Philippe Messmer là người Pháp xuất thân nông dân ngoan đạo. Ông lại là người khôn ngoan, thực tế. Lẽ dĩ nhiên ông tán thành cả ý kiến của chính phủ bảo hộ lẫn ý kiến của nhà thờ.
Hồi đánh trận Cầu Giấy, khi đi tìm xác thiếu tá Henri Rivière, Philippe nhiều lần gặp đức giám mục Puginier, ông cha cố già thông minh đã nói nhiều câu mà Philippe vẫn nhớ như in trong lòng:
- Nếu tất cả dân An Nam đều là người công giáo, thì chúng ta sẽ dẫn dắt họ đi thật dễ dàng theo ý muốn của chúng ta. Quyền lợi của họ sẽ nhanh chóng hòa vào quyền lợi của chúng ta. Chẳng những ta không cần mang quân sang đây đông đến thế, mà chính họ, những người công giáo sẽ cung cấp cho ta những đội quân bản xứ đông bao nhiêu tùy thích. Nước Pháp là tổ quốc mẹ của họ. Đội quân ấy sẽ không phản bội tổ quốc mẹ đã đem tới cho họ quyền lợi...
Rồi, ý kiến sau:
- Người Trung Hoa đến xâm chiếm xứ An Nam, họ cai trị dân này thông qua đạo Khổng của họ. Đến khi họ ra đi đạo Khổng vẫn còn mãi trong tâm hồn người dân an Nam. Chúng ta cũng phải đưa đạo Thiên chúa vào cắm rễ ở đây. Không có sự cai trị nào vững bền hơn sự cai trị thông qua văn hóa tôn giáo.
Vào thời gian tháng 5 năm 1883, khi quân Cờ Đen phục kích giết thiếu tá Henri Rivière ở Cầu Giấy, thì đồng thời họ cũng tấn công khu Hội Truyền giáo, đốt ngôi nhà thờ gỗ. Đức giám mục Puginier phải vào trú ngụ tại khu Nhượng địa Đồn Thủy. Sau khi đẩy lui được quân Cờ Đen ra xa khỏi Hà Nội, người Pháp bắt đầu xây dựng một số công trình để làm việc. Giám mục Puginier cũng quyết định xây một ngôi nhà thờ lớn ở ngay chốn thủ đô xứ Bắc Kỳ này, để làm nơi thờ phụng Chúa, để chứng tỏ cho mọi người dân xứ sở này đều phải biết ánh sáng của Đức Chúa trời đã đến nơi này rồi. Giám mục nói với những người thân cận:
- Khi những nhà chinh phục Tây Ban Nha đến châu Mỹ, việc đầu tiên họ làm khi đặt chân lên đất liền là tìm ngay một nơi cao ráo đẹp đẽ, rồi cắm trên đó một cây thập tự bằng gỗ. Tất cả đoàn conquistador đều quỳ trước cây thánh giá và đọc kinh cảm ơn Chúa. Cử chỉ ấy của họ thật cao cả. Họ muốn nói rằng đất này đã là đất của Chúa và cầu Chúa đem ánh sáng đến cho mảnh đất này. Chính vì vậy mà ta muốn xây dựng một ngôi nhà thờ thật lớn, thật đẹp ở một nơi đẹp nhất giữa thành phố ngoại đạo này.
Giám mục Puginier đem ý kiến ấy ra nói với ông Bonnal, trú sứ Pháp tại Hà Nội. Người đại diện của chính phủ Pháp hỏi:
- Thưa giám mục, ngài đã chọn được chỗ đất nào ưng ý chưa ạ?
- Chúng tôi đã tìm, chỉ thấy miếng đất hiện nay tọa lạc ngôi chùa Báo Thiên là thích hợp nhất.
Ông trú sứ sau đó tham khảo ý kiến của các quan chức địa phương, trả lời đức cha:
- Nhìn bề ngoài, trong thời kỳ chúng ta đang chinh phục xứ này, chiếm đất của một ngôi chùa thoạt tưởng là công việc dễ dàng, nhưng ở trường hợp này tôi sợ là mình sẽ lạm quyền. Mà sao đức cha lại cứ phải chọn nơi đất ấy?
Bởi vì nó đẹp. Tôi nghĩ rằng đối với nơi thờ phụng Chúa, thì chúng ta không nên tiếc một thứ gì.
- Không phải tiếc, mà bởi vì chúng ta vừa chiếm xong nơi đây. Có thể nói tình hình rất tế nhị. Ta không nên làm dấy lên lòng căm phẫn của dân chúng vì lý do tôn giáo. Nhất là ngôi chùa Báo Thiên. Đức cha có biết không, đây là một ngôi chùa cổ của xứ An Nam, được xây dựng từ thời nhà Lý. Trước kia, còn có một ngôi tháp rất cao soi bóng xuống hồ Gươm. Người dân Thăng Long cho đó là linh địa. Nay ta phá chùa linh thiêng của họ đi... Tôi rất sợ dân nơi đây từ chuyện đó sinh ra bất mãn.
Cha Puginier rất mềm dẻo:
- Chính vì vậy nên chúng tôi mới phải nhờ đến tài cai trị giỏi giang, khéo léo của ngài trú sứ.
Ông trú sứ Bonnal liền đến gặp ông tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ. Ông tổng đốc này nhờ quân Pháp đánh chiếm Hà Nội mới được lên làm tổng đốc, sau khi ngài tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Ông Nguyễn Hữu Độ có rất nhiều tham vọng. Ông biết triều đình Huế đã thất thế, và người Pháp sắp làm chủ xứ này. Chức vụ ông muốn ngoi lên là chức phụ chính bên vua như ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Ông lại biết người Pháp sẽ áp dụng chế độ bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ, nghĩa là vẫn có Vua Và có Các quan. Chính vì vậy, Nguyễn Hữu Độ ra sức làm vui lòng người Pháp, trong đó có đức giám mục Puginier là một nhà tu hành đầy quyền thế.
Nguyên Hữu Độ là một viên quan cáo già, nhiều mưu mẹo. Lúc đó đang thời đại loạn, sư chùa Báo Thiên phải nhiêu bạt, chẳng biết còn sống hay đã chết. Ông cho người đi tìm, rồi tuyên bố không còn tung tích. Vậy là ngôi chùa hoang. Ông Độ liền cho họp các bô lão của làng Báo Thiên lại. Ông đưa các bô lão ra ngôi chùa xem xét. Ngôi chùa thời loạn tường xiêu mái thủng. Ông liền bảo các bô lão viết một cái đơn xin phá ngôi chùa, vì để như hiện trạng có thể gây nguy hiểm chết người. Và khi đã có lá đơn ấy trong tay, ông Bonnal thấy đúng luật liền cấp cái nền chùa bị phá vô chủ ấy cho giám mục Puginier.
Đó là lịch sử xây đựng ngôi Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Cha Puginier vừa là kiến trúc sư vừa là nhà thầu. Tiền xây nhà thờ có được do cúng hiến và do hai lần phát hành vé xổ số vào 1884 và 1886. Nhà Thờ Lớn xây dựng trong bốn năm, bắt đầu 1884, hoàn thành năm 1888.
***
Philippe là người ngoan đạo và khôn khéo. Ông tìm thấy lý lẽ và sự hợp lý trong những câu nói và hành động của cha Puginier là người ông sùng bái. Đức giám mục đưa ý kiến về đạo ở mức độ rộng lớn toàn xứ, nhưng ý kiến ấy philippe còn thấy đúng cả ở mức độ quy mô nhỏ hẹp. Ví dụ như ở đồn điền của mình, Philippe hiểu là phải đưa vào những người công giáo thì mới vững. May mắn cho ông, ở Cổ Đình đã có sẵn một thôn công giáo.
Người công giáo đầu tiên tới đây là cả Liến. Ông ta đến từ hồi phân sáp. Lúc đó Liến còn là một đứa trẻ nhờ có bà tổ cô đưa đến làm con nuôi ở họ Vũ Xuân, làm em út của bố lý Cỏn và ông tú Cao. Sau khi ông trưởng Cam được tha và cả Liến lớn lên, ông trưởng Cam thường xuyên đi lại với Cổ Đình. Ông ta thấy nơi đây đất lành, liền đưa họ hàng và những người nghèo khó cùng quê lên lập nghiệp.
Lẽ dĩ nhiên, dân mới đến Cổ Đình bao giờ cũng bắt đầu lập nghiệp ở xóm Vườn. Xóm này tách hẳn làng Cổ Đình; từ đình giữa làng có lối rẽ đi qua một cách đồng hẹp dẫn tới xóm Vườn. Xóm này gồm toàn dân ngụ cư và dân thuyền chài dưới hồ, dưới sông lên ở. Đất thì xấu, dân thì nghèo nên dân xóm bao giờ cũng lép vế. Dân chính cư ở Cổ Đình coi thường dân nơi đáy. Nghe nói từ đời xửa đời xưa dân chủ Vườn cũng đông lắm, và đời sống cũng trù phú lắm. Làng Đình và làng Vườn kết chạ với nhau. Làng Đình làm chạ anh, còn làng Vườn chạ em. Hai làng có chung cái đình lớn ở chỗ ngã ba gọi là đình Hai Chạ. Về sau chạ anh bắt nạt chạ em quá. Chạ em đóng góp thì nhiều, hầu hạ thì nhiều, mà vẫn bị cho anh khinh bỉ. Ra chốn đình trung, đến dân chức dịch chạ em cũng bị lép vế, không bao giờ tiếng nói có trọng lượng. Con giun xéo mãi cũng quằn, do việc tranh chấp nhỏ, hai bên nổ ra xung đột đánh nhau. Sau đó, kiện lên quan. Làng Vườn yếu thế hơn bị thua. Từ đó, làng Vườn bỏ kết chạ, thậm chí, nhiều người làng Vườn bỏ quê đi tha phương cầu thục nơi khác. Còn lại chỉ là những gia đình nghèo khó thấp cổ bé họng, chịu nhẫn nhục sống chờ thời.
Và cái thời ấy cũng đến. Ông trưởng Cam và cha Colombert đến lập nhà thờ. Cha Colombert xin nhà nước bảo hộ được ba chục héc ta đất. Đó là điều kiện rất thuận lợi cho ông truyền đạo. Từ hội thừa sai, ông biết có hai cách truyền đạo: Thứ nhất, truyền đạo cho người có thế lực rồi từ đó tỏa lan xuống dưới. Thứ hai, truyền đạo cho những người nghèo khổ nhất bằng cách cho họ thuốc thang, tiền bạc, ruộng đất. Vậy, cái xóm toàn dân ngụ cư nghèo hèn nhất, bị khinh rẻ nhất, sẽ là nơi lý tưởng để ông đưa ánh sáng của Chúa tới. Việc truyền bá đạo ở đây thật giản dị, nhanh chóng. Những hộ nghèo được nhà thờ cấp đất mỗi gia đình ba sào. Ai thiếu đất, nhà thờ sẽ cho cấy rẽ thêm. Tô ruộng chỉ bằng nửa cấy thuê cho người bên lương. Rồi cha lại mở trường dạy chữ, dạy kinh bổn cho trẻ em. Thế là trong khoảng vài năm, một xóm đạo hơn sáu chục gia đình hình thành. Một thôn xóm văn minh sạch sẽ xuất hiện. Một ngôi làng hiền hòa, nề nếp làm cả vùng kinh ngạc.
Chính lão quản Boong cũng là người xóm này. Bố lão là anh cu Đơm làm tiểu chùa làng Đình. Anh này tối dạ lắm, sư dạy chữ nho hàng năm trời nhưng anh chẳng nhớ một câu. Hàng ngày, chỉ thích đi gánh nước ngoài giếng để ngắm các cô con gái, ngắm những đôi bụng chân trắng nõn của các cô vì quần phải vén lên đến đầu gối khi múc nước. Sư cụ bảo:
- Ta già sắp chết, cứ hy vọng ở con sẽ nối nghiệp ta đèn nhang cho Phật. Ai ngờ con lại như thế.
- Con lạy thầy. Con muốn nghe lời thầy dạy, nhưng không hiểu sao tính con cứ như thế. Chắc con không tu được thành chính quả.
Sư cụ thở dài. Anh cu Đơm tính nết lông bông thế nhưng rất có nghĩa với thầy. Anh nuôi sư cụ ốm cho đến lúc chết mới bỏ chùa ra đi, để cho ngồi chùa biến thành chùa hoang cho đến khi ông hộ Hiếu đến ở. Anh cu Đơm tìm được một cô gái cũng nghèo khổ như anh và hai vợ chồng dắt díu nhau đến nhà thờ xóm Đình Đạo. Cha Colombert hỏi:
- Anh chị đến có việc gì?
Anh cu Đơm gãi đầu, nói rất thành thật:
- Thưa cha, con nghĩ Chúa Jesus cũng như đức Phật Thích ca rất thương người nghèo khổ.
- Đúng!
- Trước con đi ở chùa. Nay chùa đổ rồi, con xin đến theo cha. Mong cha thương tình vợ chồng con nghèo khổ mà thu nhận, giúp đỡ.
Cha Colombert mỉm cười, nghĩ rằng một người theo dạo Phật nay cải giáo theo đạo Thiên chúa là một điều rất tốt lành. Cha liền cho chú tiểu Đơm đất đai, và làm nhà cho ở. Anh cu Đơm sinh ra quản Boong. Quản Boong cũng như cha, học hành rất dốt nhưng láu cá thì chẳng ai bằng. Cha Colombert không hài lòng với cái tính lông bông, thiếu trung thực, không xứng là người công giáo kính Chúa của gia đình nhà này. Họ đi đạo rồi, tuy họ chẳng làm điều gì xấu, nhưng cha vẫn cảm thấy như họ vẫn chưa phải là người đi đạo. Cũng may, cho đến lúc qua đời, anh cu Đơm chẳng làm một điều gì xấu. Còn cu Boong, cha Colombert cũng rất lo lắng vì đức hạnh của anh. Song, lại có thêm một điều may nữa; năm 1915 anh đi lính mộ sang Pháp và lập được công, lúc về được phong chức quản. Đó cũng là một điều làm nhà chăn chiên hả lòng.
Ông Philippe Messmer có được cha Colombert, ông trưởng Cam và xóm Đình Đạo bên đồn điền, nên rất hài lòng, yên tâm. Cha Colombert bảo Philippe:
- Nhà thờ của chúng ta vẫn là nhà gỗ lợp tranh. Nơi phụng thờ Chúa như thế làm ta chẳng lúc nào yên lòng. Nay, ta định cùng với giáo dân xây dựng một ngôi nhà thờ thật khang trang đẹp đẽ. Ta đã vẽ mẫu rồi. Còn việc thi công chắc phải nhờ đến anh em nhà ông.
Thưa cha, được cha giao cho việc này con rất làm vinh hạnh. Chú em con, Pierre vừa là họa sĩ, lại là nhà đo đạc địa hình. Chắc chú ấy sẽ giúp ta được nhiều.
- Còn vấn đề tài chính?
- Cả việc ấy cha cũng chẳng cần lo. Ta quyên góp trong dân đạo cả vùng, rồi nhân dân góp công góp sức. Con nghĩ ta sẽ làm một ngôi nhà của Chúa thật to đẹp. Việc này thật đúng sở nguyện của Philippe. Ông đã được thấy đức giám mục Puginier làm ngôi Nhà Thờ Lớn. Ông hiểu ý nghĩa của công việc này. Một ngôi nhà thờ mọc lên nghĩa là địa vị người Pháp ở xứ sở này lại vững thêm một bước. Cả cái đồn điền nhỏ bé heo hút của ông cũng thế. Có ngôi nhà thờ tức là cái đồn điền đã được Chúa ban phước, tức là ánh sáng của người Pháp đã làm sáng thêm ở chốn thâm sơn cùng cốc này.
Philippe đem chuyện này ra nói với Pierre và người bản xứ tâm phúc tức là Liến. Ông em Pierre nói:
- Tôi sẽ đảm nhiệm phần tượng và trang trí bên trong.
Còn Liến thì suy nghĩ rất lâu mới trả lời:
- Tôi nghĩ ta nên nhân việc này mà nghĩ xa hơn một chút. Nhà thờ hiện nay bằng gỗ. Mà cả nhà của đồn điền cũng bằng gỗ. Sao ta không nhân tiện mà chuyển sang xây bằng gạch tất cả. Có như thế, ta mới hơn hẳn sự cai trị của các ông quan trước đây.
- Ông Liến ơi! Tôi cũng muốn thế lắm. Song còn cái túi tiền của chúng ta thì sao?
Liến cười:
- Ông nghĩ đến túi tiền vì nghĩ rằng ta phải mua gạch ngói. Nhưng tôi lại nghĩ khác: gỗ chúng ta chặt ở rừng. Còn gạch ngói chúng ta sẽ làm lấy.
- Làm lấy ư?
- Tôi đã có kế hoạch làm một xưởng gạch. Trong xóm đạo có người biết làm nghề nung gạch. Cu li ta tuyển trong xóm Đạo, ta xây lò nung gạch ngói. Làm nhà thờ gạch ngói gỗ lạt đều tự cấp. Thợ xây tuyển những giáo dân trong vùng. Làm nhà của Chúa ai chả muốn góp công góp sức. Khi làm nhà thờ xong, ta xây nhà chính trong đồn điền. Xây nhà xong, ta có thể bán gạch ngói kinh doanh.
Nghe Liến nói, Philippe ôm lấy anh chàng người bản xứ và reo lên:
- Thật là tuyệt! Có Chúa ban phước lành nên tôi mới gặp được anh, mới có anh giúp đỡ.
Ít lâu sau, ngôi nhà thờ Cổ Đình được xây dựng. Ngôi nhà thờ không to lắm, nhưng cao, cao vút lên trời. Ngôi nhà thờ nằm ở đỉnh quả đồi, nên nó đã cao trông lại càng cao. Ở đỉnh chóp nơi tháp cao chính giũa, Pierre lại đắp tượng đức Chúa Trời bằng thạch cao hai tay giang rộng, chiếc áo choàng xòe ra hai bên. Trông tượng Chúa như hình một con đại bàng đang bay trên bầu trời Cổ Đình. Chúa hiền từ đầy lòng xót thương đương ban phước cho đàn con chiên lầm lũi bên hồ Huyền. Và từ đấy, người đến Cổ Đình, từ xa đã nhìn thấy ngôi nhà thờ. Nó là niềm kiêu hãnh hạnh phúc của cha Colombert, của Philippe Messmer, của những người dân đạo nhỏ bé nơi đây.
Cha Colombert là người rất thánh thiện. Cả đời cha chỉ lo việc đạo. Năm 25 tuổi, cha được phong linh mục Colombert đã sang xứ Bắc Kỳ này từ hồi còn cấm đạo. Cha là người đã trông thấy những cảnh bên giáo, bên lương thù hằn chém giết lẫn nhau. Cha đã thấy những giáo sĩ trở thành những sĩ quan dẫn quân đi bắn phá vào những ngôi làng. Cha đã ở bên đức giám mục Puginier, một nhà tu hành nhân từ nhưng kiên quyết cũng chẳng ai bằng. Đức giám mục là người truyền đạo xuất sắc của hội thừa sai Paris đồng thời cũng là nhà chiến lược am hiểu tình hình nơi đây. Ông đã cố vấn cho các nhà quân sự chính trị biết bao nhiêu đường lối chinh phục để nhằm biến xứ này thành đất của Chúa, và người dân ở đây thành những thần dân ngoan đạo của nước Pháp. Colombert không có những tham vọng lớn như cha bề trên, nhưng đức tin của ông thì chắc chẳng ai bằng. Cha Colombert đã bị sốt rét hành hạ, có lúc đã ở bên bờ vực, mấp mé cái chết, nhưng có lẽ lòng tin nơi Chúa đã ban cho của một sức mạnh kỳ lạ để sống sót, để phục vụ lý tưởng Cơ đốc, để xoa dịu những nỗi thống khổ của người dân An Nam. Nhũng con người hiền hòa, cần cù, thông minh và cam chịu nhất trên trái đất này mà ông rất yêu mến. Chẳng biết tự lúc nào ông đã nguyện ở lại xứ sở này, nhận xứ sở này là quê hương thứ hai của mình, ở lại đây để giúp đỡ để an ủi cho những người dân lành. Hình như trong thâm tâm, ông mơ hồ cảm thấy có lỗi với họ, cảm thấy mắc nợ với họ. Một món nợ tinh thần vì tại sao, tại sao họ lại chịu lắm cảnh tai ương thế này. Có phải thực sự ông đã mang ánh sáng đến cho họ không? Hay chỉ là một luồng ánh sáng yếu ớt, trong khi đó bóng đêm lại nhiều quá, dày đặc quá... Những ý nghĩ có thể là nhân từ, có thể là khác bình thường ấy, ông chẳng đem nói với ai bao giờ. Chỉ biết rằng nó làm ông thanh thản, dịu dàng hơn. Một con người rất thánh như thế, một con người, có thể nói, theo đạo Cơ đốc nguyên thủy, lẽ dĩ nhiên, khi thấy ngôi nhà của Chúa khang trang được dựng lên, ông phải vui mừng nhiều. Bởi vì ngôi nhà của Chúa sẽ như một công cụ tốt giúp ông đem lý tưởng Cơ đốc đến cho đám con chiên của ông.
Kiêu hãnh vì ngôi nhà thờ, đối với Philippe Messmer lại có một ý nghĩa khác. Xây ngôi nhà thờ Cổ Đình, tức là ông lặp lại cái hành vi xây Nhà Thờ Lớn tại Hà Nội của đức giám mục Puginier. Chỉ có khác, ngôi nhà thờ ở đây có phạm vi nhỏ bé hơn, chứ không phải là thứ biểu tượng lớn ở phạm vi toàn xứ như đức giám mục làm. Tuy nhiên, có điểm giống nhau, đó là Philippe tin rằng có ngôi nhà thờ ở đây, đồn điền của mình sẽ vững chắc hẳn lên. Vì lẽ đó, Philippe đã tốn sức lại tốn cả tiền của để giúp cha Colombert.
Còn đối với nhân dân xóm Vườn (xóm Viên) ngôi nhà thờ này đã đem lại cho họ niềm kiêu hãnh cũng không nhỏ. Để hiểu chuyện này, ta cần biết rằng dù là người công giáo, người dân xóm Vườn này vẫn là người nước Nam. Mà đã là người nước Nam, thì ai cũng mang trong tâm thức mình một cái đình. Họ mới là người theo đạo cách đây không lâu. Còn cha ông họ, đã bao nhiêu đời rồi, ai cũng là người đã được hưởng bóng mát của cái đình. Vả lại, sự mâu thuẫn của Viên thôn với Cổ Đình cũng lại bắt nguồn từ cái đình. Đi ngược từ xóm Viên về làng, đến ngã ba ta gặp ngay ngôi đình Hai Chạ. Ngôi đình to lớn, mái ngói thâm nâu, ngồi sừng sững ở chỗ ngã ba nhìn xuống hồ Huyền, từ xưa vẫn là ngôi đình nổi tiếng trong cả tỉnh. Ngôi đình to lớn, kèo cột, xà kẻ đều chạm khắc tinh xảo mỹ lệ. Công xây dựng đình, người dân thổ cư đóng góp rất lớn. Cũng vì mến Cổ Đình là danh hương, đình to chùa đẹp, nên dân xóm Vườn ngụ cư, kẻ đến sau mới xin kết chạ, mong được cúng tế ở đình, mong được hưởng ân phúc của vị thành hoàng làng bản địa. Ai ngờ, đã chịu nhận làm chạ em rồi mà cũng không xong. Ở đình lần nào, thôn Vườn cũng bị soi mói chê trách. Lúc thì thôn Vườn lòng không thành, lúc thì thôn Viên lễ bạc, lúc thì quan viên khệnh khạng lề mề. Có người còn xì xào: Đất của họ là đất nghịch, dân của họ là kẻ ngụ cư ăn nhờ ở đậu. Có nhiều gia đình đã qua ba đời ngụ cư, tưởng rằng tam đại thành tổ, nào dè xin vào làng họ vẫn cứ bị bẻ hành bẻ tỏi. Thôn Vườn chuyển sang công giáo phần lớn cũng vì bị khinh rẻ quá đỗi. Cũng là những con người chăm chỉ, cần mẫn, mà lại bị coi khinh là thứ dân hạ đẳng. Do vậy, việc theo đạo của họ là việc họ tự giải phóng cho mình. Bây giờ, họ có ruộng cày, họ lại được cha đạo ân cần chỉ bảo. Và cha Colombert là người hiền từ, xót thương họ thực sự. Họ biết điều đó. Trước kia họ thiếu cái đình. Thì bây giờ đây, ngôi nhà thờ nào khác gì cái đình mơ tưởng trong tâm khảm họ. Thực ra, cũng có cái khác đấy, nhưng họ làm sao hiểu được sự khác biệt tinh tế ấy. Bởi vì cái đình thì bám chặt mảnh đất tổ tiên, còn ngôi nhà thờ lại đưa họ bay vút lên tận trời xanh. Không hiểu họ có chếnh choáng không, nhưng dù sao, có thứ thay thế cái đình, họ cũng thấy yên tâm.