Về tới nhà, bỏ tất cả thịt vào trong tủ đá ướp lạnh trước vì đoạn đường về Sài Gòn khá xa, sợ bị ôi. Tụi tôi bắt đầu sửa soạn để chờ anh Hùng xuống là đi. Trên đường về sẽ ghé lại nhà bà con bên chồng của Hạnh ăn đám vu quy con gái út của dì Bảy nó. Tuy tôi không quen biết gì nhưng vẫn thích nhập bọn đi cho vui. Lần nào về Việt Nam cũng than ngắn thở dài chả ai chịu mời mình đi đám cưới, đám tiệc, quần áo toàn đồ đẹp mà lại chẳng biết diện khoe với ai. Ở bên Nhật, hầu như không có đám tiệc nào, hoạ hoằn lắm tôi mới được theo chồng đi tiếp khách, còn không thì cứ ru rú ở nhà, buồn như đưa đám. Mấy đứa bạn tôi bảo: "Có cái thiệp mời đám cưới, sợ y như giấy báo nợ. Mày lại cứ mong người khác mời".
Hơn 11 giờ trưa anh Hùng mới xuống tới. Chưa kịp nghỉ ngơi gì là tụi tôi bắt đi liền cho kịp đám tiệc. Xe chạy về hướng cầu bắc, qua ngã ba, xe quẹo vào một con đường nhỏ do Hạnh chỉ đường. Chạy theo sau là thằng Đấu chở bé Trân đi bằng xe honda. Hồi sáng Đấu gọi điện thoại đòi xuống đón bạn gái, tôi đã cản vì đường xá xa xôi, để con bé ngồi xe hơi cho khoẻ, nhưng Đấu cứ năn nỉ xin được xuống chơi và tiện đón bạn gái. Chị Vân Giang thì gạt đi nói với tôi: "Kệ thây chúng nó, tuổi trẻ mà. Tụi nó thích vậy đấy! mai mốt cưới về rồi biết tay nhau liền." Đấu quen với đứa cháu gái tôi từ ngày còn học cùng lớp ở trường phổ thông trung học, có tên đầy "ấn tượng" Lê Đình Chiến Đấu. Cháu tôi kể chuyện hồi Đấu mới nhập trường, giáo viên chủ nhiệm đọc tên nhưng nó lại ngồi im không lên tiếng dạ, làm mấy đứa bạn xôn xao la làng: "Chiến Đấu đã hy sinh anh dũng rồi cô ơi" làm cả lớp được một trận cười vỡ bụng. Đấu khá đẹp trai và ngoan ngoãn, lễ phép, đang học đại học kinh tế năm cuối. Chẳng biết chuyện tình của tụi nó đi đến đâu nhưng tôi cũng thấy yên tâm phần nào vì gia đình Đấu cũng tử tế. Tôi không muốn bất cứ người nào trong gia đình lại dẫm vào vết chân cũ của tôi.
Xe đã vào đến cổng, anh Hùng dừng lại để tụi tôi xuống và anh tìm chỗ có bóng mát để đậu xe. Trước cổng đã chăng đèn kết hoa xung quanh bảng hiệu viết chữ VU QUY, từ cổng vô nhà khá xa, phải mất gần trăm thước, trước sân nhà đã được dựng rạp, khách khứa cũng đông đang ngồi nhậu nhẹt. Chủ nhà dẫn tụi tôi vào một cái bàn trống phía bên trong, Hạnh giới thiệu tụi tôi với Dì Bảy nó.
Tôi nhìn xung quanh, căn nhà khá rộng, khách vẫn lục tục kéo tới. Hôm nay là ngày Vu Quy, chỉ có khách bên nhà gái đến dự tiệc. Ngày mai mới đưa dâu về bên đằng trai. Đám cưới ở nhà quê, bắt đầu từ 11 giờ trưa tiếp khách lai rai cho tới chiều, ai rảnh giờ nào thì đến ăn, đủ bàn thì mời vô nhập tiệc. Món ăn được làm sẵn để ở phía bên trong, có đủ các món như súp, thịt nguội, xôi gấc, bò la-gu ăn với bánh mì...và có cả món lẩu hải sản. Tụi tôi đang ăn nửa chừng thì cô dâu ra chào bàn, cô dâu trang điểm, bới tóc và đeo đầy đồ nữ trang bằng vàng 24k, sáng rực một góc nhà nhưng lại mặc bộ đồ bộ, trông chẳng tương xứng chút nào. Tôi đã chuẩn bị bao thơ từ trước, Hạnh thay mặt cho cả bàn trao tặng cho cô dâu, nói mấy câu chúc mừng, chụp vài bô hình làm kỷ niệm, cô dâu xin phép lui ra sau nhà. Tụi tôi lại tiếp tục đánh chén. Khi dì Bẩy kêu mấy người phục vụ mang nồi lẩu ra, tôi gạt lại vì quá no rồi ăn không nổi. Ngoài sân rạp, mấy ông nhậu xỉn gây lộn um xùm còn đòi xông vào đánh nhau. Anh bà con bên chồng Hạnh từ Sài Gòn về xỉn, té lên té xuống, chị vợ đỡ chồng dậy, bắt uống nước chanh cho dã rượu nhưng anh ta lết vô trong nhà nằm vật ra giường y như một con bò mộng. Tôi ăn đã no bụng đứng dậy băng ngang qua bếp ra phía sau nhà, ở đấy cũng có một khoảng sân khá rộng và thêm một căn nhà khác dùng để làm thạch dừa, xịch ra một tí nữa là con mương nhỏ. Cô dâu đang ngồi rửa chén, thấy tôi ra ngước lên cười, đưa tay chỉ tôi nhà vệ sinh bên cạnh, cánh tay trắng ngần đeo một lúc hai, ba bộ vòng xi men phải mấy chục chiếc kêu xểnh xoảng. Tôi đi ngang gian nhà dùng làm thạch dừa, mùi chua nồng bốc lên làm tôi lợm giọng, một đàn ruồi thấy động bay vụt lên. Khiếp! Trông mất vệ sinh thế này chắc tôi sẽ không bao giờ dám ăn thạch dừa nữa. Thạch dừa có vị chua chua, ngọt ngọt là món khoái khẩu của tôi, có khi tôi ăn cả ký.
Quay trở lại bàn ngồi uống nước một lúc nữa, cả đoàn chào dì Bảy và gia đình đi về. Tiễn chúng tôi ra tận ngoài cổng, dì Bẩy cứ hết lời cảm ơn, tôi nghĩ thầm trong bụng dân nhà quê hiếu khách thật, khách không mời tự nhiên kéo cả lũ cả bầy tới ăn lại còn được cảm ơn rối rít.
Chiếc xe quay đầu từ từ tiến ra ngoài lộ, lúc này tôi mới chợt nhớ ra, lên tiếng hỏi anh Hùng:
- Ủa cái xe này có phải là xe cũ ngày xưa anh hay chở ông Don không anh? Nhìn quen quen.
- Ừa đúng rồi đó Hân.
- Anh mua lại hả?
- Ừ, mua xe cũ chứ lấy tiền đâu mua xe mới.
- Họ tính anh giá bao nhiêu?
- 18 ngàn đô đó.
Tôi nhăn mặt la lên:
- Khiếp, xe cũ mà mắc thế, xe này phải chạy cả chục năm rồi còn gì.
- Cũng phải cỡ đó.
- Ở bên Nhật với 18 ngàn, anh mua được một chiếc xe mới coóng.
- Đâu so sánh với Nhật được, mình Việt Nam mà.
Lúc này tôi sực nhớ tới ông Don, liền hỏi anh Hùng:
- Ông Don dạo này sao rồi anh?
- Ông về nước rồi Hân, sắp qua lại.
Tôi bật cười khanh khách một mình khi nhắc đến ông Don. Ông Don là người Úc qua đây làm nghề xây dựng, mấy toà nhà cao ốc đều do công ty của ông thiết kế thi công. Anh Hùng làm tài xế cho ông ta gần cả chục năm. Ngày trước lúc tôi chưa lấy chồng, anh Hùng đòi làm mai ông Don cho tôi, hy vọng tôi lấy chồng Tây để được đổi đời. Một ngày đẹp trời anh hẹn tôi cho ông Don gặp mặt tại nhà hàng Pháp trên đường Lê Thánh Tôn. Trong khung cảnh thơ mộng và sang trọng của nhà hàng được trang trí theo kiểu Pháp, tôi thấy mình lạc lõng, những món ăn của ông Don kêu ra, tôi không nuốt nổi, vì quá ngán mà lại nhạt nhẽo vô cùng. Ông Don nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng Anh giọng mũi hơi khó nghe, nhưng tôi vẫn hiểu. Ông trắng trẻo, đẹp trai, cao ráo, và để hàm râu một cách cầu kỳ. Tuy người ông xức đầy dầu thơm nhưng tôi vẫn hửi thấy thoang thoảng mùi hôi lông của người da trắng, cái mùi tôi đại kỵ. Chẳng biết anh Hùng ca thế nào mà ông Don sau lần gặp đó đã mê tôi như điếu đổ, gọi điện liên tục tấn công. Cuối tuần, ông sai anh Hùng mua một bó hoa hồng lên tặng cho tôi, luôn xin cái hẹn mời tôi đi ăn cơm. Với ông Don tôi hầu như không có một chút xíu thiện cảm, nên thường hay kiếm cớ từ chối. Anh Hùng cứ đốc vô rằng thì ông giầu lắm, em chịu ổng sau này sung sướng tấm thân mà thằng con em cũng được nhờ nữa. Nể lời anh Hùng tôi có hẹn ông đi ăn mấy lần, lần cuối cùng tôi đề nghị đi quán Việt Nam, anh Hùng lại đón tôi chở ra quán gần Sở thú. Bữa đó tôi kêu hơi nhiều đồ ăn nên dư nguyên cái lẩu, vì tiếc của tôi nói anh bồi bỏ hộp mang về nhà. Sau khi thanh toán tiền, ông Don hỏi thẳng tôi không do dự rằng có phải vì không thích ông ta nên tôi cố ý kêu nhiều đồ ăn để mang về nhà. Tôi sượng trân cả mặt bỏ đứng dậy không nói tiếng nào. Qua anh Hùng tôi nhắn lại rằng đừng bao giờ mời tôi đi đâu nữa. Dường như biết lỗi, ông lại sai anh Hùng mua hoa lên tặng tôi, hầu như ngày nào cũng đem tặng. Bực mình tôi bảo với anh Hùng khỏi cần đem hoa lên, khi nào chả sai anh mua hoa thì anh cứ việc phone cho em rồi lấy tiền đó đi uống cà phê, mua làm gì cho uổng tiền. Ông gọi điện thoại cho tôi liên tục, có khi nửa đêm cũng gọi, đi uống rượu xỉn ở đâu cũng gọi, phiền tôi hết sức. Tôi phải năn nỉ anh Hùng bảo ông ấy làm ơn buông tha cho tôi, phải mất vài tháng ông mới hết làm phiền tôi nữa. Vợ anh Hùng cứ gặp tôi đâu là chọc đó: "Mày bỏ bùa gì mà cha Don si tình mày quá trời vậy Hân? Tối ngày ông bắt anh Hùng chở đi kiếm mày hoài" Tôi cười nhăn mặt: "Chị đừng nhắc tới tên cha đó làm em sợ... người gì đâu kẹo thấy bà luôn. Hoa tai không tặng cứ nhè tặng hoa hồng, ai mà thèm ". Sau này nghe tin tôi kết hôn, ông cũng nằng nặc đòi anh Hùng cho ông đến dự tiệc cưới. Anh Hùng cản lại vì sợ ông xỉn rồi quậy um xùm. Anh Hùng ghé tai tôi nói nhỏ: "Ông Don gửi lời chúc mừng em, mai có gì em gọi điện thoại cám ơn ông giùm anh cái nghen, nhớ nghen kẻo ông bảo anh không chuyển lời cho em."
Sáng hôm sau 11 giờ trưa, vợ chồng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất đi Bangkok hưởng tuần trăng mật. Trên đường ra phi trường tôi gọi điện thoại cám ơn ông Don, ông chúc mừng tôi rối rít, ông bảo tôi xứng đáng để được hưởng hạnh phúc như vậy. Với những ngày bận rộn lo toan cho ngày cưới, tôi mệt đứ đừ, qua tới Bangkok tôi nằm lì trong khách sạn ngủ li bì, chồng tôi rủ đi đâu cũng lắc đầu từ chối, lại còn cằn nhằn nếu biết Bangkok như thế này ở lại Sài Gòn cho khoẻ, trăng mật với chả là trăng gió...
- Hồi đó mà Hân chịu ông Don thì giờ này Hân cũng sướng vậy.
- Xời ơi...sướng cái gì không biết, có một bữa ăn thôi mà ông còn dám nói thẳng bộ không thích ông ta nên em cố ý kêu nhiều đồ ăn để đem về nhà, nhục gần chết luôn, lỡ làm vợ hắn dám lại bị cái kiểu "đếm từng củ dưa hành" thì có mà chết tía tui, anh ơi.
- Ừa, mà công nhận cha kẹo thiệt.
- Em hơi khó tánh nhưng chọn chồng thì phải cho ra chồng, mấy cái thứ "mắm vố" đó thì thà ở giá cho "phẻ".
Vừa nói tôi vừa cười kể cho anh Hùng và mọi người nghe rằng ngày xưa lúc tôi còn làm hướng dẫn du lịch, thiếu ối người theo đuổi. Chuyện vui nhất là có một anh chàng cũng người Úc tên Steve làm việc tại khách sạn có sao ở Adelaide, sau hơn năm thư từ qua lại, anh ta gửi lời cầu hôn và tháng 9 năm 1996 anh nghỉ làm mười ngày bay qua Sài Gòn thăm tôi nhân tiện làm thủ tục bảo lãnh cho tôi đi du lịch Úc, để tôi xem đời sống bên Úc ra sao, nếu chấp nhận chúng tôi sẽ làm giấy kết hôn và tôi ở lại Úc luôn. Nhưng vì thủ tục bảo lãnh đi Úc du lịch lúc ấy quá khó, tôi lại không chịu làm hôn lễ trước, vì tôi chỉ sợ lấy phải người chồng sống ở vùng nhà quê, có nguyên nông trang rộng lớn và mỗi sáng thức dậy phải đi vào trại gà nhặt hàng rổ trứng đẻ rớt trong chuồng, sợ cái cảnh một thân một mình giữa vùng đồng không mông quạnh heo hút mà tôi coi ở mấy bộ phim của ngoại quốc, sợ phải luồn dưới háng mấy con bò mà vắt sữa...sợ tùm lum nên ra điều kiện ngặt nghèo làm anh chàng nản chí. Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau một cách lặng lẽ. Tôi nhớ anh mãi bởi anh làm tôi gặp phải một trường hợp thật khó xử khi có lần tôi dẫn anh đi ăn cơm tối tại nhà hàng hải sản Ngọc Sương, tụi tôi kêu món gỏi cá Ngọc Sương, một món cá sống cuốn rau thơm và bánh tráng chấm nước sốt làm bằng đậu phộng, nhưng tôi lại hảo món mắm nên nêu yêu cầu được đổi mắm nêm. Anh thấy tôi ăn mắm nêm cũng bắt chước dùng thử, bỗng anh la làng bằng tiếng Việt rằng nước chấm có mùi xxx, tôi vội đưa tay lên miệng suỵt kêu anh đừng nói lớn, mấy người phục vụ đứng bên cạnh đã nghe cả, họ quay mặt ra chỗ khác tủm tỉm cười, còn tôi thì mặt đỏ tía tai, giải thích cho anh hiểu từ đó là tục tĩu, không nên nói ngoài chỗ công cộng. Chẳng biết đứa bạn Việt Nam chết tiệt nào dạy anh nói bậy.
***
Xe qua cầu bắc được một khúc, tôi bỗng nghe điện thoại réo um xùm, nhìn số lạ hoắc, tôi đưa máy lên cho cái Hạnh vì nghĩ là bạn của nó, thế nhưng khi nó bật nút nghe thì nó lại chuyển xuống cho tôi bảo: "Của chị, Trâm đấy.". Tôi cầm máy đưa lên gần tai, hỏi nhỏ:
- Trâm hả? Có chuyện gì không?
- Bà đang ở đâu Vậy? Bà lên Sài Gòn chưa?
- Đang trên đường lên, chắc chiều cỡ bốn năm giờ mới tới.
- Vậy chiều tui mang tiền lên cho bà nghen. Trời, tui rút sớm mất mười mấy ngày, ngân hàng tính lãi xuất theo không kỳ hạn, tiền lời không có được bao nhiêu.
- Sao rút sớm chi vậy?
- Thì rút sớm đặng mang tiền sang cho bà xài.
- Ai kêu mi mang sang liền đâu à, từ từ cũng được.
- Thì ai mà biết được, tưởng bà cần gấp. Thôi lỡ rồi, mai rảnh tui mang qua
bà nghen, để ở nhà mất công hồi hộp thêm.
- Ừ, sáng mai lúc nào rảnh thì mang qua.
Trâm cúp điện thoại, tôi cũng bấm nút tắt bỏ vào lại giỏ xách, trong bụng nghĩ thầm, nhỏ này công nhận nó sốt sắng giống tánh tôi, thiếu nợ ai cũng bồn chồn lo lắng, có tiền mang đi trả liền chứ không giống mấy người mượn thì dễ mà trả thì khó. Bảo Trâm nợ tôi thì cũng không đúng mấy vì Trâm nhờ tôi mua giùm vé máy bay cho hai mẹ con nó và tôi nói về Việt Nam lấy tiền cũng được. Lần trước Trâm có ôm tiền về đầu tư mua nhà ở Sài Gòn, nhưng vì không rành thủ tục nên mua phải nhà chỉ có giấy tay, lo sợ mất tiền không ăn không ngủ được. May mắn sang nhượng lại cho người khác và có lời được chút đỉnh, lần này Trâm dự tính mang tiền trở lại Nhật, nhưng mang về thì dễ, mang đi thì khó vì Việt Nam chỉ cho một người mang ra khỏi nước có 3000 đô la một lần. Tôi đồng ý với Trâm về Việt Nam nếu thiếu tiền sẽ sang nó lấy đỡ xài và trả lại cho Trâm khi qua Nhật.
Trên xe, mọi người đều liu riu buồn ngủ. Thằng cu Tin gục hẳn vào tôi ngáy o o khiến tôi bật cười. Máy điều hoà làm không khí lạnh cóng, tôi với tay đẩy nắp phà hơi lạnh lên trên đầu, không muốn nó chĩa vào mặt gây cảm giác khó chịu, rồi tôi cũng ngả người ra thành ghế, nhắm mắt cố ngủ một giấc.
Chỉ đến khi nghe tiếng ọ oẹ khó chịu của thằng cu Minh bên trên tôi mới giật mình tỉnh giấc. Cái Hạnh quờ quạng tìm bịch ni lông để cho thằng Minh ói, thằng nhỏ say xe ói ra mật xanh mật vàng, làm mẹ nó cũng ói theo, bao nhiêu thức ăn nuốt vào trong bữa tiệc đám cưới buổi trưa nay ào ra hết, mang theo một mùi nồng chua. Chỗ tôi ngồi ở đuôi xe bị bít bùng không có cửa sổ nên hưởng trọn cái mùi gớm ghiếc đấy. Tôi gọi với lên bảo Hạnh mở cửa sổ ra cho thoáng.
***
Xe đã đến địa phận huyện Bình Chánh, anh Hùng rẽ vào con đường mới mở Bắc Bình Chánh-Nam Sài Gòn, chạy thẳng lên hướng khu chế xuất Tân Thuận, ra Quận I cho tiện, bởi nếu theo lộ trình cũ thì giờ này là giờ đông xe, có khi phải mất vài tiếng mới về đến nhà. Đường mới khá rộng ít xe nên chạy nhanh, Dì tôi nói với anh Hùng rẽ vào con đường qua cầu Kênh Tẻ cho Dì xuống đó, vì nhà Dì tôi mới xây nằm trong con lộ dưới chân cầu Kênh Tẻ này. Xe qua cầu, anh Hùng chạy từ từ và tấp lại bên đường để Dì tôi xuống, thấy quá nhiều đồ chị Vân Giang giúp Dì tôi mang vô tận nhà, tụi tôi ngồi ngoài xe đợi cũng mất khoảng mười phút mới thấy chị Vân Giang trở ra, tôi hỏi chị:
- Bộ nhà Dì em xa lắm hả chị?
- Ờ, cũng tương đối vào sâu.
- Nhà có đẹp không?
- Bên ngoài nom khá đẹp nhưng hơi hẹp.
Chị Vân Giang chui vào xe, anh Hùng lại tiếp tục chạy thẳng, đến gần mé sông trên đường Hàm Tử, anh quẹo tay mặt, vượt cầu Calmette để qua bên Quận I. Con đường khu nhà tôi sống đã hiện ra trước mặt, một bên mặt tiền kế căn nhà đã bị đập nát, để lại một khối xà bần và những bức tường nham nhở, làm chỗ cho dân bụi đời và mấy người buôn bán vỉa hè chung quanh tạt vào đó tè bậy, trời nắng nóng hầm hập, gió thổi nhẹ thoang thoảng mùi ô uế bay ra khai nồng. Anh Hùng tấp xe sát vào lề đường, nhẩy xuống mở cửa đuôi xe chuyển đồ ra cho tụi tôi chất bên cạnh một đống thù lù. Tôi bước lại gần bà già Tàu bán nước sâm mua một ly nốc cạn, thằng cu Tin đứng bên cạnh níu tay tôi:
- Bác ơi cho Tin uống với.
Tôi quay sang bà già kêu thêm ly nữa cho cu Tin và nói với mọi người, ai thích uống thì kêu. Cu Tin uống xong ly nước, tôi vỗ vào mông nó bảo lên nhà kêu các chị xuống bưng đồ phụ cho bác, thằng bé đủng đỉnh, chậm chạm leo từng bước lên cầu thang trông như ông già bị cà xụi, tôi quát to:
- Tin, lẹ lên con.
Út Lượm nhà dưới chân cầu thang mở cửa bước ra, nhìn thấy tôi toét
miệng cười:
- Chị mới lên hả?
- Ờ, mày xách giùm mấy thứ này lên nhà cho chị với.
Nó nhìn đống đồ chất bên cạnh chân tụi tôi vừa cười vừa nói:
- Bộ chị tính khuân cả Bến Tre lên đây hay sao?
Lượm cúi xuống xách bao tải rứa đựng dừa xiêm nặng trịch, kéo lết lên cầu thang. Hai đứa cháu gái tôi cũng ào xuống cùng chị Vân Giang phụ giúp mang đồ lên trên nhà, tôi đứng dưới trông nom và thanh toán tiền xe cho anh Hùng chở Hạnh và con nó về nhà chồng bên Quận III. Xe anh Hùng đã chạy, tôi xách nốt bịch thịt bò và ít rau đắng còn xót lại bên cạnh đi lên cầu thang, cầu thang dơ bẩn khiếp, những vệt nước đái đã khô đóng quyện trên nền nhà, giấy tờ, bịch ni lon cũ bay tá lả, mấy ống kim chích cũ vứt bừa bãi dưới chân cầu thang còn hằn lên cả vết máu khô đã có mầu đen xịt. Khu chung cư này nằm vào diện "giải toả" để mở rộng đại lộ Đông Tây. Toàn bộ chung cư chỉ có vài chục nhà, tôi nghe mấy người già kể lại rằng toàn bộ khu phố này là nhà của Chú Hoả, một người Tàu làm nghề buôn bán ve chai phất lên trở thành triệu phú, và là chủ nhân của nhiều dãy phố quanh đây, nhưng sau tháng 4 năm 1975 thì bị nhà nước tịch thu sạch, và hiện giờ đa phần đều do nhà nước "quản lý". Toàn bộ những nhà sống trong chung cư này đều đồng ý với chính sách giải toả của nhà nước, ký tên lấy tiền và dọn đi gần hết, chỉ còn lại hai nhà là nhà tôi và nhà ông hàng xóm bên cạnh vẫn ở lì chưa chịu dọn đi, tôi không muốn bị đẩy qua tuốt Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây Quận II (tức khu Thủ Thiêm cũ). Tụi tôi đòi phải bồi thường một căn hộ ngay tại Quận I, đơn từ vẫn còn nằm trên Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, chưa xét duyệt tới. Từ ngày dân cư dọn đi gần hết, chân cầu thang làm "điểm đáp" cho bọn xì ke ma tuý vào chích choác, có bữa, bọn ghiền say thuốc nằm vật vã bên dưới cầu thang trông gớm ghiếc. Tôi vẫn dặn mấy đứa trong nhà đi đứng phải cẩn thận vì sợ đạp phải ống chích vứt bừa bãi quanh đây. Tụi này lười biếng chẳng chịu quét dọn nên cầu thang trông như một bãi rác dơ bẩn. Lượm đụng tôi ngay đầu cầu thang, lại cười toe toét hở ra nguyên hàm lợi đỏ hỏn, nói với tôi:
- Nhà chị chắc sắp được "duyệt" rồi đó.
- Ừa, kệ thây nó, khi nào cấp thì đi nơi khác. Nhà cưng sao rồi? Chừng nào dọn đi?
- Em cũng không biết nữa, Chừng nào nhà chị dọn đi thì chắc em cũng phải đi.
- Thế đã tính dọn đi đâu chưa?
Lượm lắc đầu buồn bã:
- Thì em sẽ mướn phòng để ở, nghĩ tủi thân ghê, cô em bà biểu đi kiếm nhà đi, bà sắp trả nhà cho phường rồi. Em cũng chưa biết tính làm sao.
Tôi né sang để Lượm bước xuống cầu thang, nhưng tôi vội quay lại gọi Lượm:
- Lượm ơi, chút tối cưng quét cho chị giùm cái cầu thang này với nghen, dơ
quá!
- Ủa, tường chị sắp dọn đi rồi nên để vậy chớ.
- Chừng nào dọn đi thì hẵng hay, còn bây giờ thì phải quét cho sạch sẽ chứ. Tối hẵng quét hén, bây giờ bụi lắm.
Lượm dạ một tiếng rồi đi xuống dưới nhà. Tôi nhìn theo bóng của nó không khỏi thương cảm. Lượm là con út của ông Tư dưới chân cầu thang, nay cũng đã khoảng ba chục tuổi, không được xinh gái cho lắm và còn hơi bị tưng tửng đứt giây, thân hình nhỏ dẹp, cao lỏng khỏng, tay chân thô kịch. Con nhà nghèo không được đi học chữ nên giờ này chẳng có nghề ngỗng gì. Hồi tôi mới dọn về đây sống, tôi hay thấy Lượm ngồi ngay góc cầu thang lầm bẩm đọc sách, tôi lại tưởng nó đang theo học ở một trường nào đó, hoá ra là Lượm tập đánh vần. Ông bố thì suốt ngày say xỉn, có được tí tiền là gầy sòng nhậu, nhậu tới quắc cần câu. Mấy lần tôi về thăm nhà thấy ông càng ngày càng bệnh hoạn, da vàng bủng beo, bụng chương lên như cái trống, nhưng miệng lúc nào cũng la hét chửi bới om xòm. Tôi chẳng biết ông chửi ai vì không thấy người nào lên tiếng. Vào cuối năm 2003 lúc tôi chuẩn bị trở về Nhật, ông bệnh liệt giường và mất cùng thời kỳ ấy. Mới bữa nào còn thấy ông bắc ghế ngồi ngay cửa vậy mà buổi chiều có việc xuống đường tôi đã nghe tin ông chết, trong nhà ồn ào tiếng khóc, làm tôi đi ngang cũng thấy nhót hết cả tim. Buổi tối, thằng Út kể, hồi sáng nay xuống lấy xe thấy ông nằm mệt mỏi, cái chân xưng vù, nó hỏi ông sao không đi bệnh viện, ông thoi thóp tiền đâu mà đi. Tội nghiệp Út móc cho ông mấy chục ngàn đồng và còn cho thêm vỉ thuốc trụ sinh bảo ông uống để chống nhiễm trùng, vì cái chân ông bị xe đụng mấy hôm trước cứ chẩy máu mãi không ngừng. Vậy mà buổi chiều ông đã khuất. Ông Tư mất tôi không dám xuống nhìn mặt vì tôi sợ ông về bóp cổ trả thù tôi, mỗi lần có việc phải đi ngang đám ma, tôi lại rợn hết cả tóc gáy. Mấy ngày hôm ấy trời đổ mưa tầm tã, nước từ bên ngoài tạt vào làm ứ đầy trước cửa nhà tôi và chảy rỉ xuống cầu thang. Tôi phải sắn quần lấy chổi quét nước cho chảy xuống dưới, và kêu cái Lượm phụ giúp tống nước ra ngoài sân sợ nó chảy vào trong nhà ông. Ngày tang lễ cuối cùng, tôi xin đứa cháu gái cái bao thơ, bỏ mấy trăm ngàn vào đó, thay bộ đồ tươm tất đi xuống dưới cúng ông. Tôi xé bao nhang lấy ba cây đốt cho cháy đỏ, rồi chắp tay khấn nguyện nho nhỏ: " Ông Tư sống khôn chết thiêng về phù hộ độ trì cho tụi con ăn nên làm ra. Chuyện hồi xưa, xin ông rộng lòng tha thứ đừng thù con nghen ông." Khấn xong, tôi để cái bao thơ lên bàn thờ ông và tính lui bước. Lượm mời tôi ra bàn ngồi nhưng tôi bảo nó thôi được rồi, để tiếp khách khác, xuống cúng ông cho chọn tình hàng xóm, tôi bóp mạnh vai nó an ủi rồi đi lên trên nhà. Tối hôm ấy chị Lan kể cho tôi nghe là thằng anh hai của Lượm cứ thắc mắc cái chị gì sống trên lầu I khấn ông già kỳ cục, làm tôi không nín được cười. Chẳng gì hồi mới về tôi gây lộn với ông một trận tanh bành khói lửa. Ông chỉ tay vào mặt tôi bảo: "ê cái đồ Bắc Kỳ mày vô đây mày chiếm nước tao, mày xéo về ngoài Bắc nhà mày đi". Tôi cũng không vừa la lớn, "ông á, ông mới xéo về cái nước Tàu của ông đi, già mà vô duyên." Ông xộc ngay vào trong nhà vác ra một cái khung hình bên trong để tờ giấy xác nhận gì đó, và giơ lên dí vào mặt tôi:" Tao người Việt mà, mày ngó cho kỹ đi, tao đâu phải người Tàu.". Thấy ông già khùng quá, tôi bỏ lên trên nhà và chẳng bao giờ thèm nói chuyện với ông. Còn Lượm tôi coi như em út, đối xử bình thường và bày vẽ cung cấp vốn cho nó bán nghêu, sò, hột vịt lộn trước cửa, chiều nào mẹ con tôi cũng xuống ủng hộ, tối nào nó bán ế là hô hào cả nhà xuống "giải quyết thu dọn chiến trường" giùm cho nó. Ông Tư chết, căn nhà thuộc chủ quyền của cô Năm Lượm, Cô nó lấy tiền và chẳng cho nó một xu teng nào. Bây giờ con bé thành vô gia cư không biết phải nương tựa vào đâu.
Vào tới nhà, tôi ngồi bóc giấy báo gói thịt các loại ra và rửa cho sạch sẽ, lôi mấy hộp to chất thịt vào, đậy nắp rồi đẩy vào trong tủ lạnh làm đông đá để dành ăn dần. Chị Vân Giang vẫn ngồi ở ghế ngay trong bếp, tôi ngước lên hỏi chị:
- Khi nào chị về?
- Ở đây chơi, 9 giờ tối về cũng được.
- Vậy em bỏ thịt của chị vào tủ đá luôn, lúc nào về thì lấy, nhớ nhắc nghen, quên là tui ăn luôn đấy.
- Làm gì có chuyện quên nhỉ.
- Bây giờ cũng trễ rồi, mình xuống dưới kiếm cái gì ăn hén, nấu nướng chi cho mệt.
- Khỏi đi đâu hết, chị ăn bánh mì bì thôi, em ăn không?
- Ờ, cũng được.
Chị Vân Giang cất tiếng gọi:
- Bé Anh ơi, bé Anh.
Bé Anh ló mặt ra khỏi phòng mợ Út, hỏi:
- Gì vậy bác?
- Mày chạy sang bên đường mua cho bác hai ổ bánh mì bì đi, giờ này còn không?
- Chắc còn đấy, để cháu xuống xem thử.
Xong công việc, tôi đứng dậy, ra bồn nước rửa tay, rửa xà bông năm lần bẩy lượt nhưng vẫn có mùi tanh lòm, nên bước lại tủ lạnh, mở tìm trái chanh tươi xát vào cho khử mùi hôi. Một lát sau, con bé Anh mang lên hai ổ bánh mì thơm phức, nóng hổi, chị em tôi chia nhau ăn một cách ngon lành. Cu Tin đang được mẹ đút cơm, lâu ngày ở dưới ông Nội, hôm nay được gặp lại mẹ cu cậu có vẻ mừng lắm tíu tít nói đủ thứ, đôi khi tôi chẳng hiểu nó nói gì. Mẹ nó trông y như cái bị thịt ngồi một đống, mặt lúc nào cũng chằm dằm, giống như ai đang ăn hết của nhà nó. Đàn bà con gái mà chẳng bao giờ thấy nở một nụ cười trên môi, cái thứ đàn bà "ăn không nên nóc, nói không nên lời" như vầy thì chẳng bao giờ ngóc đầu dậy được. Nhìn đứa em dâu tôi lại ngao ngán thay cho thằng Út.
- Cu Tin còn đi học không Út?
- Còn chị ơi.
- Nó học lớp mấy rồi.
- Chồi.
Tôi quay qua chị vân Giang:
- Nhanh chị hén, mới hôm nào mình về ăn đám thôi nôi nó dưới Mỏ Cày mà nay đã học lớp Chồi rồi.
Tôi lại liếc sang bên cu Tin đang ăn cơm, mủm mỉm cười, nhớ cái bữa thôi nôi.
Hôm đó, theo truyền thống, một mâm đồ được dọn lên để trước mặt thằng bé, nào là gương, lược, tập, viết, dao, kéo và thêm vài thứ nữa... đặc biệt có cả nắm xôi đậu xanh để cho thằng bé chọn lựa bốc, nếu nó bốc nhằm thứ nào thì tương lai nó sẽ theo nghề đó. Mọi người xúm quanh Cu tin cổ võ, mắt nó dáo dác nhìn mâm đồ rồi đưa tay chộp vội nắm xôi đưa ngay lên miệng ăn, mọi người đứng vây quanh nó cười rầm lên làm thằng nhỏ ngơ ngác nhìn. Rồi thì bắt đầu rì rầm bàn tán, người thì bảo chắc sau này nó làm nghề đầu bếp, đứa thì đoán nó học nghề nông. Tôi cười thầm trong bụng thằng nhỏ đói quá nhìn thấy nắm xôi không chộp sao được, chỉ tin vớ vẩn. Hồi con tôi đầy năm cũng vậy, cả mâm đồ nó chọn cây lược đưa lên chải đầu mặc dù cái đầu trọc lóc không có lấy một cọng tóc. Những lần về thăm con, tôi vẫn đưa tay lên xoa đầu nó rồi nói: "Đầu chải dầu gì mà không mọc tóc.", mọi người cũng đoán nó sau này làm nghề cắt tóc. Tại không có nắm xôi chứ nếu có dám thằng nhỏ cũng bốc.
Chị Vân Giang ngồi chơi thêm một lúc nữa rồi đứng lên xin phép về nhà, tôi đưa chị xuống tận dưới chân cầu thang. Lúc này cầu thang đã sạch bóng, chắc Lượm quét dọn hồi nãy. Chị Vân Giang đi rồi, tôi trở lên nhà lấy đồ đi tắm, và rồi chẳng cần chờ thằng con đi học về, tôi leo lên giường ngủ một giấc ngon lành. Đôi khi tôi mơ mơ màng nghe tiếng ồn ào bên ngoài, có cả giọng thằng nhỏ vọng lại, nhưng mắt vẫn cứ nhắm nghiền, và rồi lại rơi vào giấc ngủ sâu cho đến tận sáng.
***
Tôi tỉnh dậy khá trễ, con tôi đã đi học từ lâu, căn nhà vắng lặng. Hầu như buổi sáng nhà chẳng có ai. Tôi nghe thoang thoáng tiếng trẻ con khóc thút thít, vội bật dậy chạy xuống dưới phòng thằng cu Tin đang ngủ. Cu Tin mắt ngấn lệ, miệng méo xẹo, ngồi trên đống nước đái nhèm nhẹp. Tôi lắc đầu:
- Trời ơi, lớn tướng rồi mà còn đái dầm kìa. Đứng lên bác dắt đi tắm.
Tôi cúi xuống nắm tay Tin kéo nó đứng dậy, lôi vào phòng tắm, xối nước lên người một lượt rồi xát xà bông lên khắp mình thằng nhỏ, tôi kỳ cọ kỹ phần mông và háng nó cho sạch mùi khai ám vào, thằng nhỏ nhột cười khúc khích, và nhắm tịt mắt lại, lấy tay vuốt vuốt trên mặt nó khi tôi xối nước lên gội đầu. Tắm xong, tôi lấy khăn lông lau khô thằng nhỏ, dẫn nó bước ra ngoài, nhưng khi đi ngang qua bồn rửa mặt, Tin dừng lại nhấc cái ghế nhỏ và đứng lên trên, lấy tay với lọ thuốc đánh răng. Cánh tay ngắn quá không lấy được, cu cậu nhón hết cả thân mình cố với. Thấy nguy hiểm quá, tôi chạy lại gần quát:
- Con đứng như vậy có ngày té chết! Bàn chải nào là của con chỉ bác lấy cho.
- Đỏ á.
Tôi rút cái bàn chải nhỏ xíu mầu đỏ đưa lên hỏi nó:
- Phải cái này không?
- Ừ.
- Sao lại "ừ", phải "dạ" chớ. Đến lớp cô giáo dậy con làm sao? Phải biết lễ
phép đúng không nào?
- Dạ.
Tôi gật đầu, phết kem vào bàn chải tính đưa cho nó. Bỗng nó la lên:
- Không phải, cái đó cay lắm.
Tôi dừng lại, ngó thẳng vào mặt nó nghiêm nghị:
- Con phải thưa hỏi đàng hoàng chớ. Sao cứ nói trống không vậy?
- Trống không hồi nào?
- Đó, con nói như vậy là trống không đó, hiểu chưa?
- Hiểu.
Tôi chỉ muốn đưa tay, vả vào miệng nó mấy cái, nhưng lại thôi. Chắc ở nhà bố mẹ không chịu dạy cho con ăn nói lễ phép, chính bản thân mẹ nó cũng vậy, nói chuyện với chồng cũng cứ trống không, thành ra thằng nhỏ bắt chước. Có lần bố nó nằm coi ti vi trên nhà và ngủ quên đi, mẹ nó đi ngang đá vào mông bố nó cái bộp: "Vô trong ngủ!", nó cũng nhại theo và đưa chân đá bố nó một cái: "Vô trong ngủ!". Con nít lứa tuổi này ưa bắt chước, không dạy dỗ con đàng hoàng mai mốt ngồi mà khóc vì con.
Có tiếng lạch cạch ở phía bên ngoài, tôi ngó ra phía cửa chính, cửa mở tung, ùa theo vào là tiếng ồn ào xe cộ chạy ngoài đường phố. Nhà tôi ở mặt tiền nên mỗi lần mở cửa đều nghe rõ tiếng xe ầm ầm chạy ngang. Cu Tin đáng đứng dưới vội chạy lạch bạch lên trên miệng la to mừng rỡ:
- Mẹ, mẹ chợ về mẹ...
Mẹ thằng Tin đi chợ về tới, mồ hôi nhễ nhại, tay xách túi đồ tính bước thẳng vào trong bếp. Tôi ngạc nhiên nhìn nó hỏi:
- Thức ăn hôm qua chị mua dưới Bến Tre lên quá trời, chưa ăn tới mà mày đi chợ chi vậy?
Út ớ mặt ra rồi nói yếu xìu:
- Em quên.
Tôi lắc đầu ngó theo bóng nó đi xuống bếp. Tần ngần nhìn căn nhà một lượt, tôi đứng dựa hẳn mình vào cầu thang, đưa tay rờ lên thành gỗ, mịn màng, láng bóng nước sơn PU mầu vàng óng. Hồi mới dọn về, căn nhà dơ bẩn khiếp, bọ chét nhẩy tứ tung, mỗi lần mưa, nước dội vào mái tôn ngay phòng bếp phát ra một âm thanh kinh dị. Cũng biết là căn nhà này nằm trong chính sách "giải toả", nhưng chưa biết đến bao giờ, không sửa lại làm sao ở nổi. Tôi quyết định kêu người tới sửa liền, bụng nghĩ thầm nếu có "giải toả" cũng phải mất nhiều năm, với lại nghe nói lấy vô có 6 m để mở đường, cắt đi rồi căn nhà vẫn còn 19 mét bề dài, rộng chán.
Sau hơn một tháng sửa chửa, căn nhà hoàn tất, đẹp mỹ mãn. Đứng từ bên ngoài nhìn vào, tôi mê nhất cái cầu thang bằng gỗ hình xoáy chôn ốc dẫn lên gác lửng. Cái cầu thang này tôi đã phải mất cả tuần lễ đi khắp các tiệm đồ gỗ tại Sài Gòn tìm kiếm, và đã chọn được mẫu mã vừa ý mình. Phía sau cầu thang là phòng ngủ của tôi, khá rộng, tường bao xung quanh bằng kiếng hoa văn mờ của Nhật. Căn phòng này được trang trí khá bắt mắt với chiếc giường gỗ kiểu cổ điển, một cái tủ đựng quần áo và bàn học của thằng nhỏ bằng gỗ cùng loại, thêm vào một bộ máy điện toán. Cũng căn phòng này, hồi lúc đang sửa chữa, Thiện bạn thằng Út được tôi nhờ lên trông nom vẫn cứ một, hai nhắc: "Cái phòng karaoke của bà Hân...cái phòng karaoke của bà Hân..." làm tôi buồn cười chỉnh lại: "Phòng ngủ của tao chớ phòng karaoke hồi nào mày?".
Bây giờ có tin chính thức, "giải toả" trắng, nghĩa là căn nhà này sẽ bị đập bỏ, làm lòng dạ tôi nôn nao giống như sắp mất đi một vật gì. Mọi thứ ở đây đều quen thuộc với tôi, đều do một tay tôi chọn lựa, từ màu sơn tường cho đến gạch lót nền, và cả cái phòng tắm tôi đã cho xây dựng theo kiểu mẫu nhà tôi ở bên Nhật. Hơn nữa, đây là khu trung tâm thành phố, không sợ thiếu điện, thiếu nước, và đi đâu cũng dễ dàng, con cháu học hành thuận tiện. Nhưng có lẽ tôi tiếc nhất cái cầu thang, đẹp như vầy mà phải phá bỏ đi, lòng tôi đau như có muối sát. Đang bần thần tiếc rẻ thì điện thoại trong phòng réo ầm ĩ. Tôi nhanh chân bước vào nhấc lên nghe:
- A lô.
- Tui đây. Bây giờ bà có đi đâu không?
- Trâm hả? Không, chị chưa tính đi đâu hết.
- Vậy ở đó đừng đi đâu nghen, tui lên bà liền đó.
- Ừ, lên đi.
Trâm cúp máy.