Những cánh tuyết mỏng rơi lất phất và rời rạc khi chiếc xe Honda đỏ hướng về đại lộ K. Mặt trời từ từ hiện rõ sau những đám mây xa xa phía trước và những tia nắng long lanh của nó hình như đang làm gián đoạn sự tuôn rơi của những cánh tuyết mỏng manh. Hòa theo tiếng rè rè của máy sưởi trong xe, tiếng cười rộn vui của bà Kim Cúc vang lên từng hồi. Bà cười một mình như người có tâm thần không ổn định nhưng thực sự chỉ bởi vì nhớ lại đôi mắt giễu cợt của cô Loan, và cái cau mày của cậu Phụng khi bà nói câu “Ngày xuất hành đi làm mà gặp trời mưa hay tuyết sẽ là ngày thành công của mẹ!” trước lúc rời khỏi nhà. Vẫn biết là sẽ nhận lấy những con mắt chế giễu hay những lời phàn nàn phản đối của hai đứa con lớn, bà Kim Cúc thường hay nói những câu mê tín dị đoan mà đám thợ thường kháo nhau để lôi kéo sự chú ý hoặc được nghe những câu hỏi lại bằng tiếng Việt. Sáng hôm ấy, mặc dù bà cố tình nhắc đi nhắc lại hai lần về sự may mắn khi thấy “nước trời ban” trong ngày đầu tiên khởi hành việc làm nhưng cả cậu Phụng, và cô Loan không nói năng gì. Câu căn dặn duy nhất mà cô Loan nói khi tiễn bà ra cửa là “Mẹ nhớ lái xe cẩn thận!”
Thực ra hôm ấy không phải là ngày bắt đầu đi làm lại của bà Kim Cúc. Bà đã đến Baltimore để thăm hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. cả ngày hôm trước để thăm hỏi những người thợ, và vài người khách cũ một cách tận tình và chu đáo. Đối với bà, tuy hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. không còn được bà quản lý trực tiếp như tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B. nhưng chúng là hai tiệm có nhiều kỷ niệm đáng nhớ bởi vì những người khách đến với hai tiệm này và những người thợ làm ở đó là những người thân thiết ngay từ lúc vợ chồng bà chân ướt chân ráo đến lập nghiệp tại vùng Maryland. Với số vốn dành dụm được trong bao nhiêu năm làm việc, nghề thẩm mỹ học tại California, và sự giúp đỡ tận lực của ông bà cụ Đức, vợ chồng bà đã không ngừng làm ăn cần mẫn cho đến lúc cơ sở kinh doanh của họ mỗi lúc mỗi phát đạt hơn. Sự thành công của hai tiệm Bàn Tay Đẹp trong vùng Baltimore là nhờ vào sự gắn bó lâu dài của khách, sự trung thành của đám thợ và sự đắc lực của hai người quản lý mà trước đây họ từng là bạn cố tri của ông Hoàng. Bà Kim Cúc thực hiện chuyến viếng thăm hai tiệm cũ trong ngày hôm trước với mục đích vì tình nghĩa chứ không phải là một cuộc kiểm tra đột xuất. Để khích lệ tinh thần làm việc của hai nhóm thợ và tạo nên mối tình cảm gắn bó và thân thiết hơn giữa chủ và thợ, bà đã ra công lái xe đến tiệm thực phẩm Việt Nam ở quận Montgomery để mua một số thức ăn Việt rồi vòng xe về Baltimore làm quà đặc biệt cho các anh chị em thợ ở đó.
Đến tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B hôm ấy, tuy không có món ăn nào ở tiệm thực phẩm Việt Nam tại thương xá M., bà đã có hai món bò bía và mì thập cẩm với dầu mè do chính tay bà làm ra. Trước thời gian nghỉ ở nhà cũng thế, mỗi ngày đi làm ở tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B., bà thường làm vài món thức ăn trưa cho mình và cả cho đám thợ. Với cách ấy, bà tin rằng mối thân tình giữa thợ và bà trở nên khăng khít và tình nghĩa hơn. Nghĩ đến những khuôn mặt hớn hở của các cô thợ khi thấy những món ăn ưa thích, bà Kim Cúc mỉm cười ấn nút radio trước khi bẻ tay lái về phía tay phải theo lối ra Quốc lộ 50. Tin thời tiết báo cho biết là cơn tuyết tối hôm qua sẽ được ngưng vào giữa trưa ngày hôm nay và khí trời ấm áp hơn nhiều so với thời gian cùng thời kỳ năm ngoái. Vẻ mặt hân hoan, bà Kim Cúc bấm sang nút cassette nơi phát xuất giọng ca ngân dài luyến cao của một nữ ca sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975 “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nới đây ...” Yên lặng lắng nghe lời hát và mơ màng nhìn luồng xe chạy chầm chập trong những cánh tuyết rơi trước mặt, bà Kim Cúc nhớ đến người cha thân yêu của bà. Ông cụ Đức thường hay nghe những bài hát xưa để hoài niệm về những kỷ niệm cũ và những tháng ngày đã mất. Còn bà khi nghe những bài hát yêu thích của bố mình như lúc ấy thì bà lại nhớ đến ông nhiều hơn. Thường thường, trong những ngày mưa hay tuyết nhẹ như thế ông cụ thường kiếm cớ đi đến tiệm móng tay với bà để động viên bà duy trì giờ giấc đúng theo thời gian qui định trên tấm bảng ghi giờ phục vụ cho khách hàng và để trông tiệm giúp bà trong trường hợp thợ báo nghỉ làm. Ông cụ thường khích lệ bà tuân theo những qui định đề ra để làm gương cho nhân viên và đồng thời để phát triển công việc kinh doanh một cách đều đặn và nhịp nhàng. Ông cụ đã tỏ ra lo lắng khá nhiều cho công việc của bà giống như công việc ấy là của riêng ông. Và cũng vì ông cụ quá lo lắng cho công việc của con mình, khi mới chân ướt chân ráo đến California, ông đã cùng bà cụ Đức ghi danh học móng tay để giúp con và rể của mình khi chúng mở tiệm. Trong thời gian vợ chồng bà Kim Cúc mở tiệm móng tay đầu tiên tại California, bố mẹ của bà đã luân phiên trông coi dạy dỗ những đứa con của bà vừa hết lòng giúp đỡ bà phục vụ cho khách hàng tại những tiệm móng tay mà vợ chồng bà tậu được. Với khả năng khéo tay bẩm sinh, hai ông bà cụ đã giúp bà làm móng bột, trang trí hình kiểu trên móng bằng máy phun. Đặc biệt là bà cụ Đức vẽ các kiểu bằng tay sắc sảo chẳng khác gì con gái mặc dù lúc bắt đầu vào nghề bà cụ đã ở độ tuổi năm mươi. Tiếp tục giúp đỡ vợ chồng bà mọi chuyện trong gia đình lẫn công việc kinh doanh khi vợ chồng bà dời về ở Maryland, hai vị thân sinh của bà chẳng bao giờ nề hà công sức bỏ ra hay thắc mắc chuyện tiền bạc bồi trả. Niềm vui chính trong cuộc sống của họ ở Mỹ là được thấy sự thành công của rể, con và cháu của họ. Bố mẹ của bà xưa nay luôn luôn là người phóng khoáng; họ luôn nghĩ đến sự ban cho những người thân trong gia đình hơn là nhận lấy. Và vì lẽ ấy, càng nghĩ đến ông bà cụ, bà Kim Cúc càng cảm kích tình cảm dạt dào của hai vị sinh thành đã dành cho bà và gia đình bà. Nuối tiếc thời gian đầm ấm mà bố mẹ của bà sống chung với gia đình bà và những ngày hạnh phúc bên họ, bà càng thấm thía hơn với sự hy sinh cao cả của ông bà cụ. Bố mẹ bà đã bỏ biết bao công sức cho gia đình bà nhưng chẳng bao giờ hỏi han đến tiền bạc hay bất kỳ loại vật chất nào để bù đắp lại những gì mà họ đã bỏ ra. Bà nhớ lại sau bao lần lúng túng với việc gửi tiền hàng tháng cho họ, ông Hoàng và bà đã tìm cách lén lút vào căn phòng riêng của họ để đặt những phong bì chứa tiền. Hành động như thế vì cả hai thực tâm muốn gầy số vốn riêng cho ông bà cụ với lòng kính trọng chứ không phải là trả tiền cho thợ hay người làm công. Gửi tiền qua lối kín đáo này thường xuyên rất lâu nhưng bà Kim Cúc không hề nghe ông cụ Đức cho biết đã nhận được tiền, tán thành việc làm kín đáo tế nhị ấy hay phàn nàn số tiền đã nhận khá nhiều hay quá ít. Sự im lặng của họ, cho đến lúc nghĩ lại như lúc ấy, đã làm bà không hiểu số tiền gửi hàng tháng ấy có đáp ứng mọi yêu cầu chi tiêu của họ không nhưng rồi bà tự an ủi rằng vợ chồng bà đã để tiền trong phong bì trội hơn nhiều so với mức chi tiêu hàng tháng của họ tùy theo mức thu nhập hàng tháng của vợ chồng bà và rằng ông bà cụ Đức không phải mua sắm hay chi phí bất cứ vật dụng hay thực phẩm gì cho gia đình bởi vì chồng của bà và bà đã lo mua sắm đầy đủ trong nhà từ cái lớn đến cái vặt vãnh nhất. Tuy nhiên, bà chợt nhớ ra là chưa bao giờ bố hay mẹ của bà hỏi thăm, hỏi dò số tiền thu nhập lời lỗ của vợ chồng bà, chưa bao giờ than vãn hỏi thêm chi phí hàng tháng và cũng chưa bao giờ đề cập đến chuyện cần tiền để làm công nọ việc kia. Ky cóp được bao nhiêu hai ông bà cụ lại giắm giúi gửi cho ông cụ Phúc, chú ruột của bà, và bà Bạch Mai, người chị duy nhất của bà, vẫn còn ở Việt Nam.
Bồi hồi nhớ lại ngày bác sĩ phát hiện chứng viêm gan của bà cụ Đức, bà Kim Cúc buồn bã nhận thấy là ngày ấy là một ngày ảm đạm nhất đối với gia đình bà. Khi ông cụ Đức cương quyết đưa bà cụ trở về quê nhà với lý do chứng bệnh viêm gan trong thời kỳ trầm trọng nhất của bà cụ thích hợp với lối chữa trị phương pháp Đông y hơn Tây y thì bà Kim Cúc đã hiểu sinh hoạt bình lặng và êm đềm của gia đình bà sẽ bị xáo trộn hẳn. Mà thật là như thế, sau khi chuẩn bị mọi thứ và tiễn bố mẹ lên đường, bà Kim Cúc đã phải vất vả tự trông nom tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B., chạy vật liệu cho ba tiệm móng tay, đưa đón con Lisa từ các lớp học tiếng Việt đến các lớp học thêm khác, và chăm lo mọi việc trong gia đình. Một tháng sau đó, vì chứng ho kéo dài đến lên suyễn và vì sức khoẻ suy nhược, bà đã phải nằm điều trị tại bệnh viện và đã phó thác tất cả việc làm ở nhà và kinh doanh cho ông Hoàng lo liệu. Nghi ngại khí hóa học trong tiệm móng tay ảnh hưởng sức khỏe những người thường xuyên làm việc ở đó, và đồng thời muốn vợ của mình ổn định tinh thần trước chuyện đột ngột xảy ra, ông Hoàng quyết định cho Lisa nghỉ các lớp học thêm sau giờ học ở trường và cương quyết bảo bà giao hẳn việc quản lý tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B. cho ông Tảo, người bạn thân và là người thợ tín cẩn nhất trong tiệm, quản lý và khoán hẳn việc chạy vật liệu, tính toán chi thu hai tiệm Bàn Tay Đẹp ở thương xá P. và L. cho hai ôngTiến và Thương lo liệu. Thế là từ sau trận ốm kịch liệt, bà hoàn toàn để mặc tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B. cho anh quản lý Tảo và ông Hoàng bàn bạc giải quyết mà cho đến lúc bấy giờ ngoài chuyện biết thu nhập của tiệm tăng cao, bà không hề biết công việc đang phân bố và điều động trong tiệm như thể nào.
Với cảm giác buồn lâng lâng trong lòng, bà Kim Cúc giảm tốc độ của xe và giữ khoảng cách khá xa với chiếc xe trước mặt trong khi lái từ từ và chầm chậm. Khi chiếc xe Honda đỏ rẽ vào lối ra số hai, tiến vào đại lộ V. và ngang qua các con đường đầy tuyết trắng dẫn đến thương mại B., cảm giác nhớ nhung bố mẹ và lo lắng cho công việc kinh doanh của bà hoàn toàn được thay bằng cảm giác ân hận. Bà ân hận là đã không nghe lời ông Hoàng gọi cho cô Vân hủy lời hứa nên phải lặn lội đi làm trong tháng lạnh nhất của mùa đông tại miền Đông của nước Mỹ này. Lòng vòng trong chỗ đậu xe một lúc bà quyết định đậu xe ngay trước cửa tiệm thay vì chừa chỗ đậu cho khách hàng như thói quen xưa. Tắt máy xe, khuôn mặt bà rạng rỡ hẳn lên khi nhìn bảng hiệu Bàn Tay Đẹp. Trước đây bà luôn luôn nghĩ rằng mua tiệm cũ do người chủ cũ đã gầy dựng khách vẫn có nhiều thuận lợi hơn là đương thân mở tiệm và tự gây dựng khách hàng ngay từ lúc ban đầu tuy nhiên vì thuận lòng với sự tính toán của chồng, bà đã bằng lòng theo quyết định của ông. Ông Hoàng cho rằng tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B sẽ thành công chắc chắn trong việc gầy dựng khách bởi vì nó nằm ngay mặt tiền của thương xá nơi mà có nhiều loại kinh doanh nhộn nhịp và khác nhau, gần các tuyến xe buýt và xe điện, và nhất là gần các cơ quan chính phủ và khu cư dân có mật độ dân số cao. Những người kinh doanh ngành móng tay có lẽ cũng đã lý luận như ông Hoàng, nhưng họ không dám liều mua một tiệm văn phòng phẩm cũ để gầy dựng nên tiệm Làm Móng Tay mới tinh trong khu vực đã có một tiệm làm tóc và chút ít phục vụ làm tay chân nước của một người bản xứ gần đó. Họ cũng không thể nào ngờ tiệm Bàn Tay Đẹp này gầy dựng vô số khách hàng chỉ sau hai tuần lễ. Số khách của tiệm tăng trưởng, không những từ các nguồn mà ông Hoàng tính toán mà ngay cả từ tiệm làm tóc, mỗi ngày một nhiều. Nhờ vậy mà chỉ hơn hai năm thôi, vợ chồng bà thu nhập lợi tức từ tiệm này vượt xa hai tiệm Bàn Tay Đẹp tại thương xá P và L. ở Baltimore đến gấp đôi.
Trong lúc bà Kim Cúc đang đăm chiêu suy nghĩ trong xe, tấm kính sáng bóng của tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp trước mặt bất thần được mở toang và một cô gái với mái tóc tém hơi giống kiểu con trai chạy ào ra, nói to:
- Cô Hoàng! Cô đi làm lại rồi! Cô khỏe lại hẳn rồi phải không? Mừng quá!
Bà Kim Cúc vừa mở cửa xe vừa giục:
- Trở vào tiệm đi chứ lạnh! Cô vào ngay đây!
Trong lúc bà Kim Cúc đóng cửa xe, vài cô gái khác lại chạy ra bu quanh bà với những tiếng reo rối rít “Cô đi làm lại luôn phải không cô Hoàng?”, “Chị Kim Cúc ra tiệm với tụi em luôn đó chứ!”, “Chị đừng nói là chị ghé thăm tiệm thôi nghe chị Ann!”
Trao cho đám con gái gói thức ăn và theo họ vào tiệm với niềm vui sướng rộn ràng, bà Kim Cúc hỏi đùa:
- Khách đâu mà mấy đứa nhởn nhơ như thế này? Có phải mấy em vừa mới “luyện chưởng” đó không?
- Không đâu chị Ann! Tụi em đang “dợt” tay nghề bởi vì những người mới đến năng nổ quá. Họ muốn chứng tỏ tụi em là người có tội đó mà?
- Người mới nào mà siêng năng làm việc vậy?
Vừa dứt lời, bà Kim Cúc suýt đánh rơi chiếc xách tay xuống nền nhà bởi vì trước mặt bà người quản lý ngồi ở quầy tiếp khách là người thanh niên có tên Duy Anh và người đứng bên cạnh anh ta là cô Vân, cháu của bà Hậu.