Đàn ông, đàn bà và trẻ con trong làng đều tụ họp ở ilo, đứng thành một vòng rộng bao quanh sân đấu. Các bô lão và người có chức phận ngồi trên những chiếc ghế đẩu do con trai hoặc nô lệ đem theo. Okonkwo ở trong nhóm đó. Còn những người khác đều phải đứng, trừ một số tới sớm, giành được chỗ trên những bực làm bằng những đà ngang bào nhẵn kê trên những cái cọc chĩa hai.
Các đô vật chưa tới, mới chỉ thấy những người đánh trống ngồi trên sân quay mặt về phía các bô lão. Sau lưng họ là một gốc gòn thiêng, to lớn, cổ kính. Người ta bảo hồn các trẻ em ngoan ngoãn sống trên tàn cây đó đợi lúc đầu thai. Ngày thường, thiếu phụ nào mong có con thì lại ngồi dưới bóng cây đó.
Có bảy cái trống đặt trong một cái thùng dài bằng gỗ, theo thứ tự từ lớn tới nhỏ. Ba người cầm dùi đánh như điên vào trống này trống khác. Họ như bị thần trống ám ảnh.
Bọn thanh niên giữ trật tự chạy lăng xăng khắp chỗ, hỏi han nhau và hỏi ý kiến các người cầm đầu hai đội đô vật lúc đó còn ở ngoài vòng, phía sau đám đông. Thỉnh thoảng hai thanh niên cầm những lá kè chạy chung quanh vòng, đập xuống đất để dồn đám đông lùi lại, đừng vượt quá giới hạn, và nếu họ không chịu lùi, thì đập vào cẳng vào chân họ. Sau cùng hai đội đô vật vừa nhảy múa vừa tiến vào vòng, đám đông gầm lên, vỗ tay vang trời. Trống đánh dồn dã, cuồng loạn. Khán giả xô đẩy nhau tiến tới. Những thanh niên giữ trật tự, chạy khắp vòng, cầm lá kè quất quất. Các người già gật gù theo nhịp trống và nhớ lại hồi trẻ mình đấu vật trong tiếng trống mê hồn đó.
Mới đầu là bọn thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi. Mỗi đội chỉ có ba đứa vào tuổi đó. Chúng chưa phải là đô vật tranh giải, chỉ là màn giáo đầu vậy thôi. Chỉ một lát là xong hai cuộc tỉ thí đầu tiên. Tới cuộc tỉ thí thứ ba thì ngay các bô lão vốn ít biểu lộ cảm xúc, cũng rất phấn khích. Cuộc tỉ thí đó cũng mau, có phần còn mau hơn hai cuộc trước nữa, nhưng ít ai được thấy một lối vật như vậy. Khi hai đứa nhỏ vừa ôm lấy nhau thì một đứa đi một đường nào đó nhanh như chớp, không ai nhận rõ ra được và đứa kia tức thì ngã ngửa. Cả đám đông gầm hét, vỗ tay một hồi lâu, át cả tiếng trống thùng thùng dồn dập như điên. Okonkwo nhảy tưng tưng lên rồi lại ngồi xuống. Ba đứa trẻ trong đội thắng đó chạy lại phía ông, công kênh ông lên, nhảy múa xung quanh đám đông vỗ tay hò hét. Chỉ một lát mọi người đều biết tên đứa nhỏ đó là Maduka, con của Obierika.
Các người đánh trống ngừng tay một lát, rồi cuộc tranh giải mới thực sự bắt đầu. Thân thể họ bóng nhẫy mồ hôi, họ lượm quạt lên quạt, uống nước trong các bình nhỏ và ăn trái cola. Họ trở lại thành những người thường, vui vẻ nói cười với nhau và các người chung quanh. Không khí phấn khích kịch liệt lúc nãy bây giờ dịu xuống. Như có ai đổ nước lên mặt trống bằng da căng thẳng vậy. Nhiều khán giả ngó chung quanh, có lẽ là lần đầu tiên, và bây giờ mới nhận thấy những người đứng hoặc ngồi bên cạnh mình.
Ekwefi nói với một người đàn bà kề vai nàng từ lúc đầu cuộc đấu: - Ủa, chị mà tôi không hay chứ, thực vô tình quá. Người kia đáp: - Không sao. Chưa bao giờ đông như vậy. Này, phải Okonkwo suýt bắn chết em hả? - Vâng, em suýt toi mạng. Em chưa hết hoảng hồn để kể lại chuyện đó nữa. - Thần bổn mạng của em tỉnh táo lắm đấy. Cháu Ezinma mạnh không? - Ít lâu nay cháu mạnh. Có lẽ cháu sẽ ở luôn với em. - Ừ, chị cũng nghĩ vậy. Nó mấy tuổi rồi nhỉ? - Khoảng mười tuổi. - Vậy thì nó sẽ ở luôn. Mười tuổi mà còn sống thì thường thường là ở luôn. Ekwefi thở dài: - Vâng, em cũng mong vậy.
Người đàn bà nói chuyện với Ekwefi đó là Chielo, bà cốt của Agbala, Thần Núi-Hang. Ngoài đời thì Chielo là một quả phụ có hai con, chơi thân với Ekwefi, hai người chung nhau một cái chòi ở chợ. Chielo yêu Ezinma, gọi là “con”, thường mua bánh rán đậu, đưa vài chiếc cho Ekwefi đem về cho Ezinma. Thấy đời sống ngoài đời của bà, ít ai ngờ được rằng chính bà “phán” cho các người tới lễ bái, khi thần Agbala ốp vào bà.
* * *
Mấy người đánh trống lại cầm dùi lên và không khí lại rung động, căng thẳng như cây cung. Hai đội đô vật đứng thành hàng đối diện nhau, mỗi đội một phía, trên khoảng sân trống. Một người trẻ tuổi trong một đội nhảy múa, vượt qua trung tâm, tiến về phía đội kia, trỏ người mà gã muốn tỉ thí. Cả hai cùng nhảy múa trở về trung tâm rồi ôm nhau vật.
Mỗi phía có mười hai người và phía này thách rồi tới phía kia thách. Hai người trọng tài chạy chung quanh các đô vật và hễ thấy họ ngang sức thì bảo dừng lại. Năm cuộc đấu ngừng lại như vậy. Không khí phấn khích nhất là khi nào có một người bị vật ngã. Quần chúng reo hò vang lên tới chín từng mây và cả ở những làng bên cũng nghe được.
Cuộc tỉ thí cuối cùng dành cho các người cầm đầu hai đội. Họ là những đô vật giỏi nhất trong chín làng. Mọi người hỏi nhau ai sẽ thắng cuộc năm nay. Người thì đoán Okafo, người thì bảo Okafo không ăn được Ikezue. Năm trước hai người đó đã đấu với nhau, bất phân thắng bại, mặc đầu hội đồng đã cho phép cuộc đấu kéo dài hơn thường lệ. Họ cũng có thuật vật như nhau, biết trước được những đòn của nhau. Có lẽ năm nay cũng lại như vậy nữa.
Khi họ bắt đầu vật nhau thì đã gần tới lúc hoàng hôn. Tiếng trống vang lên như điên, mà đám đông cũng muốn hóa điên. Khi họ vừa nhảy múa vừa tiến vô sân thì đám đông xô đẩy nhau lấn vào vòng. Lá kè quất túi bụi cũng không cản được.
Ikezue đưa bàn tay phải ra, Okafo nắm lấy và họ bám chặt lấy nhau. Vật nhau kịch liệt. Ikezue ráng nhận gót chân bên phải ở phía sau Okafo để hất cho hắn lật ngửa, theo cái đòn ege. Nhưng người này đã đoán được ý người kia rồi. Đám đông bao lấy họ, lấn vượt cả bọn đánh trống, và nhịp trống cuồng loạn không còn là những âm thanh vô sinh khí, mà trái lại, chính là tiếng đập của trái tim quần chúng. Hai đô vật bây giờ ghì chặt nhau, không nhúc nhích. Bắp thịt nổi vồng lên, co lại trên cánh tay, đùi và lưng họ. Có vẻ như huề. Hai người trọng tài tiến lại định rẽ họ ra, thì Ikezue đã tuyệt vọng, thình lình quị một đầu gối xuống, muốn hất đối thủ tung lên qua đầu mình, rớt xuống sau lưng mình. Hắn lầm lẫn tai hại. Nhanh như chớp, Okafo tung chân phải lên khỏi đầu Ikezue. Đám đông gầm hét như sấm. Bọn ủng hộ Okafo nâng bổng hắn lên, công kênh hắn về nhà, vừa đi vừa hát bài ca tụng, còn đàn bà thì vỗ tay khen:
Ai tranh giải cho làng ta? Anh Okafo tranh giải cho làng ta. Ảnh đã vật ngã được trăm người chưa? Ảnh đã vật ngã được bốn trăm người. Ảnh đã vật ngã được trăm Con-Mèo chưa? Ảnh đã vật ngã được bốn trăm Con-Mèo Vậy thì cử ảnh đi đoạt giải cho làng ta.