Thím ba Pháo tối hôm trước mệt, không chịu sang khâm liệm cho cu Điều, sáng hôm nay trở đậy cứ thấy áy náy trong lòng. Thím ra chum nước dưới gốc cau, lấy gáo dừa múc nước rửa mặt, rồi tất tả ra ngõ. Hoa hỏi:
- U đi đâu sớm thế - U sang nhà cụ Đồ xem sao. Đêm qua mệt quá không sang được. Thế là chẳng phải với người ta.
Hoa cười: Đêm qua u chẳng sang lại hóa ra may cho cu Điều.
- Sao lại may?
- Nó sống lại rồi. Thật phúc to bằng cái đình.
- Ừ! may thật! Phúc thật! Nhưng dù sao cũng phải sang bên ấy một chút.
Thím Pháo chưa kịp đi đã nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng người oang oang ngoài ngõ:
- Mụ Pháo có nhà không?
Nghe giọng oai vệ ấy, thím Pháo hỏi con:
- Tiếng ai như tiếng ông hương Ất?
Bóng người cao lênh khênh của hương Ất đã vào đến sân. Quái! Cái lão bẹp tai suốt ngày nằm bên bàn đèn thuốc phiện sao hôm nay lại tới đây. Thường thường, khi rỗi lão chỉ hay ra điếm. Lão chỉ thích nhất trong làng có đám đánh nhau, ăn vạ để kiếm chác.
Trong lúc ấy, ở đồn điền Messmer, liên tiếp mấy hôm liền Julien nhận được những tin tức, những chỉ thị của tỉnh nói về hoạt động của những phần tử phiến loạn trong vùng. Ông ta rất sốt ruột, lo lắng.
Hôm trước, Julien vào xóm thấy đám hương lý kẻ thì ốm, kẻ thì trốn tránh, kẻ thì đần thối ra, kẻ thì nghiện oặt đã có ý định nói với trên thay thế. Quản Láu bảo:
- Không thể rũ bỏ các ông hào lý này đâu. Ông định trọng dụng ông quản Boong thôi ư? Ai người ta nghe. Làng quê là một mớ bòng bong. Phải dùng cả kẻ hư danh, cả kẻ được việc... Trước mắt lý Cỏn ốm, ta nên dùng lão hương Ất. Lão này nghiện oặt, lại nghèo, chỉ thích quyền thế, thích chấm mút,... song, hương Ất lắm mưu mẹo, rất được việc. Dân làng Cổ Đình sợ lão như cọp. Dưới tay lão có trương Tài và lũ trương tuần. Trước kia, lão nịnh bợ và tận tụy với lý Cỏn, bởi vì lý Cỏn giàu và tinh ma có kém gì lão. Tuy nhiên, lúc nào lão cũng chỉ thèm cầm cái triện lý trưởng. Bây giờ, lý Cỏn ốm, quan Tây trực tiếp dùng lão, chắc chắn lão phải chứa chan hy vọng mà cúc cung tận tụy.
- Ông nói cũng phải, ông già Lềnh ở đồn điền cũng quen hương Ất, cũng biết rõ ông ta - Julien gật gù rồi bỗng cười to và nói - Đối với con nghiện, cho hắn vài đồng bạc, sai gì mà hắn chả làm. Nếu cho nó vài chục đồng bạc, bảo nó giết cha nó, chắc nó cũng dám làm. Quản Láu không cười to, chỉ nhếch mép cười theo rồi gợi ý thêm:
- Còn ông quản Boong nữa chứ. Ông ta đi đạo nhưng không phải đạo gốc. Quan trên không sử dụng ông ta vì ở đây dân bên lương là chủ yếu. Tuy nhiên, tôi biết ông ta rất muốn cái chức tiên chỉ. Lúc này, nhân khi tiên chỉ Nhậm chạy ra thành phố, sao ông lại chẳng mời ông ta ra giúp việc. Chân tiên chỉ kiêm chánh hương hội chắc ông ta không làm nổi. Song còn chân phó hương hội, sao không vận động cho ông ta được cái chức ấy. Ông quản Boong giỏi công việc nhà binh.
Nghe quản Láu mách nước, ông chủ đồn điền mới thực sự yên tâm. Những lời nói của Láu rất phù hợp với suy nghĩ của Julien: ông ta tin rằng ở xứ sở này còn nhiều người trung thành với nước Pháp. Julien cho gọi hương Ất đến, cho mấy đồng bạc và sai làm hai việc: Thứ nhất, từ nay cấm dân chúng không được đốt đuốc chôn người ban đêm. Thứ nhì, từ nay cũng cấm dân làng tụ họp từ ba người trở lên. Lớp học từ khi có dịch đã nghỉ cả rồi. Nghe nói dân lập tổ tương tế. Cái tổ tương tế này chưa biết ra sao nhưng cũng cấm.
Chính vì vậy, hôm nay, hương Ất mới phải thân chinh đi đến nhà mõ. Julien bảo rằng việc cấm này vô cùng quan trọng. Chính ngài công sứ muốn các địa phương phải hết sức chu đáo cẩn trọng. Bởi vì, trong lúc dịch bệnh hoành hành, bọn phiến loạn sẽ lợi dụng hoạt động.
Thực ra, ông hương Ất đâu phải như sự đánh giá quá cao của Julien, tức là người bạn trung thành với nước Pháp. Ông ta thèm muốn cái triện lý trưởng, điều đó đã hẳn. Tuy nhiên, ông là con người kém phần hoạt động, chỉ giỏi mưu mẹo làng xã. Vả lại ông ta rất thực tế. Ông hiểu ở chốn làng quê cái thực lực là giàu có và vây cánh. Hai điều kiện ấy ông không có, và đến tuổi năm mươi của ông cũng khó bề tạo dựng từ đầu. Hơn nữa, ông còn hiểu ở thôn quê dòng tộc là điều hệ trọng. Chống lại lý Cỏn tức là chống lại dòng họ Vũ Xuân, dòng họ của chính ông, điều đó ông không muốn. Còn dòng họ Đinh Công, tuy họ kém thế đấy, tuy họ đối với ông có vẻ bằng mặt mà chẳng bằng lòng, song ông làm chức dịch lâu năm, lại là người được tiếng là Gia Cát bàn đèn ông hiểu đối với những họ tộc danh tiếng ấy, không thể cư xử mất mặn mất nhạt được. Còn chuyện tổ tương tế ư? Cụ tú Cao là ai? Cậu Xuân Huy con ông ký Nhàn là ai? Điều ấy ông không thể không biết. Cho nên, khi Julien biếu tiền thì ông nhận. Còn khi làm việc, ông chỉ làm phải chăng mà thôi.
Ông hương Ất không vào nhà, chỉ đứng ở giữa sân dặn dò mụ ba Pháo, nói rành rẽ những điều Julien yêu cầu, nhắc đi nhắc lại chỉ có hai điều: không được chôn đêm, cấm tụ họp đông người. Hương Ất ngắm mụ và nghĩ thầm: "Mụ này nhanh nhẹn đáo để... Nhưng ai đời lại để đàn bà làm mõ. Chắc việc này chỉ có ở Cổ Đình... Nhưng, nếu lý Cỏn ốm quá nặng... mà ra đi thì sao?... Nếu lão thực sự gặp may lên cầm cái triện lý trưởng thì sao?... - Hương Ất tự cười mỉm một mình - Chắc cái việc đầu tiên lão sẽ làm là thay quách mụ đàn bà này, mặc dù các cụ trong làng bảo rằng mụ ta mẫn cán, nhanh nhẹn và làm cỗ còn khéo léo hơn cả các anh mõ đực...".
Thực ra, lão mõ Điếc có ba người con: cả Tốt, hai Xe và ba Pháo. Trước khi lão đến Cổ Đình, cả Tốt mắc bệnh chết. Lúc ấy, Xe và Pháo còn là hai chú nhóc. Mấy năm sau, thằng Xe thằng Pháo lớn tộc ngộc, song gái làng Đình không đứa nào chịu lấy. Lão Điếc liền về quê Thái Bình lấy vợ cho hai con. Lo cưới vợ cho con xong, ông lão bắt thằng Xe là con lớn ở lại quê để giữ hương hỏa, mồ mả tổ tiên. Chỉ có hai vợ chồng Pháo theo bố quay trở lại Cổ Đình làm mõ. Cụ mõ Điếc qua đời, mõ Pháo thế chân cha. Rồi đến lượt mõ Pháo và hai con qua đời. Làng lại đem chuyện mõ ra bàn, nhưng chẳng có dân chính cư nào chịu nhận. Cuối cùng, cụ tiên chỉ hỏi mụ Pháo:
- Mụ có đảm đương nổi cái chân mõ được không?
Mụ Pháo biết cả làng chẳng ai chịu nhận. Giá như mụ bắt bí đòi làng cấp thêm ruộng mới chịu làm, chắc chắn làng cũng cho. Mặc dù đã có tiếng xấu "tham như mõ", song mụ Pháo không tham. Mụ chỉ nói:
- Nếu các cụ tin cháu mà giao cho, thì cháu xin nhận.
Khi Hoa ra đời rồi lớn lên, dân làng cứ xuýt xoa tiếc rẻ:
- Người nõn nà thế kia mà lại sinh vào cửa nhà mõ. Mẹ đã là mõ thì chớ, bố lại là thần phù thủy điên điên rồ rồ. Chao ôi! Sao mà trớ trêu!
Cái bận độc nhất hai người ăn ở với nhau, sau cái phút bồng bềnh kỳ diệu, ông hộ Hiếu còn nằm trên bụng bà, bỗng sụt sịt khóc. Bà Pháo vỗ nhẹ vào lưng ông, dỗ dành:
- Nín đi! Cớ sao ông khóc? Hay là tủi thân? Ông tưởng... chỉ thế này thôi sao... ông biết không? Tôi thực lòng mà... Hay là... tôi về ở hẳn với mình...
Ông nằm ngửa, hai tay chắp sau gáy, nghĩ ngợi rất lâu, nghe con bìm bịp buồn buồn kêu ngoài hồ nước. Ông thở đài rồi ngậm ngùi trả lời rất thành thực:
- Ôi chao! Được thế thì còn sướng gì bằng! Tôi muốn lắm chứ. Nhưng thử nghĩ xem, tôi nuôi sao nổi mình. Làm nghề phù thủy như tôi khác nào làm kẻ ăn mày. Bữa no bữa đói. Người nào biếu tí gì hay tí nấy. Tôi lại chẳng có ruộng nương... Mình làm mõ dù sao cũng được làng cấp cho năm sào ruộng.
- Thế... hay là mình về ở với tôi?
Ông hộ Hiếu thở dài.
- Tôi về ở với mình ư?... Thế cũng chẳng được... Bởi vì thế là tôi làm mõ... Mình hãy thử nghĩ xem... Các anh tôi sẽ nghĩ ra sao... Rồi cháu chắt, họ hàng, làng xóm họ sẽ nghĩ thế nào... Chắc chăn người ta sẽ từ bỏ tôi... Lúc ấy, sống khác nào như chết... - Thế thì biết làm thế nào?
Ông hộ Hiếu lại thở đài:
- Tôi van bà. Xin bà hiểu cho tôi. Từ thuở làm sơn tràng, bị sét đánh, tôi thành kẻ nửa rồ nửa dại. Lúc nào cũng có tiếng nói văng vẳng trong đầu bảo rằng cái số tôi là như thế. Người ta bảo tiếng nói của thần phật. Các Ngài sai tôi đi giúp mọi người, chữa bệnh cho dân làng. Các Ngài hành tôi như vậy, sai khiến tôi như vậy, tức là cái số kiếp tôi phải như vậy. Tôi muốn như mọi người lắm chứ... Có lúc tôi đã trở về với cụ Đồ, với anh tôi, nhưng trong lòng khi ấy cứ nóng như lửa đốt, tôi lại phải quay về chùa đổ mới được thanh thản. Tôi biết ơn bà lắm chứ, nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ... Thôi thì đành vậy, mình ơi...
Thế là hai sinh linh côi cút ấy đành chịu thua số phận. Mà lạ thật! Sao họ lại chỉ ăn ở với nhau có độc một lần ấy thôi. Mà cái lần ân ái hiếm hoi ấy sao lại nặng tình nặng nghĩa đến như vậy. Nó đã đơm hoa kết trái... Bà ba Pháo đã sinh ra cô bé Hoa xinh đẹp lạ thường. Cô bé là nguồn hạnh phúc muộn mằn cho cả bà lẫn cả ông. Cũng có lời dềm pha nọ kia trong Iàng, nhưng những lời vo ve ấy làm sao có thể át nổi cái hạnh phúc to lớn mà trời phật đã ban tặng những con người khốn khổ ấy. Ông hộ Hiếu luôn luôn tin rằng Hoa là con của thánh của Phật - Bà Pháo không dám tin như vậy, nhưng khi trông thấy Hoa càng lớn lên càng xinh đẹp, càng thông minh thì bà lại càng vô cùng lo lắng. Ông hộ Hiếu bảo bà đừng lo, ông đã có cách. Bà bảo cách gì, ông chỉ mỉm cười. Từ khi ấy, ông lo tích cóp tiền bạc. Đó là điều trái ngược tính cách của ông. Ông Hộ thường bảo: thời Phật ban cho tôi có thể chữa bệnh cứu người. Tôi không cứu mà chính trời Phật đã cứu giúp mọi người. Vì vậy tôi không lấy công. Nếu mà tôi vì tiền, hoặc là phép bùa của tôi sẽ mất linh nghiệm, hoặc là tôi sẽ bị trừng phạt, bị giảm thọ, bị bất đắc kỳ tử". Nhưng, bây giờ thì khác, ông đã làm lễ trước pho hộ pháp, xin đức Phật từ bi cho phép ông lấy một chút tiền, một chút thôi gọi là, để có thể giúp đỡ cho con gái... Dù có bị trừng phạt thế nào ông cũng xin chịu, miễn là con gái ông được giải thoát.
Đó là câu chuyện gần hai chục năm về trước. Bây giờ cô Hoa đã lớn và thím Pháo đã già. Ông hương Ất nhìn thím Pháo, bảo:
- Việc này quan trên sức về rất quan trọng. Phải rao ngay cho cả làng đều rõ. Bắt đầu từ ngày hôm nay, lệnh đã cấm rồi đấy. Ai phạm phải quan trên quyết chẳng dung tha... Nhưng này... mụ làm sao thế? Ta trông mụ có vẻ uể oải.
- Dạ thưa ông Hương. Tôi có hơi mệt nhưng không sao đâu ạ. Tôi xin đi rao ngay.
Thím ba Pháo đi từ xóm Giếng đến xóm Đình giữa làng, tới xóm cây Gạo rồi quay lại rẽ ra xóm Vườn tức xóm đạo. Đến xóm nào thím cũng gõ ba hồi mõ cho mọi người chú ý, rồi cất giọng lanh lảnh:
…Cấm làng đốt đuốc chôn đêm
Cấm dân tụ họp quá trên hai người...
Thím Pháo rất khéo miệng. Người ta bảo thím có tài xuất khẩu thành thơ. Nghe vậy, thím chỉ cười. Thực ra, có phải thơ thẩn gì đâu. Thím chỉ thích biến báo cái lệnh truyền thành hai câu có vần cho người ta dễ nhớ.
Đi gần hết buổi sáng mới đến xóm Vườn là xóm cuối cùng. Đứng ở đầu xóm, chưa kịp đánh ba hồi mõ, thím chợt thấy bụng đau quặn không tài nào chịu nổi. May mà xóm Vườn cách làng chính một quãng đồng. Thím vội vàng ôm bụng chạy ngay vào đám ruộng ngô tất um gần đấy. Thím vén váy ngồi thụp ở giữa ruộng. Ngô xanh rờn che kín. Ngay lập tức thím bị miệng nôn trôn tháo. Nôn ra toàn là nước. Tháo ra toàn một thứ nước trắng nhợt. Vừa đi xong, thím đã cảm thấy chân tay lạnh ngắt, run lẩy bẩy, đứng lên không vững nữa. Thím cố sức theo rãnh ngô bò ra bờ ruộng. Mặt mày xây xẩm. Bầu trời quay cuồng. Thím gượng đứng lên song chỉ được vài bước đã ngã lăn quay ra đất. Cái mõ và chiếc dùi bóng loáng cũng văng vào ruộng cà.
Hoa được tin, chạy vội đến cõng mẹ về nhà. Thím Pháo thì thào bảo con:
- Gọi ông ấy đến cho u. Nhanh lên!
Hoa ra chùa, thấy ông hộ Hiếu đang như con hổ bị nhốt, đi đi lại lại trong sân. Sớm hôm nay, ông Hiếu bỗng lên một cơn bứt rứt. Ông Hộ rất ngạc nhiên vì ông vừa mới hết một cơn thánh ốp khoảng vài hôm. Thường thường, khoảng cách giữa hai cơn ốp đồng là ba, bốn tháng. Sao lại có thể có hai cơn thánh ốp gần nhau đến như vậy. Trước mỗi cơn, ông thường cảm thấy bứt rứt, ăn uống lạt mồm lạt miệng, rồi máy mắt sau đó mắt sáng lên, đầu óc lâng lâng ngây ngất. Những lúc như vậy, ông thường ngồi im dưới chân pho hộ pháp, thắp ba nén nhang, khấn vái và nhìn vào bát nước trắng. Dần đà đầu óc ông đi vào cõi lơ lơ lửng lửng. Một tiếng nói siêu thường ở đâu chẳng rõ lúc ấy bỗng nổi lên thì thầm nhắn nhủ, chỉ dẫn cho ông. Những khi ấy, bát nước chè rừng đặc quánh, đắng ngắt bỗng trở nên vô cùng ngọt ngào đối với ông. Tuy nhiên, hôm nay hoàn toàn khác. Uống nước chè đặc vào sao lại thấy đắng lạ lùng. Đốt đã hai tuần nhang vẫn chẳng nghe thấy tiếng thì thầm nổi lên trong óc. Bát cơm lùa vào miệng vẫn thấy ngon chứ không lạt lẽo và khô như rơm như mọi bận. Riêng chỉ có trong bụng, ông cảm thấy nóng bỏng như có ai đốt lửa. Vậy không phải sắp lên cơn thánh ốp. Vậy có điều gì đã xảy ra đây? Ông băn khoăn tự hỏi. Chính lúc ấy, Hoa hớt hải đến gọi:
- Thầy ơi! Thầy ơi!
Nhìn mặt đứa con gái, ông biết chuyện gì đã xảy ra. Ông giật giọng hỏi:
- U mày làm sao rồi có phải không?
Hoa khóc:
- Thầy ơi! U con... ngã ngoài ruộng. Con mới cõng về.
Mọi thứ thuốc lúc nào cũng sẵn sàng trong một cái bọc. Không nói thêm nửa lời, ông hộ Hiếu cầm bọc thuốc, nắm tay con gái, chạy vội về ngôi nhà mõ. Con chó Vện nằm ở thềm nhà nghển cổ như cũng đang nóng lòng chờ đợi. Thấy hai cha con vào sân, nó đứng đậy ve vẩy đuôi, rồi bước theo ông đến tận giương thím Pháo.
Nghe thấy tiếng chân người, bà Ba choàng mở mắt. Ông Hộ cho bà uống một chút sái thuốc phiện, sau đó mài nhục quế đổ vào miệng bà. Thím Pháo để cho ông săn sóc, rồi nắm lấy tay ông:
- Thôi... Chả cần nữa đâu ông ạ. Tôi nghe ngóng trong người mình, tôi biết mà...
- Sao bà nói lạ? Bà không nhớ sao... hai chục năm về trước, cũng như thế này, thế mà bà có việc gì đâu. Bà phải tin ở tôi chứ.
- Lần trước khác, lần này khác.
- Chẳng có gì khác.
- Khác chứ. Lần này tôi phải nặng lắm. Ông xem tay tôi có lạnh không? Chân tôi có lạnh không? Tôi không nhấc lên nổi nữa.
Ông Hộ nói cứng nhưng trong lòng rối bời. Ông dùng hai bàn tay nổi tiếng thần kỳ của mình xoa bóp cho bà:
- Bà yên trí, tôi sẽ làm cho chân tay bà nóng lên.
Thím Pháo nở một nụ cười trên đôi môi trắng bệch của mình:
- Ông ạ, tôi biết chứ. Tôi biết ông thương tôi lắm chứ. Nhưng ông hãy nghe tôi nói đây này...
Ông hộ Hiếu ghé sát đầu lại gần đầu thím Pháo để nghe cho rõ những tiếng thều thào của bà.
- Tôi đi... thì cũng được rồi... chỉ còn lo cho cái Hoa... Ông cố lo cho con... Chúng ta đã tính rồi đấy... Phải... ở làng... thì không ngóc đầu... lên được đâu.
- Tôi biết... Tôi biết - Ông già cay đắng gật đầu.
- Phải thoát kiếp mõ.
- Tôi hiểu... tôi hiểu - Ông già rưng rưng đôi mắt.
- Phải bỏ làng mà đi... lấy chồng... thiên hạ...
Thím Pháo đã mệt lắm. Hình như đã dặn dò xong. Cũng chẳng muốn nói thêm gì nữa. Bà se sẽ nắm tay ông đặt lên ngực bà. Bà định nói gì? Có lẽ bà muốn nói rằng cái lạnh đã từ chân bò lên tới ngực. Cũng có thể đó là cử chỉ đằm thắm cuối cùng mà bà chỉ dành riêng cho ông. Đôi mắt bà ngước nhìn Hoa, nhìn ông. Đôi mắt trừng trừng đột nhiên ngây dại, trở nên thất thần, nhưng chúng cũng còn kịp để ứa ra hai giọt nước long lanh cuối cùng. Hai cha con nức nở. Ông hộ Hiếu bảo con gái:
- Hãy quỳ xuống lạy mẹ con lần cuối đi.
Cô gái làm theo lời cha. Cô khóc thật to:
- U ơi! U ơi!