Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tình Trên Đỉnh Sầu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27673 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình Trên Đỉnh Sầu
Cung Thị Lan

Chương Hai Mươi
      Hai chiếc xe van len lỏi trong rừng xe đạp, xe máy và lác đác một vài chiếc xe ô tô nhỏ, băng qua các ngã tư đèn xanh đỏ, xuyên qua những con đường đông nghịt khoảng hai mươi phút rồi dừng lại trước căn nhà lầu cao ba tầng. Bước ra khỏi xe, ông Hoàng ngơ ngác nhìn quanh:
        - Nhà cô chú ở đây sao?
        - Dạ phải thưa anh. Ông Thắng vui vẻ trả lời khi nhấn chuông điện.
        Bà Thu liến thoắng hỏi:
        - Anh nghĩ em vẫn còn ở hẻm P.N à? Em bán nhà ấy lâu rồi. Em đổi bao nhiêu lần nhà mới xây căn nhà này. Em biết thế nào cũng có ngày anh chị về thăm gia đình nên mua đất gần phi trường Tân Sơn Nhất và xây phòng ốc tiện nghi theo cách của nước ngoài để đón anh chị. Tụi em còn đang xây một căn nhà gần đây, hôm nào chúng em sẽ đưa anh chị và các cháu đến xem.
         - Việt Cộng bây giờ mua đứt Việt Kiều đó anh! Ông tài xế trẻ vừa cười vừa nói khi ông mở cửa sau xe và khiêng những chiếc va li xuống đất
        - Cũng tùy người chứ anh! Cán bộ thì càng ngày càng giàu sụ chứ còn dân chúng thì muôn màu muôn vẻ, đủ loại đủ cảnh khác nhau. Kẻ có Việt Kiều giúp thì còn nở mặt nở mày chút đỉnh chứ còn người nghèo thì vừa chịu cảnh áo rách đói cơm vừa bị nợ nần không biết trốn chỗ nào cho thoát! Bác tài xế già của chiếc xe van xám ca cẩm xen chuyện khi ông giúp người đồng nghiệp kéo những chiếc va li đến cánh cửa sắt.
        Một cô gái trẻ đẩy rộng cửa, cúi đầu chào:
        - Cháu chào các ông, các cô các chú ạ
        - Chào cháu. Cháu Linh phải không? Ông Hoàng hỏi với ánh nhìn ngờ ngợ.
         - Không phải con em đâu! Cháu Linh đã đi du học ở Úc rồi anh à! Đây là Hoa, con anh Nghĩa ở gần nhà mình ở quê đó anh còn nhớ không? Bà Thu nhanh nhẩu đáp lời.
        - Ủa vậy hả? Ba má cháu có lên đây chơi không? Ông Hoàng hỏi với giọng ngờ ngợ.
        - Dạ không.
        Câu trả lời gọn với cái cúi đầu của cô Hoa khiến bà Thu mau mắn giải đáp thêm:
        - Chị Nghĩa chết lâu rồi, còn ảnh thì vẫn còn ở dưới quê với bà Năm cạnh nhà mình. Ảnh chỉ có hai đứa con, Hoa là con gái út còn thằng con đầu của ảnh là Minh, thằng mặc áo ca-rô lạt màu đang khiêng cái vali đỏ kìa. Thằng Minh thường sang nhà mình dưới quê chơi với thằng Hải con anh Hân, rồi thằng Nam con em xuống thăm anh Huy chơi với thằng Hải sẵn gặp thằng Minh nhập thành bộ ba. Chủ nhật nào ba thằng này không họp nhau ở dưới quê cũng lên Sài Gòn họp nhau ở nhà này. Chỉ có con Hoa mới lên đây vài ngày, nó phụ việc nhà cho em trong khi chờ làm cho quán cà phê mà em mới mua. Tụi em coi tụi nó như con nên cho ở nhờ để làm việc tại Sài Gòn kiếm chút đỉnh nuôi ba và bà nội của tụi nó chớ ở quê khó kiếm việc làm lắm.
        Ngưng một chút để nuốt nước bọt, bà Thu nói tiếp:
        - Anh coi con nhỏ Hoa này giống chị Nghĩa ngày xưa không? Đẹp còn hơn chỉ nữa đó! Nhưng mà có số hồng nhan thì thường bị bạc phận; trời cho cái sắc lại tài. Đẹp thì đẹp mà không làm ra tiền cũng khổ! Nếu anh coi bên đó có ai muốn kiếm vợ Việt Nam thì giới thiệu cho con bé hoa này có cơ hội đi Mỹ giúp gia đình anh Nghĩa chớ tội.
        Ông Hoàng đặt chiếc xách tay của mình trên ghế sa lông để che sự xúc động của mình trước khuôn mặt quen thuộc của cô con gái đẹp nhất trong làng của ông năm nào khi ông còn là một chàng trai trung học. Ông nói qua loa:
    - Cháu Hoa này giống chị Nghĩa thật! Nhưng mà đẹp như Hoa không cần phải chờ ai giới thiệu mới lập gia đình đâu!
        Cô Hoa cúi đầu e thẹn, hai má đỏ ửng. Bà Thu đưa ánh nhìn tinh quái từ khuôn mặt cô Hoa đến khuôn mặt cậu Phụng khi cậu này cùng các thanh niên khác đang phụ đẩy những chiếc va li đồ sộ vào nhà. Kéo tay cậu ta ngồi xuống ghế cạnh bộ sa lông, bà đon đả nói:
        - Để mặc cho Nam, Minh, Hải và Vũ làm được rồi, con ngồi nghỉ một chút đi! Đi đường xa, trời lại nóng, ngồi uống nước cho khỏe đã. Nước cam vắt này do Hoa làm đó con! Con gái Việt Nam rất ngoan và nghe sao làm vậy. Lấy vợ Việt Nam rồi con sẽ thấy mình hạnh phúc. Vợ Việt Nam không như mấy cô vợ Mỹ đâu con à! Cô nghe nói đàn bà Mỹ rất nguy hiểm, hễ họ bất bình chút gì là đòi ly dị chia gia tài ngay, cho nên đừng vướng vào cái cực làm gì, học ra trường xong, về đây lấy vợ Việt Nam nghe con!
        - Dạ không, cháu không có ý định lấy vợ Việt Nam đâu! Cậu Phụng ném cái nhìn khinh bạc qua khuôn mặt chín ngượng của cô Hoa rồi thưa thêm với bà Thu - Để nước cam này cháu mời ông ngoại vào dùng cho khỏe.
        Ông Hoàng đưa ánh mắt bất bình về phía con trai. Thái độ ngạo mạn và bất cần của cậu Phụng cho ông hình ảnh cậu ấm của gia đình trưởng giả coi khinh cô hầu gái trong căn nhà sang trọng quyền quý và hình ảnh tương phản của chàng thanh niên chính ông e dè và ngại ngùng trước sắc đẹp của một cô thiếu nữ giống hệt như thế ở căn nhà đất lợp mái tranh trên con đường đất dọc theo những hàng dừa xanh mướt  mà ông thường đạp chiếc xe đạp cũ kỹ ngang qua mỗi buổi chiều năm nào. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Hoàng ở quê Long Xuyên năm ấy là chàng trai Việt khiêm tốn, e dè, biết tôn sùng sắc đẹp của người con gái Việt chứ không phải là chàng trai Mỹ gốc Việt Nguyễn Văn Phụng có thái độ coi thường thiếu nữ Việt một cách thẳng thừng và không tế nhị như thế. Thương hại trước sự ngượng ngập và xấu hổ của cô Hoa, ông Hoàng chăm chú quan sát cử chỉ của đứa con trai của mình với ánh nhìn hết sức xa lạ và khó hiểu.
         Không để ý sự quan sát của bố mình, cậu Phụng phụ bà Kim Cúc đưa ông cụ Đức đến chiếc ghế sa lông đơn bằng da màu đen trước cái bàn kính nơi có những ly nước cam lạnh trên ấy. Ông cụ ngơ ngác nhìn xung quanh phòng trong khi đặt người ngồi xuống ghế. Không khác gì thái độ của ông Hoàng khi đứng trước căn lầu rộng lớn, ông cụ Đức kinh ngạc tột độ khi nhìn phòng khách rộng rãi với bao nhiêu đồ trang trí nội thất đắt tiền. Ông cụ biết rõ là cơ ngơi của ông Thắng và bà Thu không hề có sự đóng góp của con rể và con ruột của mình. Bà Kim Cúc, kinh ngạc không kém gì bố, không tin rằng mình có thể nào trả hết một lần tiền mặt để tậu một căn lầu ba tầng đồ sộ có cái phòng khách rộng như thế tại thành phố có những vô số nhà chi chít như Sài Gòn khi bà Thu cho biết giá trị của căn nhà gần hai trăm ngàn Mỹ Kim. Bà Bạch Mai sững sờ như bố và em gái ruột. Bà nhớ cách đấy hai năm, khi gia đình ông Hoàng gửi tiền về biếu tết và nhờ bà chuyển tiền dùm đến vợ chồng ông Thắng và bà Thu, bà đến thăm họ ở địa chỉ LêVăn Sĩ vậy mà bà nào có biết họ có căn nhà cao tầng đồ sộ ở đại lộ Cộng Hòa này.
        - Dùng nước cam mát cho khỏe người đi chị Bạch Mai. Mèn ơi! Hổng biết cách gì mà hôm nay trời nóng như thiêu như đốt. Bà Thu nói sang sảng.
Đón ly nước trên tay người bạn hàng xóm năm nào, bà Bạch Mai chưa kịp nói cảm ơn đã nghe bà Thu hỏi tiếp:
        - Nóng quá phải không chị? Để em kêu con Hoa điều chỉnh máy lạnh cho mát hơn mới được! Mình quen vớI khí hậu ở đây mà chưa chịu nổi  huống hồ gì Việt Kiều!
Lăng xăng khiến việc cho cô Hoa xong, bà Thu trở lại ngồi cạnh bà Bạch Mai thân mật hỏi:
        - Thấy nhà của em được không chị Bạch Mai? Có lạ hơn hay khác hơn mấy cái nhà mới xây ở thành phố này không hở  chị?
        Nhận rõ chị mình đang ở trong trạng thái không muốn nghe chuyện của bà Thu, bà Kim Cúc đỡ lời:
        - Nhà này đẹp thật! Khác những căn nhà mới xây trên đường về đây nhiều lắm cô Thu!
        Mắt bà Thu sáng rực:
        - Thật vậy hả chị? Em cũng nghĩ như vậy mà! Một tay em ra kiểu cho tụi nó vẽ thiết kế chứ không theo kiểu nhà nào cả . Em...
         Sau chữ “em” trong nốt trầm nhất của giọng nói, bà Thu bắt đầu thao thao về chuyện nhà cửa. Xong chuyện nhà cửa, bà nói sang đến chuyện đất đai. Xong chuyện đất đai, bà nói đến vàng. Xong chuyện vàng, bà nói đến tiền Mỹ Kim. Xong tiền Mỹ Kim, bà nói đến đồ đạc trang trí nội thất ... và cứ sau mỗi những chữ “chèn đéc ơi!” hay “mèn đéc ơi” với nốt cao nhất của giọng nói thì bà chuyển một đề tài nóng hổi về cú áp phe mà đáng ra bà phải được nhiều hơn thế nữa.
Bà Kim Cúc gật đầu nhịp theo lời kể lể của bà Thu với vẻ lịch sự tối đa. Bà hiểu cô em chồng và bà chị ruột của bà  cùng chung một tuổi và học chung trường luật nhưng có tài ăn nói khôn ngoan của bà Thu hơn hẳn bà Bạch Mai rất nhiều. Với trình độ hiểu biết về ưu và nhược của các loại kinh tế xã hội trên thế giới, với lối kê khai lý lịch khôn khéo, và với tài xoay xở trong giao thiệp, cô Thu đã lấy lòng hầu hết các cán bộ gộc trong khóm phường địa phương nhất là được tin tưởng và tín nhiệm một cách tuyệt đối bởi những cán bộ nữ “bắc 75” cư ngụ cùng xóm. Bởi trước năm 1975, cô Thu ở nhờ trong nhà bà con của cô tại khóm P.N trong thời gian ngắn, và ít khi tiếp xúc với những người hàng xóm cho nên không một ai biết rõ nguyên quán và xuất thân của cô từ đâu cũng như không hiểu cô là thuộc loại người xấu hay tốt. Người ta chỉ biết là sau khi chủ của căn nhà  mà cô ở trốn ra khỏi nước trước khi Sài Gòn thất thủ, cô Thu vẫn cư ngụ ở đó rồi sau đó vài ngày ông Thắng đến ở chung với cô. Họ cùng đăng ký tên trong bản khai hộ khẩu gia đình với danh nghĩa là vợ chồng chính thức rồi đương nhiên sống trong căn nhà như thể căn nhà do chính họ đã mua được nó. Cũng từ đó, thỉnh thoảng người trong xóm thấy vài người lai vãng đến căn nhà của vợ chồng họ vào lúc trời chạng vạng tối nhưng chẳng ai buồn để ý những người ấy là ai khi mà họ phải lo chuyện đối phó với tình hình mới của xã hội sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 hơn là chuyện chẳng dính dáng đến mình. Còn cô Thu, với bản kê khai lý lịch trong sạch một vợ một chồng và cha mẹ già hiện sống ở quê, ở vào vị trí trung lập của người không dính dáng chút nào về chế độ cũ hay mới. Nhờ thế, cô đã tha hồ nói hươu nói vượn với những “cán bộ Cách Mạng” mà không hề sợ bị chỉ điểm hay chụp mũ. Thời gian ấy, cô Kim Cúc biết nhiều người cán bộ nữ thích nói chuyện với cô Thu bởi vì cô thấy họ thường yêu cầu cô này ở lại để nói chuyện riêng sau những lần họp tổ, khóm, hay phường. Vài lần loáng thoáng nghe được những lời họ bàn luận cô Kim Cúc hiểu cô Thu đóng vai trò của người giải thích cho những người nữ cán bộ những cái mới lạ mà họ ngơ ngơ ngác ngác khi diện kiến hàng ngày. Trong một buổi tối đi tìm hỏi địa chỉ nơi chị mình làm công tác lao động, cô Kim Cúc đã tình cờ nghe cô Thu khuyên nhủ các chị em cán bộ thay đổi quan niệm về cái đẹp của phụ nữ. Cô Thu nói là cái đẹp mạnh mẽ và cứng rắn với vai u, thịt bắp, và bàn tay to khỏe của người phụ nữ lao động và cái đẹp cầm súng bắn địch, cầm cuốc đào đất, cầm dao chặt cây, cầm rìu vót chông bẫy địch của nữ anh hùng trong chiến tranh là cái đẹp lỗi thời của sự căm hờn và thù hận, rồi cho rằng cái đẹp của phụ nữ  phải là cái đẹp mềm mại, và dịu dàng như của các cô gái miền Nam, hay ít ra là cái đẹp nhũn nhặn, và nhu mì của hầu hết các thiếu nữ thường có trong thời bình. Cô khuyên các chị em cán bộ đừng quá tự ái khi thiếu chút quyền bình đẳng, và cũng đừng vì thành tích lao động mà làm việc bất kể sống chết để vượt cánh đàn ông. Cô giải thích rằng nếu các chị các em muốn đi ngược cái năng khiếu bẩm sinh, trời ban, và sẵn có của đàn ông thì chẳng khác nào các chị em gầy dựng cho họ tính chay lười, bỏ mặc và thờ ơ. Với sự giải thích này, cô còn cho họ biết thêm ý nghĩa của chữ “ga lăng” và các cử chỉ lịch thiệp mà các chàng trai miền Nam thường dành cho các cô gái miền Nam. Cô còn nói là các chị em “bộ đội” đừng nên hủy hoại sắc đẹp của mình mà nên bắt chước phong cách sống của các cô gái miền Nam. Cô khuyên các chị em không nên vì tinh thần tập thể quá đáng, nghĩa là không nên mặc áo quần giống nhau như đồng phục, và không nên mặc cùng một loại áo màu xanh mực cổ lá sen to bản, quần lanh đen và mang dép nhựa bít như đương thời mà nên phát triển tính cá nhân riêng biệt của mình theo những cách ăn mặc hay trang điểm khác nhau; nghĩa là nên thử các kiểu áo khác nhau, các loại vải quần khác nhau và mang nhiều kiểu giày, dép, guốc khác nhau như những người con gái Sài Gòn đang mặc hay đang mang để tạo cho mình hình ảnh người phụ nữ mềm mại, dịu dàng và riêng biệt. Cô còn khuyên các chị em là các chị em đã được vào đất miền Nam, đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh của hạ lưu sông Cửu Long thì không nên ám ảnh cảnh cực khổ nữa mà nên bắt chước phong cách sống rộng rãi và xài tiền “xả láng” của người miền Nam nhất là người Sài Gòn để hưởng thụ “thoải mái” những vật chất hiện có trong đời người. Những lời nói và lời khuyên của cô Thu dành cho các chị em cán bộ đã làm cô Kim Cúc kinh hoàng tột độ. Cô nghĩ đó là lối nói xúc phạm khá lớn đối với người nghe, nhất là những người thuộc nằm lòng lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa và luôn luôn đề cao tinh thần tập thể trong các buổi học chính trị. Thế mà, cô Kim Cúc chỉ nghe các nữ cán bộ hỏi cô Thu là: “Trước khi Cách Mạng vào miền Nam, các chị em phụ nữ trong này bị lính Mỹ đối xử và bóc lột tàn tệ như thế nào mà vật chất sung túc và đầy đủ thế hả chị?” Thế là sau câu hỏi đầy hóc búa ấy, cô Thu lại phải giải thích dài dòng thêm cho các cô nữ cán bộ nhiều vấn đề mà lúc ấy cô Kim Cúc không hề muốn lắng nghe vì nôn nóng chuyện tìm tin tức của chị mình. Lúc ấy, dù chẳng muốn nghe họ nói hay bàn luận, cô Kim Cúc đã phải giữ lịch sự ngồi chờ họ đối thoại xong chuyện của họ để hỏi chuyện mình và để giữ lời hứa chờ cô Thu cùng đi về nhà. Tối hôm ấy, trên đường về nhà, cô Thu đã nói với cô là: “Mấy người Cách Mạng này ngố thấy mồ chứ không phải dữ dội như người miền Nam mình đồn đâu! Họ biết tẩy người miền Nam mình trong này cũng do dân mình báo cáo hay chỉ điểm nhau mà thôi! Chị không có ngu đến độ chỉ điểm ai, cho nên làm ơn đừng nghĩ chị là người xấu! Chuyện mà chị nói với họ là chuyện sinh hoạt hàng ngày vì muốn làm cho họ thay đổi quan niệm sống và cách ăn mặc như con gái trong miền Nam mình chứ không phải về chuyện chính trị hay tố cáo làm hại ai đâu!” rồi thì thầm vào tai  của cô là “Gia đình em ở xóm này khá lâu, khó mà giấu kín được chuyện ba em đã làm gì cho nên em nên kiếm đường vượt biển đi Kim Cúc à! Lý lịch dính dáng chế độ cũ của ba em, má và em không có việc làm đã đành lại còn phải thăm nuôi ba em nữa có mà chết! Chẳng thà em trốn sang nước tự do kiếm việc làm gửi tiền về lo cho hai bác còn hơn!” Bởi vì lời khuyên của cô Thu dành cho cô khá thành thật nên cô Kim Cúc quên bẵng mối nghi ngờ trước đó của mình và đã nhờ cô này tìm dùm đường dây trốn ra nước ngoài. May mắn cho cô Kim Cúc là cô đã hỏi đúng người. Sau này, chính cô Thu là người chỉ mối vượt biên cho cô với giá rẻ nhất. Bằng sợi dây chuyền mặt trái tim và chiếc nhẫn kiểu vàng tây, cô đã được trốn thoát ra khỏi nước trong thời gian mẹ cô vẫn còn thăm nuôi bố cô ở trại cải tạo H.T.
        - Hôm nay anh Thanh không đi đón gia đình anh chị tư Hoàng được hả chị?
        Câu hỏi của ông Thắng đưa bà Kim Cúc trở lại thực tế và làm bà chạnh lòng khi nhìn nét ngượng ngập trên khuôn mặt của người chị ruột.
        Lần này, bà Thu trả lời thay cho bạn:
        - Bác trai và chỉ đi đón gia đình anh chị tư Hoàng rồi thì phải có người ở nhà trông bác gái chứ!
        Dứt lời bà đứng dậy tíu tít hỏi: “Hoa đâu rồi? Thức ăn dọn xong hết chưa vậy cháu?”, rồi rối rít nói: “Dạ, cháu mời bác! Mời chị Mai, mời anh tư, mời chị tư vào phòng ăn!”, rồi rối rít gọi: “Các con Phụng, Loan, Lisa vào ăn chút gì đi rồi muốn tính sao thì tính !”, rồi réo con trai “Nam! Con kêu mấy đứa xuống hết đi! Ăn cho xong rồi ba má còn sang P.N thăm bà ngoại của anh Phụng nữa!”, rồi bảo riêng với ông Thắng “Mình phải đi thăm bác gái chứ lâu quá chưa thăm lại. Để mấy đứa nhỏ ở nhà trông nhà được rồi!” và lăng xăng giục hai người tài xế “Mời bác Tám và anh Năm sẵn bữa vô dùng cơm luôn. Ăn xong là mình đi ngay nghe bác Tám, nghe anh Năm!” 

<< Chương Mười Chín | Chương Hai Mươi Mốt >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 737

Return to top