Điều và Nhụ luôn đi bên nhau như hình với bóng. Từ hôm xảy ra cuộc ẩu đả giữa Điều và thằng Cò ở đầu làng, lòng Nhụ dấy lên một tình cảm khó tả. Không ngờ Điều lại gắn bó với nó đến thế. Sự biến ấy có lẽ làm những tình cảm từ sâu thẳm trong lòng người, những tình cảm rất tự nhiên mà con người không để ý tới, không nhận ra sự có mặt của nó, bỗng bộc lộ ra, bỗng trồi lên vừa rõ rành rành, lại vừa như mờ ảo. Tình cảm ấy tên gọi là gì, người ta không biết, nhưng có điều rất rõ là từ hôm đó Nhụ ý tứ hơn, cô giữ gìn để không làm gì phật lòng người anh họ hờ của mình. Cô nghĩ rằng không nên làm gì cho Điều buồn, như thế mới đúng, mới xứng đáng với sự tốt bụng của Điều đối với mình. Không có Điều che chở thì Nhụ sẽ ra sao, có sống nổi ở cái làng này không? Chắc chắn người ta sẽ làm Nhụ khổ. Đừng tưởng rằng các bạn chăn trâu đều tốt cả với Nhụ đâu. Người ta có thể tốt bụng nhưng cũng có thể sẽ sẵn sàng vui thích khi thấy Nhụ khóc. Trong khi ấy, chỉ riêng Điều là người không bao giờ chịu đựng được khi Nhụ khóc. Có lần Nhụ đã khóc. Bận ấy, Điều bứt rứt, cố an ủi cô gái:
- Em nín đi. Đừng khóc nữa. Em nín thì bất cứ em muốn gì, anh cũng sẽ chiều em.
Để cho Nhụ hoàn toàn hòa mình với Cổ Đình, Điều dẫn cô gái đi khắp xó xỉnh trong làng. Điều đọc câu ca:
Đầu làng có một cây đa.
Cuối làng cây gạo, ngã ba cây đề.
Trước tiên, Điều dẫn Nhụ đến cây đa đầu làng. Một cây đa cổ thụ trứ danh, gốc to chục người ôm không xuể. Nó là niềm kiêu hãnh của Cổ Đình. Một cây đa vừa hùng vĩ, vừa đẹp, người trong vùng ai cũng biết. Người ta dùng nó làm điểm xác định vị trí. Ví dụ: "Làng tôi là làng Già, cách cây đa Cổ Đình hai cây số về phía đông"; hay là: "Đồn điền Mắt Mèo ở trên đường về Cổ Đình, cách cây đa ba cây số", v.v... Người ta bảo chắc cây đa phải đến trên ba trăm năm tuổi. Tán của nó phải che kín mẫu đất. Cây đa cao to sừng sững, đứng ở tít xa đã trông thấy ngọn của nó vươn lên khỏi lũy tre làng. Cây đa thiêng thành thử lũ trẻ chăn trâu chẳng đứa nào dám nghịch ngợm leo trèo. Bốn cái rễ phụ ở bốn phía đâm xuống đất lâu ngày dần lớn lên thành bốn thân cây nhỏ khác, tuy nhỏ nhưng cũng phải bằng cột nhà. Các cụ bảo đó là bốn quân hầu, tứ trụ triều đình phò tá thần cây. Ngoài ra, còn nhiều rễ phụ khác, có những rễ nhỏ như ngọn tay, ngón chân, có những rễ li ti nhỏ như chân hương, như sợi chỉ thõng rủ xuống tạo thành những mớ tóc dài. Trên những chùm rễ phụ, người ta buộc những ông bình vôi, trong bụng đã đặc kịt. Lũ ông bình vôi lủng lẳng ở khắp mọi cành, cái treo cao, cái treo thấp. Đêm xuống, gió to, lũ ông bình vôi đu đưa, trông xa lờ mờ như những đầu lâu bị treo tóc ngược lên. Chúng đánh võng trong những đêm dông, va vào nhau lốp ca lốp cốp.
Vì ít có người đi lại ở gốc, nên những rễ đa bò lổm ngậm trên mặt đất ở khắp nơi dưới bóng cây. Cớ những rễ nổi lộ ra, có cái nửa chìm nửa nổi, có cái lại sùi to ụ lên, có cái ngoằn ngoèo uốn lượn như những con rắn. Điều là anh con trai táo tợn, nhưng cũng chẳng muốn vào gần sát gốc, Ở đó rễ chồng chất lên nhau, tạo ra những lỗ hổng, hang hốc. Người ta bảo nhiều rắn làm tổ tại đây. Dân làng, có người nói đã trông thấy một đôi rắn trắng, mào đỏ, to hơn cổ tay, dài như đòn gánh. Dân làng thì thầm: "Đó là đôi ngựa để ngài cưỡi đi tuần quanh làng xóm".
Sau vụ cụ Đốc Ngữ khởi quân đánh Tây, mấy chục nghĩa sĩ bị bắt, đã bị chặt đầu dưới gốc đa này, rồi còn bị treo đầu bằng tóc vào rễ đa, theo kiểu những ông bình vôi Sau vụ thảm sát ấy, xóm làng còn bị một trận dịch tả tàn sát. Sau hai tai họa đổ xuống đầu, xóm làng tiêu điều xơ xác.
Khi hộ Hiếu nhập đồng, mấy cụ già trong làng đến hỏi:
- Làng ta bị động to phải không?
Ông hộ Hiếu trả lời:
- Đúng! Chùa thì đổ rồi, nhưng làng ta vẫn còn đình thờ thành hoàng, và còn cả thần cây đa nữa. Phải kính cẩn hương khói phụng thờ các ngài để các ngài che chở cho.
Dân làng bèn đóng góp, xây bàn thờ tại gốc đa. Bàn thờ ở gần gốc đa, cách gốc chừng năm mét. Ban thờ gồm hai bậc. Bậc trên xây hình cái ngai, ở đầu hai tay vịn là hai cái đầu rồng. Trên ngai đặt bài vị bằng đá trên khắc bốn chữ "Đại thụ linh thần". Bậc dưới có lọ cắm hoa, bát hương; đó là nơi đặt đồ cúng lễ. Lúc nào trên ban thờ cũng thấy đặt nậm rượu, và năm trăm vàng hoa ngũ sắc.
Điều nói nhỏ với Nhụ:
- Đêm khuya thanh vắng, gió thổi vào lùm cây, lá đa reo lên như hú. Lá vàng rụng lả tả. Chính lúc ấy là lúc các cô ngự về làng chơi.
- Các cô là ai? – Nhụ hỏi.
- Là những người đàn bà đẹp chết trẻ, hoặc chết oan khuất. Các cô được sung vào làm lính. Các cô đồng trinh thì được đưa đi hầu Thánh Mẫu ở đền bên kia sông. Còn những bà nạ dòng thì được đưa ra đây hầu hạ vị đại thụ linh thần. Các cô thường đánh võng trên cây đa, đưa tít bổng lên trời. Có đêm thanh vắng, trong làng cũng nghe thấy tiếng kẽo kẹt, và cả tiếng ru con véo von thánh thót. Lúc ấy chó cũng không dám sủa, còn người thì dựng tóc gáy.
- Đã bao giờ anh trông thấy các cô chưa?
- Rồi! Một buổi tinh mơ, anh đi nhấc đó đơm cá, ra đi lúc trời còn tối mịt. Qua gốc đa, anh nín thở, cắm đầu cắm cổ chạy cho mau. Thấy ở gốc cây đa, nhô ra ba cái bóng: một áo vàng, một áo đỏ, một áo xanh. Các cô tha thướt như bay. Ba cô đều vấn tóc bỏ đuôi gà, hai tay vung vẩy thẽo thượt. Thế là anh ba chân bốn cảng ù té, không dám quay đầu lại. Còn nghe rõ cả tiếng cười khúc khích... Nhưng suy cho cùng, chẳng hề gì đâu. Bởi vì các cô là quân hầu của thánh của thần, đời nào các cô hại ai, chỉ là thích chòng ghẹo người trần gian cho vui, những khi nhàn rỗi. Các cô dứt khoát chẳng phải là ma.
- Sao biết không phải là ma?
- Là ma thì thường phải mặc áo trắng. Đằng này các cô lại mặc áo xanh, áo đỏ.
- Cô Chín cũng có khi mặc áo trắng đấy. Song cô Chín không phải là ma.
- Cô Chín nào?
- Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa mà em thường hát đấy. Cô Chín chỉ ưa rực rỡ. Luôn thích màu xanh màu đỏ. Song cha em bảo rằng có cô Chín Bạch, Ở mãi tít trong rừng sâu thẳm. Nơi cô ở có nhiều con suối rất đẹp nên cô ưa mặc màu trắng. Người nào ngự giá đồng này phải là tay đồng thuộc, rất thành thạo mọi giá, mọi tục lệ nhà đền. Cô Chín Bạch mặc áo trắng, đi hài trắng thêu cườm lóng lánh, thắt lưng cũng trắng; khăn đội đầu bằng lụa, quạt cầm tay là quạt lông chim trĩ bạch. Bạch nhưng không phải màu trắng toát, mà là màu trắng ngà. Màu trắng ngà hơi hanh vàng, nó dịu dàng, mát chứ không lạnh, rất trang nhã. Người đồng tân, mới đi hầu chư vị, nếu ngồi giá đồng này thì nguy hiểm lắm. Cô Chín Bạch tinh khiết, dễ mê đắm. Có người ngự giá đồng này xong, mấy ngày sau vẫn còn mơ mơ màng màng, chưa tỉnh lại được.
Nói tới cây đa làng, còn phải kể đến ông Thần Cẩu, tức con chó đá thờ. Ngài thần chó đá này khá to. Nó khác những con chó đá vẫn để ở trước cổng nhà. Pho tượng bằng đá xanh nhẵn bóng. Tượng Thần Cẩu đục khá công phu, thành hình con chó hẳn hoi. Chỉ có cái đuôi, vì thiếu đá, nên không vểnh lên như bông lau mà chỉ là một mẩu đá cụt. ông Thần Cẩu cao ngang thắt lưng người, đặt bên cạnh bàn thờ gốc đa.
Năm xưa, làng động, thầy hộ Hiếu bảo lý do còn vì cái nghĩa địa nằm ở chân quả đồi ở phía trước đầu làng. Nghĩa địa nhòm vào làng là độc lắm. Nhiều thầy phong thủy, nhất là ông Hoàng Sùng Lâm nhìn thấy cái nghĩa địa này cứ lắc đầu mà không dám nói. Chẳng là ngày xưa, đồng làng, lúc mưa to hay bị ngập úng. Có ông thầy Tầu khăn gói đi qua bảo rằng chân quả đồi, có một huyệt táng rất đẹp, táng vào chỗ đó có thể phát tới năm đời. Tiên chỉ Nhậm nuôi thày Tầu suất ba tháng ròng. Ông ta tìm các huyệt mộ trong vùng, cuối cùng chẳng thấy huyệt nào đẹp hơn. Sợ mọi người phản ứng nên tiên chỉ Nhậm đã mang hài em của bố mình chôn lén ban đêm. ở đấy. Chôn xong lại khỏa đất sao cho như thường để không ai nhận ra. Chuyện táng mộ rất bí mật, ban đêm chôn thầm, chẳng đèn, chẳng đuốc. Giữ bí mật được mấy năm, nhà tiên chỉ có tên đày tớ phản chủ, hắn trốn khỏi làng, nhưng trước khi đi đã hé lộ cho dân làng biết chuyện ấy.
Dân nghèo không có tiền thuê thầy địa lý tìm âm trạch, song thấy quả đồi cao ráo thuận tiện nên cũng bảo nhau táng theo vào đó. Thứ nhất là để cầu may, tìm chút hơi hướng còn sót lại của ngôi huyệt mộ. Người ta bảo ví dụ huyệt là cây bút lông, người giàu tìm đúng huyệt táng cha mẹ vào nơi ngòi bút. Còn mình nghèo hơn, cứ táng vào, may ra trúng vào cái quản bút thì sao. Thứ hai, đồng làng thì trũng, núi làng thì nhiều, cớ sao không đưa xương cất các cụ lên đồi mà cứ để ngâm xương dưới đồng mãi như thế.
Thành thử cái nghĩa địa ấy không định mà thành. Bây giờ, trong làng, gia đình nào cũng có mộ Ở đó. Không dễ dàng gì khi muốn di chuyển cái nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ đó đi. Tuy nhiên, nếu cứ để nguyên, tà khí của nó chiếu thẳng vào cổng làng, sẽ xâm hại đến cả làng. Bàn xuôi bàn ngược mãi, ông hộ Hiếu bảo chỉ còn cách trấn yểm. Hội đồng kỳ mục giao việc này cho ông Hiếu. ông mượn thợ, tạc một con chó đá có lỗ thủng ở bụng, vẽ một đạo bùa yểm nhét vào đó. Làm xong, ông cho xây bệ đặt chó đá nhìn thẳng vào nghĩa địa chân đồi.
Lão nhà giàu là Cửu Nhậm (lúc đó Nhậm chưa làm tiên chỉ), đang làm ăn ngoài Hà Nội rất phát đạt, về làng, thấy chó đá nằm dưới gốc đa, biết rằng nghĩa địa, nghĩa là mộ nhà mình bị trấn yểm. Lý Cỏn là cháu họ cửu Nhậm, hương Ất cũng thuộc họ đồng tông, không muốn dây vào chuyện này, bởi vì cửu Nhậm thuộc chi Quý mà Cỏn và Ất thì ở chi Mạnh chi Lương nên mả của bố Nhậm mà phát thì họ cũng chẳng xơ múi gì. Do vậy, đám lý dịch án binh bất động. Cửu Nhậm, tức tiên chỉ Nhậm sau này, căm lắm. Lão liền nhờ đám lính khố xanh trên huyện, và một lũ đầu trâu mặt ngựa ngoài Hà Nội về. Một đêm tối trời, cánh cửu Nhậm ra gốc đa đào con chó đá, lén vứt xuống hồ Huyền. Lý Cỏn, hương Ất lờ đi vì cùng người họ Vũ Xuân cả, ai lại nỡ ra tay với nhau. Điều này dễ hiểu, nhưng điều khó hiểu là cả lão hộ Hiếu, người chủ trương tạc con chó đá ấy cũng bình tĩnh như không có gì. Dân ra chùa để hỏi, hộ Hiếu chỉ cười và nói:
- Khắc đi thì khắc về.
Dân Cổ Đình xì xào: "Cánh họ Đinh sợ cánh họ Vũ Xuân rồi". Nhưng người ta càng ngạc nhiên hơn nữa, vì chỉ mấy hôm sau đó, người ta thấy con cháu ông Vũ Xuân Nhậm đem thuyền ra giữa hồ Huyền, lặn hụp suất một buổi mới tìm thấy con chó đá đem trả về gốc đa chỗ cũ. Hỏi thì họ bảo:
- Ông đại thụ linh thần về báo mộng cho họ biết chó đá bị mất ở đâu, và sai họ đi rước chó đá về.
Mãi về sau, người ta mới biết sau hôm vứt con chó đá xuống hồ, con trai lão Nhậm bị cảm tả suýt chết. Đi xem bói thầy bảo ăn cắp vật linh của thánh thần, không mang trả ngay thì mất mạng như chơi.
Hộ Hiếu ở ngoài chùa đổ, vuốt râu cười khì. ông ta nói:
- Đã bảo trước khắc đi thì phải khắc về rồi mà.
Dân làng Cổ Đình thấy chó đá thiêng, từ đấy gọi hòn đá tạc ấy là ông Thần Cẩu.