Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Một người - Một đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18023 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một người - Một đời
Lê Mỹ Hân

Chương 3
     Buổi trưa, khách trong quán thưa dần, chỉ còn lại vài ba cặp gục đầu vào nhau rù rì tâm sự. Má Duyên dọn lên bàn mâm cơm, hối tôi ăn vội vàng sợ có khách đến. Bữa cơm trưa thật giản dị, một dĩa rau bắp cải luộc chấm hột vịt dằm nước tương bỏ chút đường ngọt lịm, vài con cá bạc má chiên xả má thường mua bên chợ Cầu Muối bên kia đường. Mới ăn cơm đó, không hiểu sao má lại nằm ngủ ngon lành, xung quanh chất đầy hoa hồng trắng muốt. Tôi bước lại đánh thức má dậy nhưng người bà lạnh toát, cứng đờ. Sợ quá, tôi hét lên, tiếng kêu không nên lời, chỉ ú ớ trong miệng, tôi muốn chạy vọt đi nhưng chân không bước nổi, cứ chới với giống như bị ai đang nắm kéo lại, tôi vẫy vùng mãi nhưng không sao cử động được. Tất cả như chìm đi, xoáy tôi vào một vùng đen tối, ngực nghẹt thở. Không biết tôi rơi vào trạng thái ấy mất bao lâu mới giật mình ngồi chồm dậy, mồ hôi ướt đẫm, tim đập thình thịch, tay chân lạnh toát
Thì ra tôi vừa gặp một cơn ác mộng, phía giường bên kia Bố tôi ngáy từng đợt y như cái lò rèn. Chị Vân Giang, Hạnh và con nó vẫn ngủ say nồng, hơi thở đều đặn. Bên ngoài gió thổi mạnh, cánh cửa sổ quên không gài then lâu lâu lại đập ình ình làm tôi giật bắn cả mình. Hôm nay là rằm tháng chạp, ánh trăng sáng tỏ lọt qua khung cửa sổ chiếu rọi vào trong giường tôi một mầu vàng dịu. Tôi thò tay qua mùng, kéo nhẹ cửa sổ gài then lại. Tôi cảm thấy sợ, tôi tưởng như má Duyên đang đứng ngoài cửa sổ nhìn tôi. Nằm xuống, tôi cố ru giấc ngủ, nhưng không sao ngủ lại được, cái giường không nệm cứng ngắc làm tôi đau, cứ phải nghiêng bên này, trở bên kia hoài. Hễ tôi nhắm mắt lại là y rằng hình ảnh má Duyên hiện lên trước mắt.
***
Ngày ấy, sau khi tôi nghỉ việc ở cửa hàng bánh kẹo. Bố tôi đồng ý cho chị Ba hùn vốn mở quán cà phê nho nhỏ bán chung. Quán cà phê xinh xắn nằm ngay trung tâm chợ, lèo tèo vài bộ ghế mây. Phía trong góc nhà kê một cái tủ mẹ bồng con bằng gỗ đã cũ xì Bố tôi xin ở đâu đó về cho tôi đựng quần áo. Vì chẳng có quầy bar nên toàn bộ ly tách, cà phê, đường sữa tôi để trong bếp. Bên trên là một gác lửng được đúc bằng bê tông cốt thép, đó là phòng ngủ của riêng mình tôi, còn bố thì ngủ bên dưới nhà, ở chiếc giường cá nhân đặt đằng sau cái tủ áo
Ngay trên đầu gác lửng, chị Ba quen Bố tôi mượn anh hoạ sĩ vẽ lên đó dòng chữ bay bướm lả lướt bằng mầu đỏ trên nền xanh đậm "Café Hân". Ngày khai trương quán, có vài người bạn trong cơ quan Bố ra ủng hộ, chị Ba cũng mời một số khách quen khác và đặc biệt chị Bông Giấy mang tới cả chục người bạn đến khai trương, trong số đó có chị Sáu Duyên, Sáu Lem, Sáu Ngọc... Chị Sáu Duyên lúc ấy ngoài ba chục tuổi, nước da xạm nắng, dáng người đầy đặn trông hơi già trước tuổi. Những ngày tiếp theo, chị vẫn luôn tới ủng hộ cho quán tôi, chị đang sống độc thân cùng đứa con gái nhỏ hơn tôi vài tuổi, con bé Khánh Hà. Chồng chị đi vượt biên và rồi nghe đâu lấy vợ luôn bên Mỹ. Biết Bố tôi cũng vui tính nên một lần chị giỡn: "Bố, thấy Bố buồn quá, thôi bố chịu gả cho con đi đặng con làm má con Hân luôn hén Bố!". Bố tôi nhe răng cười hềnh hệch, tôi cũng khoái chí tán thêm: "Được đó Bố, chịu đại đi để con gọi Duyên làm má", và từ đấy trở đi tôi gọi chết luôn tên chị "má Duyên".
Má Duyên cũng làm nghề bán đồ góp ở chợ giống như chị Bông Giấy, má chẳng bao giờ về nhà nghỉ trưa mà ở lại quán tôi đến tận chiều chờ góp xong đợt chót mới chịu về nhà. Má Duyên, chị Sáu Lem cùng một tuổi Thìn và cả hai người chuyện tình duyên đều lận đận. Thời Việt Nam Cộng Hoà má làm trong sở Mỹ, má hay kể cho tụi tôi nghe chuyện mấy anh Mỹ, cười muốn bể bụng. Tôi tò mò và khoái hóng hớt nghe chuyện người lớn, lúc nào rảnh tôi lại rủ rê má kể chuyện cho nghe. Má đã sáu lần ẵm con cùng chồng đi vượt biên, nhưng cả sáu lần đều thất bại, bị tù tội, bị đói rét, cực khổ vô cùng. Má kể có lần say tàu nằm bẹp dí, thậm chí muốn với lấy chai dầu gió xức lỗ mũi không không nhấc nổi cánh tay. Vậy mà khi nghe tiếng có "công an" là thôi vùng dậy cắm đầu cắm cổ chạy miết không biết chi là trời đất, và cũng chẳng biết cái mãnh lực nào thúc đẩy chạy nhanh như vậy. Sáu lần vượt biên, sáu lần trắng tay, má phải gầy dựng lại từ đầu. Rồi hai vợ chồng má bàn tính để chồng đi một mình, nếu thoát được sẽ bảo lãnh mẹ con qua sau. Thật may mắn lần đó chồng má đi bình an vô sự, được qua định cư tại Mỹ. Tưởng đâu số phận mỉm cười với má...ai dè hai năm sau có tin ông lấy vợ khác bên Mỹ, không thư từ, không một lời nhắn gởi. Quá đau đớn thất vọng, má ôm con về nương tựa bên ngoại, thui thủi nuôi con một mình.
Má Duyên cũng có tài ẩm thực, buổi trưa, các chị hay tập trung tại quán cà phê nhà tôi hùn tiền mua đồ về nấu ăn, má luôn đảm nhiệm việc nấu nướng, má làm thịt gà xé phay, làm cua rang muối, cuốn chả giò, nấu cà ri, la gu...thứ gì má cũng biết. Tôi đã học ở má rất nhiều món nhưng tôi vẫn ưng nhất món cua rang muối, cái vị ngòn ngọt, mằn mặn thơm thơm của cua làm cho tôi tới giờ này khi ngồi viết về má mà còn cảm thấy thèm ứa nước miếng, hình như ở đâu đó có tiếng má vọng về: "Trước tiên, con lấy dao đâm vào đây nè - má chỉ vào ngay chính giữa con cua, phải đâm cho nó chết không thôi nó kẹp đau lắm - rồi con phải rửa cho sạch, ừa, lấy bàn chải mà chà cho rụng hết mấy con sên dính ở chưn cua, sau đó bóc mu ra để qua một bên,lột cái yếm cua này bỏ đi, để cua vào rổ cho ráo nước. Xong bắc chảo, chế dầu ăn, phi tỏi cho thơm, con đổ cua vào chiên, chiên sao cho cua thành mầu vàng là được. Sau đó con rưới nước sốt từ từ và đảo cua nhẹ, cho lửa liu riu, chừng nào nó cạn hết chén nước sốt này còn lại xền xệt là tắt lửa được rồi. " chén nước sốt được má làm bằng nước "không tên" bỏ chút muối, miếng đường, tiêu quậy lên cho tan đều. Sau này tôi cứ theo công thức đó, dằm me vào chế thành Cua Rang Me, ăn cũng ngon đáo để.
Má Duyên tôi ham vui rất thích khiêu vũ. Thời đó trên Nhà Văn Hoá Phường II có tổ chức một lớp dạy khiêu vũ. Tối nào má cũng đạp xe tới đó kiếm mấy thằng nhí nhí đặng luyện nhảy cho đỡ buồn. Tôi cũng ham vui và thèm học cho biết, nhưng chẳng có ai coi hàng, và một điều nữa là Bố tôi cấm tiệt không cho bén mảng đến nơi đó dù chỉ đứng xem. Thế nhưng tối nào Bố tôi cũng đạp xe đi, chẳng biết ông đi đâu, tôi đoán ông đi coi phim vì bố tôi mắc bệnh ghiền phim ảnh, phải nói đúng hơn là ông ghiền cái chỗ ngồi, cho dù bộ phim nào đó chiếu một tháng thì ông cũng vẫn đến coi trọn một tháng. Ông coi chùa, không cần phải mua vé vào cổng vì có cô cháu dâu bán vé cho rạp hát.
Thỉnh thoảng vắng khách, tôi đóng cửa sớm mò lên trên Nhà Văn Hoá đứng ngoài lén coi nhẩy đầm, tôi dán mắt nhìn má Duyên. Ôi mới tuyệt làm sao! Bước chân má nhẹ nhàng như lướt trên mây trên gió, cái xoa rê bằng vải voan xoè ra như cây dù khi má xoay vòng theo điệu nhạc van. Má nhẩy hết điệu này qua điệu khác, không bao giờ biết mệt mỏi, ánh mắt sáng ngời, gương mặt rạng rỡ. Tôi mê mẩn nhìn theo.
Rồi có một lần tôi bị Bố biết được, ông lên tận nơi kéo đầu về tẩn cho một trận lên bờ xuống ruộng, cứ ghế mây trong quán ông phang tới tấp, mặt mũi chân tay tím bầm.
Sáng hôm sau, má tới mua hột gà về luộc chườm vết thương cho tôi, má còn bảo: "Cho đáng, ai biểu ham vui, bày đặt đua đòi theo lối tư sản, đây là văn hoá đồi truỵ đó nghen con!" rồi cười giòn tan, mặc cho tôi nhăn nhúm vì đau đớn
Tôi vốn bướng bỉnh và ưa cãi, cái gì tôi cho là đúng thì tôi cãi chết bỏ để bảo vệ ý kiến mình. Vì hay cãi nên thường bị Bố lôi ra đánh đòn, ông bảo: "Mày ăn rau muống chứ mày ăn rau cải đâu mà sao mày giỏi cải thế, nói cái gì ra mày cũng cải cho bằng được." Mỗi lần ông nổi khùng quơ ông điếu, tôi dọt lẹ ra đường, chạy bán sống bán chết, đến một khoảng cách an toàn là quay đầu lại cãi tiếp. Mấy dì mấy thím bán hàng ngay trên con đường nhà tôi cư ngụ ngoài chợ nhìn tôi cười hỏi: "Nè con, con gái lớn vậy rồi, sao để bố wính woài dzậy? Chạy nhong nhong ngoài đường hong mắc cỡ sao con? " "Bố con ổng ác lắm, không chạy ổng wánh chết sao!" Mọi người cười rộ.
Quán cà phê của tôi càng ngày càng đông khách, những nhân vật có máu mặt tại thị xã này đều ghé lại uống, thành mối quen như chú Hai, chú Tư, chú Sáu, chú Bảy, anh chị Bé Tư, Hai Sang, chị Hiệp...toàn dân chủ lò đường giàu có trong vùng. Sáng sáng, họ tập trung tại quán tôi uống cà phê tán gẫu bàn chuyện quốc gia đại sự, mặc dù buổi sáng muốn vào quán các chú phải gửi xe ngoài đầu chợ, len lỏi theo đám mấy bà đi chợ mới đến được nơi uống cà phê. Có bữa trời mưa lép nhép, đường xá lầy lội, các chú vào tới nơi sình bắn lên tận đầu, vậy mà các chú không bao giờ bỏ uống một bữa nào. Tối khoảng 8 giờ họ lại ra làm thêm chập nữa rồi mới chịu về đi ngủ. Đôi khi tôi cũng không hiểu tại sao họ lại ghiền quán cà phê của tôi đến như vậy, ở thị xã này có biết bao nhiêu quán cà phê khác trông sang trọng lung linh hơn nhiều, chứ đâu phải như quán nghèo của tôi, lèo tèo mấy bộ bàn ghế mây cũ. Và duy nhất một cái máy casset cũ xì bố tôi xin ở đâu về. Từ cái máy caset ấy, tôi mở nhạc oang oang tối ngày những bản tình ca lâm ly ướt át, những tuồng cải lương cũ xưa cho đến nhạc "Gò Công" Thời đó, cả nước đang rộ lên phong trào nghe nhạc "Gò Công", người nào cũng nghe, nhà nào cũng nghe, đi đâu cũng nghe. Nhạc Gò Công thâu riêng tiếng hát của ca sĩ Bảo Yến, một giọng ca ngọt ngào truyền cảm:
"Một trưa hè, trôi êm, trôi êm. Trên bãi biển chiều nào chung bước, biển quê ta xanh xanh mầu ngọc bích, cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau...Sóng rời bãi con dã tràng xe cát, sóng vỗ bờ con chim nhạn vờn bay...có phải chăng cát giận cát hờn, chẳng muốn nhận dấu chân em làm kỷ niệm. Để cát bay cát tạo thành in của sóng. Để muôn đời cát mãi vàng tươi...".
Hầu như những bài hát trong băng nhạc Gò Công tôi đều thuộc lòng, người cho tôi mượn mấy băng nhạc này là anh Tư ở cách nhà tôi một con phố, nghe nói anh là sĩ quan quân đội VNCH vừa mới đi "cải tạo" về, sống độc thân. Anh hay ghé lại quán tôi uống nước, người ốm, dong dỏng cao và có tỉa hàng ria mép khá cầu kỳ. Mấy chị rỉ tai tôi nói anh là con trai một gia đình giầu có nhất nhì ở thị xã này, nhưng điếm lắm, dặn tôi thận trọng. Biết tôi thích nhạc, anh sưu tầm đủ các loại nhạc cho tôi, kể cả tuồng cải lương "Mùa Thu Lá Bay" mà có lần tôi bị công an văn hoá phường xuống lập biên bản tịch thu vì tôi mở lớn quá loại nhạc "văn hoá đồi truỵ". Một buổi sáng, anh tới quán mang theo quyển vở học trò chữ ghi lít nhít, tặng tôi. Tôi mở ra thì đó là những bài nhạc trong băng Gò Công mà anh đã thức đêm hí hoáy ngồi chép lại. Thiệt là cảm động hết sức!
Bên ly cà phê thơm nồng, anh ngồi hút thuốc, mỉm cười, thủ thỉ: " Tui cũng không thể tưởng tượng rằng đến giờ này, gần 40 tuổi đầu mà mình lại thức khuya tới 2, 3 giờ sáng, ngồi chép nhạc tặng cho một cô bé nhóc như Hân!". Tôi hồn nhiên cười khúc khích và trả lời một câu thật vô duyên: "Ai kêu anh thức khuya chép nhạc cho tui chi vậy?" Anh chưng hửng, thộn mặt nhìn tôi. Tôi thừa biết anh đang tán tỉnh mình, nhưng tôi đã được các chị tôi rỉ tai từ trước "Cha này ghê gớm lắm, coi chừng cưng sập bẫy của hắn. Hắn ta chuyên săn gái đẹp, cặp chơi đặng lấy le với bạn bè." Tôi đâu có dại để cho anh ta chơi cái trò mèo vờn chuột.
Ngoài ra, còn có mấy Thím, mấy Dì, mấy Chị đi chợ, hoặc buôn bán hoặc ghé lại ăn hàng ở mấy quán đối diện, hay kêu nước để tôi bưng sang tận nơi. Quán cà phê của tôi tự nhiên trở thành "Trung Tâm Nhiều Chuyện " bậc nhất ở thị xã, nhằm bữa các bà các chị tán nhau cười rầm rầm muốn sập luôn cả nhà.
***
Một bữa, tôi đang bận rửa ly tách trong bếp, bỗng nghe tiếng gọi quen thuộc:
- Chị Hân ơi...!
Tôi bỏ dở đống ly tách, tay vẫn còn dính đầy xà bông chạy vội ra sững sờ. Chèng ơi...con Mỹ Hạnh, em gái tôi đang đứng thù lù trước mặt. Mới chỉ một năm không gặp mà em tôi lớn như thổi, xúng xính trong bộ quần áo rộng thùng thình và cái đầu cắt tém lẹm giống hệt con trai, Mỹ Hạnh tròn úm như hột mít, trông thật tức cười. Tôi giang tay ôm nó vào lòng, cả hai chị em tôi cùng bật khóc, khóc y như bữa nào mẹ mất, tôi từ xa về, nó cũng đón tôi ở cổng, giang cánh tay ôm chặt lấy tôi, nức nở: "Chị ơi, mẹ chết rồi, mẹ chết thật rồi, chị ơi...!".
Mẹ mất, chị em tụi tôi phải chia lìa nhau mỗi người một ngả. Thằng Út theo vợ chồng anh Bắc, cái Hạnh theo chị Vân, chị Lan làm công nhân trên tỉnh, chị Phương có nhà riêng từ năm ngoái. Còn lại chỉ mình tôi dở dở ương ương theo bố vào Nam. Bấy giờ đang vào gần Tết, lẽ ra em tôi phải đi học, sao giờ này nó lại có mặt ở đây? Trong đầu tôi đang thắc mắc thì nó bỗng cất giọng:
- Em bỏ học rồi, em vào đây luôn với chị.
Tôi sửng sốt khi nghe tin nó bỏ học, đẩy nó ra, trợn mắt lên hỏi:
- Sao lại bỏ học? Còn có hơn năm nữa, sao lại bỏ?
Em tôi im lặng cúi đầu, lấy ngón chân di di xuống nền gạch, đáp lí nhí:
- Chị Vân bắt em nghỉ học, chị đuổi em vào đây với bố với chị.
Tôi quệt vội hàng nước mắt, ấn nó ngồi xuống ghế, rồi bước vào vội trong pha cho nó ly nước cam, bưng ra để trước mặt nó.
- Em uống đi, có đói bụng không? Ai đưa em vào đây? Làm sao biết được nhà mà tìm đến?
Em tôi cầm ly nước uống một hơi cạn, dường như còn thèm thuồng đưa lưỡi liếm một vòng trên mép nuốt nước miếng, rồi mới chậm rãi trả lời hàng loạt câu hỏi tôi nêu ra một cách dồn dập ở trên:
- Anh Bắc đưa em xuống Hà Nội, mua vé tàu hoả cho em vào thẳng Sài Gòn, anh dặn khi đến ga Hoà Hưng, ra ngoài kêu xích lô chở đến nhà Dì mình, anh có ghi địa chỉ cẩn thận trong cuốn sổ tay của em. Tàu tới ga lúc 4 giờ sáng, em kêu xích lô chở đến nhà Dì, và ngồi ở ngoài cửa đợi cho đến sáng mới có người mở cửa. Dì giật mình khi nhìn thấy em ngồi lù lù một đống ngủ gật trước nhà, Dì hỏi sao không kêu cửa. Em đáp cháu đập cửa mãi mà không có ai trả lời, nên cháu ngồi đây chờ. Dì cười quá trời chỉ cho em cái chuông gắn gần bên cạnh cửa. Cả đời có thấy cái chuông bao giờ đâu mà biết. Em vào ở nhà Dì được vài ngày, Dì bảo để rảnh Dì dẫn em xuống với chị. - Nó cười hì hì, rồi lại kể tiếp cho tôi nghe - Dì chu đáo lắm, hướng dẫn, chỉ bảo em cặn kẽ, đi vệ sinh như thế nào, dội nước ra sao...ở đây ngộ quá chị nhỉ, thành phố thật là đẹp, thật là lung linh, người đông ơi là đông. Thích quá! Em không về lại Bắc đâu. Nhất khoát chị có đuổi em giống như chị Vân, em cũng không về.
Hạnh dừng lại, nhìn tôi rồi nói tiếp:
- Chị cho em uống nước nữa đi, em khát quá!
Tôi đứng dậy, bước vào trong làm cho nó hẳn một ca trà đá, tha hồ uống. Mang ra ngoài, tôi đặt trước mặt nó, nó cầm cả ca tu môt hơi, uống ừng ực, làn nước tràn ra mép rơi xuống cổ chảy ton tỏn, ướt nguyên khoang ngực, uống xong, nó kể tiếp:
- Dì định đưa em xuống đây nhưng may lại có anh Mười - nó đưa tay chỉ qua nhà đối diện - Anh ghé quán của Dì uống cà phê, thế là Dì gửi em về chung luôn với anh ấy.
Tôi đưa mắt nhìn sang nhà đối diện, cái xe Honda 67 màu đen của anh Mười đang dựng trước cửa, phủ đầy bụi đỏ, trong tiệm uốn tóc của anh chị đang lố nhố vài người khách đến gội đầu, tôi định bụng chút nữa sang bên đó cám ơn sự giúp đỡ của anh đã đưa giùm em tôi về đây an toàn. Tôi bảo Hạnh đi tắm rửa, thay quần áo mới, còn tôi thì chạy ra chợ mua thêm đồ ăn về nấu cơm chiều.
Sau này, khi về thăm quê nhà lần thứ hai, tôi mới được chị Vân cho biết, Hạnh mới tí tuổi đã bày đặt yêu yêu đương đương, lười không chịu học bài, trốn học đi chơi hoài. Học hành thì đã dốt mà chị nói mãi không nghe, bực mình chị tống cổ nó vào Nam cho bố dạy dỗ. Và tiếp nữa thằng Út cũng bỏ học, vào với tôi. Sau khi tốt nghiệp cấp Hai, Út vô Bến Tre, tôi bắt học luyện thi để thi vào cấp ba học tiếp. Những lúc quán vắng khách, tôi bắt Út ngồi vào trong bàn mang sách toán, sách văn ra ôn bài, đích thân tôi chỉ dạy, từ cách làm văn đến giải bài toán hình học... Thằng Út vốn lười biếng lại học dốt nên khi bị tôi ép mặt cứ phụng phịu không chịu, tôi vừa hét, vừa đánh, vừa doạ dẫm mọi điều làm cu cậu sợ nước mắt lưng tròng chỉ trực khóc. Má Duyên ngồi ở góc bên kia tủm tỉm cười. Lúc không còn thằng Út má mới nhỏ nhẹ:
- Con dạy cho em thì phải từ từ, chỉ bảo nó nhẹ nhàng thôi, con la hét như vậy, em nó mất bình tĩnh lấy gì tiếp thu bài vở. Thiệt tình! Ừa, má thấy con chỉ bài cho thằng nhỏ má mới biết con là người có trình độ, có kiến thức khá nhiều, không thôi má cứ tưởng dân Bắc Kỳ như con chỉ mới học hết lớp ba lớp bốn là cùng.
Tôi không biết ở nơi khác thì sao, riêng vùng miền núi nghèo nàn nơi tôi sống, chẳng gia đình nào không cho con học đến nơi đến chốn, ít ra cũng phải tốt nghiệp cấp Ba, bằng chứng là các anh, các chị xóm tôi nghèo như nhà chú Xoan, hay học dốt như nhà cô Hoài có chị Huệ, các anh các chị học cùng lớp với chị Hai tôi rồi rớt từ từ xuống ngồi chung một lớp với tôi mà vẫn tiếp tục cắp sách đến trường cho tới khi lớn quá không thể theo nỗi nữa mới nghỉ học. Tôi không muốn các em mình, sau khi mẹ mất, học hành dở giang để mẹ tôi không được ngậm cười nơi chín suối. Thế như sau cuộc thi vượt cấp, thằng Út không đủ điểm vào nổi trường cấp Ba, tôi đành phải cho em nghỉ học. Lớn lên một chút, lúc tôi đã định cư trên Sài Gòn, tôi mang nó lên theo học nghề điện lạnh, thằng Út sáu tháng ròng phải đạp xe ba gác chạy khắp thành phố để phụ nghề điện lạnh cho chủ, sau đó mới được học nghề cơ bản. Và sau này mới ra tiệm làm riêng.
Tôi thương Út nhất nhà, mẹ mất thằng bé mới có 12 tuổi đầu, sống với anh chị. Hàng ngày, ngoài giờ học, Út phải leo lên mấy quả đồi đốn củi, đốn chuối về nuôi lợn. Anh tôi ham mê cờ bạc, ngoài công việc nhà nước, lại hay bỏ nhà đi tối ngày, chị dâu lo buôn bán ngoài chợ, chẳng đoái hoài gì đến đứa em chồng tội nghiệp, nhiều bữa thằng nhỏ đi học về, nhịn đói nhịn khát ngồi như thằng ăn mày trước cửa vì không có chìa khoá vào nhà, và cũng chẳng ai nấu cơm cho ăn. Út cay đắng không biết thổ lộ với ai đành câm nín, nhịn nhục. May nhờ có cô Mai hàng xóm biết được sự tình méc với chị Hai, chị tôi xuống đón nó lên nhà nuôi luôn cả hai đứa.
Từ ngày có Hạnh vào phụ, tôi đỡ vất vả, và có thời gian để đi chơi. Tôi bắt đầu xí xọn may đầm, xắm giầy cao gót theo má Duyên đi học nhảy đầm. Sau khi bố tôi tục huyền, ông đâm ra dễ tính hẳn lên, không còn cáu bẳn hay cấm đoán tụi tôi bắt phải thế này, bắt phải thế nọ nữa... Bố tôi đi làm về, cơm nước xong, ông lại chở má nhỏ về dưới nhà riêng cách chợ vài cây số. Tụi tôi ở đây tha hồ bay nhẩy, không sợ bị kiểm soát. Những ngày đầu học nhảy đầm tôi lọng cọng nhưng gà mắc dây thung, thầy dạy dìu tôi đi mấy bản Rum Ba, Tăng Gô...tôi cứ nhằm chân thầy mà đạp. Má Duyên hướng dẫn tôi tập năm bước nhẩy Cha Cha Cha, mãi mà tôi không thành thạo. Chắc tôi nhảy nhìn kỳ cục lắm nên má cứ lắc đầu cười hoài, má nói: "Nhỏ này nó nhảy gì đâu sao giống y như cào cào bổ " làm tôi mắc cỡ đỏ mặt.
Ở cái quán cà phê này, tôi có thêm biết bao nhiêu là bạn, già có, trẻ có, ngang hàng có mà xồn xồn cũng có. Trước cửa quán có má con bà Bảy bán hàng bông và thịt bò. Bà Bẩy trông lam lũ với cái áo bà ba bạc màu cùng với cái quần đen cũ xì nhưng tôi hay ghẹo gọi bà bằng cái tên trìu mến bà Bẩy Mô Đen. Bà Bẩy sáng nào cũng ra họp chợ từ sớm, nghe bà nói đâu chừng ba giờ sáng đã phải thức giấc, ra bến đò đón mua hàng rau quả để mang ra chợ bán lại kiếm mấy đồng lời. Chỉ trừ hôm nào bà bịnh quá mới nghỉ bán một bữa chớ cảm cúm thường bà vẫn phải lết cái thân già ra họp chợ, không thôi đói meo. Kế bên cạnh bà là vợ chồng thằng con trai thứ ba bán thịt bò. Chẳng biết đây có phải là chuyện mê tín hay không, nhưng sự thật là mỗi khi vợ chồng nó bán nhằm thịt trâu thì y như rằng má nó, bà Bẩy đúng 12 giờ trưa lại chui vô quán cà phê nhà tôi, trong góc thờ ông thần Thổ Địa, ngồi phệt xuống trước đó, ngáp ngáp, bà ngáp đến độ nước mắt mũi dàn dụa, miệng há hốc, mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm. Trông khiếp kinh! Mới đầu, tôi tưởng bà bị trúng gió, hét mọi người cạo gió cho bà, nhưng những người quen ở chợ họ bảo bà bị ma nhập. Bà có đứa cháu gái chết năm Mậu Thân, mất đầu, thường về nhập vào bà nói lảm nhảm. Lúc đầu tôi không tin cho lắm, tôi nghĩ chắc bà giả bộ. Nhưng số lần bà bị ma nhập tăng lên theo số ngày thằng con trai bà bán thịt trâu. Cứ mỗi lần bị ma nhập, bà ngồi ngáp khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ, xong người bà mệt rũ như không còn sức lực thì tôi tin là bà bị ma nhập thật. Nếu như bà giả bộ thì chuyện ma nhập có lợi ích gì cho bà đâu ngoài sự mệt mỏi về thể xác. Tôi cứ tiếc mãi là con "cháu ma" của bà không chịu nhập coi bói cho mọi người, để bà kiếm tiền đỡ vất vả hơn như bây giờ. Lần nào thấy bà vô trong nhà ngồi ngáp là tôi biết ngay thằng con trai bà bán thịt trâu. Nhìn bà Bẩy bị ma nhập, trông thật tội nghiệp. Tôi mắng tụi nó:
- Hai đứa bay biết má hay bị ma nhập sao không kiếm chỗ khác mà bán, để bà ngáp hoài, tội chết đó nghen.
Hai đứa chúng nó vô tâm cứ nhe răng ra cười, trông thật nham nhở.
Ngoài bà Bẩy Mô Đen còn có thím Ba ở tuốt dưới Cái Mơn, sáng nào cũng đón đò lên họp chợ, buổi trưa, chừng 1 giờ thím lại đón đò chở về nhà. Thím Ba người đầy đặn, hay mặc bộ bà ba đen giản dị, cuốn cái khăn rằn trên đầu, ngửa nón quạt phành phạch cho bớt mồ hôi. Thím chỉ mới hơn bốn chục tuổi nhưng trông già dặn và có gương mặt khắc khổ. Nước da rạm đen và có hàm răng rụng mất vài cái ở trước cửa chưa có tiền đi trồng lại. Thím kể, đây là kết quả của những trận tra tấn dã man thời chế độ VNCH, khi mà hồi đó thím là một trong những con chim đầu đàn của phong trào Đồng Khởi. Thím thường cùng với các bà má, bà chị Bến Tre anh hùng xông pha biểu tình đỏi hỏi dân chủ, khi khí thế cách mạng dâng cao. Thím còn vạch áo lên cho tôi coi những vết thương chi chít lằn trên làn da dãi nắng dầm mưa của thím. Tôi cười cười chọc ghẹo:
- Vậy có nghĩa thím là những bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng hay đi biểu tình và thường giựt áo cho lòi luôn cả vú món...trong mấy phim ảnh con hay coi trên ti đó hả?
Thím xụ mặt xuống, tay mân mê ly trà đá, thường Thím Ba chỉ dám uống ly trà đá chứ ít khi nào thím dám kêu ly cà phê hay nước ngọt. Sau khi bán hết gánh hàng, thím ghé quán tôi, dở khúc bánh mì ra ăn lót dạ, chờ đến 1 giờ trưa đón chuyến đò sớm về lại quê nhà. Thím Ba cùng với những người đàn bà lam lũ khác hay ghé quán tôi vì tôi là người dễ dãi, lại vui vẻ. Ai tôi cũng chọc ghẹo cho cười tít mắt để quên đi những nỗi nhọc nhằn đang gánh nặng trên vai, và còn một điều quan trọng bậc nhất nữa là các bà, các chị cứ thoải mái xả những "nỗi buồn muôn thủa" vào trong nhà cầu mà không phải tốn phí, không bị la rầy như chỗ khác.
Thấy thím lúc nào trông cũng có vẻ mặt buồn bã, tôi hỏi:
- Thím đi làm cách mạng như vậy, bộ thím không được hưởng lợi lộc gì hay sao? Thím đi buôn bán cực khổ như vầy, ngày kiếm được bao nhiêu?
Mặt thím Ba bỗng bừng lên, mắt toé lửa, hình như bao nhiêu uất ức thím dồn hết vào lời nói:
- Lợi lộc gì với mấy thằng cà chớn đó. Thân tao cực khổ, nằm gai nếm mật, nuôi dấu chúng nó, đến nỗi bị bắt, bị tra tấn đến chết đi sống lại, đến mang thương tật như bây giờ. Vậy mà khi chúng nó làm cách mạng thành công, chúng lại dở trò "ăn cháo đá bát", đất đai bị nhập vô hợp tác xã, rồi chúng toa rập chia nhau hết trọi, thím đi kiện hoài mà có được đâu. Mình là người dân thấp cổ bé họng, kêu trời không thấu. Bấy lâu nay thím phải chạy chợ kiếm cơm hàng ngày cho mấy đứa nhỏ. Ngồi đây chớ lòng dạ như lửa đốt, chú Ba bịnh hoạn không có tiền thuốc thang, mấy cái răng bị đánh gẫy hồi đó cũng chưa có tiền trồng lại. Lũ nhỏ đi học không có tiền...Thiệt rầu hết sức, con ơi!
Tôi ngồi nghe thím tâm sự, sao thấy lòng xót xa vô cùng. Thật tội nghiệp cho cuộc đời tang thương của thím, cho những người dân nghèo Việt Nam quê hương tôi, và ngay cả cho tôi với những ngày vất vả kiếm cơm kiếm cháo.
Khi tôi mới từ Sài Gòn về, chưa có việc làm, tôi vẫn phải sống dựa vào đồng lương của Bố. Buổi sáng trước khi đi làm, Bố tôi đưa tôi vài đồng đi chợ, trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi một chút rồi bố lại đạp xe đi. Bố tôi bao nhiêu năm công tác nhưng chưa có được căn nhà, trước đây một thời gian Bố tôi còn ở nhờ nhà ông anh họ, con bà bác, chị họ mấy đời của mẹ tôi. Căn nhà nhỏ bé nằm trong hẻm Lãnh Binh Thăng có giàn hoa bông giấy ngay trước cửa, bề ngang chừng 2 thước rưỡi, bề dài gần chục thước, mà đêm ngủ tôi ngửi thoang thoảng mùi cống hôi tanh. Tôi ngủ chung giường với em ruột bà chị dâu họ, chị dâu tôi mặt mũi trông như ma lem mà cứ tối ngày khoe có anh này, anh kia dòm ngó...tôi không ưa chút nào. Bố tôi ngủ trên phòng khách, tối đến ông vứt cái gối nằm đại ra nền gach bông, sáng dậy, thế là xong một ngày. Đường xá, cống rãnh ở Bến Tre ngày ấy không được tốt cho lắm, có thể nói là quá tệ. Cứ mỗi một trận mưa là y rằng cống sau nhà bị ngập úng, nước hôi thối bốc mùi khủng khiếp, và tụi tôi phải lội chân trần ra ngoài đó tát nước đổ ra mương. Có những đêm mưa rầm làm nước ngập không tát kịp, nước tràn vào trong nhà ướt đến tận lưng bố tôi mà ông ngủ như chết không hề hay biết. Chị dâu phải vào đá đít ông chú vài cái lay ông, ông mới chồm dậy ngơ ngác hỏi: "Cái chi đó bay?" Chị dâu tôi la rầm trời: "Nước ngập tận lưng ông mà ông còn hỏi cái gì thì thiệt tình có mình ông đó ông Bẩy". Tôi với con Phượng đang tát nước bên ngoài nghe thấy cũng phải bật cười.
Còn căn nhà này Bố tôi được chú Tư Phó Giám Đốc sở vừa nghỉ hưu cho bố tôi ở nhờ, nhân tiện trông nom giùm cho ông về quê sống với vợ. Sau này ông nhường lại cho Bố con tôi luôn. Có những lần Bố tôi đi công tác xa nhà mấy ngày, ông vô tâm không để lại cho tôi đồng nào để đi chợ, còn ít gạo trong lu, tôi tự thổi cơm, ra ngoài cửa thì thầm với Bà bẩy mua chịu bó rau muống mang vào lặt rau đem luộc, lấy nước bỏ chút muối, xí bột ngọt, nặn miếng chanh, húp xì xụp...cứ thế cho qua ngày đợi đến lúc Bố đi công tác về, Bố tôi lại dạo một vòng chợ, xách về mớ lòng bò, hì hục cạo cạo, chà chà và nấu lên món lòng bò ngon tuyệt, ngon đến nỗi ngày nào ông cũng cho tôi ăn lòng bò, để khi tôi nhìn thấy lòng bò là kinh hồn khiếp vía.
Thím Ba nhổm dậy, ngó vô bên trong dòm chừng đồng hồ, dường như thấy còn sớm, thím lại ngồi xuống lấy nón quạt phành phạch. Tôi lại hỏi thím:
- Nếu như thời gian quay ngược trở lại, thím còn đi làm cách mạng nữa không?
- Xí...còn phia à. Tao ngu một lần thôi, đâu có lần thứ hai nữa con. Tao kiu cảnh sát, chỉ từng hầm tụi nó chui rúc bên dưới, còng đầu từng thằng một cho coi.
Tôi bật cười khanh khách, má Duyên đang nằm nghỉ trong giường ngủ của Bố tôi, chõ miệng ra nói:
- Ê...ê cái con nhỏ Ba-ke (Bắc Kỳ) kia, mày cứ chọc ghẹo cho thím Ba nổi giận, thím chửi tùm lum rồi công an còng đầu thím tội nghiệp mày. Bà đi tù rồi ai nuôi chồng nuôi con bả đây?
- Ở đó mà còng đầu tao. Xí...tao thí cái mạng già này đó, có ngon tới đây mà bắt tao...
Thấy bà hung hăng quá, tôi vội vuốt ngọt:
- Thôi thím...uống nước cho hạ hoả đi thím, không thôi công an chưa kịp còng thím, thím lại lăn đùng ra tăng xông máu thì khốn nạn cho thân bà.
Thím Ba mặt đỏ phừng phừng, quơ chân múa tay phát ra những ngôn từ hình như không có trong từ điển. Mấy người ngồi bên ngoài che miệng cười khúc khích, tôi nín khe chẳng dám cất lời vì tôi không muốn chọt thêm vào nỗi đau của bà. Chửi bới một hồi lâu, hình như đã thấm mệt, thím Ba xổ mái tóc xác xơ đã lốm đốm nửa đen nửa bạc, lấy mấy đầu ngón tay quàu nhẹ rồi bới gọn lại phía sau. Thím đứng lên, móc túi áo tìm bạc lẻ trả tiền cho ly trà đá vừa uống. Tôi nói thím cất đi, hôm nay tôi không lấy tiền, nhưng thím cứ để đại xuống bàn, dằn cái ly lên trên rồi quảy đôi thúng gánh trên vai ngoay ngoảy bỏ đi về hướng bến đò. Nhìn theo bóng dáng của thím khuất ở cuối phố, trông thật tội nghiệp! Tôi rùng mình nghĩ đến nếu tôi ở trong trường hợp của thím, tôi có được sự can đảm như vậy không? Hay là khi vừa bị bắt đã run lên bần bật khai cho bằng sạch...Rồi tôi lại nhớ đến ông già nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đến bản nhạc "Dáng Đứng Bến Tre" của ông mà tôi đã được thầy Doanh dạy Vật Lý luyện giọng kỹ càng trước khi tôi tham dự chương trình văn nghệ do trường tổ chức nhân ngày lễ Thầy Cô 20-11, khi ấy tôi đang học lớp 11 niên khoá 83-84.
"Ai đứng như bóng dừa,
Tóc dài bay trong gió.
Có phải người còn đó,
là con gái của Bến Tre,
Con gái của Bến Tre.
Năm xưa đi trong đạn lửa,
Đi như nước lũ tràn về.
Ơi! Những con người làm nên Đồng khởi,
Ơi! Những cây dừa, để lại cho ta bóng quê
Ơi! Tóc ai dài, còn mang dáng đứng bến Tre.
Mỗi lúc đi xa, dừa ơi ta nhớ lắm nghe,
Vườn trái trái xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe.
Nhớ con sông dài, Hàm Luông bến ta quen ghé,
Lại nhớ tóc em dài, còn mang dáng đứng Bên Tre..."
Thầy Doanh dạo nhạc bằng cây đàn ghi ta thùng, và bắt nhịp cho tôi hát, đến khúc "Là con gái của Bến Tre... năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ..." Thầy bắt tôi ngừng lại: "Em phải hát như thế này này... nhấn mạnh vào cái câu đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về, giọng phải hùng hồn, phải cho giống khí thế cách mạng đang cuốn tràn đi như nước lũ. Rồi đến câu sau - ơi những con người làm nên đồng khởi, ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê, ơi tóc ai dài còn mang dáng đứng bến Tre - em phải thả cho làn hơi nhẹ nhàng, thật nhập tâm vào từng câu hát, cho thanh nhã giống như một cô gái dịu dàng tha thướt bên gốc gốc dừa. Em nhớ chưa? Em có ưu điểm là giọng hát của em rất ngọt ngào truyền cảm, em hát nhạc dân ca Nam bộ tuyệt lắm, thầy hy vọng mai này em sẽ trở thành nhân tài của đất nước, mang giọng hát của mình phục vụ cho xã hội, cho nhân dân, em hiểu không?" Trời đất ơi! Ông Nguyễn Văn Tý ơi!Thầy Doanh của tôi ơi! Nếu ông nhạc sĩ mà gặp thím Ba tôi trước, thấy được dáng người ục ịch, mái tóc xác xơ, cùng với hàm răng cửa rụng mất vài cái và một tấm lưng đầy vết thẹo bị tra tấn thời đi làm cách mạng, hơn nữa khi được nghe chính miệng thím Ba, người con gái năm xưa "đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về ", mặt đỏ bừng, mắt long sòng sọc cất tiếng: "Xí...còn phia à. Tao ngu một lần thôi, đâu có lần thứ hai nữa con. Tao kiu cảnh sát, chỉ từng hầm tụi nó chui rúc bên dưới, còng đầu từng thằng một cho coi." Thì không biết ông có còn hứng thú gì để viết lên được làn điệu dân ca Nam Bộ vừa hào hùng vừa ngọt ngào này nữa chăng?
Khi ngồi đây viết những dòng này, tôi bật cười nhớ lại câu nói của thầy Doanh năm xưa... Nhân tài cái khỉ khô gì đâu mà đến tuổi này, tôi đang lơ lửng trên đỉnh cao và chuẩn bị tụt xuống bên kia cái dốc của cuộc đời, mà tôi vẫn chỉ là một người vô dụng, đang ăn bám chồng, và là một phó thường dân không hơn không kém...
***
Một bữa, má Duyên tôi dắt ông khách đến quán uống cà phê giới thiệu với tôi là chú Tư, bạn của ba bé Hà. Chú Tư dáng người dong dỏng tầm hơn bốn chục tuổi, chú cũng là sĩ quan quân đội VNCH đang chờ đi Mỹ theo diện H.O, chú ở tuốt dưới Ba Tri, lâu lâu mới có việc lên chợ thị xã, lần nào chú đều ghé tìm má Duyên tâm sự. Tôi không biết tình cảm của má Duyên dành cho chú như thế nào, nhưng một bữa, má bỏ nhỏ với tôi: "Chú Tư mày thiệt khờ hết sức. Hôm qua lúc ở đây uống cà phê xong, má đưa ổng về nhà coi giùm cái máy casset bị hư, trong phòng chỉ có ổng và má, má đứng sát cạnh ổng vầy mà chú Tư không dám làm gì hết, sửa máy xong chú lí rí xin phép đi về." Tôi nghe khoái trí cười khanh khách nói giọng hùng hồn: "Sao má không tấn công chú, má đè ổng ra hun ông đại một cái xem sao." "Ừa hén, lần sau má làm thiệt à." Cả hai má con tôi cười vui vẻ.
Cũng tại cái quán cà phê này, tôi đã gặp biết bao nhiêu người, bao nhiêu hoàn cảnh, và bao nhiêu tình thế cười ra nước mắt. Phong trào hụi hè nổ ra rầm rộ, ai cũng nhao ra làm chủ hụi, kể cả mấy người trước đây có ít ngày, tôi còn thấy gồng gánh đôi thúng trên vai, lèo tèo ít rau quả mang ra chợ bán như chị Hằng, chị Loan. Vậy mà cũng lắm người ùng ùng góp tiền chơi hụi của mấy chị. Thấy hụi kêu cao, tôi cũng nhào vô làm một chân hụi tháng, mới góp được vài kỳ, nhát chết, tôi lại đòi rút ra. Chỉ hơn tháng sau hụi bể tùm lum, phần lớn các chủ hụi rủ nhau trốn sạch, để lại ngôi chợ tan hoang với những gương mặt hốt hoảng, bất thần, ngơ ngác. Theo mấy người hụi viên, tôi cũng hối hả đạp xe xuống nhà chị Hằng, căn nhà của chị nằm tuốt trong miệt vườn, cách đường quốc lộ chính đến vài cây số đi bộ. Vào đến nơi thì chị Hằng đã bỏ trốn, túp lều lá ọp ẹp của vợ chồng chị đã bị những người hụi viên đến trước phá tanh bành. Không biết họ có dành nhau lấy được tí gì đồ đạc từ trong căn nhà này chăng? Nơi này tôi đã ghé một lần cách đây vài tháng khi chị Hằng mời dự đám thôi nôi con chị, thằng bé đen thui mà hồi xưa chị hay đặt nó một bên thúng, còn một bên kia đựng mấy thứ đi chợ rồi quảy nó trên vai đi bộ thoăn thoát về nhà. Đồ đạc thật sự chẳng có cái gì đáng giá, vậy mà nghe đâu chị cũng cuỗm được một mớ tiền khá lớn trốn đi, má nhỏ tôi bị dính chị mấy trăm ngàn, tôi thì không bị gì hết, chỉ ham vui xuống dưới đó coi sao.
Người dựt hụi đi đầu tiên là chị Sáu Ngọc, tiếp đến là Sáu Lem và gần như rốt chót là má Duyên tôi. Chị Bông Giấy rỉ tai tôi nói nhỏ làm tôi chưng hửng. Tôi không có liên quan gì tiền bạc với má, nhưng tôi buồn vì không được gặp má mỗi ngày. Bao nhiêu tiền bạc bán cà phê để dành được, tôi ti toe tập tành theo mấy chị cho mượn góp, mượn đứng, mượn ngồi rồi bị giựt sạch sẽ, cộng thêm quán cà phê bị Bố tôi bắt đóng cửa với lý do má nhỏ tôi bảo buôn bán kinh doanh như vầy sợ tỉnh cho đòi lại nhà. Tôi với Hạnh ngồi mỗi đứa một góc chẳng thiết ăn uống gì. Nỗi buồn mất tiền làm tôi điên đảo.
Còn lại ít tiền, tôi cho Hạnh về Bắc thăm quê, còn tôi lấy đường thiếu chịu từ mấy người chủ lò quen thuộc, ra trước cửa ngồi bán. Nhưng lời lóm không được bao nhiêu vì đường ướt khi bán hàng từ từ khô queo, hao, không lời mấy. Một thời gian sau bố tôi cho phép mở lại quán cà phê, nhưng hình như hết thời, chỉ lèo tèo vài người khách. Chán nản tôi đóng cửa bỏ lên Sài Gòn phụ dì tôi bán quán. Căn nhà đó bố tôi cho môt tiệm vàng mướn, Hạnh học nghề uốn tóc, thằng Út lêu lổng chẳng chịu học hành gì. Bố tôi xin cho nó học nghề sửa Honda, sáng nó đạp xe đi, chiều nó đạp xe về nhưng toàn bỏ đi chơi, bị mắng vốn và ông chủ cho nghỉ.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 410

Return to top