Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tình Trên Đỉnh Sầu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27707 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình Trên Đỉnh Sầu
Cung Thị Lan

Chương Mười Một

    Người đàn ông yêu cầu bà Kim Cúc phục vụ cắt sửa móng chân và móng tay là ông Williams. Ông có khuôn mặt hiền hậu với mái tóc bạc trắng, đôi mắt đục mờ và thân hình so rút bên phải bởi tai nạn xe hơi hơn mười năm về trước. Ông Williams thường được đưa đến tiệm bởi người con cũng có tên Williams. Người con trai của ông có thân hình cao lớn và khuôn mặt đẹp trai đến độ đã làm cho mọi người trong tiệm sững sờ trong lần đầu tiên gặp mặt vì tất cả đều ngỡ ông là một trong những nam tài tử ăn khách của điện ảnh Hollywood Mỹ. Cả hai cha con ông Williams là khách Mỹ trắng nam duy nhất đến tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá B. này nhưng chỉ có ông Williams cha đến để được phục vụ trong khi ông Williams con chỉ là người đi theo để phụ giúp và đỡ đần cha trong việc đứng ngồi và di chuyển từ nơi này đến nơi kia. Ông Williams cha trước đây là khách thường trực của bà Kim Cúc. Cứ mỗi hai tuần, ông thường được con đưa đến tiệm làm móng tay và móng chân vào buổi chiều thứ bảy. Sở dĩ ông thường đến tiệm này vì bà Kim Cúc đã dành cho ông một giá đặc biệt và vì ông cảm thấy thích hợp với cách phục vụ nhẹ nhàng và tế nhị của bà.
  - Chào ông! Ông có khỏe không ạ? Bà Kim Cúc hỏi với giọng Mỹ rất chuẩn.
  - Khỏe lắm. Còn bà thì sao? Tôi nghe bà bị bệnh nặng lắm thì phải? Ông Williams cha  nhướng đôi mắt mờ đục như muốn nhìn rõ khuôn mặt của bà Kim Cúc hơn khi trả lời.
  Bà Kim Cúc nói một cách tươi vui:
  - Dạ phải. Nhưng bây giờ tôi đã khỏe hẳn và sẵn sàng phục vụ cho ông đây,
  - Cảm ơn bà! Cầu thượng đế ban phúc cho bà!
  Ông Williams con đỡ cha dậy, nói với bà Kim Cúc một cách nhã nhặn:
  - Cô hãy đi trước chỉ cho tôi bồn nước nào cô dùng. Tôi sẽ đưa ba tôi đến chỗ ấy.
  Anh Duy Anh đứng sau lưng bà Kim Cúc trả lời thay:
  - Tôi biết nơi nào. Để tôi giúp ông một tay.
  Ông Williams cha nói như đọc kinh:
  - Cảm ơn anh. Cầu thượng đế ban phúc lành cho anh. Anh Anh!
  Anh Duy Anh vừa cặp cánh tay trái của ông Williams cha vào cạnh bên hông mình vừa nói:
  - Tên của tôi không phải là Anh nữa thưa ông, mà là Jones.
  - Đúng vậy anh Jones. Chỉ có tên bà chủ là Anh. Xin lỗi! Không phải Anh mà là Ann. A, N, N. Ann! Tên đẹp như vậy chỉ dành cho người có tấm lòng cao cả như bà chủ tiệm này thôi.
Ông Williams cha lẩm bẩm khi ông Williams con và anh Duy Anh dìu ông ngang chỗ bà Kim Cúc đang đứng chờ với và đôi mắt kinh ngạc. Bà thực sự bàng hoàng khi nghe các câu trao đổi bằng tiếng Anh lưu loát của anh Duy Anh, người chỉ vừa đến Mỹ chưa đến một năm.
“Chào ông Williams buổi trưa!”, “Chào ông Williams!”, “Ông có khoẻ không hả ông Williams?” “Hôm nay ông được trở lại với người thợ ưa thích của ông rồi phải không ông Williams!” Đám thợ nữ thi nhau chào ông Williams cha khi nhóm người đi theo ông đi ngang bàn làm việc của họ. Và ông Williams cha lại lẩm bẩm trên lối đến bồn Spa làm chân: “Chào buổi trưa” “Chào!” “Tôi khỏe lắm! Cảm ơn trời!” “Cảm ơn! Cảm ơn nhiều!  Cầu thượng đế ban phúc lành cho cô! “
Sau khi kiểm tra ông cha ngồi ngay ngắn và thoải mái trên ghế Spa chân, ông Williams con nói với bà Kim Cúc:
  - Đây là cái túi đựng vớ mới của ba tôi. Tôi sẽ trở lai sau một giờ đồng hồ. Nếu cần gì thì bà hay anh Jones gọi cho tôi theo số điện thoại cầm tay mà tôi đã cho.
  - Vâng, xin ông hãy yên tâm. Bà Kim Cúc trả lời trong khi tháo hai chiếc vớ của ông Williams cha ra khỏi hai ống chân không cân bằng của ông.
  Anh Duy Anh quay gót rảo bước theo sau ông Williams con về phía trước tiệm thật nhanh như thể không muốn chứng kiến một phút giây nào cảnh bà Kim Cúc ngồi trên cái ghế con đối diện bồn nước dưới đôi chân của ông Williams cha. Trái lại, cô Vân kéo ghế từ chiếc bàn khách ngồi chờ khô móng tay chân, nơi cô đang cắt những tấm vải nho nhỏ dành cho việc tỉa lông mày bằng sáp nóng, gần phía bồn spa làm móng chân hơn để quan sát những việc làm mà bà Kim Cúc sắp sửa thực hiện.
Bà Kim Cúc không muốn cô Vân quan sát trường hợp như thế bởi lý do tế nhị nhưng bà cũng không muốn lời yêu cầu phủ định của bà mâu thuẫn với lời khuyên ban đầu mà bà đã nói với cô: “Quan sát là một cách làm rất có hữu hiệu vì vậy mỗi khi em thấy tôi hay các bạn trong tiệm làm cho khách thì em nên để ý để học thêm và rút thêm kinh nghiệm cho mình.” Hơn nữa các bước thực hiện làm móng tay chân cho một người đàn ông, đặc biệt là một người đàn ông tật nguyền, là tiến trình mà cô Vân chưa có dịp quan sát kể từ lúc cô vào học trong tiệm của bà. Cho nên mặc cho cô Vân chăm chú nhìn phía sau mình, từ một khoảng cách giữa lối đi, bà Kim Cúc tiếp tục công việc đang có.
Chiếc vớ cuối cùng vừa tuột khỏi hẳn ống chân khăng khiu, ông Williams cha lẩm bẩm ngay những chữ đã thuộc lòng “Cảm ơn bà! Cảm ơn bà!” Qua lớp mờ đục, ánh mắt của ông lộ hẳn sự thành khẩn và e dè mà ai nhìn vào cũng nhận ra sự biết ơn và áy náy của ông về sự việc mà vạn bất đắc dĩ ông mới làm phiền.
Đặt đôi bàn chân của ông vào bồn nước ấm, và bấm nút máy, bà Kim Cúc đáp lại với giọng nói hết sức thông cảm và nhẹ nhàng:
  - Không có chi, thưa ông. Đó là bổn phận của tôi.
  Lời đáp lại của bà Kim Cúc như bao lời lịch sự quen thuộc thường nhật. Nó đáp lại mau đến độ không bày tỏ hết tấm lòng của bà đối với ông ta. Bởi vì công việc chăm sóc đôi chân của ông không phải chỉ là bổn phận  bình thường của một người phục vụ được trả bằng tiền mà còn biểu hiện tình nhân đạo của bà đối với ông, tấm lòng của một người bình thường đối với một người có số phận kém may mắn. Đối với những người tàn tật như thế, bà Kim Cúc luôn luôn phục vụ tận tâm và hết mình. Bà thường xem xét kỹ lưỡng những gì đáng được làm và cần phải làm rồi thực hiện các bước chu đáo và cẩn thận như làm chính cho bản thân mình mà không cần sự căn dặn của những người thân của họ. Những lời căn dặn tỉ mỉ của những người ấy thường xuất phát từ lòng nghi ngờ sự lợi dụng cái bất khả năng kiểm tra của những người thân tàn tật của họ và việc làm kém chất lượng có thể xảy ra bởi những người phục vụ thất trách và vô lương tâm. Các cô thợ của bà Kim Cúc thì ít khi tranh giành những người khách kém may mắn như thế bởi vì chủ trương của họ là “đánh nhanh, rút lẹ” hầu thu nhập tài chính nhiều hơn. Cho nên những lúc bà chủ của họ phục vụ cho những người cần phục vụ đặc biệt với giá cả đặc biệt như thế thì họ không bao giờ dèm pha hay xì xầm đến vấn đề “chủ giành khách của thợ” và cứ thế, khách của bà Kim Cúc thường là những người tàn tật bởi bẩm sinh hay do tai nạn mà khi phục vụ cho họ bà luôn luôn tưởng tượng mình là cô y tá thực thụ trong chiếc áo đồng phục màu trắng dài đến gần đầu gối.
Bà Kim Cúc lặng lẽ nâng nhẹ bàn chân trái của ông Williams khỏi mặt nước xanh đang sủi bọt b?i thuốc khử trùng và đặt nó trên chiếc khăn lông ở bục đỡ rồi t?y trùng cái c?t móng tay. Tiếng “xà rừ  xà rừ  xà rừ” đều đặn của bồn nước hòa với tiếng đối thoại trong tivi đưa ông Williams  cha vào trạng thái mơ màng ngủ. Đôi mắt lờ đờ của ông từ từ ríu lại và những tiếng cảm ơn của ông dành cho bà Kim Cúc mỗi khi bà thay đổi động tác từ từ nhỏ dần đi.
  - Đó là một tai nạn rất ghê gớm.
  Tiếng nói của ông Williams đột nhiên lớn hơn những lời thì thầm mà ông lẩm bẩm trong khi bà Kim Cúc tìm cách cắt lớp móng cứng chẹt trong thịt của ngón chân cái nơi mà lần đầu tiên bà vô tình làm chảy máu. Không đáp lại lời ông, bà cẩn thận lèn mũi kềm cắt móng xuyên qua lớp thịt phát triển vô trật tự, để tìm cắt từng mảnh một lớp móng cứng ẩn khuất bên dưới hay lồi lõm lên trên. Khi việc làm khó nhất của bàn chân này hoàn tất, bà tiếp tục cắt những móng còn lại, và giũa chúng bằng phẳng. Giũa bằng các đầu móng và chùi sạch dưới từng móng chân một xong, bà đặt nó trở lại trong bồn nước màu xanh rồi nâng bàn chân phải lên tiếp tục chăm sóc cho bàn chân trái, cái mà ngón chân cái của nó phát triển bình thường hơn của bàn chân phải. Luân phiên thay đổi hai bàn chân, lúc thì nâng lên lúc thì đặt vào trong nước, bà Kim Cúc hết đẩy gọn da xung quanh các khóe móng lại cắt tỉa những chỗ da chết lồi lõm không đều, hết mài những đầu móng lại cọ những góc khóe, hết cạy những cáu ghét dưới móng chân lại chùi sạch chúng với gòn và cồn, hết xịt xà phòng trên các ngón lại chà xát từng ngón chân một, hết chà lăn sau các gót chân lại kỳ cọ giữa các ngón chân, hết lăn dầu trên các móng lại chùi rửa xung quanh từng móng một cách tỉ mỉ và cẩn thận cho đến lúc các vật dụng như cây đẩy da chết, cây giũa bằng thép, kéo cắt tỉa, chai xà phòng nước, bàn chải mềm, miếng tàn ong chà gót chân, chai dầu nước, hộp đựng bông gòn được đặt lại vị trí cũ và đôi bàn chân của ông Williams được lau sạch nước bằng chiếc khăn lông đặt trên bục đỡ thì bà mới quẳng đôi găng vào sọt rác và bắt tay vào công việc xoa bóp. Đầu tiên, bà xoa kem làm mướt da đều khắp đôi chân ông Williams từ nửa ống cho đến bàn chân. Kế đến, bà thực hiện các động tác xoay tròn, ấn, vuốt, bấm, và nhấn một cách nhịp nhàng và đều đặn. Những động tác thay đổi được bắt đầu từ mu bàn chân lên quá mắt cá đến nữa bắp chân rồi trở lại chỗ cũ, sau đó tỉ mỉ hơn ở từng ngón chân. Đây là mục thích thú nhất khi khách được làm móng chân nước. Các động tác xoa bóp chậm rãi và kỹ lưỡng không những làm cho làn da của đôi chân họ ướt mướt bóng sáng bởi chất kem bôi mà còn làm cho họ cảm giác dễ chịu trong khi được phục vụ. Đối với người phục vụ thì tâm trạng khác hẳn. Mỗi khi thoa bóp chân cho khách, nhất là khách nam, là mỗi lần bà Kim Cúc cảm thấy buồn bã với việc làm của mình. Để khuây khỏa những ý nghĩ mông lung và giảm bớt được phần nào cảm giác tổn thương, bà tự an ủi rằng dầu công việc có cay đắng thể nào, giúp được cha, mẹ, chồng, con sống đầy đủ mới là chuyện quan trọng đối với bà. Tuy là an ủi như thế, mỗi khi xoa bóp lên xuống đôi chân của khách đặc biệt là những người khách nam mạnh khỏe mà da chân họ bao bọc bằng những thứ rậm rạp khác chứ không phải là những vết sẹo ngoằn nghèo, nhăn nheo như của ông Williams cha mà bà đang phục vụ, thì cảm giác bị tổn thương lâng lâng mãi trong tâm hồn của bà.
  Lặng lẽ với những ý tưởng trong đầu và các động tác di chuyển lên xuống đều đặn của hai bàn tay, bà Kim Cúc thông cảm hơn với lời tuyên bố của cô Vân  là không bao giờ làm móng chân cho bất kỳ một người khách đàn ông nào. Bà hiểu rõ vì sao cô Vân đã một mực khẳng định rằng”Nếu em làm sạch đẹp chân cho một người đàn ông nào thì người đó phải là người yêu hay là chồng của em chứ không phải là người đàn ông xa lạ nào khác. Theo em, làm nghề nào cũng có nhiều cách khác nhau và mình phải tự chọn cho mình một cách riêng biệt. Khi quyết định lấy bằng làm móng tay, móng chân này, em nghĩ thà mình làm móng bột, móng tay nước, hay vẽ trên móng để ngồi ngang hàng cùng khách hơn là hạ mình ngồi dưới chân họ phục vụ như kẻ tôi đòi. Em rất muốn có việc làm để kiếm tiền nhưng em chỉ chọn công việc nâng giá trị mình lên chứ không vì đồng tiền mà tự hạ thấp giá trị của mình xuống. Chẳng thà em kiếm tiền ít hơn người khác mà  không phải lo nghĩ trong tâm.” Chính bà Kim Cúc cũng từng có ý nghĩ như thế khi mới bắt đầu vào nghề nhưng vì yêu cầu của công việc và yêu cầu của chủ mà bà phải nhận làm tất cả các công việc mà tất cả những người thợ trong tiệm đều phải làm như nhau một cách bình đẳng và bắt buộc. Bà nhớ ngày quyết định làm móng chân cho khách nam, bà đã vời ông Hoàng ngồi trên ghế mà dưới chân ông là chậu nước ấm  để ngâm chân vào một buổi tối sau khi hai người đi làm về. Tuy nhiên, ý định xóa tan những mặc cảm trong lòng bằng cách làm móng chân cho chồng trước khi nhận làm cho khách nam vẫn không thể nào tác động hữu hiệu trong tâm lý của bà trong lần đầu tiên khi bà làm chân cho một ông khách mà bên cạnh bồn nước ông ngồi là nhân tình của ông ta cũng được phục vụ đôi chân tại bồn nước bên cạnh. Trong lúc họ nói cười vui vẻ, cô bạn đồng nghiệp và bà đã cắm cúi làm mà không dám trao đổi với nhau câu nào bằng tiếng Việt, dù là một câu than vãn, vì sợ bị hiểu lầm nói xấu khách bằng ngôn ngữ riêng của mình. Lúc đó bà thấm thía cho thân phận tôi đòi của mình khi phục vụ cho người khác những việc mà chẳng bao giờ bà có đủ thời gian để làm cho chính bà. Tuy nhiên, sau thời gian quen lần với mùi hôi nồng nặc, với những nốt sùi, vảy sần, nấm xanh, mốc meo, chốc ghẻ, lở láy bà tự an ủi là có đôi găng tay nhựa khi phục vụ cho  đôi chân khách là may mắn lắm rồi.Từ đó bà đã nâng biết bao nhiêu đôi chân của bao người đàn ông cho dù bà đã trở thành chủ tiệm. Không muốn tách biệt việc làm của người chủ khác biệt với đám thợ và không muốn cảm giác vui buồn chia thành thứ bậc khi bà và họ làm những công việc khác nhau, bà đã không từ nan bất cứ việc làm nào. Với quan niệm này, bà đã giải quyết nhiều khó khăn của tiệm nhất là trong những lúc tiệm đông khách.
  Xoa bóp xong, bà Kim Cúc mang đôi vớ mới vào chân cho ông Williams rồi đứng dậy yêu cầu cô Vân giúp bà đưa ông ra khỏi ghế spa. Cô Vân bước đến bên bà với khuôn mặt căng thẳng và trầm lắng. Ánh mắt của cô trao cho bà ngỡ ngàng và xa lạ đến độ bà không hiểu cô ta nghĩ sao về việc vừa làm của bà và không hiểu cô ta muốn thay đổi ý định kiên quyết ban đầu hay không.

<< Chương Mười | Chương Mười Hai >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 491

Return to top