán ăn quen thuộc nằm bên góc ngã tư đường hướng về chợ Bến Thành. Khách đã ngồi tràn cả ra hai bên hè phố, mùi thịt nướng, mùi lẩu dê bốc thơm ngào ngạt, tiếng cười nói ồn ào, tiếng cụng ly chan chát, cái âm thanh quen thuộc vang dội khiến tôi mỉm cười. Mấy người chạy bàn xúm đến thật lẹ, kẻ kéo bàn, người nhấc ghế mời gọi nhiệt tình. Tụi tôi chọn cái bàn còn trống ngay trước cửa quán, phía gần lề đường, bên trong đang có ba ông khách ngồi nhậu, mặt mày đỏ ké, nồi lẩu dê xôi sùng sục. Hạnh, thằng Minh, chị Nhung ngồi một bên, bé Trân, thằng Tài con tôi ngồi một bên, còn tôi thì ngồi chính giữa, quay lưng lại với bàn của ba ông nhậu kế bên. Bỗng tôi giật mình nghe tiếng la mừng rỡ của một người đàn ông vang lên sau lưng mình:
- Chị Nhung. Phải chị Nhung không?
Tôi quay đầu nhìn lại, người đàn ông còn khá trẻ, mặc áo thung quần sọc, mặt đỏ tía tai, nhìn chị Nhung cười hớn hở cứ như trẻ con mừng mẹ đi chợ về. Chị Nhung đờ đẫn gương mặt trong giây lát, rồi như sực tỉnh ra, chị chỉ thẳng ngón tay vào mặt anh chàng đó, thốt lên bằng cái giọng bất ngờ:
- Thắng, đúng là em rồi, "địt mẹ" thằng em mười năm không gặp.
Chị nhào ngay ra phía đầu bàn, tôi kéo ghế né gần qua chỗ con tôi, nhường cho chị ngồi nói chuyện với người quen, miệng chị liến thoắng:
- Địt mẹ thằng em, mười năm rồi nhỉ, mày đi đâu mà mất biệt, cho chị ôm một cái xem nào.
Chị giơ tay ra, ôm chầm lấy thằng em mười năm vừa gặp lại, vỗ vỗ vào lưng như nựng con, hỏi:
- Dạo này làm ăn sao rồi, có khấm khá không em?
- Bết lắm chị ạ. Chẳng làm ăn được gì.
Lúc này, như sực nhớ ra còn có tụi tôi bên cạnh, chị quay qua giới thiệu:
- Đây là cậu Thắng, đàn em của chị ngoài Hải Phòng lúc trước, thân lắm, như chị em trong nhà - chị chỉ vào tôi nói - Còn đây là con em gái chị bên Nhật mới về, cô này - chỉ vào Hạnh - em gái nó - Mấy đứa thông cảm nhá chị ưa nói bậy, quen cái miệng rồi, bỏ không được.
Tôi gật đầu chào anh ta, mặc cho hai người nói chuyện, tôi cầm cuốn thực đơn lên đọc, chọn món. Thật ra, tôi chỉ cầm cuốn thực đơn lên đọc cho lấy lệ, vì thức ăn trong quán này chỉ có vài món đã quen thuộc đối với tụi tôi, tôi kêu món vú dê nướng ra trước, vú dê được xắt thành từng miếng, tẩm gia vị và bỏ lên lò than đỏ rực nướng cho chín, ăn chung với rau thơm, hành tây ngâm dấm, cà chua cắt mỏng, rau xà lách cuộn và chấm vào chén chao pha sẵn có trộn cả ớt sa tế, đỏ lòm. Đây là món đặc sản của quán, ngon tuyệt vời. Con tôi kêu món óc heo có thêm cái hột gà chưng thuốc Bắc, đó là món khoái khẩu của nó, tôi không dám đụng đến, từ ngày chứng kiến vụ tai nạn xe cộ trên đường quốc lộ số 1 tại Mỹ Tho, cứ nhìn thấy óc heo là tôi phát chết khiếp.
Món vú dê nướng được dọn ra trước, lò lửa than cháy đỏ rực, gặp mỡ từ miếng thịt rớt xuống, bùng sáng lên, khói bay khét lẹt. Tôi phải nghiêng người né làn khói bị gió thổi tạt vào mặt mình. Chị Nhung vẫn tiếp tục hàn huyên với ông em vừa gặp lại, câu chuyện càng lúc càng bốc đồng, chị kể chuyện những ngày anh chị xa Hải Phòng vào Sài Gòn lập nghiệp, những bước thăng trầm trong cuộc đời phiêu dạt nơi quê người...và những gì anh chị đạt được ngày hôm nay. Chị bắt sang chuyện hai đứa con gái, đôi mắt chị long lanh, tự hào, với nét mặt vui phơi phới.
- Hai đứa con gái chị xinh lắm, học giỏi lắm, cả hai đứa đều đi du học ngoại quốc, con lớn xinh hơn con út, được học bổng đi Pháp du học, con này rành mấy ngoại ngữ, tiếng Anh này, tiếng Pháp này, tiếng Tàu này, tiếng Trung Quốc... nó nói như gió.
Tôi phì cười nghĩ thầm trong bụng, tiếng Tàu với tiếng Trung Quốc không biết nó khác nhau ở chỗ nào.
- Con út học giỏi hơn, lấy được học bổng bên Nhật, đang học ở một trường đại học danh tiếng bên thành phố Osaka. Con tao nó học giỏi như "Rô bốt"
Tôi đang ăn, nghe chị ví con mình học giỏi như rô bốt làm tôi bật cười, thức ăn văng tùm lum, tí sặc. Thằng con nhẩy lên, lấy khăn lau lấy lau để, la trời:
- Mẹ dơ quá mẹ ơi, văng tùm lum à.
Tôi che miệng cười khúc khích, khiếp thật, ví con mình học giỏi như rô bốt. Quả thực là dân Việt Nam mình sao mà khoái "nổ" ghê. Trường đại học danh tiếng mà cô con gái học giỏi như rô bốt của chị đang học, chỉ là một trường dạy tiếng Nhật cho học sinh ngoại quốc đến học. Con chị được cấp học bổng do chính phủ Nhật tài trợ một năm, nếu học xuất sắc, thi đậu được vào một trong các trường đại học tại Nhật thì sẽ được tiếp tục ở lại học, còn thi rớt, xách va li về nước. Không hiểu mà cứ khoe mẽ, người ta biết người ta cười cho thối mũi.
Món dê nướng vừa được chúng tôi xơi láng thì cái lẩu lớn được bê ra, kèm theo một lô xích xông nào rau cải bẹ xanh, rau tần ô, măng tươi luộc, đậu hũ non, tàu hũ ki, khoai môn chiên, mì, hủ tiếu các loại, trông thật hấp dẫn. Tụi tôi ngồi chờ cho nồi lẩu xôi sùng sục, thả các loại rau vào, nhúng cho tái và vớt ra ăn, nồi lẩu dê nước ngọt lịm, chắc đầu bếp phải bỏ vào trong nồi nước lèo cả ký bột ngọt không chừng. Chị Nhung vừa ăn, vừa nói chuyện với người quen, tôi vẫn giữ im lặng, chỉ thỉnh thoảng khúc khích cười khi bắt gặp một câu nói khôi hài phát ra từ miệng chị.
Thành phố đã lên đèn, tôi ngồi ăn mà mồ hôi mẹ đổ mồ hôi con, hơi nóng vẩn toả ra từ nồi lẩu, cái nóng hừng hực đến nghẹt thở. Chị Nhung gọi điện thoại cho chồng, rủ anh ra đây nhậu và nhân tiện gặp lại thằng đàn em cũ hồi còn ở Hải Phòng. Tôi đã no bụng, ngồi nhìn lơ đãng ra bên ngoài đường phố, cứ mỗi khi thấy ai đó chạy ngang là y rằng mấy cô nhân viên nhào ra chèo kéo mời vô quán ăn lẩu dê. Xe kẹo kéo đầu đường mở nhạc lớn hết công xuất, tụi nó làm như hành khách ngồi ăn bên này bị lòi tai, đám thanh niên bên kia lâu lâu lại gào lên "Dzô", tiếng cụng ly chan chát, tiếng cười hả hê, tất cả quyện vơi nhau thành môt âm thanh hỗn độn, đến khó chịu. Con tôi ăn đã no bụng, ghé tai tôi nói nhỏ: "Mẹ ơi, con về trước nghen". Tôi gật đầu, biết cái tật của nó, về cho chóng để còn chơi game. Hình như ai cũng no bụng, nồi lẩu vẫn được châm nước lèo đầy, sôi sùng sục, thấy vậy tôi tắt lửa cho bớt nóng. Khách kéo đến khá đông, nhưng các bàn đã chật cứng, tụi tôi kêu tính tiền đi về, nhường chỗ cho khách mới đến. Chị Nhung chia tay tụi tôi ở đây, cùng người đàn em mười năm gặp lại về nhà của chị. Tụi tôi lại đi bộ, men theo hè phố về nhà mình. Buổi tối hôm ấy, mẹ con cái Hạnh ngủ lại nhà tôi, chị em thức nói chuyện đến tận khuya, thỉnh thoảng nhắc lại câu “con tao học giỏi như rô bốt" lại oà lên cười vui vẻ.