Bước vào nhà, gặp chị Nguyệt đang ngồi nói chuyện phiếm với Chị Lan, chị chờ tôi về để nhận quà của người thân mà tôi mang giùm từ bên Nhật. Khi trao tận tay chị bao thơ đựng tiền, tôi kêu chị đếm lại cho đầy đủ kẻo mất lòng sau này, chị Nguyệt mỉm cười nói với tôi:
- Được rồi em, chị cảm ơn em lắm.
Chị Lan quay sang hỏi liền chuyện của Sương:
- Sao rồi? Có chỗ nào nhận không?
Tôi lắc đầu:
- Chỗ nào cũng đòi có người bảo lãnh, mà phải đi trong giờ hành chánh, họ không chịu làm ngoài giờ.
Khi biết tôi có ý định đưa cô gái đi bệnh viện phá thai, chị hốt hoảng la lên:
- Trời ơi, sao em lại súi người ta phá thai, tội chết đó!
Tôi nhìn chị rồi lại nhìn qua bên Sương, phân trần:
- Vậy chị nghĩ bây giờ nó phải làm sao? Nghèo, tiền ăn cơm không có, má ở quê thì già, lại đang nuôi đứa con nhỏ cho nó. Biết là tội thật nhưng nếu sanh con ra mà không có điều kiện nuôi dưỡng nó tử tế thì thà đừng sanh cho rồi.
Chị Nguyệt soay sang hỏi Sương:
- Vậy ba đứa bé đâu?
Tôi trả lời thay cho Sương:
- Tuốt ở bên Đức lận chị ơi, mà chả đánh bài "xù" rồi. Mong đợi gì nữa.
- Ổng là người Việt hay người Tây?
- Tây, mắt xanh, mũi lõ.
- Trời... đẻ con lai Tây đẹp lắm đó, bỏ chi phí vậy em?
Tôi cười, vỗ vai Sương, nói:
- Thôi, để đẻ rồi mang lại chị này nuôi giùm cho, bà ham con lắm.
Chị Nguyệt về rồi, tôi và Sương vẫn còn bàn bạc với nhau đủ thứ về chuyện cái thai. Bỏ hay dưỡng vẫn chưa ngã ngũ ra làm sao, tiền phí bệnh viện tôi có thể giúp được, nhưng đứng ký đơn bảo lãnh... thật sự tôi e ngại quá chừng. Nhờ người khác chắc chắn không có ai muốn đứng ra làm chuyện thất đức này, và phần nữa họ sợ bị xui xẻo "mắc phong lông", nhất là những người buôn bán làm ăn ngoài chợ.
Sương ngồi bệt dưới nền gạch bông, xoãi chân dài ra phía trước, lưng dựa vào cánh cửa tủ, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống hai bàn tay đan vào nhau như thể đang suy nghĩ gì mông lung lắm. Từ khoảng cách hơi xa, tôi vẫn nhìn rõ hàng lông mi đen dầy, cong vút của Sương, cô nàng có đôi mắt tuyệt đẹp! Chỉ mỗi tội lúc nào toát ra một vẻ đượm buồn. Người ta bảo rằng "hồng nhan bạc phận", quả đúng với trường hợp của Sương. Nhiều lúc tôi phân vân tại sao một cô gái xinh đẹp dịu dàng như Sương lại gặp quá nhiều khổ luỵ, tang thương... Đang ngẩn ngơ suy nghĩ bỗng tôi giật mình khi tiếng của Sương cất lên:
- Chắc em giữ lại cái thai này chị à, em sẽ về Hải Phòng quê chồng sanh con ở ngoải.
Tôi nghe Sương nói ngồi bật dậy ngỡ ngàng nhìn nó lom lom. Mèng ơi...! Ngó cái mặt thì đẹp gái sáng sủa như vậy mà đầu thì toàn chứa đậu hũ, hèn gì cuộc đời cứ tối đen như mõm con chó mực. Tôi quạt lên:
- Mày nghĩ sao mà đòi về bên chồng đẻ con? Ngu cũng vừa thôi. Chị e rằng vừa nghe mày ôm cái bầu về, má chồng đã đạp ra khỏi cửa. Ở đó mà đòi nuôi đẻ mày.
- Không! Mà chồng em thương em lắm!
- Thương là thương cái lúc chồng mày vừa mới chết, người ta thương dâu goá, cháu côi. Còn bây giờ hoàn cảnh khác hẳn, chồng mày chỉ còn là nắm tro tàn, con gái mày người ta có ngàng gì đến trong mấy năm qua không? Đã vậy, đi lang chạ ở đâu vác cái bầu về bảo người ta nuôi đẻ. Khùng nó cũng vừa với...!
Sương nghe tôi nói im lặng cúi gằm mặt xuống. Tôi nhìn nó thấy tội ghê mà chưa biết phải giải quyết ra sao. Tôi giữ Sương ở lại ăn cơm chiều, bữa cơm khá thịnh soạn, có thịt gà luộc rắc lá chanh, có chả giò tôm đặc biệt của chị Lan, canh cải bẹ xanh nấu cá thác lác và món thịt bò xào cải rổ, nhưng Sương chỉ ăn được lưng chừng chén rồi bỏ đũa. Tôi an ủi:
- Ráng mà ăn thêm một miếng em ạ, đằng nào thì việc cũng xảy ra rồi, lo nghĩ nhiều cũng vậy thôi.
Khoảng chừng 7 giờ tối, trước khi Sương ra về, tôi dặn nó:
- Về nhà suy nghĩ một đêm đi, rồi mai quyết định. Để tối nay chị tính coi có cách gì khá hơn để giúp mày không. Sáng mai gặp lại.
Tối hôm đấy tôi lại trằn trọc khó ngủ. Nhớ đến câu chị Nguyệt nói "Sao em lại xúi cổ phá thai, tội chết!" làm tôi chùn chân. Nghĩ đến việc giết đi một sinh linh bé nhỏ, gai ốc nổi đầy mình. Trời ơi...! Nếu quả thực có địa ngục, dám sau này chết đi Diêm Vương sẽ đầy tôi xuống tới tầng thứ 19 chứ không còn phải tầng thứ 18 như trước đây. Tôi mắc nhiều tội quá, toàn là tội xúi bậy. Bạn bè, đứa nào gặp rắc rồi về chuyện gia đình, chồng có "mèo" gì gì đó mà mang tới hỏi ý kiến tôi, là tôi xúi ly dị liền. Gặp ai cũng nghi ngờ họ thế này thế kia... đa nghi còn hơn Tào Tháo.
Nằm trong căn phòng mát lạnh, tắt đèn tối đen, mắt tôi mở thao láo nhìn lên trần nhà. Bên cạnh, thằng con trai bé bỏng đã say giấc nồng, vòng tay ôm ngang bụng mẹ, hình như nó sợ mẹ sẽ biến mất như mọi khi. Tôi đưa tay xoa nhẹ lên mái tóc của con, những sợi tóc mềm như tơ, toả hơi ấm dưới bàn tay giá lạnh của mẹ. Bất giác, tôi ôm chặt lấy con, hít lấy hít để cái mùi thơm quen thuộc của com mình. Tôi đã có một quyết định ở trong đầu, sáng mai khi Sương tới đây, tôi sẽ nói ra ý định đó. Tôi tự mỉm cười trong đêm tối, và giấc ngủ đến với tôi thật dịu êm...
Ngày hôm sau, mới hơn 7 giờ sáng Sương đã có mặt ở nhà tôi. Hôm nay, nó không mặc bộ đồ pijama nữa mà thay bằng cái quần jean và áo thung, trông gọn ghẽ, chẳng có vẻ gì là một cô gái đang mang bầu. Sương vừa đến nhà, tôi nói liền một tràng:
- Thôi bây giờ thế này, Sương giữ lại cái thai tạm thời ở nhà chị trong thời gian chờ đẻ con. Còn đứa con không muốn nuôi thì để lại chị mướn người về nuôi, lúc nào có điều kiện Sương đón nó về cũng được. Biết đâu là con gái thì sao, con gái lai Tây đẹp lắm, mai mốt lớn lên, tao cho nó đi thi hoa hậu.
Tôi mơ màng nghĩ đến cái viễn cảnh một đứa con nít lai Tây, mắt xanh, tóc vàng, da trắng, xinh đẹp mũm mĩm như trong tranh, lẫm chẫm chạy đến bên tôi gọi mẹ. Trời ơi... tôi cưng nó biết nhường nào! Tôi vẫn thường đứng ngẩn tò te nhìn theo mấy đứa con nít Tây theo cha mẹ đi dạo ngoài phố. Thú thật, chỉ muốn bắt trộm một đứa mang về nhà nuôi. Vậy mà Sương đã làm cho tôi chưng hửng, mất hết cả niềm hy vọng khi nó cất tiếng:
- Không được. Lúc còn ở bên Macao, em đã uống thuốc cho ra thai, thuốc mạnh lắm mà sao cái thai này không chịu ra, em uống mấy liều lận, e rằng nếu để sẽ sanh ra quái thai mất.
Tôi như đang đi trên mây, bỗng dưng bị Sương đẩy rớt xuống vực thẳm, sững sờ, không thốt ra lời. Thế là công cốc! Đành phải theo ý của nó, nhưng Sương vẫn chưa tìm ra người ký giấy bảo lãnh cho. Thấy tụi tôi lúng túng trong việc này, chị Lan tình nguyện làm người bảo lãnh. Trước khi lên xe taxi đến bệnh viện, phòng trường hợp không may xảy ra, tôi kêu nó ghi địa chỉ má nó ở ngoài quê và cách nào liên lạc sớm nhất.
Tám giờ sáng, ba chị em tôi có mặt tại Trung Tâm Bà Mẹ Trẻ Em Quận Ba nằm trên đường Cao Thắng. Tại đó, Sương phải mua một cuốn sổ khám bệnh màu xanh giá 2000 đồng, lấy số vô phòng khám. Tôi và chị Lan ngồi đợi ở phòng chờ bên ngoài. Xung quanh tụi tôi có rất nhiều người đến khám bệnh, phần đông là đàn bà con gái, cũng có vài ông nhưng ngấp nghé ở tuốt đằng xa. Đây là một khu bệnh xá chuyên chữa trị bệnh phụ nữ, có cả dịch vụ sinh đẻ và kiêm luôn việc phá thai hợp pháp. Bệnh xá này tôi đã đến khám định kỳ nhiều lần trước khi qua Nhật định cư nên nó cũng chẳng xa lạ gì đối với tôi. Thường khi tôi đi khám bệnh phải lên lầu một, mua sổ ở dưới tầng trệt, chạy lên lầu nộp sổ ngồi chờ. Sau khi cô y tá đọc đến tên mình, cô sẽ hỏi mình muốn khám gì, cô ghi vào trong sổ, phát thẻ và chỉ vào phòng khám số mấy. Lúc bác sĩ khám xong, yêu cầu… làm thêm xét nghiệm gì đó mình lại phải chạy xuống tầng trệt đóng tiền, lấy biên lai và lại ngồi chờ đến phiên... Lần nào tôi lên đây, bệnh nhân cũng đông như kiến cỏ, đa phần là các cô gái trẻ đi phá thai, nhiều vô kể, chỉ khoảng hơn một giờ ngồi chờ đợi đến phiên mình khám bệnh, tôi đã đếm được vài chục cô đi "điều hoà kinh nguyệt". Điều này dễ dàng nhận biết vì trước khi lấy số vào phòng khám bệnh, cô y tá ngồi phát số sẽ hỏi bệnh nhân khám gì, nếu bệnh nhân trả lời khám thai, cô y tá hỏi luôn "dưỡng" hay "bỏ", đa phần đều được trả lời là "bỏ". Có lần tôi còn nghe bác sĩ la quá trời một cô gái còn trẻ, vì cô này mới tháng trước đi hút thai một lần, hôm nay lại đến xin được "điều hoà kinh nguyệt " lần nữa.
Hôm nay, Sương không phải leo lên lầu I mà khám ngay ở dưới tầng trệt này. Sau khi bác sĩ khám nghiệm sơ qua về cái thai, Sương phải ra làm thủ tục nhập viện, chị Lan trình giấy chứng minh nhân dân và ký tên vào tờ đơn bảo lãnh hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu không may Sương qua đời. Còn tôi thì có nhiệm vụ trả tiền, số tiền phải trả lúc đó là 1.400 000 đồng tiền Việt Nam (chừng hơn 100$ Mỹ). Ký đơn xong chị Lan đi về nhà, tôi ở lại bệnh viện với Sương. Chị Lan về rồi, Sương được gọi vào trong phòng khám thai lại một lần nữa, lần này bác sĩ khám kỹ hơn, có cả siêu âm và xét nghiệm máu. Sau khi cầm tờ giấy kết quả siêu âm, tôi thấy lờ mờ hình đứa bé nằm trong bụng mẹ, nhìn xuống bên dưới, đề: "Tuổi thai 12 tuần, bé trai". Tôi rùng mình nhắm mắt lại, cái thai lớn quá rồi mang phá bỏ thật là tội lỗi. Trong lúc chờ đợi được sắp phòng, tôi kéo nhẹ tay Sương, nhìn thẳng vào mắt nó, nói nhỏ:
- Cái thai lớn quá rồi, nó có hình em bé rồi đấy! Thôi đừng bỏ nữa, để dưỡng đi. Chị thấy tội quá!
Sương ngập ngừng nhìn tôi rồi lại quay nhìn ra một nơi vô định, một lúc sau nó quay lại quả quyết:
- Em quyết định bỏ rồi, chị đừng khuyên em nữa.
Tôi ngồi bên cạnh mân mê tờ giấy có ghi địa chỉ của mẹ nó ngoài quê, im lặng không nói thêm tiếng nào. Khoảng chừng vài phút sau cô y tá gọi tụi tôi đến nhận phòng, Sương được sắp nằm chung phòng với một cô gái khá trẻ cũng đi phá thai. Một lúc sau, cô ý tá lại gọi Sương lên phòng khám lần nữa. Tôi ngồi đợi ngay tại phòng, tưởng rằng bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật lấy đứa bé ra ngay lúc đó, nhưng không phải, bác sĩ chỉ đặt một viên thuốc trong cổ tử cung của Sương, và dặn: "Về phòng nằm chờ, khi nào đau bụng báo cho y tá biết." Tôi ở lại với Sương hơn 3 tiếng đồng hồ mà chưa thấy có hiện tượng gì. Sương hối tôi đi về nhà nghỉ ngơi, nhưng tôi lại sợ khi tôi không có mặt ở đây, lỡ cô nàng gặp trục trặc e tôi ân hận. Sương quả quyết:
- Không sao đâu, chị về đi. Bác sĩ bảo có thể là vài giờ nhưng cũng có thể tới hai ba ngày lận.
Nghe nó nói cũng có lý, không lẽ tôi cứ ngồi đây chờ đợi hoài. Trước khi ra về, tôi để lại cho nó thêm mấy trăm ngàn, dặn:
- Nhớ phải cho tiền y tá bác sĩ để họ làm cho nhẹ nhàng không đau đớn nghe chưa. Khi nào lâm râm đau bụng, phải gọi điện thoại cho chị liền, chị sẽ chạy vào ngay.
Sương gật đầu líu ríu. Tôi an tâm ra về. Về tới nhà, lòng tôi lại như lửa đốt, cứ cách một tiếng là tôi lại gọi điện thoại vào hỏi thăm tình hình, Sương vẫn bình an chưa thấy hiện tượng gì cả. Tôi còn tiếp tục gọi điện thoại cho nó đến tận 10 giờ đêm rồi mới yên tâm đi ngủ. Cả hai ngày quá mệt mỏi về chuyện của nó, tôi đánh một giấc thẳng cẳng đến tận 10 giờ sáng hôm sau mới tỉnh dậy. Giật mình vì quá trễ, tôi vội gọi điện thoại vào cho Sương hỏi thăm tình hình. Cô nàng trả lời tỉnh queo:
- Xong rồi chị, em đang thu xếp để về nhà.
- Cái gì, lẹ vậy? Sao không báo cho chị biết?
- Em thấy khuya quá rồi, ngại làm phiền chị nên thôi. Em đi tiểu là cái thai tọt ra luôn trong nhà cầu, chỉ đau bụng có chừng hơn tiếng đồng hồ là hết. Bây giờ em khoẻ rồi, chị khỏi vô đây nữa nghe, em về thẳng nhà luôn.
Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa cất đi được một gánh nặng ở trong lòng. Tôi dặn thêm nhớ phải ăn uống bồi bổ sức khoẻ và kiêng cử như thời kỳ sanh con, thiếu tiền thì chạy lên tôi đưa thêm. Nhưng từ đấy nó lặn mất xác, tôi không gặp lại nó cho đến ngày tôi trở về Nhật.
Hơn hai năm sau, vào mùa hè năm 2003, khi tôi về Sài Gòn thăm con. Bất ngờ nó lại ghé nhà thăm tôi, trông Sương vẫn ốm yếu xanh xao như thủa trước, còn có vẻ tiều tuỵ hơn lúc có bầu. Tôi hỏi Sương dạo này làm ăn gì, cô nàng trả lời khe khẽ:
- Em đang trốn đám giang hồ.
- Sao phải trốn tụi nó?
- Em qua Campuchia đi làm mà cực quá, không có tiền nên trốn về. Em sợ đám giang hồ theo bắt lại.
- Ai biểu ngu đi qua Miên làm gì vậy? Ở đây thiếu gì chỗ mà phải đi qua bên đó.
- Em nghe nói bển mần ăn ngon lắm!
- Ngon cái gì mà ngon, đã đi thử máu chưa? Dám qua bển bê "sầu riêng" (bệnh AIDS) về lắm à nha. Người gì đâu mà ngu quá đi!
Tôi lắc đầu nhìn nó thương hại. Thật đúng như những gì chồng tôi đã từng nói: "Em nên nhớ rằng làm thân con gái sướng khổ đều nhờ chồng, nhưng những cô gái xinh đẹp mà không thông minh giỏi giang thì cũng chỉ giống như một con búp bê trong tủ kiếng. Chẳng có một người đàn ông trí thức thành đạt nào chịu cưới một cô vợ như vậy. Em may mắn vừa có nhan sắc lại vừa thông minh hiểu biết, nếu em được sinh ra tại nước Nhật này, được hấp thụ nền văn hoá, giáo dục ở đây, anh tin rằng em sẽ có một tấm chồng xứng đáng hơn cả anh. Em phải cảm ơn cha mẹ của mình, bởi cha mẹ đã tạo ra em."
Ngày hôm nay Sương lại hiển hiện trước mặt tôi sau hơn một năm trời không gặp, không thư từ liên lạc. Tôi mừng vì Sương trông có vẻ điềm đạm hơn xưa, mái tóc đã để dài, uốn quăn và cuốn gọn ở trên đầu, nước da màu bánh mật, cặp mắt mở to, đen tròn và dường như vẫn còn chất chứa cả một nỗi buồn diệu vợi.
Tôi đứng dậy tự làm cho mình một ly nước giải khát, hỏi Sương:
- Em uống gì, cà phê hay nước ngọt? Chị pha cho luôn.
- Chị cho em ly trà đá được rồi.
Quay đầu lại, mắt tôi đụng ngay vào bịch trái nho Mỹ chị Lan treo lủng lẳng phía bên trên cái kệ đựng điện thoại bàn, tôi reo lên:
- Cha! Hôm nay bà xộp quá hén, dám cả gan mua nho Mỹ về ăn nữa nha?
- Chị có mua đâu, của nó đấy - chị Lan hất đầu chỉ về phía Sương.
Sương nhìn tôi cười bẽn lẽn, còn tôi thì trợn tròn mắt ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên Sương mua quà đến thăm tôi sau mười năm quen biết, điều này khiến tôi xúc động, mừng vì cô nàng đã thực sự trưởng thành và biết cách giao tiếp trong xã hội, mừng vì cô nàng đã thoát khỏi cảnh nghèo đói túng thiếu trước đây. Tôi đưa mắt nhìn qua phía đối diện, chiếc xe tay ga mầu trắng xinh xắn dựng chống ngang ngay đó, liền cất tiếng hỏi Sương:
- Xe kia của em hả.
- Dạ
- Đổi đời rồi hén?
Bê ly trà đá đặt trước mặt Sương, tôi ngồi xuống bên cạnh, ngả người dựa hẳn vào ghế, mắt nhìn vào khoảng không nhưng lại lẩm bẩm nói với Sương:
- Nhanh quá...! Mới đó mà ông Toàn đã chết được gần mười năm rồi, ông Bắc nhà chị cũng ở tù nhiêu đó ngày, đâu như ngày 6 tháng 10 thì phải Sương hén?
- Dạ.
- À.
Tôi ngồi bật dậy, nhìn thẳng vào mặt Sương hỏi tiếp
- Đứa con gái Sương nay cũng hơn 10 tuổi rồi, nó có đẹp gái không? Nó giống Sương hay giống ông Toàn?
- Xấu hoắc à, nó giống hịt ba nó chị ơi!
- Trời...! Phải chi nó giống Sương hén, giống Tía nó có cái mặt hắc ám thấy mồ.
- Bởi vậy.
- Ờ, cha Vinh Bao La được thả rồi đó, Sương đã gặp chưa?
- Dạ chưa.
- Chị cũng chưa gặp, nhưng có ghé đây thăm bà Lan rồi. Nghe nói cha dạo này "mát" dữ lắm. Toà xử 8 năm, ở đúng 8 năm mới được thả về. Bữa hôm nọ trước khi lên trại tù thăm ông Bắc, bà Lan rỉ tai chị thì thầm: "Em lên trên đó cho ông Bắc ít tiền thôi, ông ở trên đó bài bạc dữ lắm, một lần thắng mấy chục triệu, nhắn vợ lên mang về". Chị cười hỏi, ai nói bà nghe vậy. Thì thằng cha Vinh Bao La nói chứ ai. Trời! Tưởng bà nghe ai chứ bà đi nghe thằng Vinh Bao La có mà bán lúa giống. Ở tù khổ chết bà luôn mà đòi thắng đánh bạc.
Tôi cười khanh khách, Sương cũng cười hoà theo.
- Nhớ nhất cái hôm Toà kết án xong, công an điệu hai cha ra ngoài xe để về lại trại giam Chí Hoà, thế mà ảnh còn ráng quay đầu lại nói với con Hạnh: "Em ở nhà lấy chồng đi nhá, đừng chờ anh!" Mẹ kiếp, chết đến đít rồi mà vẫn còn máu tếu.
- Cha "mát" từ đó đến giờ rồi mà chị. Để bữa nào em ghé lại thăm thằng chả. Anh Toàn nhà em hồi đó cũng nhờ vả cha nhiều. Nói chung con người Vinh bao la có tình có nghĩa.
- Sương còn nhớ ông Dũng Xỉn, anh cha Vinh không?
- Ông qua định cư bên Đức rồi mà.
- Ừa, qua bên đó được một năm, quậy quá bị vợ đuổi về Việt Nam lâu rồi. Không biết bây giờ ổng sống chết ra sao hén? Tôi và Sương còn nói chuyện với nhau khá lâu, nhắc lại nhiều kỷ niệm. Và có lẽ thấy trễ, Sương xin phép ra về. Tôi tiễn Sương ra tận cổng, nhìn theo mãi cho đến khi bóng nó quẹo hẳn vào con đường Pasteur phía xa xa...