Về Cổ Đình, Tuấn vẽ được nhiều tranh.
Tuấn là một lãng tử, anh về Cổ Đình không có một mục đích nhất định như Huy. Ở đâu, cách sống của anh cũng chỉ là làm sao sống cho được thoải mái, phỉ chí. Trước kia, Tuấn say mê cảnh đẹp thiên nhiên. Anh bỏ trường Mỹ thuật vì ở đấy gò bó, anh không thể đi đây đi đó phiêu bạt theo ý muốn. Rời khỏi trường học, ai rủ đi đâu anh đi liền. Lên Bắc Ninh chán, anh vào Thanh Hóa. Thanh Hóa chán, anh lại ra Hòn Gai... Chuyến đi sang Tàu hụt của anh cũng thế, anh vui bạn nên đi chứ đâu có những suy nghĩ sâu xa như Huy. Ngay cả khi ở Lạng Sơn, bị Tây bắt vào đồn, nhưng thấy ở đấy cảnh quá đẹp, anh cũng ở lại với Tây đồn ít hôm để vẽ.
Đặc biệt lần về Cổ Đình này, Tuấn bỗng chuyển hướng cây cọ. Đang từ vẽ phong cảnh, anh xoay sang vẽ chân dung. Và Tuấn chợt khám phá ra một điều: vẽ chân dung rất thú vị. Đang từ chỗ phải chú ý đến toàn cảnh, đến bố cục, đến khái quát, anh quay sang chú ý đến thế giới nhỏ bé của một gương mặt. Cái thế giới bé nhỏ của gương mặt người hóa ra vô cùng phức tạp, tinh tế. Làm sao lột tả được một ánh mắt. Làm sao biểu hiện được sự rung động của một hàng mi. Làm sao bộc lộ được cái hơi thở gấp gáp của một gương mặt nhục cảm. Rồi đôi môi, vầng trán, vành tai, gò má, sợi tóc... mỗi centimét da thịt trên mặt người đều có cái thần riêng của nó. Hóa ra sự phiêu du trên gương mặt con người cũng vô cùng hấp dẫn, ở đấy ẩn chứa bao điều kỳ thú mời gọi người họa sĩ đến khám phá. Cái diện tích chỉ rộng hơn bàn tay tí chút hóa ra là cả một thế giới mênh mông sinh động. Cái địa dư một bàn tay ấy thế mà rất bao la.
Khuôn mặt đầu tiên Tuấn vẽ là khuôn mặt cụ Tú. Hôm mới chân ướt chân ráo về làng, anh bắt gặp khuôn mặt ông già và thế là anh mê mẩn thích vẽ chân dung. Hôm ấy, hình như Tuấn hơi bộp chộp, có thể nói là khiếm nhã nữa. Cũng may, cụ Tú là nhà nho rất kỹ tính nhưng lại phóng khoáng. Cụ là người không chấp chước. Ở cụ đã có thấy thấp thoáng một tấm lòng chay tịnh chân nhân, một thái độ thõng tay vào chợ an nhiên chất phác. Vì vậy Tuấn cuống cuồng si mê hội họa đến quên cả lịch thiệp, cụ cũng tìm thấy sự dễ thương, đáng yêu chứ không đáng trách. Thậm chí, mấy hôm sau, lúc Huy đi vắng, Tuấn còn tìm đến để ký họa về ông cụ. Tuấn vẽ cụ tưới lan, vẽ cụ ngồi uống nước vối ở thềm nhà, vẽ cụ xắn quần tay che đầu bằng chiếc quạt mo.
Để rồi sau đó ít hôm, Tuấn mang đến một bức họa có lẽ anh ưng nhất. Bức họa vẽ hai ông bà đứng dưới giàn bầu trĩu quả. Cụ bà đang thăm bầu. Đôi mắt sung sướng được nắng rọi vào lóng lánh. Còn cụ ông thì nhìn vợ với nụ cười. Cái quạt mo che đầu được mớ tóc bạc làm cho thêm sáng. Anh thích sự lan tỏa ánh sáng của mớ tóc bạc. Thứ ánh sáng vừa xanh vừa vàng hắt từ mái tóc sang cái quạt. Nó trườn sang cả quả bầu và ánh xạ cả vào gương mặt phúc hậu của bà cụ già. Tuấn đặt tên bức tranh là "Tình già". Nghe thế, ông cụ cười:
- Bức vẽ khéo đấy. Song việc gì anh phải đặt tên cho nó. Không hợp với người quê chúng tôi đâu.
Thời gian Tuấn say mê vẽ chân dung cũng khá thú vị. Anh hiểu rằng vẽ chân dung thật khó; không phải bất cứ họa sĩ nào cũng vẽ chân dung được. Anh cũng hiểu những khuôn mặt có cá tính như của cụ Tú bao giờ cũng dễ vẽ. Cái khó là vẽ chân dung những người bình thường, những khuôn mặt không có cá tính. Nhưng Tuấn lại cứ đinh ninh rằng gương mặt nào cũng có cá tính; chỉ có điều cá tính ấy ẩn chìm, và nhiệm vụ người họa sĩ là tìm, vẽ cho được cái ẩn chìm ấy, điều mà xưa kia vẫn gọi là cái thần thái của con người. Tuấn lao vào cuộc truy tìm những thần thái của người dân Cổ Đình. Vẽ những bà già, những trẻ thơ và những cô thôn nữ. Anh vẽ đi vẽ lại. Có những khuôn mặt anh vẽ hàng chục lần ở những góc độ khác nhau. Anh vẽ phác nhanh, đặc biệt chú trọng đôi mắt.
Một bận, Tuấn gặp Pierre Messmer cũng mang giá đi vẽ. Hai họa sĩ một tây, một ta, nhưng chỉ mới gặp đã thân thiết với nhau ngay. Pierre không nói mà chỉ cười mỉm với Tuấn. Còn Tuấn cũng vậy. Đó là hai con người hồn nhiên. Hồn nhiên có tiếng nói riêng của nó. Những kẻ hồn nhiên, chỉ mới gặp đã có thể nhận ra nhau ngay không cần nói.
Pierre mời Tuấn về ngôi nhà anh ta thuê. Ngoài chỗ ở trong đồn điền, Pierre còn thuê một ngôi nhà lá trong làng Cổ Đình để làm nơi vẽ. Pierre thích làm việc hòa nhập với thế giới bên ngoài. Ông cho rằng muốn rung cảm thực sự, người họa sĩ phải thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên, tiếp xúc với thế giới mà mình đã chọn lựa. Cái thế giới mà Pierre muốn thâm nhập ấy chính là ngôi làng quê xứ An Nam. Thực ra, ngôi nhà mà Pierre thuê chỉ là chỗ anh để đồ lề, chỗ anh nghỉ chân buổi trưa sau khi đã lang thang ngoài đồng ruộng, trong các ngõ xóm khúc khuỷu của ngôi làng cổ.
Xưởng vẽ của Pierre không phải là gian buồng kín mà thực sự là ở ngoài trời. Khi đã tìm được chỗ, Pierre đặt giá vẽ rồi bắt đầu vẽ, cắm cúi mải miết vẽ, có khi từ sáng đến tối, có khi vài ngày tại một chỗ hẹn, không lần lữa cho đến khi hoàn thành bức vẽ. Ông muốn sao cho bức vẽ giống như thật.
Về đến nơi ở thuê của Pierre, Tuấn cười to vui vẻ. Bởi vì ngôi nhà lá ấy không xa lạ, nó là căn nhà của bà mõ làng Đình, căn nhà ngang của bà ba Pháo. Việc ông Tây thuê nhà của bà mõ cũng làm người ta xì xào. Ông lý Cỏn bảo:
- Mụ ba Pháo là hạng người thấp kém trong làng. Quan lớn ở chỗ ấy sợ không xứng với người. Nhà tôi rất rộng, nhà ông tiên chỉ cũng tòa ngang dãy dọc. Nếu quan lớn cần, chúng tôi sẽ tìm một nơi khang trang để ngài ở.
- Tôi tìm một nơi để vẽ chứ đâu cần tìm nơi để ở. Tôi thấy nhà bà ba Pháo đẹp. Ông Lý đừng bận lòng, tôi ở đấy không sao đâu.
Còn Julien, khi nghe ông lý Cỏn kể lại tình hình, hắn đã đến thẳng nhà bà mõ. Đến nơi, gặp cảnh Pierre và Tuấn đang cùng cô Hoa con bà ba Pháo làm mẫu vẽ chân dung, Julien cười phá lên và giơ hai tay lên trời:
- Ông Lý ơi, anh Pierre của tôi ở đây là phải quá. Không sao đâu! Ông Lý đừng lo.
Biết em mình có ý nghĩ lầm, nhưng Pierre cũng chỉ cười:
- Phải đấy! Cám ơn ông Lý đã quan tâm. Nhưng thực ra ở đây, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái.
Cách vẽ cô Hoa của Pierre và Tuấn hoàn toàn khác nhau. Pierre nệ thực hơn. Ông vẽ Hoa rất tỉ mỉ và chính xác. Tuấn vẽ phóng khoáng hơn. Anh vẽ một cô Hoa với cái đầu hình như nhỏ hơn, dài hơn. Cái vai như to hơn, rộng hơn. Đó là chân dung một con người ngay thẳng. Hai con mắt của cô trong tranh cũng to hơn. Khi hai người vẽ xong, họ đưa tranh cho cô xem. Hoa bảo:
- Ông Tây vẽ tôi đẹp quá. Tôi quê mùa đâu có đẹp được như thế này.
- Còn tranh của tôi? - Tuấn hỏi cô gái mà anh biết là cô em họ của mình. Hoa chắc cũng biết mối quan hệ họ hàng với người họa sĩ, nhưng cô vẫn trả lời bằng một sự xa cách cần thiết.
- Tranh của cậu vẽ tôi nhìn vào đã thấy đôi mắt. Chúng to quá và buồn quá. Không đẹp bằng tranh của ông Tây, song, không hiểu sao tôi lại thích bức tranh này.
Cả hai người họa sĩ cùng cười. Họ biết Hoa không hiểu gì về họa nhưng đã nói đúng. Hai người rất khác nhau về quan niệm nghệ thuật, tuy nhiên họ vẫn rất trân trọng cách riêng của nhau. Ở chốn hẻo lánh này, có một người bạn nghệ thuật đâu phải dễ. Vì vậy, họ rất quý mến nhau, dù mới gặp được vài ngày. Tuấn vẽ sơn dầu còn vụng vì thực ra anh sử dụng sơn dầu chưa lâu.
- Sao anh không nghiên cứu vẽ lụa? Ở Hà Nội người ta đang nghiên cứu sơn mài. Những kiểu vẽ ấy, phương Tây chúng tôi không có.
- Tôi thích sơn dầu.
- Chúng tôi đã có truyền thống mấy trăm năm về sơn dầu. Người họa sĩ An Nam vẽ sơn dầu, chưa hề có truyền thống, chắc chắn sẽ khó khăn.
- Khó khăn tôi cũng làm. Chưa có truyền thống thì tạo ra truyền thống. Tôi nghĩ mình có thể đưa tâm hồn của xứ sở mình vào sơn dầu và có thể tạo ra cách đi riêng của mình.
- Anh có thể nói rõ hơn ý kiến của anh xem sao.
- Tôi nghĩ người Đông phương chúng tôi thường ưa màu nâu, đen, đỏ sậm, vàng... tức là thiên về tính âm. Nhà cửa chúng tôi cũng vậy: chùa và đình thì thấp, gần như sát mặt đất, và nhìn vào chỉ thấy cái mái ngói to rộng cũng lại màu nâu. Tâm hồn chúng tôi nghiêng về sự trầm tư, chậm chạp. Còn sơn dầu của người Tây phương các anh thì sao. Nó trực tiếp, nó năng động, thiên về ánh sáng và tốc độ. Nó mang tính dương. Âm quá và dương quá đều bất cập. Tôi ước ao một sự điều hòa...
Pierre gật gù. Ông nhớ tới nhà dân tộc học René de Fromentin. Ông không ngờ ở chốn heo hút này lại được gặp một người bản xứ trẻ tuổi mà lại suy nghĩ thâm trầm. Và Pierre chợt hiểu một điều từ lâu ông vẫn suy nghĩ. Đó là, ông rất yêu cây cỏ hoa lá ở xứ này, yêu cả cái ánh sáng chói chang của nó nữa; tuy nhiên ông vẫn luôn luôn cảm thấy mình còn thiếu một cái gì đó khi thâm nhập vào cuộc sống bản xứ. Ông đi vào nó nhưng luôn luôn cảm thấy có một bức tường vô hình chắn lại và đẩy bật ra. Hôm nay, ông hiểu. Thì ra ông vẫn luôn luôn là một người khách, một người xa lạ ở xứ sở này. Pierre đưa ra một nhận xét:
- Cái mặc cảm "chú khách" của các ông ghê gớm thật.
- Biết làm sao được. Nhân dân chúng tôi vẫn gọi người Tầu đến nước tôi là "chú khách". Phải giữ khoảng cách với họ như thế, vì họ là khách đến rồi lại đi, chúng tôi yếu nên chúng tôi phải thế.
- Còn chúng tôi thì sao? Chúng tôi có là khách không? Người Pháp khác thì chẳng biết sao, chứ riêng tôi, tôi không muốn là khách của các bạn.
Tuấn im lặng không trả lời, và cũng không muốn trả lời. Pierre lại đưa ra một nhận xét thứ hai:
- Tôi hiểu cái mặc cảm ấy của người nước bạn. Có thể các bạn vĩ đại vì mặc cảm ấy. Nhưng nó cũng sẽ gây cho các bạn sau này không ít khó khăn.
Tuấn vẫn im lặng không nói.
Sau khi vẽ được một loạt chân dung, Tuấn đem đến cho Huy xem. Khi xem đến bức chân dung cô Hoa, Huy cứ ngắm nghía mãi. Hết nhìn gần lại nhìn xa, cuối cùng hỏi:
- Ai đây?
- Cô Hoa, con thím Pháo.
- Pháo nào nhỉ... Có phải...
- Đúng đấy... Bà mõ làng mình...
- Như vậy... cô ấy với cậu...
- Chúng tôi... có họ với nhau.
Huy ngắm nghía hồi lâu nữa rồi thốt lên:
- Xin chúc mừng... chúc mừng.
- Chúc mừng gì? - Tuấn ngạc nhiên.
- Chúc mừng hai điều. Thứ nhất, cậu đã vẽ được một bức tranh đẹp. - Thứ hai, như vậy là không phải như lời đồn ngày xưa chỉ họ Vũ Xuân nhà mình mới đẻ ra các mỹ nhân. Họ Đinh Công nhà cậu cũng đã sinh ra mỹ nhân.
- Mỹ nhân ư?
- Chứ sao? Nếu như giữa người mẫu và người trong tranh giống nhau, thì đây là người con gái đẹp nhất mà mình từng thấy.
Chiều hôm ấy Huy và Tuấn đến ngay nhà bà ba Pháo. Họ bắt gặp Pierre Messmer đang vẽ bức "Ao bèo mùa thu". Bức tranh vẽ cái ao nhỏ trước cửa nhà thím Pháo. Một bụi tre bên bờ. Một chiếc cầu ao bắc bằng mấy cây tre. Một cô gái đang chao rổ rửa bèo. Những vòng sóng lan tỏa. Ánh nắng thu loang loáng mặt ao, hắt sáng vào người cô gái được người họa sĩ đặt vào trung tâm bức tranh. Cô gái nõn nà, tràn đầy sức sống, quê nhưng những đường nét mềm mại chẳng có chút thô kệch. Động tác bàn tay và thân hình cô uyển chuyển sinh động. Bút pháp tả thực của Pierre càng làm tôn vẻ đẹp của cô. Pierre rất khéo vẽ động thành thử người xem như vẫn còn cảm nhận thấy những hoạt động duyên dáng của cô, thậm chí còn cảm thấy cả ánh nắng phản quang nhảy múa trên gương mặt cô.
Đến bức tranh tả thực của Messmer, thì Huy hoàn toàn bị thuyết phục. Anh khẳng định?
- Không phải họ Vũ Xuân, cần nói chính xác hơn, mà chính đất Cổ Đình là nơi đã sản sinh ra các mỹ nhân.
Pierre đã vẽ xong. Ba người ngồi trên cái chõng tre nói chuyện. Pierre bảo:
- Ông Huy tinh mắt đấy. Cô Hoa là một người đẹp, và riêng đối với họa sĩ chúng tôi, cô ta là một người mẫu lý tưởng. Chính vì vậy nên tôi đã thuê nhà ở đây. Cô ấy có cái duyên dáng riêng của người Bắc Kỳ. Tôi đã nhờ cô mà vẽ được chục bức phác thảo về làng quê. Tôi đã dựng được một bức tranh mà tôi ưng hơn cả: Bức "gánh lúa" Rồi hôm nào tôi mời ông xem.
- Người dân quê chúng tôi nghèo lắm. Liệu Tuấn và Pierre vẽ thế có làm phiền tới họ không?
- Không hề. - Tuấn lắc đầu.
Pierre cười:
- Chúng tôi làm mất thì giờ của họ. Đúng vậy. Song chúng tôi cũng phải biết đền bù cho họ chứ.
Hai mẹ con cô Hoa đã về tới sân. Họ từ ngoài đồng về quần còn xắn đến đầu gối. Cô xuống cầu ao, tay bíu lấy cành vối trước mặt, chân khỏa nước, miệng cười tươi. Khi trở lại sân? Cô cởi chiếc khăn vuông lau mặt rồi niềm nở mời khách vào nhà. Bà ba Pháo bưng ấm nước vối lên nhà, rót thứ nước nóng hổi màu hổ phách vào những chiếc bát đàn mời khách. Cô Hoa nhìn Huy, hỏi Tuấn:
- Chắc cậu đây cũng là họa sĩ. Nhà chúng em đây thế là được đón ba họa sĩ.
Huy lắc đầu:
- Tôi không phải họa sĩ.
Bà ba Pháo là người luôn nắm rất nhanh mọi sự việc trong làng xóm, lên tiếng hỏi:
- Cậu có phải cậu Tú, con cụ ký Nhàn ngoài Kẻ Chợ? Ôi! Đúng rồi. Hôm nọ tôi có gặp cậu ở nhà ông Lý. Cậu không biết tôi, chứ tôi biết cậu. Mà cả làng đều biết cậu. Cậu mở lớp dạy học cho con trẻ, cả làng được nhờ. Thật quý hóa quá. Cậu đến chơi nhà mẹ con cháu, thật quý hóa quá.
Sự vồn vã của bà ba Pháo làm Huy lúng túng. Ông Tây Pierre khéo léo xuýt xoa khen ngợi nước vối của bà chủ nhà vừa thơm vừa ngọt. Còn cô Hoa nghe mẹ nói xong, thỉnh thoảng lại liếc mắt sang nhìn Huy. Rồi bất chợt, cô hỏi Huy:
- Cậu Tú ơi! Những người lớn như cháu học chữ có được không?
Lẽ dĩ nhiên, Huy phải mừng rỡ vì câu hỏi đó và nhanh nhảu trả lời "Được lắm chứ".