Julien Messmer là con trai thứ ba trong gia đình Messmer. Khi người anh cả là Philippe chết, người em Pierre lên thay anh quản lý đồn điền. Pierre là họa sĩ, ông không biết gì về làm ăn. May thay lúc đó có quản Liến rất rành công việc. Quản Liến vốn người trung thực, tận tụy nên công việc đồn điền vẫn tiến triển đều đều Khi ấy. Người em út Julien còn ở trong quân ngũ. Julien phải hành quân liên miên trong những trận truy quét nghĩa quân Đề Thám. Khi đưa tang ông anh Philippe, Julien cũng không về dự được. Mãi mấy năm sau, khi quản Liến nghỉ việc ra với con ngoài Hà Nội, lúc ấy bắt buộc Julien phải rời quân ngũ về trông coi đồn điền bởi vì ông anh Pierre nghệ sĩ rất lúng túng, viết thư cho ông em em bắt phải về nếu không đồn điền sẽ tan rã.
Julien được học hành cẩn thận hơn hai người anh, tốt nghiệp trường sĩ quan Saint Cyr. Sang Đông Dương, Julien rất năng nổ nên khi về mang hàm đại úy. Julien nhìn Đông Dương khác hẳn hai ông anh. Julien đánh giá ông anh cả là cổ lỗ. Đó là con người thuộc lớp người chinh phục, lớp người tiên phong cho sự bành trướng của nước Pháp. Lớp người xưa đó hào hứng, táo bạo, phiêu lưu nhưng còn gắn nhiều với nếp cũ. Ví dụ Philippe là một người ngoan đạo, rất có ý thức dựa vào nhà thờ. Về điều này, thế hệ Julien quan niệm khác hẳn. Ông cho rằng thời kỳ nhà thờ đóng góp vào việc tạo dựng thuộc địa đã qua rồi. Bây giờ phải tách hẳn việc đạo ra khỏi việc đời. Việc Philippe lấy bà Mùi, Julien cũng thấy không được. Người đàn bà bản xứ có cái hấp dẫn riêng, điều ấy Julien công nhận. Nhưng vui chơi với họ thì được, còn lấy họ thì không nên. Bởi vì họ thuộc về một giống nòi khác hẳn. Không nên có sự pha trộn giữa hai dòng máu. Đối với ông anh thứ hai, Julien nhìn với con mắt bao dung. Ông cho rằng những người nghệ sĩ Pháp sang Đông Dương đều là những đứa trẻ mang hình hài người lớn. Họ chẳng làm điều gì để phát triển thuộc địa. Ở chính quốc, người ta gọi họ là những con người lãng mạn, hơi rồ một chút. Họ vô hại, dễ thương nhưng vô tích sự. Cũng nên trân trọng họ bởi vì họ là những thứ trang trí cho đời sống thuộc địa.
Julien là con người hoàn toàn thực tế. Ông sòng phẳng dứt khoát. Ông nói rằng: “Có những dân tộc sinh ra trên trái đất này để thống trị, và cũng có những dân tộc sinh ra để bị trị. Lịch sử là cuộc vật lộn khốc liệt giữa các dân tộc. Dân tộc nào yếu hèn, dân tộc ấy sẽ phải ở vị trí mà họ xứng đáng. Lịch sử loài người mãi mãi như vậy".
Người giúp việc đắc lực, cánh tay phải của Julien lúc này là quản Láu. Con trai quản Liến. Người cha rời bỏ công việc, truyền lại cho người con. Gọi quản Láu không phải vì hắn đóng chức quản trong quân đội, mà chỉ là cách gọi tắt của chức quản lý. Thời Philippe làm chủ đồn điền, chưa có gái tơ, đến thời Julien lũ trẻ con của nông dân đồn điền đã lớn thành gái choai choai khá đông. Quản Lác cũng như ông bố trước đây lại làm thêm công việc dắt gái cho ông chủ Julien.
Vùng Cổ Đình, về mặt quân sự, là một vị trí chiến lược. Ở đó có thể làm bàn đạp lên Tây Bắc, xuống đồng bằng hoặc sang bên kia sông Hồng. Do vậy, Julien xin với trên cho một đồn binh cạnh đồn điền. Julien là một sĩ quan nhạy bén cả về chính trị. Hắn đã tham gia tiễu trừ Đề Thám nên có nhiều kinh nghiệm mà hắn gọi là chống phiến loạn. Julien muốn vùng mình ở phải tuyệt đối an toàn. Đừng tưởng hắn thích gái tơ, sống phóng túng, có nghĩa là hắn mất cảnh giác đâu. Không! Hắn là người biết để ý đến những biến đổi dù nhỏ xảy ra trong đồn điền, và cả ở các làng lân cận. Tai mắt của hắn là Láu, là lý Cỏn, là tiên chỉ Nhậm và còn là những người vô danh không lộ mặt nữa. Bởi thế hắn để ý tới Trịnh Huyền. Một bận hắn hỏi lý Cỏn:
- Trịnh Huyền mới đến làng ta là ai vậy?
- Anh ta đã đến trình tại nhà tôi. Ông cụ đồ Tiết dẫn đến. Ông cụ bảo Huyền ở dưới Nam lên. Hắn ta vốn con một ông cung văn dưới đó.
- Ông đồ Tiết quan hệ với ông lý thế nào?
- Ông cụ là thầy dạy học tôi thuở bé.
- Chính vì vậy, ông càng cần phải để ý với Trịnh Huyền.
- Tôi đã xem xét kỹ lưỡng. Theo thẻ thuế thân, đúng anh ta ở Sơn Nam. Giọng nói đúng người ở mạn dưới lên. Chỉ có điều...
- Điều gì?
- Điều… ông cụ Tiết đối xử với hai cha con nhà Huyền khá thân thiết. Thân thiết quá mức...
- Đó là chỗ đáng ngờ... ông thử nghĩ xem: Nhà đồ Tiết là nhà phiến loạn; Đinh Văn Chất đã bị chết; Song còn Đinh Văn Phác... Anh ta đã chết hay chưa?
- Kể cũng lạ… Tôi cũng nghĩ mãi… Tên Huyền này nói có nghề cung văn. Còn cụ Tiết là ông đồ nho. Nhà họ Đinh từ xưa không ai theo nghề hát xướng. Nhà nho rất ghét “xướng ca vô loài”.
***
Chính vì sự nghi ngờ của Julien, hôm nay, trên hồ Huyền có con thuyền bơi lên đền Mẫu.
Hồ Huyền là hồ nước lớn, rộng đều vài trăm mẫu. Có chín con suối từ các đồn, các cánh rừng đổ xuống lòng hồ. Người ta bảo xưa kia hồ không lớn bằng ngày nay. Đến đời vua Minh Mạng, một ông quan đi xem xét, thấy có một khe to ở cuối hồ làm nước bên trong bị thoát đi một cách vô ích. Viên quan bèn sai lấp khe, giữ nước lại tưới cho ruộng làng Cổ Đình và vùng lân cận. Hồ có đoạn ăn thông với đòng sông Son; tùy mùa, có lúc nước sông chảy vào có lúc ngược lại.
Sáng hôm rằm, gia đình cụ Tiết mang oản nải, một thúng xôi vò, một nồi chè đường xuống thuyền bơi lên núi Mẫu. Làm lễ ngày rằm ở núi Mẫu là cái mẹo của cụ Tiết. Làm như thế cốt để tránh sự nhòm ngó của Juhen, chủ đồn điền. Julien rất ngọt ngào với dân, nhưng đánh hơi rất tinh khi một mầm mống phản loạn xuất hiện trong vùng. Chính vì vậy nên hôm nay cụ Tiết mang con cháu và mời họ hàng làng xóm lên làm lễ ở đền Mẫu.
Đền Mẫu, từ khi có bà tổ cô lên ở, đã hết cảnh hương lạnh khói tàn. Chùa làng sụp đổ. Sư chùa làng qua đời. Quản Boong đổi đạo. Ông hộ Hiếu thì điên điên khùng khùng. Chùa làng là nơi các bà các chị đến hương khói mong tìm được niềm an ủi trong kiếp nhân sinh đầy bất trắc, tủi buồn. Không còn chùa người dân tìm đến đền Mẫu. Người nọ bảo người kia, càng ngày đền Mẫu càng đông. Ngày rằm, người ta bơi thuyền trên sông Son đến đền Mẫu, nô nức như những người con tìm về thăm mẹ. Rồi lại có thêm bà Mùi lên ở với cụ tổ cô. Cụ tổ cô đã già quá rồi. Có bà Mùi còn mạnh chân khỏe tay, đền Mẫu này có nhiều điều kiện mở rộng cửa tiếp khách thập phương. Chẳng cứ những ngày lễ, ngày thường bà Mùi cũng mở cửa đền cho mọi người đến. Cụ đồ Tiết mấy hôm trước đã thưa với làng xóm:
- Cháu Trịnh Huyền là cháu đằng ngoại nhà chúng tôi. Gia đình ở tỉnh Nam vốn theo đạo Mẫu. Ở dưới ấy, cũng có điện thờ riêng tại gia. Nay cháu lên đây làm ăn, biết đền Mẫu làng ta là chốn linh thiêng, nên nó cũng muốn đến ăn mày cửa Mẫu. Ngày rằm, cháu làm lễ ra mắt và dâng phẩm vật lên đức thánh Mẫu tại đền.
Ngày hôm ấy cả gia đình cụ Tiết xuống thuyền tới đền Mẫu.
Nước hồ xanh ngăn ngắt. Nhụ ôm cái lồng chim ngắm nhìn phong cảnh đẹp như tranh. Phía bên phải hồ và sông Son là vùng đồi thấp cùng những thung lũng, cánh đồng. Nơi đấy có làng Cổ Đình, đồn điền Messmer và những làng mạc khác. Phía bên phải sông hồ là những rặng núi nhấp nhô thấp cao, trùng trùng điệp điệp, toàn bộ bao phủ bởi những cánh rừng.
Thuyền bơi nhẹ nhàng, lướt nhanh trên mặt hồ biếc. Sớm nay không có gió, mặt hồ lặng tờ, chỉ có sóng lăn tăn nên bơi thuyền rất nhẹ. Thuyền bơi ngang qua đảo Chim, một hòn đảo nhỏ nơi đó trú ngụ đủ cò, vạc, giang, sếu. Chúng kêu vang ríu rít. Đến ngã ba, nơi gặp gỡ giữa sông Son và hồ Huyền. Mùa này hồ còn đầy, nước bên trong chảy ra sông. Tới chỗ hợp lưu, con sông Son bên đục bên trong. Một bên xanh thẫm, một bên đỏ hồng. Trông dòng nước thật lạ và đẹp.
Vì lên đền Mẫu thuyền phải ngược dòng, nên tới đây phải hai người chèo đò, một ở mũi một ở lái. Cu Điều đứng đằng mũi. Cu cậu đang đông sức nên chèo đò chẳng biết mệt. Nó còn khoái chí hát hỏng. Cái giọng mới vỡ của nó cất lên ồ ồ ngân nga.
Đục trong nứơc chảy đôi dòng
Anh xuôi Cổ Đình em có muốn theo?Một cô gái choai choai cắt cỏ bên sông đáp lại:
Cổ Đình hồ nước trong veo.
Sợ gì trong, đục mà chăng theo anh về.Cái Nhụ nguýt dài: “Rõ nỡm”. Còn mọi người cười ran. Cụ đồ Tiết mỉm cười, vuốt râu. Ông già liếc nhìn cái dáng vạm vỡ của thằng cháu đích tôn rồi lại nhìn cái đáng thon thả cửa Nhụ. Cô gái vẫn lặng im ngồi ôm cái lồng chim, hết nhìn trời lại nhìn nước. Dòng sông đỏ phù sa vỗ oàm oạp vào mạn con thuyền đang rẽ sóng tiến lên. Nó tạo thành một vết nước dài trắng xóa, trông như một con rắn trắng đang bơi trên dòng sông màu đỏ. Cu Điều mặc bộ quần áo nâu sẫm, trên đầu bịt chiếc khăn đỏ. Dáng cậu trai tơ vạm vỡ đứng vươn cao ở mũi thuyền lại càng làm cho Nhụ liên tưởng đến cái mào đỏ của con rắn trắng. Nhớ hôm nào Điều kể cho cô nghe chuyện đôi rắn thần ở gốc cây đa. Điều bảo rằng đôi rắn trắng huyền thoại, đôi "ngựa ngài" thỉnh thoảng lại từ gốc đa xuống hồ thuyền. Các ngài ngụp lặn tung tăng thỏa thích trên hồ rồi theo sông bơi lên núi Mẫu. Điều còn bảo đôi rắn lên đền Mẫu vì thực ra chúng là ngựa ngự của Mẫu thượng ngàn…
Nhụ đang mải suy nghĩ mung lung, chợt thấy con chim trong lồng giãy giụa. Nhụ hé mở tấm lụa ra nhìn. Đôi mắt lóng lánh của con chim gáy cứ chăm chăm nhìn Nhụ như muốn hỏi. Hình như đôi mắt trong veo kia như muốn chất vấn: "Đưa tôi đi đâu thế này?". Nhụ vỗ nhẹ vào chiếc lồng son như để an ủi con chim trời, như để trả lời nói bằng những ý nghĩ thầm thì trong tâm tưởng: “Chim ơi! Em đừng sợ. Ông nội đã nói với chị rồi. Ta mang chim lên đền để em được hầu hạ Thánh Mẫu. Làm lễ xong, ông nội sẽ gõ ba tiếng trống. Cha ta thì đánh đàn, còn ta sẽ hát bài hát dâng. Sau ba tuần hương, ông nội bước ra hiên, mở chiếc lồng son. Chim sẽ bay lên cây cáo của cô Bé Suối, hoặc đậu trên cây sung cô Chín đền Sòng. Cô Bé rất kheo dạy muông thú: Cô dạy voi kéo gỗ, đẩy công mua xòe, dạy chim bách thanh hót đủ trăm giọng. Cô sẽ dạy cho chim cu cườm gáy vang rừng, để muôn loài nghe tiếng gáy của em đều ngẩn ngơ như bị bắt mất hồn. Em sẽ tự do bay nhảy, tha hồ làm tổ trên cây, sẽ ngày đêm hầu hạ bên Thánh Mẫu”.
Đắm vào suy nghĩ, con thuyền đã cập bến lúc nào chẳng hay. Mọi người lên bờ. Núi Mẫu chỉ cách bến chừng vài trăm mét. Núi Mẫu không cao lắm, chỉ khoảng hơn trăm mét. Đó là quả núi lẫn đất và đá. Trên núi cây rừng um tùm. Đền Mẫu nằm trên đỉnh núi. Cổng đền chỉ đơn giản là hai trụ gạch cao. Qua cổng đến lối lên dốc. Người ta xếp đá thành những bậc dẫn lên đỉnh núi. Đặc biệt trên đầu lối đi là một vòm cuốn toàn lá. Người Cổ Đình khéo léo trồng hai bên hai hàng cây ô rô, rồi vít những cành cao lại giao nhau để tạo thành thứ vòm xanh thiên nhiên. Lối đi trong vòm mát rượi. Nắng rọi qua vòm lá đổ những vệt vàng lốm đốm trên những bậc đá. Lên đến lưng chừng núi mới hết con đường vòm. Đến đây bậc đá vắt qua một rừng thông. Hết rừng thông đến rừng trám. Hết rừng trám ta kết thúc đường hành hương.
Ngôi đền Mẫu hiện ra uy nghi, ngói phủ rêu phong, nằm chính giữa đỉnh núi, giữa những cây giẻ. Một cây ngọc lan cổ thụ ở đầu hồi bên phải tỏa hương thơm ngát. Nhụ không vào nhà chính điện vội, cô đến thảm bà tổ cô. Cụ già vẫn còn minh mẫn. Cụ ngồi trên chiếc ghế mây có tay vịn đặt trên chiếu. Tóc trắng như bông buộc gọn sau gáy. Đôi mắt sáng, hau háu nhìn cô bé. Đôi mắt vẫn tươi như còn thoáng đọng lại những nét đẹp của thời xa xưa. Nhụ quỳ trên chiến chắp nay cúi lạy:
- Con xin chào tổ.
Bà cụ già cười bằng cái miệng móm mém chẳng còn răng:
- Ta nhớ rồi. Hôm xưa, con đã hát cho ta nghe.
- Thưa tổ vâng ạ. Hôm nay con đến dâng lễ vật lên đức Thánh Mẫu.
Bà cụ gật đầu rồi dặn:
- Hôm nay con hát hầu thánh. Phải hát cho thật hay. Rồi chợt mắt cụ nhìn con chim gáy trong lồng. Cụ vẫy tay với con chim và nói:
- Con nhớ để cái lồng sát vào hộc thờ, chỗ có bức tranh ông hổ ấy. Con đã nhớ chưa?
Nhụ ngớ ra không hiểu cụ tổ muốn nói gì. Bà Mùi lúc ấy cũng có mặt, liền đỡ lời:
- Thưa Tổ. Con sẽ bảo cháu làm đúng lời tổ.
Còn Nhụ, cô chỉ biết gật đầu trước cụ già đại thọ, con người cô vừa yêu mến vừa sợ hãi. Ở con mắt cụ như toát ra một ánh sáng kỳ bí nhiệm màu mà với độ tuổi như cô làm sao hiểu nổi.
Nhụ đi qua chiếc sân rộng, leo lên ba bậc thềm vào gian chính điện. Cô sững người ngắm nghía tòa thánh điện rộng lẫy. Trên bàn thờ hậu cung cao vót là tượng thánh Mẫu sơn son thiếp vàng phủ khăn đỏ. Phía dưới là hương án trên bầy đỉnh, bát hương to và hai giá nến. Ngoài cùng là chiếc bàn xây bằng gạch, có vòm cuốn đỡ bên dưới. Ở tận cùng vòm cuốn là bức phù điêu hắc hổ, một bức tranh sơn khắc. Ngồi trên bệ hầu trước điện nhìn vào ta tưởng như ông hắc hổ đang ngồi trong hang để bảo vệ cho thánh Mẫu. Bà Mùi vẫy Nhụ lại. cầm lấy lồng chim đặt sát vào hang và nói:
- Lúc nãy cụ tổ dặn con đặt chiếc lồng chim vào chỗ này. Bây giờ con đã hiểu chưa?
- Con hiểu.
Nhụ trả lời song thực ra cô cũng chẳng hiểu tại sao phải đặt chiếc lồng chim vào chỗ đó.
Rực rỡ và uy nghi nhất là hai chiếc dầm vượt trên cao. Ở mọi nhà, hai chiếc dầm vượt thường để bám bụi bặm. Riêng ở đây, chúng bóng lộn, chứng tỏ thường xuyên được lau chùi. Sở dĩ như thế, vì nằm bên hai cây gỗ dài ấy có hai con rắn trắng bằng vải, to như cổ tay, mào đỏ, uốn khúc như hai con rồng bám vào gỗ. Đó là hai chú “ngựa ngài” đứng hai bên nhìn vào hậu điện chầu Thánh Mẫu. Các chú vừa là vệ sĩ vừa là ngựa cưỡi của các vị thánh. Ở hai phía tả hữu và bên trên bệ hầu, còn treo những chiếc nón chóp, nón thúng và những lẵng hoa. Những chiếc nón được giắt hạt cườm và những chiếc kính nhỏ xíu. Phía dưới nón là những quai thao, tua vàng, tua đỏ rủ xuống theo gió phất phơ. Bà Mùi thắp hết đèn nến. Những chiếc nón chợt óng ánh lộng lẫy.
Có hai bức tranh lớn được vẽ lên tường. Bên trái là tranh ngũ hổ. Bên phải là tranh Thánh Mẫu. Nhụ rất thích bức thứ hai này. Mẫu đang ngự trên chiếc võng điều được chăng giữa cây táo và cây sung. Chim họa mi đậu trên vai Mẫu. Trên cành sung phía bên phải con vượn nhỏ nghịch ngợm đánh đu. Mười hai cô nàng đứng hầu. Cô cầm quạt, cô cầm hương, cô đánh đàn, cô cầm khay cầm chén... Phía dưới bức tranh là cảnh núi rừng bao la. Và trên rừng là một đôi hài đang bay. Thật đúng như sự tưởng tượng của Nhụ về Thánh Mẫu trong giấc mơ.
Ở nước ta, đạo Mẫu thờ tứ phủ, tức là bốn Mẹ: Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước và Mẹ Người. Mẹ Trời là Mẫu Thượng Thiên. Mẹ Người là Mẫu Liễu. Mẹ Nước là Mẫu Thoải. Mẹ Đất rừng là Mẫu Thượng Ngàn.
Đền thờ Mẫu nhiều lắm ở khắp mọi nơi. Đạo Mẫu là đạo dân gian. Trừ một vài đền lớn còn phần đông các đền thờ đều nhỏ, vì không được vua chúa khuyến khích đỡ đầu còn dân lại quá nghèo. Thường thường dân tìm một nơi phong cảnh hữu tình, kỳ thú, rồi lập đền. Có sông có núi có cỏ cây hoa lá lại thêm cái hồn của con người thành kính tỏa vào đó, các ngôi đền trở thành nơi dung chứa những khát vọng và nỗi niềm của mọi người dân quê nghèo khổ, những nơi ấy tất trở thành chốn linh địa. Nơi nào không lập được đền riêng rẽ, người dân kết hợp luôn vào chùa làng, đình làng. Đằng trước thờ Phật thờ thánh trong tòa đại điện, đằng sau thờ Mẫu trong toà điện nhỏ. Ở giữa điện, trên cao, thường treo bức hoành phi có bốn chữ “mẫu nghi thiên hạ". Cái tôn giáo dân gian ấy đã an ủi bao tâm hồn cay cực của nông dân. Nhưng nó vẫn bị ghẻ lạnh hắt hủi. Thân phận đạo Mẫu chẳng khác gì số kiếp của những người đàn bà của quê hương chúng ta. Tuy ngôi đền nhỏ bé, nhưng cũng vẫn la nơi hương khói quanh năm cho Mẫu. Người dân quê giàu nghèo đều tri ân Mẫu. Mẫu là hồn của đất, Mẫu là cơm gạo ta ăn, cho hoa trái bốn mùa tươi tốt. Những bài hát văn đều ca tụng công ơn. Mẫu dạy chim hót, dạy công múa quạt dạy voi kéo gỗ, dạy hùm thiêng canh giữ nứt rừng, dạy con người biết xót thương… Những vị nhà Nho thường bài trừ đạo Mẫu, cho là cúng bái quàng xiên. Song chẳng hiểu tại sao cụ đồ Tiết lại không bao giờ báng bổ đạo Mẫu. Ông nói với Nhụ: “Mẫu cho ta tất cả”. Bố Trịnh Huyền cũng nói những lời tốt đẹp về Mẫu với con gái. Cả mẹ, người đàn bà bạc mệnh ở dưới suối vàng, cùng với ông ngoại cũng thế. Còn Nhụ, em chỉ hát những lời ca về Mẫu từ thuở ấu thơ, em chưa bao giờ đi lễ; tuy nhiên cứ mỗi lần nghĩ về Mẫu, lòng em lại thấy rưng rưng. Cứ như thể Mẫu đối với em rất thân thiết, gần gũi, mặc dù em chưa bao giờ giáp mặt...
Các tín chủ và dân làng lần lượt kéo đến. Mọi người đều ăn mặc tươm tất. Người ta chuẩn bị sắp xếp đồ lễ vật lên ban thờ. Cô Mùi mặc váy lĩnh tía, áo dài mấy lớp, bên trong mặc áo lụa bạch, lớp giữa là áo màu hồng, bên ngoài là áo màu đỏ sẫm, ngoài cùng phủ một chiếc áo đen bằng băng thưa để làm dịu bớt màu đỏ chói chang bên trong. Cô Mùi niềm nở tiếp khách. Trông cô thật tươi tắn, nền nã. Những người làng đến cuối cùng vẫn tíu tít ngoài sân. Nhụ và Trịnh Huyền kính cẩn quỳ lạy trước điện thờ, sau đó mới ra ngồi xuống chiếc chiếu bên trái bục hầu bóng. Ông Trịnh Huyền so dây dạo thử một khúc lưu không. Một bà đồng già trong làng làm lễ cúng thỉnh, đọc dâm câu kinh và đang sớ.
Sau lễ cúng thỉnh, cô Mùi chuẩn bị khăn chầu áo ngự. Các cô hầu đâng trang điểm cho bà đồng chính, sắp xếp vật dụng cho các giá đồng sẽ lần lượt diễn ra.
Ông Huyền bắt đầu đánh đàn. Tiếng đàn nguyệt của ông thật điêu luyện. Mọi con mắt đều đổ vào nhìn người cung văn. Đã lâu lắm tiếng đàn mới lại vang lên ở ngôi đền này. Đã vài năm qua, dân ở đây cứ phải ngồi đồng chay, không có tiếng đàn câu ca, từ khi ông cung văn cũ qua đời. Phải có tiếng trống, tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn, các cuộc hầu thánh mới thực sự là cuộc ngồi đồng. Khói hương thì ở đâu chả có. Song khói hương chưa đủ. Phải có đờn ca mới làm vơi nhẹ tâm hồn, mới dẫn dắt con người đi đến chỗ thăng hoa, siêu vượt ra khỏi cõi tục, mới rửa sạch được bụi bặm của kiếp nhân sinh. Người ta thì thầm với nhau:
- Sao lắm kẻ cứ đồn nhảm. Ông Huyền này đúng là người tỉnh Nam. Người Nam mới đàn hay đến thế.
Tiếng phách của Nhụ cũng giòn tan. Cái trống cơm thỉnh thoảng lại điểm xuyết vài tiếng bập bung rất có duyên. Giọng của Nhụ bỗng cất lên, lảnh lót như tiếng họa mi. Dân làng hôm nay đến đây dự hầu bóng rất đông. Phải nói trong họ không thiếu gì kẻ tò mò, có người chủ yếu đến nghe cha con Trịnh Huyền đàn hát. Hầu bóng ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, còn là cuộc vui hiếm khi xảy ra ở làng quê. Ítt lâu nay, tin đồn về Trịnh Huyền cung văn giỏi của xứ Nam đến làng vẫn là điều bán tín bán nghi. Người làng muốn tận mắt xem hư thực ra sao. Trong đám người đến dự không có lý Cỏn nhưng có mặt bà Hai, bà Ba. Ở đồn điền, cũng nhiều người cất công đến xem, trong số họ chắc chắn có nhiều thuộc hạ của Julien. Giọng Nhụ vang lên bài văn công đồng thỉnh mời chư thánh.
Thỉnh mời tứ phủ khâm sai.
Thủ đền công chúa đáng tài thần thông.
…
Thỉnh mời bát bộ sơn trang.
Bên thời thập nhị tiên nương chầu vào.Nghe giọng hát ấy người ta xuýt xoa, nức nở khen. Cụ đồ Tiết cũng hài lòng ra mặt. Như vậy là cuộc trình làng của Trịnh Huyền thành công. Người ta chẳng có cớ để nghi ngờ Huyền nữa. Rõ ràng con trai cụ, anh Phác ngày xưa có biết đàn hát gì đâu. Còn Huyền đánh đàn điêu luyện. Chỉ có người chân truyền tổ, gốc thành Nam mới đàn được như vậy thôi.
Cuộc hầu bóng đã bắt đầu. Một ông già đánh ba hồi trống. Con gái cụ đồ, bà đồng Mùi ngồi trên chiếc chiếu cạp điều. Người hầu dâng trùm khăn đỏ lên đầu bà. Mới đầu bà đồng chỉ lắc lư, rồi cái đầu xoay tròn. Tiếng đàn vê tít ở cung bậc cao. Đèn nến lung linh. Hương khói mù mịt. Con người đã nhập vào một thế giới khác hẳn. Bà Mùi chợt lắc đầu, hất chiếc khăn đỏ tung ra. Bà đang hầu giá cô Chín. Cô mặc áo hường. Cô chít khăn đỏ. Tay cô cầm quạt. Tay cô cầm hương. Cô yểu điệu múa nhịp nhàng cùng với tiếng đàn... Cô hầu đức Mẫu. Cô đưa võng bỗng tít lên chín tầng mây. Giọng hát của Nhụ cũng bay vút lên theo:
Đức Mẫu ngự chín tầng mây.
Cô nay mắc võng ngự rày cây sung.Rồi tiếp theo:
Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa.
Thêu loan thêu phượng cô thêu ra đôi rồng chầu.Anh cu Điều đã nghe câu hát này ở giữa cánh đồng. Ô hay! Sao hôm nay câu hát nghe khác hẳn đi. Và phải ở trong không khí hôm nay Điều mới thực hiểu thế nào là dệt gấm thêu hoa. Đó là gấm hoa cả ở trong cung đàn thánh thót nâng hồn người bay lên. Đó là những đám mây vờn quấn quýt trong khói hương như sương núi giăng giăng. Đó cũng là cái óng ánh của lụa hồng gấm đỏ. Đó cũng là lung linh chập chờn ánh nến, cộng với tiếng hú, với nhịp nhún nhảy làm cho người nghe có thể mường tượng ra cô Chín đang đánh võng cùng tiếng họa mi. Đó còn là tiếng ngân nga vừa thanh vừa giòn vừa nãy của Nhụ, thật không ngờ một cô gái chăn bò, giữa đám đông cả làng lại dám mạnh dạn hát tài đến thế. Tất cả như muốn dìu ta vào cõi ảo, vừa thanh thoát vừa vơi nhẹ. Ở đây, con người như được gột rửa sạch sẽ mọi tục lụy để trở nên thanh thản... Đến cả Điều, một chàng trai mạnh mẽ không chút mơ mộng, cũng cảm thấy mình đang lạc vào một cõi khác.
Ba tiếng chuông ngân. Bà Mùi giơ tay ra hiệu. Ông Huyền lập tức chuyển giọng hát sang bài văn về chầu Mười Đồng Mỏ. Chầu Mười là một nữ tướng thời Lê Lợi. Giọng hát Xá thượng khỏe mạnh, rộn ràng làm mọi người náo nức:
Gặp thời Thái Tố trung hưng
Theo vua dẹp giặc Liễu Thăng hàng đầu
Chầu Mười trấn giữ các châu
Sơn trang tám tướng nói chầu ra binh.Chầu Mười mặc áo xanh chít khăn xanh. Chầu Bà múa kiếm rất dẻo. Cô hầu dâng xuýt xoa:
- Tấu lạy chầu bà! Chầu xinh đẹp quá. Chầu oai phong lẫm liệt. Cung văn hát hay. Xin chầu ban tài phát lộc cho cung văn.
Chầu Mười hiền từ quay sang Nhụ, cho cô một đồng xu. Chầu vốn là người thân con của Mẫu. Cho nên chầu nói tức là Mẫu nói:
- Con là đứa con ngoan của Mẫu. Người cho con xinh xắn. Cho con đôi bàn tay dệt gấm thêu hoa. Cho cả giọng hát hay chẳng ai bì kịp. Dặn con điều này: gắng mà nhớ lấy: “Khi nào mưa to gió lớn, con cũng đừng sợ. Hãy cầu xin. Mẫu sẽ đến che chở cho con”.
Chầu Mười còn gửi lời Mẫu phán bảo cho nhiều người khác. Riêng Nhụ, cô cứ băn khoăn mãi lời dạn: “Bao giờ mưa to gió lớn...”. Không hiểu câu tiên tri ấy nghĩa là gì nhỉ?
***
Trong khi đám lên đồng tại đền Mẫu đang lúc tưng bừng, thì ở ngôi nhà lớn đồn điền Messmer, Julien nói với Pierre:
- Đời sống dân An Nam này thật sự còn nguyên thủy. Vắng chúng ta, họ toàn làm điều ngốc nghếch. Hôm nay, họ kéo nhau tới một ngôi đền núi. Họ làm lễ tế thần linh, rồi nhảy múa điên rồ như những người dân châu Phi, mà một lần đi qua em đã thấy.
Pierre cười mỉm và hỏi bằng cái giọng như chế nhạo:
- Thế ở đây, họ có đánh trống bập bùng như người da đen không?
- Điều đó em chẳng biết. Song chắc chắn đây là một tà giáo.
- Tà giáo ư? - Pierre đang đọc sách bỗng đặt cuốn sách xuống, rồi nói một cách mơ màng. – À… Phải rồi... Chính tôi cũng đã chịu ơn họ, chịu ơn một tà thuật của họ nên đã không trở thành một kẻ rồ dại. Không biết tôi đã kể chuyện ấy với chú chưa nhỉ?
- Anh đã kể rồi… Hồi ấy em còn ở Pháp đang học trường sĩ quan...
- Thế còn câu chuyện cúng lễ trên núi Mẫu như hôm nay?
- Anh chưa nói
- Thế là chú chưa được tận mắt trông thấy. Vậy tôi biết nói với chú thế nào đây? Còn tôi, tôi đã được dự một cuộc hành lễ của họ như hôm nay. Không phải giống như người châu Phi đâu. Họ không đánh trống bập bùng. Chủ yếu họ đàn và hát. Đạo của họ thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước. Họ nói đó là đạo Người Mẹ. Có thể nói gọn, đó là đạo thờ khí thiêng của thiên nhiên, thờ người Mẹ đã sinh ra thế gian này. Thờ như vậy tức là thờ những điều cao quý nhất. Đâu có phải tà giáo. Họ say sưa đánh đàn với những giai điệu tuyệt mỹ, rồi họ hát, đốt hương trầm và nhảy múa. Bây giờ chú là người chủ chốt điều hành mọi công việc của đồn điền, cũng có thể nói của cả vùng này. Chúng ta rất cần sự đồng tình của người dân bản xứ. Chú nên nghe tôi. Nên tôn trọng mềm tin của họ, nếu ta muốn họ đặt lòng tin vào chúng ta.
Julien rất bình tĩnh nghe người anh nói. Ông ta chứng tỏ những suy nghĩ của mình không phải một định kiến, mà là những điều đã suy xét, đã cân nhắc.
- Còn em, em không có lòng tin đối với họ. Hãy quan sát họ mà xem. Khi gặp chúng ta, người bản xứ đều khúm núm, sợ sệt nịnh nọt. Nhưng ở sau lưng chúng ta, họ luôn âm thầm tạo những âm mưu. Em không thể tin họ được vì em đã có kinh nghiệm đau xót. Câu chuyện xảy ra cách đây năm bảy năm. Lúc đó em mới ở Pháp sang. Một thiếu úy mỏ trắng, hoàn toàn tin vào lý tưởng khai sáng của người Pháp, và còn tin rằng người bản xứ rất biết ơn xứ mẹ. Lúc bấy giờ quân phiến loạn Đề Thám từ Yên Thế tràn sang Thái Nguyên và Phúc Yên. Họ bắt cóc một viên chức người Pháp tên là Voisin làm con tin. Toàn quyền Pháp ra lệnh cho quân đội phải cứu bằng được Voisin. Lúc đó, ta điều động hơn hai trung đoàn đi cứu. Em làm phó cho đại úy Pertuis, chỉ huy một đại đội lính truy kích quân Đề Thám. Quân phiến loạn bí mật kéo binh lên núi Sáng Sơn. Quân Pháp bao vây hòn núi, triệt đường tiếp lương của họ. Quân Đề Thám phải phá vòng vây, rút chạy từ làng này qua làng khác. Đại úy Pertuis ra lệnh triệt hạ đốt một ngôi làng, vì làng này đã che chở cho phiến quân. Lúc ấy, Pertuis nói với em: “Không được thương xót, nhân đạo với người An Nam, bởi vì họ là những người phản phúc. Nếu ta nhân đạo với họ, tức là ta đang tự vẫn”.
Đuổi đến Kim Anh, Phúc Yên, thì Đề Thám thả Voisin. Người Pháp phấn khởi lắm. Nhất là khi họ biết quân phiến loạn đang đóng binh ở làng Hiền Lương. Chúng tôi vây Hiền Lương. Khi chúng tôi đến, các cụ già trong làng bày hương án ở gốc đa trước cửa đình đón tiếp. Họ xì xụp quỳ lạy các quan lớn. Cho đến cả Pertuis là người cứng rắn và cảnh giác nhất cũng phải mềm lòng. Chúng tôi yên trí quân phiến loạn hoàn toàn hết sức kháng cự và hành động khúm núm của các ông già chứng tỏ họ đã đầu hàng. Quân lính Pháp xông vào làng. Chúng tôi đã lọt vào một mê hồn trận của những con đường ngõ xóm quanh co. Chỗ nào cũng là những bụi dứa dại, lũy tre và hồ ao. Lúc đó phiến quân mới nổ súng. Đại úy Pertuis bị trúng đạn, tử thương. Lúc tàn trận đánh, ông hấp hối trên tay em, còn trăng trối những lời: "Tôi đã tin họ, tôi đã nhân đạo. Và tôi đã chết…” Từ dó em luôn luôn cảnh giác với người bản xứ…
Pierre nhớ dài.
- Bạo tàn chống lại bạo tàn. Đó là chiến tranh.
- Đúng. Em chỉ tin vào sức mạnh thôi.
Pierre ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nhận xét:
- Chú Julien và anh Philippe đều rất giống nhau ở một điểm: Cả hai người đều là những nhà thuộc địa chính cống. Cả hai người đều muốn giương cao lá cờ Pháp trên đất nước này.
- Còn điểm khác nhau?
- Khác nhau ư? Khác ở chỗ anh Phihppe đã tờ mờ thấy sức mạnh cũng có giới hạn của nó. Bằng chứng là anh chúng ta đã lấy bà Mùi. Anh ấy muốn hòa đồng với người bản xứ. Còn chú, chú vẫn tin vào sức mạnh.
- Thế còn anh thì sao?
- Tôi ư? Tôi là thứ chiên lạc loài. Tôi đến xứ này. Tôi ở lại đây. Sở dĩ thế vì tôi thấy nó đẹp. Tôi bị cuốn hút bởi cái đẹp mê hồn của xứ nhiệt đới. Và tôi muốn tôn vinh cái đẹp phương Đông ấy. Tôi không tin ở sức mạnh.
Julien cau mày:
- Cái đẹp nhiệt đới ư? Phương Đông kỳ ảo ư? Tôi nghi ngờ những điều đó. Ở đây có rất nhiều điều làm tôi ngờ vực. Trong cái chết của anh chúng ta, anh Philippe, anh không thấy có điều đáng nghi sao? Bà Mùi là con gái ông đồ Tiết. Mà gia đình ông đồ già này thì sao? Đồ Tiết đã bị chúng ta bắt đi tù về. Con cả là Chất, phiến quân chết ở xứ Mường. Con thứ hai là Phác hiện nay mất tích. Rồi đột nhiên lại thấy xuất hiện một anh chàng mặt mày quái gở tự xưng là cháu ông đồ. Anh không thấy gia đình này đáng nghi vấn hay sao? Trong óc em lúc này lởn vởn mấy câu hỏi: Liệu anh Philippe chết có phải do bệnh không? Liệu Hai Phác có thực sự mất tích không? Còn anh chàng Trịnh Huyền kia thực sự là ai?
- Ôi? Người em sắc sảo và đầy hoài nghi của tôi! Tại sao em không muốn sống yên ổn với những con người hiền lành ở đây? Tại sao em không thể mềm dẻo hơn với họ. Anh không là người đi chinh phục, nhưng anh nghĩ chỉ có thể chinh phục được kẻ khác bằng sự hiền hòa thôi…
Julien cười:
- Xin ông anh cứ yên tâm. Bàn luận là một việc. Còn thực hành lại là chuyện khác. Em đâu phải kẻ ngờ nghệch. Dù sao em cũng còn biết sử đụng đôi bàn tay nhung lụa nữa chứ.
Pierre lắc đầu:
- Ôi! Tôi đến khiếp đảm đôi bàn tay nhung lụa của chú.
Hai anh em cùng cả cười. Chính lúc ấy lý Cỏn và quản Láu bước vào. Julien hất hàm hỏi:
- Lúc này ở núi Mẫu họ đang làm gì?
- Dạ, họ đang ngồi đồng. - Quản Láu trả lời.
- Có mặt những ai? - Julien quay sang hỏi lý Cỏn.
- Bẩm quan lớn đủ mặt. Cả đồ Tiết, cả Trịnh Huyền, cả bà Mùi...
- Các ông để ý Trịnh Huyền ra sao?
- Bẩm nó đánh đàn rất giỏi. Ở đây chẳng có ai đánh đàn hay thế. Cả con bé Nhụ hát cũng rất hay. Đúng là giọng xứ Nam. Bẩm, ai cũng thấy họ đúng ở xứ Nam tới.
- Cứ hãy biết thế. Dù sao cũng phải điều tra thật kỹ. Không thể để lọt lưới. Ông nên biết, có mặt tôi ở đây, tôi quyết không cho một tên phiến loạn nào giả trang mò tới. Bây giờ, tôi cần đích thân lên đó xem sao. Thuyền bè chuẩn bị ra sao rồi?
Quản Láu thưa:
- Dạ, đã chuẩn bị sẵn sàng. Một chiếc ca nô đang chờ dưới bến.
Họ vội vàng đi ra bờ sông. Vì đi bằng thuyền máy nên chỉ mươi phút sau, họ đã tới Mẫu Sơn. Julien cùng đám bộ hạ thoăn thoắt leo lên đỉnh núi.
Cuộc ngồi đồng đang đi tới đoạn kết. Trịnh Huyền đánh đàn bằng cảm hứng dạt dào nhất. Càng dạt dào hơn vì đến giữa buổi bắc ghế, ông chợt thấy sau gáy mình nóng bỏng như có lửa đất. Quay đầu lại, ông chợt nhận ra đôi mắt sáng của bà ba Váy đang như muốn nuốt từng âm thanh của tiếng đàn. Ông mỉm cười trong lòng. Ngón tay ông bỗng dẻo hơn, nhanh nhẹn hơn. Chúng như nhảy múa trên các phím đàn. Rồi những ngón tay ấy cũng bỗng trở nên tinh tế hơn. Chúng nhấn, chúng luyến, chúng rung rất uyển chuyển. Chúng tạo ra những sắc độ âm thanh rất mỏng manh, những cao độ thay đổi cao thấp rất tinh vi mà tưởng chừng chưa bao giờ ông có thể làm được. Có thể nói, một người sành sỏi nếu nhắm mắt, định thần, lắng tai nghe có thể thấy ở đó âm thanh của tiếng họa mi ríu rít, hoặc tiếng líu lo uyển chuyển của con khướu bách thanh bà chúa âm thanh của núi rừng.
Đã hết các giá đồng. Ông cụ già râu bạc đã ra thỉnh chuông chuẩn bị làm lễ tạ. Theo đúng trình tự, ông đồ Tiết sắp sửa mang chiếc lồng son ra hiên, rồi mở cửa lồng phóng sinh, thả con chim gáy cho nó bay ra khu rừng giẻ trước cửa đền. Con chim rồi sẽ kết hợp với một con mái lẻ loi nào đó làm tổ định cư trên khu rừng giẻ, để sớm tối cất tiếng hót hầu hạ Thánh Mẫu. Và thế là ý nguyện của ông già được thỏa.
Nhưng khi hồi chuông vừa dứt, bỗng có tiếng giày lộp cộp và tiếng huyên náo ngoài sân đền. Ông già đưa mắt nhìn ra. Julien và thuộc hạ đang tiến vào nội điện. Bằng cái giọng oang oang, lơ lớ, người Tây nói:
- Tôi... xin chào... tất cả bà con.
Giọng nói của ông ta cất lên làm cuộc hành lễ bỗng nhiên bị cắt ngang, dừng lại đột ngột. Mọi người ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Còn Julien, cái giọng lơ lớ của ông ta rất nghiêm khắc:
- Tôi… là quan Tây… chủ đồn điền… và quan trên giao cho chịu trách nhiệm... vùng này. Ai làm gì... phải xin… phép... ông lý... phải xin phép tôi. Các người ngồi đồng... đã xin phép... tôi chưa?
Bà Mùi đứng ra, rất mềm dẻo:
- Bẩm quan lớn Julien… Xưa nay, ngồi đồng chưa bao giờ phải xin phép. Hồi ông Philippe còn sống, chúng tôi hàng năm xuân thu nhị kỳ ngồi đồng, chưa bao giờ ông Philippe ngăn cấm.
- A... bà Mùi... Trước kia, ông Philippe là chồng bà làm chủ... Bà là ma-đam của ông ấy... Dĩ nhiên không phải xin phép. Còn bây giờ tôi là chủ đồn điền... Đối với tôi, cần phải xin phép...
Trả lời xong, Jullien có vẻ đắc ý. Hắn nhìn sang phải, nhìn sang trái ngó trong ngó ngoài ngôi đền. Hắn quan sát kỹ càng. Bỗng nhìn lên trên thấy đôi rắn trắng bằng vải quấn quanh hai chiếc dầm vượt. Mắt hắn dừng lại ở đôi rắn trắng. Hắn nhíu mày, giơ cái roi da mà lúc nào hắn cũng cầm trên tay chọc vào con rắn rồi nói:
- Sao lại... Thờ con rắn?
Bà Mùi tức giận quát to:
- Không được động tới "ngựa ngài".
- Hơ hơ hơ… Ngựa ngài! Rắn là tà thần!... Nào… ông lý Cỏn đâu… ông Láu đâu?...
Có tiếng dạ ran.
- Xin nhờ các ông… Tháo đôi rắn này xuống…
Lý Cỏn và quản Láu líu ríu:
- Thưa quan lớn… Xin đừng… Xin quan lớn tha cho…
- Sao?... Các ông không dám hả? Nếu thế, có ai dám bóc xuống… Ta sẽ thưởng… Không ai dám… hả? Vậy thì… Ta dám. Các ngươi mở mắt ra mà nhìn.
Julien nói xong, bắt hai tên lính công kênh hắn lên cho đủ độ cao, rồi lần lượt giật hai con rắn vải vứt xuống đất, trước mắt dân làng. Mọi người kinh ngạc, ồ lên vì hành vi báng bổ quá đáng, chưa từng bao giờ xảy ra. Tất cả đều như trời trồng, không biết phản ứng ra sao. Cô đồng, cung văn, các con nhang đệ tử đều giạt ra hai bên, ngơ ngác nhìn người Tây cao lớn đứng trên bệ gian chính điện đang như một hung thần hoành hành chẳng chút kiêng nể. Hắn cười và bảo mọi người:
- Chúng tôi đến đây... để khai sáng văn minh cho mọi người. Tôn giáo là tốt đẹp, như đạo Phật, đạo Thiên chúa… Mọi người đừng mê muội, mê tín quàng xiên… Thờ rắn là tà giáo… Đấy… Tôi dám làm... Mà có bao đâu…
Julien nhìn đôi rắn vải nằm lăn quay trên bệ hầu bóng. Đôi mắt hắn lại chợt nhìn thấy chiếc lồng chim phủ lụa đỏ đặt trong cái hang nơi có tranh thần Hắc hổ đang nhìn vào mặt hắn. Julien hỏi:
- Các người còn thờ phụng con vật… gì nữa đây?... Để ta xem nào.
Nói xong, hắn tiến lại gần chiếc lồng son. Bệ hầu bóng xây đến sát chân cái hương án cũng bằng gạch. Mặt hương án được đỡ bằng bốn chân gạch tạo ra ba vòm, mà vòm giữa là hang ông hắc hổ. Cái hang nửa tối nửa sáng, song nhìn vào ta vẫn thấy rõ hình ông hổ với đôi mắt sáng quắc. Đôi mắt ấy là hai miếng gương hình tròn, lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào mặt ta nếu ta nhìn vào hang. Chiếc lồng chim đặt trước mặt ông hổ. Do vậy, khi Julien cúi xuống lồng son, đôi mắt ông hắc hổ liền dọi vào mặt hắn bằng những phản quang giận dữ. Julien hơi rùng mình, tuy nhiên hắn cố thản nhiên mỉm cười và dùng hai ngón tay khẽ nhón chiếc khăn lên. Khi tấm lụa điều được nhấc gương mặt Julien liền lộ vẻ kinh hãi... Hắn lùi lại, và lập tức vứt chiếc khăn lụa điều xuống đất rồi kêu lên:
- A... A…
Không cứ gì Julien tất cả những người có mặt đều khiếp hãi và sửng sốt. Một quang cảnh không ai tưởng tượng nổi hiện ra trước mắt mọi người. Con chim cu cườm đã biến mất. Và thay vào đó, một cái đầu rắn rất to nằm trong lồng. Nhìn kỹ, ta thấy một con rắn hổ mang bành màu chì nửa thân hình nằm bên ngoài, còn cái đầu mắc kẹt trong lồng. Con rắn rất to, loại hổ mang chúa. Không biết con rắn ở đâu chui ra. Trong suốt cuộc hầu bóng, không một ai nhìn thấy nó. Có thể dưới chân ông hắc hổ, dưới ban thờ thánh có hang rắn. Nó đánh hơi thấy mùi chim cu cườm nên bò ra chui đầu vào trong lồng. Nhưng bằng cách nào, đầu con rắn to thế kia lại lách chui vào lồng mà con chim không hề sợ hãi giãy giụa. Phải chăng con rắn đã thôi miên con chim rồi nuốt chửng. Nuốt đến cổ thì vướng nan lồng, con rắn không thể đẩy con chim trôi xuống bụng. Cái đầu rắn cộng thêm cái cổ đựng chim nên to đùng trông rất kỳ quái. Julien nhìn con rắn chưa kịp có phản ứng. Con rắn cũng nhìn thấy Juhen, lại phản ứng tức thì. Con vật to như cổ chân, dài như đòn gánh, màu chì tỏ ra tức giận vô cùng. Con rắn cất cao đầu, tranh mang, nâng cả chiếc lồng chim lên cao. Tuy đầu rắn vẫn nằm trong lồng, nhưng nó xòe to như bàn tay trông rất kỳ dị.
Juiien tái mặt, và đến lúc ấy hắn mới đưa tay ra sườn, rút súng ngắn nhưng tiếc thay hắn không mang theo. Con rắn đã đập mạnh cái lồng xuống bệ gạch. Cái lồng bẹp rúm, nan gãy tung, giải phóng cái đầu nguy hiểm của con mãng xà. Lúc này, con hổ mang chúa hoàn toàn tự do hoạt động. Nó ngóc đầu lên cao, lắc lư, cái lưỡi thò ra khỏi miệng nhấp nha nhấp nháy. Mọi người hét lên giạt ra. Có người vùng chạy ra sân. Song hình như con rắn không chú ý tới mọi người. Nó chỉ nhằm vào Julien, có lẽ nó biết chính ông ta mới là kẻ nguy hiểm với nó.
Con rắn trườn tới. Julien phải chạy vội ra giữa sân. Hắn có ý định đối địch với con rắn, nhưng nhìn ra sau lưng hắn thấy Láu và lý Cỏn đang ba chân bốn cũng chạy xuống núi. Hắn gọi đám thuộc hạ đem súng tới, nhưng những tên lính dõng cũng biến đâu mất cả. Có lẽ tất cả đang tìm xuống chỗ đậu ca nô. Julien thấy chỉ có một mình, cũng phải chạy theo, vừa chạy vừa kêu:
- Đứng lại! Tất cả đứng lại!
Hét vậy thôi, chứ thực ra chân người Tây cũng đang phăng phăng xuống núi. Đặt chân lên càng, hắn ra lệnh cho người lái: mổ máy?".
Con rắn khổng lồ màu chì, sau khi trườn ra sân, cũng biến đâu mất trong khu rừng giẻ rậm rịt. Đám đàn Cổ Đình, những người lớn, vẫn còn đứng trong ngôi đền Mẫu; mặt họ tái mét nhưng hể hả. Họ nói với nhau:
- “Ngựa ngài” hôm nay xuất trần gian, đuổi lão Mắt Mèo chạy bán sống bán chết.
Có người còn nói:
- Bà tổ cô hàng ngày vẫn nằm trên chiếc ghế xích đu bằng mây ở gian bên. Chính cụ tổ cô đã nuôi "Ngựa ngài". Ông hắc xà này chính là kẻ canh giữ đền Mẫu. Ông hắc xà có nhiều chỗ ở. Hang hốc trên núi rất nhiều. Còn cái hang dưới chân ông hắc hổ chỉ là một chốn ở và chỉ khi nào cần thiết như hôm nay, ông hắc xà mới đến trú ngụ ở đó.
Có người lại kể những điều khó tin:
- Bà tổ cô nuôi ông hắc xà bằng thuốc phiện nên bà cụ bảo gì ông cũng nghe. Hàng ngày, cụ tổ cô vẫn bôi thuốc phiện vào một đồng bạc trắng hoa xòe và để trước hang cho rắn ngậm. Mắt tôi trông thấy trong cái lồng chim hôm nay cũng có đồng bạc hoa xòe ấy. Chắc bà cụ đã biết trước những chuyện sẽ xảy ra nên đã đặt đồng bạc hoa xòe tẩm thuốc vào lồng chim từ trước buổi lễ...
Chẳng biết những lời xầm xì ấy có đúng không. Chỉ biết rằng đến mất chục năm sau, người dân Cổ Đình còn kể cho con cháu mình nghe câu chuyện huyền thoại về ông hắc xà đền Mẫu. Và mãi cho đến ngày sau cách mạng, huyền thoại ấy vẫn là một câu chuyện hấp dẫn mà bất cứ đứa trẻ nào ở làng Cổ Đình cũng muốn nghe. Đứa nào nghe cồng há hốc mồm vì sự lạ lùng.