Trên đường chở cô Loan trở về Sài Gòn, cậu Vũ đã tách ra khỏi nhóm xe máy đang chạy theo hàng một để tẻ vào một lối con đường đất hẹp giữa những hàng cây xanh um và hun hút vào trong sâu. Khi đến một ngã ba và tiến vào một con đường khác, gió ẩm mát thổi ngược làm bay tóc đã báo cho cô Loan biết chiếc xe đang hướng về một nơi nào đó có nước sông, suối hoặc hồ đầm. Quả như cô đoán, sau khi dựng chiếc xe máy yên bên gốc cây cổ thụ, cậu Vũ cho cô biết anh sẽ đưa cô tới ngắm cảnh của một khúc sông nơi mà cô Loan hiểu anh ta sẽ nói với cô những điều mà anh đã nửa đùa nửa thật hứa với cô trong khu vườn của ông cụ Phúc.
Đậu xe xong, cả hai đi chầm chậm bên nhau đến bãi cát màu vàng nâu rồi đi dọc theo bờ sông vắng người. Cả hai đều hân hoan đón những làn gió mát từ nước sông thổi vào trong khi chiêm ngưỡng những tia nắng chiều vàng nhạt đang chiếu xuống dòng nước trôi lững lờ trước mặt. Trong cảnh vật yên tĩnh ấy họ chỉ nghe được những tiếng gió lao xao từ những rừng cây ăn trái của bờ sông bên kia thổi đến, và tiếng chim kêu ríu rít trên cành lá xum xuê dọc ven sông. Cảnh đẹp nên thơ và thoát tục của dòng sông khiến cô Loan ngẩn ngơ đến lặng người. Cô đã từng thưởng ngoạn không biết bao nhiêu cảnh đẹp của thiên nhiên nhưng chưa bao giờ cô có cảm xúc như thế. Mơ màng thả trôi ánh nhìn xa xa theo những bước chân chầm chậm, cô bỗng bước nhanh hơn hướng về hai bóng người đang lom khom mò bắt vật gì ngoài bờ. Tò mò, cô hỏi:
- Các em đang bắt cá hả?
Nghe tiếng hỏi, hai người cùng ngẩng đầu lên. Đó là một cô thiếu nữ độ khoảng mười tám trong chiếc áo ngắn tay màu mỡ gà và quần đen xắn quá đầu gối và cậu bé độ khoảng tám, chín tuổi, ở trần, mặc quần cộc, đầu mình ướt nước.
Cậu bé vui vẻ liến thoắng:
- Cá phải câu hay giăng lưới chứ sao bắt bằng tay được? Chị em em chỉ bắt ốc thôi.
Cô gái hỏi:
- Anh chị ở nước ngoài mới về?
Cậu Vũ nói:
- Chỉ có cô này thôi, anh vẫn ở đây, nhưng sao em biết?
- Nhìn y phục của chỉ ai cũng đoán ra mà! Cô gái trả lời cậu Vũ khi chuyển ánh nhìn thoáng nhẹ ngang người cô Loan, rồi lẩm bẩm khi cúi xuống với công việc của mình - Biết xứ người cực khổ nhưng ai cũng hăm hở đi cho bằng được! Đi cho “đã”, ê chề cho lắm, rồi lại thi nhau trở về!
- Tôi không hiểu em muốn nói gì? Cô Loan đảo ánh mắt ngạc nhiên lướt qua bộ jeans xanh áo thun trắng đang mặc của mình rồi hướng ánh nhìn đến khuôn mặt nghiêng của cô gái ngoài bờ.
- Ở quê sướng như tiên mà hổng ưng, thi nhau đi ra khỏi nước rần rần, đến khi nếm mùi cực khổ lại quay đầu trở về! Cô gái nói to hơn nhưng vẫn nói như cho chính mình nghe thôi.
- Hử? Khuôn mặt cô Loan đầy vẻ bực tức.
- Ý chỉ nói là chị giống mấy chị ở làng này đó mà! Mấy chị đó đăng ký tranh nhau đi Đài Loan, Thái Lan, Singapore lấy chồng rồi lần lượt tìm đường về vì không chịu khổ ở bển được. Thằng bé giải thích với giọng ông già.
- Chị từ Mỹ về đây du lịch chứ đâu có ở đây đâu mà “đi ra” với “ trở về”. Cô Loan khoanh tay nhìn hai chị em với nụ cười nhạt.
- Bên Mỹ? Cô gái hỏi lớn khi đứng thẳng chiếc lưng đang cúi lên, cặp cái rổ sát vào hông, và đạp nước đi vào bờ cát như muốn nhìn thấy rõ hơn điều quái lạ vừa được nghe, mặc cho nước sông ôm chặt vòng chân như muốn níu cô lại. Cô hỏi tiếp - Ở bển càng khổ hơn ở mấy nước Nhật, Đài Loan, và Singapore nữa mà chị ở bển làm chi vậy?
- Ai nói em bên Mỹ khổ? Cô Loan hỏi vặn với giọng không hài lòng mặc dù cô ngớ mắt ngạc nhiên trước sắc đẹp man dại và tự nhiên của cô gái mà mình đang đối diện.
- Người ta đồn “hà rầm” là muốn ở bển phải biết nói tiếng Mỹ, tiếng Anh gì đó mới kiếm việc làm được. Trời tuyết cũng phải đi làm, trời lạnh mấy cũng phải đi làm nếu không, sẽ bị đuổi ra đường “liền liền” vì không có tiền trả tiền nhà. Đã khổ như vậy “hàng chớ”, lại còn bị người ta khi dễ vì cái... cái gì mà gọi là phân biệt chủng tộc nữa đó! Cô gái vừa nói vừa gạt những giọt nước nhỏ xuống từ trên mái tóc trước.
- Tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, và tôi cũng đã du lịch nhiều nước nhưng tôi không thấy nơi nào rộng đẹp và tự do bằng nước Mỹ. Cô Loan nhún vai.
- Chị mà là người Mỹ sao? Chị đâu có giống người Mỹ! Cô gái cãi lại.
- Vậy sao? Cô Loan hất nhẹ cằm lên, hỏi gặn.
- Thiệt chớ! Chị nói tiếng Việt giỏi như vậy lại thêm giống Việt Nam “chay” làm sao là người Mỹ được? Cô gái nghếch chiếc mũi cao lên và chớp mắt như muốn khẳng định thêm điều mình nói.
- Vì cổ sinh ra ở Mỹ nên tự cho là người Mỹ đó mà! Cậu Vũ trả lời thay cho cô Loan rồi hỏi sang đề tài khác - Các em bắt ốc để ăn hay đem bán?
Thằng bé lõm bõm theo sau chị vào bờ, cười hồn nhiên, lộ những chiếc răng sún:
- Vừa ăn, vừa bán.
- Ai bán? Cậu Vũ hỏi.
- Em! Thằng bé trả lời.
- Chứ em không đi học sao đi bán? Cậu Vũ hỏi tiếp.
- Má em không có đủ tiền mua gạo ăn thì làm gì có tiền đóng tiền học. Em nghỉ học rồi - Thằng bé vừa gãi đầu vừa nói.
Cô Loan bất giác mở khoá chiếc xách tay bên hông. Ngập ngừng bàn tay trong xách một lúc cô kéo chiếc máy hình ra thay vì cái ví tiền nằm cạnh ấy. Cô nhớ lúc cô chìa tiền cho thằng bé bán vé số và nói rằng cô cho nó thay vì mua vé số thì nó đã trả lời rằng nó là người bán vé số chứ không phải là kẻ ăn xin. Cảnh tượng đó không khích lệ cô can đảm thực hiện hành động từ thiện của mình lần thứ hai. Cô hỏi:
- Chị có thể chụp hình hai chị em em không?
- Tụi em ăn mặc xấu xí như vầy chị chụp làm gì? Thằng này lại ở trần nữa! cô gái phản đối.
- Để làm kỷ niệm. Áo quần thể nào không thành vấn đề. Các em rất dễ thương. Chị muốn chụp hai em trong cảnh sông này để trưng hình trong căn phòng của chị bên Mỹ.
- Chụp xong rồi khi nào có hình chị gửi cho em một tấm được không? Thằng bé háo hức hỏi.
- Được chứ! Cô Loan lục lọi trong xách tay một lúc chìa cuốn sổ nhỏ và cây viết cho thằng bé - Nhưng hãy ghi tên và địa chỉ của em trong cuốn sổ này!
Thằng bé rụt vai:
- Em không biết viết chữ.
- Vì sao em không biết chữ? Cô Loan hỏi.
Thằng bé lắc đầu:
- Em đã nói là em không có đi học.
- Tưởng em nghỉ học vài ngày thôi chứ! Nói vậy Việt Nam không bắt buộc trẻ em đến trường sao? Cô Loan chau mày.
- Bây giờ đất nước tự do rồi, người nào muốn học thì học, không học thì thôi. Người có tiền thì đến trường, không có thì ở nhà. Người sáng dạ muốn học bao nhiêu lớp thì học, người tối trí thì ở nhà không ai tới làm khó làm dễ hay bị bắt bớ gì hết! Thìn không biết chữ, nhưng mà em biết, để em viết cho!
Cô chị vừa trả lời thay cho em vừa xoa hai bàn tay ướt trên hai vai áo, rồi nắn nót viết tên và địa chỉ trên cuốn sổ.
Cậu Vũ xoa đầu thằng bé:
- Thìn cần phải biết đọc, biết viết! Em nên tìm những lớp học bổ túc, những lớp học tình thương miễn phí gần nhất để ghi danh học. Thầy cô ở đó dạy kèm miễn phí và dạy theo khả năng tiếp thu của học sinh, em không phải lo lắng gì về tiền học phí và sức học của mình.
- Em không có trí để học đâu! Ở nhà giúp má kiếm tiền mua gạo tốt hơn đến trường học ngu bị bạn cười!
Nói xong nó hăm hở đến cạnh chị và háo hức chờ chiếc máy ảnh chớp những tia sáng gập vào nhau. Khi cô Loan và cậu Vũ chào chia tay, nó dặn đến hai lần là cô Loan nhớ gửi hình về địa chỉ nhà chị em nó như đã hứa. Cô Loan mỉm cười đưa bàn tay phải đặt ngay chỗ tim mình như tuyên hứa điều cam chắc rồi vẫy tay chào khi quay trở lại lối cũ. Thằng bé cười khanh khách rồi đi ngược theo chị hướng về phía những căn nhà thấp thoáng sau những hàng cây xa xa.
- Loan có thấy cảnh ở đẹp không? Cậu Vũ phá tan sự yên lặng.
- Đẹp lắm. Nó cho tôi một ấn tượng đáng nhớ!
- Vì thế nó là nơi thích hợp để tôi có thể bày tỏ những lời nói chân thành của mình. Cậu Vũ nói.
- Hy vọng là tôi sẽ hiểu hết điều anh nói với số vốn tiếng Việt ít ỏi của tôi. Cô Loan đan những ngón tay búp măng vào nhau khi trả lời.
- Không phải nghiêm trọng lắm đâu, chỉ cần Loan chịu lắng nghe.
- Điều gì vậy?
Loan ngước đôi mắt long lanh lên nhìn về phía cậu Vũ chờ đợi. Khuôn mặt đẹp thánh thiện của cô trong ánh nắng chiều vương vắt khiến chàng trai ngập ngừng. Cúi người xuống vóc một nắm đất và vân vê nó trong lòng bàn tay một lúc, cậu Vũ chìa tay trước mặt cô Loan và hỏi:
- Loan có biết trong đất này chứa những gì không?
- Tôi không phải là nhà địa chất. Tôi không biết trong đó có những gì. Cô Loan bối rối.
- Tôi cũng không biết trong đất này có những thành phần khoáng chất nào nhưng tôi hiểu chúng chứa rất nhiều máu. Máu của dân lành vô tội, của người già, của đàn ông, của đàn bà, và của vô số trẻ con. Nhiều nhất là máu của những người lính của hai quân đội miền Nam và miền Bắc: những người lính trong quân Lực Việt Nam Cộng hòa kiên quyết giữ lý tưởng tự do Quốc gia và những người lính bộ đội miền Bắc ôm ấp giấc mơ hoang đường về “giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc” để đi đến một xã hội quốc hữu hóa và vô giai cấp. Nếu Loan nói Loan là người Mỹ vì Loan sinh trưởng tại Mỹ thì trong đất này còn có cả máu của những người không phải là người Việt Nam nhưng đã từng chết cho sự tự do của đất nước Việt Nam: những người chiến binh Mỹ.
Cậu Vũ càng nói, cảnh vật hiền hòa của một buổi chiều êm ả càng thay đổi trong trí tưởng tượng của cô Loan. Hình ảnh xương tan, thịt nát, máu chảy kèm theo tiếng súng nổ đạn bay của một chiến trường tàn khốc dữ dội mà trong cảnh tượng ấy không một chi tiết nào cho cô rõ ai là lính Quốc Gia ai là lính Việt Cộng; cô chỉ thấy những thân thể ngã gục và những xác của những người lính chồng chất lên nhau như trong các phim chiến tranh của Mỹ mà cô đã từng xem qua.
Không hiểu được thâm ý của chàng thanh niên, và nhất là không hiểu vì sao người thanh niên trông thanh lịch như cậu Vũ lại đem ra những lời chết chóc với người con gái mới quen biết như cô trong cảnh thiên nhiên đẹp trữ tình và thanh vắng, cô Loan tò mò hỏi:
- Tôi vẫn chưa hiểu anh muốn nói gì?
- Tôi muốn kể cho Loan biết là trong đất này vẫn còn chứa nhiều máu của những người mà sự hy sinh rất là đáng kể.
- Chúng ta sẽ làm gì khi nhớ lại điều đó? Cô Loan chau mày.
- Chiến tranh chỉ đem lại mất mát, đổ vỡ và điêu tàn chỉ có hòa bình thật sự mới đền bù sự mất mát cho những người đã hy sinh. Ngày nay đất nước của chúng ta không còn chiến tranh nhưng bao nhiêu người Việt Nam lần lượt bỏ nước ra đi dưới bao hình thức. Mọi người bỏ đi vì không tán thành đường lối chính trị, không chấp thuận những điều mâu thuẫn, không chịu cảnh nghèo đói, và không muốn thấy sự chênh lệch quá xa trong xã hội Việt Nam hiện thời. Còn chúng ta hãy dùng mồ hôi và tâm lực để thu phục tất cả những tấm lòng nhiệt huyết và cùng hồi sinh lại cho quê hương và dân tộc. Hãy cùng nhau biến mảnh đất này thành nơi hoa thơm cỏ lạ để không còn cảnh mất người nữa!
- Tôi không có thể làm điều ấy mặc dù tôi rất muốn giúp đỡ những người cùng cực trên đất nước này. Cô Loan nói với giọng hết sức thành thực
- Loan có thể giúp nhiều thứ như góp phần tham gia các tổ chức thiện nguyện, giúp đỡ những người già, giúp đỡ những trẻ em thất học, giúp đỡ những người tàn tật, giúp đỡ các em khuyết tật ở các hội thiện nguyện ở đây. Tôi tin là Loan có thể làm được những công việc cao cả ấy với khối óc thông minh, trái tim nhiệt huyết và bàn tay cần mẫn của Loan.
- Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc. Cô Loan đỏ mặt.
- Không phải! Loan sẽ là ngọn nến cùng thắp với những ngọn nến nhiệt tình và tâm thành khác để cùng xây dựng một thế hệ tốt đẹp của tương lai Việt Nam sau này.
Chạm những ngón tay nhè nhẹ trên chiếc xách tay nhỏ cạnh hông, cô Loan im lặng bước trong khi người thanh niên vẫn tiếp tục thao thao không ngừng:
- Không có cái sợ nào trong chúng ta ngoài sự sợ hãi trong chính tư tưởng của mình. Chỉ có lòng can đảm và gan dạ của chúng ta mới giúp chúng ta làm được những điều ấy. Chúng sẽ giúp chúng ta sức mạnh để hàn gắn những tang thương và mất mát của người dân Việt để cùng xây dựng một đất nước tự do, dân chủ, công bình và bác ái. Hãy góp tay cùng tôi và những người có tâm thành khác giúp đỡ những người dân Việt đang chịu cảnh đói nghèo, hãy giúp cho các trẻ nghèo thoát nạn thất học, và hãy chứng minh cho các cô gái ham mê giàu sang từ bỏ ý tưởng lấy chồng ngoại bằng chính hình ảnh cao đẹp và tâm hồn thánh thiện của Loan.
- Anh tin tôi có thể làm hết những điều anh vừa nói sao? Giọng nói của cô Loan đầy nghi hoặc.
- Tôi tin. Nghe Loan nói chuyện với bà lão ăn mày và nhìn cách cư xử của Loan đối với mấy đứa bé bán giấy số làm tôi xúc động. Loan đã cho tôi một hình ảnh đẹp của một cô gái gốc Việt và giúp tôi hiểu được ở nước ngoài vẫn còn có những người Việt Nam có tấm lòng cao thượng. Đối với tôi, Loan là biểu tượng của sự thông minh, nhân hậu và cao thượng. Càng nghe Loan nói chuyện với những người khác, tôi càng hiểu bằng y học của Loan sau này chỉ để phục vụ cho mọi người nhất là những người nghèo chứ không vì khoe khoang, lòe loẹt hay mưu sinh, kiếm sống.
Cô Loan im lặng nhìn nước trôi lững lờ trước mặt khi hai người đến trở lại điểm xuất phát. Bao lần du lịch những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của một số nơi trên thế giới, chưa bao giờ cô thấy được một cảnh êm đềm như thế. Một cảnh vật tự nhiên và tinh khiết tưởng đâu con người sống ở đấy yên vui và bình đẳng nào ngờ là nơi đầy dẫy những người làm cực khổ ngày qua ngày mà không đủ ăn, không đủ mặc chưa kể vô số những trẻ em thất học trong khi những người khác giàu có vượt cả những người từ nước ngoài về. Cô nhớ lại những lời than thở của những bác xích lô già, những lời rên xiết của những người công nhân xây dựng, và những lời cam phận của những đứa trẻ đánh giày, bán dạo mà cô tiếp xúc. Những ngày đi chơi đây đó tại Sài Gòn , cô đã có dịp chứng kiến cảnh đông đúc, nhộn nhịp và vui tươi khác hẳn với hình ảnh nghèo nàn, hủy hoại, và hoang tàn trong trí tưởng tượng khi ở Mỹ. Tuy nhiên khi đối diện với những mâu thuẫn của thực tế, cô hiểu rằng bên trong cái bề ngoài vui nhộn ấy, còn có quá nhiều khắc khoải quặn oằn. Những chiếc xe tắc xi mới toanh giết lần sự mưu sinh của những người đạp xích lô nghèo và già. Những ngôi nhà mới đồ sộ và đẹp đẽ của thành phố không đáp ứng nỗi mơ ước cỏn con của những người thợ xây dựng làm quần quật là được sống một ngày trong ấy. Những đứa trẻ, trí tuệ và tương lai của đất nước, lang thang ngoài đường với những thùng đánh giày, những tờ báo và những tờ vé số trong khi những bậc cha anh chú bác ngồi nhậu nhẹt đùa vui trước những món ăn xa xỉ.
- Có phải sự im lặng của Loan là sự chấp thuận lời thỉnh cầu?
Không nghe cô Loan trả lời, chỉ thấy khuôn mặt nghiêm trọng của cô, cậu Vũ nói tiếp:
- Hãy trở lại nghe Loan! Hãy góp một bàn tay để giúp đất nước tan thương này thành một nơi tốt đẹp. Hãy cùng tôi và những người trẻ tuổi có tâm thành khác làm dịu những đau khổ của những người Việt Nam đang gặp bao cảnh khốn cùng. Những hạt đất này đang cần máu của những người yêu nước để vun trồng những hạt giống tự do và dân chủ. Hãy cho đất nước vẻ đẹp tuyệt mỹ, trí tuệ tinh khiết và tâm hồn cao cả mà Loan đang có nghe Loan!