Cũng buổi tối hôm đấy, vào quãng độ 11 giờ khuya, chị, em, dì cháu nhà tôi đang quây quần đánh bài giải khuây bên ngoài phòng khách, bỗng tiếng chuông điện thoại đổ dồn, đưa nào cũng đưa mắt nhìn tôi, thằng Út nhắc khéo:
- Điện thoại của chồng chị đấy, vào nghe đi!
- Không phải đâu, chồng tao có bao giờ gọi vào điện thoại bàn. Chắc lại là điện thoại hỏi đường của con này - tôi đưa mắt liếc qua đứa cháu gái đang ngồi bên cạnh, nói - để tao!
Tôi đứng dậy, úp phần bài còn đang đánh dở trên tay xuống nền gạch bông, chạy vào nhấc máy điện thoại lên:
- A lố...
Đầu giây bên kia im lặng, tôi đoán chắc là bạn con bé Anh nghe tiếng tôi, sợ quá nên nín khe. Tôi gằn giọng mạnh hơn:
- A lô, ai đấy?
Không có tiếng trả lời nhưng lại văng vẳng tiếng thút thít nấc nghẹn như tiếng mèo kêu phía bên kia vọng lại. Tôi giật mình nghĩ đến điềm không lành cho gia đình mình, tính lên tiếng hỏi cho rõ là ai, có chuyện gì xẩy ra thì tiếng xụt xịt nhỏ nhẹ, cất lên:
- Hân ơi, chị đây!
- Chị Vân Giang hả, có chuyện gì thế?
- Thằng Tường nhà chị bị công an bắt rồi.
- Hả? Vụ gì vậy, tại sao nó bị bắt?
- Nó buôn thuốc "lắc"
- Chết cha rồi! Nhiều không?
- Chị không biết số lượng là bao nhiêu, nhưng nghe công an nói lại nhiều lắm.
- Nó bị bắt lâu chưa?
- Mới cách đây mấy hôm thôi, công an vừa báo cho chị biết tin.
Tôi nhắm tịt mắt lại, buông tiếng thở dài, lẩm bẩm chửi: "Thằng chó chết, nó lại làm khổ mẹ nữa rồi", tôi bê nguyên cả cái điện thoại bàn cùng dây nhợ sang phía giường ngủ, ngồi xuống đó. Chị Vân Giang vẫn xụt xịt:
- Chị cũng không biết làm sao nữa. Mấy ngày nay cứ bấn hết cả lên, chẳng làm được việc gì. Nghĩ đến con là nước mắt giàn giụa.
- Chị đã báo cho bố nó biết tin chưa?
- Chưa, mặt mũi nào đâu nữa mà báo cho ông biết. Thật không ngờ số chị nó lại "chó má" như thế này!
- Em phải làm gì cho chị đây? Có cần em giúp gì không?
- Chị chỉ cho em biết tin vậy thôi, ngoài em ra, chị chẳng biết tâm sự với ai.
- Chị phải thật bình tĩnh, đừng cuống lên như vậy. Chị nên gặp công an xem tội của nó như thế nào? Có gỡ được gì không? Đừng có khóc lóc nhiều nữa, chẳng giải quyết được gì đâu.
Đầu giây bên kia, tiếng nức nở của chị vẫn vang lên không ngớt. Tôi đành im lặng, chả biết phải an ủi chị như thế nào. Tôi hiểu chị, hiểu tấm lòng của người mẹ thương con vô bờ, nhưng với tôi phạm tội gì chứ tội buôn bán ma tuý thì tôi chẳng hề thương xót. Tôi chửi thầm trong bụng: "Cái thứ ngu, cơm không muốn ăn lại vục đầu vào đống cứt, chỉ tổ làm khổ mẹ mình". Chị nói thêm với tôi vài câu nữa rồi cúp máy. Tôi uể oải đứng lên đi ra ngoài.
- Nhanh lên bà, ai mà nói lâu dữ vậy?
- Bà Vân Giang chứ ai, thằng Tường bị bắt rồi.
Chị Lan trợn mắt hỏi dồn:
- Bắt cái gì đấy? Lại bị tóm điện thoại di động à?
- "Thuốc lắc"
- Ủa, sao nghe nói nó đi Campuchia buôn lậu điện thoại di động.
Thằng Út nhà tôi rít mạnh hơi thuốc lá, ngửa cổ nhả khói lên trần nhà, chật lưỡi, lắc đầu, nói:
- Tôi đã dự đoán từ trước rồi, thấy chưa bà Hân: Nhân bảo như thần bảo! Ngu thì chết!
- Còn mày nữa đấy, cờ bạc cho lắm vào, túng bấn rồi làm bậy đi nghen - Tôi nổi sùng, dứ ngón tay vào thẳng mặt nó - Tao bỏ luôn đấy!
- Bà đúng là vô duyên, "giận cá chém thớt"!
Tự nhiên, chuyện thằng Tường bị bắt lại làm cả nhà xôn xao, người nói qua, kẻ bàn lại, ồn ào như vỡ chợ. Tôi vẫn còn ám ảnh chuyện ma tuý trong đợt về quê hồi năm 2003, giờ mà ai nhắc tới hai chữ "ma tuý" là tôi ưa nổi quạu.
- Tao mà làm tổng thống, cứ đứa nào phạm tội ma tuý, già, trẻ, gái hay trai cũng vậy. Tao cho mang bắn bỏ hết! Ba cái thứ rác rưởi đó để trong xã hội làm cái gì.
Sòng bài tan rã, mỗi người ngồi một xó. Chị Lan nghe tôi nói mạnh quá vội cất tiếng:
- Ê...ê! Nhà mày có hai người đó nghen.
- Cho bắn luôn, không thương tiếc. Chết một lần, khóc một lần rồi xong.
- Nói nghe hay lắm, vậy chớ đứa nào bỏ tiền đi thăm nuôi?
- Chẳng qua là lòng nhân đạo, bắt buộc phải nuôi thôi. Không lẽ bỏ chết đói!
Thằng Út nhà tôi thọt vào:
- Bà dạo này phát xít thật, sống chung với ông chồng phát xít hình như lây nhiễm rồi thì phải.
Tôi trợn mắt lên:
- Phát xít cái gì. Đúng thì thôi chứ, tụi bay coi cái đám này này - Tôi đưa tay chỉ vào lũ con nít - Ai cũng ham lợi làm bậy rồi thì tương lai tụi nó sẽ ra sao? Có muốn tụi nó thành lũ ghiền hết không?
Mọi người im lặng, không ai nói với ai lời nào nữa. Tôi bỏ vào trong phòng sửa soạn đi ngủ. Thằng Tài lặng lẽ theo sau mẹ, kéo tấm nệm dành riêng cho nó dựng ở ngay chân giường, ngả xuống, rồi leo lên nằm lọt thỏm bên trên.
Bên ngoài mọi người cũng đã tản đi, tắt đèn tối thui. Tôi nằm trên giường, mắt nhắm lại nhưng không sao ngủ được. Chuyện thằng Tường bị bắt đối với tôi chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Gia đình tôi cũng đã hai lần rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế này. Cả anh chị tôi đã nhận bản án dài dằng dặc. Lần nào được báo tin tôi đều nhẩy đổng lên chửi vung xích chó, chửi cho đã cái miệng hỗn của mình, rồi rốt cuộc cũng phải giơ cái thân gòm ra chạy chọt lo lắng thăm nuôi...đủ thứ chuyện, bởi vì ngoài tôi ra sẽ chẳng có ai lãnh nhận lấy công việc này.
Suy cho cùng Tường đâu đến nỗi đói khổ, nó còn sướng gấp bội lần những đứa trẻ cùng thời nay. Chị Vân Giang tuy không dư dả gì nhưng vẫn lo lắng chăm sóc các con từng ly từng chút, chẳng để tụi nó thiếu thốn thứ chi. Hơn nữa nó còn có bố ruột là Việt Kiều, lâu lâu lại có "tiền đô" gửi về cho nó. Lúc Tường cưỡi chiếc xe Spacy sang trọng, thì tôi chỉ chạy chiếc xe honda cà tàng, cũng có chết ai đâu, tôi không có tánh se sua. Thủa thiếu thời tôi sống trong nghèo khổ, nứt mắt ra đã phải bương chải kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tôi làm gì dám mơ mộng có được chút tiền đô từ nước ngoài trợ giúp. Thảng khi, thấy hàng xóm xôn xao đi đón Việt Kiều, chị em tụi tôi nhìn theo ngậm ngùi thèm khát: "Ước gì nhà mình cũng có "Việt Kiều" đặng cho mình được một lần ra sân bay đón, nếm thử xem mùi vị "Việt Kiều" ra mần sao!".
Cha mẹ sanh con trời sanh tánh, chẳng biết đâu mà lần. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai. Hoặc giả thử nếu ai cũng biết suy nghĩ như mình thì trên đời này đâu còn tội phạm, thế giới sẽ không có chiến tranh, cuộc sống nơi trần thế sẽ thành thiên đường mất... Chuyện xảy ra cho chị Vân Giang, tôi không biết phải làm gì để giúp chị, có chăng chỉ là những lời động viên an ủi, hoặc vài trăm đồng giúp cho chị xoay xở đỡ trong lúc khốn đốn này. Thú thật, muốn giúp chị nhiều hơn tôi cũng không đủ khả năng vì tôi còn gia đình, còn cả lũ bạn bè nghèo khổ nhếch nhác cần đến sự giúp đỡ của tôi nhiều lắm. Tôi và chị tuy không phải là bà con ruột thịt, nhưng thân thiết với nhau từ lâu. Nghĩ tới hoàn cảnh của chị, tôi thấy sao mà xót xa.
Ngày tôi dọn về làm hàng xóm nhà chị, tôi không hề quen biết ai. Một lần mò ra ngoài cổng ăn sáng, tôi chọn gánh hàng của chị chỉ vì con mẹ bán bún bò Huế trông đẹp gái quá, mà bản tính của tôi xưa nay lại ưa người đẹp. Chị đẹp thật, vừa đẹp vừa sang lại vừa khéo mồm. Tôi cố moi trong óc mình xem đã gặp bà này ở đâu, nhìn quen quá chừng. Mãi sau này tôi mới nhớ ra, chị giống hệt một diễn viên điện ảnh Hồng Kông hay đóng cho hãng truyền hình ATV. Dạo sau này tôi ít ghé ăn hàng của chị vì với tôi chị nấu bún bò Huế dở ẹc, ngọt lịm đường không đậm đà chút nào. Lúc trước khi tôi về xóm chị, tôi đã từng mở quán bán bún bò Huế trên đường Thi Sách hồi những năm 90. Nấu bún bò Huế phải biết chọn mua thịt bò bắp, trước hết xương bò mang về nướng sơ qua, rửa sạch lại bằng nước muối lạnh, sau đó bỏ vào hầm lấy nước, phải chịu khó vớt bọt cho nước được trong. Thịt bò bắp luộc hơi kỹ một chút sau đó vớt ra để nguội. Nước lèo phải được nấu từ đêm hôm trước, để cho nguội đến sáng hôm sau mới đánh mắm Huế vào, nếu đánh mắm vào lúc nước đang nóng, sẽ bị dậy mùi tanh khó chịu. Đánh mắm xong đun cho nồi nước lèo xôi, đồng thời thả xả cây vào trong cho quện mùi thơm của mắm Huế, nêm nếm cho vừa miệng là được. Muốn có nồi nước lèo hấp dẫn, ta phải biết làm mầu sao cho đẹp, hột điều xào với dầu cho ra mầu, xong lọc lấy hột vứt đi, chỉ giữ lại phần nước màu, sau đó thả tỏi bằm, xả bằm, ớt tươi xay, ớt khô đổ chung vào đó, trộn lên cho đều. Múc một muổng thứ nước hỗn hợp đó bỏ lên trên nồi nước lèo, trông nó thật hấp dẫn.
Chị Vân Giang có hai con, một trai một gái, lúc tôi biết chị thì thằng Tường đã gọi khám Chí Hoà là quê hương rồi, nó được mời vào đó vì can tội mua bán hàng gian, tiếp tay bọn ăn cắp. Một năm sau đấy, anh Bắc tôi kế bước theo chân Tường vô nhập tịch Chí Hoà, nhưng khác tội danh là "chơi" hàng ma tuý. Từ đấy, hai gia đình thân thiết hơn vì cùng chung hoàn cảnh. Tường và anh Bắc được mang ra xử cách nhau vài tháng, Tường nhẹ tội hơn nhận án 8 năm còn anh Bắc 14 năm. Tường được lên trại tù Hàm Tân, còn anh Bắc về Z30A. Gia đình hai bên hàng tháng vẫn phải đi thăm nuôi tiếp tế.
Đầu năm 2000, nhờ khéo lo chạy chọt hay nhờ "cải tạo" tốt mà Tường được thả về trước hạn. Tưởng nó biết sợ cuộc sống tù đầy, tu chí làm ăn, ai dè chứng nào tật nấy. Tường và thằng Út nhà tôi giống hệt nhau, mê đá gà, cá độ đá banh, dù không có tiền tụi nó cũng vay mượn xã hội đen hoặc cầm cố xe cộ để lao vào cá độ y như những con thiêu thân, khi không có tiền trả phải trốn chui trốn nhủi. Chị đã bao lần bị tụi giang hồ gọi điện thoại lên nhà hăm doạ đủ điều, phần thương con, phần sợ đám giang hồ. Chị lại phải vội vàng chạy tiền chuộc nợ cho nó. Đầu năm 2004, Tường cưới vợ biết tu chí làm ăn, tôi cũng mừng cho chị. Tưởng nó tu chí làm ăn thật, ai dè bỏ cờ bạc đi buôn ma tuý còn quá cha, thằng này đúng là số ở tù. Từ đây chị lại tiếp tục còng lưng lo đi thăm nuôi con dài dài...
***
Sáng hôm sau tôi đang ngủ thì bị thằng Út vô phòng đánh thức.
- Em lên tiệm đây, sáng nay chị có đi đâu thì đi nhớ trưa về sớm, em ghé về chở chị sang bên quận Tư coi nhà, em hẹn người ta rồi.
Tôi mắt nhắm mắt mở gật đầu ừ đại rồi xoay qua ngủ tiếp. Trời đã sáng bảnh, ánh sáng lọt cửa kiếng vô phòng làm mắt tôi chói nhoà không sao ngủ lại được, đành mò dậy ra ngoài cái ghế ngay bếp ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Sau khi tỉnh ngủ hẳn, tôi vô phòng vệ sinh rửa mặt đánh răng, thay đồ và xuống đường kêu xe honda ôm chở ra ngoài quán cà phê internet. Tôi quyết định gửi điện thư (email) báo tin chuyện của chị Vân Giang cho Cô Lê Thy hay, bởi vì ngoài cô ra tôi cũng chẳng có ai khác để cùng chia buồn cùng chị. Tôi biết, thỉnh thoảng Cô Lê Thy vẫn gọi điện thoại về tâm sự với chị về chuyện cuộc đời, thật lòng tôi muốn khi Cô nhận được tin này, cô sẽ gọi về an ủi chị. Nhà cũng có máy điện toán nhưng mấy bữa nay nó dở chứng không gửi được thư và không mở được trang nhà Thư Viện Việt Nam. com.
Sau khi gửi e-mail cho Cô Lê Thy, tôi mở sang trang nhà Thư Viện Việt Nam vào đọc tin tức xem có gì mới không? Đã cả chục ngày nay, tôi không hề động đến Internet vì ở nhà máy bị hư chưa sửa, còn ra ngoài quán cà phê thì ngại.
Xung quanh tôi có khá nhiều các bạn trẻ đang chát chít trên mạng, người nào cũng đeo một cái phone trên đầu, gương mặt rạng rỡ, khúc khích cười. Phía bên gian ngoài, có mấy thằng bé đang chơi game bắn súng đùng đùng, chéo chéo. Cà phê Internet ở Sài Gòn bây giờ mọc lên như nấm, nhiều vô số kể, đi đâu cũng thấy bảng hiệu để ngay bên ngoài, kể cả trong hẻm, kể cả mặt tiền chỗ nào cũng có. Nhưng số lượng người vào cập nhật tin tức, đọc báo, tìm tòi học hỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần là các bạn trẻ vô mạng tìm bạn "chát".
Trước khi về Sài Gòn ăn Tết, tôi đang viết dang dở câu chuyện "Quê Hương Ngày Trở lại... ", nay mò vào xem đã thấy số lần đọc lên tới hơn 4000 lượt, tôi tủm tỉm cười, kể ra thì cũng có khá đông người theo dõi bài viết của mình. Tuy nhiên, từ hôm về Sài Gòn đến nay, tôi không viết thêm được một chữ. Sau khi lướt một lượt các mục trên diễn đàn Thư Viện. Tôi đóng lại, trả tiền truy cập Internet và ra đường kêu xe ôm chở về nhà.
***
Sau bữa cơm trưa, tôi không nghỉ ngơi như mọi bữa mà ngồi coi ti vi chờ thằng Út về chở đi xem nhà, chờ đến tận 1 giờ chiều cũng chẳng thấy bóng dáng nó đâu, sốt ruột gọi điện thoại cho nó thì lúc nào cũng nhận được câu: "Em về ngay, em về liền" Nhưng rồi phải tới tận 2 giờ chiều, thằng Út mới rảnh tay chạy về đưa chị đi xem nhà cửa.
Út chở tôi chạy thẳng qua quận Tư, đến khu cao ốc khá bắt mắt nằm gần chân cầu Kênh Tẻ. Gởi xe, hai chị em tôi mò vô tận phòng bảo vệ, mua vé thang máy lên tuốt tầng trên cùng. Út dẫn tôi đến xem căn nhà của một khách hàng mà nó từng lên gắn máy lạnh, Út dắt tôi đi lắt léo qua một khúc hành lang để trống, vô căn nhà tận cùng, bấm chuông. Chị chủ nhà ra mở cửa, chị tươi cười mời tụi tôi vô nhà, chị còn khá trẻ và trông thật duyên dáng. Căn nhà hình chữ L có ba phòng ngủ, một phòng khách, một bếp và duy nhất chỉ có một toilet chung với nhà tắm. Căn nhà khá đẹp, cách bài trí nhã nhặn, mầu sắc, bàn ghế, rèm cửa đi với nhau một cách hài hoà. Tôi thốt lên:
- Wow! Nhà của chị đẹp quá! Hồi đó chị mua giá bao nhiêu?
- Cả công sửa vào nữa là hơn 800 triệu đó em. Mình mua nhà, rồi mình phải sửa theo ý mình mới được như thế này đấy em ạ.
- Chị có bán không?
- Khi nào chị có tiền mua nhà khác thì chị mới bán.
- Chị bán nhớ kêu em nghen. Em ưng căn này quá trời.
Tôi đứng dậy, xin phép chị cho xem qua căn nhà. Chị dẫn tôi đến từng phòng mở toang cửa, phòng nào bài trí cũng nhã nhặn. Tôi mê tít thò lò. Chỉ riêng khu nhà vệ sinh tôi không ưng lắm vì tôi thích thiết kế nó theo kiểu Nhật, nghĩa là nhà tắm và nhà cầu phải riêng biệt với nhau, phòng trường hợp người đang tắm bên trong xát đầy xà bông mà có người ở ngoài đau bụng, gõ cửa liên tục... phiền lắm!
Chia tay chị ra về, tụi tôi xuống thẳng bàn bảo vệ và tiến đến hỏi mấy cậu ngồi đó xem khu này có nhà nào cần mua bán. Cậu bảo vệ trẻ nhất trả lời liền:
- Có, có mấy nhà muốn bán đấy. Anh, chị thích xem thì tôi dẫn lên xem.
Tụi tôi theo chân cậu trai trẻ lên xem căn nhà trên lầu ba trước, căn này nằm về dãy phía tay phải. Toà nhà này có hai dãy, chính giữa là một khoảng trống rộng lớn mà người Việt mình vẫn gọi là giếng trời, ngay bên hành lang và trước cửa nhà, họ còn thiết kế chỗ trồng hoa cỏ và cây kiểng, trông thật đẹp mắt. Khác hẳn mấy toà nhà tôi đi xem hôm qua.
Căn phòng chị em tôi coi có diện tích 90 mét vuông, ba phòng ngủ, một phòng khách và nhà bếp thông với nhau, cuối cùng là nhà tắm và toilet chung, thiết kế theo một kiểu dập khuôn. Căn nhà này được dao bán giá 900 triệu đồng. Sau khi xem qua căn nhà một lượt, tôi xin ông chủ nhà số điện thoại, và sẽ liên lạc lại khi cần.
Tiếp đến cậu trai trẻ dẫn tụi tôi coi thêm 2 căn nữa, một căn ở lầu 6 và một căn ở lầu 8, tất cả đều mài mại giống nhau. Tôi thắc mắc, tại sao diện tích nhà rộng rãi như vậy, họ không chịu thiết kế lấy hai hệ thống nhà vệ sinh cho tiện lợi, ai đời phòng ngủ làm rộng thênh thang, mà phòng tắm và nhà cầu thì nhỏ tí xíu, chẳng cân xứng tí nào cả.
Rời toà nhà này, chị em tôi ghé tạt vào khu cao ốc nằm gần chân cầu Calmette, tụi tôi hỏi ông già bảo vệ toà nhà này xem có căn nào được rao bán không. Ông kêu tụi tôi ngồi chờ để ông vào hỏi lại. Khoảng 20 phút ông trở ra, theo sau là một người đàn bà xồn xồn có cặp chân mày xăm đậm lè và giọng nó ồ ồ như vịt đực. Thấy tụi tôi, bà hất hàm hỏi:
- Mấy em cần nhà hả? Trễ quá, phải đến hỏi vài bữa trước thì có, nay hết sạch rồi còn căn nào đâu. Có một căn bán giá 1 tỷ, người ta vừa đặt cọc hôm qua, cô này cô bán để đi định cư bên Nhật. Căn nhà đẹp lắm, em thấy là ưng liền. Cô bán mà cổ còn cho đồ đạc trang trí bên trong luôn.
Tôi nghe bà ta nói lấy làm thất vọng, quay qua thằng Út.
- Thôi mình đi về, hết rồi lấy gì coi.
Cảm ơn bà ta và ông bảo vệ, chị em tôi dọt ra ngoài lộ tính đi về nhà. Đến phân nửa cây cầu Calmette, tôi vỗ vai thằng Út rủ đến khu chung cư Phạm Viết Chánh xem lại mấy căn nhà ngày hôm qua.
Lần này, tụi tôi vào thẳng luôn căn nhà của ông dẫn mối. Hên quá! Ông đang ở nhà, biết tụi tôi muốn xem lại căn phòng trên lầu 3, ông vui vẻ kêu thằng con trai dẫn tụi tôi lên tận nơi, cho thoải mái ngắm nghía.
Hai chị em tôi chỉ coi lại căn phòng trên lầu 3 của khu nhà D, xong rồi trở về nhà của ông dẫn mối kêu cà phê uống và ngồi tán chuyện với vợ chồng ông. Qua đó tôi được biết trước kia vợ chồng ông sống ngoài khu Cầu Muối, sau khi bị giải toả, thành phố cấp đền bù cho ông căn này.
Hai chị em tính đứng dậy xin phép đi về thì thằng Út lại rủ rê tôi:
- Chị em mình lên thăm nhà vợ chồng con Loan đi, tụi nó mua nhà khu này đấy!
Tôi đồng ý liền, tiện thể lên đây ghé thăm vợ chồng nó một chút. Loan là cô em dâu họ của tôi, vợ chồng nó có sạp quần áo bán ngoài chợ Cũ. Gửi nhờ xe Honda ở nhà ông dẫn mối, tôi và thằng Út quay ngược trở vào toà nhà, không mua vé cầu thang máy mà tụi tôi leo bộ vì nhà Loan nằm ngay lầu I. Tụi tôi đi tới đi lui mấy lượt vẫn chưa xác định căn nhà nằm ở đâu, thằng Út lấy điện thoại gọi về hỏi thăm bà dì, còn tôi ngó nghiêng vào từng căn nhà tìm kiếm, nhìn thấy hai đứa cháu nhỏ đang chơi trong phòng, tôi ngoắc thằng Út lại, la lên:
- Đây rồi, Út ơi.
- Con bé Thuỷ nhận ra tôi chạy ra mở cửa.
Căn nhà được sửa lại khá đẹp, có hai phòng ngủ và một phòng khách. Diện tích xử dụng khoảng 70 mét vuông. Chị em tôi lọt hẳn vào trong nhà, cô em dâu họ vẫn đang còn tắm. Thằng Út ngồi trên ghế ngay phòng khách, còn tôi thì đứng ngó nghiêng căn nhà. Ít phút sau, cô em gái mở cửa phòng tắm đi ra, tóc vẫn còn dính bết với nhau vì ướt. Loan tươi cười.
- Trời ơi... rồng đến nhà tôm!
- Hôm nay vẫn chưa bán hàng hả, sao mà giờ này còn ở nhà?
- Có chứ chị, ổng bán ở ngoài đó, em nghỉ, về sớm.
- Vợ chồng mày giỏi thật đấy chứ. Dọn về đây lâu chưa?
- Cũng được mấy tháng rồi chị. Trời ơi! Phải chạy vạy tùm lum mới đủ tiền mua được căn này đó bà. Giỏi cái gì mà giỏi.
- Chị với thằng Út vừa coi một căn trên lầu 3, căn bìa cùng dãy với căn này.
- Nó đòi mắc không chị?
- 720 triệu.
- Vậy thì cũng đúng giá rồi.
Loan ngồi xuống, lấy khăn lau lông lau nhẹ mái tóc, miệng tíu tít, xổ ra một tràng không ngưng nghỉ:
- Chị có tiền, sao không ra ngoài mà mua nhà ở cho sướng, ở chung cư làm gì phiền phức lắm. Trời ơi... đủ các thứ tiền phải đóng, tiền thang máy nè, tiền gửi xe nè, tiền điện, tiền nước tiền vệ sinh... tùm lum tà la, một tháng chị phải trả hơn cả triệu bạc đấy. Xung quanh đây lúc trước dân Cầu Muối không à, ở dơ khủng khiếp, rác rưởi xả đầy ngoài hành lang, con nít vẽ bậy lên tường. Nhưng bây giờ thì bán nhà đi gần hết rồi.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao vậy?
- Tiền đâu mà chịu cho thấu. Đủ các thứ tiền, phải bán nhà vội mà chạy, không có mà chết đói!
Tôi trầm ngâm lắng nghe như nuốt từng lời Loan nói. Thằng Út cũng chống cằm theo dõi. Mấy đứa nhỏ nô đùa, chạy xung quanh tụi tôi. Loan vẫn tiếp tục.
- Chị có mua nhà chung cư nhớ chọn lầu thấp mà mua, đừng mua lầu cao, lỡ cháy nhà chỗ nào mà chạy? Chị nhớ cái vụ cháy Inter Shop không? Việt Nam mà, sợ lắm, mình phòng trước vẫn hơn. À chị mua nhà phải xem kỹ lại coi là F1 hay F2... đó nghen, không thôi sau này rắc rối việc cấp sổ hồng lắm đó.
- F1, F2 là cái gì vậy?
- Trời ơi, nhà này thuộc diện cấp cho tái định cư, người chủ đứng tên gọi là F1, chủ nhân bán giấy tờ lại cho người khác, người đó gọi là F2. Rồi người khác lại bán tiếp cho người khác nữa thành ra F3...Cho dù F nào thì sau này làm giấy chủ quyền nhà chị cũng phải kiếm đến người chủ đầu tiên (F1), mà chị biết đấy, dân Việt Nam muốn họ làm giấy tờ cho mình thì phải xì thêm tiền ra. Mệt Lắm!
- Ừa, chị hiểu rồi.
- Còn nữa, chị muốn sửa nhà chị phải kêu thợ dưới ban quản lý, chị kêu thợ ngoài, tụi nó sẽ làm khó dễ đủ điều, cấm này, cấm nọ. Bực mình lắm chị ơi!
- Trời! Còn vậy nữa hả?
- Chứ sao, rừng nào cọp nấy.
Loan ngưng lại một chút, với tay lấy ly nước lạnh ực một hơi rồi tiếp tục:
- Hồi đầu sửa căn nhà này em đâu có biết, tự mình kêu thợ về, làm được vài bữa, quản lý, phường rồi bảo vệ xuống lập biên bản bắt ngừng thi công, làm khó dễ mình đủ thứ đó chị. Thì ra tụi nó kiếm chuyện để bắt buộc mình phải mướn thợ của tụi nó.
Nghe cô em kể chuyện mà tôi não hết cả ruột gan, con người sống trong xã hội này càng ngày càng tồi bại, đất nước gì đâu mà quan lớn ăn lớn, quan nhỏ ăn nhỏ, đến mấy thằng bảo vệ tép riu cũng kéo bè phái để nhũng nhiễu người dân. Mở miệng ra là hỏi tiền, không tiền chỉ có nước chết! Tôi và thằng Út đưa mắt nhìn nhau im lặng không nói năng gì. Ngoài kia, nắng đã tắt, các cánh cửa đều được mở toang, gió từ bên ngoài luồn vào mát rượi. Tôi đổi đề tài:
- Em chọn được hướng nhà này mát quá héng!
- Dạ, nhà này thoáng lắm chị, em có gắn máy lạnh nhưng chưa phải mở ngày nào.
Mùi xào nấu dưới bếp bay lên thơm nức mũi. Tôi đứng dậy cáo từ ra về. Loan nằng nặc giữ chị em tôi lại dùng cơm tối.
- Ở đây ăn cơm đã. Mấy khi chị mới lên thăm!
- Thôi để khi khác, chị còn phải ghé lại vài nơi nữa, khi nào lên chị báo trước cho hay.
Biết níu không được, Loan tiễn chị em tôi ra tận cầu thang. Quay trở lại nhà ông dẫn mối, tụi tôi xin lấy xe và chạy tạt qua bên chung cư Ngô Tất Tố gần đó kiếm nhà xem. Tại chung cư Ngô Tất Tố, chị em tôi xem được thêm hai căn, khá đẹp, nhưng tôi không ưng vì sự bừa bộn dơ bẩn đập vào mắt ngay tầng giữ xe và trong thang máy của khu nhà, mùi cứt chuột bốc lên nồng nặc. Chung cư này dân tình mới dọn vô ở được chừng vài năm mà nay trông đã xuống cấp, bế bối, bẩn thỉu, hôi hám. Trời đã tối hẳn, chị em tôi quyết định đi về nhà.
Thằng Út thả tôi xuống ngay chân cầu thang rồi đi gửi xe, khu nhà tôi ở không có chỗ để xe, phải mang đi gửi tuốt bên kia đường, cách xa cả 200 thước. Tôi cởi nón, tháo khẩu trang cho dễ chịu, Sài Gòn bụi bẩn quá, mỗi lần ra đường phải bịt kín mặt mày y như dân đạo hồi Ả Rập. Gió từ sông thổi vào mát rượi, dưới phố phường đèn điện lung linh.
Mở cửa, tôi đi thẳng xuống bếp giật bắn mình khi thấy chị Vân Giang đã ngồi lù lù đó từ lúc nào, mắt đỏ hoe, sưng mộng lên vì khóc nhiều quá mức. Chị mặc bộ đồ may bằng vải phi bóng màu xanh đậm, tóc tai bù xù, mặt mày hốc hác như kẻ thiếu ngủ, trông chị gầy hẳn đi. Tôi nhìn sững chị rồi từ từ ngồi xuống nền gạch bông trong phòng bếp, đối diện với chiếc ghế chị đang ngồi. Thật sự tôi không biết phải an ủi chị như thế nào trong lúc này, bản tánh tôi xưa nay chỉ khoái đốp chát, chọc ghẹo người khác, nói cho đúng ra tôi không có khiếu ngoại giao, không thích mềm mỏng và chả nể nang ai bao giờ.
- Chuyện xảy ra thế nào? Chị có tin tức gì của nó chưa?
Chị Vân Giang vẫn xụt xùi:
- Công an nói với chị thằng Tường được đưa vào Chí Hoà rồi, thứ Hai tuần sau mới gửi đồ thăm nuôi được. Chị cũng chẳng biết làm sao nữa, mấy nay cứ bần thần hết cả người, không suy nghĩ được gì cả. Chẳng biết tội trạng con mình nó như thế nào? Vợ thì sắp đẻ. - Nói đến đấy, chị ngừng lại khóc nấc lên thành tiếng, nước mắt dàn dụa - Khổ lắm, con cái nó có hiểu cho mình đâu, mỗi lần nó đi xa, không điện thoại là chị lại cuống cuồng sợ nó làm điều gì bậy bạ. Bao nhiêu năm lết tấm thân đi nuôi con trong tù chị khiếp lắm rồi. Vậy mà không ngờ... có thể nó sẽ bị tử hình hoặc tù chung thân, hên lắm cũng phải 20 năm. Em tính coi chị năm nay chị đã ngoài năm chục tuổi rồi, biết có còn sống đến bẩy chục mà đi thăm nuôi nó hay không? Còn thằng con nó nữa chứ...
- Nó muốn như vậy thì phải chịu thôi, biết làm sao bây giờ. Nó hơn ba chục tuổi đầu chứ có còn là con nít nữa đâu. Tại sao nó không biết suy nghĩ?
Chị nhìn tôi, vẫn nấc lên từng đợt.
- Em bảo chị phải làm gì bây giờ? Chị hết cách rồi.
- Chị đã gặp công an chưa? Phải kiếm cho bằng được thằng điều tra vụ án của con chị trước đã, hỏi xem tội trạng nó như thế nào? Liệu xử mức án ra sao để còn biết đường mà "binh". Em hỏi thật chị nghen, thằng Tường có hút chích gì không vậy? Hồi đám cưới con "Gấu" nhà chị, em ngó thấy nó ốm nhom em nghi ngờ mà ngại không dám nói ra.
- Chị có biết đâu, hỏi thì nó nói không có. Nó hút nó giấu làm sao mình biết được.
Thằng Út đã về tới, nhìn thấy chị buông một lời vô duyên lãng xẹt:
Thằng Út không nói năng gì đi thẳng vô phòng riêng của vợ chồng nó. Chị Lan đứng nấu ăn ngay bếp, thỉnh thoảng quay đầu lại nói chõ vào vài câu, câu nào câu nấy cứ sắc lẹm cứ như dao chém.
- Mày đấy, cứ chiều con mày cho lắm vào, đòi gì được nấy. Mai mốt lại ngồi khóc vì con giống bả kìa.
- Tui chiều nó hồi nào? Loạng quạng tui wánh chết mẹ nó luôn chớ ở đó mà chiều. Chị không thấy nó bảo "mẹ con ác lắm" đó hả?
- Ừa, tao chỉ nhắc vậy thôi, coi lại cách dạy con của mày.
Tôi thở hắt ra co hai đầu gối lên tựa cằm vào đó. Kể thì chị Lan nói cũng đúng, dạo này tôi chiều con hơi nhiều, nó muốn gì tôi cũng đều cho, máy chơi game mới nào ra đều được bố mẹ mua tặng. Đôi lúc nó cũng làm tôi giận điên tiết nhưng chẳng lẽ cả năm mới về thăm con một lần lại cứ lôi con ra mà đánh đòn, vả lại nay con đã lớn cao bằng mẹ rồi, sấn sổ đòi đánh nó, nó đẩy cho một phát té chổng vó lên trời còn tức thêm, con lớn khôn phải giáo dục nó bằng cách khác. Thằng nhỏ coi vậy chứ cũng còn ngoan hơn chán vạn con nhà người ta, từ nhỏ đến nay chưa bao giờ nghe thấy câu chửi thề trên cửa miệng nó. Tuy nhiên, tôi vẫn lo sợ, mấy thằng hồi nhỏ lầm lầm lì lì, tỏ ra ngoan ngoãn lễ phép, nhưng khi đến tuổi choi choi, dở chứng láo lếu vô cùng. Tôi thầm cầu mong con tôi đừng bao giờ giống như vậy.
Chị Lan dọn cơm tối ngay trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà bếp, cả nhà túm tụm bên mâm cơm. Chị Vân Giang vẫn ngồi trên ghế, không nhúc nhích.
- Chị ngồi xuống đây ăn miếng cơm. Đằng nào thì việc cũng đã xảy ra rồi, từ từ giải quyết, bộ chị tính tuyệt thực hả?
- Thôi em và gia đình ăn đi, chị nuốt không nổi, với lại chị đang ăn chay cầu nguyện.
Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, quay lại mâm cơm nâng chén. Không khí nặng nề trùm lên bữa cơm khiến nó trở thành tẻ nhạt, mọi người im lặng chẳng ai nói với ai câu nào.
Tôi và chị còn tâm sự với nhau khá lâu, bàn về mọi thứ chuyện có thể xảy ra trong nay mai, đoán trước để còn ứng phó. Khoảng chín giờ tối, chị cáo từ ra về, tôi tiễn chị ra tận ngoài hành lang, nhìn theo bóng chị mất hút tận bên kia góc đường. Chị có tướng trông rất sang trọng, quần áo láng mượt, gọn gàng, gương mặt lại xinh xắn. Những người lần đầu gặp mặt đều lầm tưởng chị là một bà chủ giàu có hay ít ra cũng là vợ của một người có chức có quyền đương thời. Tôi là người hiểu chị nhất, thông cảm với hoàn cảnh của chị. Nếu chị không có thằng con hư đốn này thì cuộc đời chị đã an nhàn, không sợ cảnh thiếu trước hụt sau. Cũng chỉ vì thương con, chị phải gồng mình chạy chọt trả nợ cho nó. Tôi không biết sau này lỡ con tôi cũng làm điều sằng bậy, tôi có đủ can đảm như chị chăng?
Quay trở vào nhà, tôi lại ngồi lên chiếc ghế mà hồi nãy chị Vân Giang ngồi, suy nghĩ mông lung. Thời gian còn ít quá mà chưa giải quyết được cái gì, nếu quyết định mua nhà, chắc phải ở lại thêm cả tháng nữa, chồng tôi biết được sẽ nhảy cà tưng ở bên kia. Anh không muốn tôi trở về Việt Nam vì lần nào tôi cũng nán lại thêm vài ba tuần.
Chị Lan đã dọn dẹp bếp núc sạch sẽ, ghé xuống ngồi bên cạnh tôi. Thấy tôi còn trầm tư, chị cất tiếng:
- Ôi chuyện của người ta, lo làm gì cho mệt.
- Biết là thế rồi nhưng thấy bà lâm vào hoàn cảnh này, cũng tội. Bằng ngần ấy tuổi đầu, nhà cửa đi mướn, công việc thì không có. Lỡ thằng cha "khùng" lăn ra chết bất tử, không biết bà xoay sở ra sao?
Tôi thở dài, nhắm mắt lại. Cái viễn ảnh tương lai mù mịt của chị Vân Giang làm tôi buồn theo. Phải chi ngày xưa chị nghe lời tôi cầm số tiền được bồi thường, sang lại một căn hộ nhỏ trên chung cư nào đó thì ngày nay đâu còn lo chuyện mướn nhà mướn cửa cho mệt. Cứ nghe lời hứa lão tiên sinh... thật là hão huyền, rốt cục bao nhiêu tiền bạc để dành, thằng con trai cưng nướng sạch vào cờ bạc, để giờ trắng tay thành vô sản. Lại phải lo tiền chạy án cho con, hằm bà lằn đủ thứ chuyện.
- Chuyện nhà cửa em tính làm sao?
- Chưa biết nữa, sáng mai mình qua bên phòng quy hoạch hỏi lại coi sao.
- Chị phải đi nữa hả?
- Ô hay! Bà này cứ như người ở trên trời rơi xuống, nhà bà đứng tên, bà không đi thì ai đi.
- Còn chuyện kia thì sao?
- Từ từ, để em kêu thằng Út chở lên trên đó nói chuyện với ông bà xem sao đã. Hy vọng lần này thành công, chị mà qua được Mỹ, mai mốt thằng Tài đi du học em bớt lo lắng hơn.
- Làm gì thì làm cho lẹ lên, tao già bố rồi còn đâu.
Tôi đang buồn nghe chị nói vậy bật cười. - Cái gì cũng phải tuỳ "duyên" bà ơi!