Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Mẫu Thượng Ngàn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 39343 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mẫu Thượng Ngàn
Nguyễn Xuân Khánh

Chương 3

Trước kia, một mình Điều phải chăn năm con bò, hai con bò vàng, một con bò loang, một con bò đen và một chú bê con. Hai con vàng và con loang là ba con cái. Con đen là con đực. Lũ bò rất hiền, chăn chúng thật nhàn. Chỉ riêng con đực, chăn nó quá mệt. Chú bò đen này hăng lắm. Hai chiếc sừng của nó nhọn hoắt, đâm thẳng ra phía trước như hai con dao găm. Nó vạm vỡ, cao lớn, to gấp rưỡi những con bò thường. Khi đuổi theo những con khác, Bò Đen hùng dũng phi nước đại, đầu lao ra phía trước. Ba con bò cái, một con tên là Sừng Hươu, con thứ hai có tên Bò Loang, con thứ ba Điều gọi nó là Sừng Khoằm. Con bê là con của Sừng Hươu và Bò Đen, nhưng nó giống mẹ, lông toàn màu vàng. Bò Đen tuy đã có ba vợ, song vẫn chưa thỏa mãn. Nó vẫn còn dư sức để đi trăng hoa ngoài đàn. Hình như các cô bò cái trong làng đều thích nó. Cứ thoáng thấy cái bóng cao lớn của nó từ xa, các cô đã cất cao giọng chào mời. Thế là Bò Đen bỗng lồng lên, phi theo tiếng gọi. Giữ nó mệt như thế đấy, vì vậy lúc nào cu Điều cũng phải để mắt tới nó.
Còn bây giờ, đi chăn bò đã có thêm cái Nhụ, đi chăn đã có đôi, Điều chợt thấy như người cất được gánh nặng, chợt thấy nhẹ bỗng hẳn. Cái Nhụ thật chu đáo. Gặp hôm trời nóng nực, trước khi đi, bao giờ, Nhụ cũng ra bể, múc gần đầy chiếc ấm da lươn nước mưa.
Cái bể nước mưa của cụ Tiết cũng khá đặc biệt. Trịnh Huyền giỏi phân biệt được nước mưa cây cau với nước mưa mái ngói, điều ấy nhờ cụ đồ Tiết truyền dạy. Cụ Tiết nghiện trà và pha trà bao giờ cũng bằng thứ nước mưa ở bể nhà cụ. Cái bể nước mưa không to. Nước ở đó chỉ dùng để pha trà. Chung quanh bốn góc bể, trồng bốn cây cau mập mạp, thứ cau liên phòng ra hoa tứ thời. Bốn cây cau, tàu loe giữa trời, như bốn cái phễu ngửa lên hứng nước trời; thứ nước tinh khiết từ rừng, từ suối bốc lên, rồi rơi xuống bốn cái tán lá xanh tươi đó, rồi theo cuống phễu tức là bốn thân cây chảy xuống đến ngang tầm miệng bể, thì gập bốn tàu cau buộc ngang thân cây ngăn lại, rót nước vào bể. Bốn cây cau đó luôn được cụ Tiết kiểm soát. Hễ động có con chim sẻ nào tha rác định làm tổ ở những bẹ cau, lập tức cu Điều phải như con mèo trèo lên ngay, để phá tổ, không cho phép chim đẻ con tại đó. Bởi vì, nước từ tổ chim sẻ chảy xuống bể, thì nước bể coi như tạp, ô uế, không thể pha trà được nữa.
Cu Điều thấy ông bảo nước mưa ở cái bể rất ngon, rất quý. Nó chỉ nghe thế thôi chứ không biết ngon là thế nào. Tuy nhiên, hễ ông sai lên phá tổ chim sẻ, cu Điều thi hành ngay tắp lự, rất tích cực để bảo vệ sự tinh khiết của nước. Chỉ đến khi hàng ngày Nhụ lấy cái ấm da lươn múc nước ở bể, rồi hái dăm bông hoa nhài vứt vào, Điều mới hiểu cái quý báu của nước mưa ấy là thế nào. Cái ấm luôn được buộc vào cổ con bò loang. Con bò này rất khéo, nó bước đi khoan thai, nhịp nhàng. Cái ấm đung đưa, lắc lư, nhưng nước chẳng sánh ra bao giờ. Có lần, Điều treo cái ấm vào cổ con Sừng Hươu hay con Sừng Khoằm song Nhụ không nghe. Nhụ bảo hai con bò ấy cũng rất khéo léo chẳng kém gì Bò Loang, tuy nhiên Sừng Hươu còn đang trong thời kỳ cho con bú, còn Sừng Khoằm lại đang có mang; vì vậy không nên làm chúng mệt. Từ nhỏ, Điều chỉ được sống với ông nội, chưa hề được bàn tay phụ nữ chăm sóc bao giờ, cho nên nó lớn lên như cỏ hoang, rất vô tâm. Lần đầu tiên nó được biết thế nào là sự tỉ mỉ, chu đáo, ân cần của một người đàn bà. Đến trưa, khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, Điều chợt thấy khát quá, quen như mọi khi, nó phăm phăm chạy ra chỗ ruộng sâu, định vốc nước ruộng lên uống. Nhụ liền ngăn nó lại, đem ấm nước mưa ra cho uống. Cũng là lần đầu tiên, Điều được uống thứ nước mưa ướp hoa nhài. Nó tu ừng ực làn nước mát, ngọt lịm, thơm tho. Uống xong một lúc lâu còn cảm thấy mùi hoa thơm vẫn đọng lại trong cổ họng và phảng phất nơi ngực, trên tấm áo nâu cứng quèo mà khi uống nó làm vương ra.
Đàn bò lúc này đã nằm im dưới gốc cây chói lói đang đâm hoa đỏ rực. Điều nằm thẳng cẳng trên đám cỏ, úp chiếc nón mê lên mặt. Nó nằm dưới bóng một cây sim già lá rậm rịt. Nhụ vừa đi tát vũng về, bắt được một xâu cá rô. Nó nhóm lửa nướng cá. Mới đầu lá rừng, củi sim bén lửa, tạo thành một mùi thơm đặc biệt lan tỏa trong gió, vừa ngai ngái vừa thơm thoảng. Tiếp theo là mùi cá nướng, thơm sực nức ngào ngạt. Nhụ vừa làm vừa hát. Lại là khúc hát đầu tiên Điều được nghe. Nó khác hẳn những khúc hát ở vùng này mà chú bé đã được nghe. Khúc hát tươi tắn, réo rắt, vừa nhún nhảy vừa lượn lờ.
A……..
Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa
Long ly quy phượng cô thêu ra đôi rồng chầu.
A……..
Cô thêu đỏ lặn ác tà
Thêu non, thêu nước, cô thêu hoa, thêu người.

Giọng hát của Nhụ lảnh lót, ríu rít như tiếng con họa mi của ông nội mỗi khi ông mở tấm vải che lồng rồi vẫy tay ra hiệu cho nó cất tiếng. Điều hất cái nón che mặt, nhổm dậy bên gốc sim già. Nó nhớ lại cái chiều hôm chú Huyền và Nhụ trở về nhà. Lúc ấy, ông nói chuyện riêng với chú. Điều đi rút rơm đun ở đống rơm chất sau lưng nhà nên đã bất chợt nghe hết chuyện của hai người. Nó biết Nhụ không phải con ruột của chú. Và cũng không hiểu tại sao nó lại thấy vui vui trong dạ. Khi trở lại bếp, dưới ánh lửa rơm lúc bùng mạnh lúc yếu, nó nhìn trộm đôi má ửng lên vì ánh lửa của cô em gái hờ mà lúc nãy nó chưa kịp nhận rõ mặt. Cũng là lần đầu tiên nó chú ý quan sát một cô con gái, tự dưng nó bỗng cảm thấy đôi tai mình cũng nóng ran.
Nhụ còn đương ngân nga chưa hát xong câu hát, chợt thấy gáy mình nóng ran. Nó quay đầu lại, thấy Điều đã đứng ở phía sau.
- Em hát bài gì mà hay thế? Anh chưa nghe thấy bao giờ.
- À bài "Dệt gấm thêu hoa", văn cô Chín.
- Cô Chín nào?
- Cô Chín Đền Sòng mà anh không biết ư?
- Anh không biết.
- Anh có thích không?
- Thích.
- Em dạy cho mà hát.
Điều lúng túng, rồi lắc đầu:
- Không, anh chẳng... học đâu.
Nhụ mở to đôi mắt:
- Sao lại không? Anh thích học đàn cơ mà. Phải học hát trước, rồi học đàn sau...
- Thôi. Anh chẳng học nữa.
- Vì sao?
- Vì… vì… học hát thì phải lạy em làm thầy.
Nhụ cười rũ rượi:
- Ai bảo anh thế?
- Chú bảo.
Nhụ vẫn cười rồi nói:
- Thế em không bắt anh lạy làm thầy, anh có chịu học không?
- Thế thì chịu.
- Anh có biết không? Ngày xưa, mẹ em cũng phải dạy bố em học hát trước đấy.
- Mẹ em có dạy em không?
- Không. Mẹ chẳng dạy. Mẹ bảo: Con đừng học hát. Đừng bao giờ học hát như mẹ. Em hỏi sao lại thế. Mẹ chẳng nói và mẹ cũng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện ấy. Và em cũng chẳng học, nhưng không hiểu sao em vẫn cứ biết hát. Có lần em hát nghêu ngao ngoài vườn, ông ngoại và mẹ ngồi ở đầu hè nghe em hát cứ thừ người ra. Ông ngoại bảo: Con bé có cái giọng lạ quá. Còn mẹ thì thở dài.
- Sao em hát hay mà mẹ em lại thở dài nhỉ. Em kể nữa đi.
- Kể gì?
- Thì những chuyện như vừa rồi. Anh thích nghe lắm.
Nhụ cười... Kể gì nhỉ? Thực ra, những chuyện ngày xưa, người kể cũng thấy thú vị, người nghe, dù là những chuyện chẳng đâu vào đâu, cũng thấy lạ lùng, hay hay. Đôi mắt to và dài của Nhụ trở nên long lanh. Hàng mi chớp chớp như để gọi những hồi ức trở về. Những ký ức, tuy chưa lâu, mà đã trở nên xa lắc xa lơ trong tâm tưởng cô gái. Mẹ ơi... Cái người đàn bà dáng vóc gầy guộc mà sao giọng lại âm vang và long lanh đến như vậy. Chưa bao giờ Nhụ thấy người đàn bà nào hát hay như mẹ. Cái con người yểu điệu cớ sao gương mặt tại buồn buồn và trìu mến đến lạ lùng như vậy. Gương mặt ấy sao giống như quê em, một biển nước mênh mông trắng xóa, thỉnh thoảng lại trồi lên một làng nổi xanh rì. Quê em, nó bơ vơ như những cánh chim bay vật vờ vào chiều mây xám, nó hệt như con cò trắng so vai, lủi thủi lò dò... Điều bảo:
- Hình như quê em cũng giống như ở đây, tuy rằng nó có khác. Để bao giờ mùa đông, anh dẫn em vào rừng cỏ lam. Nó cũng mênh mông và trắng xóa. Nó cũng rập rờn như biển nước.
Nói chuyện phiếm mãi để cho đám củi sim tắt lúc nào chẳng hay. Nhụ lấy cành cây kéo đám sim khô vào giữa đống tro. Gió nhẹ thổi bùng lên vài ngọn lửa nhỏ, nó cháy lem lém, sau đó lửa lại tắt lịm, chỉ còn để lại những làn khói trắng đặc quánh lúc thơm thơm, lúc hăng hăng. Khói cay xè làm Nhụ chảy nước mắt, nhưng cô bé lại cười:
- Mẹ em hát bài Văn cô Chín hay hơn em nhiều lắm. Nhất là khi mẹ hát, còn thầy đánh đàn. Mẹ bảo thầy em đánh đàn gần bằng được như ông. Còn ông thì bảo thầy đánh đàn chưa lâu nhưng tài hoa hơn. Em hỏi tài hoa là gì? Ông bảo tài hoa là thế nào thì chịu không giảng được. Mẹ bảo tài hoa giống như người lên đồng. Khi thầy đánh đàn bài Văn cô Chín, cô hiện hồn về nhập vào tay thầy, thầy đánh đàn hay cô Chín đánh đàn ai mà biết được, nhưng chắc chắn tiếng đàn sẽ rất tài hoa.
Điều lại hỏi:
- Cô Chín là ai?
- Mẹ em bảo cô Chín là người hầu của Mẫu.
- Mẫu ư? - Điều thì thầm hỏi.
Nhụ kính cẩn:
- Thầy em nói: Ở nước mình, chỗ nào cũng có Mẫu. Thế núi Mẫu làng mình ở chỗ nào hở anh?
Chú bé giơ tay, chỉ ra xa xa:
- Kia kìa? Hòn núi cao cao, phía tay phải bên kia sông. Muốn đến núi Mẫu phải ra hồ Huyền, rồi từ hồ Huyền bơi ra sông Son, ngược dòng sông Son chừng nửa cây số là đến bến Mẫu. Đền Mẫu ở trên đỉnh núi.
- Mẹ em bảo đền Sòng cũng ở trên núi. Trên là núi, dưới là suối, chung quanh là rừng.
- Em đã bao giờ đến đấy chưa?
- Xa lắm! Ở mãi tỉnh Thanh. Trẩy hội, phải đi mấy ngày ròng rã. Em đi sao được.
- Vậy thì, hôm nào anh sẽ chèo đò đưa em lên đền Mẫu quê anh.
Mùi cá nướng bốc lên thơm lừng. Mải chuyện, nên cá đã cháy. Chẳng sao, cá cháy càng thêm chín, thêm ngọt, thêm thơm. Hai cô cậu rút xâu cá rô từ trong đống lửa ra. Chúng cạo vẩy, rồi thổi phù phù, đưa lên miệng. Than đen dính đầy môi, đầy mép. Có cả những vết nhọ trên má trên cầm. Trông hai đứa như hai con quỷ nhai than. Chao ôi? Sao mà thơm mà ngọt. Rồi chúng nhìn nhau cười khúc khích. Ăn xong, Điều đưa hai tay lên đầu, sau gáy làm gối; nó vừa nhìn những đám mây trôi vừa nghe Nhụ kể những câu chuyện hoang đường song thú vị:
- Cô Chín là người hầu thân cận của Mẫu. Ở đền Sòng có một cây sung cổ thụ; gốc nó to người ôm không xuể. Bóng mát của nó tỏa rộng. Trên các cành, trên thân cây, quanh năm lúc lỉu những quả sung to bằng nắm tay; quả xanh mướt, quả đỏ chót, cả những quả chín đen màu mận chín. Sung chín, tỏa mùi thơm lừng gọi từng đàn chim bay về. Lúc nào, trên cây cũng nghe thấy tiếng chim rúc rích, líu lo. Lũ chào mào đỏ đít, lũ sáo đen mỏ ngà, lũ sáo đá loang lổ, lũ vành khuyên vàng ươm. Cạnh cây sung là cây doi, lá to như lá đa, quanh năm xanh um rậm rịt, đó là nơi lý tưởng cho lũ chim làm tổ.
Đức Mẫu Thượng Ngàn ngự chín tầng mây.
Cô Chín mắc võng ngự rày cây sung.

- Vậy là cô Chín cũng làm tổ trên cây sung.
- Làm nhà chứ ai gọi làm tổ. Cô Chín là thánh là tiên, chứ đâu phải là chim. Nhưng cũng có lúc cô hóa thành con vàng anh, con bách thanh chúa của loài chim. Cô chẳng mọc cánh mà vẫn biết bay:
Khi vui, cô Chín ngự chiếc xe rồng.
Khi buồn, phách trúc, đàn thông, cung tì bà.
Dập dìu yên múa, oanh ca
Thoắt thôi cô lại ngự về tòa sơn lâm.
Cô rong chơi mười tám cửa ngàn
Ba mươi sáu động sơn trang các tòa.

Cô Chín hát hay, đàn ngọt. Cô lại biết cả thêu thùa. Kể đến đây, Nhụ cất lên tiếng hát, hát cái bài lúc nãy đã làm mê mẩn tâm hồn chú bé:
A... ới a
Dệt gấm thêu hoa...

Tiếng hát như ru người ta vào giấc ngủ. Điều lim dim đôi mắt, mường tượng ra cảnh một cô tiên áo đỏ, đang ngồi vắt vẻo trên chiếc võng xanh; hai đầu võng mắc vào cành sung. Cô đánh võng bổng lên cao tít trời xanh. Vừa đưa võng cô vừa cất tiếng hát. Trên đầu cô, lũ chim lượn thành vòng tròn. Dưới khe suối sâu thẳm, bầy cá chép vàng cũng chụm đầu, nghển cổ, hướng về tiếng hát rồi lại tỏa ra để múa để bơi...
Điều còn đang mơ màng, đột nhiên tiếng hát của Nhụ bỗng tắt lặng. Rất đột ngột như có chuyện gì lạ sắp xảy đến. Điều vội vàng nhổm dậy.
Từ xa, có hai con ngựa đang phi tới. Đi trước là một người Tây, đội mũ trắng, mặc quần áo trắng. Theo sau là một người Việt, mặc quần áo vàng. Hai đứa trẻ đứng dậy. Nhụ nép sau lưng Điều. Đến gần hai đứa mục đồng, hai con ngựa dừng lại. Điều lễ phép nói:
- Chào quan lớn.
Người Tây không xuống ngựa, giơ chiếc roi da hỏi:
- Hai em chăn bò cho đồn điền hả?
- Thưa vâng.
- Sao lại buộc bò ở gốc cây?
- Dạ, trưa nắng, phải cho bò nghỉ..
Người kia là anh lính khố xanh. Hắn xuống ngựa, đến gốc cây chói lói ngắm lũ bò. Người Tây hỏi anh lính:
- Thế nào? Láu?
- Dạ, lũ bò đều béo, lông mượt.
- Quan lớn khen hai đứa chăn bò tốt... Người Tây cất tiếng ồ ồ bằng cái giọng lơ lớ khó nghe và nhát gừng.
Từ nãy Nhụ vẫn sợ hãi núp sau lưng Điều. Đây là lần đầu tiên cô đứng gần, hầu như đối mặt với một ông Tây. Cũng là lần đầu tiên cô biết thế nào là người da trắng, mắt xanh, mũi rõ, tóc vàng. Người Tây vẫn ngồi trên lưng ngựa, cất tiếng hỏi:
- Cô bé... này... ở đâu? Ta chưa thấy... bao giờ.
Điều cầm tay Nhụ nói rất bình tĩnh:
- Dạ, nó là em con, vừa mới ở quê lên.
- Ra đây... Ra đây... Ta xem...
Nhụ líu ríu, bước chậm chạp đến trước mặt người Tây. Hai tay cô bé khoanh trước ngực, đầu cúi gằm.
- Đừng... có sợ... Ngẩng... cái đầu lên... cho ta xem.
Người Tây ngắm nghía Nhụ rất kỹ lưỡng rồi mỉm cười:
- Tốt lắm... Tốt lắm... Trông... Ngoan lắm.
Rồi ông ta gật gù cái đầu, móc tay vào túi lấy ra một đồng xu đưa cho cô bé:
- Tốt lắm... Chăn bò... Tốt lắm... Quan cho...
Nhụ không chìa tay. Người lính bảo:
- Quan lớn thưởng cho đấy. Cầm đi.
Điều đứng bên cạnh lặng lẽ, mắt gườm gườm.
Hai con ngựa lại sóng đôi đi khỏi gốc cây chói lói.
Người Tây, tên là Julien Messmer nói với người lính hầu cận:
- Ông Láu có biết không... Ở bên Pháp người ta nói Đông Dương là bó hoa... đẹp nhất... trong các thuộc địa... của nước Pháp.
- Bẩm quan đúng như thế ạ.
- Và cô bé... Tương lai... cũng sẽ là... một bông hoa... rất đẹp... Tôi nói... có đúng không?
- Bẩm, quan lớn có con mắt rất tinh ạ. Rất đúng ạ.
Hai người vừa đi vừa cười. Người Tây lại nói:
- Cô bé ấy... mười ba... hay mười bốn... tuổi. Người An Nam các ông... gọi là... Tuổi gì nhỉ...
- Dạ, người dân An Nam chúng tôi gọi là tuổi "chum chúm núm cau” ạ.
- Cái gì?
- Chum chúm núm cau.
Người hầu cận vừa nói vừa chỉ tay vào ngực.
Đến lúc đó, người Tây chắc vỡ lẽ; ông ta cười to nhắc lại:
- Chum... chúm... Núm... cau... Ô la la? Người An Nam các ông nói hay thật. Hay thật? Mà này... còn thằng bé...
- Thưa quan sao ạ?
- Tôi thấy... mặt nó... cau cau... Tôi... không... ưa nó.
Khi người Tây đi xa, Điều đúng đã cau mày với Nhụ:
- Sao em lại cầm tiền của nó làm gì?
- Em có muốn cầm đâu. Nó bắt em phải lấy chứ.
- Không thèm. Đưa đây cho tôi.
Nhụ đưa đồng xu cho Điều. Cậu bé nhìn đồng xu ngắm nghía rồi cậu quăng nó đi thật xa. Đồng xu bay lên trời rồi rơi lẫn vào đám lau sậy ở chân đồi. Nhụ im lặng, cô bé cứ thấy như mình có lỗi. Cô liếc nhìn Điều. Cậu bé cũng không hiểu tại sao mình nổi cơn tức giận với người Tây đến thế. Cậu tức giận gì? Phải chăng vì con người quyền uy ấy đã nhìn quá chăm chú vào cô bé Nhụ?

<< Chương 2 | Phần 3 - Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 334

Return to top