Làng Cổ Đình có hai họ nổi tiếng: họ Vũ, họ Đinh. Mả nhà họ Vũ Xuân phát về đường hào lý: Chánh tổng, tiên chỉ, lý trưởng làng này đều nằm hết trong tay họ Vũ. Họ Đinh Công thì nổi tiếng về đường đỗ đạt và cá tính ương bướng. Thời vua Minh Mạng, có một khoa thi mà cả ba cha con họ Đinh Công đỗ liền một lúc: một cử nhân, hai tú tài. Thời đó cả làng rộn lên ca tụng: tam phụ tử tịnh đăng khoa. Thời gần đây, nhà ấy còn có ông cử Lê và ông đồ Tiết. Thực ra, cùng lứa ấy nhà Vũ Xuân cũng có người đỗ đạt nhỏ, đó là cụ tú Vũ Xuân Cao. Còn cái cá tính bướng bỉnh thì trong làng người ta vẫn đồn câu: Cha Đốc, con Đề. Ý câu ấy muốn nói về chuyện cụ đồ Tiết đi theo cụ Đốc Ngữ còn hai người con thì theo cụ Đề đi đánh Tây rồi biệt tích.
Làng chỉ bằng cái bàn tay, nên hai họ nổi tiếng ấy có chuyện gì xảy ra, tức khắc có lời đồn ngay. Trăm mắt người ta đổ dồn vào mà. Vậy nên khi hai cha con Trịnh Huyền xuất hiện, lập tức có ngay xì xào. Không những người lớn đồn, mà trẻ con cũng đồn. Đám choai choai rỉ tai nhau:
- Nhà thằng Điều có con bé kháu đáo để.
Trẻ mục đồng làng Đình thường đi chăn trâu bò chung với nhau. Đồi trọc nhiều, tha hồ trâu bò ăn, song cứ phải đi chung với nhau vì đất mênh mông, lũ trẻ mải chơi có khi bò lạc còn có người giúp đi tìm. Nhà ông lý Cỏn có những hơn mười con, thường ngày vẫn do thằng Tũn thằng Tĩn đi chăn. Hôm nay, bà ba Cỏn cho hai đứa Tũn, Tĩn sang làng bên ăn cỗ, nên cắt thằng Bòi và anh Cò đi chăn thay. Cò là con lớn nhất của bà Ba, năm nay 17 tuổi. Con cái ông lý Cỏn chẳng ham học, nhưng không hiểu sao lại nảy nòi một thằng bé sáng dạ và chăm học đến thế. Nó đã đậu bằng Prime (hết tiểu học) nói tiếng Tây được và suốt ngày cầm quyển sách trên tay. Học xong prime, Cò ra Hà Nội học. Nghe nói Cò học giỏi lắm.
Nay mai sẽ thi Đíp lôm. Hè nào, Cò cũng về làng ở hai tháng với bố mẹ.
Khi ra bãi thả trâu, Cò tách riêng một mình. Anh ra nằm dưới gốc một bụi sim đọc sách. Cò không chơi với đám mục đồng vì anh đã gần như người lớn. Vả lại, từ hồi anh ra Hà Nội học, hình như đã có một khoảng cách giữa anh và lũ trẻ. Đám mục đồng cũng ngại ngần chẳng thích gần anh.
Cò tập trung vào sách nhưng không tài nào đọc được.
Hôm nay, đám trẻ không chơi những trò ầm ĩ như mọi ngày, chúng ngồi túm tụm với nhau nghe một cô bé hát. Cô gái có một giọng hát trời cho, véo von lạ thường. Đầu tiên, cô hát điệu hát Xá rộn ràng, câu hát về bà Chúa Thác Bờ.
Cảnh thanh xuân thiều quang soi tỏ
Chúa Thác Bờ tiên nữ giáng sinh
Họ Mường, áo trắng, đai xanh
Lưng đeo xà tích, bên mình dao quai
Đôi mắt phượng, hoa cài, trâm giắt
Vầng trán xinh, vẻ mặt càng tươi
Môi son như đóa hoa cười
Thanh tân lịch sư, mắt ngời thụ ba.
Cò nghe nói có hai cha con người tỉnh Nam lên ở nhà cụ đồ Tiết. Người cha đánh đàn rất tài tình, và cô con gái có giọng hát rất hay. Tiếng đàn của người cha thì Cò đã vô tình được nghe. Còn giọng hát của người con, hôm nay Cò cũng lại ngẫu nhiên được thưởng thức. Cô gái đã chuyển sang một câu hát mộc mạc, một biến điệu của giọng Cờn trữ tình.
… Nón kình vai quẩy lẵng hoa
Khi vào Ba Dội, lúc ra Ninh Bình
Bóng hồng đủng đỉnh non xanh
Trăng in vẻ bạc, long lanh suối vàng
Cô rong chơi mười tám cửa ngàn
Ba mươi sáu động, sơn trang các tòa.
Ở Hà Nội, có lần một ông thầy đàn đã tấu khúc nhạc này là giảng giải cho anh nghe. Cờn là một điệu hát văn trữ tình đặc biệt. Người cung văn thường hát giọng này mỗi khi có các chầu bà, các cô tiên nữ xinh đẹp loan giá về ngự đồng. Giọng hát đắm say, xao xuyến của cô gái vút lên, gây cho chàng thiếu niên cảm giác một bóng trăng trắng, mờ ảo đang chập chờn chon von trên một đỉnh núi cao. Hình như Cò thấy rùng mình. Sao lại vậy? Anh không hiểu. Mà cũng lạ! Hai cha con người đàn hát này có quan hệ gì tới anh đâu, cớ sao anh lại xúc cảm vì họ thế nhỉ? Phải chăng vì Cò là kẻ quê mùa, rừng rú, cho nên đã ra chốn phồn hoa thành thị rồi, nhưng cứ nghe thấy điều gì liên quan tới chốn sơn lâm là trong lòng lập tức lại xốn xang máy động.
Cò nằm che quyển sách lên mặt ngẫm nghĩ. Câu hát này đang nói về một cô thị tì duyên dáng, người hầu cận trung thành luôn có mặt bên cạnh Mẫu thượng ngàn. Cô tiên nữ thị tì này dĩ nhiên xinh đẹp, phóng khoáng, nhưng chắc đỏng đảnh lắm. Cô gánh hai lẵng hoa mà rong chơi mười tám cửa ngàn. Người thiếu niên tự cười thầm với những ý nghĩ của mình. Những ý nghĩ bông lông, bồng bềnh... cái giọng hát đằm thắm của điệu Cờn Luyện, điệu Cờn biến điệu trứ danh... hình ảnh một người đàn bà xinh đẹp quẩy hoa đi trên mây... tất cả trộn vào nhau mơ màng như một câu hát ru êm đềm kéo anh vào giấc ngủ... mong manh.
Chợt có tiếng dặng hắng. Giấc ngủ tan biến ngay. Đám hát đã chấm dứt tự lúc nào chẳng hay. Cò nhóm ngay dậy. Đứng trước mặt anh là một cô gái chừng mười bốn, mười lăm. Cô gái sắp dậy thì. Má hây hây. Đôi mắt đen láy, lóng lánh. Cô hồn nhiên ngồi xuống bên anh. Cò cất tiếng hỏi trước tiên:
- Lúc nãy, là cô hát phải không? Cô hát hay lắm. Cứ như người mẹ ru con.
Cô gái chăn bò cười:
- Thế ư? Còn anh, đang đọc gì đấy?
- Đọc truyện.
- Có hay không?
- Hay!... Này, có phải cô đang ở nhà cụ Đồ?... Cô là con ông đánh đàn... có cái má...
Cò ngừng nói, lấy tay xoa xoa lên má mình, ý muốn nói tới nửa khuôn mặt kỳ dị của ông Huyền. Tuy mới chỉ nói nửa lời, Cò đã cảm thấy mình sỗ sàng quá. Thực ra, câu hỏi ấy cứ tự nhiên bật ra khỏi miệng. Chẳng hiểu tại sao. Ừ! mà tại sao anh lại chú ý tới một con người chẳng liên quan gì tới anh? Mà lạ thật! Tại sao một gương mặt lại có thể nửa đẹp nửa xấu? Những ý nghĩ ấy chỉ đột hiện rồi lại biến mất ngay. Cò thấy những ý nghĩ của mình thật vô lý, bởi vì trước mắt anh, cô gái tỏ ra rất hồn nhiên. Cô nói:
- Thầy em bị bỏng khi cứu nhà cháy. Cái nửa mặt ấy trông thế thôi... Thực ra, thầy em hiền lắm...
- Tôi hiểu chứ - Cò vội vàng nói như muốn xin lỗi.
- Tôi nghe tiếng đàn nguyệt của ông, tôi biết chứ. Tiếng đàn thật tuyệt vời. Đến lượt cô gái lại ngạc nhiên:
- Thầy em đã bao giờ đánh đàn cho ai nghe đâu?
- Chả là... Tôi đứng ngoài búi tre nghe trộm tiếng đàn... - Cò hơi đỏ mặt, và vội vàng lái câu chuyện sang hướng khác - Tên cô là gì nhỉ?
- Em tên Nụ, nhưng ai cũng gọi là Nhụ.
- Nhụ... Nhụ... cái tên hay đấy.
- Sách nói gì?
- À, truyện bên Tây. Kể về những người khốn khổ.
- Hay nhỉ. Những người khốn khổ mà cũng viết thành sách.
- Có thích đọc không? Tôi cho mượn.
- Em không biết chữ.
- Tiếc nhỉ!
- Sao lại tiếc.
Cò ngẫm nghĩ rồi hăm hở:
- Nếu cô chịu khó, tôi sẽ dạy. Nhanh lắm!
Vừa đúng lúc ấy, Điều chạy lại, gọi giật giọng:
- Nhụ! Nhụ!
- Anh Điều gọi gì em?
- Lại đây! Lại đây! Đừng dây với của ấy.
Cò đứng dậy tức tối:
- Sao cậu lại bảo là dây.
- Thích thế đấy! Không dây là không dây.
Thằng Điều tỏ một thái độ rất sừng sộ. Tuy nhiên, Cò là người điềm tĩnh. Anh nuốt giận, không chấp, nhưng từ lúc đó Cò đọc sách, chữ không vào đầu nữa. Kể từ phút ấy, mặt Điều cứ hầm hầm. Có lúc cậu vặc với Nhụ:
- Không thích thì thôi. Ra đấy với nó đi.
Nhụ âm thầm im lặng, Nhụ biết tính Điều. Cô không muốn chọc tức anh.
Chiều xuống, đàn trâu bò nối đuôi nhau về làng. Lũ súc vật đã no nê. Bọn trẻ mục đồng quấn thừng quanh sừng trâu bò. Chả cần dắt, con nào cũng thuộc lối, chúng biết về đúng nhà mình. Có những cô bé, cậu bé suốt buổi đùa nghịch cũng đã thấm mệt, chúng nằm úp sấp người trên lưng trâu, hai tay hai chân giang ra ôm lấy mình con vật. Lũ vật đi đủng đỉnh lắc lư làm chúng thấy buồn ngủ. Nhưng chợt chúng choàng cả dậy vì nghe thấy tiếng người cãi vã nhau. Hóa ra vẫn là chuyện xích mích giữa Điều và Cò. suốt dọc đường về nhà, thằng Điều gây sự, cạnh khóe thằng Cò:
- Cứ ra vẻ ta đây cậu ấm, ta đây kẻ chợ. Ôi dào! Mả nhà nó có táng vào cái bút cái nghiên đâu. Học cũng toi cơm thôi.
- Này, Điều, mày xỏ xiên ai đấy?
- Tao nói giữa đường, đứa nào cấm được tao... "Để rồi anh dạy cho em!". Học được mấy bồ chữ mà ghê thế.
- Hãy ăn nói cho tử tế. Tao chẳng động chạm tới mày, mày cũng đừng nên động chạm tới tao.
Điều vênh mặt.
- Tao cứ nói đấy.
Thế là hai đứa xông đến trước mặt nhau. Lúc đó, ở ngay gốc đa đầu làng. Người đi làm đồng về rất đông. Cò hơn Điều hai tuổi. Nó lớn hơn nhưng lẻo khoẻo. Điều lam lũ từ nhỏ nên khỏe mạnh, lanh lẹn và dẻo dai.
Thằng Bồi bênh anh Cò, hét tướng lên:
Họ Vũ, làm chủ làng Đình
Họ Đinh, mà rình cơm nguội.Bọn trẻ thấy sắp đánh nhau, thích quá cũng phụ họa theo:
...
Họ Đinh mà rình cơm nguội.Thằng Điều hét lên, ứng khẩu trả miếng luôn:
Họ Vũ là cú là cáo.
Họ Đinh là dinh ông nghè.Hai bên tha hồ tô vẽ cho mình và bôi xấu đối phương.
Rồi chửi nhau. Rồi ôm lấy nhau vật. Rồi đấm đá. Nhụ òa lên:
- Anh Điều ơi! Đừng đánh nhau nữa.
- Mày bênh nó phải không?
Điều tức giận một cách vô lý. Nó như điên cuồng, vớ được cục gạch, ném vào ngực Cò. Thằng Cò nhớn hơn, không nỡ thẳng tay với Điều, nhưng bị trúng hòn gạch, đau, nó điên tiết đánh thẳng cánh. Nó thục mấy quả thật mạnh vào mặt thằng Điều. Máu ở mũi Điều chảy ra ròng ròng. Quệt tay thấy máu, thằng Điều vớ được chiếc đòn gánh của bà làm đồng phang túi bụi. Thằng Cò cũng vớ đòn gánh phang trả. Bà Ba Cỏn đi ăn cỗ về, thấy người đông nghịt ở gốc đa, liền chạy tới, tru tréo lên:
- Ối trời ơi là trời? Cái gì thế kia?
Tưởng bà bênh con, ai ngờ bà lại tự đấm vào ngực rồi đẩy thằng Cò ra, sau đó bà mắng:
- Cò ơi là Cò! Sao lại nỡ thế hở con? Sao anh em lại đánh nhau? Sứt đầu mẻ trán ra thế này hở con?