Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Tuổi Thơ Im Lặng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 76978 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi Thơ Im Lặng
Duy Khán

Người nhà

Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói "đấy là bàn chân vất vả". Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hòa muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.
Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm.
Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xếp bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm.
Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.
Bố bảo: Bàn chân con phải giữ gìn để mà đi cho thật khỏe, thật xa!

*
* *

Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ con không biết.
Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dày vào. Bánh dày màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi gánh "đá trăm" xuống thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là cái năm vai mẹ nứt to nhất, mất một lần da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh. Con hỏi mẹ, mẹ bảo: "Không đau, nó ê ra rồi". Mẹ cởi trần, mặc yếm mà gánh. Lưng mẹ hoàn toàn là một bãi xém nồi. Mẹ gánh củi đi bán. Mẹ gánh thóc từ đâu về suốt đêm xay giã để bán, để lấy tấm mà ăn, lấy cám nuôi lợn. Tháng nào mẹ cũng gánh gạo đi một ngày đường ròng rã đến nơi con trọ học.
Đôi vai ấy, con tin rằng suốt đời mẹ, không bao giờ trở lại lành lặn như đôi vai người thường đâu mẹ ạ.
Nhưng chính đôi vai xương xẩu, bé nhỏ, mỏng manh ấy lại gánh được bao thứ mà người thường không thể gánh nổi.

*
* *
 Bàn chân anh Thả không giống bàn chân bố, mà lại y hệt bàn chân mẹ. Nó xòe ra từng ngón. Cứ nhìn dấu chân ở ngõ, ở bãi sắn, tôi đoán được là chân anh. Bàn chân anh rất mỏng, năm cái xương của năm ngón nổi hẳn lên mu. Mùa hanh, bàn chân anh nẻ chằng chịt, rớm máu, anh vẫn phớt lờ. Khi nào đau lắm anh mới chịu trát gio vào, để khô, ra ao lấy rơm vò nát rồi kỳ. Vết nẻ liền vào được nửa ngày. Anh chạy như bay, hết đánh giậm lại bắt cá. Hết gánh đá lại gánh củi. Hết leo núi lại lội đồng. Anh đá chó dữ bằng đôi bàn chân ấy. Chó chạy bạt vía.
Một chiều, anh pha tre non để chẻ lạt, nhỡ tay, con dao bập một nhát chéo qua bàn chân phải, máu chảy đầm đìa. Anh vẫn phớt tỉnh đi vào nhà rịt thuốc lào, mạng nhện, rồi xé vải đụp để băng. Dấu bàn chân đỏ lòm từ sân vào nhà.
Từ đấy, bàn chân anh có vết dao chéo giẫm lên các nẻo đường. Anh đi đánh giặc. Chân đất mà coi thường cả chông, coi khinh cả gai.

*
* *

Lạ thật, làng tôi mỗi nhà gọi cha mẹ một kiểu. Anh em tôi gọi cha là "chú", mẹ là "u". Con nhà bác Tuyên cũng gọi như vậy. Nhà thằng Diễn, trẻ con lại gọi cha mẹ là "chú, thím". Tôi thấy hình như gọi như vậy không đúng đâu. Gọi cha mẹ là "giời" cũng chưa xứng. Đã đành là "chú như cha, thím như mẹ". "Sảy cha còn chú". Nhưng cha mẹ phải là cha mẹ chứ. Mấy thằng ở tỉnh theo cha mẹ về làng tôi chơi. Tôi rất lạ: Nó gọi cha mẹ là "cậu, mợ". Nghe rất sang trọng nhưng mà tôi vẫn thấy không thể được!
Tôi đánh bạo, tôi gọi cha, mẹ là "thầy, u". Không ngờ, về sau, tất cả anh em tôi, cả con nhà bác Ký Hồ cũng gọi như vậy, gọi quen rồi! "Thầy ơi!", "u ơi"...

*
* *

Bố đi đâu về, không một lần nào là chúng tôi không có quà.
Mở thùng câu ra là một thế gian dưới nước: Cà cuống, niềng niễng đực, niềng niễng cái bò nhộn nhạo. Hoa sen đỏ, nhị sen xanh tỏa thơm lừng. Những con cá sộp, cá chuối, cá chõn quẫy tóe nước, mắt thao láo. Mai mẹ lại có tiền đong gạo rồi.
Bố im lặng, cởi trần ra. Bố ngồi ăn cơm. Khi ngồi, lưng bố hơi gù, bụng mỏng dính, da bụng trùng lại. Suất cơm thường là hai bát chiết yêu úp một. Một miếng sắn, miếng khoai cõng mươi hột cơm. Thấy chúng tôi ríu rít chia quà. Người vừa nhai cơm vừa gật gật đầu.
- Mai đi cắt tóc. Thiên hạ đến lứa rồi!
Bố lẩm bẩm thế.
Bố đi cắt tóc về, không một lần nào là chúng tôi không có quà.
Mở hòm dụng cụ ra là cả một thế gian trên đất: Con sập sành, con muỗm, con bọ bầu to xụ, mốc thếch, ngó ngoáy. Hấp dẫn nhất là những con dế đạp lạo xạo trong các vỏ bao diêm: toàn dế đực, cánh xoăn, chọi nhau phải biết và gáy vang nhà. Bố gọi chung các loại dế biết gáy là "tắc tẩu". Chúng tôi gọi riêng từng loại: con "róc", con "théc , loại bé nhất là "kéc"... theo tiếng kêu của chúng mà gọi. Mong sáng mau để tôi đem chúng chọi với dế của anh Liễn. Nếu nó thắng, anh Liễn lại bảo:
- Dế của thầy mày bắt mà lị!
Mùa đông hết dế. Bố có thức quà khác. Hôm nào về, bố cũng cho một cái gì. Lạ thật, sách ở đâu mà lắm thế. Tiền đâu mà bố mua? Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Phan Trần, Tam Quốc chí, Tứ tài tử, Cổ học tinh hoa, Nhị thập tứ hiếu. Đấy là những truyện bố bảo phải đọc. Những người được vẽ ở bìa, ở truyện cứ múa trong cả mọi lúc tôi ngủ mê. Tôi nhớ mặt từng người. Họa sĩ vẽ giỏi thật. Tôi khóc nức nở khi Cúc Hoa hiện trên mộ thăm hai con Nghi Xuân - Tiến Lực. Tôi muốn được như Lục Vân Tiên. Nhưng tôi không biết trên đời này, có Nguyệt Nga thật không? Có lần bố bảo:
- Chúng nó dốt bỏ mẹ mà mua bao nhiêu truyện về xếp đống bỏ đó. Thầy lấy về cho mày! Hãy đọc đi. Đọc cho cả u mày, cho các anh các em mày nghe.
Bố dạy cách đọc. Cách đọc ngân nga. Đến nỗi u tôi phải giải chiếu ra sân bắt tôi ngân nga, có lúc nỉ non. Tôi phải ngừng lại lau nước mắt, hình như u cũng sụt sịt.
U không biết chữ nào mà sao hiểu đến thế. Tôi cứ đọc, có chỗ không hiểu truyện nói gì, u tôi nói luôn. U giỏi thật!
Quà của bố còn là cái ngòi bút cũ, quyển sách người ta viết dở. Bố bảo phải tập viết. Nếu họ viết mực tím thì mày dùng mực đỏ. Nếu họ viết mực xanh thì mày dùng mực tím, viết đè lên chữ của họ, hoặc là viết dặm giữa hai hàng chữ họ.
Quà của bố, làm tôi giàu quá!

*
* *
Cái Bảng sang ở nhà bà ngoại. Nó về chơi. Mới đến cổng là nó đã hát. Mỗi lần nó hát một bài hát mới. Lúc thì sa mạc, lúc thì trống quân, lúc thì cò lả, lúc thì hát ví nhưng nhiều nhất là giọng quan họ. Nó khoe mợ Năm dạy hát, dì Thường dạy hát. Miệng nó hát, tay nó ôm lấy cuộn lá dứa. Lá dứa về chiều bao giờ cũng ngọt lừ. Anh em tôi quây quần tước lấy lõi ăn "tiệc". Lúc nó đi, tôi nhớ, cầm cái tay mũm mĩm bé bỏng ấy tôi cắn khẽ. Cổ tay nó thơm thơm.
Một hôm nó đùng đùng bỏ nhà bà ngoại, về. Nó mặc quần cộc rách. Tay nó không thơm nữa. Suốt ngày lấm láp, trơ những xương là xương. Thế mà nó cứ hát cả ngày. Nó tha thẩn khi thì gốc đu đủ, khi thì gốc vối già, khi thì gốc mít. Nó hát hay lắm:
Con cò là con cò kỳ
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô.
Nó toàn chơi một mình. Tôi ngủ, nó vẫn hát nỉ non ở sân, ở góc vườn.
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Con đi bắt ốc, kiếm rau mẹ thì....
Rồi một hôm nó đi đâu. Đến thổng buổi nó lê về. Bàn chân đầy máu. Nó lăn ra góc sân. Một mảnh sành cứa toác ngang gan bàn chân. Giò cua được dăm con. Nó không khóc. Vừa được buộc chân xong, máu vẫn chảy ri rỉ, nó lại hát...

*
* *

Có gì đâu? - Miếng bánh đa của nó đã bé, tôi lại bẻ trộm của nó một nửa...
Có gì đâu? - Chén ngô rang, anh Thả lấy của nó vài hột. Có gì đâu? - Bát cơm, anh Thả đơm cho nó nhiều sắn quá...
Mỗi lần thế, nó lăn đành đạch ra đất. Nó khóc rất lâu, không ai dỗ được, cả xóm đều nghe thấy, khóc như xé vải, khóc đứt ruột. Nó luôn luôn bị bệnh ho gà. Càng khóc nó càng bị ho. Có lúc cơn ho làm lặng đi rất lâu. Nó lăn cạnh mâm cơm, mèo chó giạt đi. Bố hiền thế mà bố phải rút cái roi. Bố đánh. Bố giận quá, bố đánh đau lắm. Khi lưng cậu ta, mông cậu ta đầy những vết lằn ngang, lằn dọc cậu ta mới chịu ngồi dậy. Nó rất dạn đòn. Nó nín vì quá mệt rồi. Tôi và cơm cho nó. Nó vừa ăn vừa nấc. Nước mắt rỏ ròng ròng. Bát cơm chan nước mắt. Nước mũi, nước dãi cũng thi nhau rỏ vào cơm. Nó cứ ăn, cứ nấc.
Ăn xong, nó cứ trần truồng đi xiêu vẹo ra cổng. Chơi chán, nó lại lảo đảo về. Biết nó hay hờn dỗi mà cả nhà khó tránh quá!
Tôi cứ nghĩ bụng: Em Tịch ơi! Đến bao giờ thì em hết ức, hết hờn?...

*
* *

Ba anh em tôi đang đánh đáo tường ở góc sân. Tự nhiên anh Thả reo lên:
- U về, u về chúng mày ơi!
Chúng tôi ngừng lại tất cả, nhìn ra cổng. Tâng hẩng! Anh Thả hay có thói như thế.
Đến trưa, ba anh em đói mèm. Anh Thả lại reo:
- U về! U về!
Chúng tôi tiếp tục chơi đáo. Chả ai tin. Cái reo của anh Thả vứt đi!
Xế chiều, bác Ký bảo anh Hồ, anh Liễn mang sang ba bát cơm. Vừa ăn xong, anh Thả nhìn ra cổng lại reo lên:
- U về! U về thật đấy, chúng mày ơi!
Lần này chúng tôi vẫn không tin... Nhưng mà u về thật. U đặt quang gánh xuống giữa sân. Mồ hôi ướt hai bãi ở hai vai áo. Khi mở thúng ra, có ba chiếc bánh đa. U bảo: "Cứ mỗi đứa một cái".
Hôm nay, u đi tận chợ Chì. Chợ Chì ở đâu nhưng tôi biết là xa lắm.
Chợ Chì là chợ Chì xa
Chồng mong, con khóc, chém cha chợ Chì
Có hôm u còn đi tận chợ Roi. Chợ Roi xa tít mù tắp. Đứng ở quê ngoại mà nhìn thì chợ Roi ở tận chân dãy núi xanh xanh kia: Người ta gọi là núi Leo, núi Cáu.
- U về, u về, u về!!!
Thằng Tịch reo lên. Khi thằng Tịch reo lên như thế, ai cũng phải tin. Mỗi khi u đi nó lăn ra đất, nó chạy ra cổng, nó gào, nó khóc. Nó khóc đến nửa ngày, nấc lên. Nó khóc mệt thì thôi chứ không ai dỗ được. Nên bao nhiêu lần nó reo lên "u về, u về" thì đấy là thật.
U về! U về thật. Chúng tôi quây quanh u, mở đôi thúng. U chả nói chả rằng. Bao nhiêu quà: ông phỗng hiền như bụt, ăn no, bụng phưỡn ra, hở cả rốn. Mặt trắng, bụng trắng chỉ có môi là đỏ. Ba ông, màu sắc sặc sỡ, ngồi ghế, che tàn. Các ông gầy nhom, đội mũ cánh chuồn. Người ta gọi ông là tiến sĩ. Ba quả bưởi lựng mùi thơm. Một bánh thuốc lào, sợi vàng ươm, bọc quanh bằng lá chuối khô. U bảo đấy là quà của thầy. Hôm nay u mua nhiều thế! Hình như tôi thấy là u đói! U bảo: "Tối nay, chúng mày trông giăng. U nấu bánh đúc lạc, tha hồ ăn".
Tháng ba, ngày tám thường là đói. Nhưng năm nay được mùa. Rằm tháng Tám này chắc nhà nhà đều vui. Đến như nhà tôi mà cũng vui cơ mà!
- U về! U về!
U đi gặt thuê cho nhà bà Xã đã về! Váy u còn xắn đến đầu gối, lấm tấm bùn. U thắt bao tượng màu đã bạc như màu nõn chuối khô. Người u tỏa ra mùi lúa mùi bùn. U tháo thắt lưng ra, rốc rốc: Cà cuống, niềng niễng, muỗm, những cọng rạ đầy trứng cà cuống... Anh Thả đốt bếp lên. Một lát sau, ba anh em ngồi ăn: Những con muỗm, thơm vàng, béo ngậy. Cà cuống "chết đến đít còn cay", vị cay ngan ngát. Niềng niễng giòn thơm. Trứng cà cuống lép bép, lép bép...
- U về! u về!
U đi ăn giỗ về. Lần thì trong tay u cầm một bọc, bọc bằng lá sen. Lần thì u cầm một bọc, bọc bằng lá khoai, lần thì lá chuối đã nướng đi rất dẻo. Trong các bọc ấy toàn thịt mỡ thái to, xôi gấc còn đầy hột, chè đỗ xanh từng cục, từng miếng chứ không thành đĩa... Khi mở ra, anh em tôi vừa bốc, vừa nhúm hết veo...
- U về! U về!
Nhiều lần u đi chợ về, u cắp nghiêng cái thúng. Chúng tôi biết như thế là chả có gì, chúng tôi vẫn reo lên: "U ơi! U về! U về!" Bao giờ, u đặt thúng xuống, anh Thả cũng ra mở thúng trước tiên: Dăm bơ gạo tấm. Một "men" giấy cho tôi đi học. Cục mực tím óng a óng ánh bọc trong mảnh giấy bản... Nhưng u chả bao giờ quên mua quà: Mươi củ khoai luộc. Chiếc bánh đa. Vài đận mía:
- U về! U về!...
Tôi cứ ngẩn ngơ: "Ước gì mình cứ bé mãi để được reo lên: U về! U về! Ước gì u cứ sống mãi để chúng tôi được reo lên: U về! U về!"

 

<< Bà nội | Những đồ dùng biết nói >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 891

Return to top