Ở Umuofia có nhiều đàn ông và đàn bà không oán ghét chế độ mới như Okonkwo. Người da trắng đã đem tới một tôn giáo điên khùng thực đấy, nhưng cũng đã dựng một trung tâm thương mại và lần đầu tiên, rượu kè và trái kè thành những vật có giá trị, và tiền bạc chảy vô Umuofia như nước.
Ngay về phương diện tôn giáo, cũng càng ngày càng có nhiều người nghĩ rằng xét cho cùng, tôn giáo mới không phải là vô nghĩa hẳn, tuy điên khùng quá cỡ nhưng cũng có cái gì tựa tựa như một thứ khuôn phép.
Sở dĩ dân chúng có thiện cảm như vậy là nhờ ông Brown, người truyền giáo da trắng. Ông ta rất cương quyết cấm tín đồ gây sự phẫn nộ của thị tộc. Có một tín đồ rất khó ngăn cản được, tên là Enoch, con trai thầy pháp giữ việc thờ thần Rắn. Có tin đồn rằng Enoch đã giết và ăn thịt con rắn thần và bị cha nguyền rủa.
Ông Brown chống thái độ quá hăng hái đó, bảo bọn tín đồ cương quyết của ông rằng cái gì cũng có thể làm được, nhưng không phải cái gì cũng nên làm. Ông không chà đạp tín ngưỡng của thị tộc, nên thị tộc trọng ông. Ông lại làm quen, giao du với vài người có danh vọng trong thị tộc, thường đi thăm các làng bên, và được một làng nọ tặng một chiếc ngà voi chạm trổ, nghĩa là được trọng như một nhân vật có chức vị. Một người quyền quí trong làng đó tên là Akunna, cho một người con trai theo ông để học trong trường da trắng do ông lập.
Mỗi khi lại làng đó, ông ghé vô obi của Akunna, nói chuyện về tôn giáo hằng giờ với Akunna, nhờ một người thông ngôn. Không người nào thuyết phục được người kia cải đạo, nhưng họ hiểu được tín ngưỡng của nhau hơn. Một hôm, Akunna bảo ông Brown: - Ông bảo có một vị Chúa tối cao, duy nhất tạo ra trời, đất. Chúng tôi cũng thờ vị Chúa đó mà chúng tôi gọi là Chukwu. Ngài đã tạo ra cả thế giới và các vị thần khác. Ông Brown bảo: - Không có vị thần nào khác. Chukwu là vị Thần duy nhất, còn hết thảy đều là ngụy thần hết. Ông đục đẽo một khúc gỗ, như khúc này (ông ta trỏ mấy cái xà nhà lủng lẳng những tượng Ikenga chạm trổ của Akunna) rồi ông gọi là thần. Nhưng cũng vẫn chỉ là một khúc gỗ. Akunna đáp: - Phải, đúng là một khúc gỗ. Nhưng chính đấng Chukwu đã tạo ra cây mà người ta đã chặt để có khúc gỗ đó, và cũng chính Ngài đã tạo ra những thần nhỏ hơn, thấp hơn, để làm Sứ giả cho Ngài, làm trung gian giữa Ngài và chúng tôi. Thì cũng như ông vậy. Ông làm chủ giáo hội của ông. Ông Brown cãi: - Không. Chính Chúa mới là chủ giáo hội của tôi. - Tôi biết, nhưng trên cõi đời này, phải có một người nào chỉ huy những người khác chứ. Phải có một người nào như ông chỉ huy ở đây. - Hiểu theo nghĩa đó thì vị làm chủ giáo hội của tôi ở bên Anh kia. - Tôi cũng muốn nói vậy. Vị chỉ huy giáo hội của ông ở bên xứ ông. Ông ấy phái ông qua đây làm sứ giả. Rồi ông cũng lại lựa một số người làm sứ giả, tay sai cho ông. Hoặc, nếu ông cho phép, tôi xin lấy một thí dụ khác: ông Ủy viên khu này. Ông ấy do quốc vương của ông phái qua. Người thông ngôn tự ý sửa lại: - Họ có Nữ hoàng. - Nữ hoàng của ông phái sứ giả qua đây, tức ông Ủy viên khu. Ông này không thể làm hết mọi việc được, lựa các kotma làm phụ tá. Đấng Chukwu thì cũng vậy. Ngài lựa các thần thấp hơn để giúp Ngài vì công việc của Ngài nhiều quá, một người làm không xuể. Ông Brown bảo: - Ông không nên coi Chukwu là một người. Chính vì ông có ý niệm đó nên mới tưởng tượng rằng Ngài cần có phụ tá. Tệ hơn nữa là các ông dốc lòng thờ phụng các ngụy thần mà chính các ông tạo ra. - Không phải vậy. Chúng tôi cúng vái các thần thấp hơn đó, nhưng khi các vị đó không cứu giúp chúng tôi được, chúng tôi không biết khấn vái nơi đâu nữa thì chúng tôi cầu tới đấng Chukwu. Hành động như vậy là phải. Muốn tiếp xúc với một bậc quyền quí thì phải nhờ bộ hạ của bậc đó làm trung gian. Nhưng khi các bộ hạ đó không giúp chúng ta được thì chúng ta mới ngưỡng về nguồn hy vọng cuối cùng. Bề ngoài thì có vẻ như chúng tôi cúng vái các thần nhỏ nhiều hơn, nhưng không phải vậy. Đúng hơn là chúng tôi quấy rầy các vị đó nhiều hơn, vì ngại không dám quấy rầy đấng Tối cao. Ông cha chúng tôi biết rằng đấng Chukwu cao hơn hết thảy, cho nên nhiều cụ đặt tên con là Chukwu, có nghĩa là “Đấng cao hơn hết”. Ông Brown đáp: - Trong lời ông nói, có một điều đáng để ý, là các ông sợ đấng Chukwu. Trong tôn giáo của chúng tôi, đấng Chukwu chí nhân, chí từ, và ai làm theo ý chí của Ngài thì không có gì phải sợ Ngài. Akunna bảo: - Nhưng khi chúng ta không làm theo ý chí của Ngài thì phải sợ Ngài chứ. Mà ai biết chắc được ý chí của Ngài ra sao? Ý chí của Ngài lớn quá mà. Nhờ những cuộc đàm thoại như vậy mà ông Brown biết được nhiều về tôn giáo của thị tộc, và ông ta rút ra được kết luận rằng tấn công thẳng tôn giáo đó thì sẽ thất bại. Vì vậy ông ta cất một trường học và một dưỡng đường ở Umuofia. Ông chịu khó đi từng nhà năn nỉ dân làng cho con tới học trường ông. Nhưng mới đầu họ chỉ cho bọn nô lệ, đôi khi một vài đứa trẻ biếng nhác tới học thôi. Ông Brown năn nỉ, biện bác, rồi đóng vai tiên tri, bảo rằng sau này những người cầm quyền trong xứ sẽ là những người đàn ông, đàn bà biết đọc biết viết. Nếu thị tộc không cho trẻ tới học, thì sẽ có những người từ nơi khác tới cai trị họ. Thì họ thấy rồi đấy, tại Tòa án bản xứ, Ủy viên khu dùng các người xứ khác nói được tiếng Anh. Hầu hết những người này từ thị trấn Umuru tới, thị trấn đó ở xa tít trên bờ Sông Cái, nơi mà người da trắng tới đóng trước hết.
Sau cùng những lí lẽ của ông Brown bắt đầu có kết quả. Dân làng tới học đông hơn và ông khuyến khích họ, tặng họ áo gi-lê bằng nỉ mỏng và khăn mặt. Không phải họ đều trẻ cả; có vài người ba chục tuổi hoặc lớn tuổi hơn nữa. Buổi sáng họ làm việc ở ngoài ruộng, buổi chiều tới trường. Và cũng chẳng bao lâu dân làng bắt đầu khen thuốc của người da trắng công hiệu mạnh. Trường học của ông Brown mau có kết quả. Chỉ học vài tháng là thành một sứ giả của Triều đình, có khi thành một viên lục sự nữa. Người nào học lâu hơn thì thành giáo viên; có vài người lao động ở Umuofia mà được giao cho việc dụ dỗ dân làng vào đạo. Nhiều giáo đường được xây cất ở các làng chung quanh, trường học cũng vậy. Ngay từ buổi đầu, tôn giáo và giáo dục đã đồng tiến. Hội truyền giáo của ông Brown thành công liên tiếp và nhờ liên lạc với chính quyền mới, nên có thêm uy tín mới. Nhưng sức khỏe của ông ta suy giảm. Khi mới có triệu chứng đau, ông không để ý tới, sau cùng ông phải rầu rĩ, đau lòng từ biệt các con chiên của ông.
* * *
Okonkwo về Umuofia đầu mùa nắng, tới mùa mưa sau thì ông Brown về quê hương. Năm tháng trước, khi mới hay Okonkwo về, ông lại thăm liền. Hồi đó Nwoye, con của Okonkwo, bây giờ đổi tên là Isaac, mới được ông gởi tới học tại trường Sư phạm Umuru mới thành lập. Ông ta hy vọng Okonkwo hay tin đó sẽ mừng lắm. Nhưng Okonkwo đã đuổi ông ta đi, lại hăm rằng nếu còn trở lại thì sẽ bị xách cổ liệng ra khỏi cổng. Sự hồi hương của Okonkwo không vẻ vang, đáng ghi như ông đã mong ước. Quả thực, hai người con gái diễm lệ của ông được nhiều người cầu thân và chẳng bao lâu, các cuộc mối manh bắt đầu tiến hành đẹp đẽ; nhưng ngoài điểm đó ra, thị tộc có vẻ không đặc biệt chú ý tới sự hồi hương của chiến sĩ này. Trong khi xa quê, thị tộc đã thay đổi tới nỗi ông gần như không nhận ra được nữa. Tôn giáo mới, chính quyền mới, và các cửa tiệm thu hút cặp mắt và tinh thần của dân chúng. Cũng có nhiều người cho chế độ mới là xấu xa, nhưng ngay những người đó cũng ít nói tới, ít nghĩ tới những cái gì khác, và chắc chắn là chẳng quan tâm tới sự hồi hương của Okonkwo.
Lại thêm, năm đó ông cũng không gặp thời nữa. Giá ông có thể cho ngay hai người con trai của ông vô đoàn ozo như ông đã định thì dân làng sẽ bị kích động, chú ý tới ông. Nhưng ở Umuofia cứ ba năm mới có một lần cử hành lễ vô đoàn, và ông còn phải đợi thêm non hai năm nữa lận.
Ông rầu rĩ lắm. Không phải rầu rĩ cho riêng ông, mà cho cả thị tộc rồi đây sẽ sụp đổ tan rã, rầu rĩ cho những người xưa kia hiếu chiến ở Umuofia bây giờ không hiểu tại sao, bỗng hóa ra nhu nhược như bọn đàn bà hết ráo.