Okonkwo vừa mới thổi tắt ngọn đèn dầu kè rồi nằm dài trên cái chõng tre thì nghe thấy tiếng ogène của người mõ làng vang lên trong không khí tĩnh mịch ban đêm... Tiếng Gôm... Gôm... Gôm... vừa dứt thì người mõ rao lên lời thông cáo, rồi lại gõ vào nhạc khí bằng kim thuộc rỗng đó. Lời thông cáo yêu cầu mọi người sáng sớm hôm sau tụ họp cả lại ở trước chợ. Okonkwo không biết có chuyện gì nhưng đoán chắc là sẽ rắc rối, không êm, vì trong tiếng rao của người mõ, có giọng bi đát rõ rệt, và ngay lúc này đây, tiếng rao mỗi lúc một xa đã chìm lẫn rồi mà chàng vẫn còn nghe rõ được.
Đêm thật tĩnh mịch. Đêm bao giờ cũng tĩnh mịch, trừ những đêm trăng. Dân chúng ở đây, cả những kẻ bạo dạn nhất cũng thấy trong bóng tối bàng bạc một nỗi kinh khủng mơ hồ. Cha mẹ cấm trẻ không được huýt gió ban đêm, sợ ma quỷ về phá. Những loài vật nguy hiểm lại càng hóa ra hung dữ, bí mật hơn trong bóng tối. Ban đêm không bao giờ người ta dám gọi con rắn bằng tên nó, sợ nó nghe được. Người ta gọi tránh ra là sợi dây. Và trong cái đêm đặc biệt này, khi tiếng rao của người mõ làng chìm dần trong khoảng xa rồi, sự tĩnh mịch lại bao phủ vũ trụ. Tiếng ri rỉ khắp nơi của hàng triệu triệu sâu bọ trong rừng làm cho không khí như rung rung mà sự tĩnh mịch càng thêm rõ rệt, thấm thía.
Đêm trăng thì khác hẳn. Có tiếng vui vẻ của trẻ con chơi giỡn ở giữa đồng. Và có lẽ bọn trai gái lớn hơn cũng giỡn với nhau từng cặp một trong những chỗ khuất hơn, còn các ông già bà cả thì nhớ lại tuổi xuân. Như các người Ibo thường nói: “Trăng thì tỏ bọn tàn tật cũng thấy ngứa ngáy muốn đi dạo mát”.
Nhưng đêm đặc biệt đó thật tối tăm và yên lặng. Trong chín thôn làng, Umuofia, thôn nào cũng có một người mõ gõ chiếc ogène mời mọi người đi họp làng sáng hôm sau. Nằm trên chiếc chõng tre, Okonkwo tự hỏi có việc gì mà gấp vậy: chiến tranh với một thị tộc nào gần đó chăng? Lý do đó có phần đáng tin hơn cả, mà chàng không sợ chiến tranh. Chàng là một người hoạt động, một chiến sĩ, có thể nhìn thấy đổ máu, chứ đâu có như ông bố. Trong chiến tranh gần đây nhất của Umuofia, chàng là người đầu tiên đem về nhà một thủ cấp. Thủ cấp đó là thủ cấp thứ năm chàng đã chặt được; mà chàng đâu đã già. Trong những cuộc lễ lớn, như khi có đám tang một nhân vật quan trọng trong làng, chàng uống rượu kè trong cái sọ địch thủ thứ nhất của chàng.
Sáng hôm sau, khoảng sân trước chợ đầy nghẹt người. Có khoảng mười ngàn người, ai nấy nói nho nhỏ với nhau. Sau cùng Ogbuefi Ezeugo đứng dậy ở giữa đám đông, bốn lần hét lên: “Umuofia kwenu”, cứ mỗi lần lại quay về một hướng khác và nắm chặt tay lại, đưa ra như thoi trong không khí. Và mỗi lần, mười ngàn người đồng thanh đáp: “Yaa!” rồi im phăng phắc. Ogbuefi Ezeugo có tài hùng biện và luôn luôn ông ta được cử ra nói với quần chúng. Ông đưa tay lên khỏi chiếc đầu bạc mà xua xua, và vuốt chòm râu bạc. Rồi ông sửa lại chiếc áo, một miếng vải quấn lòn xuống dưới nách bên phải rồi cột lại ở trên vai bên trái.
Lần thứ năm, ông hét: “Umuofia kwenu”, và đám đông lại gào lên đáp lại. Rồi bỗng nhiên, như bị ma ám, ông đưa bàn tay trái ra phía trước, trỏ về phía Mbaino, nghiến hai hàm răng trắng nhởn mà rít lên: “Loài súc sinh man rợ đó dám giết một phụ nữ Umuofia”. Thình lình ông cúi đầu xuống, nghiến răng kèn kẹt; đợi cho đám đông lao xao cố nén nỗi phẫn uất rồi, ông nói tiếp. Lúc này vẻ giận dữ trên mặt ông đã biến mất, ông mỉm cười, nhưng nụ cười còn rùng rợn, hiểm ác hơn vì giận nữa. Bằng một giọng trong trẻo, đều đều, ông kể cho dân Umuofia nghe một phụ nữ của họ đi chợ Mbaino và đã bị giết ra sao. Ezeugo bảo người đàn bà đó là vợ Ogbuefi Udo - vừa nói ông vừa trỏ một người đàn ông đương cúi đầu ngồi ở gần ông. Thế là đám đông gầm hét vì giận dữ và khát máu.
Nhiều người khác cũng đứng lên nói, sau cùng người ta quyết định theo cách thức thông thường. Sẽ gởi ngay tối hậu thư cho dân Mbaino, buộc phải lựa hoặc giao chiến, hoặc là nộp cho Umuofia một thanh nam và một thiếu nữ còn tân để chuộc tội.
Các bộ lạc chung quanh đều sợ Umuofia vì họ giỏi chiến đấu và giỏi bùa phép. Tất cả các miền chung quanh đều sợ các thầy pháp và các thầy bùa của họ. Những bùa dùng trong chiến tranh của họ công hiệu nhất và đã có từ hồi thị tộc của họ mới thành lập. Không ai biết từ bao lâu rồi, nhưng có điều này ai cũng công nhận rằng: sở dĩ những bùa đó thần hiệu là nhờ một bà già có mỗi một cẳng. Chính môn bùa ngải đó có tên là agadi-nwayi, có nghĩa là bà già. Người ta lập miếu thờ bà trên một khoảng trống ở trung tâm Umuofia. Và kẻ nào sau khi mặt trời lặn rồi mà cả gan lại gần miếu thì thế nào cũng thấy một bà lão cà thọt cà thọt đi đi lại lại.
Các thị tộc chung quanh dĩ nhiên biết những chuyện đó và sợ Umuofia lắm, ngại lâm chiến với họ, luôn luôn tìm cách hòa giải trước đã. Nói cho ngay, Umuofia không ham gây chiến, chỉ ra trận khi nào Thần Núi-Hang phán rằng chiến tranh là chánh đáng thôi. Quả thực đã có nhiều lần Thần cấm Umuofia gây chiến. Nếu thị tộc dám làm trái lời Thần thì thế nào cũng bại trận vì agadi-nwayi sẽ sợ, không dám dự vào một cuộc chiến mà người Ibo gọi là một cuộc chiến tranh nhục nhã.
Nhưng chiến tranh lần này là chiến tranh chính đáng. Ngay đối phương cũng biết vậy. Cho nên khi Okonkwo sứ giả của Umuofia, hiên ngang và oai vệ qua Mbaino, chàng được tôn kính tiếp đón rất long trọng, và hai ngày sau chàng trở về làng với một đứa con trai nhỏ mười lăm tuổi và một thiếu nữ còn tân. Đứa con trai đó tên là Ikemefuna, hiện nay ở Umuofia người ta còn nhắc lại chuyện thê thảm của nó.
Các ndichie, tức bô lão, họp nhau để nghe Okonkwo làm phúc trình về sứ mạng. Sau cùng họ quyết định, như mọi người đã đoán trước được, rằng đứa trinh nữ đó thuộc về Ogbuefi Udo để thay người vợ đã bị giết, còn đứa con trai thì thuộc về cả thị tộc, thị tộc sau này sẽ quyết định về số phận của nó, chưa gấp gì. Thị tộc tạm thời giao cho Okonkwo săn sóc nó. Vì vậy Ikemefuna sống ba năm với gia đình Okonkwo.
* * *
Okonkwo cai quản gia đình một cách độc đoán. Mấy cô vợ, đặc biệt là cô vợ trẻ nhất, với bày con nhỏ, luôn luôn sợ chàng nổi cơn lôi đình lên. Có lẽ trong thâm tâm chàng không phải là con người tàn bạo. Nhưng suốt đời, chàng cũng lo ngại mình thất bại hoặc nhu nhược. Nỗi lo sợ đó còn sâu sắc thấm thía hơn nỗi sợ điều ác, sợ các vị thần vui giận bất thường, sợ ma thuật, sợ rừng, sợ các thế lực tự nhiên hung dữ, nanh vuốt đỏ như máu. Nỗi sợ của Okonkwo lớn hơn những nỗi sợ đó. Nó không phải chỉ ở bề ngoài mà đâm rễ sâu trong lòng chàng. Chàng sợ chính bản thân chàng, sợ một ngày kia sẽ giống ông bố. Ngay từ hồi nhỏ chàng đã có thâm oán sự thất bại và nhu nhược của cha và bây giờ đây, chàng còn nhớ lại nỗi đau khổ của chàng khi một đứa bạn chơi thời nhỏ bảo cha chàng là một agbala. Chính lần đó, Okonkwo mới hiểu agbala chẳng phải chỉ là một tiếng đồng nghĩa với “đàn bà” mà còn trỏ hạng đàn ông vô tích sự, hạng bạch đinh nữa. Và từ đó Okonkwo chỉ có một nỗi căm hận: oán hết thảy những gì mà ông bố thích. Mà ông bố thích tánh hiền từ dễ thương, và tánh làm biếng. Trong mùa gieo giống, ngày nào Okonkwo cũng ra đồng làm ruộng từ lúc gà mới cất tiếng gáy sáng cho tới lúc gà con lên chuồng. Chàng rất lực lưỡng, ít khi biết mệt. Vợ con không được khỏe mạnh như chàng, cho nên họ đau khổ, nhưng không dám than thở trước mặt chàng. Đứa con trai lớn của Okonkwo năm đó mười hai tuổi mà đã làm cho cha rất lo lắng vì đã bắt đầu tỏ vẻ làm biếng rồi. Ít nhất thì cha nó cũng nghĩ như vậy và luôn luôn rầy la, trừng trị nó. Và lần lần thằng nhỏ có vẻ mặt rầu rĩ. Nhà cửa của Okonkwo rõ ràng có vẻ thịnh vượng. Dinh cơ là một khu đất rộng, bốn bề có tường dày bằng đất đỏ. Cái obi, chòi riêng của chàng, cất ngay sau cái cổng duy nhất đục trong một lớp tường đất đỏ đó. Ba người vợ, mỗi người có một chòi riêng nữa sắp theo hình bán nguyệt sau cái obi. Lẫm cất ở một góc tường đỏ, trong chất từng đống lớn khoai mài, rõ ràng là cảnh phong phú. Ở góc đối diện, có một cái chuồng dê và người vợ nào cũng có một chuồng gà riêng ở sau chòi. Kề cái lẫm, có một căn nhà nhỏ gọi là “nhà bùa”, nhưng chính là nhà bày những ngẫu tượng hoặc biểu hiệu bằng gỗ, để thờ vị thần bổn mạng của chàng và thờ tổ tiên. Chàng cúng trái cola, rượu kè, các thức ăn, và khấn vái xin thần và tổ tiên phù hộ cho chàng, ba người vợ và tám đứa con.
* * *
Vậy sau khi thiếu phụ Umuofia bị giết ở Mbaino, thằng bé Ikemefuna ở lại nhà Okonkwo. Ngày chàng dắt nó về nhà, chàng giao nó cho người vợ cả: - Thằng nhỏ thuộc về thị tộc đây. Săn sóc nó. Người vợ nói: - Nó có ở với chúng mình lâu không? Okonkwo quát lớn: - Bảo gì thì làm nấy, đừng hỏi lôi thôi! (Chàng lắp bắp). Mụ chưa phải là ndichie mà! Thế là má thằng Nwoye không dám hỏi nữa, dắt thằng Ikemefuna về chòi mình.
Thằng nhỏ này hoảng hồn. Nó chẳng hiểu gì cả, có chuyện gì xảy ra cho nó, nó có làm bậy gì không? Làm sao nó biết được rằng cha nó đã dự vào vụ giết một thiếu phụ Umuofia? Nó chỉ thấy vài người đàn ông vô nhà nó, nói thì thầm gì với cha nó, sau cùng người ta dắt nó ra khỏi nhà, giao cho một người lạ. Má nó khóc như mưa, còn nó thì ngạc nhiên quá, không khóc được. Thế rồi người lạ đó lôi nó đi. Với một đứa con gái, đi xa thôi là xa, qua những đường mòn trong khu rừng vắng vẻ. Nó chẳng biết đứa con gái đó là ai mà sau này cũng chẳng gặp lại nhau nữa.