Buổi chiều hôm ấy bà Kim Cúc đến trường đón con bé Lisa đúng ngay vào lúc tan học. Còi báo hiệu tan trường vang đúng ba giờ mười lăm phút chiều nhưng vẫn chưa thấy đứa học sinh nào bước ra khỏi hai cánh cửa sắt đỏ. Len lỏi trên lối đi xuyên qua những người đón học sinh, bà bước đến cây sồi đơn độc và tách biệt phía đàng sau nơi mà bà thường ngồi và là nơi hai cô gái trẻ Việt Nam đang đứng trò chuyện. Họ ngưng bặt câu chuyện đang bàn dở và đưa mắt nhìn bà trong bối rối. Thoáng chốc, họ nhìn nhau và thúc cùi trỏ lẫn nhau như đang đùn đẩy cho nhau việc làm gì đó. Người đàn bà điềm nhiên, giả như không nhìn thấy họ, bước ra phía sau gốc sồi hướng về tấm thảm cỏ trải tận xuống bên dưới và lan xa đến những ngôi nhà phía bên kia đồi. Một cô gái có thân hình dong dỏng cao, mắt đen long lanh sáng trên khuôn mặt trắng hồng đi theo sau bà, hỏi ngập ngừng:
- Dạ thưa, có phải bà là bà Kim Cúc, chủ của tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp không ạ?
Bà Kim Cúc nhíu mày:
- Có gì không em?
Cô gái quay người ra phía sau, kéo tay cô gái thấp hơn cô ta một cái đầu đến trước mặt người đàn bà, nói tiếp:
- Dạ chị này muốn xin bà việc làm ạ.
- Làm gì? - Người đàn bà nhíu mày.
- Dạ làm móng tay.
- Em muốn làm ở đâu? Tôi có đến ba tiệm ở ba chỗ khác nhau!
- Dạ trong khu thương mại B gần đây! Cô gái thấp người cúi đầu, mái tóc dài quá vai và dày như tóc giả xõa lấp gần hết hai bên gò má.
- Thế sao em không đến trực tiếp tiệm đó hỏi người quản lý? Người đàn bà hỏi với cái nhìn chăm chú.
Đôi má đỏ ửng, cô gái thấp người có mái tóc dài và dày nói ngập ngừng:
- Dạ ... em có hỏi rồi nhưng người quản lý của tiệm đó không nhận em.
- Vì sao?
- Chú đó nói là em không có bằng nên không nhận được.
- Đúng rồi! Tiệm chúng tôi không nhận người làm móng tay không có bằng.
- Nhưng thưa bà, trước đây bà có nhận người không có bằng như má của em - Cô gái trẻ và cao dong dỏng nói.
- Má em là ai?
- Tên của má em là Hậu.
- Chị Hậu? - Bà Kim Cúc hỏi trong ngẫm nghĩ - Đúng rồi! Cách đây khoảng bảy, tám năm tôi có nhận dạy làm tay chân nước và cả móng bột ở tiệm Bàn Tay Đẹp tại Thương Xá P. nhưng bây giờ tôi không có điều kiện để ra tiệm, các nhân viên quản lý của tôi chỉ có bằng làm móng chứ không có bằng huấn luyện thợ nên chúng tôi không nhận đào tạo học sinh làm móng tay chân ở bất cứ tiệm Móng Tay Đẹp nào nữa.
Hai cô gái không nói cũng không hỏi thêm, và bà Kim Cúc phá tan yên lặng bằng câu hỏi khác:
- Bà Hậu nay ở đâu mà chỉ các em đến đây gặp tôi vậy?
- Dạ gia đình em không còn ở Baltimore nữa. Ba má em đã dọn về ở trong vùng này. Em Út của em học lớp học thêm sau giờ chính thức, cho nên má em thường đón nó vào lúc sáu giờ chiều. Hôm nọ tình cờ thấy bà, má em nói hai đứa ra đây chờ và tìm bà để xin việc.
- Vậy cả hai em đều muốn xin việc ư?
- Dạ không! Em còn đang học trung học, chỉ có chị Vân này xin việc thôi. Chỉ là chị họ của em mới từ Việt Nam sang. Tiếng Anh chỉ khá lắm nhưng không kiếm được việc làm nên mẹ em nghĩ đến chuyện nhờ bà giúp dùm!
- Hiện giờ tôi có chưa có thể đi làm lại. Đến cuối tháng một đầu tháng hai tôi mới trở lại tiệm được. Khi tôi đi làm lại, tôi sẽ nhận dạy cho Vân.
- Tháng hai thường lạnh và có tuyết phải không ạ? Cô Vân hỏi trong hoang mang.
- Phải. Cũng vì tháng ấy thường nhằm trong khoảng thời gian tết Âm lịch, nhiều thợ xin nghỉ để về Việt Nam ăn Tết, và tiệm trong thời gian đó thường ít khách nên tôi có thể bày em học kỹ càng hơn. Trong thời gian đó tôi sẽ giúp em làm đơn, ký giờ cho em và gửi giấy tờ lên State Board. Khi nào học đủ giờ thì em đi thi lấy bằng. Lấy bằng xong, em muốn làm cho tôi hay đi nơi nào thuận tiện cho em tùy ý.
- Em cảm ơn bà.
- Không có chi. Các em gọi tôi bằng cô được rồi. Không cần phải gọi bà một cách khách sáo như vậy. Bây giờ tôi phải đi đón con tôi. Muốn liên lạc với tôi, các em có thể dò tên chồng tôi trong quyển điện thoại niên giám trong tiểu bang Maryland này. Tên của anh ấy là Nguyễn Văn Hoàng. Gọi cho tôi khoảng cuối tháng một dương lịch.
Dứt lời, bà Kim Cúc bước nhanh lên con đường hẹp lót xi măng dẫn vào cửa sau của ngôi trường. Len qua đám đông người, bà suýt đâm sầm vào chàng Duy Anh đang đi ngược lại hướng của bà. Người thanh niên gật đầu chào bà một cách lịch sự và xa lạ. Anh không hỏi han một lời nào với bà mà chỉ mỉm cười bằng mắt với con bé Lisa khi nó chạy ào đến trước mặt và níu tay áo của bà. Bà Kim Cúc cũng không hỏi han gì với người thanh niên; lạnh lùng dắt con bé Lisa ngược xuống chân đồi. Sau lưng bà, tiếng hỏi chào của anh Duy Anh và tiếng cười nói vui vẻ của hai cô gái Việt Nam râm ran.
Đi với nhau một lúc thật lâu mà không thấy bà Kim Cúc hỏi hay nói gì, Lisa lên tiếng hỏi:
- Sao hôm nay mẹ buồn vậy?
- Mẹ đâu có buồn! Mẹ đang suy nghĩ. Bà Kim Cúc chau mày khi trả lời.
- Có phải mẹ đang suy nghĩ là vì sao chú Duy Anh không nói chuyện với mẹ và không còn tặng hoa cho mẹ nữa phải không?
Giật mình, bà Kim Cúc chau mày, nói trong nghiêm trang:
- Những đóa hoa của chú Anh tặng cho mẹ chỉ giống như những cánh hoa mà chị Loan và con tặng cho mẹ thôi. Chúng không như những đóa hoa của ba tặng cho mẹ đâu. Mà thực ra, mẹ không thích nhận hoa của chú ta, bởi vì đối với mẹ, chú chỉ là một người mới quen chứ không phải là người thân thiết.
- Con hiểu rồi. Tại vì mẹ không nói gì với con nên con nghĩ là mẹ đang buồn thôi!
- Xin lỗi! Mẹ im lặng vì mẹ đang nghĩ đến ông bà ngoại và công việc của mẹ. Hai tuần nay không được tin của ông bà ngoại, không nghe ông bà ngoại báo ngày trở lại đây như đã hứa vì vậy mẹ không biết khi nào ông bà ngoại trở về và khi nào mẹ có thể đi làm lại.
- Con cũng mong ông bà ngoại trở về vì con nhớ ông bà ngoại lắm! Giọng của Lisa bất chợt lắng trầm như giọng buồn của người lớn.
- Bà ngoại nói là sẽ về ngay sau khi trị bệnh khoảng một tháng nhưng mãi đến bây giờ không nghe bà ngoại nói gì cả! Còn ông ngoại thì lúc nào cũng muốn ở bên cạnh bà ngoại, chứ ông không chịu ở một mình - Bà mẹ than vãn.
- Ông ngoại ở nhà mình với ba, mẹ, anh Phụng, chị Loan và con chứ ông ngoại đâu có ở một mình mà ông ngoại không chịu? Lisa lý sự.
- Mẹ nói ông ngoại ở một mình có nghĩa là không có bà ngoại bên cạnh đó. Không có bà ngoại ở nhà mình, ông ngoại không muốn ở lại một mình. Ông ngoại muốn ở Việt Nam với bà ngoại để chăm sóc cho bà ngoại đó mà!
- Con hiểu rồi - Con nhỏ ngúc ngắc đầu, rồi hỏi một cách từ tốn - Con chỉ không biết vì sao bà ngoại không chịu đi gặp bác sĩ nữa mà lại về Việt Nam?
- Có những căn bệnh mà nhiều người Việt mình chỉ tin vào lối chữa trị bằng thuốc Nam thôi con à! Nhưng mà mình không nên bàn về chuyện bệnh hoạn nữa. Chiều nay mẹ sẽ chở con ra tiệm Mc Donald như ông ngoại thường chiều chuộng con.
Khuôn mặt Lisa sáng rực:
- Con cảm ơn mẹ.