Út Tẹo đưa mắt nhìn căn phòng sơ sài, khiêm tốn của cơ sở sản xuất đồ chơi học đường rồi quay sang nhìn vẻ tươi tắn, hớn hở của Triều như ngầm thắc mắc ... Triều bật cười sảng khoái:
- Chú mày đang chê cơ sở bầu tèo của anh chớ gì ?
- Em không chê nhưng thắc mắc ... sao nó trống trơn như vầy, đồ chơi nằm ở đâu cả rồi ?
- Cơ sở của anh "chiến đấu" lắm! Hàng làm ra bao nhiêu là xuất đi hết bấy nhiêu, không còn mẫu để trưng bày.
Út Tẹo nửa tin, nửa ngờ:
- Thiệt hả ? Đắt dữ vậy sao ?
- Thiệt! Nhưng không có đắt.
- Ủa! Là sao chớ ?
Triều gãi gãi đầu:
- Là ít vốn quá, làm ra cái nào giao ngay cái đó để lấy vốn lại. Bán mất cái Honda rồi mà chưa thấy gì hết ráo.
Tẹo tiếc rẻ:
- Anh bán xe thật à ?
- Thật!
- Rồi sao chở Bảo Hân đi chơi ?
Triều xua xua tay:
- Hỏi câu lẩn thẩn quá! Không có Honda thì đi xe đạp. Mà dạo này anh bận rối mù lên thời gian đâu để đi chơi. Anh còn ở trong trường này, nhưng hết làm bảo vệ rồi!
Út Tẹo lại lập lại câu hỏi:
- Thiệt hả ?
Triều lừ lừ:
- Hỏi một lúc ba lần "Thiệt hả"! Tự ái dồn dập rồi nhé! Bộ anh hay nói ... không thật lắm hay sao Út Tẹo ?
Hấp háy đôi mắt, Tẹo phân bua:
- Đâu phải! Tại em mới không vào trường nửa tháng, mà anh có nhiều thay đổi quá, cái miệng em vì mừng nên cứ hỏi thiệt hả, thiệt hả, chớ em đâu có ý nghi ngờ anh ... Ủa! Vậy bây giờ ai làm bảo vệ ?
Triều nói:
- Trường hợp đồng thuê người khác rồi. Anh bây giờ phụ trách cơ sở này.
- Ông chủ hả ?
Cười cười Triều lắc đầu:
- Cũng làm công. Nói đúng hơn là anh và công đòan trường cùng chung vốn, mà vốn của anh một thì họ đến bảy tám. Trên danh nghĩa mình y như ông chủ, thật ra mình là kẻ làm công vì ít vốn quá, hàng mình làm ra mới ở bước giới thiệu thôi chớ chưa được ở mức công làm lời nữa.
- Rồi anh ăn ở luôn nơi đây à ?
Triều nhún vai:
- Đây chỉ là chỗ làm việc, còn anh vẫn chỗ cũ.
Tẹo kêu lên:
- Xưởng gì chật chội quá vậy, làm sao mà làm! Rồi đồ nghề đâu, em không thấy ?
- Cất hết vào trong rồi! Ở đây đâu có bảo đảm.
Tẹo đưa mắt quan sát lần nữa cái "cơ sở sản xuất đồ chơi học đường" của giám đốc Triều.
Dở ẹt như Tẹo nhìn vào cũng biết đây là cơ sở dạng ăn theo trường học. Địa điểm nằm ké trong góc khuôn viên trường, sát bức tường rào cũ kỹ cao ngất ngưỡng. Người ta đã đập một phần tường để khai sinh cơ sở này. Nó nhỏ bé, nghèo nàn nằm gần như lọt thõm bên trong.
Tẹo lo lắng rất thiệt thà:
- Nhắm làm có ăn không ? Sao em thấy eo xèo quá vậy ? Lúc trước nghe anh tính em tưởng ...
- Em với Bảo Hân nói chuyện y như nhau. Toàn làm người ta thêm chán đời! Anh nói thật, nếu có nhiều vốn mọi việc sẽ khác đi ngay.
- Nhiều, mà là bao nhiêu ?
Triều không trả lời. Anh bắt qua chuyện khác, sau khi đã xua tay như muốn nói với Tẹo đừng hỏi nữa ...
- Nửa tháng nay em làm gì mà không ghé vào chơi ? Anh trông, còn Hân thì hỏi em đâu, anh chẳng biết đường trả lời. Xe thì bán rồi, lấy đâu tới nhà em chớ!
Xúc động vì Triều và cả Hân đều quan tâm tới mình. Tẹo lỏn lẻn cười như người biết lỗi:
- Em đi Núi Bà hết ba bốn ngày, về bịnh rề rề, chỉ bán vòng vòng gần nhà, đâu có đi tới đây nổi.
Triều vờ ngạc nhiên:
- Trời đất! Rửa tội trong nhà thờ rồi mà lại đi Núi Bà. Kỳ cục vậy, rồi ai chứng cho em ?
- Có sao đâu! Năm nào em lại không đi. Cầu may mà anh. Linh thiêng lắm! Biết đâu Bà độ cho em trúng vài tờ độc đắc, em cho anh làm vốn liền, em dám hứa như vậy đó!
- Nếu được như vậy thì số anh Bà cũng độ, chớ đâu chỉ riêng em.
Biết Triều chọc quê mình, Tẹo hỏi ngay qua người anh vẫn quan tâm:
- Bảo Hân dạo này ra sao hả anh Triều ?
- Vẫn bình thường chớ có sao đâu ? Anh không hiểu lắm câu hỏi của chú mày!
Tẹo ngần ngừ:
- Tại anh rầy: em với cô ấy nói chuyện y như nhau nên em nghĩ hai người chắc lại hờn dỗi gì rồi. Nhất là chiều nay vào đây em thấy anh có mỗi một mình, đã vậy lại hơi quạu quọ.
Triều nhíu mày nhìn ra đường. Góc phố này vắng người qua lại, điều đó làm cái cơ sở của anh càng quạnh quẽ hơn, và càng làm tâm hồn anh đơn côi hơn. Anh thấm thía cảm nhận rằng cuộc đời vẫn còn hờ hững với anh. Nếu không muốn nói thiên hạ không ai quan tâm đến cái cơ sở ... vì sự nghiệp trăm năm trồng người của anh.
Ngồi đây nhìn các sinh hoạt đều đặn diễn ra mỗi ngày, Triều mới thấy mọi sinh hoạt đó như không liên quan gì tới cái cơ sở mà anh từng tuyên bố rằng: Có một không hai ở thành phố này. Lòng tự hào, niềm hãnh diện của một ông ... giám đốc dần dần xìu xuống. Triều bắt đầu bực bội mỗi khi có ai quan tâm bày tỏ sự lo lắng cho công việc anh đang tiến hành. Mà người quan tâm nhiều nhất là Bảo Hân. Cô hay đặt những câu hỏi chứng tỏ cô không tin tưởng vào những điều mà chính cô trước đây cũng đặt nhiều kỳ vọng như anh.
Giữa hai người có hờn dỗi gì như Út Tẹo thắc mắc không ? Triều buồn buồn bẻ những ngón tay, nghe những âm thanh khô dòn vang lên rời rạc để lòng anh lại bực tức khi nhớ lại chiều nay trên sân ...
Từ buổi Hân đùng đùng tự ái vì Triều "chen" vào chuyện gia đình cô hơi sâu, anh nhận ra cô luôn luôn dè dặt và giữ chừng mực với anh, mặc dù cô vẫn thường xuyên lo lắng, chăm sóc anh. Hân thật sự quan tâm đến công việc Triều đang đeo đuổi, nhưng không phải vì vậy mà anh yên lòng với những cái bằng mặt đáng nghi ngại của tình yêu. Trái lại Triều bứt rứt khi hiểu rằng tình cảm của hai người như chựng lại.
Bảo Hân đang tự ái vì chuyện gia đình mình, ngoài ra cô còn giữ riêng trong lòng một nỗi lo âu gì nữa đó mà cô không muốn nói ra... Còn anh thì sao ? Tâm hồn Triều lúc này rối bời vì hình ảnh buồn hiu hắt của Thúy Vũ. Thì ra khó mà quên được mối tình đầu! Nó như bước chân trên cát, bước nhẹ mà sâu ... Vậy lòng Bảo Hân có thế không ?
Triều khó khăn đặt câu hỏi:
- Dạo này em có hay gặp bà Liễu ... gì đó không ?
Tẹo ngạc nhiên:
- Có, em gặp bả hoài chớ gì.
- Bà ta sắp đi chưa ?
- Nghe con Lô Lô nói họ đã chích ngừa rồi, chỉ chờ chuyến bay thôi!
Tẹo hiểu Triều hỏi bà Liễu là muốn biết về Thuấn. Ảnh phải lo thôi, dầu sao tình địch của mình vẫn còn nhởn nhơ ở đây mà! Tẹo hỏi thẳng:
- Bộ thằng cha Thuấn còn trở lại ve vãn Bảo Hân hả ?
- Không! Anh chỉ hỏi cho biết vì anh nghĩ hắn đi càng sớm càng tốt cho Hân.
- Và cả cho anh chớ gì ... Em tin là Hân chẳng còn nghĩ tới hắn. Vì rõ ràng hắn là một thằng không xứng đáng.
Triều bỗng khô khan:
- Chưa chắc! Mối tình đầu mà Tẹo. Khó quên lắm!
- Anh nghi ngờ, rồi ghen, rồi đi chơi với người khác cho hả tức ?
Triều giựt mình vì câu hỏi ngắn gọn nhưng khá bất ngờ của Tẹo, anh nạt:
- Chú mày nói bậy!
Giọng Tẹo lừng khừng nhưng đầy mai mỉa:
- Cũng vái trời cho em nói bậy để bị anh chửi một "tăng". Nhưng Tẹo này không nói thì thôi, đã nói thì đâu đúng đó. Chị ta đẹp không thua Hân đâu, có điều không nên, nhìn chị ta anh có thấy khác Hân một trời một vực không ?
Hoang mang ngó Tẹo, Triều cứng họng, anh cho tay vào túi tìm thuốc, nhưng không còn điếu nào, Triều chép miệng thú nhận:
- Mày ở đâu mà thấy anh hả Tẹo ?
- Thì cũng gần đó, ngồi đại gốc cây vỉa hè, anh mắc tỉ tê tâm sự còn hồn vía đâu mà thấy ai ...
Anh phân bua:
- Bạn học cũ hồi phổ thông của anh. Lâu lắm mới gặp lại ...
- Anh nói với em làm gì. Chỉ sợ Hân khổ thôi! Có mà đi nói với Hân ấy ...
Triều cười xòa:
- Chuyện gì đâu mà khổ! Em lại khéo thổi phồng vấn đề.
Nhìn đăm đăm vào Triều, Út Tẹo nói:
- Em biết chị bạn anh. Biết lâu lắm rồi!
Lại một bất ngờ nữa. Triều thốt lên:
- Hay thật! Bạn gái của anh, cô nào em cũng biết hết. Vậy là sao ?
- Có sao đâu! Em biết mỗi người ở một hoàn cảnh. Nói thiệt với anh, em sợ bà Vũ Maxiton này lắm.
Nhíu mày Triều hỏi:
- Em vừa nói cái gì ? Vũ Maxiton là cái gì chứ ? Sao nghe giống tên thuốc tây quá!
Nhún vai, Tẹo hỏi lại Triều:
- Tên bạn anh, sao anh hỏi em ? Em nghe người ta kêu như vậy đó. Vũ Maxiton nổi lắm à nhen! Cũng năm bảy năm rồi mới gặp lại chị ta. Già và xuống sắc rõ, nhưng vẫn còn đẹp.
Nghe giọng Tẹo đều đều ra vẻ hiểu biết mà lại biết chuyện của mình, Triều ấm ức:
- Vậy tại sao em biết Thúy Vũ ?
- Hồi còn nhỏ em bán đậu phộng, thuốc lá lẻ ở công viên gần trường, chị Vũ này hay mua thuốc của em. Em nhớ nguyên một băng của chị, ai cũng có nhiều tiền, họ đi "xế nổ" hay tệ lắm cũng là xe đạp nhập không thôi, và ai cũng chơi thuốc ...
Triều lắc đầu:
- Coi chừng nhìn lầm. Thúy Vũ đâu có biết hút thuốc lá!
- Giỡn hoài, em sợ anh lầm thì có ...
Út Tẹo chợt im khi thấy có dáng ai tần ngần ngoài cửa cơ sở của Triều. Vừa lúc Triều cũng đứng dậy bước vội ra.
- Vào đây Thúy Vũ.
Đúng là Vũ Maxiton, Tẹo không bao giờ lầm. Anh đã nhận ra cô gái đẹp nhất trong băng "Tương Tư Thảo" có tên Thúy Vũ này lúc anh đang cà kê, dê ngỗng nói chuyện tầm phào với bà già đổ xăng lẻ ở góc đường. Để rồi sau đó anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy Triều bước đến ngồi với cô ta.
Bây giờ thì chả còn gì để ngạc nhiên, cô ta vào tới tận đây rồi! Nếu Vũ là người mà Triều đã từng khổ sở hồi xưa, thì coi chừng. Anh sẽ tiếp tục khổ bây giờ và mai sau đó!
Nghĩ tới Bảo Hân, Út Tẹo phân vân khó xử. Đã có chuyện buồn vui gì giữa hai người thật hay sao, để chiều nay cô không có mặt ở đây, thay vào đó Triều đang cận kề người tình cũ. Lần gặp Triều và Vũ ngoài quán nước, Tẹo tự nghĩ đó là một cuộc gặp tình cờ của hai người bạn để không phải nghĩ ngợi xa xôi. Còn giờ đây thì sao ? Triều cho biết cả nơi mình ở, rõ ràng anh cố tình nối lại chuyện xưa, trong lúc đã có kế bên người yêu như thiên thần.
Tẹo giận sôi lên khi nghĩ tới dáng vóc đúng là như thiên thần của Bảo Hân, anh thầm oán trách Triều sao ngu ngốc, bỏ quên thiên thần của mình để giao du với ma quỷ.
Lạnh lùng né cặp mắt có thoáng chút bỡ ngỡ của Thúy Vũ, Út Tẹo bước ra ngoài đường. Đây là lần đầu anh bỏ về mà không chào Triều như thường khi.
- Út! Út! Về sao ?
Tẹo cộc lốc:
- Ừ! Còn nhiều vé quá, em đi bán tiếp.
Tần ngần nhìn bước đi khổ sở của Tẹo, Triều vừa thương vừa lo. Anh cũng sợ Tẹo nói gì đó với Bảo Hân lắm! Vì anh biết Hân ghen số một.
Khép bớt cửa lại, Triều quay vào nhắc ghế cho Thúy Vũ. Anh ngập ngừng:
- Sao Vũ biết anh ở đây ?
Anh nghe tiếng Vũ cười và giọng cô khan khan:
- Tình cờ đi ngang thấy anh nên ghé vào, chớ làm sao em biết anh ở đâu, trong khi anh đã cố tình không cho địa chỉ nơi làm việc.
Tự dưng Triều đính chánh:
- Lần gặp trước mừng qúa, anh quên!
- Đêm đó, em không ngủ được vì nghĩ rằng sẽ khó lòng gặp lại anh nữa.
Triều xúc động, anh không dứt mắt mình ra khỏi gương mặt một thời đắm say của Vũ, gương mặt ấy bây giờ già dặn, từng trải hơn nhiều, nhưng chính vì vậy trông cô càng quyến rũ hơn. Trong khoảnh khắc bất chợt. Triều bỗng thấy mình sống lại phút giây bồng bột của thời trẻ trai mới lớn.
Bồi hồi Triều tiếp lời cô:
- Đâu ngờ đường đời trăm ngàn lối, vẫn còn có lối trở về tìm nhau.
Thúy Vũ cười:
- Cảm ơn lời nói dối cho vui lòng em của anh. Gần mười năm rồi mà anh vẫn còn lãng mạn. Nếu không thấy chân anh khập khễnh em không nghĩ rằng cuộc đời đầy bão táp đã chém vào anh độc ác như vậy.
- Lần này em phải kể về em cho anh nghe. Anh muốn biết em làm gì, sống ra sao ở ngần ấy năm. Bữa nay không được dấu anh nữa nghe chưa ?
Sóng mắt mênh mông buồn của Vũ đưa đẩy, cô hơi ỡm ờ:
- Kể tại nơi đây và ngay bây giờ à ?
-...
- Không hứng thú chút nào. Anh đã quên khuấy sở thích của em rồi sao ?
Triều nhìn cô:
- Em thì hàng lô, hàng lốc sở thích. Anh vẫn nhớ những sở thích ngông cuồng đó, có điều xe anh bán rồi, muốn uống cà phê thì thả bộ với anh tới quán ...
- Sao lại phải bán xe ?
Triều nhún vai:
- Lấy vốn làm ăn.
Thúy Vũ lại cười:
- Nghe anh nói em mới tỉnh người ra ... Thú thật nãy giờ em tưởng như hồi xưa, thưở em hay vòi vĩnh anh mượn xe của anh Cương chở em đi vòng vòng phố đêm, rồi vào quán cà phê nào càng mù khói thuốc càng thích. Cái thời vô tư ấy qua mất luôn rồi sao ? Và bây giờ chúng ta đã thành người lớn với biết bao nhiêu lo toan vất vả.
Đứng dậy trước, Triều nắm tay Vũ kéo lên:
- Đi ra quán với anh.
Thúy Vũ liếc mắt:
- Không có cô nào ghen ấy chứ ?
Nghĩ tới Bảo Hân lòng Triều thoáng ấm ức khi nhớ lại hình ảnh cô đứng nói chuyện với Định giờ tan trường chiều nay. Gần hai tháng lặn đâu mất, tuần lễ rồi anh ta lại xuất hiện, chiều chiều tới rước con bé Hoài Phương, Triều để ý thấy Định cố tình rề rà cho con bé ở lại sân, chơi ba cái xích đu, cầu tuột trong khi anh ta ngồi trên ghế đá hút thuốc phì phà y như thất tình ...
Cuối cùng hắn cũng đạt được mục đích, Bảo Hân đã đứng lại trò chuyện với hắn và khi cô đạp xe về Định đã kè kè xe kế bên với bản mặt trơ trẽn hết sức đáng ghét.
Tại sao Hân làm như vậy trước mặt anh chứ ? Lẽ nào cô muốn thử lòng kiên trì nhẫn nại của anh thêm lần nữa, với kẻ cô coi rất khinh kia.
- Sao không trả lời ? Anh suy nghĩ lại khi nghe em hỏi rồi hả ?
- Ngược lại, anh sợ chồng em nện cho anh một trận thì có, chân cẳng như vầy làm sao mà chạy.
Thúy Vũ khúc khích:
- Nếu chỉ sợ chồng em thì anh an tâm đi. Em tự do thật mà!
Nhướng mày Triều làm ra vẻ vô tư:
- Anh chưa được biết nguyên nhân nên làm sao an tâm được hở Vũ Maxiton.
Nét mặt Vũ chợt biến sắc, cô hỏi nhỏ:
- Anh cũng biết biệt hiệu đó à ?
- Ừ! Biết, nhưng không hiểu là gì cả.
Dường như Triều nghe cô thở phào trước khi cô giải thích:
- Anh quên cái tật hay nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt làm em lừ đừ, mệt mỏi rồi sao ?
Thấy Triều đăm chiêu như cố nhớ, Thúy Vũ liền nói tiếp:
- Hồi xưa thỉnh thoảng bị mệt mệt kiểu đó, em uống Maxiton vào là ... khỏe lại ngay. Lâu ngày tụi bạn đặt em cái biệt hiệu nghe lạ đời đó cho vui.
Triều thắc mắc:
- Sao anh không hề nghe, hề biết ?
Cười cười Thúy Vũ đáp:
- Khi quen anh và yêu anh, em hết bệnh rồi nên đâu có uống Maxiton nữa mà đòi biết.
- Anh nhớ không lầm thì Maxiton, Seduxen rồi Seconal là những thứ thuốc kích thích gây ghiền, uống nhiều rất nguy hiểm ...
- Đúng vậy, nhưng em có ghiền, có nguy hiểm đâu nào ? Sao ? Bây giờ đi uống cà phê không ? Em buồn ngủ rồi đấy!
Nhìn Vũ vươn vai, nghiêng đầu che miệng ngáp rất tự nhiên, bỗng dưng Triều thấy thương thương khi bắt gặp chút nét thơ dại ngày nào. Anh không dằn được lòng nên đưa tay nâng gương mặt cô lên sát mặt mình và xót xa nhận ra, Thúy Vũ khác xưa nhiều hơn anh tưởng. Ở cô nét già không rõ bằng nét tàn phai, mỏi mệt, cô lừ đừ như bệnh mới khỏi thật kỳ!
Buông tay Triều thở dài Thúy Vũ cũng im lặng. Hai người đi chầm chậm dưới hai hàng cây sao già giao nhau.
Thúy Vũ lên tiếng trước:
- Cơ sở của anh có dính dáng gì tới trường Mẫu Giáo đó không ?
- Có chớ! Anh là nhân viên của trường mà.
Thúy Vũ ngập ngừng rồi nói:
- Em có vào trường đó rồi, khung viên đẹp tuyệt. Các cô giáo lại dễ thương.
Bất giác Triều rã rời, anh ấp úng:
- Em vào làm gì ? Vào hồi nào.
Thúy Vũ đáp gọn lỏn:
- Thăm con! Nó học trong đó!
- Thúy Vi phải không ? Nó giống em quá!
Thúy Vũ lặng lẽ gật đầu. Triều hỏi tới:
- Em gặp nó chứ ?
- Có em gặp, nhưng chỉ được ngồi chơi ngoài sân chớ không được đi đâu hết. Đến khi ra về, em buồn quá, lang thang ngoài công viên thì gặp anh.
- Con bé có biết em là mẹ nó không ?
Anh nghe Thúy Vũ cười, tiếng cười khàn khàn chớ không được trong như trước kia.
- Nó chẳng biết em là ai cả. Nó nhìn em và làm thinh đi theo khi nghe cô giáo cho phép. Thúy Vi khờ khạo, ốm yếu hơn những đứa cùng lứa, đó là do tội của em, người mẹ hư đốn vô trách nhiệm.
- Đừng tự đày đọa mình như vậy!
Nói được bao nhiêu đó, Triều cũng ngậm tăm, anh lơ ngơ không biết an ủi cô như thế nào nữa, trong khi tâm trí anh cũng đang rối bời ... Vậy là Bảo Hân gặp Thúy Vũ rồi. Té ra chút gì như lo âu mà cô giữ lại trong lòng là đây. Hân rất nhạy cảm, chắc chắn cô đã đoán biết và nghi ngờ anh gặp lại Vũ, nhưng cô lại muốn chính anh nói ra chuyện này. Hân muốn anh thành thật như cô đã từng thành thật kể hết với anh chuyện tình đầu của cô và Thuấn.
Triều thấy bứt rứt vô cùng, anh đi bên Vũ mà lòng nguội ngắt, những tình cảm vừa dấy lên trong lòng anh đi đâu mất cả rồi. Anh thận trọng đưa Vũ vào cái bàn tận góc trong, cửa quán cà phê tối như hầm, mịt mù khói thuốc, rồi bất ngờ đến trợn mắt khi thấy tay Vũ run run nhón một điếu thuốc trong gói để trên bàn đặt lên môi. Vậy là Út Tẹo nói đúng. Triều còn ngơ ngác với suy nghĩ của mình thì Thúy Vũ đã nhỏ nhẹ xin lỗi anh và đi ra sau. Triều có cảm giác cô rất quen với cái quán cà phê lần đầu anh mới vào này. Cô không có vẻ dè dặt mắc cở khi đứng dậy đi một mình vào trong dưới bao nhiêu cặp mắt hau háu của bọn đàn ông ngồi ngập cả các lối đi nhỏ xíu.
Tự dưng Triều thấy chán. Bảy tám năm xa cách, anh biết gì về người tình xưa chớ ?
Đốt cho mình điếu thuốc, Triều chờ Thúy Vũ trở ra, và cô đã trở lại, điệu bộ tỉnh táo hoạt bát hơn trước. Quậy quậy ly cà phê, giọng Vũ thầm thì:
- Cà phê này pha chút rượu Rhum và vài viên Seduxen thì phải biết. Không cần nhạc cũng thấy hồn bay bổng.
Triều liếm môi:
- Sao em biết ?
- Nghe người ta nói.
Nhìn Vũ rít một hơi thuốc dài rồi nuốt hết khói vào trong, Triều thấy nặng ngực.
- Anh ngạc nhiên lắm phải không ? -- Thúy Vũ lim dim mắt, không nghe Triều trả lời cô nói tiếp -- Tội nghiệp! Lẽ ra em không nên gặp lại anh, để cho anh tha hồ tưởng tượng, nghĩ tốt về con bé Thúy Vũ ngày xưa.
- Có gì đâu, anh thông cảm với phụ nữ biết hút thuốc.
- Nhưng phụ nữ nào kìa, chớ không phải người thân, người quen hay người yêu của anh.
Hơi chồm người tới trước, anh hỏi:
- Nói về em cho anh nghe đi. Tại sao ngày đó em không chờ anh về ?
- Em không có thói quen chờ đợi. Hôm trước em trả lời rồi, anh không tin sao ? Hồi đó em tuyệt vọng khi biết anh đã ra đi. Với em, anh đi hợp tác lao động, hay đi nghĩa vụ quân sự cũng có nghĩa là chấm dứt. Lúc ấy em cần có anh ở kế bên để đừng bị lạc lòng, anh sống trong sáng, gàn bướng, lý tưởng theo kiểu riêng mình nhưng em thích. Em muốn được sống như hồi đó anh đã từng sống, vì em quá chán lối sống trước khi em gặp anh mà nào có được. Anh đi rồi em không buồn, mà chỉ thấy lòng tràn đầy đau đớn, đau đớn đến cuồng điên. Mà em thì anh biết đó, rất dở chịu đựng mọi nỗi đau dầu là thể xác hay tinh thần.
- Vì thế em vội đi lấy chồng ? -- Triều chua chát đặt câu hỏi.
- Chưa đến nỗi vội đâu. Em trốn tránh sự cô đơn bằng cách quay về nơi em từng thề từ bỏ nó.
Triều hoang mang:
- Là nơi đâu ? Anh không hiểu em muốn nói gì ?
Cố hút hơi thuốc sau cùng cho thật sâu và có lẽ thật "ép phê", Thúy Vũ mơ màng trách nhẹ:
- Tại sao anh cứ muốn khơi lại những cái em muốn quên hả Triều ? Hồi đó em dấu và dối anh nhiều thứ lắm. Em từng nghiện Maxiton nặng lắm, khi yêu anh em đã bỏ hẳn nó, đoạn tuyệt luôn với cái nhóm "Tương Tư Thảo" nghe hiền lành nhưng toàn chơi xì coọc, bồ đà.
Triều lắc đầu, anh có vẻ phẫn nộ:
- Anh không tin, không đời nào tin. Hồi đó em như đứa bé con mới tập tành yêu, anh hôn em, em còn run mà Vũ!
Thúy Vũ bật cười, cô hơi riễu cợt:
- Em run là vì em cảm động, vì chưa ai hôn em kiểu dễ thương như anh, chớ đâu phải vì em ngu ngơ khờ khạo như anh từng tưởng tượng. Anh thấy không, em giả dối đến thế đó, và anh thì tin em tới tận bây giờ.
Thẫn thờ Triều hỏi:
- Tại sao em đụng vào ba cái thứ ma quỷ đó hả Vũ ? Suy đi nghĩ lại anh thấy hoàn cảnh gia đình em có gì để em phải ...
- Gia đình em là gia đình trí thức, ba mẹ làm việc có chức có quyền đâu thua kém gia đình anh, em lại là con cưng. Nhưng không phải vì em là con cưng mà ba mẹ dễ dãi, ông bà luôn đòi hỏi ở em sự cố gắng phi thường. Em phải là học sinh xuất sắc nhất lớp, nhất khối và nếu được thì nhất trường càng tốt.
- Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình học giỏi để thành người tốt cho xã hội hết.
- Nhưng với cha mẹ em, sự mong muốn đó xuất phát từ lòng ganh tỵ, thích trội hơn người chớ nào phải từ việc yêu thương con, muốn con học tốt để tương lai sau này rạng rỡ.
Uống một chút cà phê mà Triều biết rất ít đường, Thúy Vũ nói tiếp:
- Anh biết không, từ cấp một em đã học chung với con ông giám đốc của ba em. Con bé này học giỏi lắm, ba mẹ nó luôn hả hê khi thấy hạng nó luôn trên hạng của em. Vào nơi làm việc em chẳng hiểu ba em và ba nó ngoài việc ganh nhau về địa vị, có ngầm ganh với nhau về việc học và thứ hạng của con mình không, mà về nhà ba em đã lạnh lùng, nghiêm khắc và độc đoán phán quyết rằng bằng bất cứ giá nào và bằng tất cả khả năng gia đình có được, em phải làm sao đứng nhất trong lớp. Lúc em còn ngơ ngơ chưa hiểu ý thì ba em đã nói toạc rằng ông không muốn con gái của ông học thua con gái lão giám đốc hợm hĩnh khinh người đó. Ông phải cho lão ấy biết rằng vì thời thế, ông đành chịu lép để làm việc dưới trướng lão, chớ con ông thì không đời nào thua con lão.
- Và em đã làm vui lòng ba mẹ mình suốt thời học cấp một ?
- Cả luôn ở cấp hai nữa chứ! Em không hiểu sao con ngài giám đốc và em cứ chung lớp, chung trường mãi cho khổ. Con bé học giỏi lắm! Em phải khốn đốn mới theo kịp nó. Lẽ ra em có được người bạn tốt, học giỏi thì ngược lại em đã có một địch thủ. Bọn em ganh nhau từng nửa điểm, vào lớp mỗi đứa hùng cứ một góc, không thèm ngó tới mặt nhau.
Mắt xa xôi như nhớ về thời thơ ấu, Thúy Vũ nhếch môi cười.
- Bài kiểm ra phát ra nếu cao điểm hơn tiểu thơ ngài giám đốc thì được thưởng tiền, còn ít hơn, cứ một điểm một roi. Miết rồi em không hiểu mình học cho mình hay cho lòng đố kỵ của ba. Để rồi từ sự ham học, tự nguyện cố học giỏi, em trở nên chán vì sự gò ép bắt buộc, em không còn thì giờ để vui chơi như những đứa bạn khác. Dần dà em mệt mỏi khổ sở. Ba em rầy la thậm tệ ... Ông vứt tập vở em ra sân, khi học kỳ I năm đó em thua hạng con ông giám đốc ...
Triều chắc lưỡi. Anh từng thở than về ba mình, nhưng phải nói, ông không đời nào bắt ép con cái vì mình kiểu lạ đời như ba Thúy Vũ.
- Em có nghe bạn bè kháo nhau ... Chơi vài "con" Maxiton vào là luôn tỉnh táo, mau thuộc bài, nhớ lâu, đã vậy học rất hứng, rất khỏe. Thế là em liều mạng làm thử ... Qua học kỳ II em vượt bậc hơn xa điểm con bé tiểu thơ kia. Ba em cười hỉ hả khi cuối năm em được phần thưởng xuất sắc toàn khối lớp Chín, tuyển thẳng vào lớp Mười trường chuyên. Và cũng từ đó em biết mình không thể nào thiếu loại thuốc em từng nghĩ là thuốc bổ óc. Em ghiền Maxiton thật rồi!
Triều nghi ngờ:
- Đơn giản như vậy sao Thúy Vũ ?
Gật đầu, cô buồn bã nói:
- Vì đơn giản nên không ai ngờ tới. Mùa hè năm đó em trở thành người khác, đến khi ba mẹ biết chuyện thì muộn rồi! Ông bà chỉ còn ngăn cản, cấm đoán rồi năn nỉ, van xin em bỏ thuốc, chớ không còn bắt buộc em phải làm rạng rỡ cho ông bà bằng những tờ giấy khen xuất sắc nữa. Em cũng đâu muốn uống những thứ đó. Nhìn thấy mấy ông xì ke da bọc xương nằm lê lết ở công viên là hồn vía em lên mây rồi, nhưng khổ lắm Triều ơi! Đã biết đến nó rồi mà bỏ thì đâu phải dễ. Cũng may năm ấy em chuyển trường. Không gặp lại cái nhóm Tương Tư Thảo với bọn rủ rê chơi thuốc nên dần dà em bỏ được, phải nói cũng nhờ ba mẹ em kiểm tra gắt gao mọi sinh hoạt của em. Đến khi em quen anh, gia đình biết anh đàng hoàng, con nhà ăn học nên mới lơi em ra một chút, và cũng nhờ anh, em đã quên mất cái tên Vũ Maxiton của mình.
Xoay xoay cái bật lửa trong tay Vũ bâng khuâng:
- Tiếc thay anh lại xa em lúc gia đình em có nhiều chuyện buồn, ba em bị mất chức vì dính vào một vụ tham ô, mẹ em suốt ngày lo tiếp đãi xã giao trong làm ăn, nên quên bẳng em. Buồn tình em gặp lại bạn cũ, chúng kéo em vào quán cà phê để nói chuyện giải khuây, và giúp em lấp trống nỗi buồn, giảm những cơn đau đầu vì suy nghĩ bằng những liều xì coọc ... Đó đúng là liều thuốc quên hữu hiệu, em đã quên anh, quên ba mẹ để lâng lâng, bay bổng trong những khoái cảm đặc biệt, hứng thú đặc biệt.
Giọng Vũ trầm xuống như tiếng thở dài:
- Lần này em sa xuống địa ngục thật mà không ai bên em, lo lắng cho em để níu kéo em lên hết.
Triều nghe buốt ở ngực, có cảm tưởng cô vừa nhẹ nhàng trách anh, và anh cũng không thể ngăn tiếng nói giận dỗi tự bao lâu của trái tim mình để nặng nề trách lại.
- Tại sao em không nghĩ tới anh hở Vũ ? Lúc đó là lúc anh đang đối đầu với gian khổ, với cực nhọc, chẳng biết sống chết giờ nào. Lúc đó là những lúc anh nhớ em chưa từng thấy, vậy mà em lại sa đọa đến mức ... Trời ơi! Anh không bao giờ tưởng nổi.
Vũ chớp mắt, cô thản nhiên kể tiếp chuyện đời mình.
- Em bắt đầu bỏ những thứ thuốc gây nghiện thường tình đó vì nó không còn đủ "đô" nữa. Thay cho Maxiton, xì cọoc, em chơi bạch phiến.
Triều nhăn mặt, bóp trán. Vẫn biết rằng Vũ sẽ nói tới điều đó với mình, vì diễn biến câu chuyện đã phải tới hồi như vậy, nhưng Triều vẫn không sao chịu đựng nổi. Nhìn trân trối Thúy Vũ anh vừa xót thương vừa sợ. Tại sao lại sợ, anh cũng không lý giải được ...
- Rồi thì ba mẹ biết được, cho em vào dưỡng đường cai nghiện ma túy một thời gian ... Khi em ra viện, ba mẹ em vội mua cho em một tấm chồng. Anh ta là y tá trong một bệnh viện ở huyện Duyên Hải, anh ta cưới em để được về thành phố làm rể nhà giàu, vì lúc này nhà em phất lên giàu lắm. Ba em mất chức, ra ngoài bon chen với đời, vậy mà ông kiếm ra khối tiền. Bây giờ ông trở ngược lại bằng những tuyên bố vung vít: Học giỏi nhất, chưa hẳn là kiếm ra nhiều tiền nhất. Chỉ có những đứa kém tài xoay trở mới bám vào ba cái bằng cấp để vớt vát chút sĩ diện hảo mà lên mặt với đời. Con tao chả cần học giỏi.
Vũ bật cười rũ rượi:
- Trời ơi! Phải chi ba em bị mất chức từ hồi em chưa nghiện Maxiton thì cuộc đời của em vui biết mấy. Nhưng dù sao mấy thằng em trai em cũng đỡ khổ hơn con chị hai của thời nhà nghèo phải lo cố sức học thật giỏi, để cha mẹ nở mặt nở mày với người ta.
Thúy Vũ ngồi chống tay dưới cằm, Triều thấy như trong phúc chốc cô bỗng già đi hằng mấy tuổi. Anh biết phải an ủi gì đây khi đã nhận ra trước kia anh yêu mà hoàn toàn không hiểu gì về người mình yêu, để có thể thật tình chia sớt với cô khổ đau cô từng chịu. Bây giờ mọi lời nói đều là lời đầu môi chót lưỡi. Anh thương cô chết được nhưng không thể thốt nên lời nào ...
- Mẫn là người đàn ông tốt, ít ra anh ta cũng thương vợ bằng thương số của cải của vợ có. Tội cho em là ảnh phải đi làm phải trực đêm nhiều quá. Em buồn, em cô đơn và em lại hút cho quên sầu. Anh thấy có ai tệ hơn Thúy Vũ không ? Con bé Vi ra đời bệnh hoạn, hom hem là như vậy.
Triều khổ sở:
- Đừng kể nữa Vũ! Anh muốn biết hiện tại em như thế nào ?
Cười héo hắt Vũ hỏi:
- Anh sợ quá khứ của em rồi à ?
- ... Không phải ...
- Vậy thì cứ nghe em kể, anh nằng nặc đòi muốn biết, thì nên biết cặn kẽ, hay anh tiếc thời gian ? Em làm anh lỡ hẹn với cô nào hả ?
- Đừng đùa cợt nữa Vũ. Anh chỉ tiếc rằng anh đã xa em lúc em cần có anh.
Tránh ánh mắt Triều, cô nhếch môi:
- Lúc em trở lại với ma túy, em có quen một gã đàn ông giàu có, lão ta cung cấp thuốc cho em. Sanh con bé Vi được ba bốn tháng, em bỏ nó lại cho anh Mẫn rồi theo lão ... Phải nói em theo ma túy thì đúng hơn, vì lão có thứ em cần. Khi biết chắc đã nắm được em trong tay rồi, lão lột ngay cái mặt nạ người tình xuống để lòi ra gương mặt "Tú ông" độc ác. Em bị khói thuốc dật dờ trói chặt vào lão, lão tha hồ điều phối, thao túng. Em sống như vậy, một năm, hai năm, rồi ba năm, chịu không nổi phải lết về nhà. Ba mẹ em lại cho em đi cai. Lần này thì không được vào dưỡng đường cai nghiện đâu, em phải chịu vào trung tâm phòng chống ma túy Bình Triệu để chữa trị. Em vào đó gần một năm, lúc này trông em khỏe mạnh, chớ trước đây anh khó tưởng tượng lắm, em là dân Ken thứ thiệt mà! Tàn tạ, xác xơ, vô lương tâm không biết tự trọng là gì.
- Em được ... ra rồi hả Vũ ?
Cô gật đầu, giọng xa xôi:
- Ra rồi và không biết trôi về đâu ở những ngày tháng tới. Đời mênh mông qúa, nhưng đời đâu rộng mở đôi tay để em có thể hoà nhập vào dòng chảy của đời như tất cả mọi người.
Vũ chợt rùng mình. Triều kêu lên:
- Em lạnh à ?
Thúy Vũ làm thinh. Triều ngỡ ngàng:
- Em ... em đã hết, đã dứt bỏ nó rồi kia mà ?
- Chỉ mới thấy em rùng mình thôi mà anh đã sợ à ? Em không lên cơn lúc này đâu, vì lên cơn trước mặt người yêu cũ xấu lắm.
- Nhưng em không ... chơi lại chớ Vũ ?
- Không! Lúc này thì không, còn ngày mai, bữa kia thì em chưa biết.
Triều trầm giọng vỗ về:
- Em phải nghĩ tới bé Vi, tới ba mẹ em chứ.
- Để làm gì ? Bé Vi có biết em là ai đâu ? Ba mẹ em có cần em đâu ? Và anh cũng vậy, anh đã tự loại anh ra khỏi danh sách mà em phải nghĩ tới như nhắc khéo rằng "Tôi chả còn trách nhiệm gì với cô đâu!"
Triều nóng mặt vì những lời mai mỉa khá đau của Thúy Vũ, đúng là anh chưa quen nghĩ cô bé ngày xưa anh từng yêu quý, hôm nay lại như thế này, nhưng từ sâu thẳm, tiềm thức anh đã chối bỏ một Thúy Vũ bằng xương bằng thịt trước mặt. Anh chưa biết mở lời biện hộ ra sao thì Vũ lẩm bẩm như nói với bản thân cô:
- Không có gì đáng sợ bằng sống mà bị người thân chối bỏ, nghi kỵ, ghẻ lạnh, trong khi "Nó" thì luôn luôn chầu chực, mời gọi, rủ rê ...
Vũ lại rùng mình nhìn quanh:
- Mình đi về thôi! Giờ này em còn vất vơ ngoài đường thì về nhà lại bị tra hỏi, răn đe, mắng mỏ.
- Anh sẽ đưa em về tận nhà. Ba mẹ không rầy đâu!
- Không cần! Anh kêu xích lô và trả tiền xe cho em là đủ rồi.
Triều nhìn cô đăm đăm, anh xiết bàn tay khô gầy của Vũ, giọng xúc động:
- Hãy nhớ là em vẫn còn có anh như ngày nào. Bao giờ anh cũng rất quý em, Vũ à!
- Nhưng anh không đủ sức cho em một niềm tin, một hy vọng sống trong lành như xưa. Em tiếc biết bao nhiêu hả Triều khi em nhận ra anh là người em yêu nhất thì đã muộn.
- Thỉnh thoảng anh tới thăm em, được chứ ?
Thúy Vũ gật đầu, nhưng lời cô lại ngược với hành động:
- Được! Nhưng không nên. Anh sẽ khổ vì em và sẽ sợ em, xa lánh em khi đã đến quá gần em. Vả lại anh đã có người yêu khác, để thời gian cho người ta thì hay hơn.
Nhìn chiếc xích lô lắc lư rồi mất hút cuối đường, Triều buồn chưa từng thấy. Cuộc đời Thúy Vũ rẽ qua một bước ngoặt khủng khiếp và anh sẽ làm được gì khi thái độ và lời nói của cô cho thấy Vũ chưa đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Cô cần một niềm tin, một nghị lực và một người thành thật yêu thương, khuyên bảo, động viên giúp cô vượt qua hấp lực của ma túy. Anh có thể là người đó được không ?
Bước chậm trên đường, Triều cứ vơ vẩn, cứ loanh quanh không lối thoát khi nghĩ tới Bảo Hân rồi Thúy Vũ.
Anh đã có người yêu khác, Thúy Vũ chỉ là người của quá khứ, cô đáng thương thật nhưng tình cảm của anh chỉ còn là lòng thương hại chớ không phải là tình yêu.
Biết vậy nhưng sao anh khổ tâm thế này ? Triều bực bội nhìn bóng mình đổ dài rồi thu ngắn lại theo bước chân xa hay gần của những cột đèn điện.
Đêm nay anh sẽ khó ngủ, chẳng phải tại vết thương ở chân thỉnh thoảng vì trở trời hành đau, mà vì vết thương ở trái tim làm anh buốt nhức.