Vào một buổi chiều giáp Tết, gió se se; thầy Dung thắng bộ quần áo tây tim tím, ca vát tím, mũ nồi tím. Thầy say rượu đến mấy, quần áo cũng không xộc xệch bao giờ.
Chúng tôi đã vào lớp đủ, phăng phắc. Đôi mắt thầy màu gấc chín. Đôi mắt thầy quét một loạt điểm mặt trò.
Thầy quay mặt vào bảng đen rồi quay ra nhìn chúng tôi:
- Em nào lau bảng chiều nay?
- Thưa thầy, em ạ!
Từ đầu hàng ghế đầu, tôi đứng phắt dậy thưa với thầy như thế. Tôi hiểu ý thầy, chạy lên, cầm cái giẻ xuống xin nước, giặt nhờ chú Ất. Tôi lau lại, bảng đen nhẫy.
Không chờ bảng khô, thầy vén ống áo phải, cầm viên phấn, vung tay từng chữ:
"Fête du Tết". ( Ngày Tết )
Bảng khô đến đâu, chữ hiện đến đấy như thần thoại : "Fête" màu đỏ "du" màu trắng, "Tết" màu xanh biếc. Nếu ai bảo những chữ đó như rồng bay cũng được, nếu nói như phượng múa cũng đúng.
Thầy ngất ngưởng đi về phía tỉnh.
Chúng tôi kéo nhau như rồng rắn đưa thầy đến cuối làng. Bóng thầy mờ trong gió sương lam.
Không hiểu vì sao thầy cứ buồn mãi thế, hết năm này qua năm khác. Cứ Tết sắp đến, thầy là người đầu tiên gây cái Tết trong mỗi chúng tôi.
*
* *
Tết thật rồi ! - Tờ mờ sớm mồng Một, tiếng guốc sơn "các côông" ròn trên các sân gạch. Tiếng pháo ran xóm Đông, mùi thơm nhập vào mùi thuốc pháo xóm Tây, phả sang xóm Trại, ngây ngất. Xóm Trại gần như im tiếng. Chỉ có chú Chàng đốt một bánh mà thôi. Rạch tạch đùm...
- Đói ngày giỗ cha - no ba ngày Tết. Ra giêng có treo niêu cũng hả cái dạ!
Thầy u tôi bảo thế. Chúng tôi no thật là no. Cứ thịt mỡ dưa hành, bánh chưng mà đả.
Đường cát trắng tinh. Kẻ đi giày, người đi guốc, người đi dép da trâu, người đi đất. áo cánh gián. áo trắng. áo nâu non. Quần láng, váy lĩnh, áo the, khăn xếp... rợp. Con giai lớn tuổi mặt hồng vì rượu. Con gái vì giầu cay, môi đỏ như son, đỏng đà đỏng đảnh. - Ai buồn cũng thành vui. Ai vui sẵn thì cười nói hết cỡ. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Tiếng chào hỏi chúc mừng ríu ra ríu rít. Có người hằn thù nhau suốt một năm. Cái Tết xóa sạch! Họ nhà tôi đánh nhau chí tử với họ nhà ông Tuệ. Cái Tết về, hai họ quên hết, khi gặp nhau, người người vui ra mặt.
Ông Tấn được con cháu mời ăn. Ông hát vang đường làng:
- Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
Tháng Tư đong đỗ nấu chè...
...
Ông hát từ xóm Đông, qua xóm Tây đến xóm Trại, về đến nhà thì bài hát hết tháng Mười Hai... Bài hát kể toàn chuyện ăn chơi quanh năm ngày tháng. Hát xong, ông cười nói một mình:
- Thế mới thú chứ! Nam vô tửu như kỳ vô phong! Phải lắm! Hay lắm!
Một trăm lần say rượu, ông đánh vợ chửi con (chị Phấn) chín - mươi - chín lần. Nhưng Tết tuyệt nhiên, ông rất hiền, rất thật, và hơn tất cả mọi người. Bà Tấn đảm đang, nhẫn nhục, tần tảo, cúc cung tận tụy với chồng có lẽ đến chết cũng thế.
Tôi đến nhà ông Du để bảo anh Viễn hát cho nghe. (Anh đi ở trên tỉnh, Tết mới có nhà). Anh hát hay nhất làng. Cả nhà đi chơi chỉ còn ông Du. Ông say rượu, hát ríu cả lưỡi. Ông nằm, phơi bụng ra. Ông vỗ bụng bành bạch lấy nhịp; hát một mình:
- Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi
Ngồi trâu, thổi sáo, vui đời Thuấn, Nghiêu.
- Cháu chào ông ạ!
- Ừ chào cháu. Bố mày có nhà không?
- Thầy cháu sang Vân chúc Tết rồi ạ.
- Ông ơi! Cái thời Nghiêu, Thuấn là thế nào hả ông?
Ông thích lắm, ông ngồi hẳn dậy, đôi vai rung rung: cái đầu lắc lư, ông nói một lèo:
- Cái thời vua Nghiêu vua Thuấn ở tận bên Tầu cơ. Thời ấy quốc gia thịnh trị, thiên hạ thái bình, của nả đầy nhà đầy cửa, ra đường thấy của rơi không ai nhặt. Đêm đêm nhà nhà không cần đóng cửa, nuôi chó như thừa... Còn cái thời khốn nạn này, cái thời này... - Ông ôm mặt khóc hu hu.
Tôi biết rằng cái khóc của người đàn ông mà lại cao tuổi thì đau đớn lắm. Tôi cũng rưng rưng, khẽ lẻn ra khỏi cổng rong. Tiếng hu hu vẫn vẳng theo tôi...
Một cái Tết thoảng qua như cái nắng chiều hôm.
Tôi đi qua đình. Lạnh ngắt. Giời giở rét ngọt, rét buốt. Nhìn thấy cây nêu ngất ngưởng trụi lá trước sân đình, tôi mẩm bụng: A, còn ba hôm nữa lại Tết, Tết hạ cây nêu. Nhà nào có, lại ăn Tết một ngày, lại gói bánh chưng.
Nhà tôi thì không bao giờ ai biết Tết hạ cây nêu là cái gì. Cái tôi mong nhất bây giờ là ngày làng vào đám. Tôi bấm đốt tay: Mười một hôm nữa.
Ông Tấn đã lảo đảo cười nói một mình, ông nói đến khàn cổ. Ông dừng lại ở cửa đình, chỉ thiên, chỉ địa rồi ngẩng mặt, ông cười với hai con nghê ngồi tít trên hai cái trụ cửa đình:
- Mũi mày to bè bè. Miệng mày cười ngô nghê. ấy thế mà chúng mày sướng. Chúng mày cứ nhăn răng cười hàng trăm hàng chục năm nay. Mày cười chúng tao à? - Không phải? - Mày cười làng tao à? - Cũng không phải! Mày cười ông giời à? - Phải rồi! Mày đúng, tao yêu mày, tao phải trèo lên tao ôm chúng mày mới hả cái bụng cái dạ!
Ông trèo lên thật. Tôi rất là thích ông, ông thân với thầy tôi lắm. Tôi lặng im nghe ông nói nhưng bây giờ tôi phải gào lên:
- Chú Ất ơi!
Chú mõ nhảy bổ từ túp nhà ra. Chú khỏe lắm, hai tay chú ôm lấy bụng ông Tấn:
- Con lậy ông, ông về không thì ngã chết.
- Ừ phải. Ta nghe anh.
Tôi theo sau ông về tận vườn chè xơ xác của ông.
Ngày đình đám ập đến như một giấc mơ. Cờ thần cờ thánh óng a óng ánh, tua múa quanh cờ, rợp sân đình.
Hai hàng vệ sĩ hệt hai hàng tốt xanh tốt đỏ Các anh khoác những chiếc áo lậu cao tiền, áo dài nhưng cộc tay. Tay chống xiêu, đao, mã tấu, gươm dài... Trống cái mới bưng, cái chiêng đồng có cái vú ở giữa bằng cái gáo dừa úp lên, chiêng mới đánh trấu vàng chóe. Trống và chiêng treo trên hai giá đỏ cuối hai hàng vệ sĩ. Hai anh lực điền thắt lưng nhiễu điều cầm lăm lăm hai cái dùi bằng gốc cây dứa dại to xù. Các anh bắt đầu vung tay nện thẳng cánh. Tùng, bu, tùng, bu... ba hồi. Cả làng gần xa nghe tiếng, ai cũng chạy tất tưởi về đình. Sau hai tràng pháo, khói mờ giời, hơi khét nồng sân đỏ thắm. Cụ chánh hội mặt đỏ, râu trắng dài như tiên ông, quỳ giữa chiếu hoa. Trang văn tế óng vàng như lụa. Cụ nâng trang văn, giọng văn tế sang sảng dội vào cung, lan ra sân đình, mọi người lặng nghe "Duy Việt Nam Bảo Đại thập ngũ niên... Trung thôn, Sơn Trung xã, Sơn Nam tổng, Từ Sơn phủ, Vũ Giàng huyện, Bắc Ninh tỉnh...". Trẻ con mà tôi cũng biết bài văn tế năm nào cũng vậy, chỉ có điền vào Bảo Đại thập ngũ, sau là thập lục, năm sau nữa là thập thất cứ thế, trừ khi vua băng hà hoặc bị truất quyền thì toàn dân thiên hạ khi đọc văn tế là niên hiệu vua mới từ đệ nhất niên giở đi...
Tế lễ xong, những nong thịt lợn lộc thánh đã ken chật sân đình. Bọn trẻ con chúng tôi bao giờ bố mẹ cũng giao cho cái quyền đi lấy phần. Rổ đội đầu, rá cắp nách, mắt đứa nào cũng cắm vào nong thịt, rồi lia vào hai bàn tay chú mõ. Chia phần đến mức có bằng phải là chú mõ Ất. Ấy thế mà chả năm nào tránh chuyện cãi nhau, miếng to, miếng nhỏ, miếng ngon miếng tồi... mày tao chí tớ văng đéo văng lắt trước mặt thánh, trước mặt đàn anh.
Những cái sự to tiếng ấy phát ra từ mồm bố những đứa trẻ. Trăm dâu rồi lại đổ lên đầu tằm. Chú mõ gánh chịu, chỉ cần hở miệng ra là chú bị ăn tát. Chú cứ im như hến. Chú biết cái thân phận chú ai đánh cũng được. Đầu bạc mà phải chắp tay "cho con xin lỗi... . Ngoài sân đang láo nháo, chia phần thì trên sân đình thượng các bậc đàn anh quăng chai, quăng bát loảng xoảng: "Cha sư mày. Miếng ăn giữa làng bằng một sàng xó bếp. Được ăn thế này là phải ăn cho tử tế, nào ngồi xổm, nào bốc, nào nhúm, nào tu... cái tổ sư mẹ mày!".
Tiếng chửi lại, đanh hơn:
- Thì mày ra cái thá chó gì mà tao phải ăn, phải nói tử tế với mày. Ban ngày mày giả vờ như thần. Ban đêm mày lại lần mần như ma...
- Cút! Xéo ngay!
- Tao đếch cút, tao đéo cút. Tao đóng tao góp tao mua chức bán quan, bán đến cả váy vợ tao mới có cái chức cái quyền ăn trên ngồi trốc thế này chứ tao ăn không à?
Xoảng, xoảng, xoạch, choang... rượu đổ lênh láng, chai vỡ, bát mẻ... thịt mông, thịt thăn, thịt xấn, thịt thủ, tim gan, lưỡi lợn tung tóe!
Ngoài sân:
- Nhà tao sáu suất cơ mà! Sao lại ít thế này hả mõ?
- Sao phần nhà tao lại nhiều thịt bụng! Mả cha mày. Mai tao thưa với các bậc đàn anh đuổi mẹ mày đi! Thay thằng mõ khác...
Tôi cay cay ở sống mũi khi nhìn chú mõ. Một mình chú chia hàng mấy trăm phần la liệt. Đến mời ông thánh ra đây chia phần cũng chả tránh được điều nọ tiếng kia.
Nhà tôi được bốn phần gần đầy cái rá. Phần của những người đàn ông, con giai. Còn u tôi, cái Bảng là đàn bà con gái thì không được chia phần.
Hôm nay anh Thả sang bà ngoại. Nếu không thì bao giờ anh cũng đi với tôi. Hai anh em mang phần về, anh nhìn trước nhìn sau không có ai, anh gạ:
- Vào bụi tre ông Tuyên!
Thế là tôi biết ý. Hai anh em ăn vụng. Tôi ăn miếng nhỏ, đút lọt thỏm vào mồm. Anh ăn miếng rõ to, bị nghẹn đỏ mặt tía tai. Môi anh nhờn ra. Hai anh em lấy vạt áo lau lau mãi rồi mới về. Tôi cười chảy nước mắt. Anh quát:
- Cười cái gì, có im đi không? Lộ hết bi giờ!
Đến đầu sân, anh rỉ tai:
- Mày mang vào nhà. Tao sờ môi còn nhờn lắm. Anh Thư biết chỉ có mà chui xuống đất.
Tôi treo thịt lên. Chó treo mèo đậy mà lị.
Tôi chạy ra đình. Đàn em lấy phần xong, ai về nhà ấy. Đình trong, các bậc đàn anh vẫn chửi nhau loạn xạ. Đến Thành hoàng cũng phải sợ rúc vào trong cung thâm nghiêm, âm u và im thin thít.
Hai con nghê cứ ngồi vắt vẻo đỉnh trụ cao ngất, nhăn răng cười...
*
* *
Thùm thùm thùm... Beng beng beng... Bong bong bong... Đừng ai giật mình: Đây không phải trống vỡ đê. Mà là trống hội, trống vui nổi đình đám: Trống vật.
Các đô vật đã chỉnh tề, chỉnh tề đối với đô vật là cởi trần đóng khố xanh, đỏ, tím vàng.
Đôi đầu tiên ra bãi. Hai người đi song song lên đền. Hai bàn tay ngửa xếp lên nhau cứ thế mà đi đến gần người đánh trống cái, rồi quay ngoắt lại giữa sân cả hai, vỗ đùi đét, đứng trung bình tấn rồi xông vào nhau. Đụng vào nhau lại lùi, lại xông vào nhau...
Bác Bát lại phải gặp bác Bàn
Chú Chàng lại phải gặp bác Phối
Chú Nhuận lại phải gặp bác Sướng
Bác Dương lại phải gặp bác Tráng
- ...
Đôi đầu tiên này là bác Bát, bác Bàn
To nhón là một nhẽ, nhưng phải có mẹo.
Hai bên khóa tay nhau xoắn như thừng bện là lúc găng nhất. Tiếng trống cái rộ lên như có thể bục. Tiếng thanh la đinh tai gắt bỏng. Cái trống khẩu bé thế mà cũng nỏ miệng gí sát tai đô vật - cái sân cát mịn đã tưới mà vẫn bụi lầm.
*
* *
Tơ rung tung beng, tơ rung tung cốc, thùng thùng... Cả làng đứng vòng trong vòng ngoài. Chiếu hoa giải kín nền giao lương. Các chú kéo nhị, gảy đàn mặt hồng lên, đầu lắc lư, chân xếp tròn. Ông Phó lý hôm nay cầm chầu. Ông có tiếng hào hoa phong nhã.
Ông kép Thình hát giào đầu. Ông hát xong, mọi người xôn xao:
- A tái hồi Kim Trọng, hay hay!
Đàn ông chớ kể Phan - Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều
Cái làng này bướng lắm. Thích gì chơi ấy. Năm kia, mời phường chèo về vác Phan Trần ra diễn...
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu
Có lần anh Viễn vác cái đàn bầu ở tỉnh về chơi, giữa Rằm tháng tám, anh ngồi giữa sân đình gảy... Tích tịch tình tang... cao vút mây xanh, tiếng đàn li ti... Trầm hẳn đáy giếng ngọt lịm. Cả xóm, sau đến cả làng thâu đêm suốt sáng nghe tiếng đàn bầu anh Viễn. Người nghe, nhiều nhất vẫn là con gái. Các cô, các chị nghe tinh lắm. Nếu ai nghe không tinh thì tai mình hóa tai trâu... Giăng sắp lặn đỏ ối phía Đoài, anh Viễn được thưởng bao nhiêu tiền.
Năm nay diễn Kiều. Thế mới ghê chứ! - Giai, gái cái làng này chả có xảy ra cái chuyện gì lôi thôi. Yêu ra yêu. Ghét ra ghét. Đa tình lắm nhưng mà rất thầm kín, duyên dáng.
Buổi chiều tôi nhìn trộm hai cô nữ. Hai cô cũng thường thôi về nét mặt nhưng lưng đều lưng ong. Ấy thế mà khi ra chiếu chèo: Kiều, Thúy Vân như hai người khác đẹp gấp mười lần ban chiều. Hai cô có liếc ngang, liếc dọc gì đâu, hiền như Kiều, như Vân... ấy thế mà khi hát, hai cô luôn luôn được ông Phó lý cắc vào tang trống. Tiếng cắc to lắm! Mỗi lần cắc là một đồng tiền thưởng lăn keng, quay tròn trên mâm thau đồng lóng lánh, nghe sướng cái tai, nhìn mát cái mắt - khi về, tôi với thằng Diễn cứ cãi nhau:
Tôi:
- Tao thì tao đếch cho tái hồi. Cái anh chàng Kim Trọng như giai lơ. Bạch diện thư sinh. Suốt một đời ăn trắng mặc trơn ra sung vào sướng. Thúy Kiều lận đận dặm đường xa vắng thì đã có Thúy Vân. Ới giời ơi: "Rắp tâm treo ấn từ quan - Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua" để tìm Kiều. Nhưng bao lần chỉ là "rắp tâm". Anh ta nói phét đấy, đừng có tin! Khi đọc truyện tao lại mê anh Từ Hải. Phải, Từ Hải mới xứng với Kiều. Bên lửa rực hồng. Bên nước biếc xanh!
Diễn:
- Tao lại thích Kim Trọng. Anh ấy văn nhân. Hồn hậu. Yêu Kiều thật...
Tôi cắt ngang:
- Anh ấy là cái đồ tán gái. Cái gầm giời này có hàng ức người như thế, cứ gì Kim với chả Trọng. Hôm nọ bình truyện ở nhà tao, anh Hồ, anh Bôn cũng nghĩ y như tao - Lạ thật, nhiều người cứ mê anh chàng Kim Trọng! Anh ta có cái khỉ gì nhỉ!
Diễn ta có cái thói, khi cãi nhau gần đuối lý thì văng ra:
- Tao đếch cãi nữa. Tao đấm cái củ "xê" vào!
Chắc đêm nay nó bực tôi. Ấy thế nhưng mà nó tốt lắm. Mai nó lại cười hề hề đến chơi với tôi cho mà xem.
Đêm mười sáu, diễn tích "Lã Bố hí Điêu Thuyền".
Cả làng được một mẻ cười vỡ bụng. Các chú, các cô phường chèo khéo thật. Đêm trước cho làng dở khóc dở cười. Đêm nay cho làng cả bữa cười.
Vẫn cô nữ đêm qua sắm vai Kiều. Đêm nay, cô sắm vai Điêu Thuyền. Đêm trước hiền hậu đáng thương bao nhiêu thì đêm nay đĩ thõa bấy nhiêu: mắt ngang mày dọc, cô liếc đến đứt mắt, mắt sắc như nước, như lưỡi dao cau. Đêm nay ông Lý cầm chầu - cô liếc Lã Bố năm phần, còn năm phần cô liếc cả sang ông Lý - ông Lý nổi tiếng là cầm chặt dùi. Điêu Thuyền liếc ông như thế. Lã Bố bụng phệ, cười hay đến thế mà mãi ông mới gõ "cắc" vào tang trống, tiếng "cắc" khô khốc; đồng tiền "keng" một cái cũng khô khốc. Vì ít tiền, mâm đồng rộng thênh thang, đồng tiền cứ tha hồ quay tít mãi trước mặt ông Lý. Cả phường ai cũng buồn ra mặt. Buồn nhất là ông Kép Thình. Đêm chèo đã tan, tiếng cười còn lan trên các lối về.
Họ kháo nhau inh cả lên, khen hai cô nữ đẹp. Gái Nga Hoàng mà lị! Khen cả cái anh đóng vai Kim Trọng anh đóng vai Lã Bố. Giai làng Ngang chè Dọc mà lị.
Ông kép Thình, ông kép Phương mà đã đi thiên hạ chọn quân thì khét tiếng.
Còn đêm nữa, gánh hát của ông mỗi người mỗi ngả, cày thuê cấy mướn mà sống cho qua ngày đoạn tháng. Tháng Chạp mỗi năm ông lại gọi tụ tập: ôn vở cũ dựng mới.
Chiều vật, tối chèo cứ thế ba ngày, ba đêm.
Người được ăn thịt ăn thà, được xem hội xem hè. Trâu bò bị nhốt - được ăn Tết bằng rơm - Sớm ngày thứ tư, chúng được tháo toang, rời khỏi chuồng chạy như điên trên đồng, gặm lấy gặm để những bờ cỏ non biếc. Trẻ con nhớ hội hè đến ngơ ngác. Chúng nó ngồi vắt vẻo lưng trâu hát rằng:
Chim ri mệt mỏi, ở nhà
Sáo sậu trong tổ chạy ra chia phần
Bìm bịp thì đánh trống quân
Chim chích mặc quần đánh mõ theo sau...
Trước mắt chúng tôi, các loài chim cũng nhảy múa giống như người. Cái hoa biết cười, cái lá biết vẫy...
Gánh hát ông Thình đã ra đến sông Đào. Bóng mờ mờ. Chắc chắn là nhiều con mắt nhìn theo...
*
* *
- Bốn cột khen ai khéo khéo giồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới...
Ấy ngày xưa, cái thuở phong đăng hòa cốc, những bãi đu thế này cũng có cờ lá chuối lụa rợp trăm màu. Con gái lên đánh đu đội khăn mỏ quạ đỏ, yếm đào, áo tứ thân vàng, thắt lưng xanh, váy lĩnh rộng tuềnh rộng toàng, bên trong là quần hồng. Con giai khăn rìu đỏ, áo lụa cánh vàng, thắt lưng nhiễu điều quần hồng...
Khi chúng nó đánh đu nhìn mới sướng làm sao.
Bi giờ cứ nghèo dần, giản tiện dần. Con trai con gái cứ quần áo Tết mà mặc lên đánh đu.
Ha ha! Thế cũng xong.
Ông Tấn say, ông hiểu biết nhiều điều đến thế. Mấy câu thơ ông moi ở đâu ra mà hay vậy. Ông vừa hát, ông vừa giảng giải.
Tôi vừa nghe ông Tấn, mắt vừa hoa lên nhìn hai người đánh đu. Anh Xoa, chị Tám - anh đẹp giai, chị đẹp gái nhất nhì cái làng này. Anh chị bay cao quá, các cột đu rung lên. Cái nóc đu kẽo kẹt. Dân làng đứng chật cái sào ruộng màu, đất tơi như cám.
Rồi tiếp đến anh Bao, chị Bạch - chị Bạch đúng như cái tên. Chị trắng lắm.
Khi hai người đã rướn cao ngang nóc đu, dưới hò reo. Ai ăn giầu phải ngừng nhai. Trẻ con ăn mía cắn dở cứ để im trên môi tấm mía, nước chảy ròng ròng xuống tay. Các ông già đôi mắt đã mở cùi nhãn cứ ngẩng lên cúi xuống nhìn theo hai người đu. Mặc cho tóc bạc phơ, tuột cả búi hành, rối tung.
(Tôi sực nhớ làng bên kia núi vào một mùa đu, có chị con gái rất xinh, khi đu đến ngang giời, giải rút quần đứt phựt. Chị buông tay đu giữ quần. Chị bị hất ra khỏi đu, quay mười vòng cắm đầu xuống đất. Giữa mùa xuân Tết, đám ma chị dài suốt bờ đê. Cả làng cả vùng thương chị. Nhưng năm sau vẫn mở hội đu. Chính anh con giai đu với chị năm trước, năm sau đánh đu với người con gái khác. Khi đu ngang nóc, có thể là anh mải ngắm chị, một tay bức khỏi cần đu, tay kia yếu tuột nốt. Anh bị hất tung ra khỏi đu, quay tít. Nhưng lạ quá! Vừa sắp đến đất, anh đứng phắt, tay chống háng, mắt tròn xoe, miệng mỉm cười. Nhiều cô gái mê anh từ đấy. Bi giờ thì anh đã có vợ. Vợ anh là cô gái mê anh nhất hôm ấy, đeo đẳng anh mãi...).
Tôi mải nghĩ, chỉ thấy cái đu loáng thoáng vèo vèo qua mắt. Mọi người đã reo lên. Anh Bao, chị Bạch hai người đi sóng đôi nhập vào đám người xem.
Anh Bao vỗ vai tôi, anh vừa thở vừa nói:
- Anh có lá thư tình viết sẵn. Mai em chép cho anh, vì chữ anh xấu cô ta chê. Giấy hoa tiên vẩy nước hoa. Nếu cần chữa em cứ chữa cho hay vào!
Tôi gật đầu lia lịa.
Hội đu mấy ngày cũng không ai chán.
Tan hội đu, cái sào ruộng gió mùa lạnh ngắt, xóa mờ mọi dấu vết.
Ông Tấn đi qua, ngất ngưởng ngắm bãi đu, ông lại hát rằng:
Chơi xuân có biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Không biết ông moi đâu ra những câu hay đến vậy!
*
* *
Thầy Thiệp ở làng Sơn Nam (thuộc tổng Sơn Nam) thay thầy Dung, cái ô mốc, cái áo lương sờn, dép Gia Định bạc phếch. Cái khăn xếp thì mới. Răng thầy đen, khi thầy cười ai cũng phải thích. (Đàn ông rộng miệng thì sang). Bàn ghế kê ngay ngắn chật nhà giao lương - Chữ "Fête du Tết" của thầy Dung lau mãi vẫn còn hằn...
Chữ thầy Thiệp đẹp, rõ ràng ngang bằng xổ ngay. Thầy Thiệp bằng tuổi thầy tôi.
Thầy gõ "cạch" vào bảng. Cả lớp đồng thanh:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai giồng đỗ, giồng khoai, giồng cà
Tháng ba thì đỗ đã già...
Tiếng trầm, tiếng bổng rộn cả làng, vọng vào núi tiên, dội ra cánh đồng.
Lúa xuân xanh biếc đến chân giời. Gió vờn lúa thành sóng đuổi nhau, cò trắng từng đàn. Chim bồ câu của chú Chàng sinh sôi nảy nở bay rợp giời nghìn, vạn con. Các bác, các anh đô vật và tất cả con giai hai bắp tay nổi lên cuồn cuộn đâu biến thành Thạch Sanh, gương cung, gương nỏ lên giời, những cái gù kim tuyến nghìn màu từ cán cung bay réo lên. Những cô những chị đánh đu ngày Tết và tất cả các chị, các cô trong làng biến thành tiên hay cao hơn lúc bay đu, mây trắng nõn các cô tiên ẩn, hiện, hiện, ẩn...
Tôi đang ngồi học, hai tay khoanh trên bàn ngoan ngoãn nhưng ngẩn như con tò te tưởng tượng miên man như thế!