Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tình Trên Đỉnh Sầu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27680 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình Trên Đỉnh Sầu
Cung Thị Lan

Chương Hai Mươi Mốt
      Nằm trong tư thế ngay ngắn và bất động, bà cụ Đức đưa ánh nhìn lờ đờ từng người quanh giường. Nhận ra quả là bà Kim Cúc bên cạnh mình, bà nở nụ cười nhân hậu nói:
- Con về thăm mẹ đấy à?         
Bé Lisa bật khóc nức nở:
- Cháu cũng tới đây thăm bà ngoại nữa. Sao bà ngoại không về với cháu? Ngoại không nhớ cháu hay sao?
        Nước mắt của bà cụ Đức trào ra khỏi khóe từng cơn và không ngừng. Mở miệng toan nói, những cơn ho khan ập tới làm cụ phải đưa cánh tay gầy khẳng khiu chặn lấy ngực. Cô Loan đang đứng yên lặng bên đầu giường với những giòng nước mắt chảy âm thầm, vội vàng khom người xuống đở đầu cụ cao hơn trên chiếc gối. Với khuôn mặt căng thẳng đến lạnh băng, bà Bạch Mai nhẹ nhàng cúi người xuống rút chiếc khăn trên đầu giường để lau nước mắt, nước mũi, và nước dãi cho bà cụ.
    Bất kể sự chăm sóc của con cháu tận tình ra sao, những cơn ho tiếp tục hành hạ bà cụ Đức. Những đường gân xanh  nổi rõ trong lớp da trắng nhăn nheo  cùng với hai hốc cổ sâu vật vã nhấp nhô nơi hai nhánh xương gầy gộc tạo cho bà cụ  một vóc dáng hết sức thảm hại và thương tâm. Đau xót khi nhận ra mẹ mình yếu ớt và tiều tụy khá nhiều, bà Kim Cúc ngồi sụp cạnh giường, áp đầu vào thân hình còm cỏi của bà cụ và nói trong tiếng khóc nức nở:
        - Mẹ! Mẹ đến nông nỗi này sao? Sao mẹ không chịu về lại với con để con có cơ hội chăm sóc mẹ? Có phải mẹ giận chúng con không?
        - Làm sao mẹ giận các con được? Mẹ hiểu tấm lòng hiếu thảo của các con lắm nhưng mẹ không muốn mình là gánh nặng cho con ở xứ người. Bà cụ Đức trả lời với giọng khàn khàn và yếu ớt.
        Bà Kim Cúc chùi nước mắt:
        - Vậy thì ở đây có khác biệt gì? Tại sao mẹ dành đặc ân cho một người con này mà không dành cho người con khác?
        - Bố mẹ đã nghĩ kỹ rồi! Dầu sao ở đây anh chị con còn có nhiều thì giờ hơn các con ở bên ấy. Ông cụ Đức đáp lời.
        Ông Hoàng đặt tay trên vai bà Kim Cúc, khuyên lơn:
        - Mẹ đang mệt, em không nên làm mẹ xúc động.
        Bà Bạch Mai cũng nói:
        - Đây không phải là lúc chúng ta bàn luận chuyện nên hay không nên làm. Vì sức khỏe của mẹ trong tình trạng nguy kịch cho nên những gì bố mẹ bàn định và thực hiện đều vì sự thuận lợi cho các em bên ấy.
        Đưa tay gạt những giòng nước mắt tuôn ra không ngừng, bà Kim Cúc khựng ánh nhìn trên khuôn mặt bà Bạch Mai một lúc rồi đảo mắt quanh căn gác. Căn gác sau hai mươi lăm năm không chút thay đổi; nó vẫn èo ọp như ngày bà trốn khỏi Việt Nam và vì thế bà cảm thấy đau lòng hơn khi nhìn thấy mẹ mình sống và chữa trị trong điều kiện không đầy đủ.
        - Cháu mời dì dùng nước ạ - Người thanh niên có thân hình cao gọn chìa ra ly nước đá chanh trước mặt bà với những ngón tay trắng gầy. 
        Nhận ra khuôn mặt vuông khắc khổ, mũi xương cao và đôi mắt tinh anh của người thanh niên chẳng khác gì của ông Thanh, bà Kim Cúc hỏi:
        - Cháu Bình đây phải không?
        - Vâng ạ. người thanh niên gật đầu
        - Cháu đã lớn như thế này rồi kia ư! Năm nay cháu đã bao nhiêu rồi?
        - Cháu được hai mươi bốn tuổi rồi đấy cô - Ông Thanh trả lời thay con - Cháu sanh sau ngày “giải phóng” một năm.
        - “Giải phóng” ai? “Giải phóng” anh đấy! Bà Bạch Mai gắt nhẹ với đôi mắt chớp bối rối.
Khựng lại một lúc bởi nghi hoặc, ông Thanh quay sang bà Bạch Mai:
        - Thế thì ... “ngày hòa bình lập lại”, “ngày thống nhất đất nước”, và “ngày đất nước hòa thành một”, mẹ nó thích ngày nào? Gớm! Người nhà cả mà làm gì phải kỹ thế!
        Bà Bạch Mai không trả lời trong khi bà Kim Cúc chép miệng:
        - Thời gian trôi nhanh thật!
        Quả là thế! Như mới hôm qua, cách đấy hai mươi lăm năm khi bà còn là một cô gái ở tuổi năm đầu của bậc đại học, cũng trong căn gác này, cũng trên cái giường gỗ nơi bà cụ Đức nằm đây, là chỗ cô Kim Cúc ngồi thuyết phục cô Bạch Mai từ bỏ ý định yêu thương ông Thanh, người con trai độc nhất của ông phó chủ tịch phường. Bà nhớ rõ là sau những buổi họp tự phê bình và phê bình dài dằng dặc với những người trong khóm vào cuối tháng năm của năm 1975, chị ruột của bà, cô Bạch Mai đã tình nguyện đăng ký cùng con ông chủ tịch phường trở thành thanh niên xung phong để đi lao động nghĩa vụ ở vùng kinh tế mới C. Lúc đó bà còn tưởng là do các tờ khai lý lịch tỉ mỉ, do buổi chia tay với bố trước khi ông vào trại cải tạo, và do chỉ thị gia đình đi kinh tế mới xảy ra liên tiếp mà cô Bạch Mai xúc động đến độ muốn lấy điểm những người trong chính quyền mới bằng chính sức lao động của cô bỏ ra để căn nhà do mẹ cô đứng tên không bị chiếm lấy. Thế nhưng sau cái lần bà phó chủ tịch chì chiết ông Thanh dính dáng với con gái của “thằng Ngụy” qua cái vách tường mỏng cạnh một nhà hàng xóm thì không những gia đình nhà hàng xóm ấy biết chuyện cô Bạch Mai có “quan hệ tình cảm” với “con cán bộ” mà cả mẹ con cô Kim Cúc và cả xóm đều biết cái tin động trời này. Rối rắm với những lời dị nghị đàng sau lưng, cô Kim Cúc hết lòng khuyên nhủ chị cô hồi tâm trở lại thế nhưng cô Bạch Mai nhất định khư khư với tình cảm riêng của mình. Với thái độ bất khả thi của cô Bạch Mai, cô Kim Cúc đã oán giận sự tiêm nhiễm tinh thần yêu nước xu thời của chị và đau khổ với hình ảnh cực khổ tảo tần của mẹ. Trong khi cô Bạch Mai tham gia công tác lao động ở những vùng đất chưa khai khẩn với đám “thanh niên xung phong”,bà cụ Đức phải lo chắt chiu bán hết những vật dụng trong nhà ngay cả những thứ vụn vặt nhất như giấy, nhôm, nhựa để kiếm tiền mua thực phẩm cho  những lần tìm đường thăm nuôi ông cụ Đức. Mỗi đêm, cô Kim Cúc đã khóc  thầm trong tức tối vì cô cho rằng sắc đẹp kiều diễm như tiên giáng thế của chị cô đã được chiêm ngưỡng với sự vô vọng bởi bao sinh viên trí thức Sài Gòn và bao chàng lính Việt Nam Cộng Hòa hùng dũng ngày xưa, đã tự nguyện dâng hiến cho một người kém tuổi, thua học vấn, và chênh lệch khá nhiều về phong cách sống. Trong ý nghĩ của cô Kim Cúc lúc ấy, chẳng thà chị của cô ưng những người đàn ông con trai miền Nam đã có trình độ học vấn  nhưng bị “đổi đời “ thành những người đạp xích lô, đạp ba gác, bán giấy loại, bán nhôm nhựa, bán báo cũ, hay “chạy mánh” ở các chợ trời mà vẫn còn vinh dự hơn con trai của người “xâm chiếm miền Nam”. Cho dù ông Thanh đẹp trai vượt hẳn những người thanh niên bắc 75 đương thời như thế nào và được tiếp đón ân cần của chị cô ra sao thì dưới mắt cô  lúc ấy ông chỉ là kẻ cừu địch chứ không thể nào là anh rể của cô.
        Sau tháng tư năm 1975, cô Kim Cúc biết có rất nhiều thanh niên miền Nam bỏ nước ra đi cho nên tình trạng “trai thiếu gái thừa” sau chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn, tuy nhiên, cô luôn luôn đặt một quy luật cho mình là cô có thể thành gái già suốt đời hoặc là chỉ lấy người chồng cùng ở miền Nam trước đây mà thôi. Lúc ấy cô còn nghĩ là cô sẵn sàng lấy một người thanh niên miền Nam đạp xích lô, đạp ba gác, đứng đường buôn bán ở chợ trời, bán nhôm nhựa, bán ve chai, bán thau đồng, giấy loại hoặc những thanh niên, và những đàn ông trở về từ những trại tù cải tạo còn hơn lấy những kẻ có quyền lực bởi chiến thắng. Cũng lúc ấy, cô tưởng là chị cô cũng có cùng ý nghĩ với mình và cả hai người sẽ không bao giờ bị những lời châm biếm đàng sau lưng như “Khéo thay cái cảnh gió phất chiều nào theo chiều đó!”, “Thứ phản thùng!”, “Đổi đời, đổi người cứ như trở bàn tay”, “Con Ngụy mà khéo thay cờ lập công theo Cách Mạng!”. Nghĩ đến những ánh mắt khinh bỉ ngấm ngầm của những người hàng xóm và tình cảnh của gia đình, cô đã hết lời khuyên nhủ cô Bạch Mai bình tâm suy nghĩ  những gì nên và không nên làm; thế mà, người chị ruột của cô một mực ngoan cố với cái tình yêu mà chị ta đang có. Bất cần sự chấp thuận của “Ngụy” hay “Cách Mạng”, bất cần chuyện cưới hỏi của gia đình mình hay gia đình của người mình yêu, bất chấp được hay không được chứng thực hôn thú của chính quyền đang hiện hành, sau chuyến nghĩa vụ lao động sáu tháng, cô Bạch Mai đã trốn cùng cậu Thanh về Bình Dương sống với gia đình ông cụ Phúc cho đến khi sinh cậu Bình. Cõi lòng tan tác với tuyệt vọng và oán hờn, cô Kim Cúc tuyệt giao tình chị em với cô Bạch Mai rồi chuyên tâm lo giúp mẹ chạy tiền thăm nuôi bố. May mắn cho cô là cô đã được cô Thu, chỉ mối cho cô trốn ra khỏi nước cùng với nhóm người tổ chức vượt biển mà trong đó có cả ông Hoàng, anh trai thứ ba của cô Thu, người vừa trở về Sài Gòn từ sau hai năm ở trại cải tạo và sống lén lút ở Sài Gòn như một kẻ vô gia  cư.
        - Tất cả đều là dĩ vãng của quá khứ, giờ hai chị nên bỏ qua chuyện cũ mà “hợp tác” chăm sóc bác gái đi! Nhìn bác yếu ớt kiệt cạn như thế này chẳng biết ra sao, thấy thương quá!
        Tiếng nói của bà Thu cắt dòng tư tưởng và đưa bà Kim Cúc vào thực tế. Vân vê ly nước trong tay và lau những giọt mồ hôi lạnh đọng ngoài ly, bà Kim Cúc chợt thấy bùi ngùi. Sự tuyệt giao của bà đã khiến mối quan hệ dì cháu trở thành xa lạ vậy mà đứa cháu kêu bà bằng dì không một chút oán hờn. Bà nói với cậu Bình:
        - Dì có mua cho cháu nhiều quà lắm.
        - Cảm ơn dì! Ở đây cháu cũng có đủ thứ, không cần gì cả ạ!
        Ngượng nghịu trước sự từ chối thẳng thừng của đứa cháu, bà Kim Cúc quay sang ông Thanh và bà Bạch Mai hỏi lảng sang chuyện khác:
        - Anh chị chỉ có một cháu từ nào đến giờ?
        - Một cháu là đủ rồi em ạ. Tiêu chuẩn “Nhà Nước” cho mỗi gia đình hai con, nhưng hoàn cảnh gia đình này có một là đủ. Ông Thanh trả lời.
        Bà Bạch Mai vội vàng nói:
        - Chả phải bởi “Nhà Nước” gì cả em ạ! Anh chị có làm gì cho “Nhà Nước”, có là Đoàn viên, hay Đảng Viên đâu mà sợ kế hoạch hay chỉ tiêu. Nhiều con càng phải lo nhiều, có một đứa lo cho nó nên thân là đủ!
        Ông Thanh ngơ ngác nhìn vợ rồi nói theo một cách dè chừng:
        - Đúng rồi! Anh chị chả làm gì cho chính quyền hay “Nhà Nước” cả! Làm tiểu thương, bán bánh cuốn cho cả xóm này được bằng mấy lần lương “Nhà Nước” đấy em!
        - Vậy còn hai bác bên ấy như thế nào? Bà Kim Cúc hỏi xã giao.
        - Bố mẹ anh đều chết cả rồi. Mẹ anh thì chết cách đây bốn năm. Bà bị chứng viêm khớp kinh niên từ sau khi sinh anh non một tháng vì phải ngâm mình dưới nước cả ngày lẫn đêm trốn “địch” trong khi chiến đấu ở Trường Sơn cơ! Còn bố anh cũng chết sau bà một năm, bác sĩ chẳng nói rõ ông bị chứng bệnh cụ thể gì, lúc thì nói phổi lúc thì bảo suyễn, lúc thì bảo suy tim. Vợ chồng anh lo chạy chữa mà chẳng xong. Ông mất vào tháng sáu năm 1996.
        Bà Kim Cúc thở dài:
        - Tất cả rồi cũng tiêu ma!
        Cậu Bình nói:
        - Con có thăm ông nội con nhiều lần trước khi ông qua đời. Ông tâm sự với con ngày xưa ông tập kết ra Bắc vì ông muốn chiến đấu cho sự độc lập và thống nhất của đất nước.
        Trong khi bà Kim Cúc còn đang ngạc nhiên với câu chuyện khơi mòi về chiến tranh của cậu Bình, ông Thanh vội vã đáp lời con:
        - Khi còn ở Bắc, bố cũng nghĩ cuộc chiến tranh ở chiến trường miền Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì đuổi được quân đội xâm chiếm Mỹ ra khỏi miền Nam ngờ đâu khi vào đến Sài Gòn mới vỡ lẽ nhân dân miền Nam có một cuộc sống quá tự do và giàu có!
        - Nhưng con hiểu là khi ở miền Bắc trước năm 1975, những người dân ngoài Bắc tin là họ thực sự chiến đấu cho lý tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc. Họ tin như vậy không phải chỉ vì họ bị nhồi sọ bởi những bài học chính trị nhưng chính vì họ chứng kiến những quả bom B52 khổng lồ của Mỹ đổ xuống Hà Nội. Chính những quả bom ấy đã bồi bổ thêm cho họ tư tưởng chiến đấu vì chính nghĩa và làm cho họ kiên định với ý chí “sinh Bắc tử Nam”!
        Câu phán của cậu Bình như quả bom đang rơi ngay căn gác của nhà bà Bạch Mai. Vượt cái nặng nề của không khí im lặng, và câu hỏi ngầm “Lúc ấy mày ra đời rồi đấy hả con?” qua những ánh nhìn đăm đăm của mọi người, cậu Bình tiếp tục:
        - Con biết là lúc đó nhiều người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam và con còn biết rất nhiều vấn đề khác qua tìm hiểu ở internet chứ không phải chỉ vì chuyện toàn bộ gia đình của bà nội của con chết vì bom Mỹ mà nói thế đâu! Hiện nay hệ thống điện tử toàn cầu hóa, không có gì bưng bít giới trẻ chúng con được! Chiến tranh nào cũng tàn khốc cũng đổ vỡ và tang thương bởi vì những người chiến đấu đều khăng khăng với mục đích chiến đấu của mình nhưng mà bên nào phải bên nào trái, sự việc xảy ra như thế nào và vì sao phe được thắng trận vì sao phe bị thua trận bọn trẻ chúng con bây giờ thừa hiểu hết rồi! Để biết rõ lịch sử trong và ngoài nước một cách trung thực, giới trẻ chúng con bây giờ phải ra công tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau trong mạng ở  máy vi tính chứ chẳng phải nghe theo một chiều, một phía ở trong nước này thôi đâu!
        Bà Thu hỏi ngay:
        - Ủa? Nói vậy nhà có máy vi tính rồi hả cháu?
        - Dạ không, cháu chỉ mướn ngoài dịch vụ và thỉnh thoảng xem ở cơ quan. Cậu Bình đáp.
        - Cháu đang làm cho công ty nào vậy?
        - Công ty Bách Hóa Tổng hợp ạ.
        - Cháu làm gì?
        - Kế toán tài chính.
        - Chắc có bằng?
        - Dạ bằng đại học Kinh Tế Tài Chính.
        - Cô không có bằng đại học như cháu nhưng nhờ làm thâm niên và có biên chế nên cái chức thủ quỹ cho công ty xuất nhập khẩu thành phố của cô cũng ổn lắm. Làm cho mấy công ty này nếu biết cách thì “có ăn” lắm đó cháu!
        - Cháu không quan tâm chuyện làm thêm hay kiếm thêm thu nhập miễn là làm gần nhà và được an nhàn là đủ!
        Ông Thắng hỏi ông Thanh:
        - Còn căn nhà của hai bác phó chủ tịch giờ ra sao mà anh chị thờ cúng hai bác ở đây?
        Câu hỏi của ông Thắng làm bà Kim Cúc chú ý đến hai bức ảnh của thân sinh và thân mẫu của ông Thanh trên tủ thờ sát bức tường ngăn phòng giữa với phòng ngủ bên trong. Chiếc bàn thờ với bát nhang, bình hoa và quả bồng trái cây chắc hẳn khiến ông Thắng thắc mắc khi mà ông bán tín bán nghi về sự vô thần, sự không tin có linh hồn sau khi chết của những người cán bộ và thắc mắc sự phụng thờ chu đáo bởi bà Bạch Mai, người theo đạo thờ cúng ông bà.
        - Bố tôi không có tiền mua căn nhà bán hóa giá nên giao lại cho chính quyền khi ông còn ở bệnh viện cơ.
        Vừa nghe ông Thanh thành thật trả lời ông Thắng xong, ông Hoàng đã vội bàn ra:
        - Hãy để cho hai cụ yên nghỉ, giờ thì tất cả cũng đã qua!
        Cậu Bình đảo cặp mắt sáng ngời nhìn mọi người rồi nói  một cách thẳng thắn:
        - Bất kể ông nội và ông ngoại của cháu là người phe nào cháu vẫn tự hào cả vì hai ông của cháu đều là hai người lương thiện. Theo cháu, cái quan trọng không phải là chuyện ông nội và ông ngoại của cháu đã theo chế độ chính trị nào, mà là hai ông có phải là người tốt hay không. Lập trường tư tưởng của mỗi người đó là tự do cá nhân của người ấy, chỉ tiếc rằng vì hoàn cảnh mà gia đình nội ngoại không có mối giao hảo cho nên cháu không được may mắn để có sự đồng lòng thương yêu và đùm bọc của hai bên gia đình khi còn bé như những đứa trẻ khác.
        Mọi người im lặng trước thái độ quá nhạy cảm và và lời nói quá khích của cậu Bình. Những tiếng ho khan dữ dội của bà cụ Đức đột nhiên ngưng lại bất chợt như bà khá xúc động với những lời vừa nghe. Còn ông cụ Đức, ra vẻ không nghe cậu Bình nói gì, ngồi co ro trên chiếc ghế gỗ ở một góc phòng như người vô hình.
        Bà Kim Cúc ngước lên nhìn chồng:
        - Em ở lại với mẹ, anh đưa các con về bên ấy ở với cô Thu để các con có điều kiện ăn ở thoải mái và được đi chơi nơi này nơi khác.
        Cậu Phụng nói:
        - Tình trạng sức khỏe của bà ngoại như vầy, mình không đi chơi xa cũng không sao. Luẩn quẩn trong thành phố để lui tới thăm ngoại dễ dàng hơn.
        Lisa nói:
        - Cho con ở lại đây với mẹ. Con thích gần bà ngoại!
        Bà Bạch Mai vuốt tóc nó:
        - Dì đã chuẩn bị một phòng riêng cho bố mẹ rồi nhưng nhà cửa chật hẹp không đủ cho cả gia đình, nếu chỉ có mẹ và con ở lại thì không hề gì đâu, đừng lo!
        Ông Hoàng gật đầu ưng thuận trước ánh nhìn chờ đợi của con Lisa, rồi đập tay trên vai cậu Bình một cách thân mật:
         - Cháu giúp dượng chở dì và Lisa sang nhà cô Thu khi dì cần nhé!
    Cậu Bình gật đầu với vẻ nhân ái:
        - Dạ vâng, cháu sẽ chở dì đi bất cứ nơi nào dì muốn. Nếu chiều tối dì muốn về bên cô Thu ngủ thì cháu sẽ đưa về.
        Bà Kim Cúc lắc đầu:
        - Dì sẽ thu xếp những đồ đạc cần thiết để ở đây chăm sóc ngoại chỉ trừ ngày mai đi Long Xuyên thăm bác hai Huy ở Long Xuyên và  ngày mốt đi Bình Dương thăm gia đình ông chú Phúc thôi. 
  

<< Chương Hai Mươi | Chương Hai Mươi Hai >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 713

Return to top