Tên tục bà là Vinh, còn họ thì bà không nói với ai bao giờ.
Quê bà ở xa tít Thái Bình, vùng biển. Khi phía chân giời Đông Nam có một đám mây xám xịt nhọn hoắt đâm thẳng xuống, bà thở dài: "Lại rồng hút nước. Lại cây nước. Quê tôi đấy. Rồng nhả nước vào đâu. Cây nước đổ ở đâu thì làng xóm cứ là tan tành ra bọt".
Tôi cũng không hiểu, những người đã cất công từ Thái Bình đi kiếm ăn lại đến vùng quê tôi. Cái vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi đã bao nhiêu đời nay.
Bà tìm đến bạn nghèo để ở nhờ: bà Nụ. Xem chừng hai người hợp nhau lắm.
Đấy, nắng vừa lên, bà đã gánh toòng teng hai cái thúng đậy hai cái mẹt. Trong ấy đầy ắp những lá chè tươi xanh biếc, óng ánh.
Bà gần năm mươi tuổi. Ai cũng gọi là bà:
- Bà đi chợ sớm thế!
- Chào bà Chè ạ;
- ...
Từ khi dân làng tôi gọi là bà Chè, xem chừng bà thích lắm. Bà bảo "gọi là Vinh làm gì cho nó nhục. Sau này tôi chết nếu được ai cúng cơm thì cứ Chè mà gọi".
Bà gánh chè ra chợ Và, tức là phiên chợ Và dù là phiên "xép" hay phiên chính. Bà gánh chè sang chợ Dạm tức là phiên chợ Dạm. Bà gầy. Dáng đi liêu xiêu. Hai bàn chân của bà tòe ra như hai bàn chân vịt. Lúc nào cũng thấy bà nhai giầu. Môi bà đỏ sẫm lại, mấy ngón tay cầm bã giầu cũng đỏ.
Mặt giời tà tà thì tan chợ. Bà thủng thẳng quay đôi thúng ra về. Trông bà đi, chân nam đá chân chiêu, đôi thúng cứ lắc lư như đánh đu ở hai đầu đòn gánh, ai cũng biết bà đã quá chén ở chợ. Bà ngồi xệp xuống gốc si ở nghè ông Voi. Bọn trẻ ra xúm quanh bà:
- Bà ạ!
- Bà có mệt không?
Bà nói ríu cả lưỡi "không mệt đâu các cháu ạ". Đôi tay bà quờ quạng mở mẹt ra. Trong thúng thường là bánh đa, bánh đúc, mía và một chùm cau, giầu không, vỏ. Bà bẻ bánh đa cho mỗi đứa trẻ một miếng. Còn giầu cau bà lẩm bẩm: "Để phần bà Nụ". Không biết sao bà sụt sịt khóc.
Có đứa trẻ tham ăn, cứ thấy bà say, vòi bà mãi. Nhưng nhiều đứa tốt, biết thương bà, chúng mắng và chặn tay những đứa tham ăn.
Chuyện thường xảy ra như thế. Khi ở nhà buồn, bà lại mua rượu của bà Lộng để uống một mình.
Một trưa giời nắng chang chang. Gió tây hầm hập, đến chó già cũng phải lè lưỡi, người ta thấy bà lảo đảo, đầu chẳng khăn chẳng nón. Bà ngã rồi. Đôi quang gánh lổng chổng. Bà con gần nhất là xóm Trại, chạy ùa ra. Trẻ con cứ để đầu trần hớt hơ hớt hải vây quanh bà. Mặt bà đỏ gay. Người mềm nhũn. Bà không thở nữa rồi. Trẻ con có đứa khóc òa. Người lớn sụt sịt. Bà Nụ khóc to hơn tiếng khóc của trẻ con.
Ngôi mộ được mọc lên đúng chỗ bà ngã. Trên đường đi chợ Và. Ngôi mộ tròn xoe như mâm xôi đầy.
Từ đấy, mỗi người đi qua, dù người ở làng nào đều dừng lại đắp lên mộ bà hòn đất. Ngày rằm, mồng một nhiều bà, nhiều chị còn dừng lại thắp nén hương trên đỉnh mộ. Chẳng mấy ngày tháng, nấm mộ của bà trông to như cái gò tròn. Dân làng gọi quen nôm na là "mả bà Chè":
- Hôm nay ra cái chuôm mả bà Chè bắt cá.
- Hôm nay ra gặt lúa ở sào ruộng mả bà Chè...
- Hôm nay chăn bò ở đồng mả bà Chè.
- ...
*
* *
Ông ngồi kia. Ông đội cái nón đã bật hết vành, chỉ còn cái chỏm. Râu cằm dài, một chòm, trắng như cước. Lông mày cũng trắng. Tóc cũng trắng. Nước da ông màu bánh mật. Nhưng chỉ màu bánh mật ở gương mặt. Còn tay, chân ông giống như màu đồng đen hun lên. Suốt mùa hè ông chỉ mặc quần cộc. Không biết vì sao hai ống chân ông đóng vẩy như vẩy cá. Người ta đồn, quê ông ở đất chiêm trũng Hà Nam. Ngày mới đến đây, ông to lớn, lực lưỡng. Bây giờ, nhìn vào cái khung xương xẩu ai cũng đoán được sức vóc ông về trước. Nếu ông được ăn no mặc lành thì sao nhỉ?
Ông xin vào chăn dê cho nhà ông chánh Hà.
Một đàn, một lũ dê vừa già vừa trẻ, vừa đực vừa cái kêu "be be" khắp cánh đồng. Nào nó có chịu ăn ở cánh đồng! Nó leo tản mát trên núi Ba Huyện. Có nhiều hôm, ông lùa đàn dê về nhà, còn thiếu một con, ông chống gậy đi tìm. Khuya, tiếng gào của ông "be... be"... cả vùng nghe thấy. Rồi ông cũng tìm thấy. Một con dê lạc đàn nó sẽ kêu inh ỏi.
Một sáng mùa đông tôi đi qua, ông vẫn ngồi đấy, nhưng lần này ông ho, ông ho từng cơn như tắc thở.
Dăm hôm sau đi qua, tôi thấy một nấm mộ. Nấm mồ của ông hình chữ nhật. Một tháng sau, tôi đi qua, nấm mồ của ông đã cao và dài gấp đôi. Gần một năm sau, nấm mồ của ông dài gần như một con đê ngắn.
Mồ ông ở chân núi Ba Huyện, bên đường đi chợ Tỉnh. Người qua lại nườm nượp. Ai cũng đắp thêm mồ cho ông. Tên ông chắc chắn không phải là Đống. Dân mười phương cứ gọi thế thành quen. Mồ ông Đống.
*
* *
Quê bà gần lắm. Làng Quan Đồng trước mặt kia. Đất tốt. Làng xanh um. Tôi không hiểu vì sao bà bỏ làng, bỏ nhà cửa lên ở nhờ cái đất này! Khi bà đến đây, bà chừng bốn mươi tuổi. Từ khi bà lên đây chẳng thấy ai thân thuộc đến thăm hỏi bà. Mà hình như bà cũng không muốn cho ai biết.
Khi bà được đẻ ra thì bà đã bị sứt môi. Miếng môi sứt to lắm, bằng đốt ngón tay. Miếng sứt làm cho hai cái răng bị hở. Mỗi khi nói, bà nói phều phào không thành tiếng rõ ràng.
- Bà đi đâu đấy?
- Tôi hi hắt cua.
Nếu bà không bị sứt bà sẽ nói ngọt ngào lắm, nghe giọng thì biết.
Bà đến ở nhờ nhà thím Cương.
Bà vừa lùn thấp lại béo. Có một số đứa trẻ thật tai ác, chuyên đi chế giễu những người tàn tật:
- Ê, bà Sứt.
- Ê cái cối xay cùn.
Giá bà cứ im đi, nó chế xong, chán, chắc nó thôi. Đằng này bà cứ cãi nhau với chúng nó. Cãi nhau với trẻ con thì chỉ có mà thiệt!
Bà chuyên mặc đồ mốc, vá chằng vá đụp. Cái khăn bạc phếch. Bộ răng cải mả. Cái áo mốc. Cái váy bao giờ cũng cũn cỡn ngắn đến đầu gối.
Bà làm nghề bắt cua.
Mỗi khi bà ra đồng trông bà như một nữ tướng. Cái khăn mốc quấn cao tít. Nón thì bà không cần đội. Bà buộc thừng vào giỏ cua và thắt ngang lưng. Tay bà cầm cái lẹm. Cái lẹm là một đoạn tre đực rắn như thép, vạt nhọn như con dao bầu chọc tiết lợn.
Chửa đầy giỏ cua thì bà chửa về. Mà cái giỏ có bé gì đâu! Bà biết hang nào có cua. Khi có hang cua đùn ra từng mà, bà thẳng tay xắn lẹm từ trên xuống. Con cua chạy ra. Cua có mà là cua gạch, cua trứng ngon lắm. Có lần bà thò tay vào hang cua bị con cua kềnh nó cắp. Cái càng rõ to, nó cắp ngang ngón tay út của bà. Bà đau lắm đành ngồi ở bờ đê, chờ nó nhả ngón tay bà ra. Nhưng không, càng đụng, nó càng quặp chặt, máu loang ra cả bàn tay. Nhưng cắp lâu, con cua chết tiệt chắc cũng mỏi, nó buông dần. Bắt cua không cẩn thận, có khi nó cắp đứt đôi ngón tay, nhất là ngón tay trẻ con, chứ có phải chuyện chơi đâu. Làng này đã có một đứa con gái bị như thế rồi. Lại một lần bà vừa thò tay vào hang cua bị con rắn đớp một phát. Tay chảy máu. Bà nhá cỏ rịt vào. Hú vía, nó lại là con rắn nước nên chỉ đau qua loa. Nếu bắt đầy giỏ cua, còn sớm, bà thả giỏ xuống ao, xóc mạnh. Những con bụ bẫm, sạch bong. Bà đóng lại từng xóc, lớn ra lớn, bé ra bé. Mỗi xóc mười lăm con. Bà đem ra chợ bán một lát đã hết.
Cái nghề bắt cua phải chịu khó đi giữa trưa nắng. Càng nắng to cua rúc vào hang, mười hang thì chín hang có cua.
Bà cứ thui thủi đi, về không ai để ý. Bà sợ trẻ con. Trẻ con có mấy đứa bám theo bà đùa dai như đỉa đói. Có lần bà phải chạy trốn cho nhanh.
Một buổi trưa, bà đi tít về phía bờ sông giáp làng Chiều. Nước sông đang dềnh lên to. Giữa đồng không mông quạnh chỉ có mình bà. Bà lúi húi ở bờ sông, thân cò lặn lội.
Quá trưa sang chiều, mấy đứa trẻ chăn trâu kêu ầm lên ở bờ sông:
- Bà Sứt chết đuối rồi! Làng ơi!
Lại thêm một ngôi mộ nữa ở bên đường: Mộ bà Sứt.
*
* *
Ở thôn Lãm Dương, quê chồng dì tôi, cái bãi tha ma hàng trăm mộ ngay sát đường cái quan. Hàng trăm người chết đói được chôn ở đấy. Họ không quê quán, không tên tuổi. Nhưng đây là những người tôi quen biết. Mỗi khi nhìn những ngôi mộ này, tôi buồn hơn.
Nhà ai đã yểm đất ở ngang chừng núi. Mộ họ xây trắng toát, ở xa cũng thấy. Ngày Tết ngày giỗ, con cháu họ ở tận Đáp Cầu về quần áo là lượt rợp núi. Khói hương bay ngát một vùng.
Mấy ngôi mộ bên đường lạnh tanh!
Mùa nước, mồ mả bị ngập lút. Các ông các bà này lại bị chết một lần nữa.