Ikemefuna sống ba năm với gia đình Okonkwo và các bô lão Umuofia cơ hồ đã quên nó rồi. Nó lớn mau như một đọt khoai mài mùa xuân, đầy nhựa sống. Nó đã hoàn toàn sáp nhập vào gia đình mới của nó rồi. Đối với Nwoye, nó như là đứa anh cả, và ngay từ buổi đầu, đã làm bừng lên một luồng nhiệt khí mới trong lòng Nwoye. Nhờ nó mà Nwoye có cảm tưởng rằng mình đã lớn; chiều chiều hai đứa không còn ngồi xem mẹ nấu ăn trong chòi nữa, mà lên obi ngồi với Okonkwo, hoặc nhìn Okonkwo rạch xuống cây kè để gây rượu lúc chiều tối xuống. Bây giờ Nwoye không thích gì bằng được má nó hoặc các dì ghẻ nó sai làm những công việc khó khăn dành cho con trai như bửa củi, đâm thức ăn. Khi một đứa em trai hay em gái của nó lại truyền lệnh cho nó làm những việc đó thì nó làm bộ bất bình, lớn tiếng càu nhàu rằng bọn đàn bà chỉ làm khó làm dễ nó.
Trong thâm tâm, Okonkwo mừng thầm con trai mình đã có vẻ người lớn rồi, ông ta biết như vậy là nhờ Ikemefuna. Ông muốn rằng Nwoye sẽ thành một thanh niên cương cường có thể cai quản được nhà cửa khi ông về chầu ông bà. Ông muốn nó thành một người giàu có, kho đụn đầy đủ để cúng giỗ ông bà ông vải. Cho nên nghe nó càu nhàu về đàn bà, ông vui lòng lắm. Như vậy tỏ rằng, lớn lên nó sẽ cai quản được vợ nó. Dù giàu có tới đâu mà không cai quản được vợ con (nhất là vợ) thì cũng không phải là hạng đàn ông. Như anh chàng nọ trong bài hát: có mười một cô vợ mà có bữa không đủ canh để ăn cái món foofoo.
Vì vậy Okonkwo khuyến khích bọn con trai ngồi với mình trong obi, kể cho chúng nghe các chuyện trong xứ, những chuyện hùng dũng dữ tợn, đổ máu. Nwoye biết rằng con trai thì phải hùng dũng, dữ tợn, nhưng sao mà nó thích những chuyện má nó kể, mà chắc hồi này má nó vẫn kể cho các em nó nghe: chuyện con rùa mưu mô, chuyện con chim énéké-ntioba thách cả vạn vật chiến đấu với nó, rốt cuộc thua con mèo. Nó còn nhớ một chuyện má nó thường kể, truyện thời xửa thời xưa, Trời và Đất gây lộn nhau, Trời giận, ngăn không cho mưa đổ xuống luôn bảy năm, cây cỏ khô queo hết, mà người chết không được chôn nữa vì đất cứng như đá, đào huyệt không được, lưỡi cuốc nào bổ xuống cũng bể hết ráo. Sau cùng người ta phái con Kên-kên lên năn nỉ trời, nó hót lên một khúc tả nỗi đau khổ của loài người, làm cảm động lòng Trời. Mỗi lần má nó hát khúc đó lên thì nó cảm thấy như bay bổng lên xa, xa lắm, tới Thiên cung, nơi mà con Kên-kên, sứ giả của Đất xin Trời rủ lòng thương loài người. Trời mủi lòng, gói nước mưa vào trong lá khoai sọ, giao cho con Kên-kên. Con này về nhà, nhưng cái cựa dài của nó đục thủng lá khoai và mưa đổ xuống dữ dội, chưa bao giờ như vậy. Mưa trút xuống mình nó mạnh tới nỗi nó không về kể lại sứ mạng của nó mà bay tới một nơi xa xôi lấp lánh ánh lửa. Tới nơi này nó thấy một người đương cúng lễ. Nó đáp xuống, sưởi cạnh đống lửa và ăn những khúc ruột của các con vật giết để cúng.
Nwoye thích những loại chuyện như vậy. Nhưng bây giờ nó biết rằng những chuyện đó chỉ hợp với bọn đàn bà ngu ngốc và bọn con nít; nó cũng biết cha nó muốn nó thành một đấng nam nhi. Vì vậy nó làm ra vẻ không thích những chuyện đàn bà nữa. Khi nó làm ra vẻ như thế thì nó thấy ba nó vui mừng, không hắt hủi, cũng không đánh đập nó nữa. Vậy là Nwoye và Ikemefuna nghe Okonkwo kể chuyện chiến tranh giữa các thị tộc, hoặc chuyện lần ông lùng nã kẻ thù, hạ được và chặt được thủ cấp đầu tiên ra sao. Trong khi ông kể về dĩ vãng đó thì hai đứa ngồi trong bóng tối, dưới ánh lửa đỏ chập chờn, đợi cho đàn bà nấu ăn xong. Nấu xong, mỗi bà vợ bưng lên cho ông chồng một tô foofoo và một tô canh. Người ta đốt ngọn đèn dầu, Okonkwo nếm mỗi tô một chút, rồi chia phần cho Nwoye và Ikemefuna.
Họ sống như vậy và tháng ngày trôi qua. Rồi đám châu chấu ở đâu bay tới. Đã lâu lắm rồi không xảy ra như vậy. Các bô lão bảo rằng mỗi đời người châu chấu mới tới một lần, tái hiện liên tiếp bảy năm rồi biến mất, tới đời sau mới trở lại. Nó trở về hang của nó trong một miền xa xôi do một giống người nhỏ bé coi giữ. Cứ mỗi đời người, giống người đó lại mở cửa hang một lần cho châu chấu bay lại Umuofia.
Nó tới vào mùa gió bấc lạnh, khi khoai mài, đậu, bắp đã chở về lẫm cả rồi, và nó ăn hết những cỏ hoang trong đồng.
Okonkwo và hai đứa con trai đương đắp những tường đỏ bao quanh khu vườn. Đó là một công việc nhẹ nhàng làm sau ngày mùa. Người ta thay lớp cành lá kè phủ lên tường để phòng mùa mưa sang năm tường khỏi rã. Okonkwo đắp trét phía ngoài, tụi nhỏ làm ở phía trong. Họ để chừa những lỗ nhỏ thông suốt phía trên cao bức tường; Okonkwo luồn sợi dây tie-tie vào, tụi nhỏ ở trong bắt lấy, quấn nó vào các cây cọc để chống, rồi lại luồn trả ra cho cha. Nhờ cách đó mà lớp lá phủ tường được giữ chắc chắn.
Bọn đàn bà vô rừng kiếm củi còn bọn con nít đi qua nhà hàng xóm kiếm bạn chơi. Gió bấc thổi, vạn vật có cảm giác như thiu thiu ngủ. Okonkwo và hai đứa nhỏ làm việc trong sự tĩnh mịch hoàn toàn, chỉ thỉnh thoảng có tiếng sột soạt của tấm lá kè đặt trên đầu tường hoặc tiếng xào xạc trong đám lá khô mà một con gà mái siêng năng bươi lên để kiếm sâu bọ.
Rồi bỗng nhiên trời tối sập xuống, mặt trời như bị một đám mây dày che khuất. Okonkwo ngừng tay ngó lên, ngạc nhiên tự hỏi mùa này mà sao lại mưa được. Tức thì một tiếng reo mừng vang lên từ khắp phía, và cảnh vật ở Umuofia giữa trưa đó đương thiêm thiếp, bừng tỉnh, hoạt động trở lại.
Đâu đâu cũng vang lên tiếng hát vui vẻ: “Châu chấu tới”; đàn ông, đàn bà, con nít đương làm việc hay chơi đùa đều tức thì ngừng lại, chạy ra ngoài ngắm cảnh khác thường đó. Đã lâu lắm rồi châu chấu không hề xuất hiện và chỉ những ông già bà cả mới có lần được thấy nó thôi.
Mới đầu chỉ là một đám nhỏ, như đoàn tiền quân đi dò đường. Rồi ở chân trời hiện lên một đám lớn di động chậm chạp, như một màn mây đen mênh mông tiến lại Umuofia. Một lát sau, nó bao phủ cả nửa vòm trời, và nhìn lên người ta thấy đám đặc đó tách ra, có những lỗ tia sáng nho nhỏ như con mắt hoặc như vô số vì sao lấp lánh. Cảnh tượng thật kỳ dị, hùng vĩ mà đẹp.
Mọi người đều tụ họp nhau lại, nói chuyện ồn ào và cầu cho đám châu chấu nghỉ đêm lại ở Umuofia. Vì mặc dầu đã lâu lắm rồi châu chấu chưa đáp xuống Umuofia, do bản năng họ đều biết rằng loài đó ăn ngon lắm. Sau cùng đám châu chấu đáp xuống thật. Chúng đậu trên mỗi nhánh cây, mỗi cọng cỏ; chúng đậu trên mái nhà và che kín cả mặt đất. Có những cành cây lớn gẫy răng rắc vì chịu không nổi sức nặng của chúng và cả miền mênh mông bị đám châu chấu lúc nhúc, đói ăn đó bao phủ, biến thành một màu đất xám.
Nhiều người vác rổ ở trong nhà ra để bắt châu chấu, nhưng các bô lão khuyên chịu khó đợi đến đêm tối đã. Các cụ có lí. Châu chấu ban đêm đậu trong bụi cây, cánh ướt sương, lúc đó toàn dân Umuofia mới ra, không ngại gió bấc lạnh lẽo, mà hốt từng thùng, từng bao châu chấu về. Sáng hôm sau người ta đem rang trong những nồi đất rồi trải ra phơi dưới nắng cho tới khi chúng thật khô và giòn. Và trong nhiều ngày, người ta được thưởng món ăn hiếm đó với dầu kè nấu đặc.
Ogbuefi Ezeudu bước vô obi của Okonkwo, thấy ông ta đương vui vẻ ăn với Ikemefuna và Nwoye và uống rượu kè. Ezeudu là người lớn tuổi nhất trong xóm, hồi trẻ là một chiến sĩ tài giỏi, anh dũng, nên bây giờ được cả thị tộc trọng vọng. Okonkwo mời ông lão ăn, ông từ chối, bảo Okonkwo ra ngoài để nói chuyện. Hai người bước ra, ông lão phải chống chiếc gậy. Khi đã ra xa xa, không sợ ai nghe thấy nữa, ông lão bảo Okonkwo. - Đứa nhỏ gọi chú là “cha”. Đừng nhúng tay vào cái chết của nó nhé. Okonkwo ngạc nhiên, tính nói câu gì thì ông lão tiếp tục: - Phải, làng mình đã định giết nó. Thần Rừng Núi đã quyết định như vậy. Theo lệ, người ta sẽ dắt nó ra khỏi Umuofia rồi giết nó. Nhưng tôi muốn rằng chú đừng nhúng tay vào việc đó. Nó gọi chú là “cha”. Hôm sau một nhóm bô lão của cả chín thôn Umuofia lại nhà Okonkwo từ sáng sớm; người ta đuổi Nwoye và Ikemefuna ra ngoài rồi người lớn nói chuyện nho nhỏ với nhau. Họ ngồi một lát thôi, và khi họ ra về rồi, Okonkwo ngồi im lặng một hồi lâu, hai bàn tay chống cằm. Hôm đó ông cho gọi Ikemefuna lại, bảo hôm sau người ta sẽ dắt nó trở về nhà nó. Nwoye nghe vậy, òa lên khóc, bị cha nó đánh cho một trận dữ dội. Còn Ikemefuna thì thật là hoang mang. Gia đình thực của nó bây giờ chỉ còn là một hình ảnh lờ mờ, xa xăm. Nó vẫn còn nhớ mẹ, nhớ em gái và được gặp lại thì sẽ mừng lắm đấy, nhưng dù sao thì nó cũng biết rằng sẽ không bao giờ được gặp lại. Nó nhớ lại cái ngày đó, có mấy người đàn ông lại thì thầm nói gì với ba nó, và bây giờ nó cảm tưởng rằng mọi sự lại bắt đầu lại.
Một lát sau, Nwoye vô chòi của mẹ, báo tin rằng Ikemefuna sắp trở về nhà nó. Mẹ Nwoye đương nghiền ớt, liệng ngay cái chày xuống, khoanh tay trước ngực, thở dài: “Tội nghiệp thằng nhỏ”. Hôm sau bọn đàn ông trở lại với một bình rượu. Ai nấy đều bận những bộ quần áo đẹp nhất, như đi dự một cuộc hội họp lớn trong thị tộc hoặc đi thăm một làng bên. Họ vắt áo qua cánh tay phải, luồn phía dưới nách, quẩy cái túi da dê và những con rựa đặt trong bao lên vai bên trái. Okonkwo sửa soạn thật mau, rồi cả nhóm cùng ra đi, Ikemefuna đội bàn rượu theo sau. Trong nhà Okonkwo lặng trang như có thần chết lởn vởn. Cả những đứa nhỏ xíu cơ hồ cũng hiểu được là gì. Suốt ngày hôm đó, Nwoye ngồi trong chòi của mẹ, nước mắt rưng rưng. Khi mới ra đi, bọn họ còn cười giỡn, bông lơn về đám châu chấu, về các bà vợ và hạng đàn ông nhu nhược như đàn bà không dám đi theo họ. Nhưng gần tới cuối địa phận Umuofia thì mọi người làm thinh. Mặt trời lên lần lần tới đỉnh đầu, con đường mòn đầy cát bốc nóng lên. Vài con chim chíp chíp ở khu rừng chung quanh. Trong cảnh tĩnh mịch chỉ nghe thấy tiếng lá khô xào xạc trên cát, dưới gót chân họ. Rồi ở xa xa có tiếng mõ ekwe nổi lên nhẹ nhẹ, lúc rõ ràng, lúc biến mất, tùy theo chiều gió - tại một thị tộc nào đó, có một đám nhảy múa êm đềm. Họ nói với nhau: - Khúc múa để mừng ozo đấy. Nhưng không ai biết là ở đâu, người thì đoán là ở Ezimili, người lại bảo ở Abame hoặc Aninta. Họ cãi nhau một lát rồi lại làm thinh, và điệu nhạc múa xa xăm đó cứ lên xuống tùy theo chiều gió. Ở một nơi nào đó chắc có một người được thị tộc ban cho chức vị, trong một đám tiệc lớn có nhạc, có vũ. Con đường mòn bây giờ chạy thẳng băng ở giữa khu rừng. Hết chỗ rừng thưa, cây thấp ở chung quanh làng xóm rồi, bắt đầu là khu rừng rậm, cây cối to lớn, chằng chịt dây leo mà có lẽ từ hồi khai thiên lập địa, chưa bị một nhát rìu hoặc một ngọn lửa đốt rừng nào. Tia nắng lọt qua kẽ cành lá, vẽ những hình chập chờn tối và sáng trên con đường cát. Ikemefuna nghe có tiếng thì thầm sát tai nó, vội vàng quay đầu lại. Người nào thì thầm đó giờ lớn tiếng thúc giục các người khác đi mau lên vì “quãng đường còn dài”. Rồi người đó với một người nữa qua mặt Ikemefuna, rảo bước. Bọn họ tiếp tục đi như vậy, người nào cũng có con rựa ở trong bao; Ikemefuna đội bình rượu kè, đi giữa. Mới đầu nó lo ngại, nhưng bây giờ hết sợ rồi. Okonkwo đi sau nó. Nó khó tưởng tượng được Okonkwo không phải là cha đẻ ra nó. Hồi nhỏ, nó có bao giờ yêu cha ruột của nó đâu, mà sau ba năm xa cách, hình ảnh cha nó bây giờ hóa lờ mờ quá rồi. Còn má nó và em gái ba tuổi của nó... Ờ, năm nay em nó đâu còn ba tuổi nữa, sáu tuổi chứ. Về nhà, nó có nhận ra được em nó không nhỉ? Chắc con bé đã lớn lắm. Chắc má nó sẽ mừng mừng tủi tủi tới rơi lệ và sẽ cảm ơn Okonkwo đã săn sóc nó mấy năm, bây giờ dắt nó về trả. Má nó chắc muốn biết những gì đã xảy ra trong mấy năm đó. Nó có nhớ được hết không? Nó sẽ kể chuyện Nwoye, chuyện mẹ Nwoye, chuyện châu chấu cho má nó nghe. Rồi bỗng nhiên nó có ý nghĩ này: chưa biết chừng má nó đã chết rồi chăng? Nó cố xua đuổi ý đó đi mà không được. Và nó ráng giải quyết vấn đề theo một cách của nó hồi nhỏ. Nó còn nhớ bài hát: Eze elina, elina! Sala Eze ilikwa ya Ikwaba akwa oligholi Ebe Danda nechi eze Ebe Uzuzu nete egwu Sala Nó hát tướng lên, bước theo nhịp hát. Nếu hát hết bài đúng lúc chân phải nó đặt xuống đất là má nó còn sống. Nếu đúng lúc chân trái nó đặt xuống là má nó đã chết. Không, chưa chết, chỉ đau thôi. Bài hát hết khi chân phải nó đặt xuống đất: thế là má nó còn sống và mạnh. Nó hát lại, lần này bài hát hết khi chân trái đặt xuống đất. Nhưng nó cho rằng lần này không đáng kể. Tiếng nói đầu tiên mới lên tới Chukwu, tức nhà Trời. Trẻ em nào cũng thường nhắc câu tục ngữ đó. Ikemefuna lại thấy mình bé trở lại. Chắc là tại nó mong mỏi về nhà để được ở gần mẹ.
Một người đi sau nó đằng hắng. Nó quay lại. Người đó rầy nó, bảo bước tới đi, không được đứng lại ngó về phía sau. Cách nói và vẻ mặt người đó làm cho nó ớn xương sống. Tay nó đỡ cái bình đen trên đầu hơi run run. Tại sao Okonkwo đi thụt phía sau. Ikemefuna bủn rủn chân tay, muốn quỵ xuống. Nhưng nó không dám quay lại ngó.
Trong khi người đằng hắng lúc nãy tuốt rựa và vung lên, Okonkwo quay mặt đi. Ông ta nghe thấy tiếng phập. Bình rượu rớt xuống cát, tan tành. Rồi nghe thấy tiếng Ikemefuna hét lên: “Cha ôi, họ giết con”. Nó vừa hét vừa chạy lại phía Okonkwo. Okonkwo sợ quá rối trí, tuốt con rựa ra, chém. Ông ta không muốn người ta cho mình là nhu nhược.
* * *
Chiều đó, khi cha nó về nhà, thằng Nwoye biết rằng Ikemefuna đã bị giết, và nó thấy có cái gì tan nát trong lòng nó, như một cành cây nặng trĩu, gẫy gục xuống. Nó không khóc. Nó chỉ uể oải mất hết sinh lực thôi. Mới cách đó không lâu, trong mùa dỡ khoai trước, nó cũng có cảm giác đó. Trẻ em nào cũng thích mùa đó. Những đứa lớn hơn, khiêng nổi một cái rổ chứa vài củ khoai mài, cũng theo người lớn ra ruộng. Nếu chúng không thể đào khoai giúp thì có thể kiếm củi, đốt lên để lùi những củ ăn ngay ở ngoài đồng. Khoai mài lùi, đổ dầu kè đỏ vào, ăn tại giữa đồng còn ngon hơn hết thảy các bữa tiệc trong nhà nữa. Chính sau một ngày như vậy ở ngoài đồng trong mùa dỡ khoai trước mà Nwoye cảm thấy lần đầu tiên có cái gì bựt bựt ở trong lòng như bây giờ. Bọn người đội những rổ khoai mài từ một thửa ruộng xa ở bên kia sông mà về nhà, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trong khu rừng. Bọn đàn bà đương chuyện trò với nhau bỗng nín thinh và rảo bước. Nwoye đã nghe nói rằng người ta đặt những đứa bé sinh đôi vào trong những cái khạp đất, đem bỏ vào giữa rừng, nhưng nó chưa hề thấy cảnh đó lần nào.
Nó thấy ớn lạnh khắp mình và có cảm giác đầu nó như sưng lên, như một người đi chơi một mình ban đêm, thình lình gặp ma. Thế là có cái gì tan nát trong lòng nó. Cảm giác đó đêm nay lại trở lại, khi ba nó về nhà, sau vụ giết Ikemefuna.