Trời về chiều. Cụ Nho Tiết, tóc bạc phơ như một ông tiên, đang ngồi nhâm nhi chén rượu bên thềm nhà. Trước mặt là chiếc mâm gỗ mộc, trên bày một đĩa tép kho, rồi rau, cà, tương và mấy quả ớt chỉ thiên đỏ chót. Đối diện với cụ là một cậu bé trạc mười bốn tuổi. Nó cởi trần, chỉ mặc độc một chiếc quần lửng. Làn da nâu được ánh chiều hắt vào làm bóng lên. Mỗi miếng thằng bé nhai một quả cà, ăn rất nhanh, chỉ một loáng đã xong bát cơm. Cụ Tiết cười, bảo:
- Ông đã dạy cháu bao nhiêu lần rồi, ăn phải có nhai. Từ tốn thôi con ạ.
Nói đoạn, cụ cầm quả ớt đỏ đưa lên miệng, cắn một chút xíu. Ông cụ để cho vị ớt cay xè hăng hăng thấm vào khắp miệng, lan tỏa tới cổ họng; lúc ấy cụ mới nâng chén rượu lên, tợp một hớp nhỏ, để cho vị nồng thơm của nó quyện vào vị ớt, làm cháy bỏng cả tâm hồn, làm tê tái cả đầu lưỡi. Lúc đó, cụ mới chấm đầu đũa vào bát tương, đưa lên miệng mút nhẹ, rồi ngồi trầm ngâm hưởng sự lan tỏa của cái mặn cái cay nồng, cái thơm thoảng đang trộn vào nhau. Khi này, trong mồm cụ, lại là sự ngây ngất dịu dàng, sự giải tỏa cái hăng nồng để đi tới sự hài hòa êm ả, bình lặng của vị giác.
Cụ Nho Tiết vẫn thích uống rượu một mình như thế, thích hưởng thụ sự hòa trộn các mùi vị như thế. Người ta vẫn hỏi về cái ngon của nó ra sao, nhưng cụ chỉ cười không giải thích nổi, hay là cụ không muốn giải thích cho ai. Song chắc chắn đó là cái thú rất riêng của cụ, cái bí mật rất riêng mà cụ khư khư giữ lấy, mà người đời chỉ còn biết lắc đầu, và cho rằng đó chỉ là cách uống rượu gàn dở. Có những bữa cỗ thịt cá ê hề, người ta mời cụ vẫn đến ăn uống. Ai hỏi: "Có ngon không?", cụ cũng đáp rằng: "Ngon!". Có lẽ chỉ vì cụ trân trọng tấm thịnh tình, sự ân cần quý hóa của nhà chủ. Cụ không bình phẩm cái sự ăn uống, nhưng trong thâm tâm, cụ vẫn thích cách uống rượu của mình hơn. Nhà cửa của cha ông để lại cũng khá đàng hoàng. Nhà ngói cây mít hẳn hoi, nhưng thực ra từ khi ở tù về, sự ăn tiêu của cụ không được du dư cho lắm. Vả lại, cụ là người tiết kiệm, nhưng có thể sự đạm bạc đã giúp cụ tìm ra được cái hoan lạc trong những phẩm vật giản dị mà trời chỉ riêng ban cho cụ được biết.
Tợp hớp rượu xong, cụ ngồi lắng nghe tiếng xào xạc, cót két của rặng tre, cùng với tiếng ríu rít của bầy cò đang bay về đậu trên những ngọn cây nhãn ngoài vườn, rồi cả tiếng rúc rích của đàn chim sẻ trú ngụ trên tán cây mít um tùm trước sân.
Trời bắt đầu chạng vạng. Cu Điều đã ăn xong bữa từ lâu. Nó ra rút rơm cho lũ bò vàng ăn tối. Chỉ còn mình ông cụ vẫn ngồi bên chiếc mâm gỗ. Chợt con chó Vá bỗng sủa nhặng lên ngoài ngõ. Ông cụ Tiết cất tiếng:
- Ơ! Cu Điều! Ra xem có ai.
Thằng Điều dạ thật to rồi chạy ra mở cổng. Một người đàn ông và một cô gái trạc tuổi nó đứng sừng sững hỏi:
- Cháu ơi! Đây có phải là nhà cụ Tiết.
- Vâng ạ?
- Cho bố con tôi xin được gặp cụ đồ.
Thằng Điều lấm lét nhìn cái nửa khuôn mặt kỳ dị của ông khách, rồi ngập ngừng hỏi:
- Ông là ai ạ?
- Bố con tôi từ xa về.
Điều còn đang lưỡng lự thì ông khách đã xăm xâm bước vào sân. Con chó Vá chồm lên sủa, ông khách phải ngồi sụp xuống vớ hòn đất. Điều cầm cái roi tre quát tháo ồn ĩ, con chó vẫn không chịu lùi. Chỉ đến lúc cụ Tiết lên tiếng:
"Vá! Vá! Khách đấy! Vào đi!",
lúc ấy con Vá mới chịu lủi xuống bếp.
Trong nhập nhoạng, Trịnh Huyền bỗng nhìn thấy mớ tóc trắng như cước của ông già đang ngồi uống rượu bên thềm nhà, anh chợt thấy thương cảm và lúng túng. Bỗng như một đứa trẻ, Huyền khoanh tay trước ngực, cúi gập người xuống lễ phép run run nói:
- Con lạy thầy ạ.
- Hả?
- Thưa, con lạy thầy ạ.
- Thầy nào? Ông là ai?
- Thưa, con là Trịnh Huyền.
- Huyền nào?
- À à… Huyền tức là thằng Phác ngày xưa, con của thầy.
- Hả?
Ông già tóc trắng chợt đứng bật dậy, run run tìm chiếc kính đeo lên mắt. ông cụ lại gần người khách lạ, đi quanh người anh, nhìn sát mặt anh, ngắm phía mặt kỳ quái bên phải, chơm chớp mắt, rồi ngắm nửa mặt trái ngẫm nghĩ. Cuối cùng, ông vạch hẳn tóc anh lên nhìn cái tai bên trái, nhìn cho thật kỹ rồi bỗng kêu lên:
- Đúng là thằng Phác thật rồi! Đúng là con ta thật rồi. Nhưng sao mặt mũi lại thế này. Ừ... thầy hiểu, thầy hiểu... Con đã trải bao cực khổ… Nhưng sao có sẹo lớn ở mặt thế này? Phác ơi! Ngần ấy năm con lưu lạc phương trời nào? Hai chục năm rồi còn gì. Ta còn cố gắng sống đến hôm nay là vì con đó. Thầy đợi con đến bạc hết tóc...
Người con trai quỳ sụp xuống, ôm lấy chân người cha. Anh khóc rưng rức như một đứa trẻ. Trong khi đó, đứa con trai, đứa con gái, Điều và Nhụ cứ đứng lặng, chôn chân như chết đứng. Ông già tóc trắng dần dần trở lại bình tĩnh. Ông cụ Nho Tiết còn sờ thêm một lần nữa vào cái tai bên trái bị rách của Trịnh Huyền, kết quả của trò nghịch ngợm thời trai trẻ của Phác, như để xác nhận lần chót rằng người này đúng là đứa con lưu lạc của mình, đứa con tưởng đã chết nơi đất khách nay bỗng hiển hiện bằng xương bằng thịt trước mắt ông. Cụ Nho Tiết vẫn đeo cặp kính lúc này mới quay sang nhìn cô bé. Cô lễ phép khoanh tay cúi đầu:
- Cháu lạy ông ạ.
- Cháu là con bố Phác?
- Cháu là con bố Huyền.
- Huyền à? Ông hiểu rồi. Bây giờ bố mày đã thay họ đổi tên. Nhưng nhớ lấy. Bố mày chính tên là Phác.
- Dạ, thưa ông, con nhớ rồi ạ.
Ông già chăm chú nhìn vào gương mặt của đứa cháu. Một khuôn mặt trái xoan, điểm một đôi mắt đen láy, to, dài, hơi xếch một chút. Đôi mắt làm ông già phải ngạc nhiên. Chúng trong veo, mới nhìn vào đã làm ta tin cậy. Nhưng sao con bé mới mười hai, mười ba tuổi, nó đã từng trải gì đâu mà đôi mắt buồn đến vậy. Cụ Nho Tiết khẽ khàng hỏi:
- Tên cháu là gì?
- Cháu là Nhụ.
- Nhụ hay là Nụ? Gì Nhụ?
- Dạ Trịnh Thị Nhụ vì bố cháu là Trịnh Huyền.
- Dạ, thưa thầy...
Anh Huyền định đỡ lời con, nhưng ông già chỉ cười và gạt đi. Cụ Tiết ra chiều ngẫm nghĩ. Rồi một chủ kiến bỗng nảy ra. Cụ quay ra nói với con trai:
- Anh chẳng cần lấy lại tên họ cũ... Có lẽ trời đã xui khiến... Tìm ra lối thoát... Cả khuôn mặt bị bỏng cũng tốt... Thay tên thì thay luôn cả mặt. Con có biết không, khi các con đi theo ông Đề... rồi có tin nghĩa binh tan rã, bọn Tây sục đến nhà mình bắt thầy đi, bỏ tù năm năm. Họ bảo rằng, trước kia thầy đi theo quân cụ Đốc Ngữ, đến lượt các con cũng là những kẻ phiến loạn. Như vậy mầm loạn ở nhà này chưa dứt nên phải bắt thầy. Chú Hiếu khuyên thầy trốn đi song thầy không trốn. Bác cả Lễ thì chạy chọt cho thầy rất hao tiền tốn của nhưng cũng chỉ giữ án được năm năm, không bị tăng án, chứ không thoát được.
- Thế còn anh con thì sao?
- Lúc thầy chưa bị bắt, đêm nó lẻn về thăm thầy. Ta bảo nó: "Nếu mày có hiếu với thầy thì trốn vào xứ Mường lấy vợ đẻ con. Em mày chưa biết sống chết ra sao. Chỉ còn có mày độc nhất. Phải đẻ lấy đứa con trai kẻo ta tuyệt tự". Thằng Chất nghe lời thầy vào tận Mường Lò lấy vợ đẻ được thằng con trai. Nó bị sốt rét nặng. Nó bắt vợ nó mang con về lúc ta đã ra tù. Sau nó sốt rét nặng quá không qua khỏi.
Cụ đẩy đứa cháu trai ra trước mặt Huyền:
- Nó là thằng Điều, giọt máu cuối cùng của ta đấy.
- Con chào chú đi. Chú ruột mày đấy.
- Cháu lạy chú ạ.
- Nhưng thôi chuyện này chỉ riêng nhà ta biết. Cấm lộ ra ngoài. Bởi vì lộ ra, bọn Tây vẫn săn tìm sẽ bắt chú mày tức khắc.
- Thưa thầy, nghĩa là...
- Nghĩa là từ nay anh vẫn là Trịnh Huyền. Đối với làng xóm và các nhà hào lý, anh không phải là Phác, không phải là con trai ta, mà là anh Huyền cháu về đằng tổ ngoại nhà ta. Anh từ Sơn Nam lên. Vì Sơn Nam lụt lội đói khát, anh lên nhờ vả ta là bác anh để kiếm miếng sống nuôi con.
- Dạ thưa thầy...
Ông già không để ý đến sự bối rối của người con, ông nhắc lại một lần nữa những lời đã nói, rồi dặn đi dặn lại:
- Thầy không muốn con phải vào tù như thầy. Việc này vô cùng hệ trọng. Từ nay, anh Huyền phải gọi thầy bằng bác. Thằng Điều, con Nhụ là hai anh em họ ngoại với nhau và họ ngoại xa. Điều bí mật không được hé môi cho bất cứ ai. Thế nào, cả nhà đã rõ chưa?
Dặn dò xong, ông cụ sai con Nhụ, thằng Điều xuống bếp thổi thêm cơm. Chỉ còn hai cha con ngồi ở đầu hè. Ông cụ lúc ấy mới tỉ tê hỏi:
- Thế còn chuyện của anh trong ngần ấy năm ra sao? Vợ đâu mà chỉ mang con về thôi?
- Nhà con qua đời khi sinh nở.
- Thế còn con bé Nhụ? Nó giống mẹ nó à?
- Vâng. Rất giống.
- Ừ… Nó chẳng giống anh tẹo nào.
- Dạ thưa thầy.
- Sao?
- Dạ... Thưa... Nó là con riêng của nhà con. Dạ nhưng con bé quấn quýt với con lắm.
- Con bé có biết chuyện ấy không?
- Dạ, nó có biết, nhưng vẫn rất quý con. Dạ, con coi con bé như con đẻ.
Ông già thở dài rồi gắt khẽ:
- Thì phải như thế mới đúng chứ. Con là con của thầy mà...
Ông già Tiết lại thừ ra suy nghĩ. Rồi chợt ông nắm lấy tay Huyền như an ủi, lại như mừng rỡ...
- Thầy hiểu con... Thương cho con hơn bốn mươi tuổi rồi vẫn còn lận đận... Nhưng đừng lo. Biết đâu rồi họa lại chuyển thành phúc. Vì, thầy đã nghĩ ra rồi. Điều này hay đấy. Để sau thầy sẽ nói với con.
Trịnh Huyền ngạc nhiên vì ông cụ thay đổi tâm trạng liên tục. Hình như câu chuyện với Huyền đã gợi cho ông một ý hướng nào đó vô cùng quan trọng. Ông gật gù, rít một điếu thuốc lào rồi lẩm bẩm:
- Đúng? Đã thay hình đổi dạng thì phải thay cho triệt để - ông quay sang Huyền nói. - Tôi nhắc lại, từ rày, trước mặt người khác, bất cứ lạ hay quen, anh phải nhất thiết gọi tôi là bác. Anh còn phải nói theo thổ âm người Sơn Nam. Anh nói được chứ?
- Điều ấy con làm được.
- Gặp người họ hàng, gặp người quen thuở xưa, anh cũng phải làm như chưa hề gặp mặt.
- Dạ, có cần phải đến thế không ạ?
- Cần! Anh hiểu chưa. Thay hình đổi dạng, anh đã nhớ chưa. Bọn Tây đồn điền ở đây cũng rất chú ý đến nhà ta. Tôi nghe người ta còn bảo bọn Tây vẫn hỏi đến tung tích anh Chất, anh Phác con tôi. Thế đấy phải tỉ mỉ kẻo lại chui đầu vào rọ. À... khi lưu lạc ở xứ người, anh có học được thứ nghề ngón gì của xứ Sơn Nam không? Cái gì thật đặc biệt chỉ có người Sơn Nam mới giỏi. Trịnh Huyền ngẫm nghĩ mãi mới trả lời:
- Dạ... Có một nghề, nhưng từ khi nhà con qua đời, con đã chôn nó theo xuống mộ của nhà con rồi.
- Nghề gì vậy?
- Nghề đàn nguyệt.
- Nguyệt à? Hát văn phải không? Thế thì bây giờ anh phải moi cây đàn lên.
Trịnh Huyền van lơn:
- Thưa thầy, từ khi vợ con qua đời, con đã có lời thề nguyền trước mộ, rằng từ đấy con sẽ không đụng đến đàn nguyệt nữa.
- Sao lại như vậy?
- Con không muốn con gái con, cháu Nhụ lại bạc mệnh giống như mẹ nó ngày xưa.
Cụ già ngẫm nghĩ hồi lâu, mãi mới nói:
- Nhời nguyền với người đã khuất là hệ trọng. Thầy hiểu. Nhưng còn có việc hệ trọng hơn, đó là việc sống chết của cả nhà ta. Lão Tây Julien mắt mèo, lão Tây đồn điền ở đây khét tiếng cả vùng. Mà thầy thì đã già rồi. Con trở về, thầy rất mừng. Con về, thằng Điều đã có chỗ nương tựa. Nó là giọt máu độc nhất của nhà ta. Dù có xảy ra chuyện gì, con cũng phải che chở, bảo vệ cho bằng được giọt máu ấy.
- Thưa thầy, nếu vì chuyện ấy, thì con phải làm. Con xin vâng theo lời thầy dạy.
- Con đánh đàn ra sao?
- Người thầy dạy đàn chính là bố vợ con. Ông là người đánh đàn nguyệt và hát văn nức tiếng của đất Sơn Nam.
- Thế thì tốt. Vậy, mấy ngày nữa, thầy sẽ sửa cái lễ, mua hoa quả, vàng hương, xin với vợ con cho phép con được giải lời nguyền. Đối với dân làng, ta sẽ nói thác ra rằng, con là người Sơn Nam, theo lời các cụ trong họ, lên đây làm lễ cho bà tổ cô vốn xưa kia trinh đồng ở đền Mẫu. Và con sẽ đánh đàn nguyệt trên đền Mẫu. Hay! Như thế thì liệu còn ai ở làng mình này còn có thể nghi ngờ rằng con vốn là thằng bé Phác nghịch ngợm ngày xưa.