Người em đi về vùng Sơn Nam, đổi tên là Trịnh Huyền. Chữ Trịnh gần âm với chữ Đinh, chữ Huyền lấy từ cái tên hồ Huyền quê nhà.
Huyền đi theo phường gặt, lạc về một vùng chiêm trũng, đi từ làng này sang làng khác. Làm đủ mọi nghề. Lúc thì làm thợ đá nung vôi; lúc thì làm chân gánh vã thuê; có lúc làm thợ cày, thợ gặt. Mãi vẫn chẳng tìm được chốn đậu chân lâu dài.
Một bận, anh phiêu bạt đến làng Lê Xá. Đó là một hòn đảo xanh um, nằm bơ vơ giữa cánh đồng chiêm bao la, giữa biển nước mênh mông trắng xóa.
* *
*
Trịnh Huyền đến Lê Xá vào một ngày đông. Chợt anh cảm thấy nao nao trong dạ, vì ngôi làng sao vắng lặng đến thế, sao như rầu rĩ đến thế. Chó cũng chẳng buồn sủa, khi anh là người lạ đi qua ngõ. Một chú gà trống choai, dáng rất hăng vì có mấy ả mái tơ đang bới rác dưới chân cây rơm, nó nhảy phóc lên đỉnh đống rơm, vươn cổ hình như đang định khoe tiếng, song chẳng thấy có ai chú ý, cả mấy ả gà mái mỡ màng cũng lỉnh ra gốc khế ngoài vườn. Chú gà choai đã vươn cổ ra nhưng thấy mình lạc điệu quá, nên nó lại rụt cổ về dáng ngơ ngơ ngác ngác, rồi vội vàng tụt xuống đất lủi thủi chuồn ra sau bếp.
Không khí gì mà lạ vậy? Thấy một bà lão đang bế cháu dưới gốc tre, Huyền lễ phép hỏi:
- Chúng cháu là người lạ nơi khác đến làng ta tìm việc. Chúng cháu đều là người khỏe mạnh tử tế. Việc gì chúng cháu cũng xin làm.
Bà cụ già một tay bế cháu, một tay xua xua:
- Các bác đến nơi khác mà tìm việc. Làng tôi đang có chuyện buồn.
- Dạ xin cụ cứ cho biết rõ. Chẳng hiểu có chuyện gì? May ra chúng cháu giúp được thì sao.
Bà cụ ngồi xuống chiếc ghế con, đặt cháu vào manh chiếu, tìm miếng trầu ở túi rồi đủng đỉnh kể:
- Chả là làng tôi chỉ có một họ: họ Lê. Tối hôm qua bà trưởng Kiên, vợ ông trưởng họ qua đời. Ông trưởng họ là người tài hoa, đánh đàn giỏi lắm. Bạn ông Kiên là ông phó Kèn, thổi kèn đám ma hay lắm. Chẳng may ông phó Kèn chết đã gần năm nay. Thế là chẳng có ai thổi kèn đưa bà Kiên ra đồng cả. Lên làng Thượng cầu cứu thì ông phó Kèn trên ấy lại đi làm ăn xa chưa về. Mà bà trưởng Kiên xưa kia lấy ông Kiên cũng chỉ vì mê tiếng đàn của ông ấy. Bà Kiên vừa hát hay vừa đẹp gái nhất làng. Chẳng lẽ người như bà ấy mà chết đi lại chết thầm không kèn không trống. Chính vì cái nhẽ đó nên ông trưởng Kiên suốt từ sáng đến giờ cứ nằm sườn sượt bên áo quan bà vợ, chẳng thiết ăn thiết uống gì nữa. Bác tính xem thế có khổ cho cả họ, cả làng chúng tôi không. Làm thì khối chân khối tay ra đấy, nhưng bảo thổi kèn thì ai ai cũng chịu.
Mặt Trịnh Huyền tươi tỉnh hẳn lên:
- Thưa cụ, tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy thì cháu làm được.
- Thế ra anh biết thổi kèn? Quý hóa quá!
Bà cụ vội bế đứa bé lên, cầm lấy tay Huyền dắt đi:
- Anh đi ngay với tôi đến nhà ông trưởng Kiên. Tôi là chị gái ông ấy đấy. Còn con bé này là cháu ngoại ông Kiên...
Bà cụ gọi tướng lên từ cái ngõ tre:
- Ông Kiên ơi? Thôi dậy đi? Có người giúp được rồi.
Chiếc quan tài kê ở gian giữa căn nhà gỗ. Một ông già râu bạc nằm thượt ở chiếc phản kê ở gian bên cạnh, tay vắt lên trán. Một cô gái và một cậu con trai ngồi xệp xuống đất cạnh chiếc quan tài, tay ôm mặt, ti tỉ khóc:
- Bu ơi là bu ơi!
Bà cụ bảo:
- Thôi, đừng khóc nữa. Có thợ thổi kèn đây rồi.
Ông già Kiên ngồi dậy ra tiếp khách. Ông cụ mời Huyền ngồi lên phản, nhìn anh từ đầu đến chân, ra chiều còn nghi ngờ. Ông hỏi:
- Bác là người vùng nào? Tôi nghe giọng bác không phải người Sơn Nam.
- Dạ, cháu là người xứ Đoài, gia cảnh nghèo túng nên đi lưu lạc kiếm ăn.
Trịnh Huyền nhìn cây đàn nguyệt treo trên vách, rồi lại nhìn vào đôi mắt còn như bán tín bán nghi của ông già. Anh thành thật nói:
- Cháu vốn không phải là người chuyên thổi kèn, nhưng hồi nhỏ vốn tính ham chơi mọi thứ nên đã có lúc đi theo các cụ hội hiếu. Cụ trùm hội bảo cháu hơi dài nên dạy thổi kèn. Nhưng thú thực với cụ là đã lâu lắm rồi cháu không thổi... chắc thổi sẽ còn loạc choạc lắm.
Cụ trưởng Kiên ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
- Anh còn nhớ điệu Lâm Khốc chứ?
- Dạ cháu còn nhớ.
- Thế Lưu Thủy, Hành Vân?
- Dạ thưa cụ đám hiếu sao cụ lại nói đến Lưu Thủy, Hành Vân?
- Là thế này, bà lão nhà tôi hơn tôi hai tuổi. Tôi sáu mươi chín, tức là bà ấy bảy mươi mốt. Thất thập cổ lai hy. Thế là thượng thọ rồi. Chết thế, con cháu ngoài việc thương xót tiễn đưa, còn thêm việc chúc thọ bà ấy.
- Dạ, cụ có nói, cháu mới rõ.
- Bây giờ, anh thử hát tôi nghe qua một đoạn Lâm Khốc. Hát bằng lời cũng được.
Trịnh Huyền hắng giọng, rồi cất tiếng:
Thương ôi! Hồn ở nơi nao?
Để cho con cháu kêu gào xót thương
Cụ trưởng Kiên gật gù, vào trong buồng lấy ra chiếc kèn.
- Kèn này là của ông bạn cố tri của tôi: cụ phó Kèn. Anh thử thổi lên mấy tiếng xem sao.
Trịnh Huyền mới đầu thổi còn lúng túng, ngắc ngứ, nhưng chỉ một lát sau ngón tay trên lỗ kèn của anh đã thuần thục. Cụ trưởng Kiên gật đầu tỏ vẻ bằng lòng:
- Bây giờ thì tôi yên tâm rồi. Chắc bỏ đã lâu, thế mà phút chốc đã lấy được thần thái của tiếng kèn. Bà nó ơi! Bà ra đi tôi đứt từng khúc ruột. Ngày xưa, lúc sinh thời, đi đưa đám ma, bao giờ bà cũng thưởng hậu cho anh thợ kèn những bài khóc chị... khóc em nếu họ thổi kèn khóc thật hay. Bà bỏ tôi ra đi, bỏ con cháu ra đi, thế mà ông phó kèn, bạn cố tri của tôi đã khuất núi rồi. Tôi cứ tự hỏi mình: Ai sẽ thổi kèn để rước hồn bà lên trời. Tôi cứ thấy như mình có lỗi với bà. Nay, như có trời xui đất khiến, anh thợ kèn trẻ tuổi này sẽ thay tôi để khóc để tiễn bà. Than ôi!
Chốc đà mấy chục năm trời
Mà nay đã khuất bóng người ngày xưa.
Nói xong những lời thống thiết, ông già ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ thơ. Chưa bao giờ Trịnh Huyền trông thấy một người đàn ông lớn tuổi lại khóc thảm thiết đến như vậy. Nước mắt lã chã làm ướt cả chòm râu bạc lơ thơ. Cô con gái và anh con trai của ông cụ sụp quỳ xuống đất lạy chiếc áo quan. Hàng xóm láng giềng không biết đã tụ tập đến tự lúc nào đông nghìn nghịt, người nào cũng khăn trắng trên đầu. Thì ra bây giờ mới là lễ phát tang. Một ông cụ rất già đầu tóc bạc phơ dóng lên hồi phèng la - tiếng chiêng đồng rè rè của thứ chiêng đặc trưng đám ma. Tiếng của nó rè rè, khàn khàn, chẳng một chút trong trẻo lánh lót. Ba tiếng phèng la cuối cùng vừa dứt, tiếng kèn của Trịnh Huyền cất tiếp theo ngay. Nó nức nở, nó kêu than, nó vật vã cũng giống như tiếng khóc của đám con cháu họ Lê đang quỳ rạp cả xuống.
Đám ma của người đồng chiêm sao mà thảm thiết. Người đồng cạn chết đi thân vùi sâu ba thước đất. Còn người đồng chiêm chết đi, thân đã vùi dưới đất, lại còn vùi thêm dưới nước. Trên đồng cạn, ta nhìn còn thấy lô xô những nấm mồ hoang lạnh. Còn ở đồng chiêm, nhìn ra cánh đồng mùa lũ, chỉ thấy nước trắng phẳng lì.
Có ai đã nhìn thấy một đám ma trên cánh đồng chiêm vào mùa mưa tầm tã chưa? Có ai đã trông thấy một đoàn thuyền thúng chở đầy ắp những người khăn trắng như cò, nối đuôi nhau bơi đi trên cánh đồng mênh mông trắng xóa chưa? Có ai đã mục kích những con người sống ngâm da chết ngâm xương, khóc than rầu rĩ, tiễn đưa nhau đến chỗ thiên thu cách biệt chưa?
Ông già râu tóc bạc phơ đứng trên chiếc thuyền nan bị sóng dập dềnh, lúc ông nhô lên cao lúc ông hạ xuống thấp, nhưng ông đứng vẫn rất vững, đánh phèng phèng vẫn chững chạc. Tiếng rè rè của chiếc phèng la kéo dài trên mặt sóng, tưởng như ngân nga không bao giờ dứt. Tiếng trống bùng binh hòa vào tiếng khóc được gió lan truyền đi rất xa. Khúc kèn lâm khốc của Trịnh Huyền lúc này đã hoàn toàn thuần thục. Thỉnh thoảng, Huyền ngừng kèn để tiếng khóc, tiếng trống bùng binh, tiếng phèng la hòa vào nhau than thở kiếp nhân sinh. Rồi, trong cái nền đều đều ấy, đột nhiên tiếng kèn của Huyền lại ré lên. Nó là tiếng nức nở xé lòng, nó là tiếng đứt ruột của ông già đưa tiễn một nửa đời mình, một nửa cõi lòng mình, một nửa hồn mình, trở về cõi âm dương cách biệt.
Đã đến vùng huyệt mộ. Những người đi đào đánh dấu bằng cách cắm vào đấy một cây nứa trên đầu thắt một dải khăn xô. Huyệt mộ nằm ẩn ngầm chìm sâu dưới nước, chẳng ai nhìn thấy, nhưng những người phu huyệt thì hình như nhìn thấy nó rõ mồn một qua làn nước đỏ phù sa. Họ ra hiệu, hò hét:
- Cho thuyền áo quan tiến lên cạnh huyệt. Đấy, thế đấy! Đầu thuyền nhích sang bên trái một tí. Được rồi!
Cũng như ở đồng cạn, huyệt phải đào đủ sâu ba thước đất. Cái khác là người ta phải chuẩn bị sẵn những hòn đá tảng đủ nặng để dìm chiếc quan tài gỗ đỏ chót cứ chỉ chực nổi phềnh lên mặt nước. Sáu chàng trai lực lưỡng nhảy tùm xuống nước, chất đá lên áo quan, làm cho chiếc quan tài đỏ từ từ chìm vào lòng nước. Tiếng đàn bà, trẻ con khóc thét lên tru tréo: "Ối mẹ ơi!", "Ới em ơi!". Trịnh Huyền phồng mồm đỏ mặt thổi khúc tiễn biệt cho thật lâm ly. Những bà cụ già rắc vàng đỏ ra khắp chung quanh. Những thoi vàng giấy dập dềnh theo sóng rồi được gió đưa đi khắp mặt nước.
Một đằng đá đè, một đằng những chàng trai lại đùng sức vít xuống. Mới đầu còn nhìn thấy cái bóng hồng hồng của chiếc quan tài. Sau đó nó chìm nghỉm mất tăm dưới nước.
- Được rồi? Mấy cậu đứng lên để vít nó chìm xuống đáy.
Mấy ông già nhưng bắp thịt còn săn cũng nhảy xuống, rồi lặn chìm dưới nước để kiểm tra cho thật kỹ lưỡng. Khi ông già đánh phèng phèng ngoi lên mặt nước và ra lệnh:
"Tốt! Cho lấp đất!".
Đám trai tráng được lệnh, liền lặn xuống lấy đất lấp áo quan. Những người dân quê lặn ngụp hàng tiếng mới đắp xong ngôi mộ chìm cho đủ độ cao và đẹp. Ông già đánh phèng phèng lại lặn xuống lần cuối cùng để kiểm tra cho thật yên tâm.
Ông trưởng Kiên quỳ rạp, mặt úp xuống ván thuyền để tiễn đưa vong hồn người vợ đi vào cõi mênh mang, để hẹn hò sẽ gặp lại một cái gì đó rất siêu linh mà không biết ông có còn gặp lại hay không. Đồng thời, ông cũng kính cẩn vái tạ bốn phương, vái tạ bà con đã tiễn đưa vong linh của người đàn bà yêu quý nhất đời ông. Trống đưa tang bùng binh dồn dập. Phèng la đóng một hồi. Tiếng kèn của Trịnh Huyền lại nức nở, nức nở. Tiếng khóc của những người thân lại cất lên lần chót, tiếng khóc thảm thiết mênh mang lan trên cánh đồng nước nổi. Tiếng khóc dập dềnh tỏa đi theo những con sóng, con gió, để biến vào cõi hư vô.
* *
*
Ông trưởng Kiên, sau khi chôn vợ, nằm liền mấy ngày không dậy nổi. Còn Trịnh Huyền, sau cuộc thổi kèn bất đắc dĩ ấy, thấy thương ông già đầy nghĩa tình với vợ. Trịnh Huyền, trong cuộc đời lang bạt, có học được chút ít nghề thuốc. Vả lại người con gái và người con trai của ông cụ lóng ngóng lắm, không biết cách chăm sóc người ốm, nên Trịnh Huyền đành phải ở lại ít hôm thuốc thang cho ông cụ.
Hai người con lóng ngóng là phải vì họ còn rất trẻ. Anh con trai chừng mười ba, mười bốn. Cô con gái chừng mười tám, lại có một đứa con măng sữa. Họ chưa đủ cứng cáp để đối mặt với nỗi đau buồn to lớn. Ông trưởng Kiên là loại người cứng rắn. Nhưng bên ngoài càng cứng rắn bao nhiêu, thì bên trong người ta càng dễ yếu mềm bấy nhiêu. Loại người ấy, khi gặp nghịch cảnh to lớn, có thể sụp đổ. Và, nếu ông già, vì quá đau buồn, mà ra đi lúc này thì hai người con kia sẽ ra sao.
Ông già Kiên hình như đọc được những ý ấy trong mắt Huyền. Ông nằm dài trên giường và cứ nắm lấy tay anh. Hình như ông cố níu lấy sự sống. Hình như ông muốn nói: "Xin anh đừng bỏ tôi, và ra đi lúc này".
Trịnh Huyền cảm nhận được điều ông già muốn nói nhưng lại không dám nói. Có thể, tiếng kèn tang của anh đã làm cho ông trưởng Kiên hiểu được chút gì về tâm hồn anh chăng. Ở đây, không khí lúc này là tang tóc; còn anh, Trịnh Huyền, anh là sự sống. Một con người nặng tình như ông già này, nhạy cảm như ông già này, nếu để mặc ông một mình trong bầu không khí tang tóc, có thể ông sẽ buông tay, sẽ ngả về miền bóng tối. Ông già đang cần được kéo ngược trở lại về miền sống. Có lẽ sự có mặt của anh, lúc này, đối với ông, là cần thiết. Trong anh, bỗng dâng lên niềm thương cảm. Trịnh Huyền liền vỗ nhè nhẹ lên bàn tay nhăn nheo của ông già:
- Bác cứ yên tâm, cháu sẽ ở lại. Rồi bác sẽ khỏi thôi.
Từ hôm ấy, Trịnh Huyền tự tay đi hái lá, sắc thuốc chữa cho ông già. Cũng phải mất đến nửa tháng cụ trưởng Kiên mới hồi lại được. Cụ đã húp được bát cháo, đã ăn được lưng cơm nóng sốt. Ông đã lần ra được sân cho gà ăn, và có lúc ra vườn hái quả cà, quả ớt.
Ông già được Trịnh Huyền săn sóc, được nhìn thấy bóng anh đi lại trong nhà; tiếp xúc mãi dần dần bón quen, ông già cứ tưởng anh như người thân. Trịnh Huyền định tạ từ ra đi, song cụ Kiên cố giữ anh lại. Hình như cụ muốn thổ lộ với anh điều gì. Hôm bốn chín ngày, cụ Kiên sai con gái làm mâm cơm cúng vợ. Rất trang trọng, cụ mặc chiếc áo the cũ, đội khăn xếp chỉnh tề, lấy cây đàn nguyệt treo trên vách xuống, đến trước bàn thờ vong bà Kiên kính cẩn nâng cây đàn lên ngang mày khấu đầu lễ. Hai người con ngồi sau lưng ông cũng làm theo. Lúc này ông già so dây và gảy lên khúc nguyệt cầm thánh thót:
Thỉnh mời công chúa Thiên Thai
Giáng sinh hạ giới quyền oai thượng ngàn..
….
Thì ra, cụ trưởng Kiên là một nghệ nhân chầu văn. Ông nức danh khắp vùng Sơn Nam thượng, hạ. Bà trưởng Kiên cũng là một nữ nghệ nhân. ông bà lấy nhau vì tình mà cũng vì tài. Đến lúc ấy, Trình Huyền mới hiểu được, tại sao khi bà Kiên lâm chung, thiếu tiếng kèn tiễn đưa, ông lão lại chẳng nói chẳng rằng, nằm thẳng cẳng vắt tay lên trán, không chịu phát tang. Cái giống tài tình nó như thế đấy. Chữ tình với ông nặng tựa ngàn cân. Đối với ông, tiếng kèn ai oán, khúc lâm khốc bi thương của Trịnh Huyền là một ân nghĩa. Ông dắt tay chàng trai đến gần bàn thờ vợ, thắp ba nén hương, cứ như thể ông muốn giới thiệu chàng trai với bà vợ. Vẻ mặt ông thật nghiêm cẩn, cái phong độ đánh đàn của ông cũng thật chững chạc vừa thân tình, vừa kính lại vừa thương. Nào ai biết ông nghĩ gì lúc này. Ông đang tâm sự với vong linh bà, hay đang muốn nói điều gì với Trịnh Huyền, hay đó là khúc giao tình giữa những kẻ tri âm. Chắc đêm qua ông đã mơ thấy bà hiện về trong giấc mơ. Cũng có thể là ông đang hồi tưởng lại một kỷ niệm xưa nào đó khi ông bà còn trẻ, lúc ông bà vai đeo túi xách, tay cắp níp đàn. Họ rong ruổi nơi rừng xanh núi đỏ. Rồi tiếng đàn của ông, tiếng hát của bà quyện vào nhau ở những chốn cheo leo nơi chỉ có hùm beo và mây và nước.
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn
Chiếc thuyền bán nguyệt khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh suối thác đèo cao.Bà nó ơi! Có còn nhớ không? Có còn nhớ tiếng hát của bà đã làm mê hồn cả bốn phương thiên hạ. Chắc cô Chín đền Sòng, cô Ba Đồng Mỏ khó tính khó chiều đến thế cũng phải hài lòng với giọng hát của bà.
Da ngà mắt phượng long lanh
Hà huê tươi tốt, tóc xanh rườm rà
Nhụy hồng tuyệt điểm màu da.Ông già đang hát giọng cờn, một điệu hát văn trữ tình, say đắm, đắc ý nhất của ông. Bà lão của ông rất hiếm khi ngồi đồng, tuy nhiên trăm năm cũng có một lần, mà lần nào bà bắc ghế hầu thánh cũng lẫm liệt, oai phong lắm. Hôm ấy, thể nào người đến dự cũng đông nghìn nghịt. Cứ nhớ mãi, khi ông cất lên giọng hát, thì cả tòa điện thờ chợt như có thần hiện, tất cả chợt như lung linh tỏa sáng. Những ngọn nến cứ cố dướn lên để ngọn lửa to hơn, sáng hơn. Khói hương đã mờ ảo hình như càng mờ ảo thêm. Gần cũng chả nhìn rõ mặt nhau, chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh. Không gian như say như đắm trong tiếng nhạc dồn dập, trong tiếng bập bùng, bập bùng rất có duyên của tiếng trống cơm. Bà chúa Thiên Thai mặc váy lụa bạch, áo dài lụa bạch, gấu váy, gấu áo cài hoa. Hai tay bà cầm dải lụa xanh. Dải lụa lúc như con rắn, lúc như làn khói bay lượn trong không gian huyền ảo. Đôi mắt phượng long lanh, những ngón tay bà vừa dẻo vừa mềm như những ngón tay búp măng của Phật, lúc lượn dưới cắm, lúc xòe ra như bông sen trước mặt.
Ôi? Bà chúa Thiên Thai! Bây giờ người đi đâu, người đang ở chốn nào?
Ông trưởng Kiên bỗng dưng ngừng tiếng đàn. Ông ngồi lặng đi trước vong linh người vợ, mãi hồi lâu mới lẩm bẩm:
"Hôm nay, tôi đã thành tâm làm trọn ý nguyện với bà rồi đấy".
Từ lãng đãng siêu linh, ông đã quay về cõi thực. Từ chốn mung lung huyền ảo, ông đã thức dậy giữa chốn nhân gian. Từ chỗ xuất thần mộng mị, ông đã dần dần nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Ông kính cẩn cầm chiếc đàn lạy ba lạy rồi dựng nó lên bàn thờ vợ.
Lúc ấy, đã xong nghi lễ, ông trưởng Kiên dắt tay Trịnh Huyền ra ngồi ở thềm nhà. ông nói:
- Cháu hãy nghe bác nói. Lời nói tự đáy lòng. Chỉ mới gặp nhau, mà bác cảm thấy như đã quen cháu từ lâu lắm rồi, từ kiếp nảo kiếp nào chẳng biết. Mới sơ kiến, đã thấy ân tình, cứ ngỡ như gặp được người tri kỷ vong niên. Âu cũng là duyên trời. Bác biết cháu là kẻ lênh đênh, nhưng biết đâu đấy, ngôi nhà của bác sẽ lại chẳng là nơi bến đậu. Khi nghe tiếng kèn của cháu, bác đã chợt nhận ngay ra con người này sẽ là kẻ truyền nhân của ta. Bác chưa nhận ai làm học trò bao giờ, nhưng từ nay bác sẽ truyền nghề đàn cho cháu. Vậy, cháu có bằng lòng hay không?
Không nói một lời, Trịnh Huyền cung kính bái lạy ông già Cụ trưởng Kiên vẫn tiếp lời bằng cái giọng run run. Có lẽ là những lời khó nói:
- Nếu chẳng có gì trở ngại, thì đấy, bác chỉ có một mụn con gái. Nó giống bà lão của ta lắm. Song, hồng nhan bạc mệnh... Cái Thắm, nó đã có một đứa con. Nếu cháu chẳng chê, thì hãy nhận đứa bé làm con. Nếu được như vậy, chắc ở dưới suối vàng, bà lão nhà ta sẽ vô cùng thỏa nguyện.
Câu chuyện tình của anh thổi kèn đám ma là như vậy đó. Ông trưởng Kiên quả có con mắt tinh đời. Ông đã chọn được rể hiền. Và hơn thế nữa, Trịnh Huyền lại còn trở thành người nghệ nhân tài hoa nhất trong nghề đàn nguyệt, trong nghề hát văn. Một khi Trịnh Huyền đã nhận ôm đàn, thì cuộc hầu bóng ngày hôm đó sẽ hoàn toàn khác hẳn. Bây giờ, có thể nói, tài đàn của Trịnh Huyền còn có phần nhỉnh hơn cả cụ trưởng Kiên tí chút. Yên tâm rồi, cụ Kiên không cầm đàn nữa, cụ chuyển sang đánh trống. Giọng hát của cô Thắm, vợ Trịnh Huyền là thứ giọng hớp hồn người nghe. Khi giọng cô cất lên, đèn nến như lung linh thêm, khăn chầu áo ngự của cô đồng cũng như được dát thêm ánh vàng, ánh bạc. Và tiếng đàn tài tử của Trịnh Huyền, thì như kẻ phụ trợ, biết cầm tay dắt giọng của vợ lên, nâng cánh cho tiếng oanh vàng có chốn nương tựa, khiến cho nó đã bay cao rồi còn bay cao thêm lên đỉnh chót vót. Tiếng đàn, tiếng hát của đôi vợ chồng Trịnh Huyền chẳng mấy chốc đã nổi tiếng khắp vùng.
Có điều đặc biệt: đứa con của Thắm, bé Nhụ, rất quấn quýt Trịnh Huyền. Hôm hai vợ chồng làm lễ bái gia tiên, bé Nhụ hỏi: "Ai đây hở mẹ?". Người mẹ bảo: "Cha con đấy. Cha con đi làm ăn xa, bây giờ mới về với con". Đứa bé mừng rỡ: "Từ rày cha đừng đi xa nữa nhé. Con thích cha luôn ở với con". Chuyện này làm Trịnh Huyền sung sướng. Anh càng ngày càng gắn bó với hai mẹ con Thắm.
Chỉ riêng có một điều làm Huyền không vui. Đó là, mỗi khi Thắm nhìn thấy nửa khuôn mặt bên phải, khuôn mặt có vết sẹo quái quỷ làm con mắt phải cứ mở trừng trừng, là Thắm lại rùng mình. Ngay cả khi vợ chồng ân ái với nhau, Thắm nhìn thấy cái phía quái quỷ ấy trên gương mặt Huyền, lập tức cô như người mất hồn, nhắm mắt lại, nằm trơ ra như cây gỗ. Hỏi thì cô trả lời "em sợ". Huyền phải giải thích:
« Vết sẹo ấy là hậu quả của một trận đánh, ông Đề Nghĩa bị vây hãm trong một căn nhà cháy. Huyền phải xông vào nhà lửa cứu ông ra. Chủ tướng thoát chết, nhưng nửa mặt bên phải của Huyền thì bị hủy hoại ».
Thắm thở dài trả lời chồng:
- Việc làm của mình là trung nghĩa, song em vẫn không tài nào xua đi được nỗi sợ.
Câu nói của Thắm gây một mặc cảm cho Huyền. Từ đó, anh luôn phải giữ ý. Trước mặt vợ, anh luôn phải tìm một góc đứng sao cho cô chỉ nhìn thấy nửa mặt bên trái của anh. Cả những lúc thương yêu nhau, anh cũng không bao giờ quên điều đó. Anh luôn luôn gục đầu vào vai trái của nàng, có như thế mới che được phía mặt phải gớm ghiếc, và mới để lộ ra khuôn mặt trái khả ái của mình.
Ở cùng gia đình cụ trưởng Kiên, Huyền chẳng phàn nàn điều gì, ngoại trừ cái điểm bất tiện nho nhỏ ấy thôi.
Khi Thắm có mang, khi cái bụng cô đã lùm lùm rõ rệt, thì cụ trưởng Kiên lâm bệnh. Ông cụ, trước lúc sang thế giới bên kia, nắm tay con rể, thều thào:
- Thầy đã mãn nguyện rồi. Cái Thắm sắp sinh cháu, thằng Kiến đã lấy vợ. Thầy nhắm mắt xuôi tay được rồi.
Ông cụ tưởng rằng, gia đình đã đến hồi mát mặt, chẳng còn tai họa gì nữa. Ai ngờ lúc Thắm sinh con lại gặp trường hợp đẻ khó. Cả hai mẹ con Thắm đều chết lúc chị lâm bồn. Trịnh Huyền rớt nước mắt than rằng:
- Kiếp nhân sinh là thế này ư?
Trịnh Huyền nghĩ bụng:
« Có lẽ nguyên nhân là do vợ anh sinh ra vào kiếp cầm ca. Vì vậy Huyền chôn theo cây đàn cùng với vợ và thề rằng từ nay sẽ không bao giờ đàn hát nữa ».
Buồn bã, chán nản, anh thu xếp công việc cho Kiến, em vợ, rồi dắt con gái trở về nơi quê cha đất tổ. Anh thở dài nhìn cô bé Nhụ đang hớn hở chạy ở mép nước hồ Huyền. Anh nhắm mắt nhắc lại cái ý nghĩ thầm kín, cái ý nghĩ vừa làm anh vui, lại vừa lo lắng. Anh kêu lên:
- Ôi chao! Sao con bé lại giống mẹ nó thế. Chẳng biết... sau này đời nó ra sao.