Sáng hôm sau mấy trại chung quanh có vẻ vui như ngày hội vì bạn thân của Okonkwo, ông Obierika làm lễ
uri cho con gái. Hôm đó là ngày chú rể (đã nộp phần lớn sính kim rồi) đem rượu kè lại để đãi chẳng những gia đình vợ, bà con thân bên vợ, mà cả cái nhóm đông bà con xa gần mà người ta gọi
umunna nữa. Mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, đều được mời. Nhưng sự thực đây là một cuộc lễ của đàn bà, nhân vật chính là mẹ con cô dâu.
Khi mặt trời mới mọc, người ta ăn vội bữa điểm tâm rồi đàn bà, con nít kéo qua trại Obierika để tiếp tay mẹ cô dâu trong công việc khó nhọc nhưng vui là nấu tiệc đãi cả làng.
Gia đình Okonkwo cũng náo động như gia đình khác trong xóm. Mẹ của Nwoye và người vợ trẻ nhất của Okonkwo đã sửa soạn xong để cùng với tụi nhỏ qua trại Obierika. Mẹ của Nwoye bưng một rổ khoai sọ, một thẻ muối, và cá xông khói để biếu vợ của Obierika. Ojugo, người vợ trẻ nhất của Okonkwo cũng bưng một rổ chuối để luộc, khoai sọ và một bình nhỏ rượu kè. Bọn con nít đội vò nước đi theo.
Ekwefi vì đêm trước đi theo Chielo nên còn mệt mỏi vì thiếu ngủ. Họ mới về nhà chưa được bao lâu. Bà cốt cõng Ezinma ngủ trên lưng, nằm rạp xuống, lết ra khỏi điện như một con rắn. Bà không những không nhìn Okonkwo và Ekwefi mà cũng không ngạc nhiên thấy họ ở cửa hang. Bà cứ nhìn thẳng mà phăng phăng tiến về làng. Okonkwo cùng với vợ theo sau, cách xa xa. Họ tưởng bà cốt sẽ về nhà bà, nhưng không, bà về trại Okonkwo, vô obi, bước ra phía sau, vô chòi của Ekwefi rồi vô phòng ngủ. Bà nhẹ nhàng đặt Ezinma xuống giường rồi ra về, chẳng nói năng gì với ai hết.
Khi mọi người trong trại lăng xăng thì Ezinma vẫn còn ngủ, và Ekwefi nhờ mẹ của Nwoye và Ojugo xin lỗi giùm vợ Obierika vì mình sẽ tới trễ. Bà đã soạn xong một rổ khoai sọ với cá, nhưng còn đợi Ezinma thức dậy đã.
Mẹ của Nwoye bảo:
- Dì cũng cần ngủ một chút đi, coi dì mệt lắm.
Trong khi đó, Ezinma hiện ra ở cửa chòi, giụi mắt, đưa hai cánh tay mảnh khảnh lên vươn vai. Nó thấy mấy đứa trẻ khác đội vò nước, sực nhớ rằng phải đi múc nước cho bà Obierika. Nó trở lại chòi, đem cái vò của nó ra.
Má nó hỏi:
- Con đã ngủ đủ chưa?
- Dạ đủ, thôi mình đi thôi.
- Con phải ăn sáng đã chứ.
Ekwefi nói xong, vô chòi hâm lại món cháo rau mà bà đã nấu hồi hôm.
Mẹ của Nwoye bảo:
- Tụi tôi đi đây. Tôi sẽ nói với chị Obierika rằng dì tới sau.
Thế là cả đám gồm năm mẹ con của người vợ cả và ba mẹ con của người vợ ba, cùng qua làm giúp bà Obierika.
Khi đoàn đó đi qua obi, Okonkwo hỏi:
- Ai nấu ăn cho tôi chiều nay?
Ojugo đáp:
- Tôi sẽ về nấu.
Okonkwo cũng thấy mệt và buồn ngủ. Cả đêm ông không hề chợp mắt, nhưng không ai hay cả. Ông lo lắng lắm, nhưng không để lộ ra. Khi Ekwefi đi theo bà cốt, ông đợi một lúc khá lâu, cho như vậy mới phải chăng, mới là nam nhi, rồi vác chiếc rựa lại đền Núi-Hang, tưởng thế nào họ cũng ở đó rồi. Nhưng tới nơi, ông mới nghĩ ra rằng có lẽ bà cốt đi một vòng khắp các thôn đã. Okonkwo bèn trở về nhà ngồi đợi. Khi cho rằng đã đủ rồi, ông trở lại hang. Nhưng Núi-Hang vẫn yên lặng như chết. Mãi tới lần thứ tư, ông mới thấy Ekwefi, và lúc đó mới hết lo.
*
* *
Trại Obierika nhộn nhịp hoạt động như một ổ kiến. Góc nào cũng thấy dựng lên những ông táo gồm ba chân bằng đất nặn rồi phơi khô, người ta nhóm lửa ở khoảng giữa ba chân đó để nấu nướng. Người ta lăng xăng bắc nồi này xuống, bắc nồi khác lên, và đâm foofoo trong cả trăm cái cối gỗ. Một số phụ nữ nấu khoai mài và làm bánh tráng bột mì, một số khác nấu canh rau. Bọn thanh niên đâm foofoo và bửa củi. Con nít thì xuống sông múc nước không ngừng.
Ba thanh niên giúp Obierika làm thịt hai con dê để nấu cháo. Hai con dê cái đó đều rất mập, nhưng còn một con mập nhất cột vào một cái cọc ở gần chân tường rào. Nó lớn bằng một con bò cái con. Obierika đã nhờ một người trong họ đi mua ở tận Umuike. Ông muốn tặng bà con bên vợ con dê sống khổng lồ đó.
Thanh niên đi mua nó về, nói với Obierika.
- Chợ Umuike vui lạ lùng. Không biết bao nhiêu người chen chân ở đó, tới nỗi có tung hạt cát lên trên không, thì nó cũng không sao rớt xuống đất được.
Obierika bảo:
- Nhờ bùa ngải linh đấy. Dân Umuike muốn rằng chợ của họ mỗi ngày mỗi lớn, thu hút hết các chợ chung quanh, cho nên họ chế ra một thứ bùa ngải rất mạnh. Mỗi ngày họp chợ, trước khi gà gáy sáng, một bà già cầm một cây quạt lại ngồi ở chợ. Nhờ cây quạt có bùa đó, bà ta hô tất cả các thị tộc chung quanh lại chợ. Bà cầm quạt vẫy phía trước, phía sau, bên phải bên trái bà.
Một người khác nói:
- Thế là mọi người đều tới, người lương thiện cũng như quân ăn cắp. Ở chợ đó, lớ ngớ là có thể bị chúng cuỗm ngay cả cái khăn quấn mình của anh nữa.
Obierika bảo:
- Phải. Tôi đã dặn Nwankwo phải mở mắt mở tai ra. Một hôm một người đi bán dê, cột dê vào một dây thừng chắc, đầu dây quấn vào cổ tay. Anh ta nhởn nhơ trong chợ, thấy lạ quá, sao mọi người chỉ trỏ mình y như mình là thằng điên vậy. Anh ta chẳng hiểu gì cả, khi quay đầu lại mới thấy mình không dắt dê mà kéo theo một khúc gỗ nặng.
Nwankwo hỏi:
- Một tên ăn cắp có thể một mình làm cái thuật đó được sao?
Obierika đáp:
- Không. Nó phải dùng bùa mê chứ.
Khi đã chọc tiết dê, hứng tiết trong một cái chậu rồi, họ treo dê lên trên một đống củi đương cháy để thui lông, và mùi lông cháy khét lẹt hòa với mùi nấu nướng. Rồi họ rửa sạch, chặt thành từng khúc để bọn phụ nữ nấu cháo. Mọi công việc đương tiến hành đều đặn bỗng ngưng lại vì đằng xa có tiếng la: Oji odu achu ijiji-o-o (nghĩa là con vật dùng đuôi để đuổi ruồi). Bọn đàn bà vội vàng bỏ công việc chạy về phía có tiếng đó.
Bà cốt Chielo la lớn:
- Không thể bỏ đi hết như vậy được. Phải có ba bốn người ở lại chứ:
Một người đàn bà khác nói:
- Đúng. Phải cho ba bốn người ở lại.
Năm người đàn bà ở lại coi bếp còn bao nhiêu chạy ra coi con bò đã sổng.
Khi thấy nó, họ bắt lại, giao trả chủ, và người này phải đóng ngay một số tiền phạt lớn vì để bò sổng mà làm hư hại mùa màng của dân làng. Khi bọn đàn bà đã nhận số tiền phạt đó rồi, họ kiểm điểm xem có người nào không làm tròn phận sự là phải chạy ra ngay khi nghe thấy tiếng kêu không.
Một người hỏi:
- Mgbogo ở đâu?
Người đàn bà ở sát nhà Mgbogo đáp:
- Chị ấy đau, bị bệnh iba.
Udenkwo bảo:
- Chỉ còn mỗi một người nữa không chạy ra là Udenkwo, nhưng con chị ta chưa được hai mươi tám ngày.
Những người đàn bà nào mà Obierika không mời lại làm giúp thì ai trở về nhà nấy, còn bao nhiêu kéo nhau về trại Obierika.
Những người được phép ở lại coi bếp, hỏi:
- Bò của ai vậy?
Ezelagbo đáp:
- Bò của nhà tôi. Một đứa nhỏ đã mở cửa rào chuồng bò.
*
* *
Xế trưa, họ hàng bên vợ Obierika đem tới hai bình rượu kè đầu tiên để mời phe phụ nữ, mỗi người uống một hai chén để hăng hái làm cỗ. Một phần rượu để cho con dâu và các cô phù dâu đương sửa lại mái tóc và bôi dầu cam lên làn da mịn của cô dâu.
Khi ánh nắng bắt đầu dịu, Maduka, con trai của Obierika, cầm cây chổi dài quét phía trước obi của cha. Và bà con, bạn bè của Obierika như đã đợi đúng lúc đó, lục tục kéo tới, mỗi người đeo ở vai bên trái một cái đẫy da dê, và cắp ở dưới nách một cái nệm cũng bằng da dê cuốn lại. Có người như Okonkwo, dắt cả con trai theo, chúng mang những chiếc ghế đẩu bằng gỗ chạm trổ. Họ ngồi thành hình bán nguyệt và bắt đầu chuyện trò với nhau. Chú rể cũng sắp tới.
Okonkwo lấy ve đựng bột thuốc hít ra, mời Ogbuefi Ezenwa ngồi ở bên. Ezenwa đỡ lấy, gõ gõ lên đầu gối, đưa bàn tay trái ra chùi, rồi mới vỗ nhẹ nhẹ cho thuốc đổ vào lòng bàn tay. Mỗi cử động đều có chừng mực, vừa làm, ông vừa nói:
- Tôi mong rằng gia đình bên vợ bác sẽ đem lại nhiều bình rượu. Tuy dân làng họ nổi tiếng là rít, nắm chặt của cải không chịu buông ra, nhưng chắc họ phải biết rằng Akueke xứng đáng được một ông vua lựa chọn chứ.
Okonkwo đáp:
- Họ không dám mang lại dưới ba chục bình rượu đâu. Nếu họ dám làm vậy thì tôi sẽ nói thẳng vào mặt họ.
Đúng lúc đó, Maduka, con trai Obierika, dắt con dê khổng lồ ở phía trong sân ra để trình với họ hàng. Ai cũng trầm trồ khen, bảo như vậy mới phải. Rồi lại dắt dê vô.
Nhà gái đã bắt đầu tới, kẻ trước người sau nối nhau thành hàng dài, đi đầu là những trai tơ gái tơ mỗi cô cậu bưng một bình rượu. Bà con của Obierika đếm từng bình một: hai mươi, hai mươi lăm. Ngừng lại một lát, khách khứa ngó nhau như muốn bảo: “Tôi đã biết trước mà”. Rồi những bình khác tới. Ba mươi, ba mươi lăm, bốn mươi, bốn mươi lăm. Khách khứa gật đầu, như muốn nói: “Ừ, xử sự như vậy mới ra con người”. Hết thảy được năm mươi bình rượu. Đi sau bọn trẻ mang rượu đó, là chú rể Ibe và các bô lão bên nhà trai. Họ ngồi theo hình bán nguyệt, nối vào bên nhà gái, thành một vòng tròn. Các bình rượu đặt ở giữa. Rồi cô dâu, mẹ cô dâu, năm sáu người đàn bà khác và một số thiếu nữ nữa trong nhà bước ra, đi khắp một vòng, bắt tay từng người một. Mẹ cô dâu đi đầu, kế tới cô dâu và các người khác. Những người đã có chồng đeo những trang sức lộng lẫy nhất, các cô chưa chồng đeo những dây lưng bằng hạt trai đỏ và đen, cổ chân đeo vòng đồng.
Khi bọn đàn bà trở vô trong rồi, Obierika mời nhà gái ăn trái cola. Người anh cả của ông ta vừa đập trái thứ nhất, vừa nói: “Cầu trời hết thảy chúng ta đều được sống lâu và họ hàng bên các ông và bên chúng tôi thân thiện với nhau”.
Mọi người đáp:
- Ee-e-é.
- Hôm nay chúng tôi cho con gái chúng tôi về bên các ông. Nó sẽ là một người vợ hiền. Nó sẽ sanh chín đứa con trai cho nhà trai, như mẹ nó.
- Ee-e-é.
Người lớn tuổi nhất bên nhà trai đáp:
- Như vậy là tốt cho các ông và tốt cho chúng tôi.
- Ee-e-é.
- Không phải lần này là lần đầu tiên bên chúng tôi làm thông gia với bên các ông. Thân mẫu tôi cũng là người bên các ông.
- Ee-e-é.
- Mà cũng sẽ không phải là lần cuối cùng, vì các ông hiểu chúng tôi và chúng tôi hiểu các ông. Bên các ông là một vọng tộc.
- Ee-e-é.
- Có những người giàu có và những chiến sĩ danh tiếng.
Người đó ngó về phía Okonkwo. Con gái các ông sẽ sanh con trai cũng tài giỏi như các ông.
- ee-e-é.
Họ ăn cola và bắt đầu uống rượu. Từng nhóm bốn năm người một ngồi chung quanh một bình rượu đặt ở giữa. Vì đã chiều rồi, người ta đem thức ăn ra. Có những liễn lớn đầy foofoo và những tô canh bốc hơi. Cũng có những liễn cháo khoai mài. Thực là một bữa tiệc lớn.
*
* *
Trời đã tối. Người ta đốt đuốc cắm vào những cái giá ba chân và bọn thanh niên bắt đầu ca hát. Các bô lão ngồi thành vòng tròn và thanh niên đi khắp vòng, tới trước mặt người nào thì hát lên mấy câu chúc tụng hợp với người đó. Có ông là chủ trại lớn, có ông có khẩu tài, thay mặt thị tộc trong các cuộc giao thiệp; Okonkwo là đô vật nổi danh nhất, và chiến sĩ dũng cảm nhất hiện còn sống. Đi khắp vòng rồi, họ vô đứng ở giữa, và các thiếu nữ ở trong nhà ra, bắt đầu nhảy múa. Mới đầu cô dâu không ra. Rồi tới khi cô ra, tay ôm một con gà trống thì mọi người đều vỗ tay vang lên. Các cô kia tránh ra cho cô đi. Cô tặng bọn nhạc công con gà rồi bắt đầu múa. Những vòng ở cổ chân cô kêu leng keng theo nhịp và thân thể cô bôi dầu cam lấp lánh dưới ánh đèn vàng vàng. Bọn nhạc công đánh hết khúc này tới khúc khác, nhạc cụ làm bằng gỗ, bằng đất hoặc kim thuộc. Họ hát khúc mới nhất của làng.
Nếu tôi nắm tay nàng
Thì nàng bảo: đừng đụng tới em.
Nếu tôi nắm chân nàng,
Thì nàng bảo: đừng đụng tới em.
Nhưng khi tôi nắm dây lưng hạt trai của nàng
Thì nàng làm bộ như không biết.
Đêm đã khuya khi khách khứa đứng dậy ra về, dắt theo cô dâu để nàng về nhà chồng trong bảy tuần chợ. Khi đi, họ cất tiếng hát và dọc đường họ ghé đáp lễ các người có danh vọng như Okonkwo, rồi mới về làng họ. Okonkwo tặng họ hai con gà trống.