Hôm ấy là ngày nắng hanh. Mẹ quật gánh ràng ràng xuống sân. Mẹ rên nằm vật vã. Theo lời mẹ, cái Bảng chạy một mạch sang thôn Tự, một lát sau, bà đỡ đã đến. Bà tên là Nguồn, đỡ nổi tiếng vùng này. Lưng bà đã còng, váy áo vá chằng vá đụp. Bà cầm cái liềm. Vừa vào đến cửa nhà bà đã nói: “Xem thằng cu hay cái đĩ nào ? Hay ăn chóng lớn nhá”. Tiếng oe ... oe ... Thằng bé đã lọt lòng.
Cái Bảng cầm cái nồi đất đậy vung. Nó bảo đi chôn rau em bé. Tôi theo. Nó mang ra đặt giữa lối đi, đầu vườn cò ông Tuyên. Lối đi chính của xóm Trại, dưới bụi tre đầy muội. Bảng lấy dao rựa đào đất. Đào một lúc thấy cái nồi đất còn mới, nó bảo: “Nồi rau của anh đây. Bây giờ em chôn rau em bé ở cạnh anh. Thày dặn thế”. Tôi trố mắt như thấy một vật rất lạ. Sao thày lại dặn chôn rau ở đây? Thiếu gì góc vườn, góc trại? Bảng thì chả hiểu gì!
Tối về, thày bảo:
- Ngày xưa có tục, hễ đẻ con giai thì người bố lấy cành dâu làm cung, lấy cỏ bồng làm tên, chạy ra giữa sân, bắn về bốn phương, để sau này lớn lên, người con giai sẽ có chí lớn, tung hoành. Con giai thường hay mắc nợ, gọi là nợ “tang bồng”. Cho nên làm giai phải có chí đi khắp bốn phương trời mười phương đất mà giả cái nợ cho đời. Kẻ nào hèn nhát ru rú ở nhà thì suốt đời mắc nợ. Bây giờ bỏ tục ấy. Tao nghĩ ra cách là chôn rau chúng mày ở xa, giữa đường chính để lớn lên có chí làm giai.
Thảo nào, hai anh tôi mới tí tuổi đầu đã đi xa lắm.
Còn tôi và em giai này, chả biết lớn lên có đi xa hơn hai anh không? Mỗi lần đi qua chỗ chôn rau, tôi nhìn mãi rồi mới bước qua.