Buổi sáng Pha Lê lái chiếc xe cà tàng của mình vào công ty. Cô muốn mình không trở nên lạc hậu trước người khác và cần có những phản xạ quen tay khi ngồi cầm lái. Thế nhưng Pha Lê nghe đói quá. Theo thói quen, cô mang theo một vài lát thịt nướng ăn với rau dưa và bánh mì. Có khi cô ăn cơm chiên hoặc trứng gà luộc. Thật là không giống ai nhưng cô rất thích. Sáng nay ngủ muộn nên cô không mang theo một cái gì, đến khi vào tới công ty mới nghe ruột gan réo tưng bừng.
Pha Lê vừa chui ra khỏi thang máy đã nhìn thấy Phú Gia tay ôm bó hoa cười tươi tắn. Hình như anh cũng thấy cô, nhưng cô giả vờ vô tình qua luôn. Vừa ngồi vào bàn giấy, chị kế toán trưởng đã đem qua một số hoá đơn. Chị văn thư đặt lên bàn hai xấp tài liệu bảo đánh gấp và ngay lúc đó Phú Gia đi vào, anh đến trước bàn cô:
− Cắm hoa cho tôi!
Anh nói mà không nhìn cô.
− Cắm ở đâu ạ?
Cô hỏi mà không nhìn anh, chỉ lui cui lau bàn giấy rồi than:
− Bụi ở đâu mà lắm thế này.
Anh buông lời gọn lỏn:
− Tuỳ cô.
Trời! Trong phòng chỉ có một cái bình bể, hổng lẽ bây giờ phải ra tới chợ mua. Thây kệ! Chuyện nào cũng gấp, Pha Lê cắm hết bó hoa vào chiếc bình rồi để lên bàn giám đốc, sau đó cô làm nốt công việc của mình.
Hình như Phú Gia cũng không màng đến chuyện chưng hoa, chỉ bảo lấy lệ mà thôi. Nhưng sau giờ giải lao thì bỗng nhiên có một dòng nước đen sì từ trong bình chảy ra.
May phước Phú Gia trông thấy nên đã dẹp giấy tờ sang một bên và nhìn cô như kẻ thù.
Pha Lê bận túi bụi nên không có thì giờ quan sát chung quanh, kể cả chuyện cười của mấy cô thư ký gần cô.
Phú Gia thấy mình dường như bị lu mờ khi thấy phòng làm việc mất đi trật tự ban đầu. Mà đối với anh, chuyện đó là đại kỵ.
Phú Gia ngẩng lên gọi:
− Pha Lê!
Dường như Pha Lê không màng đến chuyện chung quanh. Cho tới khi cô nghe ai níu tay mình một cái, Pha Lê la lên:
− Này! Sáng nay, chị đừng có giỡn nhé. Nội em tính mấy cái hoá đơn này đã hết buổi sáng, còn máy vi tính mười trang văn thư nữa đó. Em phải làm cho kịp.
Sáng nay quên ăn, đói muốn xỉu nè.
− Cô biết cái bình bể nhưng vẫn chế nước vô để chọc tôi phải không?
Tiếng của Phú Gia. Pha Lê đứng lên nhìn quanh rồi đi tìm cái giẻ lau:
− Tôi biết bình bể nên đâu chế nước. Có lẽ ai đó sợ gió ngã lật bình nên chế giùm chứ gì.
Câu nói của Pha Lê như giải thích chứ không nhằm tố giác ai cho nên Phú Gia không thể lôi chuyện đó ra làm trời được. Anh bỏ ra ngoài một nước.
Phải nói là Pha Lê có khả năng tập trung cao, có năng lực làm việc dù cô đang đói bụng. Cô tất bật và quan trọng là cô không câu nệ công việc. Cho nên trong phòng, ai thấy cô cũng muốn sai bảo vì cô nhỏ tuổi nhất nơi đây mà.
Pha Lê chỉ cần liếc sơ qua là thấy hết, nhưng văn phòng của anh một tuần nữa mới hoàn thành. Thôi đành chịu khổ một tuần lễ nữa bé ơi.
Phú Gia có xem qua sổ lương và lấy làm bực mình cho cung cách làm việc của các cô. Hiện tại, ai cũng làm thêm giờ, lương tăng nhưng hầu hết công việc của họ đi ra bên ngoài đều réo Pha Lê. Ngược lại, Pha Lê lại giữ mức lương thấp nhất vì chưa có hợp đồng. Thế nhưng cô chưa lần nào gặp riêng Phú Gia để mắng vốn anh một lời. Hình như anh cũng không tồn tại trong mắt cô, mà chỉ có công việc. Nhưng Phú Gia cũng không muốn làm oai với Pha Lê, vì anh quá biết cô là ai.
Còn một việc ngoài giờ làm mà anh phải tập cho cô đó là sự cứng rắn trong tình cảm, không được xiêu lòng trước hoàn cảnh khó khăn, và nếu không ai nhận ra điều tiềm ẩn nơi cô thì họ khó mà khám phá cô cho được.
Chuông di động của Pha Lê rung một điệu nhạc. Chỉ cần nhìn số là cô biết ngay của Phú Gia, nên cô tắt máy. Hơn một tháng nay, anh không hề gọi hỏi thăm cô như lúc trước thường làm. Và nơi cách đây vài phút, anh vừa ngang qua chỗ cô ngồi nhưng cô có nghe anh nói gì đâu, bây giờ gọi điện thoại làm gì không biết.
Năm phút sau, Phú Gia xuất hiện trước mặt cô với dáng vẻ của một ông chủ.
Thấy ghét! Sao tự dưng cô không thích anh làm giọng bộ như vậy. Đối với cô, Phú Gia tài xế hay Phú Gia giám đốc thì cũng như vậy thôi.
− Pha Lê! Sau giờ làm việc, đợi tôi trước cổng!
− Có chuyện gì vậy anh?
Pha Lê làm ra vẻ vô tư như không hề có cuộc điện thoại khi nãy. Nhưng Phú Gia chẳng nói thêm một lời nào khác rồi bỏ đi. Đúng là anh ta đã thay đổi thái độ. Tự dưng Pha Lê cảm thấy dị ứng và lòng cô dậy lên sự phản kháng như thể bất phục. Cô cảm thấy mình thật hèn nhát khi nhất nhất phải làm theo mệnh lệnh của anh ta, dù cho Phú Gia có thể đuổi việc cô bất kỳ lúc nào.
Hai giờ làm việc còn lại qua thật mau, Pha Lê còn nán lại mười phút để làm cho xong mọi việc như thường ngày rồi thu dọn, chỉnh trang y phục mới xuống thang lầu.
Pha Lê vừa ra đến sân, liếc nhìn chiếc xe hơi bóng lộn nằm im lìm dưới gốc hoa anh đào. Lập tức cô mở cửa chui vào xe, nhưng Phú Gia ra lệnh:
− Ngồi vào tay lái đi!
Phú Gia đưa mắt nhìn cô từ phía băng sau.
− Nhưng ...
− Không nhưng nhị gì cả, tôi bảo thì cứ làm đi!
Trên tay Phú Gia vẫn là bản hợp đồng.
− Chạy tới nhà hàng Bích Câu, tôi phải gặp gỡ một khách hàng. Tuy hắn cũng không phải là nhân vật ghê gớm lắm để tôi có thể huỷ bỏ giờ tập thể thao thường ngày, nhưng cách nói chuyện của hắn qua điện thoại khiến tôi muốn bàn công chuyện ngay.
− Nhưng đó là chuyện của anh.
− Không! Của công ty.
− Nhưng tôi đã làm xong việc ngày nay và đang đói. - Pha Lê cãi lại.
− Tôi biết. Sở dĩ tôi muốn cô đi theo là để học hỏi, rút kinh nghiệm. Thực ra, mọi người làm việc trong văn phòng đều được chấm điểm theo camera. Lương hàng tháng cũng vì thế mà thay đổi. Tuy cô chưa nhận việc chính thức, nhưng một khi đã được cất nhắc thì cho cô yên tâm. Còn bây giờ thì cố mà học hỏi đi.
Pha Lê cũng không ngạc nhiên vì điều anh vừa nói. Có một lần cô sang phòng anh nhận chữ ký, cô đã nhìn thấy anh quan sát camera trước mặt từ phòng làm việc riêng kiểm soát những người làm việc từ bộ phận văn phòng.
Hơn nữa, công việc hằng ngày đã được cô hạ quyết tâm thì nhất định phải có kết quả tốt.
Phú Gia tranh thủ xem văn bản mà cô vừa đánh máy trao cho chị văn thư.
Thật ra chỉ có Pha Lê, anh mới tin tưởng và vừa ý trong mọi việc, vì anh biết tính cô trung thực lại mau mắn và rất cẩn thận. Nhìn chung là nghiệp vụ văn phòng của cô rất tốt chỉ còn khả năng giao tiếp. Anh muốn xem cô có nhạy bén với công việc như thế nào.
Xe tới nhà hàng vào lúc năm giờ chiều. Khách hàng của anh cũng đã có mặt.
Qua cuộc trao đổi ngắn, hai bên đã có một thoả thuận chung. Pha Lê nhìn người đàn ông trung niên trước mặt và khâm phục cách nói chuyện lịch sự của ông ta.
Tất nhiên là Phú Gia cũng giỏi không kém. Thỉnh thoảng, ông ta có quay sang hỏi cô vài câu và cô trả lời tự nhiên lưu loát. Nhưng ông ta vốn là người Pháp nên có đôi khi ông ta xen vào vài từ và lập tức Pha Lê đáp lời lại bằng tiếng mẹ đẻ của ông, khiến đôi bên hết sức hài lòng.
− Cô có biết ngôn ngữ La tinh không?
− Tôi cũng có học qua. Nói chung là đã từng hát và đọc tiếng La tinh qua thánh lễ.
Đôi mắt của ông ta sáng lên những tia nhìn thiện cảm:
− Cô là một người rất đặc biệt. Có phải cô từng có ý nghĩ phục vụ đời mình cho tha nhân không? Có một lúc tôi tưởng chừng mình chỉ có thể sống vì lý tưởng đó, nhưng tôi không có được ơn đặc biệt.
− Tôi thích được phục vụ hơn là được người khác phục vụ.
− Cảm ơn cô vì câu nói dễ thương đó.
Pha Lê mỉm cười đón nhận và cô ưu tiên chọn thực đơn cho ba người. Sau bữa ăn, Phú Gia có cái hẹn chính thức đón ông vào sáng ngày thứ hai tại văn phòng công ty. Họ chia tay nhau trong sự luyến tiếc.
Trên đường về, Phú Gia cầm lái. Anh đưa cô tới một khách sạn sang trọng và chọn một phòng ở tầng hai:
− Vào đây một chút!
Pha Lê cứ ngỡ đây là một nhà hàng, vì cô thấy có phục vụ tiệc cưới bên dưới. Có lẽ Phú Gia muốn chọn một phòng để uống cà phê hay ăn thêm một món nào đó, hoặc có hẹn với một nhân vật nào đó mà cô chưa từng biết.
Lên đến phòng, Phú Gia tự nhiên đi tắm. Anh xối nước ào ào. Còn Pha Lê ngồi xuống ghế xa lông ngắm lọ hồng nhung trước mặt với những ý nghĩ bâng quơ thoáng qua trong đầu. Cô muốn hỏi anh kêu lên đây có chuyện gì, và nếu chỉ để nghỉ ngơi thì cô xin phép về trước. Thực ra, cô có thể bỏ đi mà không cần phải nói, nhưng như thế ngày mai gặp lại anh ta có lý do bắt bẻ cô. Hơn nữa trong chiếc cặp táp kia có biết bao giấy tờ quan trọng làm cô ngần ngừ.
Phú Gia tắm xong, anh phơi mình trần trước anh mắt sượng cùng của Pha Lê. Lần đầu tiên ở Phú Gia, cô bắt gặp cái nhìn thiếu tôn trọng như vậy. Anh quét khắp người cô như ngầm đánh giá một điều gì.
Pha Lê đứng lên:
− Hình như anh có chút rượu nên hơi mệt. Anh cứ nghỉ ngơi. Tôi phải về đây.
− Ngồi nói chuyện một lúc được không? Chỉ có công việc mới kết nối cô và tôi thôi hả? Cô cần phải biết nhiều thứ để có thể vững vàng trong sự nghiệp sau này.
Pha Lê cười:
− Anh đừng có nói mai mốt tôi sẽ làm giám đốc nhé?
− Biết đâu, bởi công ty đó không thuộc về tôi. Sau khi mãn hợp đồng, họ có thể thay người.
− Má nuôi anh sẽ không làm như vậy đâu.
− Tôi biết, nhưng bà có thể vì con gái mình mà vứt tôi đi không chừng.
Một thoáng lờ mờ trong đầu Pha Lê khi cô tự liên kết những câu nói mơ hồ của Ngọc Bạch và dì Tuyết lại. Có một cái gì đó chưa được sáng tỏ trong chuyện này và nó có liên quan đến cô.
− Anh không dám khinh thường tôi, đúng không?
− Cô nhạy bén đó. Vì nếu cô đáng đánh đòn, tôi không có quyền trừng phạt mà chỉ có thể đặt lên má cô một nụ hôn thôi.
− Tại sao?
Phú Gia nheo mắt lại, anh với tay lấy chai rượu vang trước mặt rót một ly nhỏ rồi nhấp môi.
− Cô muốn biết lắm à?
− Vâng.
− Đừng vội! Hãy uống với tôi một ly, tôi sẽ bật mí cho biết.
Pha Lê nhìn cái ly nhỏ mà Phú Gia xoay trên tay, cô ước lượng mình có thể say vì một ly nhỏ này không? Nhưng cô cũng muốn biết rõ ràng mọi chuyện về cuộc đời mình. Pha Lê đắn đo, cuối cùng trí tò mò khiến cô gật đầu:
− Được. Vậy thì hãy nói đi!
− Cái gì đối với cô là quan trọng nhất?
− Bí mật cuộc đời.
− Có cần nôn nóng như thế không?
− Tôi muốn được biết tất cả. Cô có nghe câu dục tốc bất đạt chưa?
− Rồi. Nóng quá là không thành công chứ gì?
− Phải. Một người có tánh này thì chỉ có nhận lấy sự thua thiệt, trong công việc lại cần phải điềm tĩnh hơn.
Pha Lê khó chịu, cô không chịu được cái kiểu vừa gợi ý, vừa răn đe như thế, mặc dù anh đang là sếp của cô và cô từng nghĩ đến anh với một tình cảm tốt đẹp. Cô rót rượu vào đầy ly, rồi trút vào miệng mình, liên tiếp đến năm, sáu ly gì đó, rồi nhìn anh thách thức:
− Nói đi, tôi đã uống rồi đó.
Không có câu trả lời mà chỉ có cái nhìn vừa dịu dàng vừa nóng như những ly rượu vừa chảy qua cổ họng cô xuống bao tử, tạo thành một thứ nong nóng rồi như có lửa trong người. Pha Lê đứng lên:
− Anh không nói thì tôi đi đấy.
Mới bước được mấy bước, đôi chân cô như nhấc không nổi, bước chân xiêu vẹo, mặt cô đỏ như gà nòi, đôi tai nóng phừng lên, mắt hoa lên, cô nhìn có đến mấy Phú Gia lận.
− Cô say rồi, để tôi đưa cô lại giường nằm, đi về chưa ra tới cửa đã ngã cho mà xem.
− Ai nói với anh, tôi ...
Pha Lê ngã dúi vào người Phú Gia, cô nghe toàn thân mình được nhấc bổng lên và chuyện gì đã xảy ra cô hết còn biết nữa ...
Pha Lê thức giấc vào lúc nửa đêm. Cô nằm lặng im, nghe đầu mình váng vất nhức và cơ thể cô như lành lạnh nổi gai ốc, như trống trải vậy. Pha Lê hắt hơi mấy cái, và giật mình vì hình như có một vật gì đó đè lên thân thể cô. Một cái chân? Hoảng hốt, Pha Lê bật ngồi dậy. Pha Lê kêu lên hoảng sợ, hai tay cô bưng miệng, bởi ...
Pha Lê nhìn lại thân thể mình, không mảnh vải che thân, cái áo của cô rơi xuống nền gạch bóng loáng. Còn Phú Gia, anh ta cởi trần nhưng mặc quần dài nghiêm chỉnh, có cả dây nịt to bản trên thắt lưng.
Pha Lê dùng hết sức mình giở cái chân anh ta ra khỏi chân cô. Hành động này làm Phú Gia thức giấc, anh mở mắt ra nhìn Pha Lê.
Pha Lê nhảy xuống giường, cô vơ lấy cái áo và lập tức chạy vào toa-lét mặc vào. Cô ở luôn trong toa-lét khá lâu, rồi mới trở ra vì không thể ở mãi được, dù gì cô cũng phải đối mặt với anh ta. Chuyện gì đã xảy ra khi cô say rượu, anh ta lợi dụng cô như Thế Phan từng lợi dụng cô? Pha Lê thấy nổi giận. Đàn ông cùng một lũ như nhau. Tiếc là bây giờ mới ba giờ sáng, cô không có can đảm một mình đi ra đường. Làm sao đây?
Phú Gia mở to mắt nhìn Pha Lê khi thấy cô đi ra, tuy nhiên anh vẫn ngồi tựa vào thành giường, cái ngồi mà như nằm, giọng thật khẽ và cũng thật thản nhiên:
− Nằm lại một chút đi, sáng hẵng về.
Pha Lê ấp úng:
− Nhưng tôi ...
Chỉ nói được hai tiếng Pha Lê cúi đầu im lặng. Cô nói gì đây? Hỏi anh ta, giữa cô và anh ta có chuyện gì đã xảy ra rồi?
Phú Gia nói mà không nhìn Pha Lê:
− Không khóc à? Cũng gan lắm. Nhưng đi về lúc này ... chậc ... muốn làm cho cả nhà náo động lên hay sao?
Pha Lê nhìn anh hằn học:
− Tôi căm ghét anh.
− Còn gì nữa?
− Anh có chủ ý gì khi dẫn tôi vào đây?
− Muốn dạy cho cô một bài học.
− Tôi cần gì anh dạy. Anh dạy tôi cái gì, lợi dụng tôi thì có.
− Cô nhìn lại bản thân mình đi. Quần áo là do cô tự cởi, tôi không cản vì thấy cô bứt rứt, đã như vậy cô còn nôn đầy phòng, bắt tôi dọn dẹp.
Phú Gia cười nhếch mép:
− Thú thật nhé, tôi chỉ thấy mà không làm gì cả. Tôi không có hứng thú với người say và háo thắng. Hơn nữa, nếu tôi cần gì hay giải quyết vấn đề gì, tôi chỉ cần bấm chuông là có người phục vụ ngay. Nhưng này, bỏ cái tính háo thắng ấy đi, không hay chút nào.
Pha Lê muốn khóc vì buồn và tủi nhục. Anh ta rẻ rúng cô như thế đấy và cái nhìn mới thật đáng ghét. Cô cảm thấy xấu hổ và bơ vơ, không còn biết tin tưởng vào ai thì ra bọn đàn ông cùng một giuộc như nhau, họ là con cáo già mà cô chỉ là một con cừu non, cả tin, khờ dại.
Tự dưng ý muốn phấn đấu cho công việc, cũng như ao ước biết rõ bản thân mình chợt tan biến đi từ lúc nào. Cô nghe mọi ý thức rã rời.
Phú Gia nói phải, cô không còn là một khối pha lê tinh khiết nữa vì tính nông nổi của mình. Vậy mà bấy lâu nay cô luôn hãnh diện cho bản thân mình, vừa học giỏi, vừa khôn ngoan vừa xinh đẹp. Nhưng mới bước ra đời, cô đã được một bài học, mọi chuyện không đơn giản như cô từng nghĩ.
Phú Gia đứng dậy, anh lấy áo mặc vào, xong anh đến cạnh cô.
− Muốn về, tôi đưa về.
Bốn giờ sáng, Phú Gia đưa Pha Lê đến một tiệm mì, anh gọi cho cô ly sữa cùng hai tô mì. Pha Lê ăn uể oải, tô mì và ly sữa vơi không hết phân nửa.
Năm giờ anh đưa cô về công ty nói như ra lệnh:
− Lên phòng tôi ngủ một chút đi.
Pha Lê bị anh lôi đi. Vào đến phòng riêng, anh mở cửa và đẩy cô vào.
Pha Lê không biết mình có nên chống lại, cô lờ đờ một cách vô cảm, mặc cho anh ấn cô nằm xuống giường.
− Ngủ một chút đi, để thôi mắt thâm quầng, khó lấy lại lắm.
Pha Lê nằm xuống, cô nói với giọng hết sức chán nản:
− Tôi còn gì mà lấy lại?
Phú Gia đứng ra xa, anh duỗi tay làm động tác thư giãn:
− Tại sao em bi quan quá vậy?
Tiếng” em” vừa trầm ấm vừa thân thiện khiến Pha Lê quên hết, cô ôm chầm lấy anh như tìm lấy một mình một chỗ dựa.
− Chuyện gì đã xảy ra vậy anh Phú?
− Không có.
− Có mà.
Phú Gia nhìn vào mắt Pha Lê, cái nhìn lạ lẫm:
− Không tin ư? Tôi không làm như vậy khi người ta say rượu. Hơn nữa, tôi vốn có cảm tình với cô, nhưng bên cô lại có một áp lực lớn đè nặng. Vì cô còn khờ lắm, mà tôi thì có nhiệm vụ dạy dỗ hướng dẫn cô thành một con người tự tin, bản lãnh.
Pha Lê gục đầu vào bờ ngực rộng của anh:
− Nhưng em không tin.
Phú Gia gác tay lên trán vẻ như không muốn ôm lấy hay âu yếm cô:
− Cô muốn như thế ư? Nếu thích thì tôi sẽ đáp ứng.
Vẻ lảng tránh của Phú Gia vừa thân mật và xa lạ khiến Pha Lê ngỡ ngàng, cô tránh người khỏi vòng tay Phú Gia toan đi, nhưng anh kéo tay cô lại:
− Ngủ một chút đi!
Pha Lê thở dài đi lại nằm xuống giường, cô nằm sát vào trong và trùm mền kín cả đầu đến chân. Thật lâu ... Pha Lê lắng nghe tiếng xe bên ngoài và một chút ánh sáng của một ngày xuyên qua khung cửa sổ, trời đã sáng.
Hôm nay là ngày chủ nhật, cô không có đi làm, cũng không thể ở đây mãi được. Một ý nghĩ đến, Pha Lê tốc mền ra ngồi dậy.
− Tôi về.
Cô nặng nề bước chân ra cửa và đi như chạy.
Phú Gia đứng lên lầu nhìn xuống qua cánh cửa sổ, anh thấy Pha Lê lên xe tắc xi, cái dáng đi lầm lũi của cô làm anh nao lòng. Anh hạnh phúc được ở bên cô, anh đâu phải thánh mà làm ngơ trước vẻ đẹp yêu kiều của cô. Anh không ngờ cô xinh đẹp và hiền lành đến như thế. Mấy lần anh cố dằn lòng để tránh ôm lấy cô, hôn lên đôi môi mọng ấy và yêu cô. Hẳn cô đâu có biết anh bị cô thu hút ngay trong lần đầu gặp gỡ. Phải nói rằng đi chu du khắp nơi, nhưng anh lại chỉ tìm thấy một người.
Trong hoàn cảnh đặc biệt của cô, anh không có quyền tấn công cô như vài cuộc tình trước đây, mà anh cứ ngỡ mình đã yêu, bây giờ nhìn lại, mới hiểu là không phải. Anh chỉ thật sự rung động trước một người cùng giường với anh đêm qua. Anh đã cố gắng giữ gìn cho cô mà không biết phải giải thích như thế nào. Vì càng nói càng làm cho cô hiểu lầm, đẩy tới sự việc nghiêm trọng hơn.
Có thể cô đang nhớ tới chuyện đêm qua với một sự hoài nghi.
Phú Gia lắc đầu, anh không ngờ mình yếu đuối đến như vậy khi biết rõ mình đã yêu một người say đắm.
Trong anh là tiếng thở dài thật sâu, nhẹ nhàng thay cho lời anh muốn nói.
Pha Lê! Anh yêu em. Anh yêu em và nhớ em thật nhiều, bởi anh cũng có những nỗi khổ tâm riêng.
Anh đang làm việc cho một người và không thể nào lẫn lộn giữa công việc và tình cảm. Biết bao nhiêu lần ông Bình đã gợi ý anh về giúp ông, nhưng suy cho cùng, anh là người của bà Hồng Lan, dù anh từng công tác cho ông Bình theo yêu cầu của bà, cô con gái duy nhất có tên Pha Lê. Và một người đầy tớ không thể làm tôi cho hai chủ.