Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tình Trên Đỉnh Sầu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27704 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình Trên Đỉnh Sầu
Cung Thị Lan

Chương Ba Mươi Lăm
        Ông Hoàng bước vào nhà ông Nghĩa vào một buổi chiều tối buồn bã. Ánh đèn lờ mờ của ngọn đèn dầu trên bàn khiến cho ông nhớ ngày nào ông cùng bà Kim Cúc bước vào căn nhà này với gói quà mà bà Kim Cúc cầm trên tay. Lần đó cứ như là lần vợ ông đi dạm ngõ lấy vợ bé cho ông còn lần này chính ông phải tự khệ nệ mang quà đến xin đi hỏi vợ. Đáng buồn cho ông là lần đến nhà ông Nghĩa với bà Kim Cúc, ông đã được ông Nghĩa chào mời lịch sự và tiếp kiến đàng hoàng bởi lối trang phục chỉnh tề quần dài, áo có cổ; còn lần này, ông Nghĩa tiếp ông bằng tư thế ngồi chễm chệ trên ghế và cái áo thun ba lỗ với quần cộc nhăn nhúm. Ông ta cười nhe răng sún trong khi gọi ông với giọng kẻ cả:
        - Vào đây đi chú Việt Kiều.
        Để trấn an khuôn mặt đầy lo lắng của ông, ông Nghĩa nói tiếp:
        - Việc đâu còn có đó! Chú không phải lo gì! Thấy mặt chú ở đây là tui hiểu chú không nỡ bỏ cháu. Cứ tự nhiên ngồi xuống đi!
        Hồ nghi không hiểu từ “cháu” mà ông ta nói ngầm ám chỉ là “em bé sơ sinh”, con của ông và cô Hoa, hay cô Hoa con của ông ta, ông Hoàng ngần ngại đặt chai rượu và gói quà trên bàn rồi hỏi dè dặt:
        - Anh vẫn khỏe?
        - Thì như chú thấy đó, tôi vẫn sống trong cảnh nghèo nhưng chưa chết được.
        Bà mẹ của ông Nghĩa ngồi co ro trên tấm phản ở góc bàn thờ hỏi dò:
        - Vợ cháu có về không?
        Ông Hoàng ngồi dè dặt trên chiếc ghế đối diện về phía bà trả lời:
        - Dạ không, chúng cháu đã thôi ở với nhau rồi.
        Bà cụ chép miệng:
        - Tội dữ vậy sao! Nhưng mà... đâu có ai muốn chuyện xảy ra như vậy phải không cháu? Chẳng qua hết duyên hết nợ, đến hạn phải chia tay nhau thôi! Duyên số vợ chồng đều do trời định cả cháu à!
        Nắm lấy cổ chai rượu, vừa mở nút, ông Nghĩa vừa nói:
        - Mất vợ này, có vợ khác chớ lo gì! Gia đình chúng tôi dễ lắm, không cần anh “dâng cau, dạm ngõ”, miễn là có chút rượu như thế này là chúng ta coi nhau như người nhà được rồi. Từ giờ gọi tôi là ông ngoại của thằng cu cho hợp lẽ.
        Lấy hai chiếc ly cạnh chiếc bình trà trên bàn, ông Nghĩa vưà rót rượu vừa căn dặn:
        - Trước khi làm giấy bảo lãnh, anh nhớ thuê người chụp hình chung với con nhỏ để nó có chứng minh mà trình bày khi gặp phái đoàn phỏng vấn Mỹ. Ngày mai thì nên cho tổ chức cúng ông bà và ra mắt tổ tiên. Miễn sao chú mời được anh hai Huy của chú sang đây kết tình xuôi gia là đủ.
        Ông Hoàng thở phì mũi khi nghe lời căn dặn của ông Nghĩa để nén tiếng thở dài. Đăm chiêu nhìn về phía nhà của ông Huy, ông không làm sao nghĩ ra cách thuyết phục ông anh hai mình sang căn nhà của “ba vợ” tương lai của ông như lời yêu cầu. Đồng trong cảnh đơn độc với những ly rượu đế riêng của mình, nhưng ông Huy và ông Nghĩa không phải là hai kẻ “đồng bệnh tương lân”. Trong khi ông Huy là sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa sống với lý tưởng “Sống hùng chết vinh” và ôm ấp kỷ niệm của quá khứ thì ông Nghĩa là người ba phải, ai làm gì làm theo nấy, ai nói sao nói theo vậy. Lúc thì ông theo nhân dân tự vệ Quốc Gia vài ngày, lúc thì ông theo du kích Cách Mạng vài hôm, chẳng ai hiểu chí hướng của ông ta là gì. Lập trường của ông thay đổi với lối đa ngôn cho nên dù phe phái nào có sự hiện diện của ông cũng phải nhức đầu vì lối nói “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”. Là con một của một quả phụ, ông Nghĩa không phải gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hoà; tuy nhiên, ông không có may mắn trong việc thăng tiến trong con đường học vấn cũng như trong việc tìm kiếm công ăn việc làm. Lao đao với chuyện mưu sinh kiếm sống, ông đã rày đây mai đó một thời gian, mà lúc ấy người trong xóm đồn là ông đã vào “bưng biền Cách Mạng”. Sau khi về ở với mẹ, ông quyết định lập gia đình và kiếm sống bằng nghề nông chân chất. Chiến tranh năm 1975 chấm dứt, ông mon men tham gia vào những công việc tự nguyện như du kích bảo vệ, thành viên trong ban tổ chức văn nghệ phường, rồi “phấn đấu” đến chức tổ trưởng nhưng sau cùng xuống tổ phó rồi “về luôn ở vườn”. Nỗ lực ông không được đền bù một phần vì thời vận và một phần vì những người cộng sự không tin dùng. Riêng với ông Huy, kể từ sau ngày ông Nghĩa nhạo báng những kẻ “ Việt gian lầm đường” theo “Đế Quốc” cuối cùng bị thất bại, đã tuyệt giao hẳn với ông này từ trước ngày ông lên đường đi học tập cải tạo. Hiếm khi nghe ông Huy nhắc nhở đến ông Nghĩa nhưng qua trao đổi tâm tình với ông, ông Hoàng có thể đoán được là ông Huy chỉ ghét bỏ những người đi ngược với lý tưởng của ông chứ không khinh khi hay coi rẻ những kẻ làm “gián điệp nhị trùng” như ông Nghĩa. Dù biết cha mẹ mình uốn nắn và giáo dục ông hai Huy, cô út Thu và ông như nhau, ông Hoàng biết rõ tính tình của anh em ông không hề giống nhau ngay từ lúc nhỏ cho mãi đến khi trưởng thành và già dặn như lúc ấy. Trong khi ông Huy giam mình trong thế giới vắng lặng để tự vá tâm hồn rách nát và bà Thu thức thời “giác ngộ” với sự thay đổi của xã hội thì ông ở vào thái độ lưng chừng để cố gắng hiểu đời, hiểu người và sống một cách linh động. Dù là thể nào, trong đầu ông chợt hiện lên ý nghĩ là nếu bà Thu cắt đứt mối quan hệ với gia đình ông Nghĩa và không giao thiệp với một người nào trong gia đình của ông ta theo cùng với sự chối bỏ và tuyệt giao của ông Huy,  thì có lẽ ông đã không phải lậm sâu vào duyên tình như hiện tại và không phải ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
        - Mừng cho cháu. Ông Nghĩa nâng ly.
        Ông Hoàng giật mình, ngơ ngác nâng ly như lời yêu cầu. Vẫn như chữ cháu mà ông Nghĩa nói lúc đầu, ông lờ mờ không hiểu chữ “cháu” mà ông Nghĩa đề cập là con của ông và là đứa cháu ngoại đầu tiên của ông Nghĩa hay chính con gái của ông ta.
         Ngập ngừng cụng ly ông Nghĩa, ông Hoàng nói với vẻ e dè.
        - Xin mừng.
         Ông Nghĩa cười mỉa:
        - Trên đời này mất cái này, có cái khác! Người ta nói có tiền mua bao nhiêu tiên cũng được mà đúng. Ngày còn trẻ, chú yêu đơn phương, thất tình ngày này qua tháng khác, còn bây giờ đổi đời, đổi người, thành ông Việt Kiều giàu có, được thành “trâu già ăn cỏ non xanh” sướng nhé!
         Chưa hớp xong ngụm rượu, ông Hoàng vội vã đặt chiếc ly xuống bàn, đôi mắt của ông ánh lên nỗi thảng thốt cực độ. Không nhìn khuôn mặt của ông, nhưng để cứu vãn cơn choáng váng đột ngột đang chiếm lấy tâm hồn của ông, ông Nghĩa xua tay nói tiếp:
         - Thôi, cũng chẳng cần bàn nhiều về chuyện này nữa, chú xuống nhà thăm cháu đi!
        Ông Hoàng lừng khừng đứng dậy. Bước xuống chỉ một bậc thấp từ nhà trên xuống gian bếp mà ông tưởng như hụt chân cả một cầu thang. Hoang mang vì sự tiết lộ, ông như người vừa uống trọn chai rượu Rémy Martin loại mạnh. Ông không bao giờ ngờ được là ông Nghĩa đã rõ mối tình đơn phương dai dẳng của ông dành cho vợ của ông ta trước đây. Điều này hoàn toàn là cơn sốc kinh hoàng cho ông hơn là một điều khám phá mới mẻ bởi vì ông không hiểu lý do gì mà ông Nghĩa chấp nhận ông như con rể trong khi ông là người ngang tuổi với ông ta và là người yêu âm thầm vợ ông ta trước đây.
       Tuy nhiên, những lo lắng trong đầu ông tan biến ngay khi ông nhìn cô Hoa đang ngồi cho con bú mập mờ dưới ánh đèn dầu trên cái kệ sát vách gỗ. Bẽn lẽn với cái nhìn say mê và khao khát của ông, cô kéo vạt áo xuống rồi nghiêng mặt chờ nghe ông nói. Không một lời, ông ngồi sát cạnh cô và xúc động nhìn đứa bé kháu khỉnh trong lòng cô. Đôi mắt đen tròn xoe chẳng khác nào hình ảnh của ông khi còn bé khiến ông cảm thấy quyến luyến với nó ngay từ phút đầu gặp mặt.
        - Con tên gì? Ông Hoàng hỏi khẽ:
        - Em chưa đặt tên và chưa làm giấy khai sinh. Chờ anh quyết định. Giọng cô Hoa nhẹ như bông.
        - Mọi việc đã ổn thỏa. Mình có thể làm giấy hôn thú để con lấy họ của anh. Về lần này anh lo hoàn tất giấy tờ thủ tục để sớm đưa em và con sang đó! Ông nói từ tốn.
        - Còn cô Cúc thì sao? Đôi mắt cô Hoa tỏ ái ngại nhưng không che nổi sự vui sướng.    
        - Vợ chồng anh đã chính thức ly dị. Anh không thể bỏ em và con trong tình trạng như thế này. Anh cũng đã bàn với cô út Thu để em ở nhờ trên Sài Gòn trong thời gian chờ sang đó.
        - Em không muốn ở đâu cả, bây giờ em chỉ muốn ở nhà em thôi. Trong khi chờ đợi sang bên ấy, em muốn anh giúp em xây nhà cho gia đình em đẹp như nhà của “người ta"
       Không nghe ông Hoàng trả lời, cô Hoa đặt đứa bé vào lòng ông, nói tiếp:          
        - Ôm con một chút đi!
        Đứa bé âu yếm áp đầu vào ngực ông. Đôi mắt đen lánh với ánh nhìn ngây thơ của nó ngơ ngác gợi tình phụ tử nồng nàn trong lòng ông. Nhận ra chiếc áo ố vàng và tấm tã vải đơn sơ và nghèo nàn trên mình nó, ông chạnh lòng thương cảm nhiều hơn. Đến lúc ấy, ông hoàn toàn không còn một chút ân hận cho quyết định ly dị của mình. Ông đã hết lòng lo lắng đầy đủ cho ba đứa con đầu của ông. Chúng đã sống sung sướng và đầy đủ trong xứ Mỹ và sẽ sống tiện nghi hơn khi mà ông để lại toàn bộ gia tài cho mẹ con chúng. Với hành động hào hiệp này, ông đã khá an tâm vì cho rằng mình đã đối xử công bằng và hợp lý khi cắt đứt quan hệ vợ chồng với bà Kim Cúc và bắt đầu trách nhiệm của mình cho đứa con trai nhỏ nhoi đang ở trong vòng tay của ông.
        - Em muốn anh đặt tên Mỹ cho con!
        - Tên Tony vậy nhé?
        - Tony! Không hiểu ý nghĩa là gì nhưng miễn là tên Mỹ là được!
        Thằng bé gục đầu vào vai ông Hoàng như thuận lời nói của mẹ. Mùi sữa từ miệng nó và từ chiếc áo loang vệt vàng mà nó đang mặc kích thích đôi cánh mũi phập phồng của ông Hoàng. Đặt ánh mắt xuống hai khối thịt tròn mềm giữa đường rãnh sâu nơi vòng cổ áo tròn rộng của cô Hoa, cảm giác ham thích khuấy động toàn thân ông. Đáp lại đôi mắt mê man ấy, cô Hoa đã áp thân hình gái một con của cô vào người ông và hôn vào cổ ông.
       Thằng bé Tony đột nhiên khóc ré lên như bị ai véo. Những tiếng dỗ dành vang lên rồi tan biến vào trong cái im lặng của không gian.

<< Chương Ba Mươi Bốn | Chương Ba Mươi Sáu >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 374

Return to top