Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Quê hương tan rã

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15441 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quê hương tan rã
Chinua Achebe

Chương 3

Khi bước chân vào đời, Okonkwo không được may mắn như phần đông thanh niên khác. Chàng không được hưởng di sản là cái lẫm. Ông bố chết đi, có để lại cái lẫm nào đâu. Ở Umuofia, người ta kháo nhau rằng lão Unoka có lần khấn vái Thần Núi-Hang xin cho biết tại sao mùa màng của mình năm nào cũng thất.


Thần đó tên là Agbala; dân chúng xa gần đều lại xin chỉ bảo cho, mỗi khi vận xui đeo đuổi hoài hoặc có chuyện gây lộn với hàng xóm. Họ lại hỏi xem tương lai ra sao hoặc tổ tiên đã khuất có điều gì bất mãn về họ không.


Cửa đền là một cái lỗ ở sườn núi chỉ lớn hơn cái cửa chuồng gà một chút. Tín đồ và những kẻ muốn lại xin Thần chỉ bảo phải nằm xuống, trườn qua cái lỗ đó, vô một chỗ tối tăm mênh mông tới trước mặt Agbala. Không ai được trông thấy mặt Agbala trừ bà cốt, những ai đã lết vô cái đền rùng rợn đó rồi trở ra, cũng đều sợ quyền năng của Thần. Bà cốt ngồi ở bên đống lửa thiêng tại giữa hang và diễn lại những lời phán bảo của Thần. Lửa cháy âm ỉ không bốc ngọn. Những ánh đỏ của lửa chỉ chiếu mờ mờ thân hình của bà cốt trong bóng tối.


Đôi khi có người lại xin vong hồn cha hoặc một người thân đã khuất hiện lên. Người ta bảo rằng khi những linh hồn đó hiện lên thì thấy mờ mờ trong bóng tối, nhưng không bao giờ được nghe tiếng nói. Có người lại bảo đã nghe thấy những vong linh đó bay, cánh đụng vào nóc hang.
Đã lâu lắm rồi, hồi Okonkwo còn là một đứa bé, Unoka, cha của chàng, có lần lại cầu Thần. Lúc đó bà cốt tên là Chika, được thần giáng, nên mọi người sợ lắm. Unoka đứng trước mặt bà, rầu rĩ kể lể:
- Năm nào cũng vậy, trước khi gieo hạt, con đều cúng Thổ thần Ani một con gà trống, theo tục lệ tổ tiên. Con cũng cúng thần khoai mài Ifejioku một con gà trống. Con khai phá rừng, đợi cây cỏ khô rồi đốt. Sau trận mưa đầu tiên con trồng khoai mài, khi khoai có đọt non, con cắm cọc cho nó leo. Con rẫy cỏ...
Bà cốt quát lên:
- Thôi, đủ rồi.
Tiếng the thé của bà thật rùng rợn, vang lên, dội lại trong cái hang tối tăm. Bà nói tiếp:
- Mi không làm điều gì xúc phạm tới thần thánh, ông bà ông vải. Mà khi một người không bị thần thánh, ông bà ông vải quở phạt thì được mùa hay mất mùa là do sức mạnh của cánh tay. Mi, Unoka, trong thị tộc không ai không biết rằng lưỡi rựa phát rừng và lưỡi cuốc của mi hạ xuống yếu quá. Hàng xóm của mi vác rìu vô phá rừng hoang còn mi thì gieo hạt giống ở trên những thửa ruộng đã cằn cỗi, không mất công dỡ. Họ phải lội qua bảy dòng suối để phát rừng làm ruộng, còn mi cứ ở nhà mà cúng với vái một miếng đất hết màu mỡ. Về nhà đi, và tận lực làm lụng như một nam nhi đi nào.


Unoka xấu số. Thần bổn mạng của lão tồi quá, và vận rủi đeo đuổi lão hoài tới khi lão xuống mồ, không, tới khi lão chết, vì lão không có được một nấm mồ nữa. Lão chết vì chứng thủy thũng, mà Nữ Thổ Thần gớm cái chứng đó lắm. Khi bụng và chân tay một bệnh nhân sưng phù lên thì người ta không cho chết ở trong nhà, mà bỏ vào khu Rừng Ác, để cho chết tại đó. Người ta kể chuyện một bệnh nhân nọ bướng bỉnh, cố lết từ rừng đó về nhà, người nhà lại phải khiêng trở vô rừng rồi cột hắn vào một gốc cây. Đất đai ghét cái bệnh đó lắm, cho nên kẻ bị bệnh không được chôn trong lòng đất phải chết ở trên mặt đất, xác rữa ra, chứ không được táng và cải táng. Số phận của Unoka như vậy. Khi người ta khiêng bỏ lão vô rừng, lão mang theo ống sáo.


Vì cha như vậy nên Okonkwo không được may mắn như những thanh niên khác khi bước vào đời. Không được cha để lại cho một cái lẫm hay một chức phận nào cả, mà cha cũng chẳng cưới nổi cho một cô vợ trẻ. Mặc dầu bị thiệt thòi như vậy, ngay từ khi cha còn sống, chàng đã tự gây dựng lấy cơ sở cho tương lai thịnh vượng. Phải tiến từng bước chậm chạp khó nhọc. Nhưng chàng hăng say nhào tới như bị ám ảnh. Mà quả thực chàng bị ám ảnh, bị cái nỗi sợ này ám ảnh: sợ phải sống một đời đáng khinh, rồi chết tủi nhục như cha.


*
*           *



Trong làng của Okonkwo, có một phú gia nọ có ba cái lẫm lớn, chín người vợ ba chục người con. Ông ta tên là Nwakibie, về chức phận đứng hàng nhì trong thị tộc. Okonkwo lại làm mướn cho ông để kiếm ít hạt giống khoai mài làm vốn.
Chàng mang lễ vật lại nhà Nwakibie: một bình rượu kè và một con gà trống. Người ta đi mời hai người hàng xóm có tuổi và gọi hai người con trai lớn của Nwakibie tới, hai người này hiện ở trong obi. Okonkwo mời họ một trái cola, và một miếng “ớt” cá sấu. Họ chuyền tay nhau, nhìn qua rồi trả lại cho chàng. Chàng đập bể trái cola rồi nói: “Trời sẽ cho chúng ta sống. Chúng ta cầu trời được khỏe mạnh, có con cái đầy đàn, mùa màng trúng và ai nấy được mọi hạnh phúc. Các ông được phần tốt của các ông, tôi được phần tốt của tôi. Trời cho con ó làm ổ, mà con cò cũng làm ổ. Nếu con nào không giúp con kia thì xin cho cánh của nó gãy đi”.
Khi họ ăn xong trái cola rồi, Okonkwo đi kiếm bình rượu đã cất trong một góc chòi, đem đặt nó ở giữa đám đông. Rồi chàng thưa với Nwakibie, gọi ông ta là “cha”:
- Thưa Nna ayi, con đem lại dâng cha trái cola nhỏ này. Như người mình thường nói: trẻ mà biết trọng người già thì sau này sẽ được mở mày mở mặt. Con lại tỏ lòng kính trọng cha và xin cha một ân huệ. Nhưng chúng ta hãy uống rượu đã.


Ai nấy cảm ơn Okonkwo và hai người hàng xóm thọc tay vào cái đẫy bằng da dê họ mang theo, lấy ra một cái sừng dùng làm chén rượu. Nwakibie gỡ chiếc sừng của mình treo ở trên xà nhà xuống. Người con trai trẻ nhất của ông, cũng là người nhỏ tuổi nhất trong đám, lại đứng ở giữa, kê bình rượu vào đầu gối bên trái, bắt đầu rót rượu. Sừng rượu thứ nhất đưa cho Okonkwo vì chàng phải nếm rượu của chàng trước. Rồi cả nhóm tuần tự uống, người lớn tuổi uống trước, người nhỏ tuổi sau. Khi mỗi người đã uống được hai ba sừng rượu, rồi Nwakibie cho gọi vợ lên. Chỉ có bốn bà vô, còn những bà khác đi vắng.
Ông ta hỏi họ:
- Anasi không có đó sao?
Họ đáp rằng bà sắp lên. Anasi là bà vợ cả, các bà khác không được uống trước, phải đợi.


Anasi trạc trung niên, to lớn, lực lưỡng. Phong mạo hách dịch, rõ ra vẻ một bà chủ chỉ huy hết đám phụ nữ trong một gia đình sang trọng giàu có. Cổ tay bà đeo một cái vòng cho biết chức vị của chồng, chỉ người vợ cả mới được đeo vòng đó.


Bà tiến lại gần chồng, đưa tay đỡ sừng rượu. Bà quỳ một chân xuống, uống một hớp rồi trả lại cái sừng. Bà đứng dậy, gọi đích danh chồng để cảm ơn, rồi trở về chòi riêng. Mấy người vợ khác cũng uống như vậy, theo thứ tự, rồi lui ra.


Bọn đàn ông tiếp tục uống và chuyện trò với nhau. Ogbuefi Idigo nói chuyện về người cất rượu Obiako bỗng nhiên bỏ nghề. Ông ta đưa mu bàn tay trái lên chùi bọt rượu dính ở râu mép rồi bảo:
- Chắc có gì bí ẩn đó. Phải có lý do gì đó. Khi không mà cóc trong hang đâu lại chạy ra giữa ban ngày ban mặt.
Akukalia nói:
- Có người bảo Thần Núi-Hang đã báo trước hắn sẽ té từ trên cây kè xuống mà toi mạng.
Nwakibie bảo:
- Obiako hồi nào tới giờ vẫn kỳ cục. Tôi nghe nói đã lâu, lâu lắm rồi, hồi mà ông thân hắn mới mất, hắn có hỏi Thần. Thần dạy: “Cha mi muốn mi cúng một con dê”. Bà con có biết hắn trả lời ra sao không? Hắn bảo: “Xin Thần hỏi giùm ba con xem hồi sinh tiền có bao giờ ổng được ăn một con gà con không”.


Mọi người đều cười rộ, trừ Okonkwo chỉ cười gượng vì như người ta nói, một bà lão bao giờ cũng ngượng khi nghe một câu tục ngữ nhắc tới những bộ xương khô đét. Okonkwo nhớ lại ông bố của mình.
Sau cùng, người trai trẻ rót rượu, cầm một cái sừng cặn rượu đặc sệt và trắng, đầy tới lưng, vừa đưa lên cao vừa nói: “Hết rồi này”, mọi người kia đều đáp: “Ừ, hết rồi”. Gã bèn hỏi: “Ai uống cặn đây?” Idigo quay về phía Igwelo, con trai lớn của Nwakibie, nháy mắt một cách ranh mãnh, đáp “Ai đương bận việc gì đó thì cầm lấy mà uống”.
Mọi người đồng ý: cặn rượu về phần Igwelo. Gã đỡ sừng người em chìa ra và uống cạn. Như Idigo đã nói, Igwelo đương bận việc vì mới cưới người vợ thứ nhất một hay hai tháng trước. Người ta cho rằng đàn ông vô phòng vợ mà uống cặn rượu kè thì tốt lắm.
Bữa rượu xong rồi, Okonkwo mới trình bày nỗi khó khăn của mình với Nwakibie.
- Con lại xin cha giúp cho con một việc. Chắc cha đã đoán được việc gì rồi. Con đã khai phá một miếng đất mà không có hạt giống khoai mài. Con biết rằng ai cũng ngại không muốn giao hạt khoai mài của mình cho người khác, nhất là thời buổi này, bọn trẻ không chịu gắng sức. Con thì con không sợ khó nhọc. Con rắn mối từ trên cây iroko cao nhảy xuống đất, bảo rằng nếu chẳng ai khen nó là giỏi thì nó sẽ tự khen nó. Ở cái tuổi mà đa số trẻ con đương bú vú mẹ thì con đã tự xoay xở lấy được rồi. Cha giúp cho con ít hạt giống khoai mài để gieo, con xin giữ lời hứa với cha.
Nwakibie đằng hắng: “Thời này bọn trẻ thiếu nghị lực, thấy một thanh niên như con, ta thật mừng. Nhiều thanh niên đã lại xin ta khoai mài, ta từ chối vì biết rằng chúng sẽ vùi đại xuống đất rồi mặc cho cỏ phủ hết, không lên được nữa. Ta từ chối, chắc chúng trách ta ác. Nhưng không phải vậy. Con chim Eneke bảo rằng từ khi loài người bắn phát nào trúng phát đó thì nó phải tập bay hoài mà không đậu. Ta cũng vậy, ta cần phải cẩn thận khi giao khoai mài cho ai. Nhưng con, thì ta có thể tin được. Như các cụ đã nói, nhìn bắp già, người ta biết liền. Ta sẽ cho con hai lần bốn trăm khoai mài. Thôi về mà sửa soạn khu ruộng của con đi”.
Okonkwo cảm ơn ông ta rối rít rồi hân hoan ra về. Chàng biết trước rằng Nwakibie sẽ không từ chối, nhưng không ngờ ông lại rộng rãi tới mức đó. Chàng chỉ hy vọng được bốn trăm hạt thôi. Bây giờ, phải sửa soạn một khu ruộng rộng hơn. Vì còn mong được một ông bạn của cha ở Isinuzo cho mượn bốn trăm hạt nữa.
Cái nghề đi làm rẽ thì lâu lắm mới cất nổi một cái lẫm. Mùa màng xong rồi, chỉ được hưởng một phần ba hoa lợi. Nhưng một thanh niên nghèo, cha không có khoai mài, thì có cách nào khác đâu. Trường hợp Okonkwo còn khó khăn hơn nữa vì hoa lợi chẳng được bao mà lại phải nuôi mẹ và hai em gái. Mà nuôi mẹ thì tức là phải nuôi cha. Vì không lẽ mẹ nấu ăn một mình để cho chồng chết đói. Vậy là mới tí tuổi đầu, Okonkwo quyết liệt làm rẽ để dựng cho mình một cái lẫm, mà đồng thời phải nuôi cả gia đình của cha nữa. Có khác gì đổ hạt bắp vào một cái bao đầy những lỗ hổng. Má chàng và các em gái chàng cũng phải làm việc gay go đấy, nhưng chỉ trồng mấy giống đàn bà thường trồng như khoai sọ, đậu và khoai mì. Còn khoai mài, vua loài cây, thì là thứ cây của đàn ông.


*
*           *



Từ hồi nào tới giờ, người ta chưa thấy năm nào tai hại như năm Okonkwo vay của Nwakibie tám trăm hạt khoai mài. Cái gì cũng trái thời, hoặc tới trễ quá, hoặc tới sớm quá. Người ta có cảm tưởng rằng mọi người hóa điên hết. Những trận mưa đầu tiên xuất hiện trễ quá, mà chỉ đổ một lát rồi tạnh. Trời lại nắng chang chang, nắng ghê gớm hơn bao giờ hết, những đọt xanh nhờ mưa mới trổ ra được cháy sém hết. Đất nóng bỏng như than hồng, hạt khoai mài gieo xuống như bị lùi chín. Okonkwo thấy mưa mới đổ là gieo liền như mọi nông phu siêng năng khác. Vừa mới gieo được bốn trăm hạt thì nắng trở lại. Suốt ngày chàng ngó trời xem có đám mây nào đem lại mưa không, và chàng trằn trọc suốt đêm. Sáng ngày chàng ra đồng coi thì mầm non đã héo rồi. Cháng ráng lấy những lá sisal dày để bao nó, che nó khỏi bị hơi nóng rực của đất. Nhưng tới chiều tối hôm đó, những vòng sisal đã cháy xám, khô queo rồi. Ngày nào chàng cũng phải thay lá khác, và vái trời cho đêm mưa. Nhưng nắng hạn kéo vài tới tám tuần chợ và khoai mài chết hết.
Có vài nông phu chưa trồng khoai mài. Họ là hạng biếng nhác, đợi tới lúc cuối cùng mới vỡ đất. Năm đó họ lại hóa ra khôn hơn cả. Họ cũng gật đầu thông cảm với hàng xóm láng giềng, nhưng trong thâm tâm họ mừng lắm, tự cho mình biết trước nên không vội gieo.


Đợi mãi, mưa mới lại đổ, còn bao nhiêu hạt khoai mài, Okonkwo đem gieo hết. Chỉ có mỗi điều này an ủi chàng: Những hạt gieo lần trước là của chàng để dành lại từ mùa trước. Vậy vẫn còn được tám trăm hạt vay của Nwakibie và bốn trăm hạt của ông bạn của cha. Thế là khởi sự gieo lại.


Nhưng thời tiết năm đó như một mụ điên. Mưa thôi là mưa, chưa bao giờ mưa nhiều như vậy. Mấy ngày mấy đêm liền, mưa trút xuống như thác, ngập cả, làm tan rã những vồng khoai. Những cây lớn cũng bị tróc gốc thành những hố thăm thẳm ở khắp nơi. Rồi mưa dịu xuống nhưng vẫn đổ hoài ngày này sang ngày khác, không ngớt. Thường giữa mùa mưa vẫn được một thời gian nắng ráo, năm nay không. Khoai mài trổ lá sum suê xanh mướt nhưng mọi nông dân đều biết rằng không có nắng thì củ không lớn.


Năm đó mùa dỡ khoai buồn như một đám tang, và nhiều nông dân rớt nước mắt khi đào lên những củ khoai mài thảm hại, vì úng nước mà thối một nửa. Một người lấy áo cột lên cành cây rồi tự treo cổ.


Suốt đời Okonkwo lần nào nhớ lại cái năm thê thảm đó cũng lạnh xương sống và ngạc nhiên rằng sao hồi đó không chết vì tuyệt vọng. Chàng biết mình có tinh thần chiến đấu quyết liệt, nhưng năm đó dù có là sư tử thì cũng phải nát cõi lòng.
Và luôn luôn chàng bảo:
- Qua được cái năm đó thì dù gặp tai họa gì tôi cũng sẽ chịu đựng được hết.
Chàng cho như vậy là nhờ nghị lực sắt đá của chàng.


Trong cái tháng dỡ khoai ghê gớm năm đó, cha chàng, Unoka, đương đau ốm, bảo chàng: “Con đừng tuyệt vọng. Cha biết rằng con sẽ không tuyệt vọng. Tính con cương cường và tự ái. Một người tự ái, khi thấy mình phải thất bại chung như mọi người thì có thể chịu đựng được, vì thất bại như vậy không làm thương tổn lòng tự ái của mình. Khi thất bại một mình kia thì mới chua xót, khó mà chịu nổi”.


Hồi gần chết, Unoka như vậy đó. Càng già càng đau ốm, lão lại càng hay nói, làm cho Okonkwo càng bực mình vô cùng.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 940

Return to top